Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau khi Liên Bang Xô Viết phá sản thì Đặng Tiểu Bình lập luận mèo trắng mèo đen cũng đều bắt chuột, đảng cộng sản tuy vẫn nắm độc quyền lãnh đạo nhưng tính chính danh đặt trên tăng trưởng GDP. 

demo1

Các thành viên của đảng Xã hội Dân chủ Hoa Kỳ trong các cuộc biểu tình Chiếm Phố Wall ở New York vào tháng 9 năm 2011 (Ảnh David Shankbone / CC BY / Wikimedia Commons)

Người viết vốn dị ứng với cụm từ xã hội chủ nghĩa và cảnh nhà nước lạm dụng quyền lực cho nên nghe đòi mở rộng vai trò của chính quyền để phục vụ xã hội là dán nhãn mác-xít theo cách nhìn nhà nước chẳng những không giải quyết mà còn tạo thêm vấn nạn (Government is not the solution to our problem, government is the problem – như Tổng thống Ronald Reagan phát biểu). 

Tuy nhiên nghĩ lại thì oan uổng cho thành phần cấp tiến (progressive) khi một số đông trong đó vừa chống tư bản bất công vừa chống độc tài cộng sản. Cho nên thiết tưởng cần phân biệt giữa hai mô hình dân chủ xã hội và xã hội chủ nghĩa, cộng thêm một khuông mẫu mới là xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Quốc. 

Mô hình dân chủ xã hội thường được gắn liền với kinh tế gia nổi tiếng John Maynard Keynes. Ông này sống vào đầu thế kỷ 20 nên chứng kiến cảnh chủ nghĩa tư bản phát triển quá độ dẫn đến chế độ thực dân, bất công xã hội và cuộc Đại khủng hoảng 1929. Keynes lại sang Nga nhìn thấy giáo điều mác-lênin chà đạp lên quyền tự do cá nhân và làm kiệt quệ nền kinh tế, rồi Đức với sự bùng nổ của tư tưởng quốc xã dẫn đến Thế chiến thứ hai thảm khốc. Từ đó Keynes đưa ra giải pháp nhà nước phải đóng vai trò tích cực nhằm ngăn ngừa những quá độ của tư bản, bằng không bất công kinh tế sẽ dẫn đến phẫn nộ và trào lưu dân túy cùng mầm mống cộng sản hay phát xít đe dọa hủy diệt quyền tự do cá nhân. 

Nói cách khác, chính quyền cần mang đến cơ hội đồng đều về kinh tế (economic opportunities – khác với sang bằng giàu nghèo) thì mới bảo vệ được tự do. Nhà nước phải chống độc quyền (monopoly) phát triển dân sinh (giáo dục, y tế, quyền lợi lao động) tạo điều kiện để mọi người tìm ra được công ăn việc làm tốt (full employment) và chống đỡ nền kinh tế mỗi lần gặp khủng hoảng nhằm giảm thiểu tình trạng bất công và nghèo đói trước khi tâm lý phẫn uất lan tràn. 

Ở Mỹ, Tổng thống Roosevelt đã tiến hành nhiều bước cải cách như phát triển công đoàn và xây dựng mạng lưới an sinh từ sau năm 1929 theo chính sách New Deal để giúp Hoa Kỳ thoát ra Đại khủng hoảng. Trong khi đó Châu Âu vẫn còn chế độ thực dân cho nên có thể nói Hoa Kỳ áp dụng mô hình dân chủ xã hội trước Tây Âu. Nhưng Mỹ là vùng đất mới khai phóng ra đời từ khi dân chúng nổi dậy chống thuế má và sự bảo hộ của vương quốc Anh, do đó người dân Hoa Kỳ có truyền thống độc lập cá nhân (individualism) hoài nghi chính quyền sẽ tước đoạt quyền tự do và tài sản của họ dưới dạng thuế má. 

Ngược lại Tây Âu sau Thế chiến thứ hai bị chèn ép giữa hai gã khổng lồ Nga và Mỹ nên nhất thiết phải có chính quyền dân chủ đủ mạnh để bảo đảm hòa bình, phục hồi kinh tế và phát triển dân sinh. Do hoàn cảnh khác biệt này nên từ sau Thế chiến thứ hai Châu Âu phát triển theo mô hình dân chủ xã hội trong khi Hoa Kỳ lúc nào cũng bị giằng co giữa vai trò nhà nước lớn hay nhỏ.

Trong khi dân chúng Châu Âu tin vào chính quyền bảo đảm an sinh và quyền tự do cá nhân thì không ít dân chúng Hoa Kỳ chống lại vai trò bành trướng của nhà nước vì họ nghi ngờ sẽ tước đoạt tài sản (qua thuế má) và bóp nghẹt quyền tự do. Cho nên nhiều người Mỹ không phân biệt giữa dân chủ xã hội hay xã hội chủ nghĩa, trong cách mạng 1775 họ nổi lên chống "The British are coming" thì nay họ so sánh sự bành trướng của nhà nước giống như "The Communists are coming".

Tuy nhiên giữa hai mô hình dân chủ xã hội và xã hội chủ nghĩa có nhiều khác biệt. Một là dân chủ đa đảng hay độc tài đơn đảng. Thứ nhì nhà nước vẫn phải tôn trọng luật pháp thay vì đứng trên luật pháp. Thứ ba là tam quyền phân lập. Nền dân chủ xã hội vẫn tôn trọng quyền tư hữu và kinh doanh tư nhân trong khi nhà nước dùng thuế má để tái phân phối tài sản nhằm giảm bớt giàu nghèo và phát triển dân sinh. Ngược lại trong chế độ xã hội chủ nghĩa không có quyền tư hữu kinh doanh tư nhân, nhà nước nắm trọn của cải và mọi sinh hoạt kinh tế trong nước để chia đều cho mọi người (mà cho đảng viên được nhiều hơn !) 

Chủ nghĩa xã hội theo mô hình Trung Quốc (Việt Nam đang áp dụng) lại là một khuôn mẫu mới. Trước đây tư bản tạo ra của cải (wealth creation) trong khi cộng sản hô hào phân phối của cải (wealth distribution) dẫn đến tình trạng nghèo khó. Nhưng sau khi Liên Bang Xô Viết phá sản thì Đặng Tiểu Bình lập luận mèo trắng mèo đen cũng đều bắt chuột, đảng cộng sản tuy vẫn nắm độc quyền lãnh đạo nhưng tính chính danh đặt trên tăng trưởng GDP. 

Nhà cầm quyền tuy chấp nhận quyền tư hữu và kinh doanh nhưng phải có khả năng điều hành quốc gia tốt (good governance) nhằm tạo ổn định (stability) cho dân giàu nước mạnh. Kết quả nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhảy vọt đưa 1,5 tỷ người ra khỏi ngưỡng cửa nghèo khó trong đó 500-700 triệu người tiến vào giới trung lưu với mức sống và tiêu thụ không kém gì phương Tây. 

Trung Quốc tự xem đang ở vào thời đại hoàng kim hơn cả đời nhà Hán. Dân chúng tuy có quyền tư hữu, khu vực kinh tế tư nhân dù được khuyến khích tăng trưởng vô cùng linh động nhưng vẫn đặt dưới sự giám sát, trong khi nhà nước tiếp tục sở hữu đất đai, độc quyền lãnh đạo và đưa ra chiến lược công nghệ phát triễn quốc gia. Giữa nhà nước và các tập đoàn chủ lực (Huawei, Alibaba, v.v…) mập mờ công hay tư.

Nói tóm lại hiện có 3 mô hình của 3 nền kinh tế lớn cạnh tranh lẫn nhau, đó là mô hình tư bản (Hoa Kỳ), mô hình dân chủ xã hội (Tây Âu) và mô hình xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc. Châu Âu và Trung Quốc sẽ không thay đổi phương thức của mình trừ phi có biến động chính trị, trong khi tại Hoa Kỳ đang có biến động chính trị lớn giằng co quyết liệt giữa hai khuynh hướng tư bản và /2020dân chủ xã hội. Còn lại các nước đang mở mang thì dân chúng thích nếp sống tự do Âu-Mỹ trong khi lãnh đạo lại muốn làm ăn với Trung Quốc để làm giàu và trị dân cho dễ. 

Đoàn Hưng Quốc

Nguồn : VNTB, 18/07/2020

Additional Info

  • Author Đoàn Hưng Quốc
Published in Diễn đàn

Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa hay thực chất là một chế độ tư bản do một đảng tự xưng là "Cộng Sản" lãnh đạo ? Ngày 04/05/2018, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx, chủ tịch Tập Bình tuyên bố : "Trung Quốc tiếp tục giương cao ngọn cờ Mác-xít". Cùng hòa điệu, cố vấn Vương Hỗ Ninh, lý thuyết gia của chế độ khẳng định : "Tư tưởng Tập Cận Bình là chủ nghĩa Mác của thế kỷ 21". Hư thực ra sao ?

tq1

Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 04/05/2018. Reuters

Theo giáo sư Mác-xít Gérard Dumesnil và cũng là giám đốc nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp cho rằng "xã hội chủ nghĩa theo mô hình Trung Quốc", nôm na là một thủ đoạn "treo đầu dê bán thịt chó" mà chính bản thân ông và nhiều nhà trí thức Mác-xít Tây phương cũng bị gạt.

RFI tiếng Việt giới thiệu một số trích đoạn trong bài phỏng vấn do đồng nghiệp RFI ban Hoa ngữ thực hiện.

Bẫy lừa trí thức

RFI : Năm nay 76 tuổi, giáo sư Gérard Dumesnil hiện vẫn hoạt động trong phong trào ATTAC, một tổ chức vì hoạt động của xã hội công dân vận động đánh thuế chuyển ngân, có mặt tại 38 quốc gia. Thông thạo tiếng Quan thoại, chuyên gia chủ nghĩa Mác có một thời gian hợp tác với đại học Trung Quốc và được trọng vọng cộng tác với một số tạp chí chuyên đề kinh tế - chính trị và tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp Trung Quốc.

Vì sao thất vọng ? Ông chia sẻ kinh nghiệm.

Gérard Dumesnil : Bắt đầu từ thập niên 2000, cho đến 2010 thì lần đầu tôi được mời giảng dạy trong một tháng tại đại học Phúc Đán (Fudan) ở Thượng Hải. Sau đó, tôi được mời tham dự các cuộc hội thảo, trao đổi kiến thức…

Tháng dạy học ở Phúc Đán, với sinh viên bậc tiến sĩ triết học, diễn ra rất tốt đẹp. Tuy nhiên, các cuộc hội thảo mà tôi được tham dự, phải nói là rất thất vọng. Thứ nhất là vì tình hình chính trị hiện nay ở Trung Quốc. Thứ hai, theo nhãn quan chính trị của chế độ hiện nay đối với chủ nghĩa Mác, thì một nhà nghiên cứu Mác-xít như tôi là kẻ đáng ngờ, không đáng tin cậy. Do vậy, một thời gian sau, tôi ngưng cộng tác, không đi Trung Quốc nữa.

RFI : Trong một chương trình của đài phát thanh văn hóa France Culture, cùng với đồng nghiệp Pháp Dominique Levy, giáo sư Gérard Dumesnil có than phiền là bị phía Trung Quốc gài bẫy, đánh lừa. Đánh lừa như thế nào và với dụng ý gì ?

Gérard Dumesnil : Vâng, tôi bị họ lừa. Bởi vì lúc đầu tôi không thể nghĩ ra mưu mô của Trung Quốc. Bước thứ nhất, người của họ tiếp xúc với tôi một cách lịch sự, ca tụng các công trình nghiên cứu của tôi.

Để không làm mất thời giờ, tôi xin nêu hai trường hợp cụ thể là hai tạp chí Anh ngữ do những người Trung Quốc tự xưng là "Mác-xít" chủ biên dành cho giới độc giả trình độ hàn lâm, đại học. Hai tạp chí đó là World Review of Political Economy và Internatinal Critical Forum, cả hai đều bằng tiếng Anh. Họ mời tôi cộng tác viết bài nhất là chủ đề về "lợi ích rút ra từ những tác phẩm của Karl Marx" để tìm hiểu thế giới ngày nay. Đó cũng là chủ đề của số báo đầu tiên mà tôi viết một cách tận tâm.

Sau khi tạp chí được phát hành thì tôi thấy được đòn lừa của họ : Những bài đăng trong tạp chí, và các tác giả, được giới thiệu là "công cuộc tiếp nối tiến trình quá độ lên xã hội chủ nghĩa" theo mô hình Trung Quốc. Khẳng định như vậy là trái với ý tôi. Bản thân tôi, theo chủ nghĩa Mác, chưa bao giờ tôi tin rằng Trung Quốc đang xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chưa hết, sau đó họ giăng một chiếc bẫy khác. Khi được mời tham gia, đóng góp tham luận các cuộc hội thảo. Một lần tôi được giải thưởng, phần thưởng "hạng nhì". Còn "giải nhất"được trao cho một ông giáo sư gì đó và được giới thiệu là "lý thuyết gia số một của chủ nghĩa xã hội theo mô hình Trung Quốc".

Tôi hiểu ra là người ta lừa tôi tham gia một phong trào có chỉ đạo, có ngân sách dồi dào để tổ chức các cuộc hội thảo đó đây trên khắp thế giới, núp dưới danh nghĩa trao đổi về chủ nghĩa Mác. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở châu Âu, châu Mỹ cũng đã tham gia một cách hứng khởi bởi vì họ nghĩ rằng chủ nghĩa Mác chưa hết thời. Có ngờ đâu, chúng tôi bị lừa phục vụ một chiến lược chính trị có tài trợ dồi dào, để biện minh, quảng cáo cho cái gọi là "Chủ nghĩa Mác theo mô hình Trung Quốc" mà tôi không tin. Do vậy, tôi nghĩ rằng tốt hơn là không nên chơi với Trung Quốc.

Nói xuôi, làm ngược

RFI : Vì sao chủ nghĩa xã hội mang nét đặc thù Trung Quốc mà Bắc Kinh quảng cáo lại không thể gọi là có liên quan đến chủ nghĩa Mác ? Đâu là điểm khác biệt cốt lõi giữa mô hình Trung Quốc và Mác-xít ?

Gérard Dumesnil : Bởi vì những lý thuyết của Đặng Tiểu Bình, theo đó, Trung Quốc sẽ phát triển các lực lượng sản xuất phối hợp với tư bản chủ nghĩa lúc khởi đầu. Sau đó, Trung Quốc sẽ đạt được vị trí của một quốc gia phát triển, như Mác dự báo, điều kiện tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Tôi cho đây là thuyết trò hề của Đặng Tiểu Bình. Bởi vì Trung Quốc hiện nay đang hình thành, đúng hơn là có một thành phần đang tự chuyển biến thành một giai cấp thống trị "phức hợp" : sản xuất theo phương pháp tư bản nhưng do đảng quản trị. Chính những kẻ nắm đặc quyền là những kẻ làm giàu kinh khủng rõ rệt nhất. Do vậy, tôi không tin là đến một lúc nào đó, có thể đảo ngược tiến trình "đặc quyền tóm thu đặc lợi" để lợi nhuận được chia đều, xây dựng xã hội công bằng như Karl Marx chủ trương.

Chính sách hiện nay của chế độ Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng là nếu muốn thực hiện xã hội chủ nghĩa theo chủ trương Mác-xít thì phải có một cuộc cách mạng bạo lực dữ dội (lật đổ giai cấp thống trị).

Không có trường phái Mác-xít tại Trung Quốc

RFI : Đầu tháng 05/2018, chính quyền Trung Quốc tổ chức trọng thể 200 năm ngày sinh của ông tổ chủ nghĩa cộng sản. Trong dịp này, ông Tập Cận Bình khẳng định là Trung Quốc luôn "giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác" mà "người giữ đền" là đảng Cộng Sản Trung Quốc. Thế mà, sau khi triệt hạ được các đối thủ tiềm tàng, "tư tưởng" của chủ tịch Trung Quốc được ghi vào cương lĩnh của đảng Cộng Sản và Hiến Pháp. Chưa hết, cố vấn của chủ tịch Tập Cận Bình là Vương Hỗ Ninh, cũng xuất thân từ đại học Phúc Đán, tuyên bố "tư tưởng Tập Cận Bình là chủ nghĩa Mác của thế kỷ 21".

Có đúng vậy hay không và vì sao Bắc Kinh chi thật nhiều tiền để nghiên cứu Mác-xít ?

Gérard Dumesnil : Đối với tôi, đó là tuyên bố lừa đảo. Thế nào là xã hội chủ nghĩa theo Karl Marx ? Là xóa bỏ bất công, ít ra là xoa dịu được sức ép của giai cấp bóc lột. Trung Quốc của Tập Cận Bình không đi theo con đường này. Tập Cận Bình lặp đi lặp lại cái gọi là chủ nghĩa xã hội đặc thù Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản.

Tôi cũng không nghĩ là có một trường phái Mác-xít tại Trung Quốc với thực tâm cập nhật hóa, canh tân học thuyết của Karl Marx. Trái lại là đằng khác, chính quyền Trung Quốc chi ra những món tiền lớn để tuyên truyền, để lý giải cho đường lối chính trị hiện nay. Trong khi đó, tại Trung Quốc, không có một nỗ lực, một sáng kiến nào từ giới triết gia, kinh tế gia hay sử gia để canh tân tư tưởng của Mác. Những điều họ phát biểu trong các cuộc hội thảo nghe qua rất thảm hại. Thật là đáng tiếc cho Trung Quốc.

Nhân chứng sống : Sinh viên Trung Quốc

Những phân tích trên đây của chuyên gia "Mác-xít" Pháp về sự khác biệt giữa lời nói và hành động của chế độ Trung Quốc. Quan điểm của giáo sư Gérard Dumesnil phần nào được thực chứng : Bắc Kinh trấn áp mọi sáng kiến thực hành tư tưởng Mác vào đời sống.

Từ hai tháng nay, hơn 70 sinh viên Trung Quốc được đào tạo về chủ nghĩa Mác đã bị công an câu lưu, là những nhân chứng sống. Ngày 24/09, tại đại học Quảng Đông, 60 sinh viên bị bắt. Từ ngày 09 đến ngày 13/11, công an bắt thêm hơn một chục sinh viên mới tốt nghiệp cũng ở Quảng Đông và Vũ Hán. Cho đến nay, khoảng 30 người còn bị giam hoặc bị quản chế tại gia. Tội của những người trẻ này là lập hội thực hiện lý tưởng Mát-xít, giúp đỡ giai cấp công nhân tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động.

Tú Anh chuyển ngữ

Nguồn : RFI, 29/11/2018

Published in Diễn đàn