Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong thời gian lễ hội Tết vài năm qua, miền Bắc rộ lên những hình ảnh bị cho là quá bạo lực trong khi thực hiện các nghi lễ truyền thống. Hình ảnh một chú lợn được mang ra giữa làng, người đại diện cầm thanh đao thật dài chặt ngang mình nó, máu lợn được dân làng cầm tiền nhúng vào để lấy may mắn làm cho nhiều tổ chức văn hóa thế giới lên án vì quá dã man trong một nghi thức được xem là văn hóa.

chem1

Trò chơi cờ người trong một lễ hội mùa xuân hàng năm tại đình làng Triều Khúc, Hà Nội vào ngày 16 tháng 2 năm 2016. AFP photo

Những hành động dã man

Năm nay người dân cả nước lại được xem những khúc phim video quay cảnh treo cổ chú trâu lên cây đến chết rồi sau đó dân làng xẻ thịt chia nhau. Hình ảnh con vật hiền lành dãy giụa khi bị xử tử đã gây không ít giận dữ trong dư luận và hàng ngàn ý kiến xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy sự không đồng tình ngày càng cao và hầu như mọi ý kiến đều lên án một cách gay gắt, đôi khi đi tới chỗ cực đoan, đạp đổ.

Chưa hết, con trâu vốn là bạn của người nông dân từ nhỏ cho tới khi chết già, bị đem ra giữa làng cột chặt vào cột, một người cầm rìu bổ thằng vào sọ của nó. Trong khi còn đang loay hoay với chiếc lưỡi rìu trong óc, con vật đáng thương tiếp tục bị một người làng cầm rựa chặt phăng sợi gân chân khiến nó sụm xuống và lết trên mặt đất trước khi tắt thở. Hình ảnh gây sốc này không thể biện minh bằng bất cứ ngôn ngữ nào trong thời đại mà loài người cấm kỵ hành hạ những vật nuôi, kể cả con vật ấy được dùng vào việc giết thịt.

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa đang công tác tại Viện Khoa học xã hội miền Trung và Tây Nguyên, tại Đà Nẵng cho biết :

Thật ra những lễ hội nó có những tính chất cá biệt như là chém lợn hoặc là treo cổ trâu. Ngay cả tại Tây nguyên những lễ hội ăn trâu thì đó là những lễ hội mang tính tiều vùng hoặc từng địa phương của làng thật ra nó không có gì mang tính man rợ cả. Trên thế giới có rất nhiều lễ hội liên quan đến việc sát sinh như lễ hội tàn sát cá voi ở Nhật chẳng hạn. Hoặc là ở vùng Bắc Âu cũng có lễ hội liên quan đến giết cá voi. Thật ra nó liên quan đến tín ngưỡng cổ xưa người ta dùng những con vật ấy làm vật hiến trưng, thay thế cho con người. Về truyền thống thì vật hiến trưng chết thế cho con người. Đấy là một cách lý giải. Cách lý giải thứ hai nó có tính chủ quan của các nhà nghiên cứu đó là những con vật ấy có tính thông linh giữa con người với trời đất tổ tiên.

Truyền thông

Báo chí là nơi lan truyền tất cả những hình ảnh không đẹp về cung cách tham gia lễ hội của quan chức và người dân. Trong những lễ hội có tính cách tâm linh như giật phết, xin ấn, hay ban phát lộc đã cho thấy hình ảnh những con người chồng đạp lên nhau để giành giật những thứ chỉ có ý nghĩa biểu tượng. Tất cả cách hành xử này đi tới kết luận của người quan sát rằng nền văn hóa lễ hội của Việt Nam đặc biệt tại miền Bắc đã tiến tới tận cùng của sự tha hóa nhân cách và điển hình cho sự tàn ác tiềm ẩn trong dân chúng.

VIETNAM-LUNAR-NEWYEAR-FESTIVAL

Nam thanh niên Việt Nam tham gia lễ hội cướp phết hàng năm ở Phú Thọ hôm 20/2/2016. AFP photo

Nhận xét vai trò báo chí truyền thông trong cách đưa tin, Tiến sĩ Mai Thanh Sơn cho biết :

Câu chuyện ấy nó sẽ không là cái gì cả, không thành vấn đề nếu như nó chỉ trong phạm vi thôn làng thôi, thế nhưng trong câu chuyện này nó liên quan tới sự thổi phồng của báo chí. Nó liên quan đến việc can thiệp từ phía chính quyền. Liên quan đến sự dòm ngó, hiếu kỳ của số đông và bình phẩm từ bên ngoài để nó trở thành một vấn đề xã hội. Tuy nhiên những tục tranh cướp này khác trong những hội có tính chất mô phỏng lại việc đấu tranh giữa con người với thiên nhiên hay giữa các thể lực xã hội với nhau thì nó có từ xưa chứ không phải bây giờ mới có. Đặc biệt là với thông tin nhanh nhạy của các phương tiện nghe nhìn, rồi Internet thì nó trở thành những câu chuyện xã hội mà đôi khi người ta phê phán nó với cách phê phán của người ngoài cuộc.

Cá nhân tôi thấy rằng chuyện ấy cũng không có gì quá đáng cả, chuyện ấy hết sức bình thường. Tố cáo nó vô văn hóa là như thế này. Cái chính là những phương tiện mới phát sinh gần đây như tranh cướp ấn, tranh cướp lộc hay tranh cướp những linh vật trong các lễ hội như Hội Đền Gióng chằng hạn... những cái đó thật đáng phê phán. Tiến sĩ Trần Trọng Dương có viết một bài cho rằng đây là cuộc khủng hoảng các giá trị nhân văn và tôi cho rằng đây là một quan điểm rất đúng.

Khi chúng ta nhìn vào những gì mà báo chí gọi là tiêu cực hiện nay thì nó không hẳn hoàn toàn là tiêu cực và ta cần có một cái nhìn khách quan hơn. Với tư cách là một nhà nghiên cứu tôi nghĩ chúng ta cần khách quan trong việc nhìn nhận cái nào là cái tiêu cực, nó bắt đầu từ sự khủng hoàng giá trị nhân văn như Tiến sĩ Trần Trọng Dương nói mà chúng cần được phê phán. Cái gì là hiệu ứng số đông, phản cảm vô văn hóa... còn những cái gì liên quan đến tín ngưỡng của buôn làng, của cộng đồng có liên quan tới truyền thống cổ xưa thì người ta cần xem lại cách quản lý của nó dựa trên pháp luật. Quản lý nó phải dựa trên pháp luật chứ không phải dựa những phê phán hay dựa vào hiệu ứng số đông.

Sẽ không tái diễn ?

Về mặt nhà nước, vai trò của các cơ quan văn hóa đã tỏ ra trách nhiệm khi UBND tỉnh Yên Bái ra lệnh cấm tục lệ treo cổ trâu trong những lần tới. Lễ hội chém lợn cũng bị ngay tại địa phương phản ảnh và người dân đã không còn tổ chức giữa làng như mọi năm mà khoanh vùng lại ở một nơi kín đáo hơn.

chem3

Người dân đi lễ chùa trong ngày năm mới. Ảnh chụp tại một ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/3/2016. AFP photo

Nói về việc cấm đoán Tiến sĩ Mai Thanh Sơn cho biết :

Trong tất cả các bộ luật ấy thì chúng ta cần những tiêu chí rõ ràng cái nào nó phù hợp với những tiêu chí văn minh nhân loại cái nào phù hợp với nguyên lý cơ bản của quyền con người, cái nào phù hợp với nguyên tắc bảo tồn thiên nhiên thì chúng ta được phép bảo vệ, tôn vinh còn cái gì vi phạm những cái đó thì nhà nước phải đưa ra cái bộ luật quản lý cho phép hay không cho phép. Đấy là cái điều rất quan trọng

Các bộ luật Việt Nam hiện nay liên quan đến lễ hội liên quan đến chấp hành văn hóa tâm linh và liên quan đến các quyền con người về cơ bản nó còn nhiều lổ hỗng và chính vì thế cho nên đôi khi chúng ta phê phán không dựa trên các cơ sở về quyền con người hay các cơ sở luật pháp mà chủ yếu dựa vào cảm tính và hiệu ứng số đông đấy là những gì đang diễn ra tại Việt Nam

Một tin khác có lẽ quan trọng và ý nghĩa nhất lại xảy ra trên Tây nguyên khi có tới 90 làng của tộc người Cơ Tu bỏ tục đâm trâu, mặc dù truyền thống này không thể thiếu trong văn hóa của họ hàng trăm năm qua.

Người Cơ Tu tuy đâm trâu vào dịp lễ nhưng cách mà họ tổ chức đâm trâu khiến cho người Kinh phải tham khảo và nhất là các chuyên gia nghiên cứu văn hóa lễ hội khó thể xem đây là hình thái bạo lực qua cách mà họ đối xử với con trâu trước khi bị đâm giữa làng.

Theo báo Tuổi Trẻ ghi lại thì "đêm trước lễ đâm trâu người Cơ Tu thường làm lễ Nơơi, tức là lễ khóc tế trâu. Các cụ già thức đến sáng để khóc tế con trâu của mình. Nội dung tế trâu là nói lên câu chuyện đời ẩn uất, đau xót, khổ ải, cả đời lam lũ vẫn nghèo khó...

Cũng theo Tuổi Trẻ thì "khóc tế trâu là thể hiện lòng yêu thương con người với con người, thương trâu cả đời cực nhọc nay phải hiến xác thịt cuối cùng cho con người. Thường 5-6 người ngồi khóc tế thương tiếc trâu bên ngọn lửa cháy giữa sân làng với tiếng trống ngắt nhịp 1-2-1 đến khi trời sáng".

Người Kinh không có những nghi thức tế nhị và nhân văn như thế. Con trâu bị treo cổ, bị bổ vào đầu bị chặt nhượng chân trong tiếng cười nói ồn ào phấn khích của đám đông, không ai để ý tới sự đau đớn của nó huống chi lòng biết ơn sự trắc ẩn công lao của nó đối với vựa thóc nhà mình.

Nhận xét về điều này Tiến sĩ Mai Thanh Sơn chia sẻ :

Việc phê phán văn hóa hay phê phán hiện tượng phản cảm vô văn hóa thì tôi luôn nghĩ rằng nó mang dấu ấn chủ quan. Cái mà mình cho là phản cảm thì cộng đồng người ta lại nghĩ khác. Cần những tiêu chí rõ ràng và cách quản lý lễ hội mà dựa trên luật pháp thì chúng ta phải đặt ra tiêu chí thế nào là phản cảm, Thế nào là những tiêu chí thuộc về văn hóa mà được phép thực hành còn những cái gì không thuộc tiêu chí văn hóa, tiêu chí quốc tế thì chúng ta không được phép thực hành.

Câu chuyện thứ ba mà tôi muốn nói đến là chúng ta nhìn nhận vấn đề dưới góc độ người Việt hay dưới góc độ của phương Tây thì chúng ta đều phải dựa trên một tiêu chí rất cơ bản đó là tiêu chí quyền về văn hóa, tiêu chí về nhân quyền. Trong 5 cái quyền cơ bản của con người có cái quyền về văn hóa. Nhà nước trước đây cấm các quyền văn hóa liên quan đến tâm linh thì chúng ta phê phán họ là vi phạm nhân quyền. Thế bây giờ nhà nước cho phép thực hành tái tạo hoặc là tái thực hiện lại quyền văn hóa tâm linh. Từ khi người ta khôi phục lại hoặc sáng tạo hay khôi phục nhân bản thì chúng ta lại cho là thái quá, đẩy từ thái cực này sang thái cực kia và rồi chúng ta nghĩ đến chuyện cấm. Ta quên điều này cấm hay không cấm anh phải dựa trên vấn đề rất cơ bản đấy là cái quyền về văn hóa của cá nhân và của các cộng đồng.

Câu chuyện đang đặt ra ở đây theo quan điểm của tôi thì chúng ta phải xác định, trước hết chúng ta phải tôn trọng cái quyền văn hóa. Thứ hai nữa không phải nhà nước cấm hay không cấm mà nhà nước phải dựa vào cái hệ thống luật pháp liên quan đến di sản, liên quan đến văn hóa, liên quan đến việc thực hành văn hóa.

Nhìn ở một khía cạnh khác về văn hóa, không thể kết luận đám đông một cách tùy tiện mà nên xem xét nội dung cùng ý nghĩa thật sự phía sau những nghi thức dã man khó chấp nhận trong thế kỷ 21, khi con người văn minh và tiếp cận nhiều hình ảnh nhân đạo hơn đặc biệt là đối với súc vật, không riêng một loại nào.

Theo Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, người ta cần xem xét lại từng góc cạnh của vấn đề và đừng nên dựa vào cảm tính, ông chia sẻ :

Điều quan trọng nhất ở đây là nó luôn luôn dựa vào cảm tính. Nó luôn luôn chủ quan của người viết hoặc người quan sát và khi nó đưa ra rồi thì phản ứng của số đông bắt đầu hình thành lên những nhóm khác nhau nhưng người ta quên mất một điều rằng là những nhóm ấy nó chưa phải là đại diện cho bất kỳ một cái gì có tính cách chính thống cả nó chỉ là các nhóm xã hội không chính thức. Điều nó hơi bất cập ở Việt Nam đôi khi từ phía nhà cầm quyền lại dựa vào hiệu ứng số đông. Người ta quên mất là nhà cầm quyền điều hành đất nước phải dựa trên hiến pháp, luật pháp và hiến pháp luật pháp ấy phải phù hợp thông lệ quốc tế, nó phải phù hợp tuyên ngôn về nhân quyền và công ước quốc tế về quyền con người.

Cả hai thái độ đều có mặt tích cực và tiêu cực. Lựa chọn đúng bao giờ cũng khó khăn nhất là cho một hướng hành xử hợp lý về văn hóa truyền thống trong lễ hội, điều mà xã hội cần vài trăm năm để định hình không lẽ chỉ một vài năm để tiêu diệt hay cải cách chúng, nhất là những phạm trù tâm linh đầy tranh cãi ?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Nguồn RFA tiếng Việt, 11/02/2017

Additional Info

  • Author Mặc Lâm
Published in Diễn đàn
dimanche, 08 janvier 2017 14:04

Con rồng xã hội chủ nghĩa

haiphong1

Con rồng Tết mang màu sắc, hình thù khó hiểu ở Hải Phòng

Con rồng vàng "rực rỡ" Hải Phòng cuối cùng thì cũng bị cư dân mạng khai tử và kết quả là nó trở về với tính cách huyền thoại của nó : Biến mất

Nhưng trước khi tự biến mất vào không gian vô tận con rồng "tạp giống" này là một câu chuyện hay ho nói về quyền lực và quần chúng. Nó nằm chễm chuệ tại một con đường đẹp nhất Hải Phòng bởi sự cho phép của quyền lực. Quyền lực từ thể chế Đảng, âm ỉ và luôn có xu hướng phò "phong kiến" tuy âm thầm nhưng chưa bao giờ vắng bóng trong mọi sinh hoạt của người cộng sản. Phong kiến thờ rồng, lấy kiểu dáng của nó làm chủ đạo. Vua luôn mặc áo màu vàng vì đó là màu của rồng theo hình ảnh mà dân gian tạo ra từ hàng ngàn năm trước.

Con rồng vàng đất cảng không ra ngoài ước vọng âm thầm của lãnh đạo Hải Phòng khi tự cho phép mình một ảo vọng về "cửu trùng" ngay trong triều đại mà cộng sản chỉ tôn sùng màu đỏ.

Rồng không đẹp và rồng tự biến.

Giải pháp đơn giản đến ngạc nhiên, giống như một cán bộ cộm cán nào đó phát ngôn không phù hợp thì sự im lặng của ông ta sẽ là câu trả lời cho công luận hay nhất. Và ở Việt Nam người ta chấp nhận sự im lặng ấy như một cách tự nhận lỗi chứ không phải là hành vi xem thường công luận đến mức chẳng cần trả lời cho phát ngôn hay hành động sai trái của mình.

Con rồng Hải Phòng là sản phẩm của một sự kiêu ngạo lên tới tận mây xanh. Kiêu ngạo trong hành xử và kiêu ngạo trong chuẩn mực nhận thức thẩm mỹ của bộ phận quan viên có tâm thức nông dân chưa bao giờ rời xa mảnh ruộng con con của nhà mình.

Rồng không ai thấy nhưng cái thấy trong tiềm thức người dân Việt Nam và Trung Quốc là mạnh mẽ, có khả năng bay lượn như thần vật, có thể phun lửa, đạp mây lướt gió và từ những đặc tính ấy nó trở thành biểu tượng của vua chúa chứ không phải cho quan viên.

Không ai ngạc nhiên khi motif rồng đã vào nhà rất nhiều lãnh đạo về hưu của Việt Nam. Nông Đức Mạnh là một thí dụ đầy tai tiếng cũng như Trần Đức Lương dùng voi phục để bày tỏ "chí khí" của mình.

Những ao ước âm thầm ấy tạo tâm lý khấu đầu trước thiên triều và người dân Việt Nam tuy "vô tình" hết mực vẫn không thể chấp nhận những cuộc đi triều kiến trong thời đại Internet làm bá chủ. Trước "sân rồng" Bắc Kinh, những cái đầu rồng Việt Nam be bé, lai tạp, dị hình không biết sẽ làm gì cho con rồng phương Bắc chấp nhận nó như một chú rồng hoang có quá nhiều khuyết tật.

Tâm lý của những chú rồng con là dựa dẫm vào rồng cha để tránh bão tại địa phương mình. Rồng phía Bắc là chỗ dựa vững chắc nếu dân chúng có biến động, và vì vậy xuân thu nhị kỳ, rồng phương Nam phải bay về nhận giáo huấn của cha mặc cho dân tình có lồng lộn trong sự bực tức hay căm phẫn.

Con rồng vàng Hải Phòng suy cho cùng chỉ là sản phẩm dị hình của một thể chế hợm hĩnh. Nó không những điển hình cho sự dốt nát về tính thẩm mỹ mà còn phần nào chứng minh tính cách của hệ thống cầm quyền : thờ phụng thứ lý luận tạp nham dưới nhãn mác con rồng Xã hội chủ nghĩa.

Con rồng là một linh vật không có thật, nó khiến người dân tin vào sức mạnh của tạo hóa.

Xã hội chủ nghĩa cũng không có thật nhưng nó như cái khiên để đảng Cộng sản che chắn những cục đá nhân dân khi giận dữ ném vào hệ thống.

Con rồng Hải Phòng đã bị ném đá và sụp đổ. Cái khiên xã hội chủ nghĩa còn vững tới bao giờ ?

Cánh Cò

Nguồn : RFA tiếng Việt, 08/01/2017 (canhco's blog)

**********************

Nghệ nhân cây cảnh : Rồng Hải Phòng chỉ giống cái thân dài (Đất Việt 08/01/2017)

 ''Nếu bỏ ra một khoản tiền lớn mà chỉ sử dụng được trong một thời gian ngắn, lại không hiệu quả thì tốt nhất là không nên làm''

Liên quan đến mô hình rồng lạ màu vàng trên đường Lê Hồng Phong (Quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng) gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Huy Ánh - Chủ tịch hội sinh vật cảnh Thành phố  Hải Phòng chia sẻ :

''Thực sự không thể tưởng tượng nổi con vật được cắt tỉa trên phố Lê Hồng Phong là con rồng. Mọi chi tiết trên con vật này ngoài việc thân dài ra tôi không thấy còn chi tiết nào giống con rồng theo trí tưởng tượng của người phương Đông cả.

Hơn nữa, một tác phẩm nghệ thuật chào mừng năm mới mà xấu xí như vậy, để người dân đi qua họ nhìn thấy thực sự rất phản cảm. Người thì nói rằng đầu con vật được cắt tỉa trên đường Lê Hồng Phong giống đầu vịt, cá nhân tôi thì thấy giống đầu chó".

haiphong2

Rồng mô hình trên đường Lê Hồng Phong

Theo ông Ánh, đối với người phương Đông thì rồng là con vật linh thiêng. Tuy mỗi triều đại phong kiến Việt Nam, hình tượng con rồng có đôi chút thay đổi nhưng hầu hết đều lột tả được sự uy nghiêm, mạnh mẽ, phóng khóa ng của con rồng.

''Phần đầu rồng phải có tua lửa tỏa đều ở đầu, mõm hơi dẹt, to bạnh và dài, mắt lồi, lỗ mũi to, râu dài sừng dài. Thân rồng uốn lượn theo hướng ''thăng thiên'', thân rồng và chân rồng phải cân đối, hài hòa, có sự thống nhất... có như thế mới đúng hình tượng con rồng.

Trên thực tế, việc uốn nắn, cắt tỉa, tạo thế cây thành hình rồng không có, có điều là hơi mất thời gian. Nhưng một khi đã xác định làm thì dù mất thời gian một chút nhưng xây dựng lên hình tượng con rồng một cách chân thực thì phải chấp nhận, còn hơn ăn xổi, cắt tỉa thành một con vật có hình thù quái lạ...", ông Ánh phân tích.

Bên cạnh đó, Chủ tịch hội sinh vật cảnh Thành phố  Hải Phòng cho rằng, việc tạo thảm cỏ xanh, làm đẹp cho thành phố là việc tốt. Tuy nhiên, nếu bỏ ra một khoản tiền lớn mà chỉ sử dụng được trong một thời gian ngắn, lại không hiệu quả thì tốt nhất là không nên làm, dùng khoản tiền đó cho những mục đích khác, có ý nghĩa hơn.

''Được biết, chi phí tạo ra con rồng lạ trên đường Lê Hồng Phong tốn cả trăm triệu. Theo tôi, đúng ra phía công ty cây xanh Hải Phòng nên tham khảo ý kiến của các nhà mỹ thuật, lịch sử... trước khi làm ra con rồng đó. Bây giờ làm xong, bỏ thì thương vương thì tội, thực sự rất lãng phí ngân sách, lãng phí tiền thuế của người dân"., ông Ánh nhấn mạnh.

Hiện tại, UBND Thành phố Hải Phòng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng yêu cầu sở này chỉ đạo Công ty cổ phần Công viên cây xanh khẩn trương tháo dỡ 2 con rồng bằng hoa nhựa bọc ngoài cây xanh tại dải phân cách giữa trên đường Lê Hồng Phong.

Trao đổi với phóng viên về thông tin này, ông Nguyễn Văn Thương, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Hải Phòng khẳng định sẽ tuân theo ý kiến chỉ đạo của thành phố trong việc giải quyết 2 mô hình rồng trên đường Lê Hồng Phong.

Trước đó, người dân qua lại trên đường Lê Hồng Phong (Quận Hải An, Hải Phòng) đoạn đối diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã rất bất ngờ khi thấy hai con rồng tạo hình bằng cây xanh ở dải phân cách giữa bỗng đổi màu vàng rực.

Theo nhiều người dân, việc này đã biến con rồng bằng cây được cắt tỉa đẹp thành con vật có hình dáng lạ kỳ.

Để phục vụ Tết Nguyên đán, Hải Phòng đang tiến hành trang trí nhiều tuyến phố trung tâm với tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. Việc đổi màu rồng, theo lãnh đạo thành phố, do Công ty cổ phần Công viên cây xanh tự thực hiện, không nằm trong tổng thể dự án trang trí Tết.

Hà Phong

*********************

Con rồng mô hình giá 60 tỷ đồng : Hải Phòng phân trần

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình, khẳng định con rồng mô hình đã có từ nhiều năm nay và thông tin trị giá 60 tỷ là sai sự thật.

Mô hình con rồng có từ lâu

Mấy ngày nay cộng đồng mạng liên tục lan truyền hình ảnh mô hình con rồng màu vàng được đặt ở đầu đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng).

Nhiều ý kiến bình luận đây là giun đất ; là giun hoạt hình, sâu đất, thậm chí là mô hình con Pikachu. Tuy nhiên thông tin gây ra nhiều tranh cãi và khiến dư luận sửng sốt đó là con rồng được làm với giá 60 tỷ đồng.

haiphong3

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng khẳng định, con rồng mô hình đã có từ nhiều năm nay và thông tin trị giá 60 tỷ đồng là sai sự thật.

Sáng 8/1, trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng khẳng định thông tin lan truyền trên mạng là hoàn toàn sai sự thật.

Theo ông Bình, con rồng đó là mô hình đã có từ nhiều năm nay. Cứ đến dịp tết âm lịch, công ty cây xanh của Hải Phòng gắn hoa vào mô hình cũ để làm đẹp cho Thành phố.

"Không có chuyện con rồng này được làm với giá 60 tỉ đồng. Đây là thông tin xuyên tạc. Con rồng đó đặt ở khu vực đường Lê Hồng Phong nhiều năm nay rồi", tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời ông Bình nói.

Chi phí chỉ 100 triệu đồng

Theo tìm hiểu của phóng viên, đơn vị được giao thi công 2 con rồng trên tuyến đường Lê Hồng Phong là Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hải Phòng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Khắc Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hải Phòng thừa nhận hình dáng của hai con rồng trên tuyến đường Lê Hồng Phong chưa được đẹp và phù hợp lắm.

haiphong4

Dân mạng chế giễu con rồng trang trí trên đường phố Hải Phòng

Ông Hà khẳng định, phần đuôi thì đã ổn nhưng phần đầu của con rồng thì chưa phù hợp.

"Hiện nay Công ty đang cho công nhân tiếp tục hoàn thiện để ra một sản phẩm hoàn chỉnh.  Quan điểm của Công ty là khi báo chí và người dân phản ánh thì Công ty sẽ tiếp thu với tinh thần cầu thị để làm sản phẩm đẹp hơn, hoàn thiện hơn", tờ Dân Việt dẫn lời ông Hà nhấn mạnh.

Trước đồn đoán kinh phí làm mô hình con rồng lên tới 60 tỷ đồng, ông Hà khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai sự thật.

Theo tiết lộ của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hải Phòng, toàn bộ chi phí để làm hai con rồng trên chỉ vào khoảng 100 triệu đồng.

Không bắn pháo hoa, dành kinh phí chăm lo Tết người nghèo

Ngày 20/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã ký ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017.

Theo đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân dân vui xuân, đón Tết năm 2017 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội.

Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo, nhất là đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung.

Đặc biệt, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương ; các địa phương không chúc Tết Trung ương. Thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.

Ban Bí thư cũng yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết ; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách...

Hoàng Hà (tổng hợp)

***********************

Con rồng "phiên bản lỗi" và sự mong manh của cái Đẹp (Đất Việt, 09/01/2017)

Hôm qua, khi báo chí, mạng xã hội chê con rồng ở Hải Phòng tơi tả, ông Tổng Giám đốc Công ty công viên cây xanh Hải Phòng đã nổi nóng.

haiphong5

Con rồng "phiên bản lỗi" đã bị phủ bạt vì có nhiều lời chê.

Con rồng "phiên bản lỗi", "con rồng lai vịt", "con rồng Pikachu", "lợn mường xuống phố", "con rồng lai thằn lằn", "con rồng lạ"… đó là một vài trong số hàng trăm cái tên hài hước mà cư dân mạng đã đặt cho công trình trang trí đường phố của Thành phố Hải Phòng.

Suốt cả ngày hôm qua, trên facebook, người ta chỉ bàn chuyện con rồng ở Hải Phòng, bởi đơn giản, nó là con rồng… tệ nhất mà trí tưởng tượng của mọi người có thể nghĩ ra được. Quả thực, chưa có con rồng nào lại có thể làm người ta vui vẻ đến thế, nhìn đến là thấy phì cười, cười đến mức không khép được miệng.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng cho biết đúng là tạo hình con rồng chưa được đẹp và phù hợp, đang yêu cầu đơn vị thi công là Công ty công viên cây xanh Hải Phòng tháo dỡ phần hoa giả được cắm lên mình rồng.

Trái với thái độ tiếp thu ý kiến dư luận của ông Phó Chủ tịch, khi phóng viên báo Giao thông gọi điện hỏi, ông Nguyễn Khắc Hà, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty công viên cây xanh Hải Phòng - đơn vị tạo ra con rồng lạ màu vàng gây xôn xao dư luận đã nổi nóng : "Chúng tôi đang làm đẹp thành phố mà các anh lại có ý kiến thế à ?". Bất ngờ là ông nổi nóng khi rồng lạ bị chê và chất vấn luôn phóng viên "Thế nào là không đẹp, các anh căn cứ vào đâu mà bảo không đẹp ?".

Thực ra ông Khắc Hà cũng không phải là không có cái lý của riêng ông, thế nào là không đẹp mà chê con rồng của công ty ông ? Cho dù cả triệu người bảo là không đẹp, nhưng trong mắt ông con rồng ấy vẫn đẹp, là một công trình làm đẹp cho thành phố thì mọi người cũng không được phép có "ý kiến" hay chê bai gì được !

Khổ thế đấy. Thẩm mỹ số đông, cái Đẹp trong mắt số đông đã là gì, chẳng có nghĩa lý gì một khi mà người đứng đầu 1 ngành quan trọng- làm đẹp cảnh quan cây xanh trong thành phố thấy... đẹp. Bởi khi được xếp sắp vào vị trí ấy, chắc gì người ta đã xem xét quan điểm thẩm mỹ của ông A hay ông B là yếu tố quan trọng hàng đầu ?

Con rồng đang được quây bạt phủ kín. Cũng tội nghiệp, nó đâu có lỗi gì ngoài cái lỗi… xấu ? Không chỉ các nhà mỹ thuật mà cả người dân bình thường cũng bảo nó xấu, nó không ra rồng thời nào, nó lai căng. Ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm thì ý nhị nhắn gửi : "Để có những tác phẩm có tính thẩm mỹ, cần hỏi ý kiến của những người làm chuyên môn trước khi triển khai".

Tin đồn con rồng này thi công hết 60 tỷ đồng đã bị lãnh đạo Hải Phòng bác bỏ, chỉ có 100 triệu đồng thôi, xấu thì dỡ ra, không làm nữa. 60 tỷ đồng là cả gói trang trí thành phố đón Tết Đinh Dậu cơ, đâu chỉ dồn hết cho con rồng ?

Nhưng cho dù 10 triệu hay 100 triệu hay 60 tỷ thì đó cũng là tiền ngân sách, tiền thuế của người dân. Không thể giao cảnh quan công cộng cho một số người tự ý tự quyết bằng cái thẩm mỹ riêng, có phần "độc lạ" của họ.

Qua vụ con rồng phiên bản lỗi, có lẽ tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc, phải thành lập 1 hội đồng các nhà chuyên môn để tham khảo ý kiến trước khi trang trí thành phố mỗi dịp lễ tết. Đừng để xảy ra những vụ "cưỡng ép thị giác" như thế này, như dàn hoa rau muống ở đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội hay lối trang trí xanh đỏ lòe loẹt đã từng làm ồn ào dư luận năm ngoái.

Thẩm mỹ công cộng là thể diện của thành phố, của cộng đồng, nó phải được bồi đắp những tinh túy để ngày càng hoàn thiện, văn minh hơn. Tuyệt đối đó không phải là một chỗ để ai đó thích làm gì tùy ý và sửng cồ khi bị góp ý là không đẹp.

Cái Đẹp vốn dĩ đã rất mong manh, nên thương xót cái Đẹp, đừng quá tàn nhẫn với nó.

Mi An

Additional Info

  • Author Cánh Cò
Published in Diễn đàn