Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biển Đông : Chiến lược giữ chủ quyền bằng tầu hải cảnh của Việt Nam và các nước láng giềng

Cơn khát tài nguyên biển đã khiến Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn. Trung Quốc liên tiếp gây sức ép với các nước láng giềng cũng đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông và hăm dọa đối thủ bằng đội tầu chấp pháp (tầu "vỏ trắng"), lực lượng dân quân biển và ngư dân, được quân đội đào tạo bài bản.

haicanh01

Một tầu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tầu tuần tra Việt Nam ở Biển Đông, ngày 02/05/2019. Reuters/Vietnam Marine Guard/Handout via Reuters

Đây là nhận định của ông Martin A. Sebastian, giám đốc Trung tâm vì An ninh và Ngoại giao Hàng hải, thuộc Viện Hàng hải Malaysia, trong bài tham luận đăng trong Nghiên cứu số 73 "Ngoại giao tầu hải cảnh ở Đông Nam Á" (Etude n°73 : La Diplomatie des gardes-côtes en Asie du Sud-Est), do Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) phát hành tháng 03/2020.

Tầu hải cảnh, cùng với lực lượng dân quân biển và ngư dân đóng vai trò gì, có công dụng như thế nào trong chiến lược bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của Việt Nam, cũng như của các nước khác trong khu vực ? Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, một trong hai giám đốc phụ trách tập Nghiên cứu số 73, lần lượt giải thích một số câu hỏi của RFI tiếng Việt.

*****

RFI : Thưa ông Benoît de Tréglodé, Nghiên cứu số 73 - "Ngoại giao tầu hải cảnh ở Đông Nam Á" - của Viện IRSEM nhấn mạnh đến sự hiện diện ngày càng thường xuyên của các đội tầu hải cảnh, còn được gọi là tầu "vỏ trắng" ở các vùng Biển Đông Nam Á. Xu hướng này được giải thích như thế nào ?

Benoît de Tréglodé Chị có lý khi nhấn mạnh đến "tầu vỏ trắng". Về mặt ngữ nghĩa, người ta xếp tầu "vỏ trắng", có nghĩa là tầu tuần duyên, bên cạnh tầu "vỏ xám", tức là tầu của các lực lượng hải quân các nước trong vùng.

Đúng là từ ba thập niên nay, Biển Đông là một khu vực có nhiều nhập nhằng chiến lược sâu sắc khiến các nước láng giềng phải tính đến những phương tiện khác để xây dựng khả năng phản ứng ngoài khơi của họ và thoát khỏi những phương pháp truyền thống, mà vào lúc đó họ không có biện pháp nào hơn, như kiểu tầu hải quân có nguy cơ dẫn đến xung đột liên quốc gia. Vì thế, cần phải xây dựng những phương tiện khác để có thể khẳng định chủ quyền trong một vùng đặc trưng bởi tính mập mờ chiến lược, bởi những vùng xám và thiếu rõ ràng về chủ quyền.

Vì vậy, phải tìm ra được một công cụ mới, một nhân tố mới để có thể hành động trên thực địa. Và tầu hải cảnh được sử dụng vào mục đích đó. Nhưng cũng cần phải đặt lại hiện tượng này vào bối cảnh lịch sử : Quyết định dùng tầu hải cảnh được Trung Quốc đưa ra vào nửa sau thập niên 1990. Sau đó, toàn bộ các nước trong vùng có tranh chấp theo đuổi ý tưởng này. Việt Nam cũng làm tương tự, tương đối muộn, bằng cách thông qua luật về lực lượng Cảnh sát biển vào cuối những năm 2000.

RFI : Trung Quốc có chiến lược gì khi sử dụng tầu hải cảnh trong vùng ? Đâu là khả năng của Việt Nam, cũng như các nước trong vùng, hiện có tranh chấp với Trung Quốc ?

Benoît de Tréglodé : Phải trở lại sự khác biệt về các loại tầu. Ban đầu, các tầu hải cảnh làm đúng nhiệm vụ cảnh sát biển. Chúng xuất hiện ở đó để buộc tuân thủ trật tự, quy định trong vùng biển của một nước, cũng như làm nhiều nhiệm vụ khác như bảo vệ môi trường, cứu hộ ngoài khơi… Còn các tầu "vỏ xám" của lực lượng hải quân là một công cụ cho chính sách đối ngoại, làm nhiệm vụ hoàn toàn khác.

Có một điều thú vị cần nhắc đến, nếu chú ý đến sự thay đổi hoạt động trong khu vực này từ cuối những năm 2010, đó là, từ giờ, chính đội tầu hải cảnh lại đảm nhiệm thêm nhiệm vụ tối cao, có nghĩa là bảo vệ chủ quyền. Nhiệm vụ này không hề được dự kiến ban đầu. Như vậy, có một sự thay đổi hợp lý, như trông đợi, nhưng quan trọng để hiểu được hành động của tầu hải cảnh trong khu vực. Lực lượng này đang từng bước trở thành công cụ bảo vệ quốc gia và điều này hoàn toàn thay đổi so với nhiệm vụ ban đầu.

Tiếc là có khá ít nghiên cứu về lực lượng hải cảnh ở Biển Đông. Nhưng đội ngũ này lại trở thành lực lượng trung tâm trong việc tái triển khai các hoạt động ở Biển Đông từ 30 năm nay, dù lực lượng này được phát hiện hơi muộn.

Tôi xin nhắc lại một trong những hành động mang tính biểu tượng, đó là Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, được ký năm 2000, nhấn mạnh đến hợp tác song phương về an ninh giữa hai nước. Đó chính là một thỏa thuận về cảnh sát biển.

Điều thú vị hiện nay, dường như cả một bộ máy hành chính được triển khai ở Việt Nam, cũng như ở Philippines, Malaysia và dĩ nhiên là cả Trung Quốc, để triển khai và hiện đại hóa lực lượng ngư dân để có thể năng động hơn trên thực địa nhằm giúp Nhà nước truyền thông điệp mà không cần gây xung đột vũ trang, quá trực diện và quá nghiêm trọng. Đây là lực lượng ở cấp thấp hơn nhưng phục vụ cùng mục đích.

Rõ ràng vụ tầu cá Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020 là một bằng chứng cho việc sử dụng những tác nhân mới nhằm phát đi tín hiệu chính trị đối với một Nhà nước. Và hình thức này sẽ tiếp tục được sử dụng trong tương lai. Tại vì, cứ thử hình dung rằng nếu xảy ra một sự cố giữa tầu tuần tra thì sẽ gây ra những hậu quả chính trị nặng nề. Còn nếu xảy ra với đội dân quân biển, thì thiệt hại ít hơn, ít tốn kém hơn, trong khi cả hai kiểu đều cùng hướng đến một mục tiêu.

RFI : Tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 hoạt động ở Biển Đông và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 04/2020. Đi kèm con tầu này là đội tầu hải cảnh và dân quân biển. Lực lượng này có nhiệm vụ gì ?

Benoît de Tréglodé : Một lần nữa, phải nhắc lại là tham vọng hành động của các nước quanh Biển Đông là sử dụng mọi mặt, từ lực lượng hải quân, để tái khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của họ. Đây là hành động mà tất cả các nước trong vùng đang tiến hành. Đúng là hiện nay, tầu "vỏ xám" được sử dụng ít hơn, trong khi tầu "vỏ trắng" lại hoạt động thường xuyên hơn từ khoảng 20 năm.

Giờ xuất hiện thêm nhiều yếu tố khác, như lực lượng dân quân biển và lực lượng ngư dân. Toàn bộ các lực lượng trên biển chủ chốt này đều được các nước sử dụng để khẳng định sự hiện diện trên thực địa.

Trong một vùng có tranh chấp giữa hai nước, lấy ví dụ Trung Quốc và Việt Nam, song song với những tranh chấp, hai nước lại có chính sách hợp tác kinh tế quan trọng và mạnh mẽ, nên khó sử dụng được những nhân tố công kích như Hải quân Quốc gia. Vì thế họ sử dụng những phương tiện "trung lập" hơn, như lực lượng hải cảnh. Nhưng hiện tại, lực lượng này không đủ, nên họ sử dụng cả những lực lượng còn "trung lập" hơn nữa, đó là đội dân quân biển và ngư dân. Có nghĩa là sử dụng cả ba cấp độ khác nhau để khẳng định chung một điều : Hiện diện trên thực địa đang có tranh chấp.

RFI : Liệu Trung Quốc có tranh thủ thời cơ đại dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, để tăng cường hoạt động ở Biển Đông không ?

Benoît de Tréglodé : Tôi nghĩ rằng sự kiện hôm 02/04/2020 một tầu cá Việt Nam bị tầu Trung Quốc đâm chìm ở quần đảo Hoàng Sa không được xem là đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược hàng hải Trung Quốc trong giai đoạn dịch Covid-19.

Các tầu của lực lượng dân quân biển hoặc ngư dân Việt Nam và Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp luôn chơi trò "mèo đuổi chuột". Đây là điều thường xuyên xảy ra, mà sự kiện gần nhất là vào đầu tháng 04/2020. Tiếp theo là việc tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi không biết là có nên xem đó là chính sách tổng thể của Bắc Kinh hay không, trong một năm được cho là rất quan trọng đối với các lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tôi xin nhắc lại là Trung Quốc muốn các cuộc đàm phán gay go về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông mang lại kết quả. Vì thế, phải hỏi ngược lại : Bắc Kinh có lợi gì khi đổ thêm dầu vào lửa trong khu vực này vào năm 2020 và tranh thủ sự lơ là của nhiều nước đang phải chật vật xử lý khủng hoảng Covid-19 ? Thực sự, tôi không tin đây là món quà trời ban cho chính sách ngoại giao hàng hải của Trung Quốc trong năm nay.

RFI : Đầu năm 2020, Trung Quốc tập trận chống tầu ngầm ở phía bắc Biển Đông. Tầu sân bay Liêu Ninh cũng có kế hoạch tập trận trong khu vực. Phải hiểu những sự kiện này như thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Từ đầu năm đến tháng Tư này, hải quân Trung Quốc có hai sự kiện khá quan trọng. Đầu tiên là cuộc tập trận chống tầu ngầm diễn ra ở phía bắc Biển Đông. Thứ hai là các bài tập cất cánh và hạ cánh trên tầu sân bay Liêu Ninh, ở cùng khu vực. Hai sự kiện này cho thấy điều gì ? Chúng chứng minh rằng Bắc Kinh muốn cải thiện khả năng hoạt động của lực lượng hải quân trong khu vực. Điều này không cho thấy có một bước ngoặt hoặc ý định khẩn trương chiếm thêm đảo mà chỉ chứng minh Trung Quốc muốn khẳng định chính sách hàng hải xứng tầm một cường quốc.

Việt Nam cũng đang chứng minh tương tự, khi muốn trở thành cường quốc hàng hải từ nay đến năm 2030. Luật Cảnh sát biển, tăng cường trang thiết bị hàng hải, rồi tầu cá của ngư dân, hiện đại hóa chương trình tầu "vỏ xám" của Hải Quân Việt Nam đều nằm trong chiến lược này. Và đây cũng là chiến lược chung của rất nhiều nước trong khu vực.

RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 20/04/2020

Additional Info

  • Author Benoît de Tréglodé
Published in Diễn đàn