Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 18 juillet 2018 07:11

Hết Luật mơ hồ đến Luật đen thui

Ông bà người Việt Nam thưởng bảo con cháu “đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”.

Lời khuyên luân lý này dậy mọi người phải biết bảo vệ nhân phẩm và thuần phong mỹ tục của dân tộc và nên tránh những hành động gây hổ thẹn giống nòi trước thiên hạ.

bimat111

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Nhưng Dự luật “Bí mật nhà nước” do Bộ Công an chủ trì soạn thảo gửi tới Quốc hội từ năm 2017 và được thảo luận tại Ban thường vụ Quốc hội lần sau cùng ngày 11/07/2018 đã làm ngược lại.

Nội dung dự thảo gồm 5 Chương, 34 Điều không có những điều “đẹp” được khoe ra mà chỉ thấy nhiều ý đồ “xấu” được chuẩn bị để bao che lãnh đạo và cấm dân dòm ngó vào những chủ trương và chính sách của nhà nước do đảng Cộng sàn độc tài cầm đầu.

Hậu quả nhãn tiền của việc làm này là đảng cầm quyền duy nhất chỉ muốn dùng Luật, như vẫn làm từ trước, để vô hiệu hóa những quy định trong Hiến pháp 2013.

Sau đây là những điều Hiến pháp bị bí mật nhà nước chà đạp :


Điều 2 :

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân… 

Điều 3 :

Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…

Điều 28 :

1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Như vậy rõ ràng đảng cộng sản Việt Nam đã làm trái lời tuyên truyền từ bấy lâu nay hứa rằng việc gì cũng phải cho “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Bí mật cả lãnh đạo và chính sách

Vậy Dự luật Bí mật nhà nước viết gì ?

Dự Luật này được đưa ra để thay cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2001.

Nhưng thế nào là bí mật nhà nước ?

Điều 2 trong dự luật giải thích :

“1. Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xác định theo quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

2. Bí mật nhà nước được chứa trong tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động và các dạng khác”.

Sau khi định nghĩa như vậy, Bí mật nhà nước đã cam kết trong Điều 4 : “Bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định của Luật này, không ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân”.

Những người soạn luật phải biện bạch như vậy vì Điều 25 của Hiến pháp đã nói rõ:”Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình….”

Nhưng “tiếp cận” ghi trong dự luật lại không được Bí mật nhà nước bảo vệ. Ngược lại quyền này đã bị bao vây bởi các nhãn “Tuyệt mật”, “Tối mật” và “Mật”. Do đó có thể hiểu những người viết luật chỉ muốn nói ỡm ờ như thế để ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Vậy vi phạm đến mức độ nào thì bị coi là có “nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc” ? Dự thảo không định nghĩa nên nhóm chữ này thành mơ hồ. Chúng đã mở cửa cho nhà nước rảnh tay thi hành tùy tiện để che giấu dân.

Hơn nữa, bấy lâu nay ở Việt Nam không có bất cứ cơ quan nào có thẩm quyền và được tín nhiệm để giải thích các điều luật hay Hiến pháp như ở các nước dân chủ pháp trị đúng nghĩa, chẳng hạn như Viện Hiến pháp hay Tối cao Pháp viện.

Vì vậy, căn cứ theo Điều 10 của Bí mật nhà nước thì những việc vụ việc dưới đây nếu bị tiết lộ hay bị mất sẽ “có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc” vì chúng thuộc diện bí mật.

Trong lĩnh vực chính trị dự luật quy định thuộc loại “Tuyệt mật” bao gồm :

a) Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng Đảng ; công tác dân tộc, tôn giáo ;

b) Thông tin về hoạt động của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước ;

c) Thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ;

d) Thông tin về tình hình tư tưởng, đời sống các tầng lớp nhân dân có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, xã hội.

Có vớ vẩn không ? Toàn chuyện tầm phào. Tại sao phải giấu nhân dân những quyết sách của đảng cầm quyền ? Bí mật cả những “hoạt động” để đi đêm với ai và với mục đích gì ?

Ngay cả đến thông tin của cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng giấu kín thì nhân dân có nên tiếp tục đóng thuế nuôi ăn và trả lương cho lớp công bộc tạp nhạp này không ?

Tóm lại, khoản này đã hủy bỏ quyền “làm chủ đất nước” của người đóng thuế. Hơn nữa nên biết kẻ cầm quyền và người dân đều bình đẳng trước pháp luật nên đã là phận đầy tớ của dân như ông Hồ Chí Minh nói thì phải biết nghe lời ông chủ. Không thể vì có súng đạn trong tay mà kẻ có chức, có quyền được bóp cổ, che giấu dân những hành động xấu xa hay việc làm thất bại của mình.

Nên biết, trước khi qua đời ngày 02/09/1969 (được chính thức sửa lại từ 03/09/1969, theo thông báo của Bộ Chính trị cộng sản Việt Nam số 151 ngày 19/8/1989), ông Hồ đã để lại Di chúc, trong đó có đoạn :”Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Cũng nên biết lãnh đạo cộng sản Việt Nam thường nhanh miệng phủ nhận khi bị cáo buộc độc tài, mánh mung, tham nhũng và tư lợi. Họ còn thường xuyên hồ hởi để phô trương lời ông Hồ Chí Minh nói rằng : “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”.
(Trích bài phát biểu tại Đại hội sản xuất tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), ngày 07 tháng 6 năm 1960).

Sau này họ bảo nhau nói ngắn hơn “Ngoài lợi ích của người dân, Đảng không còn lợi ích nào khác”.  Như vậy thì tại sao phài làm luật để che đậy cho nhau ?

Quốc phòng hay Quốc lủi ?

Bước qua lĩnh vực quốc phòng, cũng “Tuyệt mật” Bí mật nhà nước còn nhảm nhí giữ riêng cho nhà nước quyền giấu kín cả “phương án bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ đất nước” thì khi giặc vào nhà liệu dân có trở tay kịp không ? Ai xúi, ai bầy vẽ ra trò hại dân này, hay lại có “tay trong” của ngoại bang nào đó nằm vùng xúi bẩy, gài bẫy như đã xẩy ra trong cuộc chiến Gạc Ma, Trường Sa ngày 14/03/1988 khi lính Việt Nam được lệnh từ cấp trên “không được nổ súng trước” để sau đó, 64 người lính Hải quân phải chịu làm bia cho Tầu nã đạn gục ngã trong tủi hờn ?

Liên quan đến biến cố Gạc Ma, cũng nên đọc đoạn viết này của Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự cộng sản Việt Nam.

Ông viết : “Vào tháng 7/2013, tại hội thảo “Những vấn đề về chủ quyền Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa” do giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Nguyên Phó Ban Dân vận Trung Ương, Chủ tịch Trung tâm Minh triết Việt Nam chủ trì gồm 60 nhà nghiên cứu nổi tiếng và nhà báo, tôi đã phát biểu nguyên văn như sau : “… Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như (Trung Quốc) đánh chiếm đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa”. “…Trong một cuộc họp của BCT, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) đập bàn ai ra lệnh bộ đội không được nổ súng?” (Trích bài viết phổ biến trên Internet của ông Lương, ngày 15/07/2018).

Ngày ấy, ông Đại tướng Lê Đức Anh, người có tiếng thân Trung Quốc giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng đến nay dù đã gần đất xa trời ở tuổi 98 mà ông ta vẫn ngậm miệng không dám làm sáng tỏ với lịch sử để tiếp tục ăn lương hưu và hưởng bổng lộc với chức nguyên Chủ tịch nước !

Trước Gạc Ma, dân quân 6 tỉnh biên giới phía bắc với Trung Quốc gồm Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã bị tổn thất rất nặng về người và của vì không ai bảo họ phải chuẩn bị phòng thủ trước khi đại quân Trung Quốc, khoảng 600,000, vượt biên giới tấn công bất ngờ từ ngày 12/07/1979, sau đó kéo dài cho đến năm 1990 ở chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang).

Cuộc tấn công Việt Nam của lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ, ông Đặng Tiểu Bình, được mệnh danh là “dạy cho Việt Nam một bài học” có mục đích chính nhằm trả đũa Hà Nội đã xua quân xâm lăng Cao Miên do Khmer đỏ Pol Pot lãnh đạo, một đồng minh cật ruột của Trung Quốc.

Chiến dịch phiêu lưu quân sự của đảng cộng sản Việt Nam chiếm đóng Cao Miên và đánh nhau với Quân Khmer đỏ bắt đầu từ ngày 25 tháng 12 năm 1978 và kết thúc ngày 26 tháng 09 năm 1989.

Cuộc chiến này được phía Việt Nam biện giải là : thứ nhất, nhằm trừng phạt quân Khmer đỏ do Pol Pot lãnh đạo đã liên tục vượt biên giới tấn công vào vùng lãnh thổ Tây Nam của Việt Nam (An Giang, đảo Thổ Châu, Phú Quốc và Tây Ninh) ngay từ sau ngày 30/04/1975 cho đến đầu năm 1978. Thứ nhì, làm nghĩa vụ quốc tế đáp lại kêu gọi giúp nhân dân Cao Miên của lực lượng Heng Samrin thân Việt Nam chống chế độ diệt chủng Pol Pot.

Tuy nhiên, sau 10 năm chiếm đóng Cao Miên, mặc dù Pol Pot và Khmer đỏ bị đánh bại nhưng tính chung “Toàn cuộc chiến (từ năm 1977 tới 1989, bao gồm cả thời kỳ đóng quân ở Campuchia), phía Việt Nam có từ 10.000 tới 15.000 quân nhân chết và khoảng 30.000 quân nhân bị thương. Thiệt hại thường dân có 55.300 chết hoặc bị thương tính cả dân thường) từ năm 1977 tới tháng 10-1989.” (theo Bách khoa Toàn thư mở).

Tất nhiên kế hoạch tấn công quân sự vào Cao Miên của cộng sản Việt Nam không phải là vấn đề phải đưa ra bàn bạc công khai, nhưng lại là nguyên nhân đưa đến cuộc xâm lăng của quân Trung Quốc vào 6 tỉnh biên giới năm 1979.

Vì vậy hãy đọc dự luật Bí mật nhà nước nói về quốc phòng và an ninh để biết nhà nước muốn bảo mật những gì :

2. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ yếu bao gồm :

a) Chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch, phương án bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ; chương trình, dự án, đề án đặc biệt quan trọng ;

b) Tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng cơ yếu ;

c) Công trình, mục tiêu về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; các loại vũ khí, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia; sản phẩm mật mã của cơ yếu.

Kín từ Quốc hội đến Đặc khu

Sau khi viết như thế, Bí mật nhà nước bò qua Quốc hội và ngành Tư pháp để tiếp tục bưng bít cho các Đại biểu Quốc hội và những quan chức giữ vai công lý trong hai dạng “Tối mật” và “Mật”.

Ai cũng biết lịch sử lập pháp của “Quốc hội đảng cử dân bầu” chỉ là bản sao quyết định của Bộ Chính trị, bởi vì mọi Dự luật đều do các Bộ trong Chính phủ soạn thảo rồi trình cho Bộ Chính trị chấp thuận trước khi gửi qua Quốc hội.

Trong khi cán bộ Tư pháp và quan tòa không bao giờ có thẩm quyền độc lập như đảng vẫn tuyên truyền. Tất cả những bản án chính trị và lương tâm đã do đảng quyết định trước. Tòa án chỉ biết cúi đầu làm theo.

Vậy hãy xem những điều phải giữ kín theo khung “Tối mật” và “Mật” là :

3. Trong lĩnh vực lập pháp, tư pháp, dự luật bao gồm những bí mật :

a) Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động lập pháp, tư pháp ;

b) Thông tin về việc khởi tố, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Quay qua lĩnh vực đối ngoại, Bí mật nhà nước cũng không muốn cho dân biết chuyện giao hảo với các nước, nhất là đối với nước láng giềng Trung Quốc thì lúc nào cũng “nhạy cảm” nhưng lại hớn hở và cụp đuôi với phương châm 16 vàng - 4 tốt (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”)

Vụ mật ước Thành Đô năm 1990 giữa Việt Nam và Trung Quốc đến nay vẫn còn bị bưng bít nhưng đã được bàn luận sâu rộng trong nhân dân. Điển hình như, theo lời Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh thì tại Thành Đô, Giang Trạch Dân lãnh đạo Trung Hoa khi ấy đã buộc phía Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cầm đâu phái đoàn gồm Thủ tướng Đỗ Mười (bấy giờ là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) và cố vấn Phạm Văn Đồng không được nhắc đến cuộc chiến biên giới phía bắc năm 1979.

Vì vậy mà bao nhiêu năm qua, cuộc chiến này đã bị bỏ quên vì nhà nước không những chỉ ngăn cản mà còn cấm tổ chức tưởng niệm những quân nhân và đồng bào đã hy sinh chống quân Tầu xâm lược.

Những cuộc tổ chức tự phát của dân, nếu có đều bị Công an đàn áp thô bạo, nhất là khi tụ tập dâng hương trước đền Lý Thái Tổ, cạnh Hồ Gươm, Hà Nội.

Đảng cộng sản Việt Nam còn không màng gì đến hy sinh của 74 lính Hải quân của Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình trong cuộc chiến chống quân Tầu đánh chiếm quấn đảo Hoàng Sa năm 1974. Họ cũng đang tâm không dám cho tổ chức tưởng niệm ghi ơn 64 người lính Hải quân của chính họ đã bỏ mình khi chống quân Trung Quốc xâm chiếm Gạc Ma và một số bãi đá khác ở Trường Sa năm 1988.

Do đó mục số 4 của dự luật Bí mật nhà nước đã cấm tiết lộ những việc thuộc lĩnh vực đối ngoại, vì là loại “Tuyệt mật” bao gồm:

a) Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động đối ngoại ;

b) Đề án phát triển quan hệ với các nước, tổ chức quốc tế ; thông tin liên quan đến phương án, kế hoạch, hoạt động đối ngoại của các cơ quan Đảng, Nhà nước ;

c) Thông tin, thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa nước ta với nước ngoài hoặc với các tổ chức quốc tế ;

d) Thông tin bí mật do nước ngoài chuyển giao theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

5. Trong lĩnh vực kinh tế, vì được xếp vào dạng “Tối mật” và “Mật” nên phải giữ kín “thông tin về quá trình xây dựng quy hoạch : cấp quốc gia, cấp vùng; cấp tỉnh; đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; cửa khẩu; hệ thống kho dự trữ quốc gia; hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho vũ khí, công nghiệp quốc phòng, an ninh”.

Như vậy khi cấm thông tin về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, tức “Đặc khu”, nhắc ta nhớ đến Dự luật thành lập 3 Đặc khu tại Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang gây tranh cãi và bị chống đối quyết liệt từ trong Quốc hội ra đền đồng bào các giới trong và ngoài Việt Nam.

Hàng chục ngàn người dân, từ Nam ra Bắc, đã đổ ra đường biểu tình chống Dự luật Đặc khu (và Luật An ninh mạng, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, trong các ngày 10, 11 và 17 tháng 6/2018 vừa qua. Nhiều biểu ngữ của người biểu tình viết “Cho Trung Quốc thuê đặc khu là bán nước”, hay “Không cho Trung Quốc thuế đất dù chỉ 1 ngày”.

Hành động chống dự án Đặc khu tập trung vào dự kiến cho nước ngoài thuê đất 99 năm tại 3 vị trí có giá trị chiến lược quốc phòng đã buộc Chính phủ phải bỏ thời hạn này và xin Quốc hội cho lùi cuộc thảo luận ngày 15/6/2018 đến kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2018.

Một thời hạn cho thuê đất dài 70 năm như quy định trong Luật đất đai, dự trù sẽ được tái đề nghị trong Luật Đặc khu chỉnh sửa. Nhưng không phải chỉ có vậy mà Luật Đặc khu còn dành qúa nhiều ưu đãi cho người nước ngoài trong các lĩnh vực thuế vụ, nhà ở và đầu tư kinh doanh, đất đai, cửa biển, phi trường, khai thác du lịch và tổ chức song bài. Tất cả những dịch vụ này sẽ mở đường cho người nước làm chủ đất Việt Nam như vào vùng đất không người.

Với kinh nghiệm Trung Quốc đã xâm nhập vào khai thác Bauxite trên Tây nguyên và khai thác thép tại Formosa Hà Tĩnh để gây ra thảm họa môi trường năm 2016, người dân và các giới trí thức và chuyên gia kinh tế và tài chính ở Việt Nam đã quan ngại nếu nhu nhược và bất cẩn, Luật Đặc khu sẽ giúp tài phiệt nước ngoài, đặc biệt là người Tầu và chính quyền Trung Quốc, làm chủ các vị trí yết hầu nhìn ra Biển Đông của Việt Nam.

Thông tin – Sức khỏe lãnh đạo ?

Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, loại “Tối mật” và “Mật”, thì dự luật Bí mật nhà nước quy định bị cấm tiết lộ:

– Chiến lược, kế hoạch về phát triển báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, điện tử, phát thanh và truyền hình, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia.

Như vậy thì nhà nước muốn dân nghe ai, đọc gì hay phải bằng lòng sống với lạc hậu giữa một thế giới văn minh và chịu kiếp ngu đần bên cạnh các dân tộc tiến bộ?

Nếu Luật này buộc dân chỉ được nghe những gì nhà nước nói và làm những gì đảng bắt làm thì không mới, nhưng lại che kín hết thì muốn dân chui vào hang ăn lông ở lỗ hay sao ?

Riêng trong lĩnh vực y tế, điều quan trọng bị cấm tiết lộ, vì là loại “Tối mật” và “Mật” nên là: “Thông tin liên quan đến bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước”.

Tại sao lại chủ trương kỳ thị như vậy. Sức khỏe của lãnh đạo đảng và nhà nước có khác gì của nhân dân ? Mọi con người được sống và phải chết như nhau. Lãnh đạo các nước có bệnh họ công khai cho cả thế giới biết để tìm thuốc điều trị mà “có chết thằng tây nào đâu”. Ai thèm để ý, quan tâm cho phí thời giờ ?

Ấy vậy mà Bí mật nhà nước lại liệt kê tin tình trạng sức khỏe của lãnh đạo vào loại “mật” thì có rởm tặc không ? Tay sai, bợ đỡ, nịnh hót và nâng bi lãnh đạo cũng có chừng có mực thì mới coi được.

Ngoài ra, Bí mật nhà nước còn liệt kê vào loại “Tuyệt mật” cả “Thông tin liên quan đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ”. Nhưng “chính trị nội bộ” là gì ?

Đó là công tác : “Bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị, điều lệ, nguyên tắc tổ chức của Đảng; bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng, đường lối chính trị, phá hoại tổ chức đảng từ trong nội bộ, mua chuộc, dụ dỗ, khống chế cán bộ, đảng viên của Đảng”  (theo Tài liệu của Đảng bộ Than Qủang Ninh, ngày 01/05/2018).

Một bản tin khác của Chính phủ còn giải thích thêm rằng : “Bảo vệ chính trị nội bộ là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của chế độ… Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong tình hình hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thiết thực góp phần quán triệt, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng” (theo Văn phòng Chinh Phủ, ngày 04/08/2017)

Nhưng suy thoái đạo đức và tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên đã được công khai cho cả thế giới biết tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa đảng XII năm 2016.

Nghị quyết 04-NQ/TW được ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10/2016 nhìn nhận :

– “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn ; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

- “Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

- “Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”.

 Cuối cùng đảng cảnh cáo : “Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. 

Như thế thì “chính trị nội bộ” đã nát như tương chưa mà còn muốn bảo mật ?

Sau cùng, dự luật Bí mật nhà nước còn liệt vào danh sách “Tối mật” và “Mật” cả : “Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”.

Như vậy thì ở Việt Nam thời Cộng sản giữa năm 2018 người ta thấy Chính quyền minh bạch với dân thì ít mà muốn bưng bít dân thì nhiều.

Phạm Trần

(19/07/2018)

Published in Diễn đàn