Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quả bóng giờ đây đang nằm trong chân Bộ Công an – cơ quan mà từ tháng Ba năm 2018 đã hứa hẹn ‘nhận bàn giao hồ sơ vụ MobiFone mua AVG từ Thanh tra chính phủ’ nhưng cho đến nay vẫn chẳng thấy tăm hơi gì về động tác khởi tố, dù theo luật là không được trễ hơn 20 ngày sau khi nhận bàn giao.

avg1

‘Ủy viên thường vụ đảng ủy công an trung ương’ Nguyễn Phú Trọng liệu có chỉ đạo được Bộ Công an về vụ MobiFone mua AVG ? Ảnh : VOA

Phải đến ba tháng sau cái tháng Ba đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương mới công bố kết luận kiểm tra về vụ MobiFone mua AVG, trong đó xác định sai phạm của hai nhân vật là Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông vào thời đó, và Trương Minh Tuấn – Thứ trưởng Thông tin-Truyền thông vào thời đó, là ‘rất nghiêm trọng’. Ngoài ra, còn có ‘sai sót’ thuộc về Bộ Công an khi ban hành văn bản đưa vụ mua bán giữa MobiFone và AVG vào danh mục tài liệu ‘MẬT’.

Theo quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (102-QĐ/TW) của Bộ Chính trị đảng ở Việt Nam, hậu quả do hành vi vi phạm của đảng viên gây ra được chia làm 4 "cấp độ" : ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Tương tự, có 4 "cấp độ" về hình thức kỷ luật (dành cho đảng viên chính thức) : khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ. Tất nhiên khi xem xét quyết định đối với từng trường hợp cụ thể, các tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng mức kỷ luật đảng sẽ được tính đến.

Nhưng cũng theo quy định 102, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Các "hình thức xử lý của pháp luật" ở đây được hiểu bao gồm cả khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông vào thời đó là Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 – 15% trong số 7000 tỷ. Còn Trương Minh Tuấn cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi ông này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son.

Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra về vụ MobiFone mua AVG, dư luận và báo chí đã đòi hỏi ‘Nhà nước đã thu lại vốn vẫn phải xử lý nghiêm người vi phạm’, và đặt ra những dấu hỏi lớn : Các bước xử lý tiếp theo là gì ? Khả năng khởi tố vụ án hình sự ra sao khi mà cơ quan điều tra đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc từ cuối tháng 4-2018 ?

Trước đó, cửa thoát của Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị hẹp lại đáng kể sau chỉ đạo ‘Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng.

Chỉ đạo trên xuất hiện vào ngày 27/4/2018 khi ông Trọng chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng – để ‘thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc và định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp 13 đến nay’.

Chỉ đạo ‘bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của ông Trọng đã gần như chung quyết về về vụ AVG sẽ thành án và sẽ được khởi tố điều tra.

Xét theo logic đó, cơ hội để Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn ‘hạ cánh an toàn’ – tức ‘bị cách mọi chức vụ’ hoặc ‘luân chuyển cán bộ’ – là ít hẳn so với trước khi có chỉ đạo ‘bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của ông Trọng. Tức triển vọng để hai nhân vật này ‘theo chân’ Đinh La Thăng là sáng sủa hơn bao giờ hết.

Đang có những dấu hiệu và biểu hiện cho thấy ông Trọng đang ngày càng tỏ ra cương quyết với cả ‘phe ta’, và trong thực tế sẽ buộc phải ‘làm thịt’ một số nhân vật trong ‘phe ta’ chứ không chỉ là ‘phe củi’ để chiến dịch ‘đốt lò’ có tính khách quan và công bằng hơn,

4 ngày trước chỉ đạo ‘bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của ông Trọng, đã diễn ra cuộc bàn giao chính thức hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra Chính phủ và C46 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm của Bộ Công an) vào ngày 23/4/2018, sau một thời gian dường như bị cố ý kéo dài và bởi những tranh cãi mang quan điểm khác xa nhau trong nội bộ đảng và nội bộ các cơ quan chấp pháp.

Với vụ ‘Mobifone mua AVG’, vấn đề còn lại là Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an là sẽ khởi tố vụ này vào lúc nào.

Vào thời gian trước, đã có thông tin cho rằng ông Trọng chỉ đạo Bộ Công an khởi tố vụ ‘Mobifone mua AVG’ ngay sau tết nguyên đán 2018, tức ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ việc này. Nhưng không hiểu nguồn cơn ẩn giấu nào hay nội bộ Bộ Công an có vấn đề gì, tiến độ bàn giao hồ sơ giữa Thanh tra chính phủ và Bộ Công an, hay nói chính xác hơn là tiến độ nhận bàn giao hồ sơ của Bộ Công an đã bị chậm lại một cách đáng nghi ngờ.

Những ngày gần đây, Nguyễn Phú Trọng đã công khai bày tỏ thái độ sốt ruột và bực tức trước tốc độ "chống tham nhũng" được các cơ quan triển khai như rùa bò.

Hãy chờ xem ‘ủy viên thường vụ đảng ủy công an trung ương’ Nguyễn Phú Trọng có thể quán triệt, chỉ đạo và điều hành cơ quan Bộ Công an – ‘lá chắn và thanh kiếm bảo vệ đảng’ – như thế nào trong những ngày tới đây.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 06/06/2018

Published in Diễn đàn