Truyền thông nhà nước và quốc tế đồng loạt đưa tin cho hay : Ngày 14/12/2021, tức hôm nay, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội sẽ xét xử bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (Phạm Đoan Trang) về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", và theo báo Công An Nhân Dân ngày 13/12 thì "Đây là đối tượng có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết, trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc, chống phá, phỉ báng đường lối, chính sách của Nhà nước ta" theo Điều 88 của Bộ luật hình sự năm 1999.
Được biết, nhà báo nữ tự do Phạm Đoan Trang bị bắt vào ngày 7/10/2020, năm nay 43 tuổi, từng tốt nghiệp Trường Hà Nội- Amsterdam và Đại học Ngoại thương Hà Nội ; làm phóng viên báo điện tử Vnexpress, nhân viên Công ty quảng cáo HAKI, Công ty Truyền hình kỹ thuật số VTC, cộng tác viên báo Vietnamnet và phóng viên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2013, Phạm Đoan Trang xuất cảnh đi nước ngoài không xin phép nên đã bị kỷ luật buộc thôi việc.
Theo cáo buộc chính thức của ngành tư pháp nhà nước thì Phạm Đoan Trang phạm rất nhiều tội, tóm tắt theo bản tin của báo Công An Nhân Dân cùng ngày nêu trên, như sau : Trong lần xuất cảnh trái phép nêu trên, Phạm Đoan Trang đã bị một số đối tượng phản động móc nối, lôi kéo vào con đường tội lỗi, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ; đã trực tiếp thành lập và tham gia điều hành nhiều hội, nhóm bất hợp pháp, như : Nhóm "Du ca Sài Gòn", "Tuổi trẻ làm đẹp quê hương" và lợi dụng danh nghĩa biểu diễn ca nhạc, bảo vệ môi trường để tụ tập, truyền bá các ca khúc thời Việt Nam cộng hòa, tập hợp một số đối tượng trong giới văn nghệ sĩ, trí thức trẻ để chống đối… ; lập và điều hành các trang mạng, như : "Luật khoa tạp chí", "Phamdoantrang.com", "The Vietnamese", để viết, tán phát các nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động chống đối, kêu gọi biểu tình, lật đổ chế độ ; đã biên soạn nhiều cuốn sách có nội dung xấu, xuyên tạc, bôi nhọ thể chế chính trị, tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; móc nối và nhận tài trợ từ các đối tượng phản động của VOICE (một tổ chức ngoại vi của tổ chức khủng bố Việt Tân), thành lập trang fanpage "Nhà xuất bản Tự do", viết, tán phát nhiều cuốn sách có nội dung xấu, xuyên tạc, bôi nhọ thể chế chính trị, tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… và phát tán trên không gian mạng. Với nhận thức và hoạt động chống phá mù quáng, Phạm Đoan Trang đã được các thế lực thù địch tài trợ, hậu thuẫn và cổ xúy trao tặng cái gọi là giải thưởng nhân quyền Homo Homini, đề cử giải thưởng tự do báo chí. Hoạt động chống phá của Phạm Đoan Trang làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh trật tự, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận và nhân dân…
Sau khi liệt kê hàng loạt tội phạm như trên, báo Công An Nhân Dân đã đưa ra một kết luận chắc nịch : Phạm Đoan Trang sẽ bị trừng trị bằng bản án nghiêm khắc của pháp luật !
Với kết luận của báo ngành công an như thế trên, thì mặc dù tòa chưa xử, ai cũng có thể suy đoán Phạm Đoan Trang sẽ phải đối đầu với một bản án không nhẹ đã được tính sẵn rất kỹ (quen gọi án "bỏ túi") vì vụ án này đang được cả thế giới bao gồm các tổ chức bảo vệ nhân quyền quan tâm theo dõi rất sát, và hầu như chắc chắn sẽ không có trường hợp tha bổng.
Kết quả xét xử chưa biết cụ thể thế nào, nhưng nếu kết luận trước "sẽ bị trừng trị bằng bản án nghiêm khắc" thì đây là điều vi phạm rất nặng đối với một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật là nguyên tắc suy đoán vô tội, mà theo khoản 1, Điều 31 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 thì "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Đây là cái bệnh chung của ngành công an và tư pháp Việt Nam, cần phải được khắc phục nếu muốn chấn chỉnh lành mạnh hóa tư pháp. Có trường hợp người ta còn cho xuất bản những số báo đặc biệt để kết tội bị can trước khi đưa ra tòa án xét xử, như trường hợp vụ án Cimexcol Minh Hải hồi năm 1987…
Trước vụ án Phạm Đoan Trang, dư luận xã hội có lẽ sẽ biểu hiện bằng những thái độ khác nhau : đa số người dân không quan tâm, một số khác tuy có quan tâm nhưng coi là sự việc đã được chính quyền ấn định sẵn trước, chỉ tội cho một người phụ nữ chân yếu tay mềm sắp phải rơi vào vòng lao lý ; một số người khác nữa tin nhà nước làm gì cũng đúng, như các thông tin đã được loan tải, và theo cái cách đưa tin của truyền thông nhà nước thì việc đưa Phạm Đoan Trang ra tòa lãnh án giống như một tin mừng ; trong khi đó giới trí thức phản biện thì lại cho Phạm Đoan Trang là một phụ nữ tài năng, tâm huyết, vì tin ở hiến pháp mà kiên cường đấu tranh cho nền dân chủ của đất nước.
Nhà thơ Phạm Xuân Nguyên đã vừa cảm khái cho ra mấy vần thơ giản dị :
Hôm nay có một người họ Phạm ra tòa
Cô là Phạm Đoan Trang, không phải phạm nhân
Cô không làm chính trị lãnh đạo, cô chỉ làm chính trị bình dân
Cho dân hiểu mình có quyền dân chủ
Cô muốn đối thoại theo tinh thần xã hội dân sự
Nhưng lại bị biến thành đối thủ phải bắt giam
Hôm nay Phạm Đoan Trang
Ra tòa
Mang trong mình cả luật khoa.
Rồi còn nhà văn Nguyễn Viện nữa, cũng lên tiếng bằng thơ :
Một người tên Đoan Trang nhưng dũng cảm, kiên cường
một người con gái nhưng mạnh mẽ, sắc sảo hơn búa liềm
một công dân bình thường nhưng đủ phi thường cho cường quyền e ngại
và người ấy bị xét xử vì biết nghĩ đến người khác.
Tôi không quen biết chút gì với Phạm Đoan Trang nhưng vì tình người cũng cảm thấy xót xa khi xem bức ảnh lúc chị bị công an bắt dẫn đi và lúc bị điệu ra tòa. Đặc biệt, Phạm Đoan Trang là một phụ nữ có học vấn đàng hoàng, được chế độ xã hội chủ nghĩa đào tạo chính quy (chứ không xài bằng giả) nhưng không đi theo vết mòn danh lợi của đa số sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường, lại viết được cuốn sách có giá trị như cuốn Chính trị bình dân, xứng đáng được coi là một học giả trẻ. Phạm Đoan Trang tuy có bất đồng chính kiến với các nhà đương cuộc nhưng trong tay cũng không một tấc sắc, luôn chủ trương đấu tranh giành dân chủ cho người dân bằng con đường hòa bình bất bạo động, hoàn toàn căn cứ theo những điều đã được Hiến pháp Việt Nam 2013 cho phép.
Một số người cho rằng, những cuốn sách, ấn phẩm của Phạm Đoan Trang giúp nâng cao tri thức cho nhiều người quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội trong nước, truyền được nguồn cảm hứng, kích thích tư duy sáng tạo cho cả giới trẻ lẫn người lớn trong một nền dân khí vốn đã quá bệ rạc vì chính sách ngu dân thành công của những người cộng sản.
Nhưng mặt khác, trong bối cảnh lịch sử hiện tại, với một chế độ độc tài toàn trị, việc Phạm Đoan Trang ra tòa cũng là điều tất yếu, dễ hiểu, cho thấy thân phận chung của phần tử trí thức yêu nước thương dân.
Bởi vì, bản chất cũng như trách nhiệm của trí thức là đối lập, phản biện, phê phán những việc làm sai trái của chính quyền, để giúp chính quyển sửa đổi bằng những chính sách tốt hơn. Đối lập không có nghĩa là chửi rủa vô tội vạ hoặc đả kích cá nhân. Đọc sách của Phạm Đoan Trang, người đọc hầu như không bao giờ bắt gặp những câu chửi rủa thiếu trách nhiệm hoặc tỏ ra có sự căm thù nào ngoài sự căm thù áp bức bất công mà đại đa số dân nghèo thường phải chịu đựng năm này qua năm khác.
Những điều Phạm Đoan Trang tố cáo chính quyền về những sai lầm khuyết điểm, suy cho cùng cũng chính là những điều mà chính quyền cộng sản Việt Nam và Quốc hội đã từng thừa nhận trong rất nhiều bản báo cáo, hội thảo, nghị quyết, và luôn hứa sẽ sửa chữa. Hai bên chỉ khác nhau về câu chữ, phong cách diễn đạt : của Phạm Đoan Trang thì nói thẳng thắn, sinh động hấp dẫn, giống tiếng nói người dân ; của chính quyền thì nói vòng vèo, giáo điều, sử dụng nhiều uyển ngữ theo lối tuyên truyền đã thành cố tật.
Như vậy, nếu nhà cầm quyền thật sự của dân do dân vì dân thì phải biết tôn trọng lắng nghe những "tiếng nói khác", thay vì đàn áp, để bổ sung cho nhận thức của mình về các hiện tình chính trị, chứ sao lại đi bắt bớ cầm tù người ta ? Chính nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay cũng đã rất nhiều lần khích lệ phải "phát huy tự do tư tưởng, tạo mọi điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động nghiên cứu và các mặt công tác trên lĩnh vực lý luận" (trích nghị quyết của Bộ Chính trị, 28/3/1992). "Kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta", nếu hiểu theo nghĩa này, thì cuốn Chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang tuy có khéo léo phê phán chế độ độc tài toàn trị nhưng vẫn đáng được coi là một tác phẩm chính trị thuộc loại xuất sắc có tính khai sáng, giúp tham khảo, bổ sung cho môn Công dân giáo dục đang được giảng dạy tại các nhà trường phổ thông trung học.
Tính ra, Phạm Đoan Trang còn quá hiền lành, từ tốn, chứ không đanh thép dữ dội như các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh, Hồ Chí Minh… khi xưa tuyên truyền vận động chống chế độ thực dân Pháp. Còn như kết án Phạm Đoan Trang xuất cảnh đi nước ngoài không xin phép, hoặc thậm chí "móc nối và nhận tài trợ từ các đối tượng phản động", thì có khác gì việc làm của các cụ thời trước : hai cụ Phan xuất dương bôn ba hải ngoại, gặp đủ mọi thành phần trí thức, chính khách Nhật, Tây, Tàu để cầu viện tìm phương giải phóng dân tộc ; sách báo các cụ viết ra nếu đem gộp in lại còn nhiều gấp cả chục lần Phạm Đoan Trang, mà cuốn nào, bài nào cũng cực lực đả kích nhà cầm quyền Pháp đương thời. Rồi các cụ cũng có lúc phải bị ngồi tù, thường dưới hình thức giam lỏng (gọi là cho "an trí"), cả vua Hàm Nghi chống Pháp cũng vậy, được đối xử rất tử tế (có trợ cấp, người hầu), vì văn hóa văn minh phương Tây với nền báo chí tự do của họ không quan niệm tù chính trị là một loại tội xấu ác có tính tuyệt đối (như tội hình sự trộm cắp giết người), trong sự dự liệu trước rằng còn có những lúc đổi đời, sự tồn tại của một chế độ là không vĩnh viễn : nay là người tù, nhưng mai sau lại là người có công với đất nước ; phạm tội với chính quyền không đồng nghĩa đắc tội với nhân dân, mà có khi còn có ơn với nhân dân. Tại đây, có một ranh giới không rõ ràng giữa công và tội, tương tự như trường hợp một số người bị ở tù vì tội "vi phạm nguyên tắc nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", sau xét lại thì thấy họ là người có công, dám can đảm xé rào để làm được điều tốt cho dân trong điều kiện các quy định, luật pháp của nhà nước đã tỏ ra lạc hậu không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế-xã hội…
Trong chiều hướng chắc chắn sẽ tiến lên của đất nước trong tương lai, luật pháp rồi đây cũng sẽ có rất nhiều thay đổi. Nhiều trường hợp luật pháp không xử công bằng được trong hiện tại, thì phải đợi sự phán xét mai sau của lịch sử.
Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang đã không được may mắn bằng các cụ hoạt động cách mạng tiền bối thời Pháp thuộc. Chị đã bị giam giữ tròn một năm (từ tháng 10/2020) trong tình trạng hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, không được thăm nuôi, khám chữa bệnh và cũng không được gặp luật sư. Các luật sư bào chữa chỉ được gặp vào hôm 19/10/2021, mới biết sức khoẻ của chị đã bị sa sút nhiều trong thời gian giam giữ.
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn viết kể lại (đây chỉ tóm tắt vài ý chính), trong 10 lần lấy cung, Phạm Đoan Trang đều bị ép cung nhưng chị từ chối trả lời và yêu cầu phải có luật sư mới khai báo nhưng không được chấp nhận trong suốt quá trình làm việc ; Phạm Đoan Trang không hợp tác, không khai nhận và chưa từng nhận tội ; đã từng bị biệt giam nhưng sau đó được giam chung với những thường phạm khác, cuộc sống trong phòng giam rất khắc nghiệt, không thể tưởng tượng được tại sao mình lại có thể sống được ngần ấy thời gian đã qua trong trại tạm giam với một cơ thể đầy bệnh tật…
Sau khi kể lại vài chi tiết như trên, luật sư Tuấn nêu cảm tưởng : "Tôi không có câu kết nào cho bài viết này. Tôi nghĩ rằng gạch đầu dòng nào trong những câu chữ trên cũng đủ là câu kết cho một câu chuyện dài và những điều bà Trang nói có thể động tới tâm can của những người có lương tri. Với tính cách, tư tưởng và hành động của mình, nếu muốn chọn lựa một cuộc sống bình yên cho bản thân, cho gia đình, chắn chắn bà Phạm Đoan Trang đã không chọn cách quay về Việt Nam sau khi đã có cơ hội sống ở nước ngoài, điều này khiến nhiều đấng mày râu cũng phải cúi đầu. Với tôi, bà Trang là một cây bút thông thái, cần mẫn, chính trực nhưng cũng giống như một số người khác và phần nào đó là chính cả bản thân tôi, có lẽ chúng tôi đã sinh ra nhầm thời". Rồi luật sưcòn phụ chú thêm : "Tôi vẫn luôn mơ về một ngày, sẽ không còn cảnh bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chính kiến mà thay vào đó sẽ là đối thoại để tìm ra giải pháp giải quyết mâu thuẫn xã hội trong hòa bình – ngày đó tới sớm hay muộn nó sẽ quyết định việc đất nước có tiến bộ hơn hay vẫn ngưng đọng, trì trệ…".
Quả là một phụ nữ anh hùng, dũng cảm, kiên cường và trí tuệ, đáng xưng liệt nữ, không thẹn với những tấm gương Bà Trưng, Bà Triệu, bà Bùi Thị Xuân… khi xưa !
Theo sự tìm hiểu lịch sử của tôi, cộng với nhận thức bằng trực giác và kinh nghiệm cá nhân, phụ nữ Việt Nam thường gan dạ dám nghĩ dám đấu tranh cho công lý quyết liệt hơn cánh đàn ông. Trong công cuộc chiến đấu cho công bằng xã hội chống lại mọi hình thức độc tài trong tương lai, người phụ nữ Việt Nam chắc chắn sẽ giữ một vai trò hết sức quan trọng. Thời gian gần đây đã thấy có những Huỳnh Thục Vy, Mẹ Nấm, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Thùy Dương… đều bị tù tội, trong số những người này có thể họ có một vài điểm sai sai hay quá khích gì đó, nhưng căn bản vẫn là những phụ nữ kiên cường đáng kinh nể vì dám đấu tranh không lùi bước cho những điều họ đã xác tín… Trong lãnh vực hoạt động báo chí cũng vậy, một số tổng biên tập tài năng đấu tranh kiên cường nhất cho tự do báo chí tại Việt Nam phần lớn cũng thuộc nữ phái, và họ tuy chưa ngồi tù nhưng cũng đều đã bị cách chức hết rồi !
Theo tôi, trong vụ xử án Phạm Đoan Trang sáng nay, khi vẫn còn có sự lưng chừng giữa công và tội như đã phân tích ở trên, nếu tội mà còn nghi thì nên tha để mở rộng việc hình. Luật hình sự Việt Nam vẫn còn một số điều khoản mập mờ đang trong quá trình hoàn thiện, thì đây cũng là thêm một lý do để áp dụng một nguyên tắc kinh điển khác của luật pháp : "Phải giải thích các điều khoản trong hình luật một cách khoan hồng" (In peonalibus causis benignius interpretandum est).
Trong trường hợp Phạm Đoan Trang, cũng như đối với vài vụ khác sắp xử trong tháng 12 này, nếu các nhà chức trách đã lỡ quyết định "bỏ túi" vụ án rồi mà không tha bổng được thì cho hưởng án treo, hoặc cứ tuyên như mức đã định sẵn, nhưng nên thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng cách giam lỏng (cho an trí một nơi nào đó để kiểm soát), như thực dân Pháp đã làm đối với các cụ nhà nho tù chính trị thời Đông Kinh Nghĩa Thục (1908), tội hệt như Phạm Đoan Trang, thay vì nhốt tù trong những điều kiện khắc nghiệt phi nhân bản.
Vụ án này có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, nếu quý vị thẩm quyền trên ngôi cao chín bệ chịu xử lý vấn đề như trên đề nghị, tôi tin chắc quý vị sẽ nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của dư luận không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới : Việt Nam không chỉ sẽ nhận được thừa thãi nguồn vaccin và thuốc men chữa bệnh Covid-19 cho dân mà còn sẽ nhận được biết bao nguồn tài trợ quốc tế khác nữa để giúp đất nước phát triển. Giữa cái lợi to lớn này với việc cầm tù chỉ mỗi một công dân như Phạm Đoan Trang, xin hỏi quý vị sẽ quyết định chọn theo hướng nào ?
Trần Văn Chánh
Nguồn : Viet-studies, 14/12/2021