Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dùng "âm nhạc trực tuyến" xuyên thủng hàng rào kiểm duyệt, đặt tên con là Donald Trump - nhưng chưa kịp gặp may, đã bị dọa chặt đầu -, dân Hàn Quốc lo nạn "người máy tuyển mộ người thật" gạt bỏ các tài năng, Liên hoan Quốc tế Phim tài liệu Cinéma du Réel (Paris) vừa khai mạc giới thiệu phim mới của nhà làm phim độc lập Trung Quốc Chu Nhật Khôn (Zhu Rikun), là chủ đề của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

amnhac1

"5 phóng viên - 10 nhạc phẩm" : Sáng kiến âm nhạc trực tuyến xuyên thủng kiểm duyệt ("The Uncensored Playlist") của Phóng Viên Không Biên Giới, 12/3/2018. Ảnh chụp màn hình

Sống trong một xứ sở tự do thông tin, có lẽ không phải ai cũng thấm thía nỗi khổ của những người phải sống trong một chế độ độc tài, nơi chính quyền dựng tường lửa, tăng cường kiểm duyệt, ngăn chặn người dân tiếp xúc với các môi trường khuyến khích tự do tư tưởng, giúp cho người ta dễ dàng nhận thức ra các sai trái, tội ác của chế độ, dám trực diện phê phán.

Mời nghe Tạp chí THẾ GIỚI ĐÓ ĐÂY24/03/2018

Nghe

Hơn ai hết các nhà hoạt động vì nhân quyền hiểu rằng chế độ độc tài sở dĩ bền vững là nhờ bưng bít được thông tin, khống chế được tư tưởng, thao túng được tâm hồn người dân.

Tranh đấu cho tự do ngôn luận cũng có nghĩa là vượt qua các hàng rào kiểm duyệt đủ loại. Nhân Ngày Quốc Tế Chống Kiểm Duyệt 12/03/2018, giới bảo vệ nhân quyền vừa tung ra một sáng kiến mới, thông qua các chương trình âm nhạc trực tuyến đang được hàng trăm triệu người sử dụng - như Spotify, Apple Music hay Deezer - để chuyển tải các nhạc phẩm với phong cách hiện đại, lồng trong đó là những nội dung bị cấm đoán.

Dự án "The Uncensored Playlist" do văn phòng tại Đức của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières) khởi xướng nhắm vào một lỗ hổng của các hệ thống kiểm duyệt, vốn được coi là khắc nghiệt nhất. Đó là các trang mạng streaming âm nhạc, hay âm nhạc trực tuyến, đang phát triển rất mạnh trong giới trẻ những năm gần đây.

Phóng Viên Không Biên Giới lần này mời các nhạc sĩ tại năm quốc gia, Ai Cập, Uzbekistan, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, phối hợp sáng tác 10 nhạc phẩm theo phong cách nhạc pop, về các sự kiện thời sự xã hội, chính trị đang bị chính quyền trong nước kiểm duyệt, với lời hát bằng hai ngôn ngữ, tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ của các tác giả.

amnhac2

Bản thảo nhạc phẩm "What did Do Dang die ?" theo RSF. Ảnh chụp màn hình

Về Việt Nam, có hai bài (1) "When did Do Dang die ?" về cái chết trong trại giam của một thiếu niên, sau khi bị bắt giữ vì ăn trộm 2 triệu đồng (40 euro), vụ án bị công an, chính quyền bưng bít, với những lời ca ai oán : "… Vì sao hỡi Đỗ Đăng Dư ? Vì sao em chết đi ? Chết mập mờ trong khám giam ? Vì sao em chết oan ?...".

"Introducing Chaos" lên án chính quyền Việt Nam đứng trên pháp luật. Bài hát, mở đầu với "Nhân dân vinh danh Nguyễn Phú Trọng - phong trào bài trừ tham nhũng…", dành phần còn lại để tố cáo chính quyền "không chứng tích vẫn kết tội, che ánh sáng chiếu vào (thảm họa)Formosa, bằng tham nhũng với phiên tòa…", ví xã hội Việt Nam hiện nay như "một bi hài kịch".

"Nghĩ như máy" mới được "người máy" tuyển dụng ?

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, một xu hướng gây lo ngại là người máy bắt đầu được sử dụng để trực tiếp phỏng vấn và thậm chí ra quyết định tuyển mộ nhân viên mới.

Thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình từ Seoul :

"Công ti khởi nghiệp Midas IT, vừa giới thiệu một hệ thống phỏng vấn tuyển mộ, hoàn toàn do máy tính đảm nhiệm. Ứng viên đối diện với màn hình, trả lời câu hỏi, thực hiện các trò chơi, trong lúc robot phân tích những lời đáp, giọng nói và kể cả các biểu hiện trên gương mặt đương sự. Doanh nghiệp đã sử dụng hệ thống này hồi năm 2017, để tuyển mộ nhân viên trong số khoảng 10.000 ứng viên.

Công ti bảo đảm là robot, với trí thông minh nhân tạo, cho phép quyết định là vị trí nào thích hợp nhất với người được tuyển.

Phương pháp nói trên bắt đầu được quốc tế hóa. Kể từ năm 2017, tập đoàn đa quốc gia Anh - Hà Lan Unilever cũng sử dụng một hệ thống tương tự cho giai đoạn tuyển mộ đầu tiên. Các ứng viên phải trải qua một cuộc phỏng vấn sơ bộ với người máy, thông qua điện thoại cầm tay hay máy tính bảng, trước cuộc gặp người tuyển mộ.

amnhac3

Robot, như Pepper, trợ lý cho SoftBank Robotics, sẽ ngày càng được sử dụng nhiều khi tuyển nhân viên ở Hàn Quốc. Reuters/Regis Duvignau

Lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp, đó là các công nghệ mới cho phép giảm chi phí. Một người máy sẽ chỉ mất vài giờ để phân tích hàng nghìn sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Còn theo các nhà chế tạo, việc sử dụng các robot cho phép giảm được nạn kỳ thị trong khâu tuyển mộ. Theo tập đoàn Anh - Hà Lan Unilever, kể từ khi áp dụng hệ thống này, thành phần nhân viên được tuyển đã đa dạng hóa hơn.

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, nhiều bất lợi của phương pháp này đã được chỉ ra. Nhật báo Hàn Quốc Joongang Ilbo nhấn mạnh : Các ứng viên được robot phỏng vấn cảm thấy khó chịu khi phải nói chuyện với máy và cho rằng việc này "không tự nhiên".

Hàn Quốc là một xã hội mà sự khác biệt vốn ít được đánh giá cao, mọi người phải chịu áp lực rất lớn để buộc phải hành động và suy nghĩ giống như người khác. Thật khó mà hình dụng được là một robot lại có thể đánh giá tích cực về một ứng viên có tư chất sáng tạo, suy nghĩ độc đáo. Để được người máy tuyển chọn ắt hẳn là phải suy nghĩ giống như máy".

"Anni", cô bé Trung Quốc bị cấm đi học, vì bố là nhà tranh đấu

Liên hoan phim tài liệu quốc tế nổi tiếng "Cinéma du réel", vừa khai mạc ngày thứ Sáu, 23/3/2018, tại Trung tâm nghệ thuật Pompidou, Paris. 43 phim được chính thức chọn lựa để tranh giải, trong số 30.000 phim, đến từ 135 quốc gia. Được chọn có "Anni" của nhà làm phim độc lập Trung Quốc Chu Nhật Khôn, phim lần đầu tiên dự giải quốc tế.

Chu Nhật Khôn, sinh năm 1976 ở Quảng Đông, từng được biết trước hết với tư cách là nhà sản xuất phim "Khiếu Kiện" (hay Thượng Phóng). Bộ phim do đạo diễn Triệu Lượng (Zhao Liang) thực hiện (ra mắt năm 2009, sau 10 năm chuẩn bị), phơi bày nỗi oan khuất ngút trời của những con người thấp cổ bé họng tại Trung Quốc, được coi là một tác phẩm mẫu mực của điện ảnh Trung Quốc đương đại.

amnhac4

Đạo diễn Trung Quốc Chu Nhật Khôn - Ảnh chụp màn hình : Cinéma du réel

Tiếp theo đó, Chu Nhật Khôn đã tự mình thực hiện nhiều phim tài liệu về nhiều chủ đề rất gai góc, như "Thẩm vấn" (2013) về cuộc chạm trán với công an trên đường hỗ trợ người tranh đấu, "Bụi" (2014) về điều kiện sống chết không biết lúc nào tại các vùng mỏ tỉnh Tứ Xuyên, "Hồ Sơ" (2014) về một trong những nhà ly khai Tây Tạng nổi tiếng nhất.

Lần này Chu Nhật Khôn đến Liên hoan điện ảnh Pháp với phim "Anni", dài 80 phút, kể lại câu chuyện về bé Anni, 10 tuổi, bị công an mật gây áp lực buộc phải nghỉ học, do có bố là một nhà hoạt động dân chủ. Biết tin này, một nhóm tình nguyện tìm cách phối hợp giúp em được trở lại lớp. Đằng sau cuộc tranh đấu vì cô bé Anni, phim của Chu Nhật Khôn đưa khán giả đến với cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc, nơi chế độ độc tài thấm sâu trong hơi thở thường nhật, ở khắp mọi nơi, trong sân trường cũng như ngoài đường phố.

Liên hoan phim tài liệu Cinéma du réel lần thứ 40 này cũng là dịp để giới điện ảnh điểm lại những cột mốc lớn trong lịch sử phim tài liệu, từ Jean Rouch đến Chantal Akerman, đồng thời trở lại suy ngẫm về câu hỏi : Điều gì được coi là hiện thực ? (2).

Điểm mới trong Liên hoan lần này là một chương trình mang tên "IR / REEL" (tạm dịch là PHI / HIỆN THỰC), với 17 phim tham dự, giới thiệu với khán giả những quan niệm đa chiều về ranh giới hiện thực/phi hiện thực trong xã hội, đang biến đổi rất nhanh chóng hiện nay.

"Cinéma du réel" diễn ra đến hết ngày mùng 1/4/2018.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 24/03/2018

----

(1) Lời do Bùi Thanh Hiếu, một nhà tranh đấu hiện tị nạn tại Đức, biên soạn.

(2) Trong khi chờ đợi giới chuyên gia chất vấn về những ý nghĩa sâu xa của "hiện thực", trên thực tế, ta thấy nhu cầu phim tài liệu gia tăng cũng là lúc nhân loại đang sống trong một thời điểm "rất bấp bênh, các định chế quốc gia, chính trị, khí hậu mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng. Bấp bênh ở khắp nơi, chưa nói đến nhịp độ nhanh chóng của cuộc sống con người, đang chuyển sang một cấp độ chưa từng có, với các phương tiện truyền thông mạng, với internet. Các nhà làm phim tài liệu quan sát và bắt mạch những gì đang diễn ra…", như nhận định của tân giám đốc nghệ thuật Liên hoan phim Cinéma du réel, bà Andréa Picard, công dân Canada, trả lời RFI. Chính vì vậy mà công chúng cần đến họ.

Published in Diễn đàn