Vì sao Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải mở kỳ họp thứ 10 "bất thường" ? Vì thời hạn quá gấp gáp chăng ? Ai ấn định ra cái thời hạn ấy ?
Có gì đó không bình thường, rất bất thường, chứa đầy nghi ngờ cho cuộc họp Hội đồng nhân dân vội vã này.
Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở kỳ họp thứ 10 "bất thường" - Ảnh minh họa
Dự án xây nhà hát khủng ở ngay cái nơi dân oan còn ngổn ngang, những kẻ thủ ác vẫn chưa dứt khoát bị trừng phạt và bồi thường. Ngoại trừ một hai "con dê tế thần" chịu trận thay cho đích danh thủ phạm.
Bà Quyết Tâm nêu ra 2 lý do chính cần phài xây Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch Thủ Thiêm rằng :
- Để nâng cao đời sống người dân
- Được người dân thành phố chờ đợi từ lâu.
Một lý do là nâng cao đời sống vật chất người dân ( !).
Một lý do là đáp ứng lòng mong mỏi, thiên về thỏa màn tinh thần người dân (!).
Nghe có vẻ hoàn hảo quá rồi. Chu đáo quá rồi !
Nhưng mà cái điệp khúc "lòng dân" ấy nghe quen quen lắm.
"Lòng dân" loại nào trong 10 triệu người cần xây nhà hát ? Số lượng ước chừng bao nhiêu ?
Nhà hát bao giờ thì thu lợi và thu được bao nhiêu để nâng cao "đời sống người dân" ?
Trong khi bệnh viện thiếu giường nằm, trường học thiếu bàn ghế và nhiều tiện nghi cần thiết. Trợ cấp sinh xã hội cho nhóm người yếu thế xã hội chỉ bôi bác ra vài trăm ngàn một người chưa đủ ăn cháo cầm hơi. Vân vân…
Cách đây hơn hai chục năm, tôi được mời tham gia khảo sát cho Dự án xây Nhà máy cấp nước hiện đại ở tỉnh A. do chính phủ Úc tài trợ. Chuyên gia Úc tuyển dụng một số giáo viên ở địa phương biết tiếng Anh tham gia giúp họ khảo sát. Đọc bảng câu hỏi (questionaire) gần 100 câu chúng tôi vô cùng ngạc nhiên lạ lùng. Bảng câu hỏi bộc lộ toàn bộ mức sống, thu nhập, nhu cầu, thói quen sử dụng nước của từng hộ gia đình, từng cá nhân trong nhà. Người dân nào chả muốn dùng nước sạch và máy công suất lớn, còn việc gì phải hỏi. Thế mà họ vẫn hỏi cặn lẽ … Liệu đã có đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố nào đi hỏi "người dân" thành phổ về cái nhà hát giao hưởng hay chưa ?
Tôi chỉ xin hỏi bà chủ tịch Hội đồng nhân dân kiêm phó bí thư thành ủy, luận chứng kinh tế xã hội ở đâu ? Khảo sát tiền khả thi ở đâu ?
Để nói được hai câu xanh rờn ấy, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải dày công tổ chức điều tra xã hội học, khảo sát thực tế. Một đội ngũ cán bộ điều tra XHH phải được triển khai đi điều tra theo mẫu thống kê và bảng câu hỏi (questionaire). Đó là một công việc khoa học nghiêm túc.
Vụ án đất đai Thủ Thiêm còn sờ sờ ra đó, phải chăng gượng ép xây nhà hát hát khủng để chứng minh chủ trương của Đảng bộ cần phải thu hồi vùng đất này là đúng ?
Bà Tâm chủ tịch còn chê ỏng chê eo mấy nhà hát cũ người Pháp xây để lại là nhỏ bé lạc hậu không đáp ứng nhu cầu "người dận" ! Xin hỏi đã có khảo sát nào chứng minh Nhà hát lớn thành phố quá tải khán giả mua vé xem nhạc giao hưởng vũ kịch ? Hay là thực tế Nhà hát này thường xuyên nghỉ chơi nhạc giao hưởng mà chỉ cho thuê sự kiện văn nghệ tả pí lù của các thương gia thương hiệu với giá vé cao hoặc miễn vé vì kẻ thuê chỉ cần quảng cáo ?
Nói thực đi, có phải vì các ông bà lãnh đạo Đảng bộ muốn ghi "dấu ấn nhiệm kỳ" để lại một cái gì "gây tiếng vang" ? Hay là muốn chứng minh "Hòn ngọc Viễn Đông" đã tái sinh ? Hay là muốn chơi trội hơn thủ đô Hà Nội ?
Biểu quyết giơ tay và nhìn mặt ?
Sự bất thường vội vã còn thể hiện ở chỗ "biểu quyết giơ tay" ncho mau. Khỏi cần bỏ phiếu kín lại mất công kiểm phiếu. Thậm chí thời đại công nghiệp 4.0 chưa áp dụng "bấm nút xanh/đỏ" cho "thành phố thông minh dự kiến".
Những người giơ tay hầu hết là đảng viên, họ đã có thời gian thăm dò nguyện vọng cử tri quận huyện phường xã của họ hay chưa ? Chủ tọa nhìn mặt đại biểu trân trân xem ai giơ tay, ai buông thõng là cái kiểu thị uy thủ đoạn xưa rồi. Người giơ tay biết thừa ý đổ của lãnh đạo, họ phải giơ tay theo chiều gió thôi. Lại còn phải diễn tươi cười phấn khởi cho ăn hình trước ống kính nữa.
Kết luận
Thi hào dân tộc Nguyễn Trãi từng được vua Lê khi được mời soạn nhạc thiều cho cung đình cùng với một hoạn quan khác. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Ức trai thi tập, Nguyễn Trãi đã dâng biểu cho nhà vua từ chối nhiệm vụ được giao phó vì không tán thành quan điểm của Lương Đăng. Bức thư của Nguyễn Trãi là bài học quý giá về thái độ của một người nhạc sĩ chân chính, một quan chức cao cấp đối với nền âm nhạc dân tộc :
"Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là căn cốt của nhạc, hài hòa là tính chất của nhạc. Thần mong rằng bệ hạ thương dân để cho trong cả nước không có một âm thanh nào nói lên sự bất bình hay buồn thảm của dân. Nếu dân còn buồn thảm hay bất bình tức là bệ hạ đã đánh mất một cái gốc của nhạc".
Hà Nội là đất văn vật, đất văn nghệ xưa nay. Nhạc giao hưởng một trăm năm qua được truyền bá vào xứ này cũng vẫn chưa bén rễ xanh cây đến thân phận"người dân". Nhạc giao hưởng hiện nay vẫn được bao cấp duy trì chờ một ngày được bình dân hóa. Các thầy trò nhạc viện, nhạc công một số đoàn nhà hát Hà Nội nghĩ ra sáng kiến biểu diễn nhóm nhạc đường phố để "kích cầu" quanh Bờ Hồ vào một số chủ nhật đẹp trời. Đám đông dừng lại tò mò coi một chút, chín chục phần trăm lặng lẽ lui gót dời đi sau ít phút. Lâu lâu mới có buổi công diễn nhà hát lớn thì vé mời hết 1/3 quan chức. Quan chức thì khổ nỗi không hiểu nhạc cổ điển, lại ngại bụng to ngồi mệt, nên quẳng vé cho con cháu đi thay.
Mặt khác ngày nay mạng internet có sẵn nhạc giao hưởng vũ kịch nước ngoài đặc sắc, nêu những ai hiểu biết hay ghiền quá thì nằm ở nhà mở máy coi. Ra đường kẹt xe, nạn cướp giật hoành hành và trăm thứ rủi ro khác.
Mong rằng các quan chức thành phố Hồ Chí Minh suy nghĩ đắn đo, đừng để nhóm lợi ích nào đó chèo lái dẫn dắt ra nghị quyết.
Xin mượn một bức biếm họa viễn tưởng trên mạng về buổi công diễn khánh thành Nhà hát khủng Thủ Thiêm năm 2022 mà vị nhạc trưởng là người đứng đầu thành phố.
Phùng Hoài Ngọc
Nguồn : VNTB, 12/10/2018