Hiện tượng hàng trăm học sinh vẫn còn nguyên đồng phục áo trắng đội mưa, cùng với hàng trăm giang hồ xăm trổ theo dõi phiên tòa xử Ngô Bá Khá đang báo động về sự lạc lối của người trẻ, về giáo dục xuống cấp ở Việt Nam và văn hóa giải trí méo mó.
Khá Bảnh (giữa) trở thành 'hiện tượng' xã hội ở Việt Nam
"Sáng mai đến thăm anh"
Hàng loạt lời nhắn như vậy trên trang Facebook của nhiều học sinh khiến phiên tòa được chức trách dùng để gửi đi thông điệp răn đe lại trở thành "sân khấu" tung hô một thần tượng kỳ quái trong xã hội đang biến dạng về các giá trị.
Khá Bảnh bước xuống xe tù, cười rạng rỡ và giơ tay chào các fan hâm mộ như một thần tượng showbiz.
Ở chiều hâm mộ, các em học sinh đội mưa không phải để nghe tòa xét xử Khá Bảnh cùng các đồng phạm mà là ngóng theo từng cử chỉ, hành động, trang phục và tiếp tục bàn tán về kiểu tóc của thần tượng (Idol).
Kết thúc phiên xét xử, khi thấy chiếc xe chở Khá rời khỏi sân Tòa án Nhân dân, rất đông các em học sinh mặc áo đồng phục đã ùa lên để nhìn, thậm chí không ít các em còn giơ tay vẫy chào khiến nhiều người phải quay ra nhìn với con mắt ái ngại.
Hành động vô tư của các em học sinh đang độ tuổi đến trường đã khiến nhiều người đặc biệt là các vị phụ huynh không khỏi lo lắng. Bởi việc này của các em học sinh có thể trở thành hành động cổ súy cho những hành vi trái pháp luật.
Khi thợ mộc bỏ nghề, làm giang hồ
Tại phiên tòa, Ngô Bá Khá, 26 tuổi khai mình làm thợ mộc, thu nhập từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng một ngày và đang sửa nhà cho mẹ.
Khá Bảnh bước xuống xe tù, cười rạng rỡ và giơ tay chào các fan hâm mộ như một thần tượng showbiz.
Với mức sống ở đây, đó là một thu nhập hấp dẫn, lẽ ra Khá và bà mẹ đã có cuộc sống yên ấm nhưng Khá đã rẽ sang cuộc sống khác và căn nhà mơ ước của bà mẹ vẫn chưa hoàn thành.
Bỏ lại căn nhà xây dở, bỏ lại cuộc sống êm đềm, Khá lao vào giang hồ và cũng không ngờ mình trở thành thần tượng.
Cùng với mạng xã hội, hiện tượng Khá Bảnh còn làm thay đổi văn hóa tội phạm.
Giới trẻ ngập lụt trong văn hóa giải trí lưu manh
Chuyện những người trẻ say mê thế giới giang hồ với những giá trị trọng nghĩa khinh tài, coi anh em là trên hết không có gì lạ, Bố già chẳng chinh phục cả thế giới đó sao.
Còn ở Châu Á, và các bộ phim liên quan đến băng đảng xã hội đen lúc thịnh lúc suy nhưng luôn thu hút công chúng. Trong số đó, series phim xã hội đen có tầm ảnh hưởng nhất lịch sử điện ảnh Hong Kong (và cũng quen thuộc nhất với khán giả Việt Nam) là "Young and Dangerous", ở Việt Nam thường được biết đến với tên gọi "Người trong giang hồ", được phát hành trong thời kỳ 1996 - 1998.
Bộ phim gồm tới sáu phần, tập trung vào một nhóm băng đảng thiện, với các hoạt động như tranh giành địa bàn, thanh trừng, đối phó với những nhóm nhân viên công quyền thoái hóa để từ đó đề cao tình "huynh đệ", tính "nhân nghĩa" và "nguyên tắc giang hồ". Bộ phim nhanh chóng trở thành hiện tượng của Hong Kong, từ đó gây sốt toàn Châu Á.
Nhưng không có hiện tượng giải trí nào giống với VN hiện nay khi mà các băng đảng lưu manh đường phố được trao nút vàng, được hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội và táo bạo hơn, các nhà làm phim nổi tiếng còn mời các thành viên băng đảng đường phố đóng phim, những bộ phim sặc mùi lưu manh.
Họ không phải là giang hồ. Giang hồ là thế giới của những người vì hoàn cảnh nghiệt ngã mà rơi vào thế giới tội phạm không thoát ra được hoặc sinh ra trong gia đình đình tội phạm "giang hồ gốc".
Thế giới giang hồ có tổ chức, có hệ giá trị riêng mà tất cả đều phải tôn trọng.
Những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Cu Thóc… và danh sách gì đó đang rầm rộ trên mạng không phải là giang hồ.
Sau Khá Bảnh, sau những bộ phim ca ngợi lối sống lưu manh là những trí thức hay rao giảng sứ mệnh cứu rỗi nhân loại của nghệ thuật, nhưng họ không bỏ qua cơ hội đánh vào thị hiếu, bất chấp tác hại cho xã hội để lấy tiền.
Về việc giang hồ tràn ngập phim ảnh, tờ Zing nêu ngoài công thức chung là 'giang hồ, bạo lực kết hợp với hài', điểm chung của các web drama về giang hồ là được ra nhiều tập, cách nhau thời gian không quá lâu. Một số phim còn ra thêm các tập ngoại truyện hoặc hậu trường, và cũng có lượt xem không nhỏ.
Nhưng cũng có một thực tế với tất cả web drama là các tập sau luôn có lượt xem thấp hơn, thậm chí thấp hơn nhiều tập trước. Thập Tam Muội là ví dụ, tính đến hiện tại tập cuối thấp hơn tập 1 khoảng 5 triệu views. Chết thì chịu của Việt Hương cũng vậy, tập 1 có 5,8 triệu lượt xem, tập 5 chỉ còn 2,3 triệu.
Ngay với phim ca nhạc về đề tài giang hồ cũng có kết quả tương tự. Phim ca nhạc Dẹp loạn giang hồ của Ưng Hoàng Phúc tập 1 có 7,5 triệu lượt xem, tập 3 chỉ còn 3,9 triệu.
Do vậy, nhiều phim đã phải dừng lại sau khoảng 3-4 tập, một phần vì lượt xem đã giảm. Ngoài ra, kịch bản của nhiều web drama tỏ ra bế tắc. Nhiều tập phim có nội dung na ná nhau.
Không chỉ hành động cũ, đôi khi miếng hài cũng cũ. Câu chuyện làm gái phải "học hành bài bản" cũng chỉ gây cười được một lần, và những dáng đi của BB Trần cũng không thể thu hút tới lần thứ 3 trong cùng một phim.
Chỉ có người thật việc thật như Khá Bảnh là luôn thu hút.
Hầu như các clip của Khá Bảnh đều thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm comment và hàng ngàn chia sẻ của cộng đồng mạng. Trong đó, clip Khá Bảnh ra tù thu hút tới 12 triệu lượt xem.
Khá Bảnh còn quay phim, phim ngắn "Tình anh em" của Khá Bảnh đứng đầu danh sách thịnh hành trên YouTube trong một thời gian với 48 triệu lượt xem.
Điều đáng nói, không chỉ riêng Khá Bảnh còn có một danh sách dài dằng dặc giang hồ YouTube hái ra tiền nhờ phô trương các hoạt động kiếm tiền theo kiểu giang hồ như cho vay, bảo kê, đâm chém quay thành clip hoặc dựng phim ngắn, có cả nghệ sĩ danh tiếng tham gia.
Có nghĩa giang hồ bây giờ ngoài quan hệ, tiền án, tiền bạc, băng nhóm, vũ khí, máu lạnh, sẵn sàng ra tay còn phải có YouTube, Facebook…không có thì chưa đặt "đẳng cấp".
Vì sao giang hồ YouTube Khá Bảnh lại thu hút số lượng lớn thanh thiếu niên theo dõi và ái mộ như vậy, chúng tôi không biết.
Nhưng cách mà người này thể hiện trong clip là kiếm tiềm, kiếm tiền và kiếm tiền thật dễ dàng từ các hoạt động không theo một quy chuẩn nào của xã hội. Thậm chí thanh thiếu niên còn chết mê chết mệt mỗi khi Khá Bảnh thay đổi kiểu tóc hay trang phục hoặc có một hành động làm dáng nào đó.
Yêu thích và làm theo là một bước rất ngắn nhất là đối với những người trẻ.
Vì sao giới trẻ lại chấp nhận một nhân vật nổi loạn như vậy ?
Công thức tạo ra Khá Bảnh
Khá Bảnh bị phạt tù 10 năm về tội tổ chức và đánh bạc, mức án nghiêm khắc, nhưng xem ra không làm Khá sợ hay tỏ ra hối hận và mức án nặng đó cũng không có tác dụng răn đe với những người trẻ.
Vì sao vậy ?
Người Việt hay đổ lỗi cho kinh tế thị trường và mạng xã hội, nhưng các quốc gia văn minh đã thiết lập nên những giá trị mới mang tính phổ quát, tôn trọng cá nhân và cộng đồng.
Trong khi chúng ta có kinh tế thị trường nhưng mang màu sắc kỳ lạ và vận hành theo những quy luật bí mật mà biểu hiện bên ngoài của nó là "mạnh được yếu thua".
Mạng xã hội thì cũng kinh dị, méo mó trong sự tự do tùy tiện, tiếng nói chính trực thì bị vùi dập, bị đe dọa, còn những tiếng nói a dua, nịnh bợ, chụp mũ, vu khống thì lại được biểu dương.
Tất cả cùng với sự bất lực trên nhiều phương diện của nền giáo dục đã tạo ra hiện tượng Khá Bảnh, chứ không phải Khá tạo ra chính mình trên mạng xã hội.
Khá Bảnh là một cái tên, cũng như Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng… Học hành không đến nơi đến chốn, nền tảng giáo dục gia đình lỏng lẻo, trong môi trường nông thôn đang chuyển thành đô thị, sớm thành thạo ăn chơi và thích được nổi danh, "ngập lụt" trong thế giới giải trí đầy màu sắc lưu manh.
Công thức ấy tạo ra Khá Bảnh, và cũng là công thức chung của hàng trăm ngàn thanh niên nông thôn hiện nay.
Hoàng Trúc
Nguồn : BBC, 16/11/2019