Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ở phương Tây, G7 – khối 7 nước công nghiệp phát triển nhất bị chia rẽ vì chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại Châu Á, thượng đỉnh Hợp tác Thượng Hải OSC cố gắng phô bày hình ảnh một tổ chức đoàn kết. George Friedman, một chuyên gia Mỹ, trả lời phỏng vấn tuần báo L'Express, cho rằng một trật tự thế giới đang dần ló dạng, mà ở đó, thế giới sẽ có thêm ba cường quốc mới : Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan.

super1

Ảnh minh họa. Hải quân Nhật Bản tham gia tập trận RIMPAC ngày 26/06/2018. Reuters

George Friedman là một chuyên gia địa chính trị nổi tiếng. Ông thành lập Geopolitical Futures và Stratfor, hai cơ quan dự báo chiến lược có tiếng của Mỹ. Ông là tác giả của tập sách bán rất chạy, có tựa đề "100 năm tới", do nhà xuất bản Anchor Books phát hành. George Friedman sống tại Texas và thường xuyên cố vấn cho ban chỉ huy quân sự cao cấp của Mỹ.

RFI Tiếng Việt giới thiệu lại toàn văn bài phỏng vấn của L’Express cho biết rõ quan điểm của ông về tương lai tình hình địa chính trị thế giới.

L’Express : Tại thượng đỉnh G7 mới đây, Donald Trump đã lên án thủ tướng Canada, Justin Trudeau là "gian dối và yếu kém". Ba ngày sau, tổng thống Mỹ khen ngợi Kim Jong-un, lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên. Phải chăng thế kỷ XXI này không còn giống như thế kỷ trước nữa ?

George Friedman : Một điều chắc chắn là G7 đã lỗi thời, lạc hậu, xơ cứng thuộc về một thời kỳ đã qua, đó là thời Chiến Tranh Lạnh. Được thành lập trong những năm 1970 nhằm đối phó với cú sốc dầu hỏa đầu tiên, định chế này ngay từ đầu đã có những mục tiêu không rõ ràng… và cho đến nay, vẫn không rõ ràng.

Vì không có khả năng chống các quốc gia trong khối các nước xuất khẩu dầu lửa - OPEC, nhóm các nước công nghiệp phát triển này đã họp lại với nhau hàng năm và ra các thông cáo theo thông lệ, mà không làm được điều gì lớn lao cụ thể. Hơn nữa, thế giới đã thay đổi từ năm 1973. Nước Ý ngày nay đứng hàng thứ 8 trên thế giới, và Canada là xếp thứ 10. Trong khi mà Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt xếp hạng hai và thứ bảy trên thế giới.

L’Express : Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ lại không có mặt ở G7...

George Friedman : Đúng vậy. Và điều đó hạn chế rất nhiều ích lợi của các cuộc thảo luận có liên quan đến kinh tế ! Trong tình trạng hiện nay, G7 chỉ là một thực thể chủ yếu bao gồm các nước Âu-Mỹ không phản ảnh được tính chất phức tạp của thế giới. Hậu quả là lịch trình làm việc của G7 mang tính địa phương. Do đó, đối với Donald Trump, cuộc họp G7 ngày 08 và 09/06 chỉ là một thời điểm, một chặng đường đi qua, trước cuộc gặp Kim Jong-un, tại Singapore ngày 12/06.

Đương nhiên, đó cũng là cách nhìn của ông Shinzo Abe vì theo thủ tướng Nhật Bản, hồ sơ Bắc Triều Tiên không phải là một chủ đề xa vời như đối với các nước Châu Âu. Nếu Trung Quốc và Ấn Độ tham gia cuộc đàm phán, vấn đề Bắc Triều Tiên chắc có thể là tâm điểm của các cuộc thảo luận, cũng giống như chủ đề về thuế quan.

L’Express : Ông nghĩ gì về cuộc gặp Donald Trump và Kim Jong-un ?

George Friedman : Một dạng bế tắc. Trong bóng đá, người ta có thể gọi đó là "một trận hòa, một đều". Theo thông cáo chung, mục tiêu là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên nằm trên bán đảo, trong khi đó vũ khí của Mỹ ở trên không, trên máy bay, dưới nước, trong tầu ngầm và tại các căn cứ quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chẳng cần phải là một chuyên gia lớn mới hiểu được rằng Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân tuy cũ kỳ, tốn kém nhưng thiết yếu cho sự tồn tại chế độ mà không nhận được điều bù lại. Washington chưa sẵn sàng rút khỏi các căn cứ quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Do vậy, điều rất có thể xẩy ra là các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục thông qua nhiều kênh khác nhau. Hiện tại, mỗi bên đều đạt được điều gì đó : Kim Jong-un thì chứng tỏ với người dân là mình đủ mạnh để lôi Mỹ vào bàn đàm phán ; Donald Trump thì chứng tỏ với cử tri của mình là phương pháp ngoại giao của ông có hiệu quả hơn là cách làm của G7.

L’Express : Như vậy theo ông, đối với Donald Trump, cũng như là Barack Obama, người tiền nhiệm, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có vẻ như không phải là ưu tiên ?

George Friedman : Đối với Châu Âu, các mối quan hệ này luôn luôn chiếm vị trí hàng đầu. Nhưng với Mỹ, Châu Âu chỉ là một trong số các chủ đề khác. Trên bình diện chiến lược, học thuyết của Mỹ có mục đích là không để một quốc gia nào – Đức hay Nga, một mình kiểm soát được vùng Á-Âu. Chính vì thế mà Mỹ đã can thiệp vào Châu Âu năm 1917 và 1944. Tương tự, sau chiến tranh, sự trỗi dậy của Nga tại Trung Âu đã thúc đẩy Hoa Kỳ dấn thân vào Chiến Tranh Lạnh.

L’Express : Sự trỗi dậy thành cường quốc của Nga và Trung Quốc gây lo ngại. Thêm vào đó là hiểm họa Bắc Triều Tiên và Trung Đông. Liệu có thể nào xảy ra một xung đột thế giới ?

George Friedman : Chắc là từ năm 2050 trở đi. Nhưng trước mắt thì chưa. Hãy đánh giá về sức mạnh thật sự của nước Nga : đó chỉ là sức mạnh của làng Potemkine. Nước Nga muốn làm cho mọi người nghĩ rằng họ sẽ lại trở thành Liên Xô. Thế nhưng, trên thực tế, nước Nga chỉ còn là cái bóng của mình mà thôi, bị tê liệt vì phụ thuộc vào dầu lửa, nạn tham nhũng và một loạt các vấn đề khác. Thậm chí, Nga không có khả năng xâm lược Ukraine. Sự hiện diện của Nga tại Syria giống như một chiến dịch quan hệ công chúng (PR-Public Relations), quảng bá – nhằm chứng tỏ là họ tồn tại – hơn là một sự triển khai quân sự.

Về phần Trung Quốc, đúng là nước này đã phát triển về kinh tế từ 20 năm nay, nhưng không giải quyết được một vấn đề rất lớn là tình trạng bần hàn đang kìm hãm sự phát triển ; và quý vị sẽ thấy, bên ngoài vùng duyên hải, có một tỷ người nghèo khó đang sống dưới ách một chế độ độc tài luôn hoảng sợ về ý tưởng một cuộc nổi dậy của người dân. Đó là một quốc gia về thực chất là không ổn định.

Về quân sự, Bắc Kinh có những bước tiến. Nhưng tất cả chỉ là tương đối. Từ một thập niên qua, Trung Quốc muốn thống trị Biển Đông, nhưng không làm được. Do không có lực lượng thủy-lục đáng kể, Trung Quốc không thể xâm lược một nước nào. Nhật Bản, Indonesia và ngay cả nước Philippines khiêm tốn vẫn đối đầu được với Trung Quốc.

Tóm lại, Trung Quốc cũng như Nga không thể thách thức Hoa Kỳ. Chính quyền Washington phải đối mặt với những vấn đề thứ cấp, như Bắc Triều Tiên hay thế giới Hồi Giáo. Nhưng không có một mối đe dọa sinh tồn nào làm cho Hoa Kỳ "mất ngủ". Thế giới hiện nay ổn định hơn như người ta cảm nhận thấy.

L’Express : Có người dự báo sự suy tàn của nước Mỹ trong thế kỷ 21 ?

George Friedman : Tôi nghe thấy điều này từ nhiều năm nay. Đó là lập luận thời thượng sau chiến tranh Việt Nam ! Hoài niệm về sự thống trị của mình trong quá khứ, một số trí thức Châu Âu mơ tưởng đến điều đó. Ngay khi thế giới có một vấn đề gì, phản xạ đầu tiên của họ là nhìn xem Hoa Kỳ hành động ra sao. Và ngay sau đó, họ khẳng định rằng người Mỹ thật xuẩn ngốc. Sau cùng, họ giải thích rằng nếu có quyền lực trong tay, họ sẽ làm tốt hơn Hoa Kỳ. Những người nói đến sự "suy tàn của Mỹ" bị nhầm lẫn giữa thanh danh và quyền lực.

Thanh danh của chúng tôi có thể là không hay ho và chắc chắn là có những nguyên nhân xác đáng. Điều đó không quan trọng. Còn quyền lực, đó là chuyện khác. Quyền lực dựa trên sức mạnh kinh tế và quân sự. Hiện nay, của cải mà nước Mỹ tạo ra chiếm tới một phần tư tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới, trong lúc dân số của chúng tôi mới chỉ xấp xỉ 300 triệu. Hơn nữa, ảnh hưởng của Mỹ lan tỏa thông qua tiếng Anh, được dùng ở khắp nơi.

Về quân sự, ngân sách quốc phòng của Mỹ lớn hơn cả ngân sách của năm hoặc sáu quốc gia gộp lại. Cần phải luôn nhớ đến một thực tế quan trọng nhưng thường bị sao lãng : đó là hiện nay, Hải Quân Mỹ làm chủ hoàn toàn ba đại dương. Một chiếc thuyền mành ở Biển Đông, một chiếc thuyền bút ở ngoài khơi bờ biển Châu Phi, một chiếc tàu dầu trong vùng Vịnh Ba Tư hay một chiếc thuyền buồm du lịch ở vùng biển Caraibe, bất kể một sự di chuyển nào trên biển cũng đều bị giám sát bởi các vệ tinh của Mỹ.

Hơn nữa, các di chuyển này có thể bị ngăn chặn – hoặc được bảo vệ - bởi Hải Quân Hoa Kỳ. Ngay cả khi gộp lại, tất cả các hạm đội trên thế giới vẫn nhỏ hơn hạm đội của Hoa Kỳ. Đó là một sự thống trị chưa từng có trong lịch sử nhân loại, còn hơn cả sự thống trị của Hải Quân Hoàng Gia Anh trong thời kỳ huy hoàng nhất. Kết quả là Mỹ đủ khả năng xâm lăng các nước, nhưng không một quốc gia nào đủ khả năng xâm lăng Hoa Kỳ.

L’Express : Trong cuốn sách bán rất chạy mang tựa : Một trăm năm tới (Nhà xuất bản Anchor books) ông tiên đoán là có ba cường quốc mới trỗi dậy vào khoảng năm 2050, vậy đó là những cường quốc nào ?

George Friedman : Trước tiên là Nhật Bản. Theo tôi, chính Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc là cường quốc địa chính trị lớn ở vùng Đông Nam Á. Là tác nhân kinh tế hàng đầu, Nhật Bản đã xử lý tốt và thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và tái tạo lòng tin. Trong tương lai, Tokyo sẽ tiếp tục truyền thống quân sự hóa và lại trở thành một cường quốc khu vực, nhằm bù đắp sự yếu kém nội tại, đó là việc không có tài nguyên thiên nhiên.

Nhật Bản cũng muốn đối trọng với sự trỗi dậy của bán đảo Triều Tiên mà theo tôi, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thống nhất trước năm 2030. Hải quân Nhật Bản, vốn đã mạnh, sẽ được tăng cường. Trong viễn cảnh đối phó với mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên, chính quyền Tokyo sẽ từ bỏ điều 9 trong Hiến Pháp chủ hòa tồn tại từ 71 năm qua.

L’Express : Thế cường quốc thứ hai đang nổi lên là nước nào ?

Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lịch sử, đó là cường quốc khu vực thống trị. Thế giới Ả Rập yên bình, chính là vì Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt như vậy. Trong một trăm năm gần đây, tuy nằm kẹt giữa Hoa Kỳ và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là một trường hợp ngoại lệ. Thổ Nhĩ Kỳ hiểu biết thế giới Ả Rập hơn Hoa Kỳ.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ bị bao bọc bởi một vành đai bất ổn : Trung Đông, vùng Kafkaz, Hắc Hải, vùng Balkan… Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không còn lựa chọn nào khác là phải quan tâm đến các vùng bất ổn này. Khi làm việc này, Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng ra khắp nơi : ở vùng Kafkaz, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với Azerbaidjan, nước nói tiếng Thổ và ở Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện lực lượng cảnh sát, hoặc ở Bosnia.

L’Express : Dự báo của ông về Ba Lan gây ngạc nhiên…

George Friedman : Từ thế kỷ 16 đến nay, nước này không còn là một đại cường. Nhưng tôi nghĩ Ba Lan sẽ lại trở thành cường quốc, vì hai lý do. Thứ nhất, đó là sự suy tàn của Đức. Hiện nay, kinh tế Đức vẫn quan trọng nhưng mất sự năng động vốn là đặc trưng của nước này từ hai thế kỷ qua. Hơn nữa, Đức phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và do vậy rất dễ bị tổn thương. Sau cùng, dân số Đức sẽ suy giảm trong những thập niên tới và điều này sẽ tác động đến sức sống của quốc gia này.

Yếu tố thứ hai là Nga. Nga càng gây sức ép với Ba Lan thì chính quyền Warsawa lại càng được hưởng sự trợ giúp về kinh tế và kỹ thuật của Mỹ. Các ví dụ về Israel hay Hàn Quốc – những quốc gia không hề có trọng lượng gì trong những năm 1950 – cho thấy, việc có được sự hỗ trợ của Washington vẫn luôn luôn là một lợi thế.

Ngoài ra, là quốc gia dân tộc chủ nghĩa, Ba Lan dựa vào một tầng lớp trí thức quan trọng, nhất là trong thời buổi kiến thức và tri thức có giá trị hơn mạng lưới công nghiệp cổ xưa. Bên trong khối Đông Âu, Ba Lan là nước năng động nhất, lớn nhất và tự tin nhất. Trong số các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, không một nước nào tự tin hơn Ba Lan. Nếu như Ba Lan bị chỉ trích tứ phía, đó chắc chắn không phải vì nước này yếu kém.

Cách nay 10 năm, Ba Lan chẳng là gì cả. Ngày nay, nước này không thèm để ý đến Đức. Trong 10 năm tới, Ba Lan sẽ còn tiến xa. 10 năm, đó là một khoảng thời gian tốt để quan sát sự tiến triển của các quốc gia.

Nguồn : RFI, 28/06/2018

Published in Diễn đàn