Một ngôi cổ tự ở tỉnh Tiền Giang đã ‘năn nỉ’ rằng nếu truyền thông có thương thì đừng ‘để ý’ đến họ để tránh chuyện họ bị chính quyền gây khó dễ…
Nếu truyền thông có thương thì đừng ‘để ý’ đến chùa của họ để tránh bị chính quyền gây khó dễ…
Cái khó đó là việc đến nay họ vẫn muốn có sự độc lập, không gia nhập vào tổ chức gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Và người miền Nam gọi đó là ngôi chùa Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh của miệt đồng bằng sông Cửu Long.
Bửu Sơn Kỳ Hương là một nhánh Phật giáo do ông Đoàn Minh Huyên sáng lập ở miền Nam vào nửa đầu thế kỷ XIX, nhấn mạnh vào "thuyết hội Long Hoa" để khuyên con người làm lành lánh dữ.
Chủ trương của Bửu Sơn Kỳ Hương là lấy Phật làm căn, không thờ cốt Phật, không gõ mõ tụng kinh, không cạo đầu, không cúng kiến chè xôi và tu đâu cũng được. Người theo Bửu Sơn Kỳ Hương còn phải thi hành bốn ân lớn : ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại.
Về phương thức tổ chức và thực hành tính cứu thế của các tôn giáo nội sinh vùng Nam bộ, thể hiện ở tổ chức mang tính nhập thế rất rõ, thể hiện ở tôn chỉ hành đạo Học Phật Tu Nhân và đền đáp Tứ đại trọng ân, thông qua việc học giáo lý và thực hành tôn giáo, sống có chuẩn mực đạo đức, thực chất là góp phần vào việc thực hiện cứu thế của tín đồ.
Về đặc điểm tính cứu thế của tôn giáo nội sinh vùng Nam bộ thể hiện : Tính cứu thế của các tôn giáo nội sinh vùng Nam bộ gắn liền với đức tin về sự tồn tại của Đấng cứu thế ; là sự dung hợp Tam giáo và kế thừa tín ngưỡng dân gian ; mang tính địa phương, giản dị và bình dân, và mang tính chất nhập thế.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tính cứu thế của tôn giáo nội sinh vùng Nam bộ trong giai đoạn hiện nay đã có những xu hướng biến đổi nhất định, như : các tôn giáo nội sinh mang tính cứu thế vùng Nam bộ đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết, bảo vệ tổ quốc, hòa nhập với xu thế phát triển chung của đất nước ; thực hiện các công việc xã hội hoá trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, xã hội ; tích cực tham gia vào các vấn đề an sinh xã hội.
Hoạt động của tôn giáo mang tính cứu thế vùng Nam bộ gắn với hoạt động thường nhật của tín đồ, chăm sóc phần đạo và phần đời. Những giá trị nhân văn trong tôn giáo cũng góp phần điều chỉnh hành vi của tín đồ, giúp họ hướng thiện, sống tốt đời, đẹp đạo…
Như vậy những ngôi chùa thể hiện niềm tin vào Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, theo quan điểm cá nhân người viết, cần được sự tôn trọng về quyền độc lập trong lựa chọn tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự thích hợp, bao gồm cả tổ chức được gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nếu chính quyền ở tỉnh, thành nào đó thuộc miền Nam Việt Nam vẫn giữ tâm thế "quốc doanh hóa" một tôn giáo nào đó, thì xin lưu ý là Hiến pháp bảo hộ quyền tự do lựa chọn và bày tỏ niềm tin của tôn giáo.
Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời năm 1849, và gần nửa thế kỷ sau đó thì người khai sinh ra đảng cộng sản Việt Nam mới sinh ra, để rồi đến tháng 2-1930 mới thành lập đảng cộng sản Việt Nam.
Trong ý nghĩa thời gian mang tính lịch sử ấy, thể chế chính trị hiện tại do đảng cộng sản "lãnh đạo toàn diện", cần tôn trọng, hỗ trợ để Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương ở các địa phương phát triển, không gò bó cứng nhắc trong mệnh lệnh hành chính buộc các chùa Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngọc Lan
Nguồn : VNTB, 04/06/2023
Phỏng vấn Hòa thượng Thích Không Tánh, về tình hình tự do tín ngưỡng tại Việt Nam
Từ ngôi chùa nhỏ, đang tá túc tại Quận Bình Thạnh, Sài Gòn, Hòa thượng Thích Không Tánh, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thành viên của Hội đồng Liên tôn Quốc Nội bày tỏ vài suy nghĩ về đạo pháp, đất nước, dân tộc, niềm tin.
Đặc biệt, ngài nói thêm về tình hình tự do tín ngưỡng ở Việt Nam , ngay sau khi nhà nước Việt Nam ban hành Luật tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2018.
Tuấn Khanh thực hiện
Nguồn : RFA, 31/05/2018
*******************
Tự do tôn giáo Việt Nam 2017 : Tăng cường sách nhiễu (VOA, 30/05/2018)
Việt Nam có bước tiến về luật thực thi quyền tự do tôn giáo nhưng chính quyền lại tăng cường sách nhiễu các nhóm tôn giáo có ý kiến trái chiều, nhất là các nhóm Công giáo chỉ trích chính quyền, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá.
Hoạt động của Hội Cờ Đỏ bị cho là sách nhiễu giáo dân
Nhận xét về Việt Nam trong phúc trình thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới công bố vào sáng thứ Ba ngày 29/5 năm 2018, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói Việt Nam đã có nỗ lực giảm đáng kể thời gian đăng ký hoạt động cho các nhóm tôn giáo chưa được công nhận. Theo đó, Mỹ ghi nhận rằng Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo của Việt Nam, vốn có hiệu lực từ đầu năm 2018, đã giảm thời gian chờ được công nhận đối với các nhóm tôn giáo từ 23 năm xuống còn 5 năm.
Ngoài ra Luật mới của Việt Nam cũng giảm nhiều các hoạt động tôn giáo đòi hỏi phải có sự chấp nhận trước của chính quyền, bản phúc trình ghi nhận.
"Lần đầu tiên Việt Nam cũng đã xác định rõ quyền địa vị pháp lý cho các nhóm tôn giáo đã được nhìn nhận. Luật quy định rằng các nhóm tôn giáo được thực hiện các hoạt động giáo dục, y tế, bảo vệ xã hội, từ thiện và nhân đạo phù hợp với các đạo luật liên quan", bản phúc trình viết nhưng cũng lưu ý rằng đạo luật mới về tôn giáo của Việt Nam không nêu cụ thể các đạo luật liên quan là đạo luật nào mà có khả năng mâu thuẫn với điều luật mới này, hay những bộ luật khác có điều luật không rõ ràng chẳng hạn như Luật Giáo dục.
"Các nhóm Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Bahai và Phật giáo đã được phép tổ chức giáo dục tôn giáo cho các tín đồ trong cơ sở của mình. Các sinh viên học sinh tiếp tục tham gia vào các buổi học giáo lý căn bản được tổ chức trong khuôn khổ khóa tu mùa hè ở các chùa, tự viện trên cả nước", phúc trình cho biết.
Tăng cường sách nhiễu
Bên cạnh đó, bản phúc trình về tự do tôn giáo của Mỹ cũng ghi nhận những trường hợp khiến họ quan ngại như trường hợp hai tù nhân tôn giáo tử vong bất thường trong tù và các hoạt động sách nhiễu đối với các nhóm hoạt động tôn giáo bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền.
Hai trường hợp tử vong bất thường đó là trường hợp của Ma Seo Sùng bị chính quyền xã Ea So, huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc, bị bắt với cáo buộc ‘tàng trữ ma túy’ nhưng sau đó chính quyền lại nói rằng người này cùng cháu trai đang ‘tìm kiếm miền đất mới của Chúa Trời.’ Trường hợp thứ hai là của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn bị Công an tỉnh Vĩnh Long bắt về với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ và ‘thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Sau đó chính quyền thông báo là Ma Seo Sùng đã treo cổ trong trại giam còn Nguyễn Hữu Tấn đã cắt cổ tự tử - cả hai vụ việc đều xảy ra vào tháng Năm năm 2017.
Ngoài ra, phúc trình cũng ghi nhận trường hợp của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đồng thời là nhà hoạt động tôn giáo và nhân quyền Nguyễn Bắc Truyền và Mục sư Tin Lành Nguyễn Trung Tôn bị bắt giữ vào tháng Bảy với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Còn tín đồ Hòa Hảo Bùi Văn Trung cùng gia đình đã bị bắt giam về tội ‘Gây rối trật tự công cộng’
Bên cạnh đó, một nhóm người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được biết đến với tên gọi "Nhà nước Degar" tố cáo họ tiếp tục bị Hà Nội theo dõi, thẩm vấn, bắt giữ tùy tiện và bị phân biệt đối xử, một phần là vì ‘hoạt động tôn giáo’ của họ, bản phúc trình cho biết.
Giới chức Việt Nam cho rằng các nhóm Thiên chúa giáo Degar đã ‘kích động ly khai bạo lực’. Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã thường xuyên giải tán các buổi tụ tập tôn giáo của họ và tổ chức các buổi từ bỏ ‘Thiên chúa giáo Degar’ hay ‘các tín ngưỡng Thiên chúa giáo khác’ cho tín đồ một cách công khai.
Một trong những hoạt động sách nhiễu tôn giáo được bản phúc trình nêu lên là vụ việc vào tháng Năm khi "các nhân viên an ninh mặc thường phục quấy nhiễu giáo dân và linh mục, tấn công giáo dân và hủy hại tài sản của Nhà thờ và tài sản của giáo dân" tại Giáo họ Văn Thai thuộc Giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An.
"Truyền thông Nhà nước và các trang blog ủng hộ chính quyền đã tìm cách bôi nhọ các linh mục tích cực hỗ trợ những nhà hoạt động và các nạn nhân của thảm họa môi trường Formosa", phúc trình nêu rõ và dẫn lại vụ các tổ chức xã hội do chính quyền kiểm soát như Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ đã tổ chức các cuộc phản đối lên án các Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục của Giáo phận Vinh.
"Các trang blog ủng hộ chính quyền đã đăng nhiều bài viết lên án các linh mục Công giáo, cáo buộc họ nhận tiền và thông đồng với các thế lực thù địch với mục đích kích động bạo loạn chống lại Đảng Cộng sản và Nhà nước", phúc trình viết.
"Vào ngày 29 và 30 tháng 10, hàng trăm người thuộc Hội Cờ đỏ đã tập trung tại Giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An, để lên án các giáo dân… khiến cho hai linh mục thuộc Giáo phận Vinh bị bao vây".
Ngoài ra, phúc trình cũng dẫn lại vụ xung đột xảy ra vào ngày 17/12 giữa giáo dân và những người ủng hộ chính quyền xung quanh việc xây dựng một nhà nguyện mới của Giáo phận Vinh. "Truyền thông Nhà nước đưa tin các giáo dân tấn công công an trong khi mạng xã hội tường thuật rằng các nhân viên an ninh mặc thường phục đã tấn công giáo dân theo lệnh của chính quyền địa phương", phúc trình cho biết.
Một trường hợp khác cũng được nêu lên trong bản phúc trình của Bộ ngoại giao Mỹ là vụ khoảng 10 người có vũ trang đã chen ngang thánh lễ tại Nhà thờ Giáo xứ Thọ Hòa ở tỉnh Đồng Nai hôm 4/9 để đòi trừng trị vị linh mục đã kêu gọi cải cách chính trị trên Facebook.
Bên cạnh các vụ sách nhiễu, Bộ ngoại giao Mỹ cũng ghi nhận nhiều vị chức sắc tôn giáo tại Việt Nam bị chính quyền cấm xuất cảnh như Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, Mục sư Thân Văn Trường vì lý do ‘an ninh quốc gia’.
"Tự do tôn giáo là yếu tố quan trọng trong khởi đầu của nước Mỹ. Bảo vệ quyền tự do tôn giáo mang ý nghĩa sống còn đối với tương lai chúng ta", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại buổi công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo hôm thứ Ba ngày 29/5.
"Quyền tự do tôn giáo không phải của riêng chúng ta. Đó là quyền của bất cứ cá nhân nào trên thế giới. Tổng thống Trump đứng về phía những ai đấu tranh cho tự do tôn giáo. Phó Tổng thống của chúng ta cũng đứng về phía họ, và tôi cũng vậy", ông Pompeo nói và cho biết thúc đẩy quyền tự do tôn giáo cũng đồng nghĩa với thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cho biết tại buổi công bố bản phúc trình là Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị các bộ trưởng để thúc đẩy tự do tôn giáo tại Bộ ngoại giao vào ngày 25 và 26 tháng 7 tới đây.
"Tôi trông đợi chào đón những đồng sự đến từ những chính phủ có cùng chung suy nghĩ, cũng như đại diện các tổ chức quốc tế, các cộng đồng tôn giáo và xã hội dân sự để tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với tự do tôn giáo như là một quyền con người phổ quát", Ngoại trưởng Pompeo nói và cho biết hội nghị này sẽ xác định những cách cụ thể để đẩy lùi tình trạng kỳ thị tôn giáo cũng như đảm bảo sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người.