Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Định nghĩa "nhà nước" theo Marx và Engels : "nhà nước là tổ chức chính trị của giai cấp đang thống trị về kinh tế, nhằm bảo vệ trật tự đang có và đàn áp sự phản kháng của giai cấp khác".

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay thể hiện 100% ý nghĩa nhà nước của Mác. Nó chỉ là một công cụ để bảo vệ giai cấp.

Những thứ đã từng ghi trong các bản hiến pháp "giai cấp công nông, trí thức, công thương..." đã "xưa rồi Diễm". Giai cấp "thống trị về kinh tế" ở Việt Nam hiện nay là giai cấp "tài phiệt đỏ".

Nhân bế mạc Hội nghị trung ương 10 tháng năm vừa qua, ông Trọng phát biểu : "Xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển...".

Thì ra ông Trọng đang hô hào xây dựng lại những gì họ đã đập phá ở miền nam sau 1975.

tusan0

Sài Gòn, tháng Năm 1975 - Ảnh minh họa

Vấn đề là "bọn tư bản bóc lột" ở miền Nam trước kia hầu hết là "tư sản dân tộc". Người chủ xí nghiệp, tài phiệt ngân hàng, địa chủ… hầu hết là người Việt.

Còn bây giờ, "kinh tế tư nhân" 70% vốn đến từ các xí nghiệp nước ngoài (FDI đầu tư trực tiếp, FDD đầu tư gián tiếp).

Tư sản dân tộc có "bóc lột người dân đến tận da đầu" đúng như tuyên truyền của Việt cộng ngày trước hay không, điều này không quan trọng. Quan trọng là của cải của họ vẫn là của cải của "dân tộc". Thành quả phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật… của họ là thành quả phát triển của đất nước.

Tư bản bây giờ là tư bản Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… Tư bản này "bóc lột người dân" trên từng giọt mồ hôi, trên từng giọt máu. Tư bản này (kiểu Formosa, tập đoàn khai thác Bô xít ở Đắc Nông…) đã phá hoại đất nước, trên rừng dưới biển, không chừa một thứ gì. Ta gọi tư bản này là "tư bản man rợ".

Bọn tư bản man rợ này đóng góp vào GDP là bao nhiêu ?

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về sự phát triển GDP thật sự của Việt Nam cho thấy thành quả đóng góp của các xí nghiệp FDI (kiểu Samsung, Intel…) là không bao nhiêu. 100 đô la làm ra, Việt Nam thu vào chỉ ở "gia công", không tới 5%. Số còn lại thuộc về tập đoàn.

Phát triển hiện nay, theo lối trải thảm đỏ cho "tư bản man rợ", còn tệ hơn thời thực dân nhiều lần. Bởi vì thực dân bóc lột, nhưng ít ra chúng cũng xây dựng cơ sở hạ tầng trường học, nhà thương, đường xá, cầu cống… họ cũng đào kinh, khai hoang ruộng dất để mở rộng đất canh tác cho người dân.

Tư bản man rợ bây giờ, ngoài việc giải quyết công ăn việc làm cho một số người, ở một số địa phương, còn lại là phá hoại đất nước. Họ đã xây dựng được cái gì ?

Tất cả các công trình xây dựng hiện nay như xa lộ, cầu cống… đều là "nợ", người dân phải trả. (Vấn đề là khu vực miền Nam không được đầu tư. Phần lớn đường cao tốc chỉ được xây dựng cho miền Bắc).

Số 20% "kinh tế tư nhân còn lại", phần lớn là thành quả "dĩ công vi tư" của các cán bộ lãnh đạo các xí nghiệp nhà nước.

Các xí nghiệp này một số giao cho "quản lý" điều khiển. Bản thân họ "chạy trốn" ra nước ngoài. Số còn lại thì "trùm mền", chờ thời gian "hợp thức hóa" việc ăn cướp của quốc dân.

Còn lại 10% "tư bản dân tộc" thực sự. Những người này làm giàu bằng mồ hôi, bằng trí tuệ của mình. Họ cũng là "con bò sữa" để công an (nhân danh kiểm tra) đến "vắt" hàng tháng.

Mà công an mới là công cụ bảo vệ giai cấp và chế độ.

Quốc hội những ngày qua các đại biểu sôi nổi bàn luận về việc bổ túc thêm các điều luật trong bộ Luật hình sự.

Cũng là hợp lý đó thôi. Nhà nước nào pháp chế đó.

Nhà nước thực dân có pháp chế của nhà nước thực dân. Nhà nước xã hội chủ nghĩa có pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Nhưng tầng lớp thống trị đâu thể sử dụng súng ống với công an canh chừng từng người dân một ? Họ phải đặt ra luật pháp để thiết lập "trật tự xã hội".

Nhiều người hy vọng giới luật sư và không gian mạng internet sẽ "mở cửa" bầu trời, sẽ đưa ánh sáng rọi vào bóng tối.

Thì bây giờ, với những điều luật (sẽ) được bổ túc, luật sư sẽ trở thành một "điềm chỉ viên". Không gian mạng trở thành cái bẫy sụp, là con đường ngắn nhứt để vào tù.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb. nhantuan.truong, 29/05/2017

Additional Info

  • Author Trương Nhân Tuấn
Published in Diễn đàn