Theo bản tin AFP hôm 27 tháng Giêng, Thủ tướng Mahathir Mohamad quyết định hủy bỏ dự án đường sắt từ Tây sang Đông trên lãnh thổ Malaysia, gọi tắt là ECRL, mà Trung Quốc trúng thầu với trị giá 81 tỷ ringgit tương đương 19 tỷ 600 triệu đô la.
Nhà máy Đạm Ninh Bình, một trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ có vốn ODA Trung Quốc đã không thể tiến hành sau khi vay vốn và sử dụng nhà thầu Trung Quốc Courtesy : Ảnh chụp màn hình cafef.vn
Đây là dự án lớn ký với Trung Quốc từ thời chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Najib Razak, hiện đang bị truy tố vì tội tham nhũng.
Tin cho biết Bộ trưởng Kinh tế Malaysia, ông Azmin Ali, nói rằng phát triển tuyến hỏa xa từ Tây sang Đông là dự án quá sức tốn kém vào lúc Malaysia không đủ khả năng tài chính trong lúc này.
Vẫn theo lời ông Azmin Ali, nếu không ngưng lại thì mỗi năm chính phủ phải chi trả 500 triệu ringgit tiền lời mà Kuala Lumpur không kham nổi.
Trong lúc giới phân tích bên ngoài quan ngại rằng quyết định của Thủ tướng Mahathir Mohamad ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ song phương Malaysia-Trung Quốc, người am hiểu tình hình ở Việt Nam, nơi có nhiều dự án bạc tỷ vay vốn và thực hiện bởi tổng thầu Hoa Lục, lại bày tỏ sự đồng tình với vị Thủ tướng cao tuổi của Malaysia,
Đối với Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Thủ tướng Mahathir Mohamad là một người sáng suốt :
"Sáng suốt ở quyết định phải ngưng lại hơn là tiếp tục theo đuổi, bởi từ 16 đến 20 tỷ đô la mà chưa nói tới phát sinh thì mỗi năm như thế lấy đâu cả mấy trăm triệu đô la để trả cho nhà thi công. Hai nữa cái thiệt hại của họ là người Malaysia không được công ăn việc làm, vì người Trung Quốc đưa cả thợ thuyền của họ kéo sang làm. Nghĩa là công việc làm cho người bản địa là không có mà lại còn gánh năng nợ nần. Quyết định phải ngưng lại là sáng suốt".
Nhà quan sát Phạm Chí Dũng, từng làm việc trong ngành Nội Chính Đảng, cho rằng quyết định của Thủ tướng Malaysia là một đòn đau cho Trung Quốc đối với những dự án đầu tư ra nước ngoài mà không mang lại phúc lợi cho dân bản địa :
Tôi cho đấy là một quyết định tuyệt vời. Vào năm 2013, dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 7 tỷ đô la của Trung Quốc ở Myanmar đã phải ngưng lại và từ đó tới nay không triển khai nữa. Và quyết định thứ hai mà Mahathir Mohamad giáng vào Trung Quốc cho thấy không thể dùng tiền mua cả thế giới như Trung Quốc thường khoe khoang, và Malaysia cũng không phải như một số nước Châu Phi, không phải là Zimbabwe hay là Venezuela ở Châu Mỹ La Tinh mà Trung Quốc có thể vung tiền vào các dự án đầu tư để chi phối nền kinh tế và thao túng chính trị.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong một thập niên trở lại đây nhiều nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu các dự án của Việt Nam. Quá trình thực hiện cho thấy nhiều dự án lâm cảnh chậm trễ, đội vốn, kiện tụng. Nguyên nhân trì trệ phần lớn từ phía Trung Quốc, điển hình như dự án đạm Ninh Bình đã không thể tiến hành sau khi vay vốn và sử dụng nhà thầu Trung Quốc. Kế đó là dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên từ năm 2007 vì kéo dài khiến mức vốn tăng cao.
Nhiều dự án của ngành Công Thương cũng gặp cảnh gọi là ngậm đắng nuốt cay khi đối mặt và làm việc chung với nhà thầu Trung Quốc.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Courtesy : mt.gov.vn
Một trong những chuyện gần nhất và được nói tới nhiều nhất là dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã hai lần tăng vốn khiến một số nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các tổ chức dân sự lên tiếng bằng nhiều bài phản biện trên mạng.
Dưới mắt Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Bá, đường sắt đô thị Cái Linh - Hà Đông là dự án kéo dài quá lâu :
"Quá lâu mà còn đôi vốn lên nhiều lần, còn công nghệ thì theo tôi biết cũng không phải là công nghệ tiên tiến. Người sử dụng kỹ thuật đưa sang đây làm cũng không phải loại hảo hạng, có thể nói là người của công ty bản địa thuộc hạng kém mới cho sang đây. Đấy là những yếu tố làm cho kéo dài, đội vốn. Khi đấu giá thì họ đấu giá thấp, nhưng quá trình làm thì cứ phát sinh và phát sinh mãi làm đội vốn lên nhiều và thời gian lâu".
Tháng Mười Một năm 2018 vừa qua, một bản tin trên VietnamNet cũng cho hay vì nhiều vấn đề trì trệ và bất ưng khiến nhiều chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng với phía nhà thầu Trung Quốc, thậm chí chấp nhận bị thưa kiện.
Câu hỏi ở đây là tại sao Việt Nam không thể chấm dứt hay ngưng cho tiến hành những dự án tốn kém đã ký với tổng thầu Trung Quốc như Myanmar lúc trước và Malaysia mới đây ? Kỹ sư Ngô Sĩ thiết, một thành viên nhóm Minh Triết ở Hà Nội nhận định :
"Đất nước người ta có độc lập trong cách hành xử, còn Việt Nam lãnh đạo phải xứ lý những quan hệ rất khó khăn vì bị phụ thuộc vào nhiều thứ mà từ góc độ ở ngoài mình không thể biết hết được. Cho nên đối với những dự án có Trung Quốc đầu tư thì không dễ mà từ chối như là Malaysia hoặc một nước khác.
Từ việc khởi xướng dự án đến việc chọn nhà thầu đến việc vay vốn đến tiến trình triển khai Việt Nam thực sự bị lệ thuộc trong việc đưa ra những quyết định mang tính chất độc lập. Ngày trước ông Đinh La Thăng có thể hiện ý kiến cá nhân là "đuổi nhà thầu Trung Quốc" mà hậu quả là ông bây giờ đã bị bỏ tù, hầu như không ai dám mạnh bạo như ông Đinh La Thăng nữa".
Đinh La Thăng là cựu Ủy viên Bộ Chính trị, từng có thời là Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải và đã có những chỉ trích mạnh mẽ đối với nhà thầu Trung Quốc. Ông Thăng bị kết án tù vào năm ngoái về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Tế nhị và phức tạp là nhận xét của giáo sư Đào Công Tiến, cựu Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Sài Gòn :
"Bỏ một dự án ? Có những cái không thể chuyển được đâu, còn cái chuyển được thì cũng phải gỡ những cái vướng những cái phức tạp. Đấy là vì sao ? Vì nó liên quan đến những cái không thể giải quyết bằng phương án bỏ được, phải tính toán nhiều thứ không thể nói dông dài trên máy được".
Nhà quan sát chính trị Phạm Chí Dũng phân tích thêm :
"Tại sao không dừng được ? Lý do đầu tiên thành thực mà nói là khó có bằng chứng nhưng mà vô cùng nhiều dư luận cho rằng lãnh đạo hoặc giới chuyên trách đã không quyết tâm, không dứt khoát và không dám làm rõ. Các doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ liên kết liên doanh với Trung Quốc thì đã nhận chung chi, và rất nhiều dư luận cho rằng Trung Quốc là một quốc gia chịu chung chi, chịu hối lộ thoáng nhất thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp có mối quan hệ đặc thù với Trung Quốc, đặc thù ở đây có nghĩa là có lợi nhuận, và những dự án liên quan tới ODA hoặc liên quan tới ngân sách nhà nước, thì dư luận cho rằng không hiếm những doanh nghiệp này đã nhận tiền từ các doanh nghiệp Trung Quốc và để cho Trung Quốc trở thành tổng thầu. Tôi cho rằng vấn đề tham nhũng là lý do đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt Nam không dám bỏ những dự án với Trung Quốc.
Lý do thứ hai thì cho tới nay Việt Nam không chỉ lệ thuộc vào kinh tế cho tới những dự án đấu thầu có Trung Quốc mà còn bị chi phối bởi mặt chính trị, thậm chí dư luận còn đồn đoán là Trung Quốc chi phối tới cấp trung ương của đảng. Thế thì việc hủy bỏ những dự án lớn của Trung Quốc ở Việt Nam thì rõ ràng vì lý do chính trị Việt Nam đã không dám làm, điển hình là dự án bô xít Tây Nguyên".
Vẫn theo báo mạng Vietnam.Net tháng Mười Một năm 2018, để nâng cao giải pháp cũng như chấn chỉnh công tác quản lý lãnh vực đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các dự án lớn nhỏ, từ năm 2015 Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương đồng thời sửa đổi Luật Đấu Thầu và các văn bản liên quan.
Bên cạnh đó, chính phủ và các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm mà theo báo cáo thì đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên theo các nhà quan sát và các tổ chức dân sự ở trong nước, minh bạch mới là cần thiết chứ không chỉ những qui định trên giấy mà đủ, và giải pháp nào cho những gói thầu với Trung Quốc bị trì trệ và đội vốn vẫn còn là câu hỏi phía trước.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 02/02/2019
Bảo hiểm xã hội : Chỉ chăm chăm thu và dọa bỏ tù… (VNTB, 31/03/2018)
Luật Bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội) sửa đổi gồm 9 chương, 125 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Trong đó, luật này có quy định rất rõ nếu người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt nặng, thậm chí có thể bị đi tù. Tuy nhiên trách nhiệm đóng, và quyền được thụ hưởng lại không hề sòng phẳng.
Đối với lao động nữ, từ năm 2018 trở đi, thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 30 năm. Ảnh : Dân trí
Ăn được bát cháo, chạy ba quãng đồng
Tập đoàn Pou Chen đang có 1.448 lao động người nước ngoài, trong đó riêng Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng 792 người. Về việc đóng bảo hiểm xã hội cho lao động người nước ngoài, bà Đặng Hồng Liên (Phòng Hành chính nhân sự, Công ty Pouyuen Việt Nam) nhận xét, rào cản lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ.
Người lao động hay doanh nghiệp muốn tìm hiểu cũng không có tài liệu để xem, và khi trao đổi về quá trình đóng - hưởng, hay khi đi khám bệnh, cơ quan chức năng không có nhân viên phiên dịch. "Lao động người nước ngoài đang nộp hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… mà giấy phép lao động hoặc hợp đồng lao động hết hạn, phải về nước thì giải quyết thế nào, có chuyển khoản ra nước ngoài hay không trong trường hợp không thể ủy quyền ? Rồi hồ sơ tuất, thân nhân ở nước ngoài không thể đến Việt Nam khai báo và nhận lãnh trợ cấp, vậy ký đóng dấu tờ khai như thế nào ? Hoặc nếu lao động người nước ngoài bị tai nạn lao động chết, thuộc trường hợp nhận trợ cấp hàng tháng, thì giải quyết ra sao", bà Liên chia sẻ hàng loạt trăn trở.
Cùng mối băn khoăn, bà Võ Thị Hồng Ngân (Phòng Hành chính nhân sự Công ty trách nhiệm hữu hạn Nissey Việt Nam) cho biết lao động người nước ngoài làm việc tại Nissey chủ yếu thuộc đối tượng di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp (di chuyển từ công ty trực tiếp đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam - PV), không có hợp đồng lao động. Họ chỉ làm ở Việt Nam khoảng 2 năm rồi trở về nước. Vậy khi đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam thì họ sẽ hưởng các chế độ thế nào ?
Bà Ngân chia sẻ thêm, bảo hiểm xã hội ở Việt Nam có chế độ thai sản cho nam giới, vậy nếu vợ lao động người nước ngoài ở nước ngoài sinh con, thì họ lãnh chế độ thế nào ? Trường hợp con ốm, lao động người nước ngoài được nghỉ ra sao ? Theo bà Ngân, hồ sơ giấy tờ đề nghị hưởng phải dịch thuật rất đắt đỏ. Có khi tiền dịch thuật còn đắt hơn cả tiền chế độ hưởng, và doanh nghiệp cùng lao động người nước ngoài dễ rơi vào cảnh "ăn được bát cháo, chạy ba quãng đồng" !
Về bảo hiểm y tế, bà Ngân cho hay, thời gian qua, công ty mua bảo hiểm y tế cho lao động người nước ngoài nhưng gần như không ai sử dụng. Mỗi lần lao động người nước ngoài đi khám chữa bệnh, do đa số nhân viên y tế ở các cơ sở y tế không sử dụng tiếng Nhật được, doanh nghiệp phải cử phiên dịch đi theo, rất phức tạp.
Theo bà Ngân, nếu bắt buộc phải đăng ký khám chữa bệnh ở bệnh viện cấp quận, huyện thì có cảm giác chúng ta đang… tận thu của người lao động, vì thực tế họ không đến bệnh viện cấp tỉnh, huyện khám bệnh. Về bảo hiểm thất nghiệp, bà Ngân đánh giá : "Họ được cử đến Việt Nam, hết hạn thì rút về nước, họ có thất nghiệp đâu mà hưởng !". Chính sách hưu trí, theo bà Ngân, cũng không cần thiết với lao động người nước ngoài, vì họ hiếm khi ở Việt Nam đến suốt đời.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng bất bình
Ghi nhận tại Hội nghị "Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố" về vấn đề bảo hiểm xã hội, tổ chức vào cuối tuần vừa qua, cho thấy hầu hết thắc mắc của doanh nghiệp đều được phía bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trả lời là chờ "chính sách cập nhật", "đã kiến nghị sửa đổi".
Theo doanh nghiệp ngành nghề dệt may, thì danh mục ngành nghề độc hại mà cơ quan bảo hiểm đưa ra là quá lạc hậu. Một số chức danh ngành nghề nặng nhọc, độc hại được doanh nghiệp áp dụng từ lâu cho người lao động, nhưng lại không có trong danh mục nặng nhọc, độc hại của ngành dệt may theo quy định. Ví dụ, vận hành lò hơi hay vận hành hệ thống xử lý nước thải thì trong ngành hóa chất hay sản xuất giấy mới có quy định, còn ngành dệt may lại không có để xét các chế độ cho người lao động.
"Trước đây, người ta gọi đơn giản là nuôi heo, nuôi gà, được tính là sản xuất nông nghiệp. Càng về sau, các vấn đề môi trường càng quan trọng, đặc biệt là công đoạn xử lý phân heo rất độc hại với công nhân. Chúng tôi đã kiến nghị nhưng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng, công nhân bức xúc rất nhiều". Đại diện doanh nghiệp ngành chăn nuôi, nói.
"Do tính chất công việc nên công nhân vệ sinh thường đi làm khuya, khó kiếm người làm chứng. Gặp nạn xong thì họ lo đi cấp cứu chứ không thể ở lại chờ lập biên bản. Chưa kể, khi công nhân tự té, công an phường gần nhất cũng chỉ có thể xác nhận họ sinh sống ở địa phương và có đi trên tuyến đường đó thôi. Công an không chứng kiến tai nạn nên cũng chẳng dám xác nhận. Vậy là bó tay trong yêu cầu về bảo hiểm tai nạn lao động". Đại diện công ty dịch vụ công ích, cho biết.
Ngoài ra một vấn đề đã được lên tiếng cảnh báo từ trước đó rất nhiều lần, xong vẫn tiếp tục là sự bất công : từ 1/1/2018, lao động nam có đủ 35 năm, nữ 30 năm mới được hưởng lương hưu tối đa (75%), thay vì 30 năm và 25 năm như hiện nay, gây thiệt thòi cho người lao động.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 và Khoản 2, Điều 74 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, thì từ năm 2018, số năm đóng bảo hiểm xã hội để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu 75% của lao động nam là 31 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2018 ; 32 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2019 ; 33 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2020 ; 34 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2021 ; 35 năm đối với người nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi.
Riêng đối với lao động nữ, từ năm 2018 trở đi, thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 30 năm, tạo sự chênh lệch lớn giữa mức lương hưu của lao động nữ có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội (có dưới 30 năm đóng bảo hiểm xã hội) nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 1/1/2018.
Bảo hiểm xã hội : chỉ biết tận thu
Để nữ công nhân mang thai ở các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nhưng chủ bỏ trốn được hưởng chế độ thai sản, một số tổ chức công đoàn đã chủ động trích kinh phí công đoàn để đóng các khoản bảo hiểm xã hội cho những công nhân này. Tuy nhiên, phía bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh lại bắt buộc các tổ chức công đoàn này phải đóng cả tiền lãi chậm nộp.
Ông Nguyễn Văn Khải - phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, phản ứng rằng việc để doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội không phải là lỗi của tổ chức công đoàn, hơn nữa công đoàn chủ động trích nộp kinh phí công đoàn để đóng bảo hiểm xã hội cho lao động nữ mang thai là việc làm nhân văn, nhưng lại yêu cầu đóng cả tiền lãi là điều bất hợp lý.
Bảo hiểm xã hội : Chỉ chăm chăm thu và dọa bỏ tù ?
Ghi nhận từ báo cáo nhanh của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Công ty trách nhiệm hữu hạn BumJin Vina (lô B28/I-B29/I, đường 2B, khu công nghiệpVĩnh Lộc, 100% vốn Hàn Quốc) có giám đốc là ông Park Kyeho. Công ty có 358 lao động. Ngày 10-2-2018, giám đốc vắng mặt dài ngày tại Công ty, để lại khoản nợ bảo hiểm xã hội của 358 lao động từ tháng 7-2017 đến nay với tổng số tiền 2,9 tỉ đồng. Trong 358 lao động của Công ty có 14 trường hợp nữ lao động đang mang thai đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, và 11 trường hợp nữ công nhân đã sinh con nhưng chưa được hưởng chế độ thai sản.
Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân bộ phận kiểm hàng, làm việc tại Công ty BumJin Vina từ ngày 1/7/2013, chị đang mang thai ở tuần thứ 29, chị dự sinh vào tháng 5-2018. Tuy nhiên, vì Công ty nợ bảo hiểm xã hội, giám đốc lại "biến mất" nên chị rất lo lắng. Nếu không được tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì ngày chị sinh con, chị sẽ không được hưởng chế độ thai sản. Trong khi đó, do đang mang thai nên chị đi xin việc làm mới cũng gặp nhiều khó khăn.
Phía tổ chức công đoàn đã trích từ nguồn kinh phí công đoàn của đơn vị đóng phần bảo hiểm xã hội của các trường hợp lao động nữ đang mang thai và đã sinh con như nói trên, để chị em được hưởng chế độ thai sản. Thế nhưng phía bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vẫn buộc công đoàn phải đóng cả lãi suất là bất hợp lý. Bởi vì việc để doanh nghiệp nợ, khắc phục nợ bảo hiểm xã hội không phải là lỗi của tổ chức công đoàn.
Xem ra để đạt được các thỏa thuận về quan hệ lao động như yêu cầu đặt ra trong những hiệp định thương mại quốc tế, không chỉ là đòi hỏi của tổ chức công đoàn độc lập, mà còn cần có cả việc chấm dứt những độc quyền trong bảo hiểm xã hội đang được bảo hộ bởi Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Thảo Vy
*******************
Vũ Văn Tiền tha thiết vay vốn Trung Quốc làm dự án nhiệt điện (Người Việt, 31/03/2018)
Mạng xã hội đang bày tỏ sự phản đối trước tin ông Vũ Văn Tiền và liên danh Geleximco-HUI dự định "vay vốn từ các ngân hàng Trung Quốc để xây dựng nhà máy nhiệt điện theo hình thức PPP (đối tác công tư)".
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, được biết đến với biệt danh Tiền "Còi" muốn đầu tư nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam. (Hình : VnEconomy)
Ông Tiền là CEO Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco). Còn HUI là tên viết tắt của Hong Kong United Investors Holding, một doanh nghiệp Hồng Kông mới được thành lập ngày 15 tháng Giêng, 2016.
Hồi năm ngoái, ông Tiền từng gây xôn xao khi kiến nghị thủ tướng Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng phi trường Long Thành trong 3 đến 5 năm cũng theo hình thức PPP.
Tập đoàn của ông Tiền cũng bị từ chối tham gia dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Ông Tiền còn bị chỉ trích khi đề nghị mời Viện Thiết Kế và Quy Hoạch Hàng Châu của Trung Quốc tham gia quy hoạch hai bờ sông Hồng.
Theo báo Zing, ông Tiền còn được biết đến với cái tên Tiền "Còi", và được cho là "tỷ phú đô la" giấu mặt của Việt Nam khi sở hữu hàng loạt công ty (trong đó có Ngân Hàng An Bình) với số vốn điều lệ "nhiều ngàn tỷ đồng" cùng "khối tài sản bất động sản khổng lồ".
Đến nay, ông Tiền được ghi nhận đã hai lần đề nghị đầu tư dự án nhiệt điện bằng vốn vay của Trung Quốc.
Lần thứ nhất là tháng Bảy, 2017, liên danh Geleximco-Tập đoàn năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) đề nghị thủ tướng Việt Nam cho đầu tư năm dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2 và Hải Phòng 3.
Lần thứ hai là tháng Mười, 2017, liên danh này tiếp tục đề nghị đầu tư hai dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 ở tỉnh Nghệ An và Quảng Trạch 2 ở tỉnh Quảng Bình.
Báo VnEconomy dẫn văn bản của Bộ Công thương Việt Nam cho hay : "80% vốn được vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất 10.86%/năm, vay thương mại quốc tế 11.77%/năm. Phần này sẽ được huy động từ tổ hợp các ngân hàng do ngân hàng Phát Triển Nhà Nước Trung Quốc đứng đầu gồm ngân hàng Trung Quốc, ngân hàng Xây Dựng Trung Quốc, ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc chi nhánh Hồ Nam và chi nhánh An Huy, ngân hàng Công Thương Trung Quốc".
Báo Đất Việt hôm 30 tháng Ba dẫn lời ông Lê Công Nhường, đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Bình : "Không nên vay vốn Trung Quốc và cũng không nên làm nhiệt điện than nữa. Trung Quốc đã chỉ đạo cho đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than từ năm 2017 vì những lo ngại về ô nhiễm môi trường. Việt Nam không nên đi ngược xu hướng chung của thế giới. Khi Trung Quốc đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than tại quốc gia này họ sẽ tìm cách đẩy các thiết bị, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu sang nước khác. Nếu vay vốn xây dựng dự án Quảng Trạch 2, Quảng Bình rất khó tránh được việc phải sử dụng công nghệ của nước này".
"Dự án nào sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc cũng bị chậm tiến độ, bị kéo dài thời gian, đội vốn cao hơn gấp nhiều lần. Hơn nữa, một dự án vay hàng ngàn tỷ đồng nhưng khi đưa vào hoạt động lại không hiệu quả sẽ là gánh nặng cho nợ công quốc gia", ông Nhường được trích lời nói.
Hồi tháng Tám, 2017, khi vụ ông Tiền đề nghị để nhà thầu Trung Quốc làm phi trường Long Thành, báo Lao Động bình luận : "Chúng ta không đánh đồng các nhà thầu Trung Quốc, nhưng cũng không thể bàng quan với những cái bẫy giá rẻ. Bởi nếu bài học về sân vận động Mỹ Đình còn chưa đủ nặng ký thì hãy nhìn sang đường sát trên cao Cát Linh-Hà Đông. Mức đầu tư đã đội vốn 100% rồi. Hãy nhìn sang đường ống nước Sông Đà với số lần vỡ, gặp trục trặc mà nói ra chắc không ai tin nổi - 21 lần cả thảy". (T.K.)
***************
Phi trường Quảng Bình đóng cửa để… nhân viên thi đấu cầu lông (Người Việt, 31/03/2018)
Một chuyện khó tin nhưng có thật vừa xảy ra, phi trường Đồng Hới ở tỉnh Quảng Bình bị Cục Hàng Không Việt Nam xử phạt hành chính 35 triệu đồng (hơn 1.536 USD) vì tự ý đóng cửa nhà ga, ngưng tiếp khách để nhân viên thi đấu cầu lông.
Khu vực nhà ga sân bay Đồng Hới đóng cửa để nhân viên chơi cầu lông. (Hình : Người Lao Động)
Theo báo Người Lao Động, ngày 19 tháng Ba, Cảng Hàng Không Đồng Hới tổ chức thi đấu cầu lông cho đoàn viên, thanh niên của đơn vị từ 7 giờ 55 phút đến 9 giờ sáng cùng ngày tại khu vực sảnh chờ nhà ga hành khách đi.
"Cục Hàng Không Việt Nam xác định Cảng Đồng Hới đã ngừng cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách mà không báo cáo, xin phép cơ quan có thẩm quyền", báo này cho hay.
Báo Zing mô tả : "Lúc 9 giờ sáng, chuyến bay từ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, hạ cánh tại phi trường Đồng Hới. Do ga hành khách không hoạt động nên khách và hành lý được đón từ máy bay và trả tại khu vực hạn chế cổng số 2. Đến 10 giờ cùng ngày, Cảng Hàng Không Đồng Hới mới mở quầy thủ tục phục vụ chuyến bay đi Sài Gòn cất cánh lúc 12 giờ trưa. Một số hành khách đến sớm không được phục vụ tại nhà ga hành khách".
Website Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Không-Airimex viết : "Nhiều khách hàng phản ứng bằng cách đập cửa tại nhà ga. Một lúc lâu sau, cửa nhà ga đã được mở ra để khách vào, tuy nhiên, các trận đấu cầu lông vẫn được tiếp tục diễn ra trước sự chứng kiến của hành khách. Quảng Bình là tỉnh phát triển du lịch, việc đón khách ở xa ghé thăm lần đầu tiên sẽ để lại ấn tượng rất quan trọng, tuy nhiên cách tổ chức một sân chơi thể thao không đúng lúc và đúng nơi của Cảng Hàng Không Đồng Hới đã tạo ra sự phản cảm không đáng có".
Báo VietnamNet tường thuật : "Do các chuyến bay tại phi trường Đồng Hới hoạt động không liên tục nên những lúc không có chuyến bay, nhà ga đóng cửa để bảo đảm an ninh, vệ sinh nhà ga và đỡ hao tổn điện, nước. Do chuyến bay sớm nhất trong ngày khởi hành tại phi trường Đồng Hới lúc 12 giờ nên 10 giờ sáng thì nhà ga mới mở cửa, trong thời gian đó nhân viên tranh thủ luyện tập để chuẩn bị cho trận giao lưu ngày 26 tháng Ba".
Trong một diễn biến khác, hồi đầu tháng này, Cảng Hàng Không Vinh ở tỉnh Nghệ An bị phạt 40 triệu đồng (hơn $1,754) sau vụ để một ông "tâm thần" đột nhập lên máy bay. Cục Hàng Không Việt Nam đưa ra kết luận : "Vụ việc này tuy chưa dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nhưng đã uy hiếp nghiêm trọng an ninh hàng không. Sự việc xảy ra là do nhân viên an ninh hàng không và nhân viên làm thủ tục của phi trường Vinh đã vi phạm quy định trong khi thực hiện công việc". (T.K.)
******************
Cháy tan hoang chợ Quang ở Hà Nội (Người Việt, 31/03/2018)
Ngọn lửa bùng phát rồi nhanh chóng lan rộng thiêu rụi chợ Quang và lan sang nhiều nhà xung quanh. Nhiều tiểu thương lao vào cứu hàng hóa, trong khi gần chục xe chữa cháy tiến hành dập lửa.
Đám cháy thiêu rụi gần như toàn bộ chợ Quang ở xã Thanh Liệt, gần khu đô thị Linh Đàm. (Hình : Thanh Niên)
Theo báo Thanh Niên, khoảng 2 giờ chiều 31 tháng Ba, ngọn lửa bùng phát từ tầng 2 chợ Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, rồi nhanh chóng lan xuống tầng 1 nơi có nhiều hàng quần áo giày dép nên lửa càng bùng phát lớn. Chợ Quang rất gần với khu đô thị Linh Đàm.
"Lửa lan nhanh lắm, chúng tôi thoáng ngửi thấy khói khét mùi nhựa, nhìn xung quanh thấy phát hiện lửa bốc lớn trên tầng 2 chợ Quang liền tri hô mọi người dập lửa, thu dọn hàng hóa. Rất may, cháy vào buổi trưa nên có ít người đi chợ", bà Trần Minh Thu (35 tuổi), một tiểu thương bán hàng ở tầng 1, kể.
Cũng theo bà Thu, đám cháy từ khu nhà chính ở giữa chợ nhanh chóng lan sang dãy ki ốt quanh chợ gây cháy rụi nhiều hàng hóa. Lửa bốc lớn, khói đen bốc lên ngùn ngụt, đứng từ xa cả cây số vẫn nhìn thấy.
Một số người dân ở gần chợ Quang chứng kiến đám cháy và giúp tiểu thương thu dọn đồ đạc cho biết, khoảng 20 phút sau khi lửa bốc lên, lính cứu hỏa cử hai xe chuyên dụng đến dập lửa.
Tuy nhiên, do đám cháy lớn, hiện trường rộng nên chỉ phun được một lát thì không đủ nước, phải đợi chi viện. Khoảng 2 giờ 40 phút, thêm bốn xe cứu hỏa khác đến tăng cường dập lửa.
Một số người dân phải phá tường ở những ki ốt chưa bị cháy lan để di dời hàng hóa. (Hình : Thanh Niên)
Các lực lượng tại chỗ như thanh niên, dân phòng, công an xã… cũng được huy động tham gia dập lửa, di dời hàng hóa giúp tiểu thương. Do đám cháy lan rộng nhanh chóng nên nhiều tiểu thương phải đập tường từ phía ngoài để giải cứu hàng hóa.
Đến khoảng 3 giờ 30 phút chiều cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đám lửa nhỏ vẫn bùng lên, lực lượng cứu hỏa chưa tiếp cận được với tầng 2 của khu chợ.
Nói với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Phong, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Thanh Liệt, cho biết đám cháy xuất phát từ ki ốt của một chủ hàng đã đóng kín cửa nghỉ trưa. Ban quản lý chợ dùng bình cứu hỏa để dập lửa nhưng do đám cháy lớn nên không thể dập tắt. Hơn nữa, cạnh cửa hàng phát cháy là hàng vàng mã cũng khóa cửa nên ngọn lửa đã lan nhanh sang nhiều gian khác.
Đến 7 giờ tối cùng ngày, hàng trăm tiểu thương vẫn tập trung quanh chợ Quang. Gương mặt ai nấy thất thần, dõi ánh mắt về phía những ki ốt chỉ còn lại cảnh hoang tàn vì bị lửa thiêu rụi.
Chị Nguyễn Thị Hồng, một tiểu thương trong chợ ngồi một góc khóc ròng. Chị Hồng có ba ki ốt bán quần áo trong chợ Quang. Khi một tiểu thương khác gọi điện báo cháy, chị cùng chồng vội vã chạy đến thì hàng hóa trong quầy đã chìm trong ngọn lửa đỏ rực. "Hàng trăm triệu đồng đi theo ngọn lửa hết rồi", chị Hồng khóc nghẹn.
Chợ Quang có diện tích hơn 4,000 mét vuông, tổng kinh phí xây dựng lên đến hơn 14 tỷ đồng (hơn $614,545) được xây dựng cách đây bốn năm, với hàng trăm ki ốt. Khu chợ bán nhiều loại hàng hóa khác nhau từ rau quả, quần áo, bánh kẹo đến vàng bạc. (Tr.N)