Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 15 janvier 2018 21:58

Cuối năm nghĩ về lễ bỏ mả

Năm nào cũng vậy, vào dịp đầu năm dương lịch và cuối năm âm lịch, đây là thời gian diễn ra lễ bỏ mả của người dân tộc thiểu số ở phía Tây Việt Nam. Dường như mọi dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn ra tận Đông Bắc, Tây Bắc đều có tục bỏ mả. Có thể nói rằng tục bỏ mả như một thông điệp sống và là triết lý nhân sinh của người thiểu số. Nó cởi trói cho người sống và nhắc nhớ họ về những giá trị đạo đức, tâm linh và trách nhiệm của một con người.

boma1

Bà con buôn làng đánh cồng chiêng trong lễ bỏ mả.

Điều này khác hẳn với dân tộc Kinh (chính xác là dân tộc Việt, bởi khái niệm Kinh là ám chỉ của người Mường và người H’Mong về người Việt – sống gần kinh kỳ, hành xử kinh dị, giảo hoạt kinh hồn… Lâu ngày chết danh, dẫn đến ngộ nhận đáng sợ về dân tộc). Người Kinh, đặc biệt người Kinh càng về sau càng không những không biết bỏ mả mà con ôm mả, bơm thuốc tái sinh cho mả. Quả thật là… Kinh.

Cũng xin nói thêm về lễ bỏ mả của người thiểu số, thường thì các gia đình, khi người thân qua đời, người sống gói gém mọi thứ mà người qua đời từng dùng, mang theo đặt bên cạnh mộ của người đó. Đương nhiên tính thật thà của người thiểu số giúp cho họ tự tin mang cả vàng của người đã khuất ra đặt bên cạnh mộ. Nhưng sau này, kể từ thời người Kinh tràn lan các vùng rừng núi, dường như tục mang vàng đặt bên cạnh mộ của người thiểu số không còn.

Sau ba năm, nếu như gia đình có người khuất núi (chết) có tiền dư dả thì (trùng với thời gian mãn tang của người Kinh) họ sẽ có một mâm lễ cúng người khuất núi và cầu nguyện cho người khuất núi được siêu thoát. Cũng từ sau lễ cúng bỏ mả trở đi, người sống không còn mang thức ăn ra mả cúng người chết thường xuyên như trước nữa. Điều này như một thông điệp về sự tử tế và tính tự do cần thiết của người sống.

Với người Kinh, đặc biệt người Kinh thời cộng sản xã hội chủ nghĩa, nghe ra có vẻ như người sống không những không bỏ mả mà còn buộc mả. Khái niệm siêu thoát, chuyển hóa năng lượng cho người chết nghe ra có vẻ người sống trong gia đình hay phe nhóm càng quyền lực thì cơ hội siêu thoát càng khó. Hay nói cách khác, càng giàu, càng quyền lực người ta càng đối xử kinh dị với người chết.

Theo Tử thư Tây tạng, những người chết, thực ra đó không phải là mất đi vĩnh viễn mà là chuyển hóa năng lượng từ dạng này sang dạng khác. Nếu như người sống là sự tích hợp và tương tác năng lượng thông qua giao tiếp vật chất, giao tiếp tinh thần thì với người chết, năng lượng của họ chuyển sang dạng sóng, gọi nôm na là linh hồn. Và linh hồn, hay sóng chỉ đủ mạnh một khi vật chất được chuyển hóa hoàn toàn, nghĩa là phần cốt nhục được phân hủy toàn triệt.

Chính vì quan niệm như vậy nên người Tây Tạng, người Ấn Độ thường chọn hỏa táng, thủy táng hoặc điểu táng. Bởi các kiểu táng này giúp cho vật chất được tiêu hủy nhanh nhất, người chết nhanh siêu thoát nhất. Ngược lại, chế độ phong kiến Trung Hoa, kể từ thời Tần Thủy Hoàng, với tham vọng trường sinh bất lão hoặc tái sinh sau ngàn năm, việc luyện đan để trường sinh và khi có mối hoài nghi về thuật trường sinh, ông ta nghĩ đến kế hoạch tái sinh sau ngàn năm bằng cách xây lăng mộ thật vững chắc, làm quan tài thật tốt và nghĩ đến việc ướp xác (nhưng người tính không bằng trời tính, xác của ông trương sình trên đường đi, hôi thối bay khắp nơi. Lính thị vệ phải chở mấy xe mắm trước xác ông để đánh lạc hướng, để người dân tin rằng ông còn sống…) với hi vọng đến một chu kỳ, kỉ nguyên nào đó, lại được tái sinh để nắm quyền lực.

Chính vì nếp suy nghĩ đầy tham vọng và ấu trĩ này, dường như các vua thời phong kiến Trung Hoa và các vua phong kiến có ảnh hưởng Trung Hoa đều không có khái niệm siêu thoát, luôn cố gắng xây lăng tẩm, đền đài càng cao, càng to, nắp quan tài càng kín, gỗ càng quí càng tốt. Vô hình trung, nếp suy nghĩ ấu trĩ này lại thành một thứ tập quán lây lan trong dân gian. Những gia đình quan lại, thậm chí thường dân, nếu có tiền thì tìm mọi cách để đóng quan tài cho người thân thật tốt. Thậm chí nhiều ông, bà trọc phú còn tự chọn gỗ tốt để đóng quan tài cho bản thân lúc còn sống.

Gỗ huỳnh đàn, gỗ cẩm lai, gỗ trắc, gỗ thủy tùng, gỗ đàn hương, gỗ hoàng đàn tuyết liên… Những thứ gỗ được xem là quí nhất bởi nó có khả năng tồn tại dưới lòng đất hàng ngàn năm mà không mục rã là thứ gỗ mà giới trọc phú, giới quyền lực đang sưu tầm cho việc xây dựng, không ngoại trừ cho việc đóng quan tài. Xin nói thêm, có ba loại gỗ là hoàng đàn tuyết liên, huỳnh đàn và thủy tùng, hiện nay giá bán trên thị trường từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng trên mỗi ký lô. Một khối gỗ huỳnh đàn nặng dao động từ 1 tấn đến 1,2 tấn, giá từ 10 tỉ đồng đến 50 tỉ đồng. 10 tỉ cho gỗ ‘đầu cánh cổ’ tức gỗ nhánh cành lẻ tẻ, gỗ qui cách có giá cao dần đến 50 triệu đồng mỗi ký, nếu khối càng lớn thì tiền càng cao.

Nói về giá gỗ cao đến mức kinh hồn bạt vía như vậy để thấy một khi có tiền, có quyền lực, người ta coi trọng cái quan tài đến chừng nào. Và nói xa hơn hơn chút, lăng mộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình, Hà Nội. Nếu tính ra, để giữ cho được cái xác của ông tồn tại, số tiền người ta bỏ ra cho đến thời điểm bây giờ, có vẻ như lớn cũng chẳng kém so với tiền nợ công Việt Nam.

Đó cũng là một thuật trường sinh của người cộng sản, và họ không có ý niệm về siêu thoát. Đáng sợ hơn là thuật trường sinh này cố làm cho một người đã chết hơn nửa thế kỉ phải cứ tươi cười, hồng hào, rạng rỡ để "tiếp khách" mỗi ngày. Những đoàn tham quan đến thăm "lăng Bác" là ai ? Là những "con cháu Bác Hồ", họ yêu quí, cuồng tín ông, đến xếp hàng đi vòng vòng quanh chiếc quan tài thủy tinh được cẩu lên, hạ xuống mỗi ngày vài lần để cho người ta vào nhìn ông.

Một cái chết mà trải qua gần một thế kỉ, thân xác vẫn phải dằn vặt, xê dịch, lui tới, lên xuống, lấy ra rửa ráy, vệ sinh rồi lại bỏ vào hòm… Thật sự, không thể tả nổi sự dằn vặt, đau đớn này nếu xét trên góc độ siêu thoát, năng lượng, theo cái nhìn của Tử Thư Tây Tạng. Và lạ ở chỗ, người Trung Hoa và người Việt Nam đều có quan niệm "âm siêu dương thới", nhưng lại chẳng bao giờ chịu để cho "âm siêu".

Và nếu quan niệm âm siêu dương thới là đúng, thì có vẻ như hệ thống cộng sản trên thế giới sụp đổ cũng có lý do riêng của nó về mặt tâm linh. Bởi hiếm có quốc gia cộng sản nào mà không có thuật ướp xác, thuật trường sinh xác lãnh tụ. Hiện tại, chỉ có Bắc Hàn và Việt Nam vẫn còn là trường hợp đặc biệt theo cách nhìn này. Chế độ cộng sản ở hai quốc gia này còn mạnh, còn gắt máu. Nhưng mạnh và gắt máu đến bao giờ thì không rõ.

Nhưng dẫu sao thì dân tộc Triều Tiên cũng may mắn hơn rất nhiều so với dân tộc Việt Nam. Bởi thuật trường sinh xác lãnh tụ chỉ diễn ra ở một nửa đất nước Triều Tiên, ở phía Bắc sông Hàn. Nó khác xa với Việt Nam, sau nửa thế kỉ nhuộm đỏ màu cộng sản trên toàn cõi Việt Nam, thuật trường sinh lãnh tụ cũng như thói quen ôm mả đã ảnh hưởng không nhỏ đến tập tục người miền Nam.

Hiện tại, không khó khăn chút nào để tìm ra những gia đình bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục, vài chục tỉ đồng để sắm quan tài gỗ quí, gỗ bất hoại và xây mộ như lăng tẩm, đền đài cho người thân ở miền Nam Việt Nam. Đó cũng là nỗi bất hạnh của dân tộc khi xét về tâm linh và quan niệm tự do. Bởi những người tự nguyện ôm lấy ngôi mộ, cố tình làm cho những thứ đang phân hủy trở thành vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp của người sống thì làm sao có thể nghĩ đến siêu thoát hay tự do ?.

Tự do, đôi khi không cần nhìn đâu xa, mà chỉ cần nhìn vào những ngôi mộ. Người dân tộc thiểu số vẫn xây mộ đẹp, vẫn trang hoàn cho ngôi mộ của người thân, của tộc trưởng, tù trưởng. Nhưng họ biết "bỏ mộ" để đi tiếp con đường của người sống, và họ thực sự tự do cho dù nghèo đói. Ngược lại, người Kinh thời cộng sản xã hội chủ nghĩa không những không biết "bỏ mộ" mà còn khư khư ôm lấy ngôi mộ, biến nó thành bất tử trong sự nghiệp, tương lai của người sống. Điều này cho thấy tương lai đã nhuộm màu xác chết và tự do mang hình một cổ mộ.

Đến bao giờ người Việt mới thực sự có tự do ? Đến bao giờ ông cha, tổ tiên người Việt mới được siêu thoát ? Đến bao giờ dân tộc này thôi nhược tiểu ? Đến bao giờ dân tộc được lành mạnh ? Những câu hỏi này, trong lúc này, nếu tôi mang ra quán cà phê, hỏi mà không nhìn trước ngó sau, có khi bị đánh te tua đến mức về nhà mẹ cũng nhìn không ra.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 15/01/2018

(VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Câu chuyện thứ nhất

Chiều 2/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, một nhóm người gồm cả nam lẫn nữ hung hăng đập cửa, xông vào nhà, xịt hơi cay, đánh đập tàn nhẫn 3 người phụ nữ tay không tấc sắt, vừa đánh vừa quay phim ; sau đó một tên trong bọn là Phan Sơn Hùng ngang nhiên post đoạn phim lên facebook để khoe rằng hành động này là để cảnh cáo bọn phản động !

songchi1

Phan Sơn Hùng không những đưa đoạn video đánh 3 phụ nữ mà còn đưa cả địa chỉ lên mạng thách thức mọi người

Dư luận phẫn nộ, chỉ riêng trên facebook, rất nhiều ý kiến, status, bài viết liên tiếp lên án hành động côn đồ hèn hạ, coi luật pháp chả ra ký lô nào (mặc dù luật pháp ở Việt Nam thì cũng chỉ là một thứ luật pháp tồn tại để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ kẻ mạnh mà thôi), nhưng chà đạp lên mọi thứ nguyên tắc tối thiểu về lương tri, đạo đức và thách thức công luận đến thế thì không thể chấp nhận được.

Những kiến nghị đòi công an phải điều tra vụ việc, yêu cầu khởi tố vụ án hình sự Phan Sơn Hùng và những người khác về tội xâm phạm gia cư bất hợp pháp, cố ý gây thương tích mà còn quay phim đăng lên mạng để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của các nạn nhân… nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm người. Đặc biệt có nhiều cá nhân, tổ chức "giang hồ" lên tiếng đòi "xử" đẹp Phan Sơn Hùng !

Câu chuyện thứ hai

Ngày 2/5 anh Nguyễn Hữu Tấn (ngụ phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) bị công an bắt khẩn cấp vì "có hành vi phát tán tài liệu chống phá nhà nước". Đến ngày hôm sau thì gia đình nhận được tin anh Nguyễn Hữu Tấn chết ! Theo lời công an, giới chức có thẩm quyền trong cuộc họp báo chính thức của chính quyền tỉnh Vĩnh Long vào ngày 4/5 để trình bày về sự việc thì ông Nguyễn Hữu Tấn đã tự sát bằng cách tự cắt cổ bằng con dao rọc giấy lục được trong cặp của nhân viên điều tra.

co2

Làm sao có thể tự sát bằng cách tự tay cắt cổ gần đứt đầu của mình cùng những vết đâm vào cổ ?

Nhưng theo gia đình nạn nhân thì mọi chuyện khác hẳn. Ông Nguyễn Hữu Tấn bị bắt vì một mảnh vải màu vàng mà công an cho là lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa tìm thấy trong nhà và vì một vài cuộc biểu tình trong khu vực có cờ vàng, công an cho rằng có ông Tấn đứng phía sau. Bản thân ông Nguyễn Hữu Tấn là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ; còn người cha Nguyễn Hữu Quân là cư sĩ tu học theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, đều là những tôn giáo không được vừa lòng nhà cầm quyền.

Gia đình không tin ông Tấn tự sát, khi ông không có lý do gì đề phải làm như vậy, và khi nhìn vào thương tích trên đầu ông, vết cắt khiến đầu gần như lìa khỏi cổ, cũng như những chi tiết phi lý trong những lời tuyên bố của công an, chính quyền tỉnh Vĩnh Long.

Thêm một yếu tố để gia đình và dư luận có quyền nghi ngờ ông Tấn bị sát hại vì đây không phải là lần đầu tiên, thậm chí đã có hành chục vụ như vậy trong những năm vừa qua, việc người dân bị chết ngay tại đồn công an khi đang trong quá trình điều tra, chỉ vì những lý do hết sức vặt vãnh, sau đó bao giờ công an cũng đổ cho nạn nhân là đã tự tử.

Câu chuyện thứ ba

Kể từ khi xảy ra thảm họa Formosa cho đến nay, đã có hàng chục cuộc biểu tình khắp từ Nam ra Bắc đòi đóng cửa Formosa, đòi bồi thưởng thiệt hại, trong đó đáng chú ý là những cuộc biểu tình của giáo dân các tỉnh miền Trung dưới sự dẫn dắt của các linh mục vì tính chất kỷ luật, số lượng người tham gia đông đảo, tuần hành một cách ôn hòa nhưng vững vàng, mạnh mẽ.

quynh2

Một buổi đấu tố Linh mục Đặng Hữu Nam ở Nghệ An - Ảnh minh họa 

Một trong những linh mục như vậy là Đặng Hữu Nam, quản giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Việc các giáo dân tin tưởng, nghe theo lời Linh mục Đặng Hữu Nam đã khiến ông trở thành "cái gai" trong mắt nhà cầm quyền, cũng giống như Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc (Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu) hay Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng giám mục của Tổng Giáo phận Hà Nội trước kia.

Thêm vào đó là bài giảng của Linh mục Đặng Hữu Nam về ngày 30/4. Nhà cầm quyền bèn cho báo chí quốc doanh "đánh" Linh mục Đặng Hữu Nam, cho các tổ chức đoàn thể kiểu như Hội cựu chiến binh Nghệ An, cựu chiến binh Quỳnh Lưu, đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... và cả học sinh từ tiểu học đến cấp ba ở Quỳnh Lưu biểu tình phản đối, đòi xử lý pháp luật Linh mục Đặng Hữu Nam…

Những câu chuyện này cho chúng ta thấy gì ?

Một xã hội u ám vì bạo lực, cái ác công khai lộng hành

Vụ việc thứ nhất và thứ hai cho chúng ta thấy luật pháp và công luận bị coi thường, bị thách thức một cách trắng trợn, và ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Có những kẻ tự cho mình cái quyền hành hung dã man người khác, chỉ vì muốn bênh vực, bảo vệ chế độ. Có những kẻ mang danh công an, điều tra viên nhưng tự cho phép mình tha hồ sử dụng bạo lực, kể cả đánh chết người dân, chỉ vì những nguyên nhân nhỏ nhặt hoặc không rõ ràng.

Sở dĩ có hiện tượng lộng hành này là vì bọn chúng biết rằng sẽ không bị luật pháp trừng trị hoặc nếu có, cũng chỉ "giơ cao đánh khẽ" như thực tế từ trước đến nay đã chứng minh. Một xã hội mà cái ác công khai lộng hành và được nhà cầm quyền bảo kê, công khai hoặc ngấm ngầm, thì cái xã hội đó rõ ràng đang đi vào con đường vô cùng u ám, đen tối.

Sự mông muội của con người

Đánh những người phụ nữ tay không tấc sắt, khi họ hoàn toàn bị bất ngờ, đánh úp họ, nhưng những kẻ ra tay như Phan Sơn Hùng lại không hề thấy mình có gì sai trái, ngược lại anh ta hả hê, cho rằng mình đúng vì đã trừng trị, dằn mặt "bọn phản động".

Nhìn những khuôn mặt, những lời tuyên bố đằng đằng sát khí và lặp lại như vẹt những lời gợi ý của nhà cầm quyền từ những thành phần "quần chúng "đỏ" tại cuộc biểu tình kêu gọi chống linh mục Đặng Hữu Nam, nhiều người không khỏi rùng mình nhớ lại không khí, lời ăn tiếng nói của những cuộc đấu tố địa chủ hay thành phần "phản cách mạng" từ những năm 50-60 của thế kỷ trước !

Thời đó con người thiếu thông tin, bị nhồi sọ một chiều từ phía nhà cầm quyền thì sự mông muội, kém hiểu biết là hoàn toàn có thể hiểu được. Hơn nữa, thời đó cái lý tưởng, cái mô hình thể chế chính trị, cái tương lai "bánh vẽ" của đất nước, dân tộc do đảng cộng sản vẽ ra nó còn lừa mị được khá nhiều người.

Nhưng đến năm 2017 này rồi, khi không khó để tiếp nhận thông tin đa chiều, nhìn lại lịch sử hay so sánh nước mình với các nước khác ; khi đảng cộng sản đã hoàn toàn phản bội lại lý tưởng, mục tiêu tranh đấu, lý do cầm quyền, phản bội lại quyền lợi của đất nước, dân tộc ; khi Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản đã trở thành một quốc gia yếu kém, tồi tệ về mọi mặt, thua xa các nước trong khu vực và trên thế giới còn bản thân đảng cộng sản thì hoàn toàn lộ diện là một tập đoàn phản động, phá hoại, bán rẻ đất nước, là nguyên nhân, lực cản chính để Việt Nam có thể cất cánh trở thành một quốc gia tự do, dân chủ, giàu mạnh…mà vẫn còn có những người mông muội bênh vực và tin vào những gì nhà cầm quyền nói thì thật không hiểu được.

Ngay cả khi cứ cho là có những người còn mù quáng bênh vực chế độ, nhưng trong vụ Formosa không lẽ nhiều người không nhận ra Formosa đã gây ra thảm họa nghiêm trọng đến mức nào cho đất nước này, dân tộc này, và chính nhà cầm quyền đã tạo điều kiện cho Formosa vào Việt Nam rồi bây giờ còn ra sức bao che, bảo vệ Formosa trong khi những vị linh mục và giáo dân đi biểu tình kia là đang đòi quyền lợi chung cho cả dân tộc, trong đó có họ ?

Sự mông muội của con người quả là không có giới hạn.

Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không hề thay đổi

Và cuối cùng, xã hội đã thay đổi, thế giới đã thay đổi rất nhiều trong suốt sáu, bảy thập kỷ qua nhưng đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn không hề thay đổi từ nhận thức, bản chất cho đến cách đối phó với nhân dân.

Sinh ra từ bạo lực và dối trá, giành và giữ được quyền lực bao lâu nay nhờ vào bạo lực, vào những thủ đoạn bẩn thỉu, không chính danh, và sự tuyên truyền dối trá, đảng và nhà nước cộng sản tiếp tục sử dụng những cách thức ấy.

Khi không thể ra mặt trực tiếp đàn áp người dám lên tiếng vì đất nước thì họ đứng đằng sau, sử dụng, xúi giục những kẻ mông muội, côn đồ như Phan Sơn Hùng và đồng bọn.

Chỉ vì những nguyên nhân hết sức vặt vãnh, họ sẵn sàng giết người, ở đây là cắt cổ ghê rợn chẳng khác nào bọn khủng bố ISIS, ngay tại đồn công an. Nhưng khác với đám khủng bố dám làm dám nhận, nhà cầm quyền Việt Nam thường là chối, đổ cho nạn nhân tự sát, dựng hiện trường giả v.v…

Sử dụng báo chí quốc doanh để bôi nhọ, bóp méo sự thật, vu khống những người xuống đường, cho quần chúng "đỏ", quần chúng "tự phát" ra đấu tố người dân, gây chia rẽ Bắc Nam, sắc tộc hoặc lương-giáo…Tất cả những trỏ khủng bố tinh thần và thể xác này họ đã áp dụng suốt hơn tám thập kỷ qua và vẫn tiếp tục.

Chỉ có điều : may mắn thay, người Việt bây giờ đã có internet và ngày càng nhiều người hiểu được sự thật, nên những trò này không còn phát huy hết tác dụng như trước kia !

Song Chi

Nguồn : RFA, 07/04/2017 (songchi's blog)

Additional Info

  • Author Song Chi
Published in Diễn đàn
dimanche, 12 mars 2017 09:36

Quyết chiến với dân

Lang thang trên mạng mấy hôm nay lòng tự hỏi, không biết có phải đất nước đang chuyển mình cho một cuộc thay da đổi thịt nữa hay không bởi chưa bao giờ người dân "tự do" đến như thế.

Cứ tạm so sánh với ngày 30 tháng 4 năm 1975, thì sẽ thấy rằng dân bây giờ tự do hơn nhiều mặc dù vẫn còn hàng ngàn vụ bất công thái quá đối với người dân.

quyet1

Bộ đội cộng sản trong những ngày đầu ở Sài Gòn  sau ngày 30/4/1975

Lúc đó người dân Sài Gòn tuy chào đón một đội quân mới vào tiếp quản với thái độ chừng mực vì nỗi lo lắng đối với đạo quân xa lạ vẫn lảng vảng chung quanh hàng xóm láng giềng của họ, nhưng dù sao những người bộ đội xem rất hiền lành, hơi ngố, và nhất là họ tránh tiếp xúc với người dân đã mang lại chút ít tin cậy vào thời gian đầu, rồi mọi sự dần qua.

Qua với người này nhưng không qua với người khác.

Người dân Sài Gòn biết được cái giá của chiến thắng là học tập cải tạo, là đánh tư sản là kinh tế mới.

Nhưng họ cam chịu bị vây khốn với hy vọng một ngày nào đó đất nước sẽ đổi thay vì dân tộc này đã kéo dài sự bất công quá lâu. Họ im lặng và cúi xuống làm việc vì sinh nhai.

Rồi những thay đổi cũng đến, nhưng chỉ thay chứ không đổi được bức tranh ảm đạm, bất công của đất nước.

Đất nước chuyển mình không xuất phát từ ý chí của nhà cầm quyền mà từ khuynh hướng hội nhập của thế giới vào Việt Nam. Những khu kinh tế mới biến mất thay vào đó là các Khu chế xuất, tập trung hãng xưởng nước ngoài thành lập nhà máy của họ tại Việt Nam. Người dân vui mừng vì cơ hội đổi đời hé ra một tương lai sáng sủa hơn. Những khu đất được đền bù khiến hàng ngàn gia đình lột xác, xe cộ máy móc nhà cửa nổi lên như một dòng cuồng lưu kéo theo hàng triệu con người bỏ ruộng, bỏ vườn hòa vào dòng chảy của các đại gia "hai lúa". Dòng chảy ấy mau chóng cạn kiệt sau một thời gian ngắn, những nông dân may mắn sau khi tiêu tốn tiền đền bù giải tỏa vào những phung phí của cuộc đổi đời, bị đạp trở lại cột mốc zero của chặng đường làm giàu không cần lao động.

Cho tới thập niên 2010 thì mọi chuyện hình như bước vào giai đoạn mới. Bây giờ là thời của đại gia, thời của Bí thư các loại.

Và bây giờ dân cũng đã không còn im lặng.

Người dân bây giờ tự do khai quật những điều bị cho là cấm kỵ trước đây với hai cái tên điển hình sự cho thối nát của thể chế hôm nay : Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến.

quyet2

Cái tên Trịnh Văn Quyết trong vài năm trở lại đây được nhắc đến nhiều nhờ các thương vụ, dự án kinh doanh bất động sản đình đám trong nước. Tên ông Quyết gắn liền với tên Tập đoàn FLC.

Với tựa đề "Luật sư kinh doanh", Tạp chí Forbes phiên bản Việt số tháng 7/2014 đã có bài viết về Trịnh Văn Quyết, một luật sư ra làm nghề kinh doanh, nhân vật gây chú ý với một loạt thương vụ đầu tư, mua bán bất động sản.

Đại gia tỷ phú đô la lên trang nhất của báo Forbes Việt Nam ngày càng đông. Những cái tên Nguyễn Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết không còn xa lạ như cách đây một thập niên. Họ là những tay kinh doanh bất động sản thành công lớn và tài sản của hai "danh nhân" này tuy được nói là cả tỷ đô la nhưng thực tế bên trong còn hơn thế nữa.

Nếu Nguyễn Nhật Vượng lấy sức mạnh của Vingroup dể thanh toán những mảnh đất màu mỡ nằm trong nội ô các thành phố lớn thì Trịnh Văn Quyết lại chỉa mục tiêu vào các khu du lịch tiềm năng, Không phải tự nhiên mà bạc tỷ chạy vào túi nếu họ kinh doanh bất động sản "hiền lành" như cả triệu người khác. Họ có chiêu, tay phải họ cầm gươm đi "mua đất" tay trái họ cầm cái khiên che chắn mọi chống đối của người dân hay những phát hiện gian trá do truyền thông khui ra.

Họ biết ăn và biết chia. Họ thành công vì đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.

Dĩ nhiên làm ăn ở Việt Nam là phải biết "bôi trơn". Từ một chị bán hàng rong cũng phải móc ra năm bảy ngàn cho bọn dân phòng, quản lý thị trường rồi bây giờ là trật từ đường phố. Những đồng tiền nhỏ nhoi và tội nghiệp ấy vẫn hàng ngày được "nhẹ nhàng" gửi cho các anh uống café để chúng em kiếm tiền cho con ăn học.

Đối với trọc phú đỏ, họ có cách khác để chi tiền vừa bài bản, thông minh lại được tiếng là giúp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đó là vẽ dự án, những khu đô thị mới cần phải nổi lên để đẹp mặt thành phố. Phải tạo những khu resort làm mát mặt địa phương đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân. Những bài bản ấy báo chí không lạ, người dân không lạ và dĩ nhiên, lãnh đạo các tỉnh cũng hoàn toàn không lạ.

Vài ngày nay người ta công khai mang những tấm ảnh khó tin phát tán trên mạng xã hội trong đó không ít tấm đã miêu tả dược chân dung của các đại gia làm giàu như thế nào và các quan đầu tỉnh kiếm tiền ra sao, do ai cung cấp.

quyet3

Khu biệt thự Phương Viên nằm trong khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hà Tây cũ, nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã được xây dựng gần 10 năm nay và bị bỏ hoang.

Liên hệ mật thiết môi răng ấy cho thấy toàn cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Tả tơi phía sau những khu đô thị hoành tráng vẫn chưa có người ở.

Tấm ảnh chụp ông Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và đại gia Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC tươi cười trong một sự kiện khiến cho cả nước cay đắng. Cay đắng vì ông bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đang bị dư luận lôi ra ánh sáng vì cung cấp hàng trăm tỷ cho bồ nhí Trần Vũ Quỳnh Anh.

Còn ông Trịnh Văn Quyết, chủ nhân ông với các "siêu" quần thể khu nghỉ dưỡng và sân golf ở 6 tỉnh, thành chiếm quỹ đất lên tới 4.124 ha, 3.600 phòng khách sạn và hàng nghìn căn biệt thự. Trịnh Văn Quyết trở thành "ông trùm" địa ốc giàu nhất nước.

Khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn thuộc phạm vi do ông Bí thư Trịnh Văn Chiến quản lý trị giá 5.500 tỷ dọc bờ biển Sầm Sơn đã xua đuổi hàng ngàn hộ dân đang sinh họat tại vùng biển này không thể không có sự tiếp tay của ông mà FLC thành công được.

quyet4

Từ ngày làm Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa và vào được Trung ương Đảng, ông Trịnh Văn Chiến tự cho mình lên đến đỉnh cao quyền lực nên "coi trời bằng vung".

Hai con người ấy kề cận tươi cười chụp hình bên nhau tuy không có giá trị là bằng chứng để truy tố nhưng nó có giá trị của sự liên tưởng, một giá trị tuyệt đối làm cho người dân tỉnh ngộ.

Ông Quyết lấy đâu ra tiền cho gái nếu không kề vai kẹp cổ Trịnh Văn Chiến ?

Ông Chiến lấy đâu ra đất để xây resort nếu không cặp cổ ông Quyết dúi những phong bì dười gầm bàn trong những lần gặp gỡ công khai giữa thanh thiên bạch nhật ?

Cái tinh thần "quyết chiến" ấy thể hiện trên ánh mắt uất hận của người dân Thanh Hóa. Nó nằm trên các trang mạng xã hội và người dân đã dần biết được câu hỏi "tại sao họ giàu như thế ?"

Những đại gia lớn nhất nước Việt luôn là người tin cẩn của hệ thống chính trị Việt Nam. Bất cứ một dự án lớn nào cũng được "nghiên cứu" rất kỹ giữa hai "đối tác". Từ việc vẽ ra mục đích cho có vẻ hợp với nhu cầu phát triển, cho tới cách tiến hành dự án ấy đều được rà soát kỹ lưỡng cho phù hợp với pháp luật và thủ tục ăn chia với nhau.

Càng giàu thì người ta càng ác. Chính bản thân họ dù sao cũng là con người họ không thế ác như thế nếu phía sau không có những cái đầu điều hành đất nước "ác" hơn.

Đó là định luật phát triển của mafia và dĩ nhiên mafia đỏ vẫn nguy hiểm hơn mafia tư bản nhiều bởi chúng có điều 4 trong hiến pháp.

quyet5

Một lực lượng đông đảo, bao gồm công an, cảnh sát cơ động, an ninh thường phục, đoàn viên thanh niên cộng sản… để đối đầu với người dân miền Trung biêu tình chống Formosa gây ô nhiễm vùng biển sinh nhai

Ngày hôm qua, có thêm một tấm ảnh khác : người dân Đông Yên lặn lội dưới bầu trời tím tái vì mưa gió để biểu tình chống Formosa vào sáng ngày 11 tháng 3.

Trong cuộc biểu tình ấy người ta mang lên trang mạng xã hội những video clip cho thấy một việc rất mới vừa xảy ra : người dân hô vang dội "đả đảo cộng sản".

Cái thời người dân lẳng lặng lên xe đi kinh tế mới đã qua, bây giờ họ đã không còn biết sợ. Hình ảnh quan lại cấu kết với các tập đoàn "quyết chiến" với dân đã kích thích sự nổi dậy.

Bắt đầu cuộc nổi dậy nào cũng có khẩu hiệu rất quen thuộc : "đả đảo".

Chế độ cũ sụp đổ vì những tiếng "đả đảo" giữa lòng Sài Gòn. Chế độ cộng sản Việt Nam cũng sẽ không thể thoát khỏi sụp đổ từ những tiếng hô đả đảo của người dân bị áp bức giữa miền Trung tang thương ấy.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 12/03/2017 (canhco's blog)

Additional Info

  • Author Cánh Cò
Published in Diễn đàn