Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhân chuyện bộ máy ở Việt Nam cần tìm kiếm, đào tạo cán bộ và lãnh đạo cấp chiến lược', tôi thấy cần nhắc đến một số ví dụ trên thế giới.

dot1

Tượng Charlemagne Đại đế nhân một dịp kỷ niệm về ông tại Aachen, Đức, năm 2014. Hoàng đế của người Frank có viễn kiến thống nhất Châu Âu thành một cường quốc

Nếu 'chiến lược' là tầm nhìn hoàn toàn mới để xoay chuyển tình thế, đặt lại vị thế cho quốc gia, thì số nhà lãnh đạo chiến lược thường rất ít.

Có những dân tộc phải chịu cảnh hàng chục năm, thậm chí hàng thế kỷ mà không sản sinh ra một ai tạo chuyển biến thay đổi số phận cho họ.

Ngược lại, không ít quyết định chiến lược của nước này lại gây hại lâu dài cho nước kia như Cuộc chiến Việt Nam đã chứng minh.

Quyết tâm vượt lên số phận

Nhìn lại trong số những người đã được lịch sử công nhận thì các nhà chiến lược lớn đã để lại dấu ấn hàng chục năm đến hàng trăm năm.

Thế giới cổ đại để lại hai nhân vật : Tần Thủy Hoàng đế ở Trung Hoa, và Charlemagne ở Châu Âu.

Chiến lược thống trị của họ thực ra khá đơn giản nhưng nhất quán.

Tần Doanh Chính muốn thống nhất Trung Nguyên về một mối qua chinh phục, rồi củng cố quốc gia bằng pháp luật, hệ thống đo lường, tiền tệ và hình phạt.

Charlemagne (768 - 814), vươn lên từ vị thế vua của tộc Frank đã chiếm vùng nay là Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý, để trở thành hoàng đế vĩ đại đầu tiên của Châu Âu.

Chiến lược của ông là dùng kỵ binh để chinh phục, và xây các chuỗi pháo đài để giữ đất, khác vua chúa thời trước chỉ chinh chiến, cướp bóc rồi rút về.

Ông cũng là vị vua đầu tiên tin rằng dù khác biệt sắc tộc, Châu Âu có thể, và nên trở thành MỘT thực thể chính trị.

Ý tưởng này khiến Charlemagne được coi là ông tổ của Châu Âu thống nhất, như lời ca ngợi ở triển lãm hồi 2014 về ông ở Aachen.

Chiến lược đôi khi còn là một ý tưởng tôn giáo.

dot2

Huy chương Châu Âu ghi lại hình Hoàng đế La Mã Constantine vào đạo Thiên Chúa

Người ta hay nói đến quyết định của Hoàng đế Constantine lấy Ki Tô làm quốc đạo cho La Mã vào thế kỷ 4.

Đem sự cao sang của thế quyền La Mã hòa hợp với tính bình dân nhưng huyền bí của một đạo lan rộng, ông biến đổi hoàn toàn thế giới Phương Tây cho đến nay.

Sau này, người ta cũng nhắc đến Otto von Bismarck với Realpolitik, thống nhất các xứ nói tiếng Đức thành một đế chế vào cuối thế kỷ 19.

Gần đây nhất có Winston Churchill của nước Anh.

Xin chia sẻ đôi câu chuyện về ông mà tôi đã tìm hiểu.

Trước khi Châu Âu rơi dần vào quỹ đạo của Đức Quốc xã, Churchill đã mất chức Bộ trưởng, về nhà đuổi gà cho vợ.

Đó không phải là câu ví von, mà thực sự ông Winston và bà Clementine đã nuôi gà trong khu nhà vườn ở Charwell thuộc vùng Kent tôi đã đến thăm nhiều lần.

dot3

Winston Churchill trong quân đội, năm 1910. Sau ông làm Bộ trưởng Chiến tranh, Bộ trưởng Tài chính rồi bị cho về vườn trước Thế Chiến 2. Chỉ sau khi phe chủ hòa với Đức thất thế, Churchill mới được mời lại chấp chính và đã trở thành lãnh tụ kháng chiến chống Đức cho cả Châu Âu.

Chuồng nay vẫn có gà và người ta cho biết con gái ông bà Churchill là Margaret tiếp tục chăm sóc gà, ngỗng và ao cá nhiều năm sau khi cha mẹ mất.

Trở lại lịch sử trước Thế Chiến.

Lúc quốc gia nguy biến, Churchill thuộc phe chủ chiến, mà quyền lực ở Anh do Lord Halifax và Neville Chamberlain kiểm soát lại trong tay phe chủ hòa.

Churchill nuôi dưỡng ý tưởn chống Đức, nhưng thực ra chưa nắm quyền và cũng chưa có chiến lược cụ thể gì.

Chỉ sau khi nỗ lực cứu vãn hòa bình ở Châu Âu của Chamberlain thất bại, Churchill mới được 'vời ra' làm Bộ trưởng Hải quân, rồi làm Thủ tướng.

Sau nhiều đêm mất ngủ, làm bạn với whiskey và cigar, chiến lược Churchill đưa ra gồm hai phần :

- Bảo vệ Anh bằng mọi giá, kể cả tiêu thổ kháng chiến nếu Đức đổ bộ ;

- Lôi kéo Hoa Kỳ và Liên Xô vào liên minh chống Đức.

Hai mục tiêu chiến lược đó đã thay đổi con người Churchill.

Từ một nhân vật bảo hoàng, gốc quý tộc cao sang - cụ của Churchill là Đại công tước Marlborough thời Nữ hoàng Anne - và tự kiêu, ông trở thành lãnh tụ chống phát-xít, gương cao ngọn cờ tự do cho cả Châu Âu.

Churchill mở rộng tấm lòng - tất nhiên vì sự ích kỷ và sống còn của Anh - để đón hàng trăm nghìn quân và dân Pháp, Ba Lan, Czech, Hà Lan, Na Uy, Serbia, Hy Lạp, Do Thái... tỵ nạn sang Anh.

Anh không chỉ giúp vũ trang cho các chính phủ lưu vong đóng ở London mà còn đón vua Harald V sang tỵ nạn khi Đức chiếm Na Uy.

Churchill nuôi Charles de Gaulle, cho một kênh BBC phát về Pháp và thường phải chịu đựng tính khí thất thường của ông tướng Gô-loa, tất cả để giữ liên minh.

Dù ghét chủ nghĩa cộng sản, Churchill vẫn nhún mình bay sang Moscow thuyết phục Stalin mở mặt trận chống Đức.

Trong nước, từ Hoàng gia đến quan chức, gồm cả Churchill, đã bớt khẩu phần ăn để nuôi quân.

Súng đạn, xe cộ, và cả viện trợ Mỹ được Anh chuyển qua đường Biển Bắc đầy bom đạn sang Arkhangelsk giúp Liên Xô kháng chiến.

Nghe nói chỉ có whiskey là Churchill không bị cắt khẩu phần, còn rượu brandy cũng bị giảm để chuyển cho lính thủy.

dot4

Churchill trở về Anh tháng 6/1943 sau khi thăm Hoa Kỳ và ký kết được nhiều thỏa thuận quan trọng cho kế hoạch Đồng minh chống Đức

Chiến lược của Churchill đã thành công, cứu được Anh và đánh thắng chủ nghĩa phát-xít, và định hình bản đồ Châu Âu từ 1945 đến tận năm 1991.

Chiến lược về cơ bản là sự đánh đổi, phá bỏ một cách nghĩ, một hệ thống quyền lực, quyền lợi, nên không thể nào có kết quả toàn vẹn 'vẫn như cũ'.

Churchill đã cứu được Anh, nhưng chiến lược của ông đã khiến Anh Quốc vĩnh viễn đóng vai trò số hai, nhường vị thế số một cho cậu em to khoẻ là nước Mỹ.

Trong nửa thế kỷ Châu Âu hậu chiến có lẽ chỉ có hai nhà lãnh đạo khác : François Mitterand và Helmut Kohl được coi là có chiến lược cho Châu Âu.

Quyết tâm lấy Pháp và Đức làm trụ cột cho EU, họ đã xóa bỏ hận thù, nắm tay nhau trước mồ tử sĩ hai nước, cam kết xây dựng Ngôi nhà chung Châu Âu.

Lãnh đạo thế hệ cháu chắt của họ như Emmanuel Macron hiện hô hào nhiều, nói năng 'mượt mà', đông 'fan' trên mạng xã hội nhưng chưa thấy có viễn kiến gì mới.

Mutti của EU, bà Angela Merkel thì đang bám quá chặt câu hỏi 'Đức cần làm gì ?' (chi ra bao nhiêu ?) nên chưa tìm ra bước đi chiến lược cho thế kỷ 21.

Muốn quá nhiều mục tiêu

Có chiến lược đúng thì cũng có không thiếu chiến lược sai.

Sai thường vì tham lam, muốn quá nhiều thứ một lúc, nên thiếu quyết đoán.

Adolf Hitler đã đầu tư vào hải quân và không quân rất nhiều nhưng không hiểu sao đã bỏ dở chừng kế hoạch chiếm đảo Anh.

Đánh sang Liên Xô, sau bước khởi đầu thắng như chẻ tre thì đến mùa hè năm 1940, Hitler băn khoăn trước ba mũi giáp công, Đông, Bắc hay Đông Nam.

Nếu 'Lebensraum' - không gian sinh tồn cho giống nòi Đức - là chiến lược của Hitler thì y hoàn toàn có thể dừng lại sau khi đã giết chết hàng triệu người dân Liên Xô, và chiếm các vựa lúa Ukraine, Belarus.

Là quốc gia tầm trung, tham vọng lớn nhất của Đức từ nhiều đời là làm chủ từ Biển Baltic đến Hắc Hải, vươn nữa là quá sức.

Nhưng trong một quyết định sinh tử, Hitler đã cho dàn trải các quân đoàn tinh nhuệ đánh cả vào cả ba hướng Moscow, Leningrad và Đông Nam.

Mosow không phải là mục tiêu chiến lược về quân sự và Hitler đã thua trước cửa ngõ thủ đô Liên Xô, như Napoleon năm nào.

dot5

Xe tăng Đức vượt sông Đông xuống vùng bình nguyên phía Nam nước Nga. Cuộc chiến của Hitler đã thất bại khi đánh vào cả ba mũi ở Mặt trận Phía Đông

Đánh lên Leningrad, dù bao vây thành phố này nhiều tháng, quân Đức cũng đã thua.

Con đường xuống phía Đông Nam để chiếm các giếng dầu Baku bị chặn ở Stalingrad.

Dù chiến đấu hết mình, Thống chế Friedrich Wilhelm Ernst Paulus đã phải ra hàng sau khi Đức và đồng minh Romania, Hungary và Ý bị giết chừng 800 nghìn quân.

BBC History nhận định : Vì cả hai quyết định nửa vời (half-hearted decision) là không đánh sang Anh, và phân tán quân Liên Xô, Hitler thực sự đã thua từ 1940.

Nhờ một quyết định chiến lược, đôi khi chỉ về giáo dục, pháp lý thôi, quốc gia có thể hưng thịnh qua nhiều thế hệ.

Ở đây tôi muốn nhắc lại câu Lý Quang Diệu trả lời báo chí nước ngoài về lý do thành công của Singapore.

Đó là quyết định giữ tiếng Anh chứ không bỏ nó để chọn một tiếng bản địa cho quốc gia mới độc lập để thỏa mãn tinh thần dân tộc.

Khác với nhiều nước Châu Á sau độc lập chỉ muốn xóa bỏ càng nhanh càng tốt 'di sản thực dân', Singapore còn giữ cả hệ thống luật Anh.

hiều nhân vật lớn khác của lịch sử Châu Á cũng có những quyết định chiến lược trong hoàn cảnh bị bó buộc của họ.

Trung Quốc nay nói đến ba thế hệ lãnh đạo với ba mục tiêu chiến lược liên tiếp, không hoàn hảo nhưng có định hướng rất rõ.

Mao Trạch Đông đã bằng mọi giá - kể cả bạo lực khủng khiếp - đưa dân tộc Trung Hoa đứng lên, gột bỏ mọi vết nhơ gông cùm ngoại bang.

Đặng Tiểu Bình mở cửa Trung Quốc, đề cao thực dụng, giảm ý thức hệ, đẩy công thương, kỹ nghệ, nhằm xóa nốt nhục đói nghèo.

Tập Cận Bình xây dựng quân đội, vươn ra bốn biển, giành ngôi vị bá chủ hoàn cầu.

Ta có thể khen hoặc chê cả ba ông này nhưng định hướng của họ thì đều đáng nể, và đáng sợ cho các quốc gia lân bang.

'Vành đai và Con đường' là phương tiện thực hiện chiến lược đưa cả lục địa Âu-Á và ba vùng biển vào quỹ đạo kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc.

Mọi mục tiêu khác chỉ mang tính thứ yếu, phục tùng.

Người ra nói chiến lược lớn (grand strategy) của ông Tập đã bóp chết 'chiến lược Tây Nam' nhỏ hơn mà Bạc Hy Lai có tham vọng thực hiện riêng.

Đưa ra thuyết về 'chủ quyền trong không gian mạng', Trung Quốc đã thành công với các sản phẩm công nghệ cao đang chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Chính sách đúng sẽ lộ ra ai tự nhiên thành đối thủ, ai bỗng là bạn thân hoặc là những thằng ngốc hữu dụng.

Sự trở lại ngoạn mục mang tính 'rửa tội' của ông Mahathir Mohamad ở Malaysia vừa qua cũng cho thấy điều đó.

Bỏ đảng UMNO đã thành thương hiệu 'nhiễm độc' (toxic brand) dưới thời Najib Razak, Mahathir giành lại được niềm tin của cử tri.

Nhược điểm trong quá khứ và độ tuổi sắp 93 cái mùa xuân trên đầu của ông không phải là vấn đề gì hết với cử tri trẻ Malay, Hoa và Ấn.

Một trang báo Châu Âu còn vẽ hình các cử tri trẻ bỏ đảng UMNO bằng câu 'Um, No' để nói về trào lưu này.

Người ta bỏ qua hết cho ông Mahathir vì ông đã dũng cảm thay đổi.

Lãnh đạo chiến lược lại không thích 'chiến lược' ?

Các sách dạy khoa học chính trị và cẩm nang thương mại đều nói về nhu cầu tìm ra cán bộ chiến lược.

Một nghiên cứu của PwC hồi 2015 cho thấy trong 6000 vị CEO được thử, chỉ có 8% đạt phẩm chất 'lãnh đạo chiến lược' và đa số là nữ.

Độ tuổi có tư duy chiến lược được xác định là 45 trở lên.

Nhưng ta có thể đào tạo ra các cán bộ chiến lược hay cho họ qua 'lò luyện' là đạt ?

dot6

Đông Nam Á thời của các nhân vật lớn : Bộ trưởng Cố vấn của Singapore, Lý Quang Diệu thăm Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia năm 2005. Nay ông Lý đã qua đời, còn ông Mahathir vừa trở lại chính trường ngoạn mục khi đã gần 93 tuổi.

Theo tôi thì khả năng KHÔNG là khá cao.

Vì trường đời chứ không phải trường lớp mới tạo ra các chiến lược gia.

Thế nhưng dịch vụ tìm doanh nhân chiến lược, giống như sách cẩm nang thành triệu phú, vẫn luôn là một ngành hái ra tiền.

Điều thú vị cuối cùng trong bài này tôi muốn chia sẻ là thái độ của Churchill về 'tư duy chiến lược'.

Người Việt Nam hẳn còn nhớ B-52 từng mang danh 'máy bay ném bom chiến lược' đã oanh kích nhiều vùng ở Việt Nam thời chiến.

Nhưng khái niệm 'ném bom chiến lược' (strategic bombing) thì đã có từ Thế Chiến 2 và được các tướng Anh cổ vũ như cách để đánh quỵ nước Đức.

Riêng Thủ tướng Churchill coi đây là chuyện vớ vẩn.

Khi được hỏi vậy chiến lược quân sự của ông là gì, Churchill đáp trong làn khói cigar :

"Chiến lược lớn nhất của tôi vào lúc này là sống sót trong ba tháng tới"

(My general strategy at present is to last out the next three months).

Nguyễn Giang

Nguồn : BBC, 21/05/208

Published in Diễn đàn