Trọng Nghĩa, RFI, 07/03/2022
Trực thăng võ trang bị bắn rơi, rất nhiều chiến xa bị phá hủy… từ khi mở cuộc tấn công vào Ukraine từ hôm 24/02/2022, dù mạnh hơn gấp bội đối phương, quân đội Nga đã không tránh được những thiệt hại đáng kể về vật chất và con người. Ukraine trì hoãn được bước tiến của Quân đội Nga nhờ việc lực lượng võ trang của họ đã được phương Tây cung cấp nhiều loại tên lửa rất thuận tiện cho chiến tranh du kích, từ tên lửa chống tăng Javelin, NLAW, cho đến tên lửa phòng không Stinger.
Thủy quân lục chiến Mỹ tập phóng tên lửa Stinger tại trại Capu Midia, trên bờ Biển Đen ở Rumani, ngày 20/03/2017. AP - Vadim Ghirda
Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 05/03 đã trích dẫn nguồn tin từ chính quyền Ukraine hôm 02/03 cho biết là gần 60 xe tăng và hơn 355 quân xa của Nga bị phá hủy để cho rằng các loại tên lửa khác nhau mà phương Tây ráo riết viện trợ cho Kiev đang trở thành ác mộng cho Quân đội Nga tại Ukraine.
Từ ngày Nga xua quân tấn công vào Ukraine, các quốc gia phương Tây đã liên tiếp loan báo quyết định chi viện vũ khí cho chính quyền Kiev, đặc biệt là là loại tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ hay NLAW của một liên doanh Anh-Thụy Điển.
Stinger từng chứng tỏ khả năng bắn hạ phi cơ Nga tại Afghanistan
Ngoài Hoa Kỳ, nước đã đi đầu trong việc trang bị vũ khí Ukraine ngay từ trước khi cuộc chiến bùng lên, nước Đức chẳng hạn, vào tuần trước, đã phá bỏ cấm kỵ có từ thời sau Thế Chiến Thứ Hai để quyết định gửi 500 tên lửa Stinger cho Ukraine, với 2.700 chiếc khác sẽ được chuyển giao thêm. Trước Đức, Hà Lan cũng loan báo quyết định sẽ cung cấp càng sớm càng tốt cho Ukraine 200 tên lửa Stinger.
Hiệu quả của tên lửa phòng không Stinger do Mỹ sản xuất rất đáng sợ. Trong cuộc chiến tranh Afghanistan trước đây, không quân Nga đã phải chịu rất nhiều thiệt hại do loại vũ khí này, vốn đã được Mỹ cung cấp cho lực lượng kháng chiến chống Nga.
Tính chất lợi hại của Stinger nằm ở chỗ đây là một tên lửa vác vai, có thể phóng từ hệ thống phòng không do một người mang, có thể bắn từ nhiều vị trí khác nhau, nên có thể được triển khai ở hầu hết mọi nơi. Đây là loại tên lửa được mệnh danh là "bắn và quên - fire and forget", có nghĩa là chỉ cần bắn ra, và chiếc tên lửa sẽ tự động tìm đến mục tiêu.
Theo ghi nhận của trang tin Pháp Air Cosmos ngày 27/02 ngay từ năm 2018 Ukraine đã chính thức yêu cầu mua vài nghìn chiếc Stinger với trị giá 750 triệu đô la. Tuy nhiên, ít ra là trên bình diện chính thức, đơn đặt hàng này không được Mỹ đáp ứng. Tuy nhiên, với chiến dịch tấn công của Nga ngày càng rõ nét, vào tháng hai vừa qua, Washington đã thay đổi thái độ.
Olivier Kempf, chuyên gia tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS nhắc lại : "Năm 1979, người Mỹ đã giao Stinger cho người Afghanistan để chiến đấu chống lại lực lượng vũ trang Nga". Những tên lửa phòng không này giúp cho lực lượng mujahideen chiến đấu hiệu quả trước sự sử dụng ồ ạt của các máy bay Liên Xô.
Còn ngày nay, theo Cédric Mas, sử gia Pháp chuyên về quân sự, tại Ukraine, Stinger cũng rất hiệu quả, "đặc biệt là đối với các loại máy bay trực thăng vốn được sử dụng rộng rãi trong học thuyết quân sự của Nga. Stinger tạo ra một mối nguy hiểm thường trực".
Việc nhiều nước, trong đó có Mỹ, Đức, Hà Lan, Litva… cung cấp Stinger cho Ukraine đã khiến Điện Kremlin lo ngại. Cuối tuần qua, bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu và NATO "ngừng giao vũ khí", và cho biết là Moskvaa đặc biệt lo ngại rằng tên lửa phòng không Stinger có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố, gây ra mối đe dọa cho các hãng hàng không.
Javelin : Ác mộng đối với chiến xa Nga từ Chiến tranh vùng Vịnh
Loại tên lửa thứ hai mà quân đội Ukraine có trong tay và đã gây thiệt hại không ít cho lực lượng Nga là tên lửa chống tăng Javelin, cũng thuộc loại cá nhân, thuộc diện "bắn và quên", và cũng do Mỹ chế tạo.
Theo ghi nhận của Le Figaro, loại tên lửa này thậm chí đã trở thành một biểu tượng của công cuộc kháng chiến chống lại Nga được chia sẻ rộng rãi trên mạng, với hình vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh đang cầm một chiếc Javelin, kèm theo hàng chữ "Thánh Javelin, hãy bảo vệ Ukraine". Trên mạng, tràn ngập hình ảnh những chiếc xe bọc thép và quân xa Nga bị phá hủy.
Được thiết kế chủ yếu để chống tăng, loại tên lửa này có thể được bắn đi theo đường "cầu vồng", khi được phóng đi sẽ bay lên độ cao khoảng 160 mét rồi rơi thẳng đứng xuống mục tiêu ở vào điểm yếu nhất của các loại xe bọc thép.
Ngoài ra, Javelin cũng có thể tấn công trực diện theo đường ngang, thường được sử dụng để phá hủy công sự hay máy bay trực thăng bằng cách đưa tên lửa lên độ cao 60m.
Theo Le Figaro, năm 2018, Kiev đã đặt mua 47 triệu đô la tên lửa Javelin, sau đó mua thêm gần 500 chiếc khác vào năm 2021 và 2022. Tháng Giêng vừa qua, đã có 300 tên lửa Javelin đến tay người Ukraine. Estonia, một nước Baltic cũng đã cung cấp tên lửa loại này cho đồng minh của mình.
Javelin cũng đã chứng minh hiệu quả trong cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh lần thứ hai, khi được sử dụng để chống lại xe tăng T-72 do Nga chế tạo.
NLAW : Đặc biệt thích hợp cho du kích đường phố
Loại tên lửa thứ ba là NLAW (Next Generation Light Anti-Tank Weapon - Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo) cũng tạo ra rất nhiều thiệt hại cho lực lượng Nga.
Đây là loại tên lửa do tập đoàn vũ khí Thụy Điển Saab-Bofors thiết kế và tập đoàn vũ khí Anh Thales UK sản xuất. Tháng Giêng vừa qua, Anh Quốc đã giao cho Ukraine 2.000 chiếc tên lửa loại này.
Với tầm bắn hạn chế - không vượt quá 800m - loại tên lửa cá nhân NLAW chủ yếu được thiết kế để sử dụng trong một môi trường hẹp để chống lại các phương tiện bọc thép, hoặc các loại xe cơ giới khác, thậm chí là các trung tâm chỉ huy, đặc biệt thích hợp để chiến đấu trong các khu vực đô thị.
Theo chuyên gia Olivier Kempf, các loại vũ khí chi viện cho Ukraine có thể "đóng một vai trò nhất định trong cuộc chiến, nhưng xét số lượng thiết bị mà Nga sử dụng, các phương tiên của Ukraine chỉ có thể làm cuộc xâm lược chậm lại, nhưng không thể đẩy lùi Nga".
Trước mắt, như nhận định của nhà sử học Cédric Mas, các loại tên lửa này đã trở thành "cơn ác mộng đối với lực lượng Nga, tương tự như pháo binh Nga hiện đang là cơn ác mộng đối với người Ukraine".
Theo các chuyên gia, vấn đề đối với Ukraine là làm sao có được người biết sử dụng các loại vũ khí phải nói là tối tân này. Ngoài ra, đây là các loại vũ khí chủ yếu là phòng thủ, sẽ không cho phép lực lượng Ukraine tổ chức phản công.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 07/03/2022
************************
Javelin – xịt đâu trúng đó !
Quốc Thành, SaigonnhoNews, 05/03/2022
Trong chuyến công du Washington Tháng Mười Hai 2021, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cầm theo một danh sách dài, liệt kê những món "đồ chơi" xin được viện trợ cho quân đội Ukraine. Súng hỏa tiễn Javelin là một trong số đó. Javelin trông thô kệch nhưng người ta không cần một thứ hàng nóng nhìn "bắt mắt" để khử xe tăng đối phương. Nói về vũ khí chống tăng hiện nay, Javelin gần như không có đối thủ và mức độ lợi hại của nó đã được chứng nghiệm thực chiến trên nhiều chiến trường suốt hai thập niên qua…
Javelin – bách phát bách trúng (ảnh : Scott Barbour/Getty Images)
Như nhiều "đồ chơi" khác của quân đội Mỹ, Javelin không phải là khẩu súng thông thường. Nó là một hệ thống. Bộ phận điều khiển tổng quát của nó – gọi là Command Launch Unit (CLU) – có cảm biến hồng ngoại tinh vi với nhiều chế độ ngắm, trong đó có zoom quang học 4x ; chế độ ngắm nhiệt ánh sáng xanh 4x và zoom tầm nhìn hẹp 12x. CLU đóng vai trò như một thiết bị quét dò tìm mục tiêu. CLU, khi được trang bị đạn – tức hỏa tiễn, nặng 50 pound. Khi bắn, người sử dụng có thể đứng-ngồi ở gần như bất kỳ tư thế nào, kể cả ngồi phệt dưới đất, để ngắm, nhấn nút, rồi tiếp tục lấy điện thoại ra chơi game ! Nói như thế không phải quá lời, vì Javelin là vũ khí "fire-and-forget", tức người bắn không cần nán lại để quan sát dẫn đường như một số vũ khí dẫn đường bằng laser khác.
Sau khi phóng, hỏa tiễn Javelin phóng về phía trước theo chiều ngang trong một giây trước khi động cơ của nó khai hỏa và bắn nó lên không trung ở độ cao khoảng 150 mét. Thiết bị tìm kiếm hồng ngoại sẽ điều chỉnh đường bay hướng về mục tiêu và lao xuống gần như thẳng đứng từ trên không để cắm vào vị trí trước đó được "khóa" bằng hồng ngoại. Không có cách gì để chạy thoát một khi mục tiêu đã bị khóa. Vì nó chỉ mất vài giây để bay đến mục tiêu. Javelin sẽ tấn công lớp giáp trên cùng của xe bọc thép, thường mỏng hơn nhiều so với giáp phía trước hoặc bên hông. Đầu đạn 127 mm của Javelin có sức xuyên thủng 600 đến 800 mm "áo giáp" loại siêu cứng (Rolled Hardened Armor-RHA). Với xe tăng được phủ bằng giáp chống nổ (explosive-reactive armor-ERA), Javelin vẫn có thể xuyên thủng bằng cách sử dụng điện tích phía trước đầu đạn để "cạy" ERA.
Javelin trong cuộc diễu hành quân đội dịp lễ Quốc khánh Ukraine, Tháng Tám 2018 (ảnh : STR/NurPhoto via Getty Images)
Vài năm gần đây, Nga đã nghiên cứu kỹ để đối phó Javelin. Thế hệ xe tăng mới nhất của Nga có hệ thống Relikt và Mechanit với hai lớp phủ ERA được thiết kế để đánh bại các đầu đạn tích điện song song. Hệ thống Shtora và Afganit mới còn có thể phóng ra lựu đạn đa quang phổ (multi-spectral grenade) và pháo sáng để che xe tăng khuất khỏi tia dò tìm hồng ngoại. Tuy nhiên, Javelin cũng được nâng cấp nhiều. Thiết bị cảm biến hồng ngoại mới nhất của Javelin hiện nay có khả năng nhìn xuyên qua mây mù và phân biệt được pháo sáng.
Ukraine cầm cự được nhiều ngày qua một phần nhờ hàng nóng loại xịn. Vô số video và thậm chí livestream cho thấy xác xe tăng Nga cháy đen cháy đỏ, cũng như xác chiến đấu cơ Nga. Một video lan rộng trên Twitter chiếu cảnh máy bay không người lái (drone) Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ xịt trúng mục tiêu, với "chú thích" : "Thế là Sa hoàng (tsar) biết được một ngôi sao (star) mới – Bayraktar". Ukraine nhận những "ngôi sao" mới này từ năm 2019. TB2 có thể bay 24 tiếng, ở độ cao 25,000 feet (7,620 m). Phi công điều khiển có thể cách xa nó 185 dặm. Điều "đáng buồn" là cho đến giờ hệ thống phòng không Nga vẫn không thể phát hiện TB2.
Một chuyến hàng vũ khí Mỹ tại Phi trường Boryspil gần Kyiv, ngày 25 Tháng Một 2022 (ảnh : Sean Gallup / Getty Images)
Không chỉ TB2 của Thổ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây loan báo sẽ giao sớm 1,000 vũ khí chống tăng Panzerfaust và 500 "con" Stinger. Ba Lan cũng cung cấp hệ thống phòng không Piorun (có thể bắn máy bay ở độ cao 13,000 feet – hơn 3,900 m). Tổng cộng khoảng 22 quốc gia đang cung cấp vũ khí cho Kyiv. Và Ukraine cũng không "phụ lòng". Tính đến ngày 4 Tháng Ba, Ukraine cho biết họ tiêu diệt ít nhất 200 xe tăng và khoảng 30 chiến đấu cơ…
Phần mình, tính từ ngày 22 Tháng Một 2022 đến nay, Mỹ đã giao Ukraine gần 1,000 tấn hàng nóng, từ hỏa tiễn chống tăng, hỏa tiễn phá boongke, súng phóng lựu đạn đến đạn dược các kiểu. Tháng trước, Washington đã chuẩn y $350 triệu viện trợ quân sự cho Ukraine, nâng tổng viện trợ trong năm 2021 lên $1 tỉ. Nếu tính từ năm 2014 đến nay thì viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine đã lên đến hơn $3 tỉ. Mức độ và tốc độ "tiếp lửa" của Mỹ phải nói là kinh khủng. Có lúc, mỗi ngày có đến 17 chuyến bay chở vũ khí Mỹ đến biên giới Ukraine.
Quốc Thành
Nguồn : SaigonnhoNews, 05/03/2022