Báo Tin Tức : "Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của Châu Á".
Đó là tựa của bài viết trên báo Tin Tức, một ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam (*). Bài báo dẫn nguồn Wall Street Journal (WSJ) của tác giả Megha Mandavia.
Lạm phát ở Việt Nam ở mức thấp so với tiêu chuẩn khu vực, nhưng lạm phát cơ bản đã tăng lên gần 4,5% trong tháng 10. Người mua sắm tại một chợ thực phẩm ở Hà Nội. Ảnh AP
"Theo tác giả Megha Mandavia, giai đoạn "tăng trưởng vàng" – khi mọi thứ đều cân bằng đến hoàn hảo và những ngày suôn sẻ thuận lợi hậu đại dịch Covid-19 của Việt Nam dường như đã qua. Tuy nhiên, những gì mà Việt Nam làm được đang là điều mà nhiều quốc gia khác mong muốn mà chưa làm được trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trầm lắng và chìm trong nỗi lo suy thoái, lạm phát, giá cả tăng cao, nhiều biến động thay đổi.
Bài viết trên WSJ nhấn mạnh Việt Nam có thể sẽ nằm trong số những nước tăng trưởng nhanh nhất Châu Á vào năm tới dù đồng tiền nội tệ (VND) yếu hơn và dự trữ ngoại hối đang giảm đi. Dù vậy, trên thực tế, Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của Châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế, dự trữ ngoại hối và chính sách tiền tệ linh hoạt" – trích bài viết được cho là biên dịch từ WSJ, phát hành ngày 1/11/2022.
Người viết đã tìm đọc bài gốc trên WSJ, thì thấy phát hành bài này lúc 8g52 sáng ngày 31/10/2022 có tựa "Vietnam’s Goldilocks Growth Phase Is Over" (**), với lời dạo đầu "Country will likely be among Asia’s fastest growers next year, despite a weaker currency and falling foreign reserves" đúng như ‘tinh thần’ của bài biên dịch trên báo Tin Tức.
Tuy nhiên nội dung bài viết trên WSJ không hề như nội dung trên tờ Tin Tức là "Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của Châu Á".
Xin được trích dịch một số đoạn ở bài viết trên tờ WSJ :
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rõ ràng đang chưa bắt kịp nhịp điều hành chung với các quốc gia khác. Ngân hàng này chỉ bắt đầu đưa ra chính sách thắt chặt tiền tệ từ tháng Chín.
Thay vào đó, trong phần lớn thời gian của năm 2022, chính phủ Việt Nam dựa vào việc giảm dự trữ ngoại hối và cắt giảm thuế nhiên liệu để hỗ trợ tiền tệ và chống lạm phát. Đất nước này không bị ảnh hưởng nhiều về chuyện giá lương thực toàn cầu – vì quốc gia này nó là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu trên toàn cầu.
Điều đó dường như hoạt động tốt trong một thời gian : Lạm phát tiêu dùng chỉ ở mức 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8, và thậm chí bây giờ nó đạt mức 4,3%, thấp theo tiêu chuẩn khu vực. Nhưng bên dưới bề mặt, mọi thứ bắt đầu có vẻ rắc rối hơn. Lạm phát cơ bản đạt gần 4,5% trong tháng 10, mức cao nhất kể từ ít nhất là đầu năm 2015.
Đồng thời, xuất khẩu hiện đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng với việc giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời thế hiện tại sẽ khó khăn hơn một chút, nhưng quốc gia này vẫn tuyên bố sẽ tăng trưởng nhanh trong năm tới — Natixis dự báo 6,5%, trong khi Capital Economics dự kiến hơn 7% — và với việc đồng tiền Việt Nam suy yếu có thể giúp giảm bớt tác động từ nhu cầu xuất khẩu đang sút kém trước… (hết trích dịch).
Bài báo trên tờ WSJ và bài lược dịch lại trên tờ Tin Tức của Việt Nam, cả hai đều quên mất rằng, Việt Nam ở một năm hậu Covid với thiếu thuốc men, thiếu vật tư y tế… bệnh nhân lầm than trả giá bằng chính sức khỏe, sinh mạng, tài chánh cho bệnh tật bế tắc…
Thiếu xăng dầu lan rộng trên cả nước, những người điều hành dùng từ hoa mỹ "thiếu cục bộ", nguồn cung thế giới không thiếu, Singapore kề bên cung cấp dầu chỉ 1-2 ngày đi biển… mua xăng dầu về bán dồi dào thì 1 lít nguồn thu ngân sách có thêm cả chục ngàn đồng, lợi đủ điều nhưng tại sao lại đang diễn ra như thế…
Một năm hậu Covid đi qua với tình hình viên chức 2 ngành Y Tế – Giáo Dục nghỉ việc hàng loạt… công chức các ngành khác cũng thi đua nhau rời bộ máy. Nghĩ thử làm sao mà có thể sống, nuôi gia đình hiện nay với 5-6-7-8 triệu, thậm chí chục triệu ? Con người ai cũng phải sống, nuôi gia đình, con cái… những người điều hành vẫn ra rả đó là bình thường như các nước khác.
Thu nhập đã không có, ốm đau bệnh tật vô bệnh viện không có thuốc phải chạy mua ngoài… có phải vô thế bí của bi đát không ? Hay là đó là mặt trái tránh nói tới trên báo chí khi tụng ca "Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của Châu Á"…
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 06/11/2022
Chú thích
(*)https://baotintuc.vn/kinh-te/bao-my-toc-do-tang-truong-kinh-te-viet-nam-dang-vuot-xa-phan-con-lai-cua-chau-a/20221104175537371.htm
(**)https://www.wsj.com/articles/vietnams-goldilocks-growth-phase-is-over-11667220570
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2021 xuống chỉ còn 3,8%, thấp hơn rất nhiều so với con số 6,7% hồi đầu năm. Đây là lần thứ ba ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tình trạng bùng phát dịch Covid-19 gây thiếu hụt lao động tại Việt Nam do giãn cách xã hội.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng lên trong nửa đầu năm 2021 chủ yếu nhờ lưu lượng thương mại gia tăng. Tuy nhiên, tình trạng bùng phát của đại dịch Covid-19 bắt đầu vào cuối tháng 4 đã gây thiếu hụt nguồn cung lao động vì giãn cách xã hội, làm giảm sản lượng công nghiệp và phá vỡ chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam, ngân hàng cho biết trong một báo cáo phát hành hôm 22/9.
Theo đó, GDP quý III được ADB dự báo tăng trưởng 4,2%, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng hơn 6%, khu vực dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng 2,9-3,1%, dẫn đến mức tăng trưởng dự báo của năm 2021 là 3,8%.
Theo ADB, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn cũng có nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là dịch Covid-19 kéo dài, trong khi tỷ lệ người lao động được tiêm đầy đủ hai liều vaccine vẫn còn thấp. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn có cơ hội phục hồi nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm nay và đến quý II năm 2022 có 70% dân số được tiêm chủng.
Báo cáo của ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đưa ra sau 3 tuần Việt Nam công bố kết quả kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, trong đó mức tăng trưởng kinh tế được công bố là 5,6%.
Trước đó vào tháng 7, khi công bố cập nhật báo cáo triển vọng phát triển Châu Á 2021, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống mức 5,8%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 4. Nguyên nhân mà ADB đưa ra là do việc triển khai tiêm chủng chậm, tình trạng áp dụng giãn cách xã hội kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến lưu thông thương mại và hạn chế các hoạt động kinh tế.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 là khoảng 6%. Năm ngoái, GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,91%, mức tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận trong thập niên qua.
Nguồn : VOA, 22/09/2021