Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Là một trong những lãnh đạo trẻ nhất thế giới, Kim Jong-un, 34 tuổi, một mình đương đầu với cộng đồng quốc tế, phớt lờ trước những lời cảnh cáo và kêu gọi kềm chế của "ông anh cả" Trung Quốc. Hàng loạt các nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc với chế độ Bình Nhưỡng như "nước đổ lá khoai".

hatnhan1

Kim Jong-un không là một nhà lãnh đạo "non nớt" như quốc tế lầm tưởng. KCNA via REUTERS

Bắc Triều Tiên tăng tốc các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Kim Jong-un đang "dồn tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào chân tường", làm chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "đau đầu"trước một đồng minh khó bảo.

Hai nền kinh tế nặng ký của Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cùng đang "run sợ" trước hành vi khó lường của Kim Jong-un. Liên minh Mỹ-Hàn có dấu hiệu rạn nứt.

Chuyên gia về chiến lược Marianne Peron Doise, Học viện Quân Sự Paris ghi nhận : Kim Jong-un đang đảo lộn tương quan lực lượng trên bàn cờ chiến lược quốc tế.

RFI : Bình Nhưỡng thực sự muốn gì ?

Marianne Peron Doise : Từ đầu năm 2017 và nhất là từ đầu tháng 7 tới nay, Bình Nhưỡng thực sự đã tăng tốc các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Đây là bằng chứng rõ rệt nhất về những nỗ lực và tiến bộ của Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực này, cũng như là khả năng của chế độ Kim Jong-un làm thay đổi cục diện bàn cờ chính trị quốc tế.

Về phương diện ngoại giao, Kim Jong-un dồn tổng thống Donald Trump vào chân tường, đồng thời chứng minh rằng vũ khí hạt nhân hoàn toàn trong tầm tay Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng đang bắt buộc một siêu cường quân sự - là Mỹ - phải công nhận thực tế đó.

RFI : Có một nghịch lý là Bình Nhưỡng càng phô trương sức mạnh thì lại càng bị quốc tế cô lập, ngay cả đối với đồng minh thân thiết nhất là Bắc Kinh. Vậy thực sự Kim Jong-un toan tính những gì ?

Marianne Peron Doise : Vâng, đúng là cho tới nay, trong một chừng mực nào đó, Trung Quốc bằng lòng với vai trò phá rối của Kim Jong-un, gây khó khăn cho Mỹ. Bắc Kinh luôn là điểm tựa của chế độ Bình Nhưỡng.

Bên cạnh đó thì Trung Quốc cũng là một cường quốc nguyên tử và đương nhiên là không muốn trông thấy Bắc Triều Tiên ở ngay sát cạnh mình có phương tiện phòng thủ này. Vũ khí của Bắc Triều Tiên cũng là một mối đe dọa tiềm tàng và là một thách thức quân sự đối với khu vực.

Theo tôi, Trung Quốc không dễ dàng chấp nhận điều đó. Bắc Kinh không thể chấp nhận để Bình Nhưỡng làm "vướng chân" mình.

Về phía Kim Jong-un, trước hết ông ta muốn quốc tế công nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc nguyên tử. Với Nhật Bản và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng liên tục chứng tỏ là về mặt chiến lược, Bắc Triều Tiên độc lập với người anh cả Trung Quốc.

Ngoài ra, hạt nhân là một lá bùa hộ mệnh, bảo đảm cho sự sống còn của chế độ dòng họ Kim đối với công luận trong nước.

Sau cùng cần chú ý tới một yếu tố tâm lý : Bắc Triều Tiên vẫn còn bị bóng ma của chiến tranh Triều Tiên và quá khứ lịch sử dưới thời quân đội Nhật hoàng đô hộ ám ảnh.

Do vậy vũ khí nguyên tử là một phương tiện tốt nhất để Kim Jong-un đưa Bắc Triều Tiên lên hàng các cường quốc quân sự và hạt nhân, qua đó đem lại tự hào cho dân tộc.

Trong khi đó, ở góc đài bên kia, thì tổng thống Mỹ Donald Trump lại dùng những lời lẽ thô bạo không kém Kim Jong-un đe dọa Bắc Triều Tiên. Có điều Mỹ chỉ nói suông, còn Kim Jong-un thì liên tiếp cho thử tên lửa và hạt nhân.

Tính toán đó khá khôn ngoan, bởi Bình Nhưỡng biết rõ là tổng thống Hoa Kỳ đang trong thế kẹt : nếu Donald Trump quyết định dùng giải pháp quân sự thì sẽ chẳng mấy ai nghe theo.

Trước hết là hai đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ tại Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản đều không muốn nổ ra chiến tranh. Kế tới từ Trung Quốc đến Nga đương nhiên đều sẽ dùng quyền phủ quyết bác bỏ phương án quân sự.

RFI : Vậy thì quốc tế có ngõ thoát nào cho hồ sơ Bắc Triều Tiên ?

Marianne Peron Doise : Ngay từ đầu, thái độ mập mờ của Trung Quốc đã khiến mọi người phải quan tâm. Nhưng có lẽ bản thân Bắc Kinh cũng đang bối rối và chưa biết làm thế nào để tháo gỡ bế tắc mà không một bên nào bị mất mặt, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị họp Đại Hội Đảng.

Bên cạnh đó, chúng ta biết chính quyền của ông Tập Cận Bình đang muốn quá nhiều thứ cùng một lúc. Trung Quốc vừa muốn Mỹ đưa ra một số bảo đảm về mặt an ninh cho khu vực Đông Bắc Á, vừa muốn Seoul và Washington chấm dứt dự án lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc, ngay sát cạnh cửa ngõ của Trung Quốc.

Sau cùng Bắc Kinh không muốn Bình Nhưỡng trang bị vũ khí hạt nhân nhưng đồng thời Trung Quốc làm tất cả để kịch bản chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ không xảy ra.

Bắc Kinh không muốn trông thấy cảnh lớp lớp người Bắc Triều Tiên tràn sang biên giới Trung Quốc, không muốn bán đảo Triều Tiên thống nhất với quyền lực trong tay Seoul, tai mắt của Mỹ ở khu vực.

Giữa ngần ấy mục tiêu, Bắc Kinh cũng đang trong trong tình thế rất khó xử.

Thực ra, không chỉ Trung Quốc mà cả cộng đồng quốc tế đều theo đuổi mục tiêu thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại vòng đàm phán sáu bên để đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nhưng chúng ta đừng quên rằng, sau 6 lần thử bom nguyên tử, nếu có nối lại đàm phán Bắc Triều Tiên đương nhiên sẽ trong thế mạnh. Câu hỏi đặt ra là cộng đồng quốc tế có cái gì để mặc cả với Kim Jong-un ?"

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 05/09/2017

***********************

Bắc Triều Tiên đạt mục tiêu "cường quốc hạt nhân" (RFI, 09/2017)

Với sáu vụ thử hạt nhân từ năm 2006, Bắc Triều Tiên dường như đã nắm được công nghệ thu nhỏ đầu đạn và nghiễm nhiên chen chân vào câu lạc bộ cường quốc hạt nhân. Vì chia rẽ, cộng đồng quốc tế bị đặt trước sự đã rồi với một tương lai bất định. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Kim Jong-un không phải là thủ phạm duy nhất.

hatnhan2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tham quan trung tâm hạt nhân. (Ảnh do hãng KCNA cung cấp ngày 03/09/2017) © Reuters

Sau gần 30 năm nghiên cứu, chế độ Bình Nhưỡng chứng tỏ có đủ khả năng chế tạo và trang bị một lực lượng răn đe hạt nhân đáng ngại. Đứng trước thực tế này, cộng đồng quốc tế chỉ có hai phản ứng : hoặc là dung thứ như đối với Pakistan Ấn Độ hay Israel hoặc là tìm cách ngăn chận bằng mọi biện pháp "từ kinh tế quân sự cho đến hạt nhân" như tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump với đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in.

Cả hai phản ứng này đều bất toàn đối với trường hợp Bắc Triều Tiên.

Sở dĩ Pakistan và Ấn Độ được dung thứ vì cuộc chạy đua vũ trang của hai quốc gia dị biệt và xung khắc tôn giáo này không vì mưu đồ đe dọa một nước thứ ba. Còn Israel thì được Mỹ (tổng thống Nixon) ủng hộ và Pháp giúp đỡ kỹ thuật để tự vệ (Le Figaro, 07/05/2008).

Trong khi đó, Bình Nhưỡng công khai đe dọa "nhấn chìm" Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ trong "biển lửa". Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể xem là đã bắt đầu từ thập niên 1980. Là thành viên của Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP : Traité sur la non-prolifération des armes nucléaires - Treaty on the Non-Proliferation of Nuclear Weapons, hay NPT : Non-Proliferation Treaty) từ năm 1985, Bình Nhưỡng đơn phương rút khỏi TNP vào năm 2003. Hai năm sau, Bắc Triều Tiên tuyên bố "có bom hạt nhân".

Hiệp ước TNP có hiệu lực từ năm 1970 quy định chỉ có 5 nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân và cam kết không chuyển giao trực tiếp hay gián tiếp.

Nhưng theo lập luận của Kim Jong-un, vũ khí hạt nhân là công cụ "hiệu quả nhất" để bảo vệ chế độ chống "mưu toan lật đổ" của Mỹ. Bình Nhưỡng đơn cử trường hợp chế độ Saddam Hussein của Irak và đại tá Kadhafi của Libya "do từ bỏ vũ khí hạt nhân" mà bị tiêu vong. Mọi nỗ lực ngoại giao từ năm 1990 điều đình một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị thất bại. Được Trung Quốc chống lưng ở Hội Đồng Bảo An, Bình Nhưỡng bất chấp các nghị quyết trừng phạt.

Còn ngăn chận bằng cấm vận triệt để về kinh tế như Hàn Quốc và Nhật Bản chủ trương thì liệu Trung Quốc, bạn hàng chính của Bắc Triều Tiên có đồng ý và thi hành hay không ?

Giải pháp thứ ba là quân sự không được Hàn Quốc chấp nhận vì sợ Bình Nhưỡng trả đũa bằng tên lửa.

Cuối cùng, chuyện gì phải đến đã đến. Là quốc gia duy nhất trên thế giới tiến hành thử nghiệm bom hạt nhân từ năm 1998, Bắc Triều Tiên bước vào danh sách những cường quốc hạt nhân không chính thức, không ký vào Hiệp ước TNP, cũng giống như Israel, Ấn Độ và Pakistan.

Không phải chỉ có Bình Nhưỡng

Theo số liệu của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Hòa Bình SIPRI ở Thụy Điển thì vào đầu năm 2017, chín quốc gia hạt nhân - Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bắc Triều Tiên - tích trữ tổng cộng 14.935 đầu đạn hạt nhân trong đó ít nhất 20 đầu đạn là của Bình Nhưỡng.

Sau một thời gian bình lặng do hệ quả của chiến tranh lạnh kết thúc, ba nước Mỹ , Nga, Trung Quốc lại canh tân kho vũ khí hạt nhân. Ấn độ và Pakistan cũng gia tăng số lượng vũ khí nguyên tử. Theo chuyên gia Pháp Nicolas Roche được nhật báo Công giáo La Croix (05/09/2017) trích dẫn thì Nga và các nước Châu Á là những tác nhân chính trong cuộc chạy đua vũ trang. Trong chiều hướng này, hạt nhân sẽ đóng vai trò trung tâm trong mối tương quan lực lượng giữa các nước.

Chấp nhận chuyện đã rồi… và hệ quả

Trong bối cảnh này, cũng theo Nicolas Roche, thách thức hiện nay không phải là ngăn chận Bình Nhưỡng trang bị thêm vũ khí hạt nhân mà phải xây dựng một chiến lược phòng vệ răn đe và tập trung đối phó với nỗ lực biến Bắc Triều Tiên thành một "ổ hạt nhân hung hăng".

Nói cách khác, thế giới phải chấp nhận sống chung với một "nguồn bất ổn định lâu dài tại Châu Á".

Nhưng dung thứ Bắc Triều Tiên có nguy cơ tạo thêm một nguồn bất ổn khác ở Trung Đông. Chế độ Hồi giáo Iran, cho dù đã ký với quốc tế Hiệp Định hạt nhân 2015, sẽ ngồi yên hay không ?

Tú Anh

Published in Diễn đàn

Những đồn đoán và giả thiết gần đây về cái chết của người được cho là Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un, không chỉ hé lộ những bất ổn chính trị nội bộ Bắc Hàn.

Mấu chốt dẫn đến cuộc khủng hoảng mang tên Bắc Hàn đến từ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của quốc gia này.

atome1

Chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn là bài toán hóc búa trong Quan hệ quốc tế hiện đại

Với gần 20 tên lửa đạn đạo được bắn lên hồi năm 2016, cùng như các vụ thử liên tiếp vào trung tuần tháng 2 và tháng 3 năm 2017, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga và Trung Quốc can thiệp chặt chẽ tình hình bán đảo Triều Tiên bởi đây là địa bàn tranh giành ảnh hưởng sau khi cấu trúc hai cực tan rã.

Đan xen lợi ích khiến các giải pháp hiện thời, đặc biệt là tiến trình 'Đàm phán 6 bên' dần trở nên bế tắc.

Kinh nghiệm từ Thỏa hiệp Trại David năm 1978 cho thấy, đã đến lúc cần có một sự thay đổi trong các tiếp cận giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn.

Trò chơi 'tổng bằng không'

Năm 2003, tiến trình 'Đàm phán 6 bên' ra đời (bao gồm Mỹ, hai nước Triều Tiên, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc).

atome2

Với các vụ thử tên lửa gần đây, liệu chính quyền của Kim Jong-un (áo đen, ở giữa) có thể hy vọng vào thế thượng phong trong bàn đám phán ?

Tới nay đã có sáu vòng đàm phán diễn ra song không mang lại kết quả mong đợi.

Đối thoại Bắc Hàn - Nam Hàn dừng lại ở cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dưới tác động của chính sách Ánh Dương do cựu Tổng thống Kim Dae-jung khởi xướng.

atome3

Tiến trình Đám phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bắc Hàn dần đi vào bế tắc

Nỗi ám ảnh "ai thống nhất ai", dường như luôn là chướng ngại bất khả thi với cả hai miền Triều Tiên trên con đường tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Đặc biệt vụ nổ tàu Cheonan năm 2010 đã khiến quan hệ hai bên trở lại vạch xuất phát - vĩ tuyến 38.

Dù có sự dính líu nhiều bên, nhưng quan hệ Bắc Hàn-Mỹ có tính chất then chốt để giải quyết vấn đề hạt nhân.

Song, các điều kiện tiên quyết mà Mỹ và Bắc Hàn đưa ra trong 'Đàm phán 6 bên' luôn hoàn toàn có tính triệt tiêu lẫn nhau.

Bình Nhưỡng muốn Mỹ tôn trọng những điều kiện tiên quyết là chủ quyền và khả năng hạt nhân của Bắc Hàn. Còn Mỹ khẳng định chỉ chấp nhận đàm phán đa phương và kêu gọi Bắc Hàn xóa bỏ chương trình hạt nhân.

Trong khi đó, Trung Quốc đưa ra chính sách không thống nhất, lúc mềm dẻo khi cứng rắn đối với Bắc Hàn, nhưng tựu chung là để chứng tỏ vai trò 'cường quốc trách nhiệm' của mình trong hòa giải quốc tế.

Trong đàm phán hạt nhân, Nhật Bản dường như lại tập trung nhiều hơn vào việc quy trách nhiệm Bắc Hàn bắt cóc công dân của mình từ thời kỳ Thế chiến.

Trong khi đó lập trường trung dung thực dụng của Nga chỉ làm sự chia rẽ các bên thêm đậm nét, và giúp Nga tranh thủ ký một số thương vụ dầu lửa.

Nghịch lý là, trong khi các cường quốc như Mỹ và Nga kiên quyết giữ lại một số lượng vừa đủ kho vũ khí hủy diệt của mình, chính họ, nhân danh các tổ chức quốc tế, lại xử ép và gây áp lực lên những nước có tham vọng sở hữu hạt nhân.

Tóm lại, Đàm phán 6 bên về hạt nhân Bắc Hàn đi vào vòng luẩn quẩn là do tư duy lối mòn từ Chiến tranh lạnh, mang nặng tính đối đầu, áp đặt theo kiểu "Zero sum game" - trò chơi tổng bằng không.

Bài học Trại David

Trong lịch sử, đã không ít vấn đề tưởng chừng không có lối thoát nhưng cuối cùng vẫn được giải quyết nhờ một bước đột phá.

atome4

Năm 1978, Thỏa hiệp Trại David được ký kết giữa Thủ tướng Israel Begin và Tổng thống Ai Cập Sadat với vai trò trung gian của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, mở ra cục diện mới ở Trung Đông.

Một trường hợp điển hình là việc ký kết hiệp ước Trại David năm 1978 giữa Israel và Ai Cập (còn gọi là Thỏa hiệp Trại David).

Trước đó, quan hệ hai bên luôn căng thẳng không chút khoan nhượng, do phản ứng của các nước Ả Rập chống lại quyết định phân trị mảnh đất Palestine của Liên Hợp Quốc.

Hậu quả của chính sách đối đầu này là bốn cuộc chiến tranh Trung Đông đẫm máu vào các năm 1948, 1956, 1967 và 1973.

Bước ngoặt đến khi Tổng thống Anwar Sadad nắm quyền tại Ai Cập ký Thỏa hiệp Trại David quyết định công nhận ngoại giao Israel.

Sau đó, một hiệp định hòa bình ký kết giữa hai bên vào năm 1979 và quan trọng hơn là mở ra một cục diện hoàn toàn mới tại Trung Đông.

Hòa bình được thiết lập song cái giá cho chính sách "đổi đất lấy hòa bình" thật đắt : Ai Cập bị các nước Ả Rập tẩy chay và bản thân ông Sadad bị ám sát năm 1981.

Mỹ không là 'cảnh sát toàn cầu'

Từ kinh nghiệm Thỏa hiệp Trại David, có lẽ đã đến thời điểm thích hợp để Mỹ và Bắc Hàn ký một hiệp định hòa bình.

atome5

Đối phó với Bắc Hàn, liệu Nhật có thể tin cậy Mỹ dưới thời Tổng thống Trump ?

Mặc không theo đuổi chính sách ôn hòa như người tiền nhiệm ông Obama, chính sách ngoại giao dân túy của Tổng thống Donald Trump đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không mạo hiểm lợi ích quốc gia giải quyết xung đột quốc tế.

"Chúng ta nhận được gì từ điều đó ?", ông Trump từng nói khi bình luận về khả năng đụng độ vì tên lửa hạt nhân giữa Nhật Bản - Bắc Hàn.

"Chúc (hai bạn) may mắn !", ông Trump nói trong bài vận động tranh cử của mình, "Hoa Kỳ không phải là 'cảnh sát toàn cầu' (policeman of the world)".

Hướng đi mới

Một hiệp định hòa bình Mỹ - Bắc Hàn cũng mang lại hy vọng về cách tiếp cận khác đối với công nghệ hạt nhân nhằm phục vụ dân sinh.

Đây là đòi hỏi bức thiết của nhiều quốc gia trên thế giới do các nguồn năng lượng hóa thạch hay dầu lửa đang dần cạn kiệt.

Không thể sử dụng bất cứ một cơ chế quốc tế hay hành động bạo lực nào để ngăn cản nhu cầu chính đáng này.

Bản thân Mỹ, chắc chắn sẽ bao giờ chịu tiêu hủy hết kho vũ khí hạt nhân của mình, mặc dù năm 2010, Mỹ và Nga đã ký kết hiệp ước START cắt giảm vũ khí hạt nhân.

atome6

Một cách tiếp cận khác đối với công nghệ hạt nhân nhằm phục vụ dân sinh

Dĩ nhiên, hiệp định hòa bình chỉ là bước khởi đầu cho một sự thay đổi chứ chưa phải là tất cả.

Lòng kiêu hãnh của người Mỹ, sự nghi kỵ của Bắc Hàn vẫn là bài toán học búa.

Do đó, cơ hội mở ra cho một chủ thể trung gian (ngoài Đàm phán 6 bên) như ASEAN đứng ra diễn giải về lợi ích ích của một hiệp định hòa bình như vậy.

Đặc biệt khi ASEAN sở hữu một công cụ là diễn đàn an ninh khu vực ARF mà cả Mỹ và Bắc Hàn đều là các bên đối thoại.

Tóm lại, tạo dựng lòng tin, xóa đi những nghi kỵ lịch sử là hướng đi khả dụng cho vấn đề hạt nhân Bắc Hàn, dù cái giá phải trả có thể là rất đắt.

Nguyễn Bảo Châu

Nguồn : BBC tiếng Việt, 10/03/2017

Tác giả là nghiên cứu sinh cư ngụ tại London.

Published in Diễn đàn