Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hai vụ xử án với các ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) và Đinh Ngọc Hệ (tức Út Trọc) gây bất ngờ vì các cơ quan chuyên chính, thuộc lực lượng vũ trang lại là nơi để xảy ra những vấn đề nghiêm trọng, một cựu quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt hôm 02/8/2018.

ut1

Ông Út Trọc đã sử dụng bằng Đại học giả nhiều lần trong quá trình thăng tiến

Đã đến lúc phải xem lại trách nhiệm của quy trình mà các nhân vật này được đưa vào các ngành chuyên chính này và quy trình họ thăng tiến, cũng như xem xét trách nhiệm những người tuyển dụng, đề bạt, xét duyệt, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Đại biểu Quốc hội và nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng trên từ Sài Gòn nêu quan điểm.

Hai nhân vật Vũ Nhôm và Út Trọc có những điểm 'đồng dạng' khi đều là những 'đại gia mới nổi', đều có quân hàm 'phiên ngang đặc cách' trong hai ngành Công an và Quân đội, lại có quan hệ với nhiều quan chức cấp cao trong hai ngành này, tuy nhiên các vụ xử đều diễn ra rất 'kín đáo', đâu là lý do và còn có những 'góc khuất gì hay không' mà phải xử kín đáo như vậy, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam nói với Bàn tròn cũng từ Sài Gòn.

Hai quan chức vừa bị xét xử và tuyên án trong hai ngành đầy quyền lực nói trên ở Việt Nam có thể không phải là 'những nhân vật chính' ở trong hai vụ án, mà những nhân vật chính có thể 'đứng đằng sau', không chỉ là các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp đã 'lộ mặt' như truyền thông chính thức nhà nước đã công bố, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách IDS (đã tự giải thể) từ Hà Nội nêu giả thuyết.

Hai vụ xử rất 'khó hiểu' và có thể đây chỉ là lý do để 'người ta đưa các ông này' ra xét xử thôi, còn đằng sau có thể có những chuyện khác mà công luận không thể biết được và chính đó cũng là lý do mà người ta đã xử kín cả hai phiên tòa, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt Online từ Warsaw, Ba Lan nhận định.

Mổ xẻ thực chất thể chế ?

Trước hết, Luật sư Trần Quốc Thuận nói với Bàn tròn thứ Năm từ London :

"Nhận xét đầu tiên khi vụ án xảy ra, lúc đầu là vụ Vũ Nhôm rồi Út Trọc thì ở Việt Nam bắt đầu từ các trang mạng xã hội đã gây nên một làn sóng rất lớn. Vụ án xảy ra như chúng ta thấy xảy ở hai cơ quan mà có thể nói là thuộc về nền an ninh quốc phòng tại Việt Nam.

"Trong đó đáng chú nhất là vụ xảy ra tại Bộ Công an. Như tôi đã nói nhiều lần, Bộ Công an, Đảng Cộng sản coi như là thanh bảo kiếm. Có nhiều lúc tại Bộ Công an còn treo khẩu hiệu ''Còn đảng thì còn cha [mình] !''.

"Trong thời chiến và nhất là trong thời bình thì vai trò của Bộ Công an là rất lớn. Nhưng trong vụ này tôi thấy nó liên quan đến hầu hết các cục ở trong Bộ Công an, từ Tổng cục An ninh đến Tổng cục Tình báo rồi đến Tổng cục Cảnh sát, an ninh phòng chống tội phạm rồi cục Hậu cần, v.v...

"Điều này khiến cho tôi và nhiều người thấy rất là bất ngờ. Bất ngờ ở chỗ một cơ quan chuyên chính như vậy lại phạm nhiều sai lầm. Những người có liên quan thì có người bị kết án, có người bị kỷ luật hạ quân hàm cấp bậc, một số Trung tướng rồi các Thượng tướng.

"Và tiếp theo là Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng về mặt lý thuyết hay về nguyên tắc, họ là nơi quản lý đất đai, ruộng đất vì khu nào cũng là khu quốc phòng. Nhưng những khu quốc phòng đó dần dần lại chuyển thành những khu kinh tế và họ kinh doanh mua bán trái phép trên đó.

"Nhưng mà những hoạt động sai phạm đó thì nó liên quan đến hai nhân vật là Vũ Nhôm và Út Trọc. Rõ ràng hai nhân vật này đúng ra là hai nhân vật xã hội đen, là những thành phần không ra gì cả, nhưng mà bị hư đốn như thế thì rõ ràng là câu chuyện bên móc giáp thành lập những tổ chức như là [trong vụ] Phan Văn Anh Vũ, gọi là những Công ty Bình phong.

Công ty bình phong là những công ty thành lập ra để thực hiện những nghiệp vụ về an ninh, về tình báo hay là phòng chống tội phạm. Nơi đó là nơi họ hay phát ra những tin này tin kia, góp nhặt thế này thế kia, thì hóa ra những công ty đó là những công ty tiêu cực, những công ty ăn chơi và kinh doanh mua bán trên đó. Rất là kinh khủng.

"Cho nên những con người như thế mà để xây dựng [chế độ], mà họ lại vào trong bộ máy là an ninh quốc gia, giữ sự sống còn của một cái chế độ thì rõ ràng đứng trước vụ án, người ta nghĩ rằng không biết những người liên quan khác nữa thì sao và trong vụ án đó, trách nhiệm thì sao ?

"Và rõ ràng như tôi nói quy trình đề bạt những người đó là qua một quy trình rất chặt chẽ, đặc biệt là khi lên đến Thượng tướng, rồi lên đến Thứ trưởng. Hồ sơ đề bạt lên Thứ trưởng là đã đi qua cái phòng [khâu] rất là ngặt nghèo, phải được sự đồng ý của Ủy ban Quốc gia, đồng ý của Ban Tổ chức rồi cuối cùng mới thông qua được nhưng mà lại lọt ra những con người hư đốn như thế.

"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải xem lại trách nhiệm của cái quy trình đó, không phải chỉ những người phạm tội mà còn những người phụ trách, những người xét duyệt đề bạt những người này như thế nào, nên mổ xẻ bản chất thực sự cái thể chế và đó là nhiều người đang mong chờ như thế, chứ không chỉ vụ án xét đại để trừng chị một số người phạm tội cụ thể tham ô như thế", Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn nói với Bàn tròn thứ Năm.

Điểm đồng dạng là gì ?

ut2

Ông Vũ Nhôm bị Tòa án tuyên 9 năm tù giam, theo truyền thông Việt Nam

Cũng từ Sài Gòn, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nêu nhận định với Bàn tròn :

"Về hai nhân vật Vũ Nhôm và Út Trọc thì tôi có ý kiến thế này. Hai nhân vật này đều có điểm đồng dạng, họ đều là những đại gia mới nổi từ cách đây khoảng ba năm, vào năm 2014 trở lại đây, chứ không phải lâu la gì.

"Và đều là những người có quân hàm phiên ngang đặc cách ở trong quân đội và công an. Họ cũng có mối quan hệ với nhiều quan chức cấp cao trong quân đội và công an. Hai phiên xử với Út Trọc và Vũ Nhôm đều diễn ra một cách rất kín đáo. Và chúng ta nhớ lại có một điểm đồng dạng nữa đó là bắt Út Trọc và bắt Vũ 'nhôm' là đều xảy ra vào tháng 12/2017, thời điểm chỉ một ít ngày sau khi Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng bị khởi tố và bị tống giam. Nó có những điểm đồng dạng lớn như vậy.

"Về trường hợp của Út Trọc thì tôi không có nhiều thông tin, nhưng mà những nghi vấn của tôi thì tập trung nhiều vào phiên tòa và quá trình dẫn đến phiên tòa xử Thượng tá Công an Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm.

"Tại sao phiên tòa này lại xử kín trong khi đó có nhiều thông tin, có rất nhiều dư luận kể cả là những dư luận của giới cựu thận, giới cách mạng lão thành ở trong nội bộ đảng yêu cầu phải công khai vụ Vũ Nhôm và công khai việc Vũ Nhôm đã phạm những tội gì ? Đặc biệt là những tài liệu bí mật được cho là Vũ Nhôm đã làm lộ và đó là những tài liệu gì ?

"Tất nhiên về mặt quy chế bí mật nhà nước thì có thể giữ kín những chuyện đó thôi nhưng mà vấn đề là cho tới giờ vẫn không có bất kỳ một cái thông tin nào liên quan đến tài liệu bí mật mà Vũ Nhôm làm lộ ra.

"Và chúng ta nhớ là, khi mà phát lệnh truy nã Vũ Nhôm vào cuối tháng 12/2017, thì tội danh đầu tiên áp đặt với Vũ Nhôm không phải là những tội danh sau này là lợi dụng chức vụ quyền lực, quyền hạn hay hối lộ tham nhũng mà tội danh đầu tiên là cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước. Như vậy tội danh đó liệu có liên quan đến cái tính chất xử kín Vũ Nhôm trong cái phiên tòa vừa rồi hay không ?

ut3

Ông Vũ Nhôm (áo ca rô) được cho là chỉ học đến lớp 9 phổ thông, nhưng có cấp bậc Thượng tá, ngành Tình báo, thuộc Bộ Công an

"Tôi đang tự đặt một cái dấu hỏi là khi mà thiết lập tội danh cố ý làm lộ bí mật nhà nước như vậy thì có phải cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an đã tính trước rằng có thể là phải xử kín và do vậy tốt nhất là đưa ra cái tội danh đó ? Và tội danh đó là lý cớ tốt nhất để có thể xử kín mà không xử lộ, không xử công khai để khỏi lộ ra những chuyện khác. Và xử kín phải chăng là cái việc mà để khỏi làm mất mặt ngành Công an và để khỏi cho báo chí dư luận nắm được những thông tin liên quan những quan chức khác ?

"Chúng ta biết rằng vào thời điểm xử kín Vũ Nhôm thì lại nổ ra cái vụ Tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an... Báo chí nhà nước thì có đưa những thông tin về Tướng Thành là đã ký những quyết định cho Vũ Nhôm đi nước ngoài này kia và coi đó là nguyên do Tướng Thành bị kỷ luật. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là nguyên do bề mặt thôi, xâu xa bên trong đó là cái gì và liệu Tướng Bùi Văn Thành có liên quan đến tài liệu bí mật nhà nước nào đó mà Vũ Nhôm đã cố ý để lộ hay không ?", Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam đặt câu hỏi.

'Một vụ chính trị' rất lớn ?

Và Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói tiếp, nêu một số giả thuyết :

"Tôi xin trở lại vấn đề là Vũ Nhôm bị bắt dẫn độ từ Singapore về Việt nam vào tháng 01/2018. Ba tháng sau thì tới vụ Tướng Phan Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tình báo của Bộ Công an và một Thượng tá tình báo, ông Nguyễn Hữu Bách, bị bắt và vụ Vũ Nhôm đưa ra xử kín là cùng với các ông Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách, có nghĩa là vụ cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước là đã ít nhất thiết lập được một cái tam giác có ba đỉnh.

"Đỉnh thứ nhất là Vũ Nhôm, đỉnh thứ hai là Nguyễn Hữu Bách, đỉnh thứ ba là Phan Hữu Tuấn. Như vậy đặt ra một dấu hỏi nữa là khi mà tướng Bùi Văn Thành bị kỉ luật và trong thông báo kỉ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có nêu là trong đó có vi phạm chế độ bảo vệ bí mật nhà nước, như vậy thì phải chăng là ông Bùi Văn Thành là 'đỉnh thứ tư' thiết lập một cái tứ giác về cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước, liên quan tới vụ Vũ Nhôm, từ tam giác biến thành tứ giác ?

"Nếu mà đúng như vậy thì tôi cho rằng đây là một vụ chính trị rất lớn, không chỉ đơn thuần là vụ tham nhũng tài chính kinh tế. Đó là lý do họ không muốn báo chí tham dự vào phiên tòa xử kín Vũ Nhôm tại vì trong phiên tòa đó có thể Vũ Nhôm đã phải khai ra những quan chức cao cấp của ngành Công an, ít nhất là tướng Bùi Văn Thành hay là tướng Trần Việt Tân và có thể còn cao hơn nữa. Đó là dấu hỏi của tôi liên quan đến phiên tòa xử kín Vũ Nhôm.

"Tôi cũng đặt thêm dấu hỏi lớn nữa là, vào đầu tháng 1/2018 khi mà Vũ Nhôm bị bắt ở cửa khẩu Singapore và Maylaysia thì lúc đó có thông tin Vũ Nhôm đã nắm được một số tài liệu liên quan đến hồ sơ bí mật nào đó rất quan trọng. Người ta đặt dấu hỏi xung quanh những tài liệu đó, phải chăng đó là những tài liệu liên quan tới công ty bình phong của ngành công an được kinh tế hóa, dân sự hóa mà hoạt động không chỉ ở trong Việt Nam mà trong quốc tế nữa, ở Châu Âu ?

"Thứ hai phải chăng là liên quan đến những chuyện 'hối lộ hay ăn chơi thác loạn' của giới quan chức, 'tài sản cá nhân' của giới quan chức và nó ảnh hưởng tới rất nhiều quan chức cao cấp, trong đó có quan chức ngành Công an ? Thứ ba, lúc đó có thông tin cho rằng Vũ Nhôm đã nắm được những thông tin của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

"Lúc đó có những thông tin là phía Đức đã có ý muốn là tiếp cận Vũ Nhôm tại Singapore nhưng mà không được, do Vũ Nhôm được đưa về Việt Nam nhanh quá. Bộ Công an và Tổng cục 2 đưa Vũ Nhôm về Việt Nam nhanh quá, cho nên phía Đức không tiếp cận được.

"Phiên tòa xử Vũ Nhôm vào tháng 7/2018 lại trùng vào thời điểm vụ xử phiên tòa của Tòa Thượng thẩm Berlin và đã gần như kết thúc tại vì nghi can trong đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là Nguyễn Hải Long ở Prague đã thú nhận toàn bộ thông tin tội trạng của mình là tham gia đường dây bắt cóc và có âm mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

"Như vậy liệu phiên tòa xử kín Vũ Nhôm ở Hà Nội có liên quan gì đó đến phiên tòa Tòa Thượng thẩm Berlin, xử Nguyễn Hải Long hay không ? Và liệu Vũ Nhôm có liên quan đến một tài liệu bí mật nào đó về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không ?

Và đây là những dấu hỏi rất lớn mà tôi cho là chúng ta cần phải mổ xẻ và chính quyền cần có những trả lời chính thức, đặc biệt là khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Khác không chỉ lan tỏa ở Đức mà đã dẫn sang Slovakia và kéo theo cả việc gần đây nhất là tổng thống Kiska của Slovakia đã phải chỉ đạo cho ngành cảnh sát của nước này làm rõ việc có một đoàn cán bộ của Bộ Công an Việt Nam sang Slovakia vào cuối tháng 7/2017 và dường như là một tấm bình phong để cho cái vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Vấn đề cuối cùng tôi muốn bàn luận là về việc xử Vũ Nhôm lên đến 12 năm tất nhiên là xứng đáng với Vũ Nhôm thôi thì lại có một bất công rất lớn là có một nhân vật khác mà tôi vừa đề cập ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ Trưởng Thông Tin - Truyền Thông và hiện nay được chuyển qua làm phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương thì đó là một cái bất công rất lớn đối với Vũ Nhôm, Út Trọc.

"Tại vì những nhân vật này cùng với Lê Nam Trà hay là Phạm Đình Trọng đều đã bị khởi tố, tống giam thì ông Trương Minh Tuấn, người chủ mưu vụ Mobile Phone và AVG thì vẫn 'nhởn nhơ' bên ngoài và thậm chí còn đang lãnh một cái ghế có thể coi là bộ phận định hướng tư tưởng chính sách tư tưởng tuyên giáo với hơn 800 tờ báo của Việt Nam và có thể có cơ hội răn dạy đạo đức cách mạng 'sáng ngời' ở Việt Nam", Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam nêu nhận định từ quan điểm riêng.

'Lạ và khó đoán định'

Từ Hà Nội, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A nói với Bàn tròn thứ Năm từ London :

"Tôi nhìn hai vụ án này là hai vụ án rất là lạ và thực sự là chúng ta không có nhiều thông tin lắm ngoài những thông tin mà truyền thông nhà nước đưa ra và chỉ dựa trên những thông tin này thì chúng ta thấy rất là khó để dự đoán nhận định.

"Ý kiến thuần túy chủ quan của tôi thì tôi thấy rằng ông Vũ Nhôm cũng như Út Trọc không phải là những nhân vật chính ở trong hai vụ án này mà những nhân vật chính nó ở đằng sau. Một số được cho là đã lộ mặt ra như là bảy, tám ông tướng Công an và một số tướng trong Quân đội. Nhưng tôi nghĩ những người lộ mặt ra đấy có lẽ cũng chỉ là những gương mặt vào loại bậc cao, nhưng cũng chưa phải là những nhân vật chính đứng đằng sau hai vụ án này.

"Thực sự có một sự cấu kết với xã hội đen, nó đồng kết với nhau và thực sự như thế nào thì chúng ta khó có thể biết được trừ khi là những lời khai thật của Út Trọc, cũng như của Vũ Nhôm được bạch hóa.

"Và tin vào điều đó thì rất là khó bởi vụ hai vụ này dính đến những người lớn hơn rất là nhiều và tôi nghĩ rằng hai người này chỉ là hai con tốt hay là hai con nhơ nhỡ mà thôi và nó bộc lộ 'sự thối nát' không thể tưởng tượng nổi của chính quyền này.

"Tuy là với hai vụ án này để đánh bóng chứng tỏ mọi sự lạm dụng, mọi sự 'bậy bạ' là đều bị trừng trị ở tất cả mọi nơi.

"Nhưng nếu nhìn vào đằng sau và sự thật đằng sau, những hiện tượng bề nổi là Vũ Nhôm và Út Trọc cũng như là một số ông tướng bị cắt chức, thì chúng ta có thể mường tượng ra một sự 'đấu đá' rất là quyết liệt ở trên tầng cao của nền chính trị Việt Nam", nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách (IDS đã tự giải thể) đưa ra quan điểm.

Còn từ Warsaw, thủ đô Ba Lan, Nhà báo Mạc Việt Hồng, nói với Tọa đàm của BBC :

"Tôi đồng ý với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Tôi cho rằng đây là hai vụ án rất lạ lùng mà chúng ta, những người bình thường thì chúng ta không biết là họ xử cái gì cả, bởi vì bản án thì nói rằng các ông này làm lộ bí mật quốc gia, thế nhưng chúng ta cũng như 90 triệu dân Việt Nam không biết bí mật quốc gia đó là gì, không ai biết là hai ông này đã tiết lộ những tài liệu, những bí mật gì ?

"Tôi nghĩ rằng đây chỉ là lý do để người ta đưa ra xét xử thôi, còn đằng sau câu chuyện này có rất nhiều những chuyện mà người ta không biết được để bình luận cho thật khách quan, và đó cũng là lý do mà người ta xử kín cả hai phiên tòa.

"Về phía phiên tòa của ông Vũ Nhôm, ở bên này tôi cũng nghe ngóng thông tin từ CHLB Đức và có thông tin ông Vũ Nhôm có những tài liệu liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà ông ấy muốn tiết lộ, nhưng tất nhiên cũng như chỉ là phán đoán thôi.

"Ở đây tôi muốn đưa ra một điều đó là tất cả những vụ án xử quan chức tham nhũng ở Việt Nam, vụ án kinh tế lớn thì thực tình mà nói nó đều liên quan đến chính trị, ở cái bề nổi của tảng băng chìm ở bên dưới, đó là phe nhóm chính trị họ 'đấu đá nhau' mà mình thì cũng không thể biết rõ chuyện gì ở tảng băng chìm cả.

"Về hai vụ án này, tôi có thêm một ý kiến nữa, đó là tôi cảm thấy vụ xét xử này nó là kết quả tất yếu của cái xã hội kém minh bạch và hai Bộ Công an và Quốc phòng đã được tự do làm kinh tế trong rất nhiều năm qua, nó dẫn đến lũng đoạn trong lĩnh vực kinh tế ở một khu vực đặc quyền đặc lợi mà chúng ta không biết được.

"Qua vụ xử này cũng lộ ra rất nhiều những cái yếu kém trong công tác quản lý bổ nhiểm sát hạch cán bộ và đúng lẽ ra người ta đã bổ nhiệm cán bộ một cách bừa bãi trên cơ sở là những mối quan hệ thân hữu với nhau.

"Cả hai ông này có đặc điểm chung là đi lên mà không có bằng cấp gì cả, một ông thì học hết lớp 9, một ông thì dùng bằng đại học Kinh tế quốc dân giả mà đó chỉ là một hai cái ung nhọt mà chúng ta nhìn thấy thôi, chứ thực tế ở Việt Nam tình trạng như vậy nó rất là nhiều, không chỉ trong lĩnh vực quân đội hay là trong lĩnh vực công an, an ninh quốc phòng, mà trong cả lĩnh vực dân sự.

"Đó là những cán bộ đã leo lên mà không có những điều cơ bản và đi 'cửa sau', 'đi đêm' để nắm giữ những chức vụ như vậy và nó gây ra rất nhiều điều tai hại cho đất nước", Chủ biên báo mạng Đàn chim Việt Online nói với BBC.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 05/08/2018

Published in Diễn đàn