Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 03 décembre 2017 20:25

Chuyện tư cách người đấu tranh

Thật sự thì tôi không còn theo những cách đấu tranh của những người được gọi là đấu tranh nữa. Một thời gian dài vừa qua nhìn lại mình, tôi chính thức nhận ra mình không phải là người đấu tranh. Đúng như điều tra viên Thủy của an ninh Hà Nội nói với tôi trong một lần hỏi dung.

- Ông chỉ chọc ngoáy chứ đấu tranh gì cái loại ông.

Lúc đấy tôi nghĩ Thủy nói khinh miệt mình, nhưng về sau này tôi ngẫm ra thấy hắn nói đúng.

nbg1

Một thời gian dài vừa qua nhìn lại mình, tôi chính thức nhận ra mình không phải là người đấu tranh. Ảnh Người Việt online

Khi gặp Trịnh Xuân Thanh, nhiều người đấu tranh chê trách tôi là người đấu tranh cho tiến bộ mà lại đi bắt tay với một tên quan chức tham nhũng. Lúc ấy tôi càng nhận ra rằng mình không phải là người đấu tranh thật, đến cả an ninh và người đấu tranh dân chủ cùng nhận định thế thì còn gì mà nghi ngờ nữa.

Từ đó tôi nhận mình không phải là người đấu tranh, cũng chả có lý tưởng gì. Thật đấy, không phải tôi vờ vịt hay hờn giận gì mà nói thế đâu. Các bạn cứ phân tích ra mà xem, tôi chưa bao giờ chính thức đòi quyền con người, quyền tự do ngôn luận, đòi đa đảng, đòi dân chủ hay nhân quyền gì hết. Tôi chỉ bình luận, chém gió về những việc nhà nước Việt Nam làm theo đánh giá của tôi. Như người ta bình luận về bóng đá, hai đội đang diễ ra như thế nào, ai thắng thua ra sao, ai ăn gian, tiểu xảo thế nào.

Tôi chưa bao giờ hô hào lật đổ chế độ cộng sản, cũng chưa từng đòi xóa bỏ cờ đỏ và kêu gọi lá cờ vàng tung bay trên quê hương. Nhưng tôi cũng không bao giờ phản đối những người mong muốn điều đó, tôi vui nếu mong muốn đó thành sự thật. Vì nói thẳng ra rằng chả có gì xấu hơn cái thể chế cộng sản này cả.

Tôi giúp đỡ tiền cho nhiều người, nhưng đó cũng chẳng phải là ủng hộ đấu tranh gì cả. Chẳng qua họ là những người bị bắt bớ, gia cảnh khó khăn. Tôi giúp đỡ họ như nhiều người làm từ thiện giúp đỡ hoành cảnh nọ kia trên báo chí. Ở đây tôi giúp những người tôi từng biết, như thế cảm giác thoải mái hơn là giúp cho người mình không gặp, không biết bao giờ. Tôi tặng người này vài chục triệu, người kia một hai ngàn USD mà chẳng bao giờ tôi quan tâm họ sẽ làm gì. Có thể là vài hôm sau họ chửi tôi loại cơ hội, vài bữa nữa họ đụng độ với những người đấu tranh khác, dăm tháng nữa họ thành tay sai cộng sản hay dân chủ cuội tôi cũng chả quan tâm. Chưa bao giờ tôi giúp tiền ai để bảo họ làm gì, thậm chí họ có định kể tôi nghe họ sắp làm gì tôi cũng ngăn cản không cho họ kể.

Đừng một người đấu tranh nào kể cho tôi nghe việc anh ta đã làm hay sắp làm. Tôi không muốn nghe gì hết cả về những điều ấy.

Tôi không phải là dân chủ cuội hay đấu tranh cuội, cái này tôi khẳng định, vì tôi có phải là dân chủ hay đấu tranh đâu để mà cuội.

Các bạn để ý, tôi chả bao giờ có ý tưởng gì, khởi xướng kế hoạch gì, tôi cũng chả bao giờ bàn bạc với một người đấu tranh nào về kế hoạch phát triển một phong trào gì đó.

Bọn dư luận viên liệt tôi vào những người đấu tranh, đó là âm mưu thâm hiểm của chúng. Chúng biết tôi có nhiều tính xấu, quá khứ bất hảo, vô học... nên chúng liệt tôi vào hàng ngũ đấu tranh để mục đích bôi nhọ những người đấu tranh chân chính. Các bạn đọc và các bạn đấu tranh đừng nên mắc mưu chúng.

Nếu là người có lý tưởng đấu tranh, lẽ ra tôi phải ở lại Việt Nam sát cánh cùng mọi người, chịu đựng những cam go như bao người đấu tranh khác. Nhưng không, tôi có cơ hội là tếch thẳng một lèo mất hút con bà hàng lươn, không một lần ngoái đầu nhìn lại. Tôi ở nước ngoài sung sướng, được học bổng hậu hĩnh, đi đây đi đó và tự do khoác lác chẳng bị ai bắt bớ gì.

Nhiều người đấu tranh được ra nước ngoài như tôi, họ nghèo lắm. Ở cuộc sống mới họ phải vật lộn đủ thứ để thích nghi. Tôi sang Mỹ thăm anh bạn cũ Hải Điếu Cày, nói là bạn cũ vì tôi và anh gặp nhau từ năm 2007. Lúc đó anh Hải đề cập chuyện tham gia câu lạc bộ nhà báo tự do, đấu tranh cho tự do ngôn luận. Tôi lắc đầu từ chối, tôi bảo tôi chỉ chọc ngoáy chế độ này cho vui, không có gan theo việc như vậy.

Anh Hải ở trong căn nhà chưa đầy 12 mét vuông, kê được cái giường và cái bàn viết, lúc tôi đến anh còn đang xoay sở mấy trăm USD trả tiền thuê nhà.

Sự tương phản về kinh tế giữa tôi và anh Hải nói lên điều gì ?

Một điều thôi, tôi không phải là người đấu tranh. Tôi là kẻ cơ hội, luôn tỉnh táo nắm bắt những cơ hội tốt cho bản thân mình, từ việc có học bổng nước ngoài và khi ra nước ngoài mánh mung, buôn bán, đánh quả thế nào cho ra tiền.

Hôm nay lần nữa tôi xác định tư thế của mình, để những nhà đấu tranh dân chủ thực sự không bị vấy bẩn vì người như tôi, cho thiên hạ rõ rằng, những kẻ xấu như tôi không nằm trong hàng ngũ những người đấu tranh dân chủ. Những gì tôi làm là mục đích cho cá nhân tôi mà thôi. Như bọn Sơn Đông mãi võ múa may để bán thuốc dạo trị thương, tôi ba hoa chém gió thu hút khác đọc đông để bán hàng gia dụng xoong nồi, bếp núc. Đừng nghĩ những bài viết của tôi là mục đích gì cao cả rồi xếp tôi vào hàng ngũ những người đấu tranh dân chủ.

Mấy ngày nay trong giới đấu tranh rộ lên tranh cãi chung quanh việc luật sư Võ An Đôn và Hà Huy Sơn về việc Mẹ Nấm không nhận tội và chịu bản án nặng nề. Trên tư cách một người ngoài cuộc, không nằm trong hàng ngũ đấu tranh, nhìn nhân sự việc tôi có chút suy nghĩ muốn nói.

Thứ nhất nói riêng về việc luật sư Hà Huy Sơn chuyển lời của công an đến mẹ Nấm về việc nhận tội sẽ được giảm nhẹ. Tôi nghĩ việc này Hà Huy Sơn làm đúng, anh ta có thể cung cấp cho Mẹ Nấm những giải pháp mà anh ta biết, và để Mẹ Nấm tự lựa chọn. Tôi chỉ nói riêng về việc chuyển thông tin như thế, không ủng hộ về việc khác. Ví dụ công an nói thế nào, anh Sơn gặp Mẹ Nấm nói công an nói vậy, nguyên xi lời.

Thứ hai tôi hoàn toàn ủng hộ luật sư Võ Văn Đôn đã công khai việc công an cộng sản Việt Nam bắn tin đến mẹ Nấm như vậy. Việc làm này là cần thiết và đúng nghĩa bảo vệ quyền lợi về danh dự cho Mẹ Nấm. Phải nói trước khi phiên tòa xẩy ra, người dân mới thấy tư cách dũng cảm dám chấp nhận bản án tù đày dài đằng đẵng của Mẹ Nấm. Nếu luật sư Đôn không nói ra, không ai biết đến chuyện đã có mặc cả và mẹ Nấm không chấp nhận sự mặc cả ấy, thì sự dũng cảm của mẹ Nấm chỉ được đánh giá đúng một phần. Nhưng nhận được thông điệp mặc cả trước như thế, mà Mẹ Nấm vẫn hiên ngang khước từ mới càng rõ khí phách của cô.

Tôi không ưa Mẹ Nấm, trong lúc này tôi vẫn nhận như vậy. Nhưng không ưa cách nói chuyện cô ta với những người đấu tranh khác, là một chuyện khác hẳn với việc ưa hay không công việc của cô ta làm, khí phách mà cô ta thể hiện. Chưa bao giờ tôi chỉ trích hay lên án những phong trào mà cô ta khởi xướng, cũng chưa bao giờ tôi nhận định xấu về mục đích những việc cô ta làm. Vài kẻ nghĩ rằng bây giờ tôi thấy cô ta như thế, phải có lời khen, để che đậy chuyện tôi không ưa cô ta trước kia. Đúng là vớ vẩn, con người tôi đã khẳng định mình là xấu xa, chả việc mẹ gì phải hối lỗi kiểu lập công chuộc tội cả. Nói hôm nay là nói việc nào ra việc đó mà thôi.

Trong các phiên tòa của chế độ cộng sản xử người bất đồng chính kiến, luật sư chẳng là cái gì cả. Chẳng những thế còn có tác dụng là cho người ta thấy chế độ cộng sản xử người bất đồng chính kiến, có cho luật sự được tự do bào chữa, có lợi cho hình ảnh chế độ cộng sản mà thôi.

Luật sư trong những phiên tòa thế này chỉ có hai phần việc cần làm, việc thứ nhất là chuyển nguyên văn những lời mặc cả qua lại giữa hai bên. Việc thứ hai là biết rõ chẳng tác dụng gì đến kết quả phiên toà, thì cung cấp những thông tin về quá trình tham gia bảo vệ người bất đồng chính kiến, giúp cho dư luận thấy những trò đen tối, bất chấp luật pháp của chế độ cộng sản và đồng thời cho dư luận thấy hình ảnh bất khuất, can trường của những người đấu tranh. Đấy là việc nên làm, chứ không phải là tiết lộ có hại cho thân chủ.

Là luật sư bào chữa, mong muốn thân chủ của mình được nhận mức án phạt càng nhẹ càng tốt, hoặc vô tôi càng tốt hơn nữa. Đó là mục đích chính đáng của nghề luật sư. Nhưng làm việc đó bằng luận cứ bào chữa, bằng tranh tụng mới đáng tự hào. Chứ bằng những cách đi đêm, thỏa hiệp thì không đúng với bản chất nghề nghiệp, nhất là ở những vụ án chính trị thế này. Cho nên đừng có vẻ thương hộ thân chủ, và đừng có vẻ ân hận là mình đã không làm được gì giảm nhẹ cho thân chủ.

Mẹ Nấm nhận mặc cả thỏa hiệp, nhân tội cúi đầu xin khoan hồng để làm gì. Giảm được bao nhiêu năm, xuống 5 hay 3 năm ? Như Nguyễn Văn Hóa thành khẩn nhận tội từ lúc bị bắt cho đến lúc ra tòa vẫn thành khẩn xin khoan hồng, nói rằng bị thế lực này nọ xúi dục mà vẫn còn bị 7 năm tù.

Nếu Mẹ Nấm sợ hãi bản án này, hẳn cô ta đã không làm ngay từ đầu những việc mà cô ta biết sẽ phải gánh chịu những đòn thù khốn nạn và man rợ của chế độ cộng sản, cô ta là người nể phục Trần Huỳnh Duy Thức, hẳn nhiên cô ta lường được những gì mình bị cộng sản trả thù.

Và hơn hết, cô ta không phải bây giờ mới đi tù. Là một con người có trách nhiệm với đất nước, ai ý thức được điều đó đều đã trở thành tù nhân của chế độ cộng sản. Từ hơn mười năm trước đây khi đi vào con đường đòi hỏi chủ quyền cho đất nước và quyền con người cho dân tộc Việt Nam, Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã trở thành một tù nhân từ đó. Việc một con người bị giam lỏng về thể xác như quyền tự do đi lại, cuộc sống gia đình và giam chặt chả có nghĩ lý gì khác nhau. Điều mà cộng sản không làm được trước một người mẹ đang nuôi hai đứa con thơ là chúng không giam được tinh thần, ý chí của cô ta. Đó là sự thất bại nhục nhã nặng nề của chế độ tàn bạo này.

Đừng đánh giá rằng những năm tháng tù đày xa cách con cái, những đứa trẻ con của Mẹ Nấm không được nuôi dạy tốt và lấy điều đó ra để uy hiếp khủng bố tinh thần. Ở cái đất nước này đầy những loại bố mẹ ươn hèn, xu nịnh hàng ngày chăm con cái, nhưng có gì đảm bảo chúng thành người, nhiều trường hợp con cái của những loại ấy lớn lên thành loại ăn chơi đàng điếm, phá gia chi tử. Nhưng có trường hợp mẹ mất sớm, cha đi tù gần 10 năm như gia đình Huỳnh Ngọc Tuấn, những đứa con của anh ta vẫn sống tốt và đầy tư cách thành người. Đấy là ở hồi thông tin, tin tức còn hạn chế, những người như anh Tuấn không được biết đến như những người đấu tranh bây giờ.

Cuối cùng cũng nói rõ quan điểm của mình về việc làm của Hà Huy Sơn và Võ An Đôn, tôi nghĩ rằng những gì Võ An Đôn làm là đúng, chỉ có điều anh ta nên nói có ý kiến của công an như thế với Mẹ Nấm trước phiên toà, không cần thiết phải nói ai là người chuyển lời.

Ở vụ án này, tôi nể phục Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Võ An Đôn.

Người Buôn Gió

Nguồn : fb.nguoibuongio1972, 03/12/2017

Published in Diễn đàn