Vợ chồng ông Giàng A Dinh bị nhà cầm quyền cáo buộc hoạt động cho các tổ chức phản động nước ngoài và bắt bỏ đạo Tin Lành.
Gia đình ông Giàng A Dinh (hay Đinh Giang) gồm hai vợ chồng, 4 con, và 2 cháu được IOM đưa đến tiểu bang Minnesota
Trong năm nay, 2023, tính tới tháng đầu tháng 10, đã có 3 gia đình người Mông, được quy chế tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, từ Thái Lan đến định cư tại Hoa Kỳ. Ngày 27 tháng 10, gia đình ông Giàng A Dinh (hay Đinh Giang) gồm hai vợ chồng, 4 con, và 2 cháu được IOM chuẩn nhận hồ sơ đi cùng, đến tiểu bang Minnesota. Lý do tỵ nạn của gia đình ông Đinh Giang, khác với những người đã đến Thái Lan trước đó.
Trước đó đã có những người Kinh, Thượng và Mông được Liên Hiệp Quốc chấp thuận cho đi định cư tại nước thứ ba vì tỵ nạn chính trị, như bà Hồ Thị Bích Khương, hoặc vì bị đàn áp tôn giáo. Riêng những gia đình người Mông chúng tôi đã đến thăm gặp tại Thái Lan, đều đi tỵ nạn vì bị cấm theo đạo Tin Lành, chỉ một gia đình ông Đinh Giang đến định cư Hoa Kỳ bị đàn áp cả vì chính trị lẫn tôn giáo. Vợ chồng ông bị nhà cầm quyền cáo buộc hoạt động cho các tổ chức phản động nước ngoài và bắt bỏ đạo Tin Lành.
Đã từ lâu, người Mông phải trốn chạy khỏi quê cha đất tổ vì chính phủ Việt Nam cấm họ theo đạo Tin Lành. Họ bị bắt, đánh đập tra tấn, bỏ tù. Nhiều người có thân nhân bị cộng sản giết vì theo đạo.
Anh Vàng A Pá, người vừa đến Hoa Kỳ định cư hồi đầu năm nay có anh ruột là Hoàng Văn Ngài, người giúp việc Chúa, bị bắt và bị đánh chết trong trại tạm giam.
Gia đình cụ bà Tráng thị Đấu bị đàn áp tôn giáo. Người con trai đã phải cõng mẹ, hơn 90 tuổi hàng ngàn cây số qua núi cao, đèo sâu, vượt sông Mekong bằng những cây nứa (*)3
Ông Sùng A Phừ, xã Chí Cà - huyện Xín Mần – tỉnh Hà Giang, bị ép bỏ đạo Đạo Tin Lành, thường xuyên bị công an Chí Cà gọi vào Đồn Biên Phòng 219 để, "bắt tôi bỏ Đạo, tra tấn, sách nhiễu, đánh đập tôi làm cái tai tôi bị vỡ không nghe thấy và xem tôi như một con vật".
Ông Sùng Phái Tà, Bản Hua Chan Xã Chiềng Đông Huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên bị chính quyền bản Hua Chan cướp 11 bao thóc, một chiếc xe máy, một con lợn 10kg, phạt bốn triệu đồng và bị phá 2 cái nhà.
Và còn rất nhiều số phận bi thảm của người theo Tin Lành, bị trấn áp vô cùng dã man, bị vu cáo phản động, âm mưu lập Vương Quốc Mông, lật đổ chính quyền.
Sự đàn áp người dân tộc bản địa, không chỉ riêng người Mông, của chính quyền VN, được quan chức, công an người cùng huyết tộc tiếp tay, khiến ông Giàng A Dinh và vợ ông cảm thấy tủi nhục cho dân tộc ông. Kế đến sự việc chính quyền đàn áp tôn giáo và bắt người Mông trở lại hủ tục thờ cúng ma bếp, ma cửa, ma buồng, thần rừng, thần sông, suối khiến vợ chồng ông Giàng A Dinh cảm thấy nhân quyền bị chế độ cộng sản vô thần tước đoạt. Họ cũng thấy chính quyền cố sức kéo lùi sự tiến bộ của người Mông nói riêng, người bản địa thiểu số nói chung, duy trì hủ tuc.
Quan sát sự thay đổi ngoạn mục của những người nông dân nghèo khổ, thất học khi theo đạo Tin Lành, vợ chồng ông Giàng A Dinh biết rõ hơn chân tướng của Đảng cộng sản Việt Nam, chính quyền và công an và sự tủi nhục của đồng bào. Gia đình ông Giàng A Dinh gia nhập đạo Tin Lành. Họ chọn đứng về phía đồng bào bị áp bức, bất công. Họ chọn lẽ phải. Chọn Chúa Cứu Thế chứ không còn chọn chủ nghĩa cộng sản.
Trước đó đạo Thủ Ti làm người Mông chia rẽ. Mỗi dòng họ có những vị Thủ Ti riêng nên dòng họ này không thích dòng họ kia. Họ Vàng (họ Vương), họ Giàng (họ Dương), họ Phàng (họ Hoàng), họ Đào… trong bản làng chỉ lo tranh cãi, kiện tụng gây ra rất nhiều phiền toái, thậm chí đánh, giết lẫn nhau... Mê tín dị đoan, thêm nạn nghiện rượu, nghiện và buôn bán ma túy đang dần tiêu diệt người Mông.
Chính quyền để mặc người Mông ‘phát triển’ những cái xấu xa đó để dễ cai trị. Họ vu cáo người theo đạo Tin Lành bỏ phong tục tập quán cha ông, theo Mỹ.
Khi theo đạo, người Tin Lành bỏ những hủ tục, mê tín dị đoan và thói xấu uống rượu, dùng, buôn ma túy hoàn toàn chấm dứt, các dòng họ vượt lên sự ngăn cách và có cùng chung một Thiên Chúa để thờ phượng. Người Mông trở nên đoàn kết, yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Sinh hoạt tôn giáo trong đạo Tin Lành làm cho sự chia rẽ giữa các dòng họ mất đi. Họ sống với nhau như như một gia đình. Đó là điều nhà cầm quyền cai trị rất sợ hãi và tìm đủ cách ngăn cấm đạo.
Nghe đến SEAFORB, một Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo và Niềm Tin tổ chức tại Manila của "bọn phản động, chuyên gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết người trong nước và vu cáo chính quyền nhân dân", Vợ chồng ông Giàng A Dinh thử đến tham dự, tìm hiểu cho rõ thực hư.
Tại đây, vợ chồng ông Giàng A Dinh nghe các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, các đại diện Liên Âu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các nhân chứng từ trong nước xác nhận, với những bằng chứng không thể chối cãi, sự vi phạm tự do tôn giáo hết sức tồi tệ của Việt Nam. Hai vợ chồng ông thấy rõ hơn, nghe rõ hơn nữa chi tiết sự việc đồng bào mình bị chính quyền đàn áp tự do tôn giáo, bóc lột và những cái chết rùng rợn của đồng bào người Mông bị chính quyền thảm sát.
Vợ chồng ông Dinh cũng thấy quốc tế và các tổ chức người Việt ở ngoại quốc muốn xây dựng quyền tự do tôn giáo cho người dân Việt Nam bằng những phương thế hòa bình thế nào, họ cũng hiểu thêm rằng quyền tự do tôn giáo và niềm tin là bất khả xâm phạm và chính quyền đang chà đạp nhân quyền của dân tộc ông rất nghiêm trọng.
Trở về nước, hai vợ chồng ông ngay tức khắc phải chịu đựng sự sách nhiễu của công an và chính quyền địa phương. Họ nhận giấy triệu tập lên công an trả lời chuyện tham dự hội nghị, bị cáo buộc tiếp tay bọn thù địch nước ngoài chống phá chế độ, gây mất đoàn kết v..v. Dù có giải thích thế nào công an và chính quyền cũng không tin thiện chí của họ.
Càng ngày họ càng nhận nhiều giấy triệu tập, càng ngày sự sách nhiễu càng gia tăng lên hai vợ chồng, người chồng là giáo viên, người vợ phụ trách kế hoạch sanh đẻ của hội Phụ nữ xã, và vì là nhân viên nhà nước họ còn bị áp lực nhiều hơn dân thường.
Áp lực của chính quyền đè nén trên họ quá mức, và với nguy cơ có thể cả hai vợ chồng bị bắt cầm tù, bị đánh đập, hay có thể bị giết trong trại giam như nhiều người khác, bỏ lại các con thơ dại. Họ rứt ruột, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi dù đang còn làm việc cho nhà nước với mức sống khá hơn một chút so với nhiều người Mông. Chỉ cần bỏ đạo, làm theo chỉ dẫn phản bội của chính quyền, họ có thể được ‘nâng đỡ’ nhiều hơn.
Trong khi tỵ nạn tại Thái, mặc dù vẫn lo ngại việc có thể bị chính quyền Việt Nam làm những hành động xấu với ông và gia đình, hay thậm chí trấn áp, bắt cóc ông hay vợ con về Việt Nam, ông Giàng A Dinh liên tục ra sức chung tay với tổ chức BPSOS bênh vực "quyền con người theo đúng tuyên ngôn nhân quyền Liên Hiệp Quốc, quyền dân sự, quyền chính trị, tự do tôn giáo" qua các khóa học về luật Việt Nam và luật quốc tế. Ông phụ trách nhóm của cộng đồng người Mông, lập danh sách những người muốn tham gia, quản lý nhóm, hỗ trợ họ làm bài tập, v.v…
Nhà nước Việt Nam tiếp tục hành vi đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào Ông Giàng A Dinh vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền, đặc biệt quyền tự do tôn giáo hay niềm tin của các đồng bào Hmong (**).
Tại phi trường O’Hare, Chicago, nói chuyện với phóng viên Việt Nam Thời Báo khi chờ chuyến bay về Minnesota, ông Giàng A Dinh không dấu sự vui mừng, phấn kích khi đặt chân đến bến bờ tự do. Ông nói về tương lai, sẽ đi học lại, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết cho cuộc sống và đấu tranh. Hoa kỳ không phải là nơi để ông hưởng thụ, nhưng đó là một đất nước để ông dấn thân tích cực bảo vệ dân chủ, quyền con người Việt Nam nói chung và dân tộc Mông của ông nói riêng.
Hạo Nhiên
Nguồn : VNTB, 28/10/2023
Tham khảo :
(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-hanh-trinh-tron-chay.../
(**) https://vietnamthoibao.org/vntb-thu-dam-me-benh-hoan.../...