Văn hóa, văn minh cho tới sự tôn trọng pháp luật, không phải tự nhiên mà có
Từ câu chuyện hai nhân vật "nổi tiếng" trong giới văn nghệ bị dính vào luật pháp (bị cáo buộc cưỡng hiếp một cô gái người Anh 17 tuổi) khi đi du lịch ở Tây Ban Nha, có lẽ người Việt cũng nên rút kinh nghiệm, rằng chúng ta sống ở trong một quốc gia mà luật pháp nhiều khi giống như luật rừng, ứng xử thì quen thói trong một môi trường xã hội chưa thật sự văn minh, nên nhiều khi ra nước ngoài dễ bị rắc rối mà nguyên nhân cũng chỉ vì thiếu hiểu biết.
Văn hóa, văn minh, thói quen sống tử tế, đàng hoàng, tôn trọng pháp luật là những cái phải được giáo dục từ trong gia đình, nhà trường, phải được thấm nhuần từ trong môi trường xã hội, thế hệ này qua thế hệ khác, không phải tự nhiên mà có. Ảnh minh họa Chùa Bích Động ở Tam Cốc, hòa nhập hoàn hảo vào môi trường và khung cảnh thiên nhiên.
Nên nhớ, ở nước ngoài trong chuyện tình dục, không cẩn thận là dễ bị buộc tội quấy rối tình dục hoặc cưỡng hiếp. Bị buộc tội quấy rối tình dục ví dụ cứ sờ má, vỗ mông người ta, tưởng cứ thân nhau thì có thể đùa vui, hoặc đùa những câu thô tục về sex tưởng là "vui mà, có gì đâu"… Bị buộc tội cưỡng hiếp ví dụ, không phải cứ thấy các cô dễ dàng uống rượu với mình, theo mình về phòng khách sạn là tưởng rằng sau đó muốn làm gì thì làm ; nếu lúc người đó say không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra mà vẫn cứ tiến hành chuyện đó là cưỡng hiếp ; nếu đang nửa chừng mà người đó bảo stop là phải stop, còn không là cưỡng hiếp ; nếu người ta không đồng ý mà lại "chơi chung", threesome hoặc nhiều hơn nữa, là cưỡng hiếp ; thậm chí ngay cả với gái bán hoa cũng không phải muốn làm gì thì làm, phải hỏi trước như thế này thế kia có được không, ngay cả khi đã thỏa thuận giá cả mà nửa chừng cô gái đổi ý không muốn tiếp tục là phải stop ; ngay cả vợ chồng hôm nào vợ không muốn mà chồng cứ làm tới là cưỡng hiếp ; ở một số quốc gia làm chuyện đó mà không dùng bao cao su, hoặc sử dụng bao cao su bị rách cũng là cưỡng hiếp - nhân vật Julian Assange, ông chủ của WikiLeaks từng bị một phụ nữ ở Stockholm tố cáo và cơ quan truy tố Thụy Điển thẩm vấn vì một vụ việc tương tự, nhưng sau đó đã thoát tội.
Tóm lại, phải rất cẩn thận, trước khi đặt chân ra nước ngoài cũng nên tìm hiểu về phong tục tập quán, luật pháp ở nước người ta.
Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, đạo đức học tập theo gương Hồ Chí Minh vĩ đại cộng thêm thể chế độc tài luật pháp như luật rừng, khiến con người quen thói hành xử buông tuồng, thiếu hiểu biết, đến khi ra nước ngoài mới bộc lộ ra bao nhiêu cái bị người ta cười chê. Vặt vãnh thì là những chuyện như nói chuyện to tiếng ở chỗ công cộng, thậm chí ngay cả vào trong thư viện, bệnh viện cũng không hạ volume chút nào ; cho con tè bậy vào trong ly, cốc ngay trên máy bay, trong thang máy, trong khách sạn (rất nhiều khách du lịch Trung Quốc mắc cái tật này) ; đi ăn buffet thi chen nhau, giành nhau lấy hết những món ngon, lấy thật nhiều sau đó bỏ ăn không hết, đã từng có chuyện một số nhà hàng bên Thái phải đề bảng tiếng Việt nhắc nhở du khách Việt lấy vừa đủ ăn !...
Đó chỉ là những chuyện nhó. Văn hóa "xấu xí" của nhiều người Việt mình còn thể hiện ở mức độ nặng hơn là vi phạm pháp luật của nước người ta. Mà toàn là những người nổi tiếng, hoặc thành phần trí thức, quan chức cấp cao cả. Nhiều năm trước, một MC nổi tiếng của đài VTV, thuộc dạng con ông cháu cha từng bị bắt ở Nhật và Anh vì tội ăn cắp trong siêu thị, phải chạy cái giấy "bệnh tâm thần" để được thoát, sau đó vẫn tiếp tục là phóng viên của VTV, được đề bạt làm Trưởng phòng Văn hóa dân tộc, tiếp tục lên truyền hình rao giảng về văn hóa và đạo đức. Với mức thu nhập khá cao, nhưng một số phi công, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vẫn ăn trộm, buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền, vàng, đồ công nghệ, thậm chí là hàng cấm để rồi liên tiếp bị bắt giữ ở Nhật, Hàn, Úc… Người Việt ở Nhật bị mang hình ảnh xấu vì thói ăn cắp, cứ vào các cửa hàng, siêu thị của người ta thấy đồ đẹp quá là "chôm", trong đó có cả sinh viên đi du học hệ sau đại học, công chức cán bộ đi du lịch…
Một diễn viên hài bị bắt ở Mỹ về tội ấu dâm vì quen thói ở Việt Nam hành xử như vậy hoài mà không bị làm sao, rồi khi mãn tù trở về Việt Nam một thời gian lại tiếp tục xuất hiện, làm việc trong lĩnh vực văn nghệ, sân khấu có liên quan đến trẻ em, mới đây lại còn được trao huy chương Bạc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam. Có người bao biện cho rằng "Người Việt Nam có truyền thống nhân văn thể hiện rõ qua câu "Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại", hoặc "ai cũng có quá khứ ở sau lưng", v.v. Nhưng thật ra luật pháp ở nhiều quốc gia dân chủ phương Tây rất nghiêm khắc với tội cưỡng hiếp hay ấu dâm. Người nào đã vướng vào tù tội vì những tội danh này thì tên tuổi được lưu giữ vào hồ sơ, sống ở đâu cũng phải trình báo cảnh sát để cảnh sát theo dõi thường xuyên, không được tiếp tục những công việc hoặc sống gần những nơi có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với phụ nữ hoặc trẻ em, nếu là người trong giới văn hóa văn nghệ, giới biểu diễn hay chính khách thì coi như sự nghiệp xong, phải chuyển sang làm công việc khác. Không phải là các nước khắt khe gì nhưng người ta chỉ không muốn "ngựa quen đường cũ", lại có những nạn nhân khác.
Ngay chính khách, quan chức lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam khi đi ra bên ngòai cũng quen thói hành xử thiếu văn minh hoặc cư xử như thể mình là bố thiên hạ. Mà mới đây nhất là hai ví dụ.
Câu chuyện thứ nhất là ông Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm, đi ăn ở một nhà hàng thuộc loại đắt đỏ ở London, được chính đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe, người có biệt danh Salt Bae hay còn gọi "Thánh rắc muối" cắt và phục vụ món "bò dát vàng" đã được đăng tài trên nhiều báo chí quốc tế, báo chí người Việt ở nước ngoài và trên mạng xã hội. Cái tin vặt này gây bão dư luận là vì với mức lương của một ông bộ trưởng ở một nước nghèo như Việt Nam, lấy tiền đâu ra mà đi ăn chơi xa xỉ như vậy ; thứ hai, thời điểm đó tháng 11/2021 là đang dịch, ở Việt Nam hàng triệu, hàng chục triệu người bị thất nghiệp, đứt bữa, đói ăn vì dịch, mà ông Bộ trưởng Bộ Công an thì đi ké trong một chuyến công du chả có liên quan gì đến ngành công an, lại thản nhiên ăn chơi, vô cảm trước nỗi khổ của nhân dân.
Câu chuyện thứ hai là ông Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và tùy tùng lên đường sang Mỹ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ, vào ngày làm việc cuối cùng 13/5/2022, trong khi chờ hội kiến với ông Antony Blinken - Ngoại trưởng Mỹ, thì ông Chính và tùy tùng có cuộc tán gẫu hết sức bỗ bã, buông tuồng về quan chức này quan chức kia của Mỹ, gọi người ta là "nó" rồi buông một câu "Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu". Câu nói phản ánh đúng cái tâm lý vừa tự ti vừa tự tôn, kiêu ngạo cộng sản" của các quan chức cộng sản Việt Nam, vừa biết mình thua kém quan chức nước người về mọi mặt, mình đi ra ngoài thì chỉ toàn đi xin đi vay nợ, nhưng mặt khác lại cứ nghĩ Việt Nam từng đánh thắng mấy "thằng" đế quốc to, Việt Nam có vị trí địa-chính trị quan trọng, Mỹ nó phải cần ta chứ ta chả cần nó !
Văn hóa, văn minh, thói quen sống tử tế, đàng hoàng, tôn trọng pháp luật là những cái phải được giáo dục từ trong gia đình, nhà trường, phải được thấm nhuần từ trong môi trường xã hội, thế hệ này qua thế hệ khác, không phải tự nhiên mà có. Với một thể chế chính trị độc tài, giáo dục nát bét, luật pháp rừng rú, môi trường đạo đức xã hội suy đồi, thì con người cũng bị hấp thụ những cái xấu ấy mà không hay.
Song Chi
Nguồn : RFA, 01/07/2022 (songchi's blog)