Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

EuroCham và doanh nghiệp Châu Âu vận động các chính phủ viện trợ Việt Nam chống dịch

Delphine Rousselet, Thu Hằng, RFI, 04/10/2021

Liên Hiệp Châu Âu là khu vực hàng đầu viện trợ vac-xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam với gần 8,6 triệu liều chỉ trong hơn một tháng, từ giữa tháng 08 đến 28/09/2021, thông qua cơ chế COVAX và viện trợ song phương. Giúp Việt Nam chống dịch, xuất phát từ tinh thần tương ái, nhưng cũng là dịp "trả ơn" và nằm trong lợi ích của nhiều nước Châu Âu vì Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của khối tại Đông Nam Á và có Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) với Liên Âu.

eurocham1

Chương trình gây quỹ Breathe Again của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam.  © RFI tiếng Việt / Ảnh chụp màn hình

Để có được kết quả trên, phải nhấn mạnh đến vai trò của Phòng Thương Mại Châu Âu (EuroCham) và hơn 1.100 doanh nghiệp thành viên hoạt động tại Việt Nam. Vào lúc dịch bùng phát tại Việt Nam làm đứt gãy dây chuyền sản xuất, trong khi chính quyền trung ương và địa phương cũng bị động trước sức tàn phá do biến thể virus Delta, chính các doanh nghiệp thành viên EuroCham, kết hợp với các cơ quan ngoại giao của nước họ, đã phản ánh tình hình tại Việt Nam cho các chính phủ ở Châu Âu. Song song đó, họ ủng hộ sáng kiến gây quỹ tại Việt Nam của ông Gricha Safarian, người sáng lập kiêm tổng giám đốc công ty Puratos Grand-Palace Việt Nam.

EuroCham đứng ra làm trung gian lập quỹ. Ngày 17/08, Quỹ Breathe Again (Breathe Again Fund, https://breatheagain.fund/) chính thức ra mắt để mọi doanh nghiệp, cá nhân Châu Âu có thể đóng góp. Tính đến ngày 03/10, Quỹ đã thu được 1,138 triệu euro, trong đó có 670.000 euro trị giá thiết bị, vật tư y tế được nhà tài trợ thành viên EuroCham gửi trực tiếp đến nơi tiếp nhận.

Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 30/10, bà Delphine Rousselet, giám đốc điều hành EuroCham Việt Nam, cho biết đây là cách để các nước, cũng như các doanh nghiệp Châu Âu sát cánh cùng Việt Nam chống dịch.

eurocham2

Bà Delphine Rousselet, giám đốc điều hành EuroCham (đeo khẩu trang đen), trao tặng bệnh viện dã chiến số 5 Bình Dương quà của đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen và lãnh sự danh dự Gricha Safarian, cùng với quà của công ty BIO và EZLand ngày 02/09/2021. © Facebook Delphine Rousselet

RFI : Quỹ Breathe Again được ra đời trong bối cảnh nào và nhằm mục đích gì ?

Delphine Rousselet : EuroCham là một hiệp hội doanh nghiệp hiện có hơn 1.100 công ty thành viên, trong đó có nhiều đại tập đoàn Châu Âu, cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc công ty tư nhân. Vào lúc tôi nhậm chức giám đốc điều hành EuroCham ngày 05/07, tình hình dịch ở thành phố Hồ Chí Minh trở nên rất khó khăn. Tôi chưa hề được gặp các đồng nghiệp và chỉ làm việc trực tuyến, từ xa với họ. Tôi nêu ví dụ cá nhân này để cho thấy tình hình rất đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh.

Vào khoảng giữa tháng Bẩy, khi thảo luận với chủ tịch EuroCham Alain Cany, tôi nói với ông ấy là phải làm gì đó để hỗ trợ Việt Nam. EuroCham hoạt động ở Việt Nam gần 25 năm, chúng tôi đã cố gắng hỗ trợ nhân viên và thành viên của hội trong đợt dịch, nên chúng tôi thấy phải giúp đỡ Việt Nam. May mắn là EuroCham được chính quyền Việt Nam biết đến và được tôn trọng. Uy tín đó giúp chúng tôi có tính chính đáng và danh tiếng để huy động mọi người ủng hộ chiến dịch hành động của chúng tôi.

Chúng tôi nhận thấy rằng trong số thành viên của EuroCham, kể cả những tập đoàn Châu Âu lớn đang hoạt động ở Việt Nam, có rất nhiều doanh nghiệp muốn làm gì đó cho Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng này nhưng thường không biết phải làm thế nào bởi vì không phải cứ chi tiền ra là được, mà còn phải tìm được cách quyên tặng thích hợp.

Tại sao tôi nói như vậy ? Đó là vì gần đây Việt Nam lập Quỹ vac-xin phòng chống Covid-19 nhưng lại do chính phủ quản lý, trong khi đa số tập đoàn lớn của Pháp có những nội quy nghiêm ngặt, tuyệt đối cấm trao tặng cho các chính phủ. Điều này cũng bị cấm trong nhiều đạo luật Châu Âu. Cho nên dù những công ty này có điều kiện nhưng lại không rõ cách làm, hoặc không đủ bảo đảm minh bạch theo quy định đề ra của trụ sở ở Châu Âu.

Do đó EuroCham đã giới thiệu dự án Breathe Again, giải thích với họ là sẽ minh bạch tuyệt đối. Chúng tôi mở một tài khoản ngân hàng dành riêng cho những khoản viện trợ và chiến dịch quyên góp này. Chúng tôi nhấn mạnh đến yếu tố minh bạch với các thành viên EuroCham nên họ có thể yên tâm sử dụng quỹ hỗ trợ Việt Nam và cũng thuận tiện cho bên thụ hưởng, thường là bệnh viện. Tuy nhiên, hiện giờ vẫn chủ yếu là các bệnh viện ở miền nam vì đây là vùng bị dịch tác động nặng nhất trong những tháng gần đây và cũng là khu vực hoạt động của đa số thành viên EuroCham. Rất nhiều nhà công nghiệp thành viên của EuroCham sản xuất quanh thành phố Hồ Chí Minh, như ở Bình Dương, Đồng Nai hay Bà Rịa-Vũng Tàu…

Chúng tôi liên lạc trực tiếp trước với các bệnh viện ở miền nam để tìm hiểu nhu cầu thiết bị y tế của họ. Do tình hình dịch thay đổi rất nhanh nên nhu cầu cũng thay đổi theo, ví dụ cách đây 5-6 tuần, các bệnh viện cần máy trợ thở là chủ yếu, nhưng từ 2-3 tuần nay lại cần máy theo dõi monitor, thậm chí hiện giờ họ đề nghị chúng tôi cung cấp thuốc. Nhưng không dễ mua được thuốc ở Việt Nam. Chúng tôi đang thử nhưng chưa làm được.

Nói tóm lại, chúng tôi cố đáp ứng cùng lúc nhiều nhu cầu trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất dĩ nhiên là nhu cầu từ phía Việt Nam và các bệnh viện. Tiếp theo là nhu cầu của các thành viên EuroCham, muốn có một kênh minh bạch để có thể ủng hộ và yên tâm rằng các trang thiết bị, tiền viện trợ được sử dụng đúng mục đích.

eurocham3

EuroCham tặng quà cho Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/09/2021.  © Facebook Delphine Rousselet

RFI : Quỹ được khởi động ngày 17/08, số tiền quyên góp được sử dụng như thế nào ? Liệu doanh nghiệp thành viên có thể quyên góp vật chất trực tiếp không ?

Delphine Rousselet : Có hai điểm cần nêu ở đây. Một mặt có những doanh nghiệp, thậm chí là cá nhân, quyên góp tiền. Tất cả đều được chuyển vào tài khoản mà chúng tôi đã mở cho Breathe Again Fund. Mặt khác, chúng tôi có những thành viên là những công ty lớn muốn tặng trực tiếp cho một số bệnh viện, do họ hoạt động ở gần những bệnh viện đó chẳng hạn nên muốn trao quà trực tiếp mà không qua tài khoản của Breathe Again Fund.

Dĩ nhiên cách làm này không có vấn đề gì. Điều quan trọng là thiết bị viện trợ được chuyển thẳng đến bệnh viện. Nếu gộp cả giá trị của trang thiết bị được chuyển thẳng đến bên nhận mà không qua trung gian của EuroCham, hiện giờ chiến dịch đã quyên góp được hơn 1,1 triệu euro (tính đến ngày phỏng vấn 30/09/2021). Chúng tôi lập trang web  với ba đồng hồ tính tổng số tiền quyên góp và đã chi. Trang web này được cập nhật thường xuyên.

RFI :EuroCham đóng vai trò như nào trong việc quản lý quỹ và phân phối thiết bị được quyên góp ?

Delphine Rousselet : Một trong những nguyên tắc của chúng tôi là "minh bạch", như tôi nói ở trên. Ngoài ra, chúng tôi còn theo nguyên tắc "nhanh chóng" và "hiệu quả" để có được tác động thực sự. Chúng tôi không muốn ngồi chờ, chờ cho đến khi đạt được một khoản tiền nào đó, rồi cùng lúc ồ ạt mua thiết bị. Ngược lại, chúng tôi muốn mua và tặng nhanh nhất có thể, ngay khi có một khoản tiền.

Và để bảo đảm tính hiệu quả của chiến dịch, chúng tôi phải lập tức tìm được trang thiết bị có sẵn. Vì thế, chúng tôi liên lạc với nhiều nhà phân phối, nhập khẩu thiết bị y tế, dĩ nhiên chủ yếu là các thương hiệu Châu Âu, để nắm số hàng có sẵn trong kho mà họ có thể giao ngay. Chúng tôi không muốn chờ nhập từ Châu Âu vì mất thêm thời gian vận chuyển, thủ tục hải quan…

Chúng tôi đã liên lạc tổng cộng khoảng 12 nhà phân phối và nhập khẩu, đề nghị báo giá và tình hình kho của họ. Tất cả những thông tin này được chúng tôi tổng hợp thành một tài liệu hàng có sẵn, sau đó liên lạc với các bệnh viện trong vùng. Ví dụ họ nói là cần máy monitor theo dõi, chúng tôi sẽ tìm trong kho dữ liệu xem công ty nào nhập và phân phối thiết bị đó, hoặc công ty nào báo đã có sẵn, mẫu mã, giá cả, điều kiện thanh toán… Có nghĩa là chúng tôi có sẵn mọi thông tin để có thể hành động nhanh chóng. Dĩ nhiên chúng tôi cũng mặc cả để có giá hợp lý.

Khi đàm phán mua, chúng tôi thêm điều khoản yêu cầu nhà cung cấp chuyển trang thiết bị được mua đến tận bệnh viện thụ hưởng. Ngày giao hàng, chúng tôi phải bố trí để có thể đến tận nơi theo dõi. Đây chính là nguyên tắc minh bạch mà tôi nói ở trên. Chúng tôi cần kiểm tra xem thiết bị mà chúng tôi tặng bệnh viện là thiết bị mới, hoạt động tốt, có nghĩa không phải tặng bất kỳ máy móc nào. Chúng tôi đề nghị phía bệnh viện kiểm tra cẩn thận trước khi ký chứng nhận trao tặng chính thức. EuroCham có người đến dự trực tiếp, hiện tại chủ yếu là tôi do các biện pháp giãn cách chống dịch, để chắc chắn mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, thiết bị đúng tiêu chuẩn và không gặp vấn đề.

eurocham4

EuroCham tặng quà cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định, ngày 22/09/2021.  © Facebook Delphine Rousselet

RFI :Cùng thời điểm với việc EuroCham lập Breathe Again Fund, rất nhiều nước Liên Hiệp Châu Âu cũng viện trợ vac-xin cho Việt Nam. Liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào không, hay EuroCham đóng vai trò nào đó ?

Delphine Rousselet : Dĩ nhiên là có. Chúng tôi có quan hệ mật thiết và làm việc với tất cả đại diện các nước trong Liên Hiệp Châu Âu, có nghĩa là các đại sứ, tổng lãnh sự, phòng thương mại. Ngay từ đầu tháng 07/2021, chủ tịch Alain Cany cùng với toàn bộ thành viên EuroCham đã nhiều lần họp với các đại sứ của tất cả các nước Liên Hiệp Châu Âu để tìm hướng hành động chung, chuyển thông tin đến chính phủ các nước Châu Âu bởi vì chưa chắc họ đã hình dung ra được thực trạng dịch ở Việt Nam.

Đúng là năm 2020, Việt Nam là "trò giỏi", gần như không bị dịch tác động nhưng tình hình đột ngột thay đổi. Trong khi các nước Châu Âu đã tiêm chủng cho hầu hết người dân thì Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn lớn và Châu Âu không hiểu được hết vấn đề này. Vì thế chúng tôi đã phối hợp với nhau, không chỉ làm việc với các đại sứ của các nước Liên Hiệp Châu Âu mà còn với các tập đoàn lớn Châu Âu, trong đó có nhiều nhà nhà công nghiệp đã đầu tư lớn hoặc hoạt động lâu năm ở Việt Nam, để họ đồng loạt thông báo tình hình dịch ở Việt Nam về trụ sở ở Châu Âu.

Việc phối hợp hành động, cùng lúc với cơ quan ngoại giao và lĩnh vực kinh doanh, đã giúp các chính phủ Châu Âu nhận ra rằng họ có các công ty lớn đang hoạt động ở Việt Nam và những công ty này đang gặp nguy hiểm vì dịch bùng phát mạnh, kiều dân của họ cũng gặp nguy và cần phải hành động.

Pháp là nước đầu tiên gửi vac-xin tiêm chủng cho công dân Pháp ở Việt Nam. Quyết định này đã đánh động nhiều nước Châu Âu khác cũng gửi vac-xin cho kiều dân của họ. Sau đó, các nước Liên Hiệp Châu Âu đã viện trợ khối lượng lớn vac-xin để giúp đỡ Việt Nam. Cứ như thế tạo thành dây chuyền, hành động này kéo theo hành động khác.

EuroCham tặng quà bệnh viện dã chiến số 11 điều trị Covid-19 ở Thủ Đức, ngày 11/09/2021. © Facebook Delphine Rousselet

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Delphine Rousselet, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Châu Âu - EuroCham tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 04/10/2021

Published in Diễn đàn