Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tự do học thuật ở Việt Nam : khi giáo dục đi liền với chính trị

BBC, 23/06/2024

Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm có thứ hạng thấp về tự do học thuật, khi giáo dục phải luôn gắn liền với chủ trương, đường lối và lập trường của Đảng cộng sản.

hocthuat1

Việt Nam vẫn thiếu tự do học thuật khi giáo dục đi kèm nhiệm vụ chính trị là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Tự do học thuật không được quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Khái niệm này không có trong Hiến pháp năm 2013 lẫn Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

Theo đó, giảng viên không có "tự do" mà chỉ có quyền "độc lập về quan điểm". Tuy nhiên, sự "độc lập" này phải "phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội".

Cụ thể, Khoản 7 Điều 55 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định giảng viên được phép "độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội".

Khi được BBC News tiếng Việt hỏi về Khoản 7 Điều 55 kể trên, Giáo sư Doyle Srader từ đại học Bushnell, Mỹ đánh giá :

"Nếu đó là điều được viết trong luật pháp của Việt Nam thì tôi thấy thật là nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng đó là một công cụ những người quyền lực sử dụng để tiếp tục nắm quyền, bằng cách đàn áp sự bất đồng. Tôi nghĩ về lâu dài, điều này không giúp ích cho bất kỳ ai".

Ông nói rằng ở Mỹ "chẳng có tuần nào trôi qua mà chúng tôi không nói về nó. Tự do học thuật được nhắc đến gần như trong mọi cuộc họp".

"Mọi người luôn nhắc nhau rằng tự do học thuật rất được đề cao và coi trọng", ông thêm.

Khi được hỏi về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, giảng viên đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã nhắc tới báo cáo về tự do học thuật năm 2023 của Đại học Friedrich-Alexander Erlangen-Nürnberg (FAU) của Đức và Viện nghiên cứu V-Dem của Thụy Điển.

Theo báo cáo này, Việt Nam thuộc nhóm 20-30% các quốc gia có chỉ số tự do học thuật thấp nhất trong số 179 quốc gia.

Cụ thể, trên thang điểm từ 0 đến 1 (từ thấp đến cao), Việt Nam đạt 0,32 điểm.

Để so sánh, điểm của một số quốc gia khác như sau : Bắc Hàn (0,01), Trung Quốc (0,07), Campuchia (0,25), Philippines (0,55), Indonesia (0,69), Nhật Bản (0,6), Mỹ (0,69), Canada (0,86), Đức (0,93), Thụy Điển (0,94).

Bên cạnh đó, bà cũng lấy ví dụ việc con gái mình được tranh luận và phản biện rất nhiều khi học sử ở Mỹ. Trong khi đó, môn học này ở Việt Nam lại bị "giới hạn góc nhìn theo quan điểm chính thống".

Theo Bách khoa Toàn thư Britannica, tự do học thuật là quyền cơ bản của giảng viên và sinh viên được dạy, học, thực hiện nghiên cứu và theo đuổi tri thức mà không bị can thiệp hay hạn chế một cách bất hợp lý bởi pháp luật, quy định của nhà trường và áp lực từ công chúng.

Tính tới cuối năm 2023, có khoảng 72 bản hiến pháp trên thế giới có quy định riêng về quyền tự do học thuật, theo một bài viết của Tiến sĩ Bùi Tiến Đạt trên Vietnamnet.

Trong danh sách này có nhiều quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Campuchia…

Bất đồng với giáo trình

Từng bất đồng về nội dung giáo trình của môn hùng biện (Public Speaking), Giáo sư Srader kể lại trải nghiệm của mình :

"Thời điểm đó là khoảng 10 năm đầu khi tôi bắt đầu đi dạy. Tôi dạy ở một trường đại học mà sách giáo khoa sẽ được cả ủy ban cùng chọn.

"Khi đó tôi đã muốn bỏ qua một chương trong sách bởi nó có thông tin không chính xác và những lời khuyên mà tôi thấy rất tệ.

"Tuy nhiên, những thành viên khác trong ủy ban lại rất thích cuốn sách đó và kiên quyết yêu cầu tôi phải sử dụng nó để giảng dạy, bao gồm cả chương mà tôi vừa nói tới", ông chia sẻ.

Dù đồng ý dạy, Giáo sư Srader không chỉ nói những gì được viết trong sách giáo khoa.

Ông cho biết mỗi khi dạy chương đó, ông thường nói rõ với học sinh :

"Đây là những gì tác giả sách giáo khoa đang cố gắng truyền tải. Có thể sẽ có câu hỏi liên quan trong bài kiểm tra vì vậy hãy chắc chắn rằng các bạn hiểu [phần này]".

Rồi sau đó ông sẽ bổ sung thêm quan điểm cá nhân : "Tôi nghĩ quan điểm của tác giả sách giáo khoa này hơi ngớ ngẩn và tôi nghĩ các bạn không nên làm theo nó".

Bên ngoài Mỹ, ông từng dạy học tại nhiều trường đại học khác nhau ở Nhật Bản. Giáo sư kể rằng các trường đại học đều tin tưởng và để ông tự do soạn giáo trình và bài tập.

Trở lại với môi trường giáo dục ở Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học ở Hà Nội, chia sẻ với BBC News tiếng Việt rằng ở Việt Nam rất khó để có thể dạy thêm kiến thức và nội dung ngoài giáo trình.

Bà Ánh nói rằng giảng viên khi làm vậy rất dễ bị học sinh quay phim lại. Sau đó nếu đạt kết quả không tốt, học sinh có thể dùng đoạn phim này để báo cáo rằng giáo viên đã dạy sai giáo trình.

Theo nhận định của bà, tự do học thuật ở Việt Nam gần như không tồn tại và "chưa bao giờ thấy giáo viên có quyền tranh luận cái gì là đúng".

Khi được hỏi về trải nghiệm của bản thân, Tiến sĩ Phương Anh cho biết với BBC mình không gặp khó khăn khi dạy môn ngoại ngữ - môn học mà theo bà là không đưa ra "chuyện thật" nên có lẽ "không đụng chạm".

"Nhưng có lẽ một số môn nó sẽ đụng chạm. Những môn liên quan tới chính trị, như môn sử chẳng hạn. [Khi đó] phải dạy cho đúng quan điểm chính thống", bà thêm.

hocthuat2

Hình chân dung nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký đã bị xóa (bên phải) trong video "Năm rồng trên đất chín rồng" của VTV Cần Thơ

Vừa rồi vào tháng 2/2024, vụ việc Kênh VTV Cần Thơ có động thái xóa tên nhà văn hóa, ngôn ngữ học Petrus Trương Vĩnh Ký khỏi số Tạp chí Xuân "Năm rồng trên đất chín rồng" đã gây ra nhiều xôn xao.

Nói với BBC vào thời điểm đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng lẽ ra chính Ban Tuyên giáo Trung ương phải có những động thái thúc đẩy công việc nghiên cứu về các "nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử".

Ông cho rằng việc này giúp giải quyết điểm tắc trong chính sách về các nhân vật ấy. Tuy nhiên, trên thực tế, chính Ban Tuyên giáo lại cản trở công việc này.

Theo một bài viết đăng tải năm 2023 trên Tạp chí Khoa học Việt nam Trực tuyến thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vấn đề đảm bảo tự do học thuật ở Việt Nam "thực hiện khá muộn" và "còn nhiều khúc mắc".

Cách nhìn về tự do học thuật ở Việt Nam

hocthuat3

Trong giáo dục, triết học Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những nội dung mà người dạy, người học không thể "có quan điểm khác"

Đại tá, Thạc Sĩ Trương Thanh Quảng (Hệ Chiến dịch-Chiến lược, Học viện Quốc phòng) đã có một bài viết đăng tải ngày 23/10/2023 trên báo Quân đội Nhân dân cảnh báo về "luận điệu thúc đẩy tự do học thuật".

Theo Đại tá Quảng, đang có những "thế lực thù địch, phản động" sử dụng tự do học thuật nhằm "tách giáo dục ra khỏi chính trị, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng".

Qua đó có thể thấy được quan điểm của ông về việc giáo dục và chính trị không nên tách biệt, mà nên song hành để giữ gìn nền tư tưởng của Đảng.

Ông cho rằng thực tiễn đã chứng minh một đảng chính trị muốn cầm quyền thì phải có "nền tảng tư tưởng riêng, không được tách rời và cần phải ra sức truyền bá nền tảng tư tưởng đó vào lực lượng quần chúng của mình".

Bài viết này sau đó đã được đăng tải lại trên nhiều cổng thông tin điện tử chính thống của chính quyền các tỉnh Lâm Đồng, Điện Biên Phủ, Hòa Bình, Tuyên Quang, Ninh Bình…

Các luận điểm cốt lõi trong bài viết của Đại tá Quảng phản ánh quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nêu các mục đích, nhiệm vụ và giải pháp của giáo dục, trong đó có :

"Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh".

Ngược lại, theo quan điểm của Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh, tự do học thuật là khi "giáo viên và học sinh có quyền dạy và học trong một môi trường không bị quan điểm chính trị và xã hội can thiệp".

Bà cũng chia sẻ thêm rằng nhiều khi ở Việt Nam, giáo viên cũng không được tự quyết nội dung đề kiểm tra của học sinh.

Do đó, nhiều học sinh, dù được giáo viên đánh giá là khá và có nỗ lực, không trả lời được câu hỏi trong đề.

Theo bà Ánh, hệ quả của việc này là sinh viên không còn mặn mà với kiến thức mới và khái niệm tự do học thuật.

Bày tỏ ý kiến về tầm quan trọng của tự do học thuật trong trường đại học, bà Phương Anh chia sẻ :

"Tôi chỉ muốn nhắc lại một câu nói nổi tiếng được cho là của Einstein, đó là mình không thể lấy cái tư duy cũ kỹ có sẵn để giải quyết những vấn đề mà chính cái tư duy ấy nó tạo ra được. [Như thế thì] không thể giải quyết được".

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngoài "những hạn chế luật định ở mức ít nhất có thể" như kích động bạo lực, tuyên truyền về chủ nghĩa phát xít, phân biệt chủng tộc, quyền tự do học thuật được thực hiện một cách tự do, theo bài viết trên Vietnamnet.

Giáo sư Srader cho rằng không nên có sự ràng buộc giữa chính trị và giáo dục do quan điểm chính trị chỉ mang tính hiện thời.

"Nếu bạn chỉ giảng dạy những điều được thể chế hiện tại ưa chuộng, bạn sẽ dạy cho học sinh rất nhiều thông tin không chính xác và gây hại cho mọi người", ông nói.

Giữa mong muốn và thực tế

hocthuat4

Việc phải lồng ghép quan điểm chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam vào giáo dục khiến nhiều nội dung mất tính khách quan, khoa học

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội, dù đều là đại học quốc gia, có những khác biệt liên quan tới tự do học thuật trong tuyên bố sứ mệnh.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác định rõ mục tiêu là "xây dựng môi trường sáng tạo khoa học, tự do học thuật". Còn Đại học Quốc gia Hà Nội không đề cập tới tự do học thuật trong sáu giá trị cốt lõi của trường.

Hồi tháng 9/2023, giám đốc hai đại học quốc gia này đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong cuộc gặp mặt, Phó Giáo sư Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hai đại học quốc gia vẫn chỉ thực hiện tự chủ tương tự các trường đại học khác.

Qua đó, ông mong nhà nước quy định một cách cụ thể hơn để làm rõ mức độ tự chủ, tổ chức bộ máy và những cơ chế đặc thù khác của hai trường.

Giáo sư Quân cho biết Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) nói trên quy định hai đại học quốc gia có quyền tự chủ cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy.

"Hiện nay, theo quy định thì hai đại học quốc gia không phải là cơ quan thuộc chính phủ nhưng hoạt động không khác gì. Nếu khai thông được thì hai đại học quốc gia sẽ phát triển nhanh chóng hơn nữa", ông Quân nói trong buổi gặp mặt.

Tới nay, ông đã nhiều lần kiến nghị nhà nước cho phép hai đại học quốc gia được xây dựng, ban hành quy chế đào tạo riêng, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, theo VnExpress.

Trên thực tế, các trường đại học Việt Nam, dù tự chủ hay không, thì vẫn luôn phải có những nội dung bắt buộc liên quan đến triết học Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam... là những phần nội dung mà bản thân người dạy và người học không thể có "quan điểm khác", "cách tiếp cận khác" so với quan điểm chính thống của Đảng.

Ở Việt Nam, có những trường đại học quốc tế hoặc hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước khác khẳng định rõ tự do học thuật là sứ mệnh hoặc giá trị cốt lõi.

Đại học Fulbright Việt Nam tuyên bố rằng tính độc lập, trong đó có tự do học thuật, là giá trị cốt lõi.

Trước đây, trong quá trình đàm phán để Fulbright Việt Nam chính thức được phép hoạt động, tự do học thuật luôn là phần thách thức nhất và nhiều khúc mắc nhất, khi phía Mỹ luôn muốn đảm bảo trong khi phía Việt Nam thì có quan điểm khác.

Tương tự, Đại học Việt-Đức tuyên bố, sứ mệnh của trường "được xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng sự tự do trong học thuật, thống nhất giữa giảng dạy, nghiên cứu và tự chủ về thể chế".

Trên thực tế, theo chia sẻ của một số giảng viên tại các trường đại học quốc tế thực thụ, những người có trải nghiệm nghiệm giảng dạy ở cả các nền giáo dục phương Tây lẫn Việt Nam, thì dù có một không gian thoáng hơn các trường Việt Nam, một khi họ hoạt động tại tại đây thì cũng có những điều chỉnh "cho phù hợp".

Nguồn : BBC, 23/06/2024

******************************

Làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình"

Tỉnh táo với luận điệu "thúc đẩy tự do học thuật" nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng

Trương Thanh Quảng, Quân đội Nhân dân, 23/10/2023

Đổi mới giáo dục theo hướng phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong thời kỳ mới của Đảng ta. Tuy nhiên, những năm gần đây, lợi dụng việc đổi mới trong giáo dục của ta, các thế lực thù địch, phản động tung ra luận điệu "thúc đẩy tự do học thuật" nhằm tách giáo dục ra khỏi chính trị, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.

hocthuat5

Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba năm 2023

Cảnh giác trước luận điệu "tự do học thuật" phi giai cấp

Theo nhiều học giả phương Tây, "tự do học thuật" được hiểu là "tự do của một người trong việc giảng dạy và nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thật không giới hạn mà không gặp phải nỗi sợ hãi về hình phạt hay mất việc vì đã xâm phạm một quan điểm chính thống về chính trị, tôn giáo hay xã hội" ; hay "Tự do học thuật là sự tự do của người dạy và người học trong việc dạy, học, tìm hiểu kiến thức và nghiên cứu mà không có sự can thiệp hay giới hạn vô lý của pháp luật, nội quy hay áp lực công cộng".

Những quan điểm đó đang được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá cách mạng Việt Nam cổ xúy, tung hô. Cùng với đó, họ tổ chức "hội thảo khoa học" bàn về vấn đề này và kêu gọi học sinh, sinh viên Việt Nam đấu tranh cho cái gọi là "đòi quyền tự do học thuật".

Theo những quan điểm trên thì giáo dục phải đứng ngoài chính trị, nhà nước và giai cấp cầm quyền không được quy định về nội dung giáo dục hay truyền bá, lồng ghép tư tưởng chính trị của mình vào việc đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai để bảo vệ quyền và lợi ích của chính giai cấp họ.

Tuy nhiên, quan điểm "tự do học thuật" theo ý nghĩa trên chưa bao giờ tồn tại trong xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp. Kể từ khi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ra đời, giai cấp chủ nô đã xem giáo dục là công cụ để thực hiện mục đích chính trị và bảo vệ nền chính trị, họ đã lợi dụng những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn để thâu tóm quyền lực, lợi dụng kinh thánh, giáo lý của các tôn giáo này để mị dân, ru ngủ, thủ tiêu tinh thần, ý chí phản kháng của quần chúng nhân dân nhằm bảo vệ quyền lợi cho giai cấp mình.

Sang thời kỳ phong kiến, tầng lớp vua quan, quý tộc, địa chủ đã tìm mọi cách để nhồi nhét vào đầu óc của quần chúng nhân dân tư tưởng "trung quân" (trung với vua) ; trong dạy học và giáo dục thì coi trọng truyền bá cho người học những tư tưởng xem vua là thiên tử, "lệnh vua là mệnh trời", "quân xử thần tử, thần bất tử bất trung".

Trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa, sau khi lợi dụng được quần chúng nhân dân lật đổ chế độ phong kiến, giai cấp tư sản lại một lần nữa ra sức lợi dụng kinh thánh, giáo lý của những tôn giáo lớn hoặc thông qua nền giáo dục tư bản chủ nghĩa để truyền bá những tư tưởng tư sản. Bên cạnh đó, họ còn tung ra những chiêu bài với cái gọi là "tự do", "dân chủ" theo kiểu hỗn độn trong một khuôn khổ nhất định, khuyến khích lối sống không quan tâm đến xã hội để dễ quản lý và bóc lột.

Nhận thức đúng quan điểm mác-xít về vai trò to lớn của giáo dục

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, quán triệt quan điểm của C. Mác : "Lý luận cũng có thể trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng", những người cộng sản đã làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong phong trào công nhân thế giới, tạo nên một sức mạnh góp phần lật đổ ách thống trị của phong kiến, đế quốc, thực dân. Thực tiễn đã chứng minh rằng, nếu muốn cầm quyền, đảng chính trị (chính đảng) nhất thiết phải có một nền tảng tư tưởng riêng, không được tách rời và cần phải ra sức truyền bá nền tảng tư tưởng đó vào lực lượng quần chúng của mình, trừ khi muốn biến nó thành một đảng hay một tổ chức khác. V. I. Lênin đã khẳng định : "Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng", "Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong".

Vận dụng trung thành và sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, vai trò vô cùng to lớn của giáo dục. Người chỉ rõ nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng, phát triển toàn diện con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của nền giáo dục là "phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế".

Chống việc lợi dụng "tự do học thuật" với dụng ý chính trị xấu

Ở Việt Nam, những năm gần đây, nhất là khi Luật Giáo dục đại học năm 2012 được ban hành (sửa đổi, bổ sung năm 2018), nhiều ý kiến trong và ngoài nước cho rằng cần "thúc đẩy tự do học thuật" để đưa nền giáo dục Việt Nam bắt kịp thế giới. Một số ý kiến còn đưa ra những dẫn chứng về cơ sở pháp lý cho rằng tự do học thuật được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Họ đã trích Điều 25 Hiến pháp năm 2013 của nước ta : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình" và luận giải rằng, quyền tự do học thuật hàm chứa trong quyền tự do ngôn luận đã được hiến định từ lâu. Họ còn trích khoản 3, Điều 32 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định : "Cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn" ; khoản 7, Điều 55 của Luật này quy định giảng viên có quyền "độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học" và cho rằng cách diễn đạt này thể hiện tinh thần của quyền tự do học thuật.

Trên thực tế, Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam chưa có một văn bản nào quy định về tự do học thuật theo kiểu "tự do của một người trong việc giảng dạy và nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thật không giới hạn mà không gặp phải nỗi sợ hãi về hình phạt hay mất việc vì đã xâm phạm một quan điểm chính thống về chính trị, tôn giáo hay xã hội", mà chỉ quy định về việc tự do ngôn luận, tự chủ về việc giáo dục, đào tạo theo luật định. Khoản 11, Điều 1 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định : "Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu ; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học". Khoản 7, Điều 55 của Luật này cũng quy định : Giảng viên có quyền "độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội".

Như vậy, những quy định của Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định rõ các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ trong việc ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học-công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật và những chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục của xã hội Việt Nam, phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội Việt Nam, hoàn toàn không quy định về việc người dạy và người học có thể tự do bày tỏ quan điểm, nghiên cứu những vấn đề không chịu sự ràng buộc của quan điểm chính trị hay tôn giáo.

Tự do học thuật ở Việt Nam cần được hiểu là việc người dạy và người học có quyền lựa chọn những vấn đề nghiên cứu, phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của con người mới xã hội chủ nghĩa và quy định của pháp luật Việt Nam vì mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam ; phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tỉnh táo để đi đúng hướng

Thực chất việc "thúc đẩy tự do học thuật" mà các thế lực thù địch rêu rao là đặt giáo dục ra ngoài chính trị, nhưng đây chính là một thủ đoạn nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam, phá hoại văn hóa và truyền thống của dân tộc ta, làm cho giáo dục không thể thực hiện được chức năng giáo dục nhân cách, chức năng định hướng tư tưởng, xây dựng niềm tin cho người học. Chính vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là những người làm công tác giáo dục cần phải hết sức tỉnh táo để công cuộc đổi mới nền giáo dục Việt Nam đi đúng hướng.

Giáo dục là công cụ sắc bén nhất để bảo vệ chính trị, là vấn đề cốt lõi, quyết định đến sự tồn tại, phát triển của một quốc gia, dân tộc ; chính giáo dục cùng với hệ thống pháp luật làm cho hệ tư tưởng của giai cấp thống trị trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên hiểu đúng vai trò của giáo dục đối với sự tồn vong của chế độ, với sự tồn tại, phát triển của quốc gia, dân tộc, hiểu đúng ý nghĩa của thuật ngữ "tự do học thuật" và việc thực hiện quyền tự chủ trong học thuật của các cơ sở giáo dục.

Trong đổi mới giáo dục và thực hiện quyền tự chủ về học thuật, các cơ sở giáo dục-đào tạo cần tuân thủ nghiêm túc những quy định của Hiến pháp và pháp luật ; việc đổi mới và thực hiện quyền tự chủ về học thuật phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa Mác-Lênin được cấu thành bởi 3 bộ phận là triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Trước đây, 3 bộ phận này được tổ chức giảng dạy bài bản, chuyên sâu trong chương trình đào tạo đại học. Tuy nhiên những năm gần đây, do giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, một số cơ sở giáo dục đã và đang có biểu hiện xem nhẹ việc giảng dạy 3 môn học quan trọng này. Mặt khác, việc lựa chọn các môn lý luận tự chọn của sinh viên hiện nay chủ yếu dựa vào cảm tính và tự tìm hiểu qua các lớp học trước nên động cơ, thái độ học tập của các em có thời điểm chưa đúng đắn, chưa tích cực.

Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục cần cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định tên của môn học, việc cắt giảm thời lượng lý thuyết, nhất là thời lượng dạy học 3 môn cấu thành nên Chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời làm tốt công tác quy định, định hướng cho việc lựa chọn các môn học tự chọn, các nội dung nghiên cứu của người học. Trong tình hình hiện nay, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc giảng dạy, giáo dục lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin trong các cơ sở giáo dục đại học cũng là một giải pháp hữu hiệu để góp phần phòng ngừa việc lợi dụng "tự do học thuật" nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trương Thanh Quảng

Nguồn : Quân đội Nhân dân, 23/102023

Đại tá, Thạc sĩ Trương Thanh Quảng, Chủ nhiệm Khoa học xã hội và nhân văn, thuộc Hệ Chiến dịch-Chiến lược, Học viện Quốc phòng, Tổng cục chính trị quân đội Việt Nam.

Published in Diễn đàn

Chuyên mục Carta Academica - "Tự do học thuật dưới áp lực ở Bỉ : cánh tay nối dài của Bắc Kinh"

Mỗi tuần, Le Soir (báo tiếng Pháp có trụ sở tại Bruxelles - Bỉ) phát hành một chuyên mục của một thành viên Carta Academica về một chủ đề thời sự. Chủ đề tuần này là "Chế độ Trung Quốc đang làm mọi cách trong khả năng của mình để hướng nghiên cứu học thuật có lợi cho mình. Ngay cả khi nó có nghĩa là gây áp lực lên giới học thuật...

carta1

Trung Quốc cai trị bởi bàn tay sắt của Tập Cận Bình dùng mọi thủ đoạn để kiểm soát hình ảnh của chế độ ở nước ngoài – Reuters

Nỗ lực thao túng diễn văn học thuật của nhà nước Trung Quốc đã làm đổ nhiều giấy mực trong giới nghiên cứu. Can thiệp vào chương trình của các ban và ủy ban xuất bản tiếng Trung Quốc, kiểm duyệt và tự kiểm duyệt trong cơ sở dữ liệu của các tạp chí học thuật nổi tiếng quốc tế, sự can thiệp của các đại sứ quán Trung Quốc và hiệp hội sinh viên liên quan đến họ để ngăn chặn các hoạt động liên quan đến Tây Tạng hoặc đối với người Uyghur trong khuôn viên trường, đe dọa các học giả đến tận nhà của họ, công cụ hóa các nhà nghiên cứu không phải là chuyên gia về Trung Quốc bị dụ dỗ bởi gã khổng lồ kinh tế, đe dọa không cấp thị thực... Những sự cố này tiếp tục nhân lên và gây ra những rào cản đáng kể đối với nghiên cứu học thuật về Trung Quốc, bao gồm cả ở Châu Âu và Bỉ.

Cách làm ngấm ngầm của Bắc Kinh cố gắng cản trở quyền nghiên cứu độc lập và tự do này không được công chúng biết đến nhiều, mặc dù đó là cuộc sống hàng ngày của các nhà Hán học. Dưới đây là một vài ví dụ.

Chấp nhận "thực tế khách quan" của Bắc Kinh

"Chúng tôi hiểu rằng bà có thể hiểu sai. Lần tới khi bà tổ chức một hoạt động học thuật, chúng tôi sẽ giúp bà tìm những giáo sư có thể đến giải thích cho công chúng Bỉ về thực tế khách quan của Trung Quốc. " Đây là cách mà hai tùy viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Bruxelles ngỏ lời với tôi trong một bữa ăn trưa mà họ đã vui lòng mời tôi. Trong suốt hai giờ đồng hồ quanh chiếc bàn trong một nhà hàng Trung Quốc không xa khuôn viên trường đại học, mời tôi những món ăn ngon nhất, họ đã cố gắng hết sức để thuyết phục tôi rằng tôi đã làm sai công việc của mình với tư cách là một nhà nghiên cứu và giáo sư, rằng Đại sứ quán sẵn sàng hỗ trợ tôi hoàn toàn nếu tôi chấp nhận "thực tế khách quan" của họ. Các nhà ngoại giao cũng đã nhắc đi nhắc lại cho tôi biết mối quan hệ với Trung Quốc quan trọng như thế nào đối với trường đại học của tôi, rằng việc duy trì nghiên cứu "láo" về các chính sách của Trung Quốc đối với các dân tộc sẽ có hại cho quan hệ đối tác của chúng tôi. Đó là vào đầu năm 2016, ngay sau khi vị đại sứ rao giảng tôi một cách gay gắt, trước mặt các nhà chức trách của trường đại học của tôi, vì đã mời "những kẻ khủng bố" tham dự một hội nghị học thuật về người Uyghur - trong trường hợp này là một ủy ban hỗ trợ Nhà nghiên cứu người Uyghur Ilham Tohti, bị bắt và bị kết án chung thân vào năm 2014, người được Nghị viện Châu Âu trao Giải thưởng Sakharov về Nhân quyền vào năm 2019. Vài tuần sau các cuộc tấn công rạp Bataclan ở Paris, công thức đó đã có hiệu ứng.

Sau đó, tôi đã từ chối những "lời mời uống trà" thường xuyên này, như cách nói bằng tiếng Trung Quốc, hay nói cách khác là những lệnh triệu tập trá hình do chính quyền đưa ra, nhằm mục đích dụ dỗ hoặc đe dọa (và đôi khi để lấy thông tin hoặc để tạo trung gian) trong các phiên họp không chính thức. Thực tiễn phổ biến này, hiếm khi được tiết lộ, có thể có những ảnh hưởng rất cụ thể đối với các học giả (hoặc nhà báo), những người đang lo lắng về sự nghiệp của họ, phản ứng của cấp trên hoặc khả năng tiếp cận thực địa ở Trung Quốc : tự kiểm duyệt, rút ​​lui khi "đề tài nhạy cảm" hoặc thỏa hiệp.

Đe dọa

Nhưng sự can thiệp của nhà nước Trung Quốc vào giới học thuật (hay báo chí) Châu Âu không kết thúc ở đó. Một cách làm khác của các đại sứ quán Trung Quốc, khi học giả (hoặc nhà báo) không trả lời yêu cầu hoặc đe dọa của họ, là gửi cho nhà tuyển dụng những bức thư bị xúc phạm để yêu cầu một cách nghiêm túc, "nhân danh tình hữu nghị Trung-Bỉ", việc thu hồi các bài báo hoặc trang Internet chỉ trích chính sách của Trung Quốc. Trong những bức thư này, thường được chuyển bằng tay bởi một người biệt phái từ đại sứ quán để củng cố tính nghiêm túc của lệnh và gây ấn tượng với người nhận, ngôn từ một lần nữa giữa việc dỗ dành và khuyên nhủ.

Áp lực đối với giới học thuật và cộng đồng hải ngoại

Các đại sứ quán Trung Quốc cũng thường liên hệ với các phòng quan hệ quốc tế để lấy danh sách "để biết thông tin" về các quan hệ đối tác với Trung Quốc hoặc danh sách của sinh viên Trung Quốc, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ, trong các đại học Bỉ. Khi nhà nghiên cứu hoặc cơ sở giáo dục của họ không đáp ứng các yêu cầu của chế độ Trung Quốc, chế độ cố gắng tiếp cận họ thông qua các sinh viên trong cộng đồng của họ. Sinh viên Trung Quốc có thể làm chứng, với điều kiện giấu tên, về các cảnh báo hoặc nỗ lực của Đại sứ quán Trung Quốc trong việc tuyển dụng họ để thu thập thông tin về các phong trào trong cộng đồng hải ngoại và trong cộng đồng chuyên môn về Trung Quốc ở Bỉ. Nhiều người trong số họ phụ thuộc vào đại sứ quán cấp học bổng của họ và không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ được giao với mức độ nhiệt tình khác nhau. Thực tế này đặt nhà nghiên cứu vào một tình thế khó xử tột độ: làm thế nào để tiến hành công việc học tập trung thực mà không gây nguy hiểm cho sinh viên và đồng nghiệp Trung Quốc

Công cụ hóa

Ngoài ra, đại sứ quán cũng không ngần ngại tiếp cận các sinh viên Châu Âu để yêu cầu họ "báo cáo" về lời nói và hoạt động của các đồng đội, bao gồm người Hong Kong, người Tây Tạng và người Uyghur. Vào năm 2018, đại sứ quán Trung Quốc tại Bruxelles thậm chí đã cố gắng thuê sinh viên từ các khuôn viên trường đại học Bruxelles để thể hiện sự không đồng tình với một cuộc biểu tình của người Duy Ngô Nhĩ. Mục đích là để quảng bá một nhóm nhỏ những người Châu Âu và Trung Quốc trẻ tuổi, những người "không bị lừa" bởi các chiến dịch nói láo của "những kẻ khủng bố" người Uyghur, và công khai tuyên bố các ưu điểm của các chính sách của Trung Quốc bằng các áp phích "chống lại bạo lực và vì hoà bình". Do đó, các sinh viên được mời tham gia phản đối với một mức lương không nhỏ, một cách đáng lo ngại dùng họ như công cụ. Một cử chỉ gợi nhớ đến cuộc biểu tình giả do chính quyền Trung Quốc tổ chức ở Canada ủng hộ giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei, Meng Wanzhou, bị bắt và chờ dẫn độ sang Hoa Kỳ vì tội lừa đảo. Những người Canada tưởng được thuê để làm vai phụ trong một bộ phim đã đến bên ngoài tòa án Vancouver để hỗ trợ việc phóng thích giám đốc của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc - với các bảng tiếng Anh, chữ viết tay, tất cả dường như từ cùng một bàn tay, và những thông điệp lạ lùng như "đừng bắt nạt chúng tôi nữa!" ". Như ở Bỉ, lời kêu gọi được đưa ra trên truyền thông xã hội dưới dạng quảng cáo tuyển dụng mà không có thêm thông tin chi tiết, và tiền lương được trả bởi một hiệp hội mù mờ, một cửa hàng của đại sứ quán Trung Quốc địa phương.

Nhà nghiên cứu tự do, không phải "kẻ thù của Trung Quốc"

Do đó, chúng ta có thể thấy rằng chiến lược của Bắc Kinh bao gồm việc nhắm vào giới học giả, đe dọa họ và làm tê liệt toàn bộ cộng đồng để dập tắt bất kỳ cuộc tranh luận nào hoặc để loại bỏ bất kỳ quan điểm nào mâu thuẫn với luận điệu của chế độ Trung Quốc. Đây được gọi là quyền lực sắc bén, một khả năng của các nhà nước độc tài nhằm phá hoại các nền dân chủ từ bên trong bằng cách thông tin sai lệch với mục đích không thân thiện. Cách đối xử như vậy không dành riêng cho các đồng nghiệp nói tiếng Anh trong bối cảnh chiến tranh lạnh Trung-Mỹ lần thứ hai, như chúng ta đôi khi vẫn nghe thấy. Nó áp dụng chính trong các khuôn viên trường đại học của chúng ta, và các trường đại học của chúng ta được chuẩn bị rất kém để đối phó.

Trên thực tế, bằng những cách như vậy, chế độ Trung Quốc "tự tát vào mặt để nó sưng lên và khiến nó trở nên oai phong hơn", một cách diễn đạt của người Trung Quốc có nghĩa là một người tìm cách gây ấn tượng bằng cách giả vờ có quyền lực hơn thực sự. Tuy nhiên, theo lời của bà nghị viên Châu Âu Nathalie Loiseau, trả lời Đại sứ Trung Quốc tại Pháp cách đây vài ngày : trong trường đại học, "không có kẻ thù của Trung Quốc", chỉ có các nhà nghiên cứu yêu cầu đựơc nghiên cứu nghiêm túc mà không bị đe dọa, không khiến sinh viên và đồng nghiệp của họ gặp rủi ro, và vẫn đựơc tự do không tin tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc.

Vanessa Frangville

Nguyên tác : La chronique de Carta Academica – "Liberté académique sous pression en Belgique : le long bras de Pékin", Le Soir, 03/10/2020

Đỗ Lê Thường dịch

(08/10/2020)

Ghi chú :

carta2

Vanessa Frangville, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc, giám đốc trung tâm nghiên cứu EASt * (Đông Á, ULB : Đại học Bruxelles - Bỉ), cho Carta Academica **

(*) EASt : Trung tâm nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Tự do Bruxelles (Bỉ)

(**) Carta Academica : Một nhóm học giả từ tất cả các trường đại học của Bỉ, cam kết tranh luận (xã hội), tất nhiên là tôn trọng quyền tự do tư tưởng của cá nhân.

Published in Diễn đàn

Tự do học thuật tại Việt Nam bị siết chặt

Alexandre Sisophon, RFA, 14/02/2019

Trong bài viết với tiêu đề tạm dịch ‘Việt Nam siết chặt tự do học thuật’ trên trang web New Internationalist vào ngày 13/2, tác giả Alexandre Sisophon có bài báo về tình hình trí thức tại Việt Nam dưới sự cai trị của nhà nước độc đảng.

tudo1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước. 23/10/2018. AFP

New Internationalist, một tổ chức truyền thông độc lập hàng đầu dành riêng cho báo chí và xuất bản về xã hội, trích dẫn lời tác giả Sisophon rằng một làn sóng mới chống lại chủ nghĩa trí thức đang diễn ra tại Việt Nam, một quốc gia nơi các nhà trí thức phải chịu kiểm duyệt và đàn áp từ chính quyền.

Nhận xét về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng :

"Việc họ siết chặt về mặt tư tưởng có từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ. Nó liên tục từ trước đến nay, có lúc nó lơi ra được một tí rồi họ siết vào".

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Mạc Văn Trang cũng cho rằng việc hạn chế tự do học thuật này từ hồi Nhân Văn Giai Phẩm đến nay vẫn thế, tuy nhiên :

"Từ khi ông Trọng làm Tổng bí thư, Chủ tịch thì ông ấy có phát động chống diễn biến, tự chuyển hóa, cấm đảng viên 19 điều không được làm. Ông ấy còn nói sự chuyển biến, suy thoái về chính trị còn nguy hiểm hơn suy thoái, diễn biến về kinh tế. Mà trong chủ nghĩa Mác nói rằng trong các mối quan hệ thì kinh tế là quyết định nhất. Ông Nguyễn Phú Trọng chuyên về xây dựng đảng thì ông đưa ra những quy định cấm đảng viên không được làm, quy định chống diễn biến, tự chuyển hóa, tự suy thoái cụ thể hơn, chặt chẽ hơn".

Trong thực tế, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước được 2 ngày, vào hôm 25/10/2018, Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức đã bị Ủy Ban Kiểm Tra trung ương đề nghị kỷ luật với lý do cáo buộc ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Các tác phẩm của ông đã bị tịch thu hoặc tiêu hủy.

Trong bản tin mà hãng tin Pháp AFP loan đi vào ngày 14/11/2018 có nói rõ Giáo sư Chu Hảo từ lâu đã là một ‘cái gai’ trong mắt đảng cộng sản và đã bị ngăn chặn các quyền tự do về học thuật.

tudo2

Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc - Tổng biên tập nhà xuất bản Tri Thức - với cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục" của John Dewey, được dịch và xuất bản bởi nhà xuất bản của ông ở Hà Nội vào ngày 31 tháng 8 năm 2010.AFP

Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Mạc Văn Trang, ông cho rằng việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo và thu hồi sách của Nhà xuất bản Tri Thức vô tình làm cho những tác phẩm này được biết đến rộng rãi hơn, trái ngược với mục đích ban đầu của đảng :

"Những quyển sách mà anh Chu Hảo cho xuất bản từ trước đến nay thì vẫn xuất bản, vẫn lưu hành rồi, nhưng vừa rồi vụ kỷ luật Giáo sư Chu Hảo thì người ta lại nêu lại những quyển sách đó trái với chủ trương của đảng, tuyên truyền về dân chủ, đa nguyên, tam quyền phân lập…

Nhưng từ khi đặt ra vấn đề kỷ luật Chu Hảo thì người ta tìm đọc nhiều hơn, nên nhiều khi cấm lại kích thích người ta tò mò tìm đọc".

Tuy nhiên, giải thích sâu xa hơn về lý do kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, cả Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Tiến sĩ Mạc Văn Trang đều cho rằng thực ra việc kỷ luật lần này là để cảnh báo, răn đe giới trí thức đừng tự do đi quá chủ trương của đảng, đừng kiến nghị, đòi hỏi.

Theo nhà báo Alexandre Sisophon, ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu chính phủ Hà Nội, dường như lo sợ rằng tự do học thuật sẽ đe dọa đến việc nắm giữ quyền lực của đảng cộng sản. Do đó, ông đang cố gắng ngăn chặn mọi nghi vấn về tính hợp pháp của Đảng và sẽ không dung thứ cho các quan điểm thay thế về lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Đồng quan điểm này, thầy Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội cho biết việc truyền đạt kiến thức của giáo viên đều được thực hiện dưới sự chi phối của Đảng :

"Ngay trong chương trình giáo viên chúng tôi phải dạy đúng theo sách hướng dẫn, không được nói thêm. Lịch sử trong sách giáo khoa viết sao nói vậy, không được nói đúng sự thật. Một số vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị như đa đảng, hay nói về cải cách ruộng đất là cấm tiệt, không ai được phép bàn đến. Học sinh không biết gì đâu, các em chỉ được rèn luyện một thứ duy nhất đó là niềm tự hào với quá khứ đánh Mỹ".

Vẫn theo thầy Khoa, không chỉ học sinh ở các cấp nhỏ, mà ngay cả sinh viên ở bậc đại học cũng bị hạn chế trong việc thu thập kiến thức :

"Có thể nói Đảng họ can thiệp vào lĩnh vực giáo dục cả chương trình, cả nội dung, thì tự do học thuật là không có, vẫn phải bị gò bó trong một khuôn phép, máy móc mà chính quyền đưa ra. Ngay cả các trường đại học ở Việt Nam vẫn dạy những môn kinh điển như Triết học Mác, Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam, Kinh tế chính trị Mác – Lenin… những thứ rất lỗi thời nhưng không trường đại học nào dám bỏ, không được phép bỏ. Các trường đại học, phổ thông công lập đều bị gò bó trong khuôn khổ đó mà không thoát ra được. Họ không có sự cởi mở để thay đổi. Việc này cản trở sự phát triển của Việt Nam, những tiến bộ của xã hội nói chung bị cản trở rất nhiều".

Trong bài viết Việt Nam siết chặt tự do học thuật, tác giả Sisophon cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng hiện được cho là người quyền lực nhất kể từ nhà lãnh đạo thời chiến Lê Duẩn hay thậm chí là chính ông Hồ Chí Minh.

Vì thế kể từ khi Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhậm chức, việc kiểm soát đời sống trí tuệ đã thắt chặt. Là một người theo chủ nghĩa Mác chính thống và là người đọc nhiều tác phẩm của Lenin, chắc chắn việc này đã tác động đến phong cách quản lý đất nước hiện tại của ông Trọng. Các khái niệm như 'đa đảng', 'tiến hóa hòa bình' hay 'bầu cử dân chủ" đã bị xóa bỏ.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng những khái niệm vừa nêu chưa bao giờ được đăng tải trên hệ thống của đảng cộng sản Việt Nam, nhưng không vì vậy mà giới trí thức lùi bước, vì mọi người có thể viết và lên tiếng trên những kênh khác nhau khi ngày càng có nhiều hình thức để truyền tải hơn.

********************

An ninh dùng thân nhân người đấu tranh tạo áp lực

Hòa Ái, RFA, 13/02/2019

Lâu nay, nhiều người tham gia cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cho biết tình trạng bị áp lực nặng nề ; không chỉ từ phía cơ quan chức năng mà ngay cả người thân để cô lập cũng như triệt tiêu con đường sống của những người dám lên tiếng.

tudo3

Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thiện Nhân (người cầm biểu ngữ) bị anh trai gây áp lực.v Courtesy : Facebook Nguyen Thien Nhan

Thân nhân sách nhiễu

Vào ngày 12/02/19, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện lời kêu gọi giúp đỡ cho nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thiện Nhân, ở Bình Dương bị bạn của người anh trai ruột hành hung ngay tại sân nhà trước sự hiện diện của người anh trai, tên Nguyễn Thanh An.

Qua cuộc trao đổi vào tối ngày 13 tháng 2 với RFA, anh Nguyễn Thiện Nhân cho biết giữa anh với người anh ruột Nguyễn Thanh An đã xảy ra mâu thuẫn từ 7 năm về trước. Tuy nhiên kể từ tháng 3 năm 2016, người anh trai này có nhiều hành động mà nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có mục đích nhằm hãm hại em trai mình. Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thiện Nhân lên tiếng :

"Trong năm 2016, sau 10 ngày anh An đánh tôi, khi viết thương của tôi kéo da non thì anh An lại viết một lá thư tố cáo tôi là phản động, chống phá Chính phủ Việt Nam và trong thư có ghi một câu gây ảnh hưởng lâu dài đến sau này, nói rằng tôi đòi bán tài sản thừa kế để lấy tiền làm phản động và ghi trong thư tố cáo vu khống tôi đánh anh ta. Sau khi nhận được lá đơn tố cáo đó thì công an mời tôi làm việc 3 lần. Vài ngày sau đó, anh An đã đe dọa đòi giết nhiều người, trong đó có chị hàng xóm, người giúp việc và em gái tôi nữa. Anh An hành hung và đòi giết người. Tôi đã tường trình vụ việc với công an, nhưng công an không xử lý. Chính vì công an không xử lý nên anh tôi cứ hung hăng, bạo lực, cứ canh cơ hội hãm hại tôi riết tới hôm nay".

Anh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vụ việc bị bạn của anh trai ruột hành hung vào chiều ngày 12/02 là do anh trai Nguyễn Thanh An sai khiến vì bản thân không quen biết hay có thù oán gì với người bạn của anh trai mình.

Bên cạnh nguyên nhân do tranh chấp tài sản thừa kế trong gia đình, anh Nguyễn Thiện Nhân còn đưa ra lập luận vì anh trai hoạt động trong giới giang hồ nên có thể bị công an điều khiển trong việc gây khó dễ trên đời sống sinh hoạt của người em trai là anh Nguyễn Thiện Nhân.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không ít người trong giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam gặp phải tình cảnh bị chính quyền cô lập, triệt tiêu con đường sống của họ như phá hoại vườn tược của gia đình tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật, ở Lâm Đồng hay gây áp lực đối với các công ty nơi họ làm việc để yêu cầu cho họ thôi việc như chính trường hợp anh Nguyễn Thiện Nhân trước đây. Vì do mẹ già bị bệnh tật cần người chăm sóc, anh Nguyễn Thiện Nhân phải thuê người giúp việc và công an địa phương lẫn người anh trai đều gây áp lực, buộc họ không được tiếp tục làm việc ở nhà anh Nguyễn Thiện Nhân.

Một trường hợp điển hình khác như trường hợp của Facebooker Thái Văn Đường, ở Đông Anh-Hà Nội. Là một viên chức làm việc trong cơ quan nhà nước, anh Thái Văn Đường mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống tham nhũng và bảo vệ môi trường. Sau khi tham gia tích cực phản đối Formosa gây ra thảm họa môi trường biển hồi năm 2016, anh Thái Văn Đường bị phía cơ quan và chính quyền địa phương tuyên truyền là thành phần phản động. Vào cuối năm 2016, anh Thái Văn Đường sang Hàn Quốc học cao học và người dì ruột của anh đến nhà nói với bà mẹ già của anh rằng anh đang bị truy nã :

"Dì ruột còn nói là ‘Nó đi Hàn Quốc đâu mà đi. Nó nói dối chị đấy (ý nói là mình lừa dối mẹ già của mình). Nó phản động. Công an đang truy nã, bắt nhốt rồi…’ Dì nói như thế làm mẹ mình rất lo lắng".

Facebooker Thái Văn Đường nhấn mạnh với RFA rằng an ninh Việt Nam còn gây tác động lên thân nhân của giới đấu tranh dân chủ bằng nhiều hình thức khác nhau để đe dọa thân nhân của những người đấu tranh ôn hòa tại Việt Nam :

"Những trường hợp như mình hay anh Nhân và các anh chị em khác bị rất nhiều. Tại vì những người thân trong gia đình không hiểu, thậm chí có những người còn từ mặt con cái nữa vì sợ bị liên lụy. Bạn bè thân cũng quay mặt xa lánh. Họ sợ bị vạ lây. Theo như mình được biết thì an ninh đến cả nơi làm việc của người thân giới đấu tranh thì làm sao người ta không sợ được ?"

tudo4

Vườn tiêu nhà tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật bị chết khô do bị đầu độc, ảnh chụp tháng 01/16. Courtesy : Ảnh do Trần Minh Nhật cung cấp

Chính sách "An ninh trị"

Trong khoảng 5 năm về trước, qua một lần trao đổi với Đài RFA, Blogger Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội chia sẻ rằng ông cảm thấy rất buồn lòng vì rất nhiều người thân trong gia đình và bạn bè xa lánh khi ông chọn con đường đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Mặc dù vậy, giới đấu tranh dân chủ ở trong nước ghi nhận song hành với phong trào dân chủ ngày càng được lan tỏa thì chính quyền lại càng mạnh tay hơn không chỉ đối với họ mà còn cả với thân nhân trong gia đình của họ. Facebooker Thái Văn Đường khẳng định :

"Chính quyền đe dọa thì an ninh đe dọa là chủ yếu. Họ hù dọa các kiểu…Bây giờ chính quyền đưa ra chủ trương là đưa an ninh chính quy về tận các xã, phường bởi vì càng ngày họ càng sợ nên dùng ‘an ninh trị’. Do đó, rất là khó khăn cho các anh chị em đấu tranh hay những người thân của họ cũng vậy thôi".

Nhà hoạt động Thái Văn Đường, một thành viên quản trị Nhóm "Lều Của Đầy Tớ", một trang thông tin chống tham nhũng trên mạng xã hội, bị an ninh Việt Nam câu lưu, làm việc nhiều lần trong năm 2018 cùng với những lời đe dọa cũng như kiểm soát chặt chẽ qua điện thoại trong các sinh hoạt thường ngày. Còn nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân thì lo ngại đến cả sự an nguy tính mạng :

"Chiếc xe máy của tôi đã hai lần bị đổ hóa chất vô. Rất là nguy hiểm. Một lần bị đổ đường thì chỉ phá hư máy thôi. Lần sau thì đổ hóa chất gì mà xe máy của tôi nóng kinh khủng. Đang chạy ngoài đường mà xe bị nóng và không thể chạy nỗi nữa. Tôi lo sợ lỡ sau này họ đổ loại hóa chất gì gây cháy nổ chẳng hạn nên tôi cứ sống trong sự lo lắng, thấp thỏm, bất an như vậy".

Một số những nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam bị sách nhiễu, cô lập tương tự như hai nhà hoạt động Thái Văn Đường và Nguyễn Thiện Nhân đều bày tỏ rằng cuộc sống của họ đầy lo lắng và bất an khi Chính quyền Việt Nam sử dụng chính sách "An ninh trị" và đó là minh chứng rõ ràng hơn theo như báo cáo của Tổ chức Freedom House vừa công bố trong đầu tháng 2 năm 2019 cho thấy Việt Nam là đất nước không có tự do.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 13/02/2019

Published in Diễn đàn