Một luật sư nói với BBC rằng sở dĩ những phiên tòa phúc thẩm xử các nhà hoạt động trong thời gian qua thường tuyên "y án" vì "có sự chỉ đạo trước từ phía an ninh".
Luật sư Võ An Đôn nói về các phiên tòa y án với nhà hoạt động
Phiên tòa phúc thẩm xử ba thành viên phong trào Chấn hưng Nước Việt (Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc) hôm 10/7 tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, kết thúc với phán quyết y án sơ thẩm từ 6 đến 8 năm tù với cả ba bị cáo về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam viết : "Bản án sơ thẩm kết luận các hành vi của các bị cáo Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc đã phạm tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là có căn cứ, đúng pháp luật".
"Từ lập luận đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo ; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm".
Trước đó, các phiên tòa phúc thẩm xử sáu thành viên Hội Anh em Dân chủ, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, blogger Thúy Nga (Trần Thị Nga), blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh)... cũng đều tuyên y án và bác kháng cáo của những nhà hoạt động này.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (phải) tại phiên tòa phúc thẩm ở Khánh Hòa hôm 30/11/2017
'Có sự chỉ đạo'
Hôm 11/7, trả lời BBC từ Phú Yên, Luật sư Võ An Đôn, người từng bào chữa cho blogger Mẹ Nấm, lý giải :
"Theo như tôi hiểu, hầu hết các bản án cho các nhà hoạt động đều có sự chỉ đạo trước từ phía an ninh. Do vậy các phiên tòa phúc thẩm được tiến hành xét xử theo đúng hình thức, thủ tục của pháp luật thôi".
"Có nhiều phiên tòa diễn ra nhanh, nhưng cũng có phiên kéo dài, do các luật sư đưa ra nhiều chứng cứ mâu thuẫn với lời buộc tội".
"Nhưng bản án chính trị thường được tuyên nặng, với mục đích mang tính răn đe để người khác nhìn vào không dám làm…".
"Vai trò của các luật sư trong các phiên tòa xử các nhà hoạt động này cũng chỉ mang tính hình thức thôi".
"Nhưng dù sao thì luật sư cũng mang tính cầu nối thông tin giữa bị cáo và người nhà, cũng như công luận".
"Còn việc bào chữa của luật sư với việc giảm án thì dường như chẳng có tác dụng gì", Luật sư Võ An Đôn kết luận.
Tuy nhiên, theo một quy định đề ngày 8/4/2013 của Đảng cộng sản Việt Nam thì Ban Nội chính tỉnh ủy mới là bên "chỉ đạo, định hướng các vụ xử án".
Quy định nói trên giải thích về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, và ghi rõ ltrách nhiệm của Ban Nội chính Tỉnh ủy là : "Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị tuyên y án 15 năm tù trong phiên phúc thẩm hồi tháng 6/2018 trước khi lên đường đi tỵ nạn ở Đức ba ngày sau đó
Cùng ngày, ông Châu Văn Thi, nhà báo độc lập hiện đang công tác ở Philippines, nói với BBC :
"Không phải đến phiên tòa xử ba thành viên Phong trào Chấn hưng Nước Việt ngày 10/7, người ta mới thấy tòa án Việt Nam tuyên y án sơ thẩm đối với các nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ Việt Nam, mà đó là việc làm thường xuyên của chính quyền Việt Nam".
"Trong khi diễn ra phiên phúc thẩm, các luật sư bào chữa của ba nhà hoạt động này đã viết trên Facebook hy vọng sẽ có một bản án tốt hơn cho thân chủ của họ, tuy nhiên kết quả không nằm ngoài dự đoán".
"Theo tôi nguyên do là vì nền tư pháp không độc lập, bản án không được quyết định bởi những tranh tụng, lập luận của luật sư ở tòa mà ở những thế lực cao hơn đã khiến những bản án nặng nề tiếp tục đổ lên đầu những người tranh đấu, bất chấp dư luận trong nước và quốc tế".
"Tôi nghĩ việc tốt nhất nên làm là luật sư không cần phải khuyên thân chủ mình "nhận tội" để được giảm án, mà phải bằng cách nào đó tường thuật trung thực diễn biến phiên tòa để phơi bày sự thật của nền tư pháp Việt Nam".
Đến nay, phán quyết 'y án" sau các phiên tòa phúc thẩm xử giới hoạt động thường gây tranh cãi vì các lập luận trái chiều ở hai phía. Sau phiên xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm, tháng 11/2017, báo Thanh Niên tường thuật :
"Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị xử phạt với mức án 10 năm tù là tương xứng với hành vi và hậu quả do bị cáo gây ra. Tại phiên tòa phúc thẩm, không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm".
Cùng thời điểm, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, ra thông cáo nói : "Bản án này hoàn toàn trái với Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự mà Việt Nam là một bên tham gia".
Trong lúc thông cáo của bà Caryn McClelland, Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam gửi đến BBC viết : "Tôi quan ngại sâu sắc trước việc tòa án Việt Nam giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhà hoạt động ôn hòa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với cáo buộc mơ hồ "Tuyên truyền chống nhà nước".
Nguồn : BBC, 11/07/2018