Câu hỏi này không thể mang ra chốn đông người, vì trăm phần trăm các câu trả lời công khai sẽ là :
- Không ghét. Chỉ căm thù.
- Mẹ cha bọn Tàu xâm lược, chiếm đảo chiếm đất.
- Đi tới đâu nhổ phẹt phẹt tới đó, ớn !
- Nói đồ Tàu là biết rồi đó. Đồ Tàu là đồ dỏm !
- Chỗ nào có mấy người Trung Quốc là ồn như cái chợ.
Thiệt chứ !
AFP
Có lần ở sân bay ngồi uống cà phê chờ chuyến, cùng bàn tôi có một nhóm bốn người Trung Quốc. Dòm mặt mũi ăn mặc phong cách là dân sang nha, không phải lam lũ lao động chân tay gì cả. Mà trời mẹ ơi, y bài ! Chỉ có bốn người với nhau mà họ nói chuyện oác oác như đang họp ngoài đình làng. Xen kẽ cúi ngay xuống chân nhổ nước miếng phẹt phẹt mặc dù có rất nhiều giấy ăn đặt sẵn trên bàn. Kinh tởm không chịu được !
Một lần khác, tôi đi tàu lên Lào Cai chơi. Cabin chuyến tàu chỉ có bốn người cho sáu khoang, gồm hai bác lớn tuổi là vợ chồng, cũng người Việt đi chơi như tôi và một anh du khách cỡ gần 30 tuổi người Trung Quốc. Anh vừa qua Hà Nội chơi, giờ về.
Không có hành động kém văn minh thường gặp nào. Cả cabin đi nhẹ nói khẽ cười dễ thương, không phải vì cố gắng tỏ ra lịch sự mà tôi quan sát đó là thói quen ở nơi công cộng của cả bốn người.
Vài câu chào hỏi rồi chuyện trò. Anh du khách Trung Hoa nói mới sang Hà Nội lần đầu, và thất vọng vì nóng, bụi và ồn quá.
Cô em của bạn tôi du học Trung Quốc bốn năm, định ở luôn bên đấy nhưng nhà chỉ có hai chị em nên mẹ bắt về lấy chồng ở gần. Nó về, kiếm một chỗ làm trái ngành trái sở thích, mặt lúc nào cũng buồn buồn. Có lần nó kể : "Trung Quốc đẹp lắm, hiện đại lắm chị ạ. Hơn Việt Nam mình nhiều. Không vì mẹ thì em không về đâu !".
Cách đây ít năm, lúc Trung Quốc kéo dàn khoan và đội tàu cả trăm chiếc vào hải phận Việt Nam, cả Việt Nam bừng bừng các cuộc biểu tình phản đối. Một số người thề không bao giờ xài hàng (có xuất xứ) Trung Quốc. Một anh nhà báo tuyên bố trên trang mạng Facebook : Đêm nay anh sẽ lôi hết tất cả đồ xuất xứ Trung Quốc trong nhà ra đốt sạch.
Úi chà, dân mạng bình luận mới phong phú chứ. Một số người cổ vũ, nói sẽ làm theo. Một số người hỏi anh có biết trong nhà anh tổng cộng bao nhiêu đồ dùng có xuất xứ Trung Quốc không, cẩn thận chứ không lại thành "mõm" (từ lóng, nghĩa là ba xạo). Ví dụ ngay cái laptop anh đang gõ chiếc status ấy, lật mặt sau xem có phải nó made in China không. Hay tivi, nồi cơm điện, máy lạnh, nồi áp suất, lò nướng, điện thoại iphone, quần áo, giày dép... Chà, đốt hết thì anh hùng đó, xem như đốt gần hết đồ gia dụng rồi.
- Bao nhiêu mình cũng đốt. Cứ chờ xem, tối nay mình đốt hết - anh khẳng khái.
Y lời, tối đó anh đốt thật, có live stream cho bạn mạng cùng xem. Đốt nhiều lắm, những hai cái áo sơ mi !
Còn những thứ khác thì anh không nói.
Một tờ báo rất to khác có thời cực đoan đến nỗi phản đối việc các đài truyền hình Việt Nam chiếu phim Tây du ký vào mùa hè, cho bọn trẻ con xem.
Cực đoan của tờ báo đó, hay lưỡng nan của anh nhà báo nói trên không phải chuyện đùa, cũng không phải chuyện của cá nhân người Việt nào. Nó chính là sự lúng túng mà nhiều người khinh ghét hay căm thù Trung Quốc không muốn thừa nhận : ghét và căm thù, nhưng trả đũa hoặc cắt đứt thì không thể. Vì hàng hóa và văn hóa Trung Quốc đã xâm nhập vào đời sống của mình quá nhiều, quá lâu và quá sâu.
Ở chiều ngược lại, với thị trường 1,5 tỷ dân ở sát nách, (nhiều đời) doanh nhân trong nước cũng giàu có nhờ làm ăn với Trung Quốc.
Khoảng những năm 2012-2016, cao trào chống Trung Quốc lên tới đỉnh điểm trong dư luận xã hội, thậm chí nhiều người còn công khai kêu gọi chiến tranh, thề sẵn sàng cầm súng dù đã quá tuổi. Thì ở trong các cuộc họp nội bộ, các diễn đàn kêu gọi đầu tư, các hội nghị xúc tiến thương mại… một phụ nữ làm doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn dũng cảm đứng lên tuyên bố họ đã buôn bán với Trung Quốc rất tốt, và trong tương lai điều đó không thay đổi.
Tôi xin nhắc lại, đó là hành động hết sức dũng cảm, vì với sức mạnh của truyền thông và mạng xã hội hiện đại, bất cứ lời nói nào tại nơi kín đáo nhất cũng có thể được phát ra nơi công cộng. Với sự căm thù Trung Quốc lúc đó, một phát biểu thuần kinh doanh của nữ doanh nhân trên rất dễ bị cắt cúp, bóp méo sang hướng gây kích động, kiểu "bọn con buôn chỉ biết đếm tiền, quan tâm x. gì đến an nguy quốc gia". Nếu thế, doanh nghiệp ấy đảm bảo bị dân mình tẩy chay. Chưa chừng có những kẻ quá khích còn xông đến phá phách, ném đá, đốt phá… như đã từng.
Dũng cảm ! Khi người phụ nữ ấy bộc bạch, rất nhiều cái đầu khác lẳng lặng gật gù tán thành, nhưng không mấy người dám đứng lên nói công khai.
"Hàng năm, Trung Quốc chi tới 260 tỷ USD để nhập khẩu nông, lâm, thủy sản, nhưng Việt Nam mới chỉ giành được 14 tỷ USD trong khoản ngoại tệ to lớn này. Vì vậy, cần đề ra chiến lược để tăng tốc, mở rộng thị phần cho xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường gần 1,5 tỷ dân.
Trong sáu tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đem về 5,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ sụt giảm 32,9%, sang Nhật Bản giảm 5,3%, sang EU giảm 16,6%.
Bốn mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh về giá trị là rau quả tăng 80,2% (đạt 1,45 tỷ USD) : gạo tăng 79,2% (đạt 440 triệu USD) : nhân điều tăng trên 50,9% (đạt 239 triệu USD) : chè tăng 58,7% (đạt 5 triệu USD) (báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Mặc dù có những mặt hàng suy giảm kim ngạch xuất khẩu như gỗ và sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sắn và sản phẩm sắn, cao su, thủy sản… nhưng nói chung, thị trường Trung Quốc vẫn đang là hiện thực và mơ ước của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Và oái oăm thay cho những người một mực chửi "hàng Tàu", nghĩ rằng thị trường Trung Quốc là thị trường cấp thấp nên nếu sản xuất theo chuẩn của Tây, của Mỹ hay của Nhật khó quá thì cứ trồng phứa rồi bán sang Tàu.
Gần đây, khá nhiều loại trái cây xuất chủ lực như chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng sang Trung Quốc đã bị bên đó tuýt còi do còn sâu bệnh trên trái. Phía Trung Quốc nói nếu doanh nghiệp tiếp tục vi phạm sẽ tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng (chứng minh nguồn gốc xuất xứ) và cơ sở đóng gói. Nếu đối tượng kiểm dịch còn sống (sâu bệnh, sinh vật gây hại), có lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng sẽ không được tiếp tục xuất khẩu.
Sự việc này dẫn đến Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường kiểm soát vi sinh vật, đối tượng kiểm dịch thực vật trên các lô hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu rồi đã không còn là một thị trường dễ tính, cái gì cũng chấp nhận như người ta hay đồn. Giờ tiêu chuẩn bán nông sản sang Trung Quốc đã ngang ngửa với tiêu chuẩn xuất sang Châu Âu. Họ cũng dần chấm dứt nhập khẩu tiểu ngạch và đã ra lộ trình đến đầu năm 2015 thì tiểu ngạch cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc, và chỉ cư dân khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu tiểu ngạch, nhưng phải có mặt trực tiếp làm thủ tục xuất cảnh.
Đấy là nói chuyện làm ăn của các doanh nghiệp.
Về phía người tiêu dùng Việt Nam, hàng Trung Quốc cũng không còn phải mang cái mác hàng dỏm nặng nề như nhiều năm trước nữa, dù vẫn có. Giờ, thị trường lan truyền tiêu chuẩn hàng hóa "hàng nội địa Trung" như từ cách đây mấy chục năm dân mình sùng kính hàng nội địa Nhật.
Dân Việt từng và đang mua đủ thứ hàng Tàu qua các trang thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba, Taobao, 1688… với giá rẻ giật mình.
Ở Sài Gòn có một phụ nữ (hay khoe) giàu nổi tiếng với biệt thự 400 tỷ, trong đó riêng bản thiết kế thuê một "nhà thiết kế" cũng nổi tiếng không kém thực hiện đã có giá 7,5 tỷ. Thế nhưng dân chơi hàng Tàu cười mỉm, nói những nội thất (xa hoa) mà cô này khoe nhập nguyên chiếc từ Châu Âu về, thực ra là mua Taobao hết cả.
Ngoài nhóm dân chơi thành thục hàng Trung Quốc, cũng chẳng ai rảnh để quan tâm xem nguồn gốc đồ nội thất ngôi biệt thự 400 tỷ có đúng như nữ chủ nhân khoe hay không, nhưng câu chuyện trên cho thấy một sự thật : có thể mua bất cứ thứ gì từ Trung Quốc, với bất cứ mẫu mã, kiểu dáng nào với giá rẻ hơn nhiều lần.
Đến thời các nền tảng trực tuyến phổ biến tại Việt Nam như Facebook, Tik Tok bùng nổ thì người tiêu dùng tiếp cận với hàng nội địa Trung còn dễ và tận mắt hơn nữa.
Bên kia quay clip trải nghiệm, cận cảnh từng ngóc ngách, có đồng hồ đo thời gian sử dụng, hứa cho kiểm tra hàng khi nhận, xài thử không ưng trong vòng ba ngày hay một tuần có quyền trả lại hoàn tiền. Trời ơi sướng còn gì bằng nữa ? Hàng thì rẻ vô địch, so với những hàng của những hãng không phải nội địa Trung thì chất lượng và tính năng cũng một tám một mười. Vậy không mua xài thì còn gì nữa ? Độ bền hả ? Rẻ mà xài ổn thì nếu hư, quăng luôn mua mới. Còn được dùng hàng mới kiểu dáng mới, thích hơn. Đó là tâm lý của người tiêu dùng phổ thông.
Những nhà sản xuất Trung Quốc chứng tỏ họ chăm chỉ, siêng năng trong việc tìm hiểu thị trường, nắm nhu cầu người tiêu dùng hơn gấp một trăm, một ngàn lần những nhà sản xuất Việt Nam.
Như tất cả các nước đang phát triển khác, Việt Nam có một số lớn người sống một mình hoặc gia đình trẻ ở các đô thị lớn hoặc khu công nghiệp, khu chế xuất, trường cao đẳng, đại học, trường nghề. Họ có tất cả các nhu cầu về đồ gia dụng, đồ trang trí… như những gia đình nhiều thành viên khác, nhưng với kích cỡ nhỏ hơn và giá rẻ hơn. Chiếc nồi cơm điện, nồi lẩu kiêm vỉ nướng nấu cho một-ba người ăn, máy giặt mini giặt mỗi lần hai, ba bộ quần áo, hay chiếc máy lạnh di động giá chỉ bằng cỡ phân nửa máy lạnh thông thường nhưng vẫn làm mát phòng, lại có thể di chuyển tùy ý… Trước đây những thứ này chỉ có thể mua hàng Nhật (nội địa, secondhand hoặc hàng mới), nhưng giá rất chát. Giờ với hàng Trung Quốc thì bao tiện nghi, bao đầy đủ và bao rẻ.
Ngạn ngữ phương Tây có câu "Con đường đến trái tim ngắn nhất là thông qua dạ dày". Các doanh nghiệp Trung Quốc viết thêm một câu chân lý đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được : "Con đường đến túi tiền người tiêu dùng ngắn nhất là thông qua nhu cầu của họ".
Vật chất thì thế.
Các ngôi sao biểu diễn Trung Quốc, nền văn học ngôn tình xuất sắc của Trung Quốc xâm nhập, dần ảnh hưởng cả tam quan (thế giới quan, giá trị quan, nhân sinh quan), thời trang, suy nghĩ và cách dùng ngôn ngữ tiếng Việt của nhiều người trẻ Việt.
Thông qua các nền tảng trực tuyến, dân Việt Nam giờ có thể nhìn ngắm trực tiếp các thành phố, công trình cầu đường, nhà cửa, giao thông, chợ búa, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật v.v. và đời sống bình thường của người dân Trung Quốc. Các du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, các TikToker sống tại Trung Quốc hồn nhiên chia sẻ các đoạn phim thực tế quay tại bất cứ nơi nào, bất cứ giờ giấc nào.
Và thực tế trần trụi không qua kiểm duyệt đó đã dần dần thay đổi suy nghĩ của không ít người Việt Nam.
Ít nhất là đã bớt ghét. Và thêm khâm phục.
Cũng như đã rạch ròi hơn trong yêu-ghét : Ghét tư tưởng xâm chiếm của lãnh đạo Trung Quốc, nhưng không ghét người dân và văn hóa Trung Quốc.
Lãnh đạo theo nhiệm kỳ, nhưng nhân dân và văn hóa thì vĩnh cửu.
Còn nếu muốn ghét cực độ, chẳng thèm vì lý do gì hết, chỉ cần anh thích thì anh ghét thôi ?
Cứ mạnh hơn người ta đi rồi tha hồ mà ghét !
Nguyễn Trường Giang
Nguồn : RFA, 09/10/2023
Tham khảo :
https://vietnambusinessinsider.vn/bau-duc-noi-gi-ve-viec-lam-an-voi-trung-quoc-a4838.html
https://vneconomy.vn/xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-thi-phan-van-chat-hep.htm
https://vnexpress.net/siet-xuat-khau-tieu-ngach-sang-trung-quoc-tu-2025-4583834.html