Ở Việt Nam, khủng hoảng do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đối với người lao động nữ
Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) mới đây mới đây đã đưa ra những dự báo cập nhật về tình trạng mất việc làm và giảm số giờ làm việc nghiêm trọng trên toàn thế giới. Theo đó, phần về Việt Nam, như sau :
"Khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm. Trong số đó có các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí.
Ở Việt Nam, những lĩnh vực này hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam. Chúng ta không nói rằng tất cả những lao động này sẽ bị mất việc, chúng ta chỉ đang nói rằng họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, đang phải đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động.
Điều này cũng đem lại hàm ý chính sách rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam. Đây là những lĩnh vực thâm dụng lao động và thường tuyển dụng người lao động được trả lương thấp và trình độ kỹ năng thấp. Đây cũng là những lĩnh vực mà phụ nữ chiếm phần đông.
Điều đó có nghĩa rằng khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người lao động dễ bị tổn thương và lao động nữ.
Bốn lĩnh vực được xác định có nguy cơ bị tác động nặng nề nhất theo Báo cáo nhanh của ILO hiện sử dụng 44,1% số lao động nữ của Việt Nam (trong khi đó chỉ có 30,4% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên).
Vì vậy, khi Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ cần phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề này. Điểm đáng quan ngại là diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng này có thể sẽ làm suy yếu thêm vị thế của phụ nữ trên thị trường lao động".
…"Giờ chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này. Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới.
Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, và thị trường lao động. Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được. Cộng đồng quốc tế, trong đó có ILO và các tổ chức Liên Hợp Quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn" – Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, phát biểu như vậy.
Câu hỏi đặt ra : Chính phủ Việt Nam đang tính toán các gói hỗ trợ ra sao để chứng tỏ Việt Nam cũng xuất sắc trong giải quyết các thách thức kinh tế ?
Ông Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng các quốc gia phát triển đã dành tiềm lực rất lớn để hỗ trợ cho người dân bởi nguồn ngân sách, khả năng tài chính cũng như sức chịu đựng của họ lớn. Thậm chí, có những quốc gia chuyển hẳn tiền vào tài khoản của từng người như ở Mỹ chẳng hạn.
"Chúng ta sẽ cố gắng để gói hỗ trợ tốt nhất đến tay người dân, song tiềm lực có giới hạn nên chưa thể làm được như các nước. Thay vào đó, chúng ta đẩy nhanh gói hỗ trợ để làm sao chi đúng đối tượng, hướng đến những người đang gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ để họ vượt qua giai đoạn ngặt nghèo, và điều quan trọng là trên cơ sở công khai, minh bạch.
Điều này tác động rất lớn đến niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống chính trị của chúng ta. Trong các chính sách, việc giảm thuế thu nhập cá nhân để tất cả người dân có thể tiếp tục được thụ hưởng. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tuy nhiên, với gói hỗ trợ mới đang được dự tính đợt này mà Bộ Chính trị thông qua, Chính phủ nên mạnh dạn tăng quy mô gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động khi quy mô GDP đã tăng trên 340 tỉ USD năm 2020 bởi lẽ tại thời điểm này, Chính phủ cần chấp nhận tăng bội chi ngân sách năm nay để tăng gói hỗ trợ đủ liều khi ‘bệnh’ đã nặng hơn sau một thời gian Covid-19 tấn công doanh nghiệp, người dân.
Ở một số nước, hỗ trợ tài chính có thể tương ứng 15/20% GDP, do đó việc nới lỏng hơn các điều kiện, tiêu chí nhận hỗ trợ để nhanh chóng đưa tiền, kích cầu tiêu dùng cho nền kinh tế cũng là vấn đề cần ưu tiên trong gói mới này".
Một ý kiến khác : Đâu phải chúng ta không có tiền.
Mặc dù ngân sách căng thẳng, vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phân bổ 16.000 tỷ đồng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021.
Mặt khác, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 34,15% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2020.
Điều đó nghĩa là Việt Nam còn những khoản "dự định chi" nhưng chưa được chi có thể điều chỉnh. Hơn nữa, nếu cần thiết, Chính phủ có thể vay thêm nợ, bớt đi những lãng phí, di chuyển những khoản tiền định đầu tư vào một số dự án khổng lồ mà không giải ngân được sang cứu trợ kinh tế trước đã.
Phú Nhuận
Nguồn : VNTB, 01/07/2021