Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 30 septembre 2023 23:05

Tạp ghi tháng 9

Biden

Joe Biden tuyên bố chuyện thăm viếng Việt Nam, thay đổi quan hệ đối tác chiến lược, không có mục đích kiềm chế Trung Quốc. Nghĩa là cuộc thăm viếng có mục đích chính là… kiềm chế Trung Quốc. Hoa Kỳ nói rất quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam. Nghĩa là không mảy may bận tâm đến nhân quyền ở Việt Nam.

tuthuc1

Việt Nam rất quan tâm chuyện nhân quyền. Nghĩa là sắp có vài chục người đi tù về tội bảo vệ môi trường…

Một viên chức Việt Nam cũng nói với báo Mỹ : Việt Nam rất quan tâm chuyện nhân quyền. Nghĩa là sắp có vài chục người đi tù về tội viết lách (đúng hơn : viết mà không biết lách), tội muốn bảo vệ môi trường, tội cao hứng muốn làm thánh rắc muối, thánh rắc đường, thánh rắc hạt tiêu.

Bản tuyên ngôn độc lập 1945 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khẳng định : mọi người sinh ra tự do và bình đẳng. Nghĩa là…

Prigozhin

Sau khi Yevgeny Prigozhin nổi loạn, kéo quân về Moscow, tôi cá một chai champagne với bạn bè là anh ta sẽ chết bất đắc kỳ tử, trong những ngày tới, nhất là khi media Nga nói quan hệ giữa Prigozhin và Putin rất tốt đẹp.

tuthuc2

Ông trùm Wagner không biết là người ta có thể chết vì máy bay nổ giữa ban ngày, cho mọi người coi

Không được uống champagne, vì tôi đoán ông trùm Wagner sẽ chết vì thuốc độc, tay "tự tử" kiểu Nga, như các đại gia bị Putin nghi ngờ. Không biết là người ta có thể chết vì máy bay nổ giữa ban ngày, cho mọi người coi, hay quay phim từ đầu tới cuối, như coi xi nê hay coi đốt pháo bông, ngoạn mục.

Đoán đúng một nửa, chỉ được một ly bia.

Một chuyện vui về ngoại giao Nga : trong những cuộc đàm phán, bao giờ phái đoàn Nga cũng mời khách uống trà. Nếu kết quả đàm phán hợp ý Nga, khách sẽ nhận được thuốc giải độc.

Một chuyện Nga khác, thời Stalin : Stalin nói với trùm công an Beria : cái đồng hồ quý của tôi để trên bàn đã không cánh mà bay. Ngày hôm sau, Beria báo cáo : đã có 350 tên phản động nhận tội ăn cắp đồng hồ, 1.500 người khác đang bị tra tấn, sẽ thành khẩn nhận tội. Stalin khen Beria làm việc hữu hiệu.

Khi Beria ra tới cửa, Stalin nói : à quên, đã tìm thấy cái đồng hồ trong ngăn kéo.

Iran, một năm sau

Một năm trước đây (tháng 9/2022), bạo loạn nổi dây khắp Iran khi Mahsa Amini, một thiếu nữ 22 tuổi bỏ mạng vì vài sợi tóc lộ ra khỏi khăn trùm đầu (hijab).

Mahsa bị cảnh sát "thuần phong mỹ tục" (police des moeurs) bắt, bị tra tấn và chết trong nhà thương.

Những cuộc biểu tình, bạo loạn bùng nổ khắp Iran, bất chấp những biện pháp trừng trị tàn bạo của chính quyền "cách mạng Hồi Giáo", nắm quyền từ trên 40 năm nay, với mục tiêu đưa Iran trở lại thời Trung Cổ.

tuthuc3

Khắp nơi, hàng trăm ngàn phụ nữ xuống đường, khởi đầu là giới trẻ, vứt bỏ hijab, đòi tự do, với khẩu hiệu "tôi là Mahsa".

Dần dần cuộc cách mạng được mọi giới ủng hộ, kể cả đàn ông.

Những cuộc đình công, bãi thị được tổ chức khắp nơi, kể cả các trường học, nơi giáo chức công khai ủng hộ lớp trẻ.

Chính quyền Hồi giáo dùng võ lực, công an, cảnh sát, kể cả quân đội để đàn áp : ít nhất 600 người chết, 7 người bị treo cổ nơi công cộng, để làm gương. Chưa kể trên 20.000 ngàn người bị bắt, hàng ngàn người mất tích, bị quản thúc tại gia, bị đuổi khỏi trường học, sa thải.

Ngày nay người ta ít nói tới Iran, vì thời sự đuổi thời sự : chiến tranh Ukraine, xung đột Mỹ Tàu, vật giá leo thang đã khiến người ta quên béng Iran đang tranh đấu.

Ngày 16/9, kỷ niệm một năm ngày Iran nổi loạn, quân đội bao vây tất cả những nơi công cộng, bắt giữ những người bị tình nghi, sẵn sàng nổ súng, vẫn không ngăn cấm được những cuộc xuống đường.

Các mạng xã hội ngoại quốc đã bị cấm ở Iran, ngay cả mạng lưới nội hóa cũng ngưng hoạt động nhiều ngày, để cô lập hóa các phong trào dân quyền.

Công an được lệnh bốc mộ những người tranh đấu nổi tiếng, đem đi chôn ở những nơi bí mật, để tránh những cuộc hành hương tưởng niệm người chết biến thành những cuộc nổi loạn.

Tất cả những nhà hoạt động, còn sống ở trong nước hay ở ngoại quốc, đều đồng thanh : chính quyền Iran chưa sụp, vì nắm mọi quyền hành và tài nguyên quốc gia trong tay, nhưng cuộc cách mạng sẽ tiếp tục bền bỉ, và đã thành công một phần.

Bằng chứng là ngày nay 20% phụ nữ Iran ra đường không đeo hijab, mặc dù không đeo hijab trùm kín tóc vẫn là một tội nặng. Đó là chuyện không thể tưởng tượng cách đây một năm, mặc dù nhà nước tăng cường đàn áp. Taxi chở phụ nữ không hijab, tiệm ăn tiếp khách không hijab bị tịch thu giấy hành nghề.

Mỗi đêm, dân mở cửa sổ ca hát những bài bị cấm đoán, kể cả quốc ca thời trước. Nhiều nữ ca sĩ lên đài truyền hình nhà nước, bất chấp hậu quả, đột nhiên tháo tung khăn choàng, ca hát "nhạc vàng", nhẩy múa, trước sự hoan nghênh của rầm rộ của khán giả.

Đó là một cuộc cách mạng xã hội, trước khi là một cuộc cách mạng chính trị. Những thay đổi xã hội thay đổi trong vài tháng sẽ làm sụp những cấm đoán do nhóm cực đoàn áp đặt trong nửa thế kỷ, với hy vọng sẽ trở thành văn hóa dân tộc.

Nhóm cầm quyền sẽ rất khó dập tắt cách mạng xã hội của dân Iran là dân tộc có trình độ văn hóa cao nhất trong vùng.

Cách mạng chính trị dễ đi vào ngõ cụt, nếu không có các tổ chức hữu hiệu dẫn đường, nhưng cách mạnh văn hóa thì khó ngăn chặn.

Ngày nay kinh tế Iran đang khủng hoảng trầm trọng, vật giá leo thang khủng khiếp : 49% trong một năm theo báo cáo chính thức, 170% theo các cơ quan độc lập. Iran ngồi trên kho tàng dầu lửa, nhưng trên 70% tài nguyên nằm trong tay nhóm cầm quyền, trên 1/3 dân số sống dưới mức độ nghèo đói.

Trước những đe doạ trong nước, chính quyền Hồi giáo tìm liên minh bên ngoài, thí dụ gia nhập nhóm BRICS, nhưng đó là những nước giả vờ đồng sàng nhưng không đồng mộng.

Nga, Tàu không có thói quen cộng tác, chỉ nghĩ đến chuyện vơ vét tài nguyên và nhu cầu chính trị nhất thời ; Saudi Arabia là tử thù của Iran. Ả Rập theo Hồi giáo sunnite (sunni), Iran theo hồi giáo chites (shiis), sẵn sàng thánh chiến để đóng vai lãnh đạo hồi giáo toàn cầu. Đối với dân Iran, bắt tay với Saudi Arabia là một phản bội trắng trợn nhất, ngược lại với tất cả những bài vở nhồi sọ dân từ mẫu giáo, dạy dân phải hy sinh tính mạng đánh Saudi Arabia là bọn phản bội Hồi giáo.

Dầu sao đi nữa, khi một dân tộc quyết tâm đi tới một cuộc cách mạng xã hội, văn hóa, sẽ không có thế lực gì cản nổi. Cảnh sát Iran ngày nay không thể bắt tất cả những phụ nữ để đầu trần, hát "nhạc vàng", chỉ tóm những người nổi tiếng để làm gương.

Người ta không thể không có cảm tình hay cảm phục khi coi các phụ nữ Iran, nhiều khi rất trẻ, kiến thức cao, ý thức chính trị vững, phát biểu một cách minh bạch, thông minh và quả cảm trên các media.

Không một người nào không tin cuối cùng họ sẽ thắng.

Cũng như đã cảm phục các đặc tính đó nơi các phụ nữ Ukraine.

Một điểm giống nhau nữa : phụ nữ Iran và Uhraine đều đẹp.

Nhà đất

Dẫn một ông bạn từ Việt Nam sang Pháp chơi.

Thấy một bãi cỏ mông mênh trước Invalides (mộ Napoléon), nơi thước đất thước vàng, ông bạn ngạc nhiên : vậy mà không ai xây nhà.

tuthuc4

Điện Invalides, Paris

Đáp : bởi vì đó là đất công. Các bác lãnh đạo Tây còn ngây ngô lắm, chưa biết lựa đất cất nhà. Biết bao nhiêu công viên bát ngát chưa thấy ai chặt cây cất lều, hay làm nghĩa trang gia tộc, bao nhiêu nhà mặt tiền ngon lành vẫn nằm trong tay dân.

Paris, 30/09/2023

Từ Thức

*********************

Minh xác

Nhiều độc giả đặt câu hỏi : TỪ THỨC trong blog này (tuthuc-paris-blog.com ) và ĐINH TỪ THỨC có phải là một người ?

tuthuc4

Từ Thức trong một chuyến viếng thăm thành phố Osaka, Nhật Bản - Ảnh minh họa

Xin thưa : Từ Thức, hiện sống ở Paris, và Đinh Từ Thức (Hoa Kỳ) là hai người khác nhau.

Xin nói rõ, để khỏi oan cho ký-giả kỳ cựu Đinh Từ Thức (trước 75 nổi tiếng với bút hiệu Sức Mấy, trên nhật báo Tiền Tuyến), nếu tôi viết gì tào lao, loạng quạng.

Từ Thức, Paris

Additional Info

  • Author Từ Thức
Published in Diễn đàn
samedi, 26 août 2023 20:38

Tạp ghi tháng 8

Vô tội

Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan. Các quan lớn làm ngơ, báo Đảng làm ngơ. Giết oan một người, hay vài ngàn người có gì đáng nói, tại một xứ mạng người rẻ hơn bèo. Bèo còn bán được làm thức ăn cho heo.

tapghi1

Công lý ở những xứ độc tài : giết oan chưa đủ, còn phải nhục mạ nạn nhân.

Josehp K., trong "Le Procès" (Der Prozess) của Franz Kafka, một buổi sáng bị bắt, bị tống giam, không ai biết về tội gì. K. nói tôi vô tội, bọn tra tấn hỏi lại : "Vô tội về chuyện gì ?" (Non coupable de quoi ?). Ai cũng có một cái tội gì đó.

Sau những cuộc điều tra cẩu thả, tra tấn dã man, những phiên tòa lố bịch, luật sư bất lực, quan tòa phường chèo, K. bị lôi ra một bãi vắng, bị xử tử bằng một con dao thái thịt, "như một con chó, làm như cái nhục sẽ đeo đuổi anh ta mãi mãi".

Đó là công lý ở những xứ độc tài : giết oan chưa đủ, còn phải nhục mạ nạn nhân. Vừa tàn nhẫn, vừa độc ác. Hành hạ người khác để biểu dương quyền lực, và tìm cái thú trong cái độc ác, man rợ.

Zadig

Voltaire viết, trong Zagig, từ 1747 : khi thiếu bằng chứng, khi còn hoài nghi "thà thả lầm một người có tội còn hơn kết án một người vô tội" (Il vaut mieux hasarder de sauver un coupable que de condamner un innocent).

Những chế độ độc tài nghĩ ngược lại : thà giết lầm một triệu người còn hơn thả lầm một người có tội.

Ngày nay, chỉ còn 19 hay 20 nước, trong đó có Việt Nam, vẫn thi hành án tử hình. Nhiều nước vẫn còn án tử hình, nhưng ít khi áp dụng.

Tại những nước văn minh hơn, người ta bỏ án tử hình, vì, thứ nhất : trong nhiều vụ, án thi hành xong, người ta khám phá ra tử tù bị hành quyết oan, dù các phiên tòa rất nghiêm chỉnh, bằng cớ trước mắt rất hiển nhiên, công luận rất thỏa mãn. Thứ hai, ở những nước có án tử hình, các tội ác không thuyên giảm ; án tử hình không có hiệu quả gì trong việc ngăn ngừa tội ác

Thánh rắc muối

"Vô tội về chuyện gì" ? Đó có lẽ cũng là câu hỏi của công an với anh chủ tiệm phở Bùi Tuấn Lâm.

Lâm bị kết án 5 năm, 6 tháng tù, 4 năm quản chế về tội bắt chước ông thánh rắc muối Thổ Nhĩ Kỳ của một tiệm ở London, nơi ông trùm công an Tô Lâm tới thưởng thức món thịt bò dành cho tỷ phú tư bản.

Ở những xứ dân chủ, người dân có quyền làm bất cứ chuyện gì luật pháp không cấm ; ở những xứ độc tài người dân chỉ có quyền làm những gì luật pháp cho phép.

Ở Việt Nam, không có đạo luật nào cho phép dân được bắt chước thánh rắc muối. Đi tù là phải, không có gì oan ức. Bởi vì có nhiều người đi tù vì làm những chuyện được hiến pháp, luật lệ Việt Nam cho phép.

Nhưng tại sao 5 năm tù, không phải 3, 4 hay 10, 35 năm ? Có thể ông tòa thích số 5, như nhiều người coi số 9 là số hên, đánh cá ngựa, mua xổ số, đều lựa số 9.

Tiểu Tử

tapghi2

"Tiểu Tử, những giọt nước mắt, những tiếng thở dài", ghi lại bài nói chuyện trong buổi ra mắt sách Tiểu Tử ở Paris 8 năm trước (03/01/2015)

Một người bạn gởi cho coi một bài viết về nhà văn Tiểu Tử của Giáo sư Nguyễn Văn Lục, và thêm : "Có nhiều câu giống y như những câu trong bài viết của Từ Thức mấy năm trước".

Bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Lục, tựa "Tiểu Tử, người tiếp lửa, giữ hồn của miền Nam"vừa đang trên OVCOnline.Net (2023), được nhiều websites đăng lại. Bài của tôi, tựa là "Tiểu Tử, những giọt nước mắt, những tiếng thở dài", ghi lại bài nói chuyện trong buổi ra mắt sách Tiểu Tử ở Paris 8 năm trước (03/01/2015), đăng trên rất nhiều báo online thời đó, còn lưu lại trên blog cá nhân, tuthuc-paris-blog.com.

Anh bạn tô mầu vàng những câu anh cho là giống nhau. Thí dụ :

--------------------------

Từ Thức (2015) :

"Ngay cả tên những nhân vật cũng đặc miền Nam, không có Lan, Cúc, Hồ Điệp, Giáng Hương như trong tiểu thuyết miền Bắc, không có Diễm My, Công Tằng Tôn Nữ như Huế, chỉ có những con Nhàn, con Huê, con Lúa, thằng Rớt thầy Năm Chén, thằng Lượm, bà Năm Cháo lòng…"

Giáo sư Nguyễn Văn Lục (2023) :

"Tên tuổi nhân vật cũng đặc sệt tính miền Nam. Không có những văn hoa như Lan, Cúc (…) kiểu miền Bắc. Hoặc những tên như Diễm, Công Tằng Tôn Nữ (…) kiểu miền Trung. Tiểu Tử không có những tên cao sang "với không tới", mà bình dân như Con Lúa, con Nhàn, con Huê, thằng Rớt (…), thầy Năm Chén, bà Năm cháo lòng".

Từ Thức :

Dưới ngòi bút của tác giả người Bắc, người Trung, gọi đàn bà là con Huê, con Nhàn có vẻ hỗn ; ở Tiểu tử, nó chỉ là sự thân ái.

Giáo sư Nguyễn Văn Lục :

Bình dị mà gần gũi thân thương (…). Nó khác hẳn tiếng chửi tục của miền Bắc thô tục…

Từ Thức :

Tiểu Tử học ở Marseille, hiện sống ở ngoại ô Paris, nhưng văn của ông không lai Tây một chút nào.

Giáo sư Nguyễn Văn Lục :

Tôi cũng không hề thấy ông bị một chút nào về văn hóa Pháp mà lẽ thường ông chịu ảnh hưởng.

Từ Thức :

Văn của ông là lối kể chuyện của người miền Nam, bình dị nhưng duyên dáng, duyên dáng bởi vì bình dị, tự nhiên. Tiểu Tử không làm văn. Ông kể chuyện, không có chữ thật kêu, không có những câu chải chuốt. Với cách viết, với ngôn ngữ chỉ có những tác giả miền Nam mới viết được. Không hề có cường điệu, không hề có làm dáng. Người đọc đôi khi có cảm tưởng tác giả không mấy ưu tư về kỹ thuật viết lách, ông viết với tấm lòng.

Giáo sư Nguyễn Văn Lục :

Ông vẫn giữ được cá tính miền Nam : bình dân, giản dị, thực thà, dí dỏm. Ông vẫn giữ lối viết chân chất (…), không màu mè, không kiểu cách, không uốn éo văn hoa, làm dáng (…) nhưng chính lối viết chân chất ấy quyến rũ người đọc. Chính chỗ bình dị làm nên vóc dáng văn học.

Từ Thức :

Tiểu Tử không cần bóp méo sự thực, chỉ việc cúi xuống lượm, ghi lại những cái lố lăng, đảo lộn luân thường xẩy ra mỗi ngày (sau 75).

Giáo sư Nguyễn Văn Lục :

"Ông không cần hư cấu, không cần bóp méo sự thật, chỉ cần cúi xuống nhặt nhãnh những mảnh vụn cuộc đời, ghi lại như một nhân chứng những cuộc đổi đời…".

------------------------

Người bạn hỏi : anh nghĩ gì về chuyện này ?

Tôi không biết nghĩ gì.

Bởi vì chính mình cũng có lúc vô tình viết lại một câu đã đọc ở đâu đó.

Không biết nghĩ gì, thôi thì coi đó là một sự trùng hợp tình cờ, như xẩy ra rất thường trên sách báo. Vả lại, bài tôi viết cũng chẳng hay ho gì, chỉ là nội dung một buổi nói chuyện thân mật, về một nhà văn quen. Một người bạn có nhã ý ghi âm, tôi sửa lại đôi chút cho hợp với văn viết.

Dầu sao, cũng vui vì thấy có tác giả nghĩ như mình, coi Tiểu Tử là một nhà văn đáng quý. Giáo sư Nguyễn Văn Lục viết : Tiểu Tử là "người giữ lửa, giữ hồn của miền Nam", khi tôi viết, cách đây 8 năm : Tiểu Tử gợi lại cả một xã hội Việt Nam trước 75, từ phong hóa đến ngôn ngữ.

"Độc giả trân trọng với truyện ngắn Tiểu Tử, có lẽ bởi vì đó là một tài liệu quý. Một cuốn phim sống động về một xã hội tử tế đang phá sản, đặc biệt là phá sản về luân lý, về tình người. Ông là nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt Nam" (1)

Paris tháng 8, 2023

Từ Thức

(tuthuc-paris-blog.com )

(1) Tiểu tử, "Những giọt nước mắt, những tiếng thở dài"

Additional Info

  • Author Từ Thức
Published in Diễn đàn