Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Tác giả" Nguyễn Xuân Phúc

Hoàn toàn trái ngược với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào quý III năm 2017 "bỗng dưng" vọt đến 7,46% do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hệ thống báo đảng ồn ào công bố một cách rất đáng nghi ngờ tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười 2017, cũng tại hội nghị này đảng cầm quyền đã phải mở hẳn một chuyên đề về "tinh giản bộ máy", đặt ra mục tiêu "quyết liệt" là đến năm 2021 phải giảm được 10% trong tổng số khoảng 2,5 triệu công chức viên chức hiện thời, tức phải kéo giảm một phần chi lương mà ngân sách đang húc đầu vào bức tường thâm thủng chưa từng có.

hoinghi0

Trong thực tế, nếu tính cả phần trả nợ gốc, tỷ lệ bội chi ngân sách phải lên đến khoảng 9% GDP. (Tranh vẽ Courtesy Khều)

Vẫn theo một thói quen "đời đổi não không đổi", tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quý III 7,46% đã chỉ được chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc tung ra mà không kèm theo một thuyết minh và những cơ sở khả dĩ nào. Nhưng câu hỏi liền kề là nếu tăng trưởng kinh tế thực sự tăng, tức ngân sách có tích lũy đủ để trả lương, tại sao đảng và chính phủ cầm quyền lại phải hô hào giảm biên chế và giảm chi ?

Nghịch lý kinh khủng trong "thành tích điều hành kinh tế vĩ mô và ngân sách" ở Việt Nam là như thế : từ năm 2008 khi kinh tế Việt Nam bắt đầu bước chân vào chu kỳ suy thoái cho đến tận bây giờ, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vẫn luôn được chính phủ và Quốc Hội "quyết nghị" ở mức cao gấp đôi nền kinh tế Mỹ và thậm chí còn vượt hơn cả mức "tăng trưởng 7%" của Trung Quốc. Song trong khi đó, tỷ lệ chi thường xuyên (chủ yếu là chi lương và phụ cấp) cho đội ngũ công chức viên chức và lực lượng vũ trang vẫn đà tăng tiến không ngừng nghỉ, để đến nay đã vọt lên khoảng 74% trong tổng chi ngân sách hàng năm, bất chấp thực tồn có đến "30% công chức không làm gì cả mà vẫn đều đều lĩnh lương".

Cũng là "tác giả" Nguyễn Xuân Phúc, vào cuối năm 2016 đã phải tán thán "nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần", trước thực tế số báo cáo nhà nước về nợ công vẫn chỉ chưa đụng trần nguy hiểm 65% GDP, nhưng con số nợ công thực tế đã vọt lên đến 210% GDP, tương đương 431 tỷ USD.

Và cũng không ai khác, chính là "tác giả" Nguyễn Xuân Phúc, vào đầu năm 2017 đã phải cảnh báo "sụp đổ tài khóa quốc gia" – một cụm từ lần đầu tiên được phát ra bởi một lãnh đạo cấp cao, cho thấy tình thế ngân sách đã trở nên mong manh và nguy kịch đến thế nào.

Bi kịch thu-chi

Hội nghị trung ương 6 diễn ra trong vòng một tuần lễ vào nửa đầu tháng Mười 2017 không chỉ là một kỳ họp tạm gọi là quan trọng của đảng về công tác kỷ luật và bổ sung nhân sự, mà sống còn hơn là vấn đề "cơm áo gạo tiền" của đảng và bộ máy chính quyền.

Chỉ riêng bộ máy Văn Phòng Trung Ương đảng đã tiêu tốn khoảng 2 ngàn tỷ đồng mỗi năm, chưa kể hệ thống các cơ quan đảng của 63 tỉnh và thành phố. Những năm trước, con số này vẫn được duy trì đều đặn mà có thể được hiểu "ai thiếu cứ thiếu, nhưng cơ quan đảng không thể thiếu tiền".

Nhưng từ năm 2015 khi ngân sách Việt Nam bắt đầu phải trả món nợ khủng cho quốc tế lên đến 20 tỷ USD, kéo theo những năm sau đó phải trả nợ quốc tế hàng chục tỷ USD mỗi năm, chưa kể một đống nợ trong nước mà Ngân Hàng Thế Giới vừa cảnh báo trong 3 năm tới sẽ có đến 50% nợ trong nước đáo hạn phải trả, kinh phí dành cho các cơ quan đảng sẽ bị teo tóp một cách đáng kể. Thậm chí nếu ngân sách Việt Nam đối mặt với tình trạng vỡ nợ, mà tương lai này có thể không quá xa, những khoản kinh phí đặc cách dành cho bộ máy đảng sẽ có thể chỉ còn 1/4 – 1/5 so với mức hiện nay. Khi đó, không "có thực mới vực được đạo", làm sao "đảng trưởng" Nguyễn Phú Trọng có thể thuyết phục được đảng viên của mình về "chủ nghĩa xã hội" và "hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" ?

Phải tìm cách giải quyết. Phải xử lý mối nguy hiểm trên. Và xử lý gấp.

Trong năm 2016 và đặc biệt sang năm 2017, "lấy thu bù chi" đã được đảng và chính phủ cùng Tổng Cục Thuế sầm sập lao vào như một lối thoát cuối đường hầm. Bất chấp hiện trạng ở Việt Nam vẫn là trên 430 loại thuế và lệ phí và Việt Nam là một trong những nước có mức thuế phí cao nhất Châu Á, hàng loạt sắc thuế mới vẫn được sáng tạo, kể cả thuế đánh vào những người bán hàng trên mạng xã hội, kể cả một gợi ý đánh thuế đối với… sim số đẹp.

Âm mưu tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% có thể xem là giọt nước tràn ly đối với sức chịu đựng có giới hạn của toàn dân. Nguyên do đơn giản là sắc thuế này tác động đến toàn dân, nhưng ngay trước mắt là đến phần đông – có thể lên đến 70-80% giới doanh nghiệp – vốn đã cố gắng cầm cự đến năm thứ 9 suy thoái liên tục của nền kinh tế, để nếu VAT tăng vọt thì sẽ có hàng loạt doanh nghiệp phải phá sản vì sức tiêu thụ kém hẳn sẽ kéo theo sản xuất và kinh doanh ngưng trệ.

Trong khi đó, xu hướng ngày càng rõ nét là nguồn thu ngân sách tuy có tăng về số tuyệt đối so với những năm trước, nhưng lại giảm tương đối về tỷ lệ thu. Khi năm 2017 đã trôi được 3/4 thời gian, tương lai rất gần là tỷ lệ hụt thu ngân sách của năm này có thể sụt đến 11% so với dự toán thu ngân sách đầu năm.

Còn bội chi ngân sách là bao nhiêu ?

Những con số báo cáo của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trung ương 6 vẫn chỉ "khoanh" số bội chi dưới 5% GDP. Song có một chi tiết rất đáng mổ xẻ là từ năm 2016, số bội chi này đã "loại" khoản phải trả nợ gốc ra và do đó được "kéo xuống" dưới 5% GDP.

Trong thực tế, nếu tính cả phần trả nợ gốc, tỷ lệ bội chi ngân sách phải lên đến khoảng 9% GDP.

Hẳn là đảng, nếu không là "lý thuyết gia" Nguyễn Phú Trọng thì cũng phải là Ban Kinh tế trung ương của cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, biết rõ sự thật đó.

Do vậy, ngoài việc "móc túi" dân, đảng còn phải làm nhiệm vụ "tự phê bình" bằng cách tự tiết giảm đội ngũ công chức và bộ máy hoạt động.

Vỡ ngân sách sẽ vỡ đảng

Rất có thể, tình hình ngân sách quốc gia càng thêm cạn kiệt là nguồn cơn để Hội nghị trung ương 6 nghiêng hẳn về phương án chấm dứt hoạt động 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, và Tây Nam Bộ, cho dù ba ban chỉ đạo này từng được đảng xem là có tầm quan trọng đặc biệt về chính trị và mỗi ban chỉ đạo được phụ trách bởi một ủy viên Bộ Chính Trị. Nhưng ba ban chỉ đạo này lại sở hữu một khối tài sản và ngân sách đáng kể, để trong khi không làm được việc thì bị dư luận trong nội bộ xem là "ban ăn hại".

Một thực tế "ăn hại" không thể phủ nhận là ngân sách Việt Nam vẫn buộc phải làm cái chuyện vừa lo trả nợ vừa phải tiếp tục vay mượn vượt hơn đến 30% số trả nợ hàng năm để phục vụ các khoản chi tiêu thường xuyên khổng lồ của bộ máy gần 4 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang.

Mới đây, Tiến sĩ Vũ Quang Việt – cựu chuyên viên tài chính của Liên Hiệp Quốc – đã công bố một tính toán của cá nhân ông : tỷ lệ chi cho lực lượng công an ở Việt Nam lên đến 12% chi ngân sách – một mức chi cực kỳ lớn, chưa kể gần 5 tỷ USD chi cho bộ máy quốc phòng hàng năm…

Khác hẳn với Hội nghị trung ương 6 vào năm 2012 khi Tổng bí thư Trọng phải rơi lệ vì không thể kỷ luật được "đồng chí X", Hội nghị trung ương 6 vào năm 2017 đã vớt vát phần nào thể diện cho ông Trọng. Nhưng sau câu chuyện thể diện và sau tất cả các cuộc xung đột quyền lực trong nội bộ đảng, toàn bộ đảng viên cao cấp và dĩ nhiên cả ông Trọng nữa đều phải đối mặt với nguy cơ cực lớn : vỡ ngân sách sẽ vỡ đảng.

Tương lai ấy đang đến gần, rất gần… 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 22/10/2017

Published in Diễn đàn