Cựu cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trụ sở của Vạn Thịnh Phát ở Thành phố Hồ Chí Minh - vov.vn
Đó là nội dung trong kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bàn hành trong ngày 17/11 và được truyền thông loan trong ngày 18/11.
Trong kết luận điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố đối với 86 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
Trong số các bị can bị đề nghị truy tố, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng) để bao che, bưng bít cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và ngân hàng SCB.
Cơ quan điều tra cáo buộc các hành vi làm trái công vụ, trái quy định pháp luật thanh tra của bà Nhàn là phương thức, thủ đoạn để giúp đỡ bà Trương Mỹ Lan, tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB và cựu cục trưởng đã thực hiện thành công hành vi nhận hối lộ. Do đó, hành vi của nữ cựu cục trưởng đã phạm vào tội nhận hối lộ.
Nội dung kết luận điều tra cũng nêu rõ Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố ba tội danh gồm tham ô tài sản ; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và đưa hối lộ.
Những người còn lại bị truy tố về các tội danh : Tham ô tài sản ; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng ; Nhận hối lộ ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan có bốn luật sư bào chữa là luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Minh Hoàng và Giang Hồng Thanh.
Ngoài ba tội danh trên, bà Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu và rửa tiền. Tuy nhiên cơ quan điều tra đã tách vụ án này ra để tiếp tục điều tra và xử lý sau.
Mới đây, hai cựu chủ tịch Ngân hàng SCB cùng năm người khác bị khởi tố trong vụ án Vạn Thịnh Phát nhưng đang bỏ trốn, nên bị Bộ Công an phát lệnh truy nã.
Những người bị truy nã gồm Nguyễn Thị Thu Sương (cựu chủ tịch hội đồng quản trị SCB), Đinh Văn Thành (cựu chủ tịch hội đồng quản trị SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu phó tổng giám đốc SCB), Trầm Thích Tồn (cựu thành viên hội đồng quản trị SCB), Sun Henry Ka Ziang (thành viên hội đồng quản trị SCB, quốc tịch Trung Quốc), Lam Lee George (cựu thành viên hội đồng quản trị SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu phó giám đốc chi nhánh Bến Thành SCB).
Bảy bị can trên bị điều tra về các tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và tham ô tài sản trong vụ án Vạn Thịnh Phát.
RFA, 18/11/2023
Hai cựu chủ tịch Hội đồng quản trị cùng năm cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) bị truy nã sau khi bị khởi tố vì liên quan đại án Vạn Thịnh Phát.
Khách hàng đến đòi tiền tại chi nhánh ngân hàng SCB tại địa chỉ 256 đường Trần Phú, Thành phố Đà Nẵng
Tổng cộng bảy cựu lãnh đạo ngân hàng SCB bị C03 khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 25/10 để điều tra hai nhóm tội : vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và tham ô tài sản
Tuy nhiên, bảy người này đều được cho là "bỏ trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu" nên ngày 29/10, C03 ra lệnh truy nã và yêu cầu các bị can ra đầu thú để "được hưởng khoan hồng".
Bảy bị can, gồm hai cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB là bà Nguyễn Thị Thu Sương và ông Đinh Văn Thành ; cựu Phó tổng giám đốc SCB là ông Chiêm Minh Dũng ; ông Trầm Thích Tồn, cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB ; ông Sun Henry Ka Ziang (quốc tịch Trung Quốc), thành viên Hội đồng quản trị SCB ; ông Lam Lee George (quốc tịch Canada), cựu Thành viên Hội đồng quản trị SCB và ông Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu Phó giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành.
Bảy người này bị xác định liên quan vụ án Tham ô tài sản ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ; Rửa tiền ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.
Vụ Vạn Thịnh Phát cùng với các bê bối khác như AIC FLC, Đăng kiểm được xếp vào các vụ án trọng điểm, được Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phải "xử lý dứt điểm" và được cho là "sẽ kết thúc điều tra, truy tố xét xử" trong năm 2023.
Đã khởi tố bao nhiêu người vụ Vạn Thịnh Phát ?
Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị, tổ chức có liên quan bị C03 khởi tố hồi tháng 10/2022 đã lên tới 39 bị can.
Trong đó, ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cùng tội danh, phía C03 cũng khởi tố bà Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor ; bà Nguyễn Phương Hồng ; Trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ông Hồ Bửu Phương, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bà Hồng sau đó được báo chí đưa tin là qua đời nhưng chỉ vài đồng hồ sau, tin tức này bị gỡ bỏ. BBC khi đó đã liên hệ với cơ sở mai táng cho bà Hồng. Cơ sở này đã xác nhận có thực hiện dịch vụ tang lễ cho bà Hồng.
Việc tỷ phú Trương Mỹ Lan bị bắt giữ đã dẫn đến việc người dân ồ ạt kéo đến các chi nhánh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để rút tiền vì nghi vấn bà Lan có chân trong Hội đồng quản trị của ngân hàng này. Tuy nhiên, SCB đã ra thông cáo bác bỏ.
Ngay thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát thông báo khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn để giữ ổn định tình hình.
Sau đó, đến ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt.
Ngày 19/12/2022, C03 cho biết đã khởi tố hai vụ án và 27 bị can liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, tuy nhiên không nêu rõ danh tính.
Tới tháng 3/2023, C03 đã khởi tố thêm năm bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành do Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước) chủ trì.
Trong đó, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục thanh tra, giám sát ngân hàng 2 (thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng), làm trưởng đoàn. Bà Nhàn bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tới ngày 25/10, thêm bảy cựu lãnh đạo ngân hàng SCB bị khởi tố, bắt tạm giam và ra lệnh truy nã vào 29/10, nâng số bị can trong đại án Vạn Thịnh Phát lên 39 người.
Bà Trương Huệ Vân và Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam hồi tháng 10/2022, hình của Bộ Công an Việt Nam
Bao nhiêu người bị hại, họ nói gì ?
Bước đầu, C03 xác định Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của khoảng 42.000 nhà đầu tư.
Theo C03, đây là số bị hại rất lớn, nhưng đến nay mới chỉ gần một nửa số này đến làm việc với công an.
Tuy nhiên, dù gọi là nhà đầu tư nhưng rất nhiều người bị hại cho rằng mình thành nhà đầu tư bất đắc dĩ bởi lẽ ngay từ đầu họ không nhận thức được việc mình bỏ tiền ra là mua trái phiếu, chứ không phải bỏ tiền vô tài khoản tiết kiệm.
Sự việc vỡ lở khi ông Nguyễn Tiến Thành, khi đó là Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng quản trị độc lập SCB đột ngột qua đời vào ngày 6/10/2022 tại nhà.
Tới rạng sáng ngày 7/10/2022, công an đã có mặt khám xét nơi ở của bà Trương Mỹ Lan và ngày 8/10, bà Lan cùng những người có liên quan chính thức bị khởi tố, bắt tạm giam với tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Hai sự việc lớn diễn ra sát nhau khiến nhiều người gửi tiền ở ngân hàng SCB khi ấy rơi vào hoang mang, dẫn đến việc ồ ạt rút tiền vì sợ rằng ngân hàng sẽ bị sụp đổ.
Đến thời điểm này, nhiều người mới "té ngửa" rằng, số tiền gửi tiết kiệm ở SCB hóa ra là hợp đồng mua trái phiếu. Sự việc này dẫn đến làn sóng biểu tình ôn hòa của người bị hại tại các trụ sở, chi nhánh SCB khắp cả nước.
Tháng 4/2023, Cơ quan cảnh sát cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức nhận đơn kiện tập thể của 92 cá nhân tố cáo SCB có hành vi chiếm đoạt số tiền tổng cộng gần 160 tỉ đồng.
Theo đơn tố cáo, người dân cho biết nhân viên ở Ngân hàng SCB đã tư vấn mập mờ khiến họ hiểu nhầm rằng đang tham gia hình thức gửi tiết kiệm "linh hoạt 31 ngày", được rút tiền và nhận lãi suất cao hơn gửi thông thường, nhưng thực chất là hợp đồng mua trái phiếu.
Người dân không hề hay biết gì về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, không được lựa chọn mã trái phiếu mà do phía ngân hàng mặc định. Đến nay họ vẫn không rút được tiền lãi và gốc như được cam kết.
Hồi đầu tháng 10 này, sau thông báo của C03 về tìm kiếm người bị hại, nhiều người đã nộp đơn đến cơ quan gần nhất. Trong số đó có bà Nguyễn Hồng Nga, 60 tuổi, ngụ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã nộp đề tố cáo về việc gian dối trong phát hành trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.
Đã về hưu được gần sáu năm, bà Nga có một số tiền dành dụm được sau nhiều năm làm lụng cũng như được con cháu, chị em cho và gửi nhờ, tổng cộng số tiền là khoảng 500 triệu.
Bà lâu nay vẫn thường gửi tiết kiệm tại ngân hàng SCB gần nhà nên cũng tiếp tục bỏ số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm của mình.
Nhưng khoảng tháng 8/2022, bà Nga được nhân viên của SCB chi nhánh số 44 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội tư vấn rằng ngân hàng mới ra mắt gói tiết kiệm linh hoạt, rút tiền và nhận lãi suất cao hơn gửi có kỳ hạn.
Cũng như bao nhiêu nạn nhân "sập bẫy" trong vụ mua trái phiếu của An Đông, Quang Thuận, bà Nga không hề hay biết mình đã đặt bút ký ủy nhiệm chi để mua trái phiếu, chứ không phải là gửi tiết kiệm.
"Tôi không hiểu trái phiếu An Đông là gì cả. Nhân viên nói với tôi rằng gói gửi tiết kiệm lãi suất cao, là sản phẩm của SCB và có thể rút tiền sau 31 ngày mà vẫn có lãi. Tôi tin tưởng SCB là ngân hàng top 10 uy tín Việt Nam nên đồng ý gửi. Họ cho tôi ký vào rất nhiều giấy tờ, nhiều hơn thường lệ, nhưng chỉ đưa phần cuối mỗi tờ, chỗ ký tên và bảo mình ký chỗ họ đánh dấu", bà Nga thuật lại với BBC.
Bà Nga chỉ nhận ra số tiền tiết kiệm cả đời của mình đã vào trái phiếu khi những tin đồn về SCB nổ ra sau khi theo những người khác đến ngân hàng rút tiền nhưng không được.
Tổng cộng số tiền mà bà Nga gửi tiết kiệm nhưng biến thành trái phiếu An Đông là 500 triệu VND với mã HD 185-003389/FLEX.ADC/2019.1/HĐMB. Đây là một trong những mã trái phiếu mà trái chủ đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định là bị hại trong vụ án.
Số "nhà đầu tư" bất đắc dĩ vì bị lừa với kiểu chào mời về sản phẩm trái phiếu một cách lập lờ, người ký vào hợp đồng hầu hết không được cung cấp thông tin về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, không được lựa chọn mã trái phiếu ngày càng tăng lên. Số tiền mà những nạn nhân bỏ ra cũng theo đó nhân lên.
Cũng như bà Nga, bà Bảo Ngọc ở Hải Phòng nói với BBC hồi 5/10 rằng, cho tới khi ông Nguyễn Tiến Thành đột tử và bà Trương Mỹ Lan bị bắt thì mới "té ngửa" rằng số tiền gần 1,5 tỷ đồng bà bỏ vào SCB là trái phiếu chứ không phải tài khoản tiết kiệm.
Những video bà Ngọc cho BBC xem đều cho thấy mọi giao dịch đều diễn ra tại ngân hàng, do nhân viên SCB phụ trách và không có bên thứ ba là công ty An Đông hay Quang Thuận.
Ngay trước khi có lời kêu gọi tìm người bị hại của C03, bà Ngọc và những nạn nhân khác cũng đã họp lại với nhau gửi hơn chục đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng, chầu chực ở các điểm được gọi là tiếp nhận thông tin của SCB nhưng bà cho biết cũng không đạt được kết quả gì.
Bà Ngọc cũng tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa trước các trụ sở, chi nhánh của SCB trên cả nước để đòi quyền lợi. Bà cùng những người bị hại khác bỏ tiền ra in ấn các băng rôn, biểu ngữ và áo thun với những dòng chữ in như "SCB lừa đảo" hay "Cầu cứu nhà nước, chính phủ cứu người dân bị lừa mua trái phiếu tại ngân hàng SCB".
Vụ việc khách hàng phản ánh bị sập bẫy' trái phiếu công ty An Đông, Quang Thuận bán tại SCB chưa được giải quyết triệt để thì hồi tháng 6, Bộ Công an cho biết đã tiếp nhận 579 đơn tố cáo liên quan đến việc người dân gửi tiền tiết kiệm ở SCB bị chuyển thành bảo hiểm nhân thọ của Manulife.
SCB có vai trò gì ?
Hầu hết những nạn nhân đã nộp đơn cho cơ quan điều tra mà BBC tiếp xúc đều nhấn mạnh rằng, trong suốt quá trình tư vấn về gói tiết kiệm lãi suất cao linh hoạt mới, nhân viên SCB không đề cập tới từ "trái phiếu" hay tên của các công ty như An Đông, Quang Thuận.
Họ nói rằng vì họ không đủ kiến thức về chứng khoán cũng như không đọc hết thảy nội dung mà họ ký vào, ̣nhiều nhân viên SCB đã "đánh lận con đen", để những khách hàng gởi tiền tiết kiệm ký vào các hợp đồng mua trái phiếu.
Cho tới tận bây giờ, khi làm đơn tố cáo lên chính quyền, nhiều nạn nhân vẫn không biết mã trái phiếu của mình là gì. Như vậy, những người mua trái phiếu này không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và vì vậy, việc họ được mua trái phiếu là không phù hợp với quy định pháp luật, theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Người dân biểu tình đòi ngân hàng SCB và công ty chứng khoán Tân Việt trả tiền trước trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội
Luật sư Phùng Thanh Sơn nhận định với BBC hồi 5/10, cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm cho SCB không thiếu, quan trọng là nhà nước sẽ chọn bảo vệ quyền lợi của 42.000 bị hại hay là an ninh tài chính, tiền tệ của quốc gia.
"Khởi sự là khách hàng đến SCB để gửi tiết kiệm chứ không phải là để mua trái phiếu. Khách hàng mua trái phiếu trên cơ sở tư vấn của nhân viên SCB, SCB là đơn vị trung gian trong các giao dịch này. Mối quan hệ giữa SCB và người mua trái phiếu là mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Do đó, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được áp dụng trong việc xem xét trách nhiệm của SCB đối với người dân", luật sư phân tích.
Luật sư dẫn Điều 13 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, quy định là khi thông tin hàng hoá, dịch vụ được cung cấp thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba đó có trách nhiệm :
(i) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp ;
(ii) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ.
Khoản 1 Điều 42 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định rõ : "1. Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ".
Luật sư Phùng Thanh Sơn giải thích, nếu SCB là đơn án vị bảo lãnh phát hành, đại lý phân phối nhưng không nói rõ mà mập mờ với khách hàng SCB là đơn vị bảo lãnh làm cho khách hàng nhầm lẫn SCB là đơn vị bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu đó nên mới đồng ý mua thì SCB có hành vi lừa dối khách hàng.
"SCB là bên có lỗi, gây ra hiểu nhầm cho khách hàng. Do đó, theo khoản 4 Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 thì SCB có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng", theo luật sư.
Nguồn : BBC, 30/10/2023
Gần tròn một năm sau khi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, nhiều người bị sập bẫy mua trái phiếu của các công ty thuộc tập đoàn này vẫn sống trong khổ sở, chạy vạy đưa đơn khiếu nại, cầu cứu.
Người dân biểu tình trước các ngân hàng SCB để đòi lại tiền ký thác trái phiếu
Chiều 2/10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, cơ quan điều tra đã phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Theo kết quả điều tra đến nay, xác định được từ năm 2018-2020, các bị can có liên quan tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các công ty con thuộc tập đoàn cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu.
Nạn nhân của vụ lừa đảo này đã lên đến con số 42.000 người, với số tiền 30.000 tỷ đồng. Người bị hại còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu mã : ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 đã được kêu gọi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh, thành phố để làm việc.
Ngay khi nhận thông báo của chính quyền, vào ngày 2/10, bà Nguyễn Hồng Nga, 60 tuổi, ngụ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã nộp đơn tố cáo về việc gian dối trong phát hành trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.
Là nhà đầu tư 'bất đắc dĩ'
Đã về hưu được gần sáu năm, bà Nga có một số tiền dành dụm được sau nhiều năm làm lụng cũng như được con cháu, chị em cho và gửi nhờ, tổng cộng số tiền là khoảng 500 triệu. Bà lâu nay vẫn thường gửi tiết kiệm tại ngân hàng SCB gần nhà nên cũng tiếp tục bỏ số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm của mình.
Nhưng khoảng tháng 8/2022, bà Nga được nhân viên của SCB chi nhánh số 44 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội tư vấn rằng ngân hàng mới ra mắt gói tiết kiệm linh hoạt, rút tiền và nhận lãi suất cao hơn gửi có kỳ hạn.
Cũng như bao nhiêu nạn nhân "sập bẫy" trong vụ mua trái phiếu của An Đông, Quang Thuận, bà Nga không hề hay biết mình đã đặt bút ký ủy nhiệm chi để mua trái phiếu, chứ không phải là gửi tiết kiệm.
"Tôi không hiểu trái phiếu An Đông là gì cả. Nhân viên nói với tôi rằng gói gửi tiết kiệm lãi suất cao, là sản phẩm của SCB và có thể rút tiền sau 31 ngày mà vẫn có lãi. Tôi tin tưởng SCB là ngân hàng top 10 uy tín Việt Nam nên đồng ý gửi. Họ cho tôi ký vào rất nhiều giấy tờ, nhiều hơn thường lệ, nhưng chỉ đưa phần cuối mỗi tờ, chỗ ký tên và bảo mình ký chỗ họ đánh dấu", bà Nga thuật lại với BBC.
Sau hơn 10 ngày, bà Nga chưa thấy nhân viên gọi đến lấy hợp đồng nên hỏi lại người đã tư vấn cho bà thì được họ trấn an, bảo rằng có ủy nhiệm chi rồi thì cứ yên tâm.
"Sau đó, tôi nhận được hợp đồng thì lại thấy bên nhận tiền là Công ty CP chứng khoáng Tân Việt, tôi mới hỏi cậu tư vấn viên thì họ vẫn nói là sản phẩm của SCB, tôi cũng nghĩ có hợp đồng trong tay thì cất đi thôi, không còn lo nghĩ gì", bà Nga nhớ lại.
Thông cáo của Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Cho tới ngày 7/10/2022, khi Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập SCB, ông Nguyễn Tiến Thành đột ngột qua đời thì bà Nga nhận được điện thoại từ các tư vấn viên của chi nhánh SCB ở Ngô Thì Nhậm nói trên.
"Cậu tư vấn viên gọi và nói tôi rằng ông Thành bị đột tử và hiện có nhiều tin đồn tiêu cực về SCB, kêu tôi đừng nghe. Tới hôm sau, tôi ra SCB thì được phát tờ thông báo của Ngân hàng Nhà nước kêu gọi người dân yên tâm, bình tĩnh nên tôi cũng đi về.
"Sau đó, sự việc vỡ lỡ ra, người ta kéo đến SCB và nói việc gửi tiết kiệm nhưng thực chất là mua trái phiếu thì cậu tư vấn viên lúc ấy mới bảo để cậu ấy xem hồ sơ của tôi. Xong cậu ấy bảo đây không phải sản phẩm SCB mà là trái phiếu An Đông mà, tôi mới nói rằng chính nhân viên ngân hàng tư vấn gói tiết kiệm linh hoạt của SCB chứ tôi làm gì biết An Đông nào.
"Họ mới mở hợp đồng ra và chỉ cho tôi chữ viết tắt chữ ADC gì đó, tôi hỏi tiếp sao cháu nói với cô rằng đây là gửi tiết kiệm mà thành ra trái phiếu là thế nào. Cậu này mới bảo tôi cứ bình tĩnh, rằng sẽ chịu trách nhiệm nhưng tôi nói chỉ muốn lấy lại tiền mà thôi. Cậu tư vấn viên ấy bảo vậy thì cháu bán thử xem có ai mua thì cô lấy lại tiền được không", bà Nga kể lại với BBC.
Bà Nga đã đến cơ quan công an để làm đơn khiếu nại và nhận được giấy xác nhận rằng đơn của bà đã được tiếp nhận. "Họ nói tôi cứ về nhà, chờ đến khi công an gọi lên lấy lời khai thì đem theo tất cả chứng từ, hợp đồng lên".
Tổng cộng số tiền mà bà Nga gửi tiết kiệm nhưng biến thành trái phiếu An Đông là 500 triệu VND với mã HD 185-003389/FLEX.ADC-2019.1/HĐMB. Đây là một trong những mã trái phiếu mà trái chủ đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định là bị hại trong vụ án.
Gần tròn một năm sau vụ việc, bà Nga cũng như nhiều người khác, vẫn chưa rõ số tiền mà họ ngỡ là gửi tiết kiệm có lãi suất cao, linh hoạt đã đi về đâu và sẽ được giải quyết như thế nào.
Số "nhà đầu tư" bất đắc dĩ vì bị lừa với kiểu chào mời về sản phẩm trái phiếu một cách lập lờ, người ký vào hợp đồng hầu hết không được cung cấp thông tin về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, không được lựa chọn mã trái phiếu ngày càng tăng lên. Số tiền mà những nạn nhân bỏ ra cũng theo đó nhân lên.
Có người vì không thể rút tiền mặt, trong khi cũng phải vay ngân hàng xoay vòng để đầu tư đất đai nên rơi vào thế "tiền mất tật mang" khi thị trường bất động sản đóng băng.
"Tôi tưởng mình gửi tiết kiệm lãi suất cao ở SCB, rút ra khi nào cũng được, bây giờ vỡ lẽ ra thì là mua trái phiếu mà còn không có giá trị gì, dồn tôi vào đường cùng vì phải trả lãi ngân hàng, đất đai thì không bán được miếng nào khiến cho tôi bây giờ 50 tuổi phải đi phụ hồ để kiếm ăn hàng ngày. Ai có ngờ mình được chính nhân viên ngân hàng tư vấn, ngay tại chi nhánh của ngân hàng mà thành ra bị lừa mua trái phiếu đâu chứ", ông Trung Long, một môi giới nhà đất tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC.
Khách hàng đến đòi tiền tại chi nhánh ngân hàng SCB tại địa chỉ 256 đường Trần Phú, Thành phố Đà Nẵng
SCB có vai trò gì ?
Hầu hết những nạn nhân đã nộp đơn cho cơ quan điều tra mà BBC tiếp xúc đều nhấn mạnh rằng, trong suốt quá trình tư vấn về gói tiết kiệm lãi suất cao linh hoạt mới, nhân viên SCB không đề cập tới từ "trái phiếu" hay tên của các công ty như An Đông, Quang Thuận.
Họ nói rằng vì họ không đủ kiến thức về chứng khoán cũng như không đọc hết thảy nội dung mà họ ký vào, ̣nhiều nhân viên SCB đã "đánh lận con đen", để những khách hàng gởi tiền tiết kiệm ký vào các hợp đồng mua trái phiếu.
Cho tới tận bây giờ, khi làm đơn tố cáo lên chính quyền, nhiều nạn nhân vẫn không biết mã trái phiếu của mình là gì. Như vậy, những người mua trái phiếu này không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và vì vậy, việc họ được mua trái phiếu là không phù hợp với quy định pháp luật, theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Người dân mua trái phiếu thông qua SCB phản đối đòi tiền tại chi nhánh ngân hàng SCB ở địa chỉ số 316 Trần Hưng Đạo, Tỉnh Bắc Ninh
Luật sư Phùng Thanh Sơn nhận định với BBC, cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm cho SCB không thiếu, quan trọng là nhà nước sẽ chọn bảo vệ quyền lợi của 42.000 bị hại hay là an ninh tài chính, tiền tệ của quốc gia.
"Khởi sự là khách hàng đến SCB để gửi tiết kiệm chứ không phải là để mua trái phiếu. Khách hàng mua trái phiếu trên cơ sở tư vấn của nhân viên SCB, SCB là đơn vị trung gian trong các giao dịch này. Mối quan hệ giữa SCB và người mua trái phiếu là mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Do đó, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được áp dụng trong việc xem xét trách nhiệm của SCB đối với người dân", luật sư phân tích.
LS dẫn Điều 13 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, quy định là khi thông tin hàng hoá, dịch vụ được cung cấp thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba đó có trách nhiệm :
(i) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp ;
(ii) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ.
Khoản 1 Điều 42 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định rõ : "1. Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ".
Trong khi đó, bà Bảo Ngọc ở Hải Phòng nói với BBC rằng, cho tới khi ông Nguyễn Tiến Thành đột tử và bà Trương Mỹ Lan bị bắt thì mới "té ngửa" rằng số tiền gần 1,5 tỷ đồng bà bỏ vào SCB là trái phiếu chứ không phải tài khoản tiết kiệm.
Những video bà Ngọc cho BBC xem đều cho thấy mọi giao dịch đều diễn ra tại ngân hàng, do nhân viên SCB phụ trách và không có bên thứ ba là công ty An Đông hay Quang Thuận.
"Nhân viên nói rằng đây là sản phẩm tiết kiệm gửi linh hoạt, 31 ngày là có thể rút được tiền mà không bị mất lãi, giống như gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Họ nói rằng đây là hệ sinh thái của ngân hàng, là sản phẩm như tiết kiệm không rủi ro gì. Rồi mình ủy nhiệm chi cho họ làm hợp đồng. Nếu tôi biết là trái phiếu thì từ đầu sẽ không tham gia", bà Ngọc nói với BBC.
Trong vụ việc này, theo LS Sơn, ngân hàng SCB là bên thứ ba. Do đó, trước cáo buộc SCB "dụ" khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu doanh nghiệp thì SCB có nghĩa vụ chứng minh mình đã cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho khách hàng về loại trái phiếu mà SCB đã chào bán cho khách hàng của mình.
"Nhân viên SCB tư vấn, cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ thì SCB vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu SCB không chứng minh được mình đã làm tròn trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ về loại trái phiếu mà SCB chào bán cho khách hàng thì SCB là người có lỗi và phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Cơ quan tiến hành tố tụng không thể yêu cầu người bị thiệt hại chứng minh SCB có lỗi mà SCB phải chứng minh mình không có lỗi", LS Sơn phân tích.
Tuy nhiên, trong suốt một năm qua, bà Ngọc cùng nhóm những người bị lừa mua trái phiếu đã gửi hơn một chục đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng, chầu chực ở các điểm được gọi là tiếp nhận thông tin của SCB nhưng cũng không đạt được kết quả gì.
"Chúng tôi đã rất nhiều lần lên ngân hàng để làm việc nhưng họ cứ trốn tránh, nói rằng thời điểm này ngân hàng chưa có câu trả lời chính xác.Họ thành lập những điểm tiếp nhận thông tin của khách hàng tại một số điểm giao dịch. Nhưng khi chúng tôi đến thì họ trả lời rất thoái thác, không nói thẳng vào vấn đề. Chưa kể, có khi họ đóng cửa không tiếp chúng tôi, hoặc nếu có tiếp thì chỉ nhận những người mua trái phiếu tại chi nhánh đó, còn những chi nhánh khác thì không nhận, không trả lời được vì sao gửi tiết kiệm lại biến thành trái phiếu", bà Ngọc phản ánh.
Ông Trung Long thì nói thêm với BBC rằng, SCB không hề nhận sai trong việc nói lập lờ, khiến khách hàng của ngân hàng nghĩ là họ gửi tiết kiệm lãi suất cao nhưng bị dụ ký vào hợp đồng mua trái phiếu.
"Tôi cũng đối chất với đại diện của SCB rằng, nếu như tôi sai thì sao có hàng trăm, hàng chục ngàn người nghe nhầm, hiểu sai giống như tôi. Ai cũng nghe tư vấn giống nhau, gói tiết kiệm linh hoạt 31 ngày. Vì vậy, rõ ràng SCB cố tình lừa dối khách hàng có hệ thống, trên diện rộng. Họ còn dùng dữ liệu của chúng tôi nên mới biết ai có bao nhiêu tiền tiết kiệm để dụ mua trái phiếu, khi chúng tôi không có đầy đủ nhận thức việc giao dịch này", ông Long giải thích.
Nhiều cuộc biểu tình ôn hòa với hàng trăm người đã nổ ra trước các trụ sở, chi nhánh của SCB trên cả nước để đòi quyền lợi. Họ mặc áo đỏ với những dòng chữ in như "SCB lừa đảo" hay "Cầu cứu nhà nước, chính phủ cứu người dân bị lừa mua trái phiếu tại ngân hàng SCB".
Luật sư Phùng Thanh Sơn giải thích, nếu SCB là đơn án vị bảo lãnh phát hành, đại lý phân phối nhưng không nói rõ mà mập mờ với khách hàng SCB là đơn vị bảo lãnh làm cho khách hàng nhầm lẫn SCB là đơn vị bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu đó nên mới đồng ý mua thì SCB có hành vi lừa dối khách hàng.
"SCB là bên có lỗi, gây ra hiểu nhầm cho khách hàng. Do đó, theo khoản 4 Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 thì SCB có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng", theo luật sư.
Bà Ngọc nói với BBC rằng bà không hề thấy nỗ lực nào từ phía SCB trong việc giải quyết nhu cầu khách hàng, những người đem đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, là tiền cả đời tích góp đến gửi ngân hàng.
"Khi SCB không đưa ra được những văn bản đề xuất hướng giải quyết cho chính phủ hay cho những nạn nhân như chúng tôi thì SCB chỉ nói mồm chứ chưa thực hiện gì", bà Ngọc bức xúc.
Nguồn : BBC, 05/10/2023