Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Làm gì để có tự do báo chí ?

Triệu Tử Long, VNTB, 01/05/2021

Trong bài báo "Press Freedom Isn’t Free " xuất bản từ tháng 8/2016, thì nhìn lại năm 2015, cho thấy ước tính chỉ có 13% dân số thế giới sống ở các nước "nơi có việc mạnh mẽ đưa các tin tức chính trị, sự an toàn của các nhà báo được đảm bảo, sự xâm nhập của nhà nước vào các vấn đề truyền thông là tối thiểu, và báo chí không phải là đối tượng của những áp lực pháp lý hoặc kinh tế nặng nề".

tudo1

Hiểu theo nghĩa đơn giản, một khi Bộ Chính trị ‘cho chủ trương’ thì rất có thể ‘tự do báo chí’ sẽ có bước đầu là tư nhân được quyền ‘làm báo’.

87% còn lại của dân số thế giới, ở một số nước, các chế độ độc tài sẽ chỉ đơn giản là bỏ tù hay ám sát các phóng viên, những người quá "tò mò".

Giả dụ như sắp tới đây Luật Báo chí của Việt Nam sẽ tu chỉnh theo hướng không hạn chế quyền về ‘báo’ và ‘tạp chí’ ; đồng thời lộ trình mở dần qua việc cho phép tư nhân được quyền làm ‘tạp chí’, để dần về sau có thể mở rộng sang ‘báo’, thì diện mạo làng báo của Việt Nam liệu có thể gọi là ‘tự do báo chí’ ?

Câu trả lời là không hẳn.

Không hẳn, vì dẫu tư nhân làm ‘tạp chí’, hay ‘báo’ thì về nguyên tắc vẫn chịu sự định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương và cụ thể ở cấp địa phương nơi có trụ sở tòa soạn.

Ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dưới thời Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, có nhận định  như sau : "Thế nào là tự do ngôn luận và thế nào là tự do báo chí ?

Đọc ra thì đó là câu chuyện ấu trĩ tưởng ai cũng biết, nhưng rõ ràng vấn đề làm nó như thế nào ? Thế nào là tự do báo chí ? Tự do báo chí thì có tin người ta cứ đưa và người ta chịu trách nhiệm về nguồn tin đó. Ở Việt Nam thì không đơn giản. Đưa phải có định hướng, đưa phải có chỉ đạo. Tức là đưa mà trái ý, thì người đưa mà có thẩm quyền đi đứt trước.

Tôi nói là còn có khả năng bị phạt tiền, rồi tù tội vân vân. Cho nên tất cả những cái đó đòi hỏi luật lệ phải chi tiết và nó đòi hỏi đảm bảo điều luật ấy phải được thực hiện, thì ở Việt Nam không có đảm bảo đó.

Đó là cái không biết chừng nào sẽ có ? Điều luật mà không có, viết ra cứ lửng lờ như thế, thì thế nào là tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận như nói là gặp nhau trong quán nhậu mình phát biểu, thì cái đó có phải tự do ngôn luận không ?

Hay tự do ngôn luận là có quyền lập diễn đàn phản biện lại ? Còn bây giờ như tôi biết là các tổ chức Mặt trận, các tổ chức đoàn thể có quyền là giám sát và phản biện. Nhưng sự giám sát và phản biện, người ta lại ngoáy vô cái chỗ là phản biện là phản biện những dự thảo văn bản của Đảng, của nhà nước, của luật pháp, như vậy thì gọi là góp ý, chứ sao gọi là phản biện được ? Sao lại xài chữ nghĩa như thế được ?

Phản biện "dự thảo văn bản" – thì phản biển dự thảo văn bản là thế nào ? Từ ‘góp ý’ chứ làm sao gọi là ‘phản biện’ được ?.

Có quyền phản biện những chủ trương mà đưa ra không thiết thực, thì người ta có quyền phản ứng, chống lại không ? Thì ở Việt Nam là không được, làm cái đó coi chừng vi phạm pháp luật.

Cho nên cái gọi là giám sát, phản biện cũng lững lờ. Còn giám sát là thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc, chứ không có phản biện độc lập. Nếu ai không đồng ý cái gì, lên tiếng độc lập, thì cái đó cũng là không an toàn mà phải qua hệ thống tổ chức, như vậy hệ thống tổ chức, họ lọc hết.

Làm sao mà có thể phản biện trung thực được ? Cho nên ở Việt Nam chữ nghĩa nó có nhưng mà không có cơ chế đảm bảo thực hiện các quyền đó, không có cái luật như thế. Thì đó là điều cần phải đòi hỏi ở Việt Nam".

Đơn giản hơn nhiều – theo một nhà báo hiện sống ở Sài Gòn, để có thể đáp ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cần lắng nghe ý kiến phản biện , trước mắt cần chấm dứt việc hạn chế quyền làm ‘báo’ – ‘tạp chí’ của tất cả các tòa soạn được ghi ở Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 .

Giáo dục từ bậc phổ thông cơ sở đến đại học, hiện tại đều cho phép tư nhân đầu tư và Đảng vẫn quản lý tốt mọi mặt, không lo ngại gì về các ‘diễn biến hòa bình’, ‘tự chuyển hóa’. Vậy thì báo chí, lẽ nào tiếp tục là ‘vùng cấm’, là nơi độc quyền của cơ quan nhà nước ?

Theo quan điểm của Lênin, báo chí tư nhân trong quốc gia được nhìn nhận như một yêu cầu không thể thiếu khi có tự do sản xuất kinh doanh, trao đổi mua bán hàng hóa.

Theo ông, báo chí tư nhân là chỉ do nhà nước quản lý bằng luật pháp, thay cho các sắc lệnh cấm đoán khi nhà nước vô sản mới thiết lập mấy năm đầu ; còn sự lãnh đạo của các đảng viên Đảng cộng sản Nga đối với báo chí, cần được nhìn nhận là phải "phục vụ" các tờ báo nhà nước, tư nhân làm đúng trách nhiệm, chức năng của báo chí đối với đất nước, nhân dân.

Sinh tiền, Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, "Tự do báo chí  là là nhu cầu tinh thần quan trọng của mỗi quốc gia, dân tộc, là đòi hỏi cơ bản của quyền con người".

Vậy thì cớ gì mà lại hạn chế trong phân biệt của quyền làm ‘báo’, và ‘tạp chí’ như nội dung của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 ?

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 01/05/2021

*************************

Bầu cử : hãy kỳ vọng vào dân chủ

Lynn Huỳnh, VNTB, 01/05/2021

Giá của đôi chân tự do ?

Một ngôi sao ca nhạc trẻ đang quay video clip ca nhạc trong công viên trước sự chứng kiến của rất nhiều fans và người bộ hành qua lại.

tudo2

"Tự do không bao giờ miễn phí – Freedom is not free". Dân chủ cũng vậy thôi.

Để chứng minh với mọi người tấm lòng đạo đức biết thương người của mình, đồng thời nhân dịp để lưu lại hình ảnh thật PR cho album chuẩn bị phát hành, ngôi sao đến bên cạnh một người đàn ông cụt hai đôi chân đang ngồi trên một băng ghế gần đấy.

Ngôi sao liền rút ra trong túi mình một nắm tiền rồi dúi vào trong tay ông. Mọi người ồ lên cảm phục ngôi sao ca nhạc. Thế nhưng, khác với dự đoán của mọi người, thay vì người đàn ông tàn phế nhận tiền mở lời cám ơn, ông ta khoác tay từ chối và nhẹ nhàng cất giọng :

– Em giữ lấy mà dùng. Số tiền này chưa đủ trả cho đôi chân tôi và ơn tôi đã cho em và gia đình em.

– Hả ? Ông nói cái gì ? (Ngôi sao sửng sốt)

Gã phế nhân không nói gì chỉ gật gật đầu.

Mọi người trố mắt nhìn. Chàng ngôi sao càng không hiểu. Anh ta đến gần nhìn kỹ lại gã cụt chân. Hai chân hắn cụt đến đầu gối. Ngôi sao nhạc trẻ nhíu mặt :

– Cháu có bà con với ông à ?

– Không. (Người đàn ông lắc đầu)

– Ông là bạn với cha mẹ cháu à ?

Gã phế nhân vẫn lắc đầu.

– Nếu không thì sao ông phải hy sinh đôi chân để cứu mạng cháu chứ ? Chuyện này xảy ra khi nào ? Ông là ai ?

Thấy câu chuyện có phần hấp dẫn, đạo diễn ra hiệu vẫn cho quay máy thu hình. Lần này quay cận mặt gã tàn phế. Ông ta vẫn ung dung ngồi bình thản, ngẩng mặt lên nhìn ngôi sao, thoáng buồn :

– Tôi à ? Ồ không ! Tôi chỉ đơn giản là một người lính thôi chú em ạ. Chân tôi à ? Sao các em mau quên thế nhỉ ? Sự tự do của mọi người phải có giá để trả, nó không bao giờ miễn phí !

Dân chủ cũng vậy thôi, càng không là miễn phí, và cái giá của nó là đắt hay vừa phải là còn tùy vào thời gian chờ đợi của dân chủ.

Dân chủ là gì ?

Một tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nói rằng, dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự do và quyền con người.

Dân chủ cũng được vận dụng vào tổ chức và hoạt động của những tổ chức và thiết chế chính trị nhất định.

Khác với hình thức khác của thiết chế nhà nước, trong thiết chế dân chủ, quyền của đa số, quyền bình đẳng của mọi công dân, tính tối cao của pháp luật được chính thức thừa nhận ; đồng thời, các cơ quan quyền lực phải do bầu cử mà ra.

Ở đây, pháp luật được xem là nguyên tắc tối thượng của việc xây dựng thiết chế, quản lý và điều hành xã hội, là nền tảng của trật tự xã hội và là chuẩn mực có tính chất cưỡng chế nhằm điều chỉnh hành vi của các cá nhân và các quan hệ trong xã hội.

Nếu không có sự đề cao nguyên tắc tối thượng của pháp luật thì sẽ không có dân chủ, hay đúng hơn là dân chủ không thể được nảy sinh và tồn tại trên nền tảng của một xã hội mà ở đó các quan hệ xã hội và hành vi của con người hầu như chỉ được điều chỉnh bởi các chuẩn mực đạo đức, tôn giáo, phong tục, tập quán thuần tuý.

Các chuẩn mực như vậy chưa thể tạo ra cơ sở pháp lý cho sự nảy sinh dân chủ, bởi lẽ những cam kết và chuẩn mực có tính chất chính trị, đạo đức, tôn giáo, phong tục không đủ vững chắc và bảo đảm cho việc thực hiện quyền tự do lựa chọn người đứng đầu quốc gia, chức sắc tôn giáo hay quyền tự do phế truất… cũng như không thể giúp cho các công dân có quyền tự do ứng cử vào các cơ quan của Nhà nước và chính quyền địa phương để tham gia vào việc giám sát, thực thi, điều hành và quản lý tất cả mọi hoạt động của xã hội và của Nhà nước.

Những điều này chỉ có thể được hiện thực hoá từng bước tuỳ theo trình độ phát triển của xã hội đó, ở trong một xã hội mà những cam kết về sự tự do của công dân hay cá nhân ấy phải được ghi nhận và quy định thành luật, nghĩa là trong một xã hội được tổ chức chặt chẽ bởi thiết chế luật pháp.

Giá của dân chủ là ‘đắt’ hay ‘vừa phải’ còn tùy thời gian chờ – đợi

Như vậy, quyền dân chủ trước hết là quyền con người ; hơn nữa, nó nhấn mạnh đặc biệt đến các quyền về chính trị như là khả năng và điều kiện tiên quyết để thực hiện đầy đủ các quyền con người cơ bản khác.

Bởi vì, sự giải phóng về chính trị là điều kiện tiên quyết đối với mọi sự giải phóng khác của con người, bình đẳng về chính trị là tiền đề của mọi sự bình đẳng.

Hay nói cách khác, các quyền về chính trị như tự do bầu cử, ứng cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, hội họp, tự do báo chí…, một mặt, là tiền đề cho việc hiện thực hoá các quyền khác, mặt khác, là sự phản ánh về mức độ giải phóng "năng lực bản chất người" của mỗi cá nhân.

Và từ những góc nhìn trên cho thấy lá phiếu cử tri cho ngày Chủ nhật 23 tháng 5 sắp tới đây, đừng vội bi quan khi cho rằng ‘mọi sự đã rồi’. Xin luôn nhớ rằng, dân chủ chưa bao giờ là món quà miễn phí mà thể chế chính trị luôn sẵn lòng dành cho công chúng.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 01/05/2021

Additional Info

  • Author Triệu Tử Long, Lynn Huỳnh
Published in Diễn đàn