Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lời xin lỗi của Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và tư duy của quan chức cộng sản

Ngày 17/01/2018, truyền thông nhà nước  đồng loạt đưa tin "Trịnh Xuân Thanh xin về Đức, Đinh La Thăng xin về quê ăn tết trước khi chịu án tù". Theo đó khi được nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, ông Trịnh Xuân Thanh òa khóc nức nở, gửi lời xin lỗi đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin được tha thứ, và mong sẽ được sang Đức thăm vợ con trước khi chịu án tù. Cụ thể ông Thanh nói rằng "Bị cáo rất ân hận, rất hối hận. Cháu muốn gửi lời xin lỗi bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ cho cháu cũng như người con, người cháu trong gia đình, tạo điều kiện để cháu được gặp bố mẹ, vợ con". Đồng thời ông Trịnh Xuân Thanh cũng cảm thấy ân hận vì bỏ trốn sang Đức và viết thư phản bác Bộ Chính Trị, và "Bị cáo mong Hội đồng xét xử sau khi kết thúc vụ án cho phép bị cáo được quay trở lại Đức lần cuối cùng để thăm vợ con, sau đó về chịu án tù".

tuduy1

Ông Đinh La Thăng trước tòa ở Hà Nội hôm 8/1/2018 -AP

Trước đó, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN cũng đã nói lời cuối cùng trước Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đó ông Thăng nói ông mới hay tin cha mình 87 tuổi phải đi cấp cứu, do đó Nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mong Hội đồng xét xử xem xét việc thay đổi biện pháp ngăn chặn để có điều kiện thăm và chăm nom cho bố, và được ăn cái tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân.

Những lời nói cuối cùng kể trên của hai quan chức cao cấp trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam, là hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã khiến dư luận xã hội thất vọng và bất bình về ý thức chính trị và nhận thức về luật pháp.

Dẫu biết rằng tính chất áp đặt của vụ án xét xử Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn, được thể hiện không chỉ là việc xét xử cấp tốc để phục vụ cho những toan tính khác của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cụ thế đó là kể từ khi bắt giữ (ngày 8/12/2017) đến lúc có bản Kết luận điều tra rồi đưa ra xét xử (ngày 8/01/2018) chỉ vẻn vẹn tròn một tháng, mà báo chí đã bị chỉ đạo đưa những tin bất lợi cho các bị cáo. LS Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cho biết, "Thông tin nhiều bài báo tường thuận không đúng, không đầy đủ. Như trường hợp bị cáo Thăng xin lỗi và nhận trách nhiệm là người đứng đầu PVN đã để cấp dưới làm việc sai xót, chứ bị cáo Thăng không hề nhận tội…". (Nghĩa là các bị cáo trong vụ Đại án tại PVN chịu một áp lực quá lớn. Điều này cũng có thể lý giải rằng, trong hoàn cảnh cùng quẫn, không có lối thoát (mà ai cũng vậy) nên họ có các đòi hỏi rất ngô nghê qua phát biểu trong lời nói cuối cùng.

Tuy nhiên đây là điều khó có thể thông cảm được cho họ.

Lâu nay, người ta đánh giá rằng ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh là những người sòng phẳng, quân tử và quyết đoán. Nhưng tại sao đến lúc đứng trước tòa thì ông Thăng hay ông Thanh không lên tiếng tố cáo bị mình bắt cóc, bị trù dập. Hay phiên tòa này chỉ là kết quả của cuộc chiến quyền lực phe phái trong đảng ? Mà họ chỉ lo cho cá nhân và gia đình của mình ?

Qua những lời xin lỗi của Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh, người ta đã thấy rất rõ nhận thức của các quan chức cộng sản về ý thức chính trị cũng như luật pháp. Nói một cách khác, cái nhà nước của dân, do dân, vì dân và thứ pháp quyền Xã Hội Chủ nghĩa của đảng cộng sản Việt Nam đã bị Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh lột trần.

Những phát biểu của Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh, chắc chắn sẽ khiến cho không chỉ những đảng viên cộng sản còn chút liêm sỉ, mà số đông người dân thất vọng. Người ta sẽ tự hỏi đâu rồi tinh thần bất khuất của người Cộng sản xưa nay vẫn được rao giảng ? Điều đó đã cho thấy đảng cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ là một đảng chỉ còn mang danh cộng sản. Trong thời Kinh tế thị trường thì không thể có được những người chiến sĩ cộng sản thực thụ. Hay nói một cách khác, trong cái thời Kinh tế Tư bản và Chính trị Cộng sản như hiện nay, thì không thể có chỗ đứng cho những người cộng sản, chứ đừng nói đến việc trao quyền lãnh đạo tuyệt đối nhà nước cho họ.

Ai cũng biết, chế độ độc đảng lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay chỉ có đảng viên mới được làm lãnh đạo. Nghĩa là chỉ có các ông bà đảng viên mới có được đặc quyền tham nhũng, vơ vét. Có lẽ vì thế nên mới xảy ra tình trạng bây giờ ai muốn vào đảng cũng phải chạy, phải mua thay vì phấn đấu. Nó cũng chẳng khác gì chuyện để trở thành cán bộ lãnh đạo ở mọi cấp, thì không chỉ những bằng cấp về học vấn, dẫu dù chỉ là chuyên tu, tại chức là loại bằng giả do bỏ tiền đi mua, mà kể cả các chứng chỉ lý luận chính trị trung, cao cấp cũng không khác gì. Đó là chưa nói đến chuyện những lò cung cấp kiến thức đào tạo ấy toàn trang bị cho người học những kiến thức lý luận về Chủ nghĩa Cộng sản đã lỗi thời.

Mặt khác, các quan chức ở Việt Nam thời nay, thay vì học tập, nghiên cứu những kiến thức về quản lý kinh tế, cũng như rèn luyện đạo đức để trở thành những lãnh đạo có khả năng thực sự để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, thì ngược lại, hầu hết họ chỉ tìm mối quan hệ để chạy chọt, mua quan bán chức để leo cao hơn, leo nhanh hơn. Những trường hợp Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh là những ví dụ điển hình. Những kẻ chỉ trong một vụ đã lãnh án cả chục năm tù, thậm chí là chung thân, chỉ cách đây ít lâu đang ngồi tại những vị trí đầy quyền lực và là những tấm gương cho toàn xã hội.

Đó chính là nguyên nhân vì sao hầu như mỗi ngày đều xuất hiện một quan chức làm dậy sóng cộng đồng với những phát ngôn hết sức ngô nghê, thiểu năng trí tuệ. Điển hình là vào ngày 28/09/2013, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Tiến sĩ Chính trị học Nguyễn Phú Trọng, lớn tiếng khẳng định "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng". Nghĩa là ý đảng là trên hết, đảng đã muốn là đảng phải được.

Đó cũng chính là lý do vì sao trong lời nói cuối cùng, những kẻ này không hề có một lời xin lỗi nhân dân, những người thực sự là chủ nhân của đất nước. Có lẽ vì bọn họ chỉ nhận thức rằng tiền của của họ tham nhũng, làm thất thoát là tiền của đảng cộng sản Việt Nam, của người đứng đầu đảng là ông Nguyễn Phú Trọng. Vì thế họ nghĩ chỉ cần xin lỗi để ông Trọng rủ lòng thương là xong. Điều đó đã phản ánh một thực tế chua xót của công cuộc chống tham nhũng của ông Tổng bí thư là việc bị truy tố trước pháp luật hay không không phụ thuộc vào luật pháp. Nó phụ thuộc vào ý chí của người phán xử cao nhất là Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.

Lời nói cuối cùng của Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã thể hiện rất rõ cái tư duy bè cánh, phe nhóm và sự không thượng tôn luật pháp của hầu hết các quan chức nhà nước. Đây có lẽ là nguyên nhân chính của việc họ đã gây thiệt hại cho quốc gia hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỉ đồng quá dễ dàng, một khi họ có ô dù che chắn ? Điều này có thể thấy rất rõ trong 10 năm ông Nguyễn Tấn Dũng giữ trọng trách người đứng đầu Chính phủ.

Tuy nhiên việc Trịnh Xuân Thanh xin đi qua Đức để sống với vợ con thì đó không chỉ là một chuyện buồn cười, ảo tưởng, như nhận xét của không ít người. Rõ ràng là, căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức, thậm chí là cả Liên minh Châu Âu (EU) đang ở mức cao xung quang vụ việc đặc vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc nghi can Trịnh Xuân Thanh tại Berlin về Hà Nội theo mệnh lệnh bằng mọi giá phải bắt được. Tại phiên tòa bị cáo Trịnh Xuân Thanh rất hiểu điều đó, nhưng không dám lên tiếng. Vì thế, việc Trịnh Xuân Thanh xin khi kết thúc vụ án được đi qua Đức chăm sóc vợ con cần coi là một sự ẩn ý hoàn toàn có chủ ý của bị cáo này, nhằm đánh động dư luận về việc đặc vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc mình. Điều này còn liên quan đến một câu hỏi khác là "Tại sao vợ con Trịnh Xuân Thanh không về Việt Nam thăm ông ta trong tù ?" của một số người. Quan trọng hơn, yêu cầu được đoàn tụ với vợ con tại Cộng hòa liên bang Đức cũng phần nào đánh động dư luận trong nước và quốc tế rằng, vì sao Trịnh Xuân Thanh tự nguyện đầu thú mà không được giảm nhẹ hình phạt ?

Dẫu rằng tự do biểu đạt quan điểm của mỗi cá nhân là một quyền bất khả xâm phạm. Song thiết nghĩ qua những lời nói cuối cùng của Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa kể trên, có nên xin tha thứ cho họ như suy nghĩ của một số đông người dân Việt Nam chúng ta hay không ?

Kami

Nguồn : RFA, 19/01/2018

Published in Diễn đàn