Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chủ tịch nước Việt Nam mới đây yêu cầu Tòa án xét xử không được để xảy ra oan sai. Ông Võ Văn Thưởng đưa ra yêu cầu vừa nêu tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao hôm 27/3/2023.

oan1

Ông Nguyễn Trường Chinh và gia đình ra Hà Nội kêu oan cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Hình do ông Nguyễn Trường Chinh cung cấp

Tại buổi làm việc với Chủ tịch nước, đại diện ngành Tư pháp cho biết số lượng các vụ án tòa án các cấp giải quyết tăng bình quân 6%/năm với chất lượng xét xử và giải quyết các vụ án có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ các bản án bị hủy, sửa ở mức thấp, dưới 1,5%, thời gian gần đây chưa phát hiện trường hợp kết án oan.

Một luật sư tại Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 28/3 nhận định :

"Án oan thì chia thành nhiều giai đoạn. Sau 30/4/1975 lúc đó Việt Nam chưa có luật nên xử oan nhiều người, người ta kêu oan 30-40 năm bây giờ mới được minh oan, chứ không phải là án oan bây giờ. Sau khi cải cách tư pháp từ năm 2005 đến 2018, tầm nhìn 2020 thì án oan mới có vẻ ít hơn. Nhưng vấn đề thứ hai quan trọng hơn, là những luật sư bảo vệ cho những vụ án oan hiện nay giống như là bị bịt miệng gần hết. Trước đây đụng đâu cũng thấy án oan, ví dụ như người dân gõ cửa nhà tôi là thấy án oan, tôi đọc hồ sơ thấy oan thì kêu anh em vô. Nhưng bây giờ các luật sư như vậy bị bịt miệng hết, bị rủi ro hết. Thành ra án oan bị chặn đứng".

Nhưng theo luật sư này, án oan bị chặn đứng không phải là không có án oan, mà để chứng minh một mệnh đề "oan" hay "không oan" đã bị chặn đứng. Ông nói tiếp :

"Như vậy giai đoạn trước đổ thừa là do lịch sử để lại. Còn giai đoạn bây giờ luật sư vào trong tòa không được mang laptop, không được mang điện thoại di động, tại sao chính phủ điện tử mà không có luật sư điện tử ? Luật sư bây giờ vô tòa chẳng lẽ mang cả một thư viện hồ sơ vụ án mấy chục ngàn bút lục ? Cấm hẳn luật sư không được mang điện thoại, laptop như vậy thì luật sư thì làm sao bào chữa ?"

Trong nhiều năm gần đây đã xảy ra khá nhiều vụ án oan sai, nhiều vụ án oan sai đã từng được thừa nhận, báo chí đưa tin rộng rãi. Đơn cử như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn hay Hàn Đức Long.

Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội cố sát với bản án chung thân đã được thả tự do sau 10 năm ngồi tù vào ngày 5/11/2013.

Sau đó, vào ngày 20/12/2016, ông Hàn Đức Long từng bốn lần bị các tòa ở Việt Nam tuyên án tử hình với các cáo buộc giết người, hiếp dâm trẻ em đã được tha sau 11 năm tù oan.

Mới nhất là năm 2020, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã trao tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án "Cướp tài sản riêng của công dân" với số tiền lên đến hơn sáu tỷ đồng. Vụ án oan vừa nêu đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979. Có hai người đã qua đời không nhận được tiền bồi thường.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều vụ án kêu oan hàng chục năm qua vẫn không được chính quyền giải quyết, như vụ hai án tử hình oan sai nổi bật là tử tù Hồ Duy Hải và tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại hôm 28/3 :

"Tôi đã đi kêu oan đòi công lý tự do cho con tôi từ năm 2007, đến giờ đã hơn 16 năm mà chưa thấy có tiến triển gì. Họ vẫn giữ nguyên, bây giờ họ chỉ trả lời bằng miệng nói rằng trường hợp nhưng anh Chưởng đang được xem xét. Tôi chỉ yêu cầu trả lời bằng văn bản là Chưởng có tội hay không có tội, nhưng họ không trả lời. Có một luật sư đang hỗ trợ pháp lý cho tôi là luật sư Lê Văn Hòa, theo dõi vụ án oan sai của tử tù Nguyễn Văn Chưởng từ năm 2009, ông nắm rất rõ và nói rằng đây là oan sai, hiện ông vẫn đang tiếp tục kiến nghị. Theo tôi có nhiều án oan sai lắm, nhưng đặc biệt là có hai án tử hình oan sai nổi bật là tử tù Hồ Duy Hải và tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Tử tù Hồ Duy Hải đã kêu oan 15 năm, còn Nguyễn Văn Chưởng hơn 16 năm".

Trong vụ án bị cho là oan sai của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, thiếu tá Nguyễn Văn Sinh thuộc công an phường Đông Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng bị giết chết khi đang đi tuần tra. Nguyễn Văn Chưởng và bốn người khác bị cáo buộc tội giết người, trong đó người thanh niên này bị đề nghị tử hình còn bốn người khác bị án từ 12 tháng đến chung thân.

Tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình đã có nhiều đơn kêu oan, đề nghị các cấp xem xét lại bản án. Người thanh niên này tố cáo bị đánh đập và ép cung bởi điều tra viên trong khi các lời khai của các nghi can mâu thuẫn, hành vi, hung khí và dấu vết trên cơ thể nạn nhân không phù hợp… Nhưng đến nay vẫn chưa thể minh oan.

Một vụ án khác được dư luận quan tâm là vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Thanh niên Hồ Duy Hải, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh "giết người, cướp tài sản" tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm.

Đáng chú ý, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm đến nên không làm thay đổi được kết quả phiên tòa.

Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trả lời RFA trước đây cho biết, án oan tại Việt Nam không đến nỗi xảy ra quá thường xuyên, nhưng không phải là ít :

"Trong những vụ án mà tôi tham gia bào chữa, đa phần trong đó liên quan đến tội danh xâm phạm an ninh quốc gia thì tôi thấy hầu hết đều có dấu hiệu oan sai kiểu này, kiểu khác. Điển hình là vụ án Đồng Tâm, mặc dù không phải vụ án chính trị nhưng cũng có thể coi đó là vụ án oan sai, thậm chí ở mức độ khá nặng nề khi khá nhiều quy định tố tụng đã không được bảo đảm về việc thực hiện điều tra chẳng hạn…".

Trong phiên xử vụ Đồng Tâm diễn ra vào ngày 14/9/2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra phán quyết đối với 29 người trong vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" diễn ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội. Tổng cộng có sáu người đã bị cáo buộc tội ‘"Giết người". Trong đó, có hai người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con trai cụ Lê Đình Kình. Ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, nhận án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù.

Nguồn : RFA, 28/03/2023

Published in Việt Nam
jeudi, 29 septembre 2022 15:47

Án oan sai ở Việt Nam

Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, có phát biểu trong cuộc họp của thường vụ quốc hội, phản hồi báo cáo của chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về các trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố như sau : "Một năm cả nước có trên 120.000 vụ án hình sự, chỉ có 17 vụ như vậy thì phải cảm thấy mừng. So với năm trước là 15, năm nay là 17. Con số 2 này không nói lên được điều gì cả, bởi vì còn lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta sẽ lưu ý, nhưng đừng đánh giá sớm quá thì tạo ra một tâm lý cho anh em trong thực thi nhiệm vụ".

anoansai1

Ông Huỳnh Văn Nén hội tụ cùng gia đình sau khi bị ngồi tù oan 18 năm.

Thông thường, các ngành ở Việt Nam hay có các thành tích tương tự, Viện Kiểm sát có 17 trường hợp oan sai, thì phía Tòa án cũng có khoảng tầm đó, hơn kém không đáng kể. Theo cách quy nạp như vậy, Tòa án cũng có khoảng 15 đến 20 trường hợp oan sai. Tổng cộng điều tra truy tố và xét xử khoảng 40 trường hợp oan sai. Tỷ lệ 40 trường hợp trên 120.000 vụ án hình sự, có thể nói là là một tỷ lệ cực thấp 0.00033, làm tròn số có thể bỏ qua. Như vậy, ở Việt Nam nền tư pháp gần như hoàn hảo. Cũng như tất cả các ngành các cấp khác, chỗ nào cũng hoàn hảo mà đất nước và xã hội nát bét, không còn một cái gì có thể gọi là tử tế, ra hồn người.

anoansai2

Ông Nguyễn Thanh Chấn (giữa, ở Bắc Giang) được tuyên vô tội sau khi ngồi tù oan 10 năm.

Theo một luật sư được đào tạo thời Pháp thuộc, rất tiếc tôi không nhớ tên, có nói đã lâu rằng, án oan sai ở Việt Nam là khoảng 70-80%, tôi hoàn toàn đồng ý con số này. Nhưng chúng ta cần hiểu, oan sai so với cái gì ? Theo tôi hiểu, đó là oan sai về việc làm của họ so với pháp luật thông thường trên thế giới. Những án hình sự của Việt Nam hay của thế giới cũng không có khác biệt nhiều lắm, tức là tính chất, mức độ và phạm vị vi phạm pháp luật hầu như các nước không có nhiều sự khác biệt. Như vậy, tỷ lệ oan sai 70-80% do những yếu tố nào cấu thành lên như vậy ?

Trước hết, đó là quy định của luật pháp về việc vi phạm pháp luật. Ở Việt Nam, có rất nhiều điều luật không giống nước ngoài, tức là không đúng tinh thần luật pháp chung. Toàn bộ các vụ án về việc người dân bày tỏ quan điểm, chính kiến, đó là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và tự do hội họp (lập hội, nhóm) đã bị nhà cầm quyền sử dụng các điều luật quy định trái hiến pháp khởi tố và kết án, và như vậy đương nhiên những người bị bắt theo các điều luật này là oan sai. Ngoài ra còn vô số các điều luật ở Việt Nam hoàn toàn không theo tinh thần pháp luật chung, ví dụ người dân chống trả trộm cướp gây thương tích cũng bị đi tù… các quy định luật pháp sai trái đã làm rất nhiều người vô tội phải vào tù. Đó là căn nguyên thứ nhất.

Thứ hai, các khung hình phạt trong các điều luật có độ co dãn quá lớn, khiến cho việc trừng phạt người vi phạm phụ thuộc rất nhiều vào thẩm phán, vào phiên tòa. Ví dụ một tội danh cụ thể, đối với luật pháp nói chung, dù có nhiều tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ, thì án tù thường cố định ở một mức nào đó, nhưng ở Việt Nam, chúng ta luôn thấy khung hình phạt từ 2-7 năm. Sau đó, thêm các tình tiết tăng nặng, ở các điều khoản tiếp theo, án tù từ 10 đến 15 năm, chung thân hoặc tử hình. Hầu như tội danh nào cũng có các điều khoản tương tự như vậy, điều này dẫn tới việc tùy tiện trong xét xử và kết án. Phần lớn các án "sai" là do mức độ co dãn trong quy định án phạt tù như vậy.

Thứ ba, sự tha hóa của bộ máy tư pháp. Tất cả các ngành thuộc tư pháp như điều tra (công an), truy tố (viện kiểm sát) và xét xử (tóa án) đều tha hóa đến tận cùng. Một người vi phạm pháp luật sẽ đối mặt với sự nhũng nhiễu, yêu cầu hối lộ, đút lót từ cả ba ngành. Hố sơ điều tra, yêu cầu truy tố và kết quả xét xử luôn luôn gắn với số tiền mà người vi phạm có thể chi trả cho các giai đoạn của quá trình tố tụng. Bất kể một công đoạn nào, số tiền người vi phạm không chi đúng, đủ theo yêu cầu của các ngành đều có thể dẫn tới oan sai. Sự tha hóa của các ngành tư pháp có thể chiếm tới trên 50% án oan sai hiện nay.

Người dân ăn trộm con vịt án tù 7 năm, những kẻ tham nhũng hàng tỷ, chục tỷ, làm thất thoát hàng ngàn tỷ thì án tù cũng chỉ dăm ba năm,7 năm tù. Đó là sự tương phản điển hình, phản ảnh sự oan sai và bất công trong tố tụng ở Việt Nam.

Hà Nội, ngày 24/9/2022

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 24/09/2022

Published in Diễn đàn