Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tôi nhớ hồi bé khi đang ăn tối cùng em trai. Vừa đứng dậy đi vệ sinh chừng vài phút quay lại bếp thì thấy thằng em đang ăn cái bánh kem của tôi. 

Bánh kem mẹ làm ngon lắm, nên tôi rất bực mình. 

Trước khi tôi kịp thốt nên lời nào, nó đã liền bịt miệng tôi bằng câu: "Lần trước anh cũng lén ăn kẹo của em còn gì?". 

Thằng em láu lỉnh của tôi đã thành công khi chuyển trọng tâm cuộc tranh luận về việc "nó đang ăn bánh kem của tôi" thành " bởi vì tôi cũng đã lén ăn kẹo của nó".

Tranh luận Hà Nội ô nhiễm

Việc này cũng giống như khi tranh luận về không khí ô nhiễm ở Hà Nội. Nhiều người lái trọng tâm của cuộc tranh luận về cách giải quyết vấn đề ô nhiễm sang vấn đề: Hà Nội có phải là thành phố ô nhiễm nhất thế giới?.

ON0

Không khí Hà Nội ô nhiễm nặng

Tôi nghĩ chỉ cần mình tập trung hơn khi tranh luận thì có thể giải quyết được vấn đề này. 

Có lần khi đang đi bộ ngoài phố Tạ Hiền, Hà Nội; gặp một nhóm người nước ngoài sống ở đây khá lâu. 

Hằng đêm, họ hay hẹn gặp nói chuyện, chém gió. Có bữa, tôi nghe một anh phàn nàn về người yêu cũ của anh ta hiện đang sống ở Đà Nẵng, rồi anh bắt đầu đánh đồng tất cả mọi người ở Đà Nẵng đều xấu tính như cô ta. Kiểu tranh luận của ông ta được gọi là "Black and White", phân biệt rạch ròi mọi thứ ra hai bên, chỉ có thể ở bên này hoặc bên kia. Chẳng hạn, như người ta thường hay nói:

"Ở đâu cũng có người tốt, người xấu" mà không quan tâm đến tỉ lệ người xấu so với người tốt trong môi trường đó, bỏ qua cả các nghiên cứu. Tôi gọi đó là loại triết học rẻ tiền.

Vì vậy, từ lúc đó, tôi tránh xa cộng đồng nước ngoài ở đây, ngoài những người thực sự đã đấu tranh trong cuộc sống, học tiếng Việt và có thái độ tích cực.

Nhưng thật khó mà thoát khỏi họ hoàn toàn bởi truyền thông xã hội đang phát triển ngày một lớn mạnh, có vẻ như đây là chiến trường cho các cuộc tranh luận về những ý tưởng mới, những vấn nạn xã hội, một nhóm sống ở Hà Nội, nhóm sống ở Sài Gòn, với tổng cộng khoảng 250,000 người.

'Xung đột'

Dạo gần đây, tôi thấy người nước ngoài và người Việt Nam xung đột với nhau khá nhiều trên mạng xã hội, chủ yếu là về những vấn đề họ hay gặp hằng ngày ở Việt Nam. 

Chẳng hạn, khi tranh luận về ô nhiễm ở Hài Nội, liệu nó có thực sự tệ nhất thế giới hay chỉ là hơi tệ thôi? Một số người Việt có cảm giác vấn đề ô nhiễm không tệ như họ nghe nói và cho rằng đây chắc hẳn là âm mưu nào đó nhằm bôi nhọ Việt Nam. 

Một nhà hoá học, Vũ Khắc Ngọc, sử dụng truyền thông xã hội của ông để tấn công AirVisual - ứng dụng giám sát chỉ số chất lượng không khí trực tuyến. Sau đó, ông đã phải viết bài đính chính xin lỗi vì phát ngôn không đúng sự thật của ông. 

Theo tôi, sự chỉ trích tiêu cực về thủ đô của Việt Nam đã ảnh hưởng rất sâu đến một số người, nhiều hơn những gì mà chúng ta có thể kiểm soát. Vấn đề ở chỗ, người nước ngoài không biết kiểm soát những phát ngôn của họ trên mạng xã hội và chưa biết cách "chỉ trích lịch thiệp" (feedback in a positive manner). Cùng với đó, là một số người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, dễ bị kích động và mất kiểm soát, thế là cuộc 'ném đá' nổ ra để bảo vệ cái tôi của họ. 

Với những người nước ngoài, họ nên học những phương pháp khi thảo luận về các vấn đề trong xã hội, cái khó là họ chỉ đến đây một thời gian ngắn rồi rời đi. Hơn nữa, họ đã được giáo dục từ bé để nói rất cả những gì trong bụng của mình, đúng hay không đúng cũng được, rồi sẽ có người khác tranh luận và sửa ý cho mình.

Ở phương Tây, chúng tôi có thể thấy cách giáo dục như vậy rất hữu ích vì một vấn đề xã hội sẽ không thể tồn tại lâu khi tất cả mọi người liên tục bình luận và phàn nàn về nó mãi.

Lúc họ lớn tuổi hơn một chút (so với trung bình độ tuổi người nước ngoài đến Việt Nam còn khá trẻ, đang tìm kiếm phiêu lưu) có thể sẽ dần học được cách đưa ra phản hồi tích cực. Tôi học được trong thời gian làm quản lý một trung tâm Tiếng Anh, phương pháp "Kiss - Kick - Kiss" (giống thành ngữ 'Vừa đấm vừa xoa'). Trước đó, mỗi lần vào công ty, thấy nhân viên đi trễ là mắng xối xả không thương tiếc, rồi họ sợ không gần gũi với mình nữa. 

Nhưng truyền thông xã hội thì quá nhiều người, cộng với sự phát triển toàn cầu hoá, chúng ta không thể kiểm soát hết được. 

Tôi thấy người Việt thường phản ứng khi bị chỉ trích; "tu quoque" (tiếng latin), nghĩa là: "Bạn cũng thế" hoặc "ad hominem" (tiếng Latin), nghĩa là công kích cá nhân. 

Ví dụ, một người nước ngoài mới đến Việt Nam, bức xúc khi thấy người ta vứt rác ra đường hoài. Anh ta viết trên mạng xã hội,

"Tại sao mọi người cứ vứt rác bữa bãi ra đường như thế? Các bạn không yêu môi trường gì cả."

Thế là nhiều người Việt đọc được thấy bị xúc phạm, tự ái. Thay vì giải quyết vấn đề rác, họ có thể trả lời theo một số cách sau:

"Thấy bẩn thì về nước của bạn mà sống!" - Ad hominem.

"Người dân nước bạn cũng thế mà nói ai" - Tu quoque.

"Ở đâu cũng có người này, người kia, có người xả rác, có người không nhé." - Black and White.

Xu hướng ở đây là thường né tránh vấn đề về rác, hoặc tranh luận về rác và chỉ gây xung đột chứ không giải quyết. Cho nên cách tốt nhất là mình phải có một thứ, tiếng Anh gọi là "thick-skin".

"Thick-skin" dịch ra là "da dầy" nhưng ý nghĩa của từ này là một bộ áo giáp để bảo vệ cảm xúc của bạn, tránh để những xúc tác bên ngoài kích động bạn, nhờ đó, bạn có thể nhìn một vấn đề với các kỹ năng tư duy phê phán. 

Với thick-skin, bạn có thể tập trung tranh luận vào trọng tâm vấn đề, một cách bình tĩnh. Cũng giống như Lý Tiểu Long chiến đấu với đối thủ của ông ta, ông giữ được bình tĩnh, hít thở bình thường, kiểm soát hóc môn, chỉ cần phát hiện một giây phút đối thủ lơ là, mất kiểm soát là ông có thể tung đòn hạ gục. 

Mình phải thật tỉnh táo và nhận biết khi một người nói gì đó không đúng, đặc biệt là giới trẻ, ngay cả ông Vũ Khắc Ngọc. 

Chỉ cần phát triển văn hoá tranh luận và thảo luận một cách hiệu quả và bình tĩnh, tìm gốc rễ của vấn đề tranh luận, gạt bỏ cảm xúc sang một bên, chúng ta có thể cùng nhau phát triển. Ít nhất mình có thể nói chuyện cùng nhau.

Nguồn BBC Tiếng Việt (10/10/2019)

Published in Diễn đàn

Từ ngày internet trở nên phổ biến, báo chí, truyền thông online phát triển mạnh tới mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội. Nhiều forum, diễn đàn, trang mạng, hội, nhóm... được thành lập, tin tức được cập nhật nhanh chóng, rộng rãi, đồng thời phát triển văn hóa tranh luận vốn dĩ thiếu thốn trong cộng đồng người Việt, trong nước cũng như hải ngoại.

vanhoa0

Tổng thống Donald Trump vẫy lá cờ Việt Nam trong khi Thủ tướng Phúc vẫy lá cờ Mỹ tại một buổi đón tiếp nguyên thủ Mỹ ở Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội hôm 27/2.

Với những tờ báo, diễn đàn, hội, nhóm... kín chỉ cho đọc, không cho đóng góp ý kiến phê bình, tranh luận thì không có vấn đề gì phải bàn. Tuy nhiên, sự tranh luận ở những tờ bào, diễn đàn - như Tiếng Dân, Đàn Chim Việt infos, báo Người Việt, Dân Làm Báo... - cho đóng góp ý kiến nẩy sinh ra một vấn đề gây nhức nhối, khó chịu cho ban biên tập, đồng thời cho thấy nhận thức, hiểu biết thế nào là tranh luận của người Việt rất yếu kém.

Đó là sự phê bình, chỉ trích, vu khống, nhục mạ, chửi bới... của một số độc giả với lời lẽ rất bất lịch sự, vô văn hóa, thiếu giáo dục. Họ không những chỉ tấn công ban biên tập, tác giả, dịch giả bài viết mà ngay cả người khác chính kiến cũng bị họ ném đá tối tăm mặt mũi.

Điều đầu tiên mà người đóng góp ý kiến thường quên đi rằng các tờ báo, diễn đàn online bằng Việt ngữ thường là báo chùa theo nghĩa bóng - ai cũng có thể đọc được, không phải trả tiền, đọc bất cứ lúc nào (trừ khi tờ báo bị hacker phá hoại), thích thì đọc, không thích thì đi ra, không có bổn phận, trách nhiệm gì với tờ báo, diễn đàn.

Thế thì độc giả lấy tư cách gì để phỉ báng, bôi nhọ, vu khống ban biên tập và cộng tác viên hay người khác chính kiến ?

Suy đoán nhân thân, lý lịch, tuổi đời, giới tính, nhận thức chính trị, hiểu biết, kiến thức... của tác giả, dịch giả bài viết hoặc ném đá, nhục mạ, phỉ báng, vu khống ban biên tập thay vì phân tích, lý luận, chứng minh những sai lầm trong bài viết của tác giả, dịch giả bằng lý luận, dữ kiện, con số, link dẫn... là thói quen của nhiều người trong các diễn đàn, báo chí Việt Nam online.

Thử điểm qua vài ý kiến trên các tờ báo như Tiếng Dân, Đàn Chim Việt, Người Việt…

"QX10/03/2019 at 10:12 am

Dịch dzật Mai V Phạm a.k. Thạch Đạt Lang không lo làm ăn, tối ngày đi nghe bọn báo lá cải nói nhảm. Vừa rồi Melania kiện một tờ lá cải của Anh trắng mắt, coi chừng nay mai gia đình lão Trump kiện đám lá cải kia cho trắng mắt luôn. Nhưng mà kệ bọn báo kia đi, gia đình Trump mà kiên Báo Tiếng Dân với cộng tác dziên Thạch Đạt Lang thì có mà chết. Không tiền trả thì dzô tù ngồi. Dzô tù rồi thì có faux trong lý lịch. Có faux trong lý lịch thì bị trục xuất. Hai dà, đừng tưởng xứ Mỹ muốn a tòng mạt sát thoải mái nha, coi chừng lãnh đủ đó. Qx (1)

Bài viết này, dịch giả Mai V. Phạm bị độc giả QX gọi là Dịch Dzật, đổi giới tính thành Thạch Đạt Lang, lại còn hăm dọa cảnh cáo coi chừng bị Trump kiện ra tòa, bị trục xuất về Việt Nam. Không biết độc giả QX này sống ở đâu mà trình độ nhận thức không khác gì Donald Trump ?

Phê bình một tác phẩm, bản dịch từ một ngôn ngữ khác, người đọc chỉ có thể kết luận là tác phẩm, bản dịch hay hoặc dở, không chính xác, không diễn tả chân thật, hết ý người viết..., không ai chỉ trích nhân thân, giới tính hoặc lên án người dịch.

Báo Đàn Chim Việt*infos ngày 25/02/2019 đăng bài của tiến sĩ Âu Dương Thệ tựa đề : " Đầu năm Kỷ Hợi, Việt Nam và thế giới đang chứng kiến : Heo tìm heo, ngưu tìm ngưu !" - có bình luận sau đây :

Nguồn : Đỗ Thị Phương 28/02/2019 at 2:55 am

Đỗ Thị Phương • 2 days ago

Nếu đảo chánh TT Trump, thành công bọn Dân Chủ đã làm rồi, nếu thành công thì bọn dân chủ vui mừng đại thắng, nhưng đừng quên rằng mừng nhiều hơn vẫn là Tập Cặn Bình, và bọn CSVN mừng ké. Nói rằng TT Trump không làm được gì qua 2 năm, chỉ toàn khoác lác, chỉ toàn tệ hại. Đúng là người đui, điếc, một tầm nhìn cao "không quá ngọn cỏ"

Đỗ Thị Phương28/02/2019 at 2:58 am  :

Một tựa đề vô giáo dục, mất dạy.

Cũng trên Đàn Chim Việt, ca sĩ Mai Khôi, trong bài Tại Sao Mai Khôi (lại) Phản Đối Trump bị ném đá tới tấp với những bình luận sau đây :

Charlie 05/03/2019 at 10:49 pm

Vòng một của Mai Khôi hơi bị mẩy đấy, nếu Mai Khôi cứ lột trần ra để biểu đạt quan điểm chính trị chính em thì mọi người chả ném đá em làm gì. Còn ông Trump biết đâu ổng lại chẳng mời em qua Mỹ thăm và VC có cơ hội ăn theo.

kimkiến 28/02/2019 at 6:57 pm

Hết chuyện rồi nen DCV lại dở chuyện củ đưa con ĐƯỢI mai khôi lên tô c** bôi nước đ** cho NÓ. Thối hoẳng cả diển đàn. Chim dù là CHIM Việt cũng chào THUA ?.Câu hoi của 01 phản hồi viên là "so sanh vói nhưng bạn trẻ đấu tranh khác,chưa ra quân đã bị tóm gọn mà sao con MK lại dược đối xử khác.Hay no lấy Tây ? Hay Nó có nhiều "địa" ? Hay Nó, mặc dầu có chông TÂY,vẫn "xã giao rộng rải,thông thoáng" vói mọi cấp ?

Hay đây là hình thức chống Mỹ kiểu mới ? (2)

Bài viết của Mai Khôi nhận được nhiều những lời thô tục, vô văn hóa khác, độc giả muốn tìm hiểu thêm có thể vào nguồn và link ở trên để đọc.

Một bài của tác giả Cổ Lũy tựa Tổng thống Donald Trump hụt vốn chính trị trên báo Người Việt có bình luận của Minh Khánh chụp mũ tờ báo là tay sai của đảng Dân chủ Mỹ :

Đây là cách tuyên truyền dối trá của đám truyền thông thổ tả. Nào là ông Trump khùng điên, nào là ông Trump nói năng bậy bạ, nào là ông Trump kỳ thị chủng tộc v.v... làm truyền thông theo cách nầy bị ông Trump gọi là "Fake News", nhứt là đài CNN một thời đứng đầu ngành truyền thông ở Mỹ, hiện tại nhiều người Mỹ không còn xem nữa, số khán giả của đài nầy sụt giảm thảm hại. Cách đưa tin sai sự thật vì lý do đảng phái đã bị chính khán giả của họ tẩy chay !

Những trích dẫn trên chỉ là một số rất ít, tiêu biểu văn hóa tranh luận của một số người Việt ồn ào nhất, to tiếng nhất, thường xuyên có mặt, góp ý trên báo mạng, diễn đàn online. Không ít những người trong họ là trí thức có học, có bằng cấp, kiến thức sâu rộng, hiểu biết uyên bác hoặc từng ở tù cộng sản vì tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Đặc biệt là đối với phụ nữ, một số các tác giả, dịch giả như Mai V. Phạm, Lam Kiều Lam, Mai Khôi... khi bài viết có quan điểm chính trị khác biệt hoặc động chạm đến thần tượng của một số người như Donald Trump, lập tức sẽ bị ném đá, vu khống, nhục mạ không tiếc lời.

Nhựng ngôn từ thô tục, vô văn hóa thuộc loại đầu đường, xó chợ, những phỉ báng cá nhân thấp hèn, những chụp mũ đê tiện được những độc giả trên sử dụng để tấn công các tác giả này, đánh phá quyền tự do ngôn luận mà họ đang kêu gào, tranh đấu, đòi hỏi chế độ cộng sản Việt Nam phải thực thi.

Tại sao vậy ? Phải chăng chỉ có đàn ông Việt Nam mới có thẩm quyền tranh luận, nêu ý kiến, viết bài…về chính trị ? Nếu đúng như thế thì đàn ông Việt Nam như họ quả thật mang tâm lý bệnh hoạn cần được chữa trị.

Trong một đất nước tự do, dân chủ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được luật pháp bảo vệ nhưng khi lên tiếng thực thi quyền hạn của mình người ta cần phân biệt nhân vật cộng đồng (public figure) và cá nhân độc lập (privat person).

Chỉ trích, phê bình, lên án một nhân vật cộng đồng khác với bôi nhọ, vu khống, nhục mạ cá nhân. Sự chỉ trích, phê bình, chế diễu một nhân vật cộng đồng như Donald Trump không có giới hạn, hoàn toàn khác với sỉ nhục, bôi nhọ Mai Khôi, Mai V. Phạm, Lam Kiều Lam... là những cá nhân độc lập, có thể bị kiện tụng, đưa ra tòa xử phạt hành chính…

Núp sau màn hình, ẩn danh, không dám sử dụng tên thật để được tự do nhục mạ, vu khống, chụp mũ, bôi nhọ người khác có phải là phương thức tranh luận chính thống của những người thật sự muốn đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho đất nước, dân tộc Việt Nam ?

Độc giả có thể vào link dưới đây để coi Lễ Hội Xe Hoa Karneval 2019 ở Đức và những hình ảnh chế diễu Donald Trump (4).

Thạch Đạt Lang

(10/03/2019)

(1) https://baotiengdan.com/2019/03/10/chu-tiem-mat-xa-ban-ve-tiep-can-trump-cho-cac-doanh-nhan-trung-quoc/

(2) http://www.danchimviet.info/vi-sao-mai-khoi-lai-phan-doi-trump/02/2019/13986/

(3) https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-hoa-ky/tong-thong-trump-hut-von-chinh-tri/

(4) https://de.images.search.yahoo.com/yhs/search ;_ylt=AwrIRlHeD4VcPzcAyQBfCwx. ;_ylu=X3oDMTByZmVxM3N0BGNvbG8DaXIyBHBvcwMxBHZ0aWQDBHNlYwNzYw?p=trump+and+karneval+2019&fr=yhs-adk-adk_sbyhp&hspart=adk&hsimp=yhs-adk_sbyhp

Published in Diễn đàn