Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Washington hôm 21/03 rằng trong bộ tứ kim cương Quad (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản), rằng Ấn Độ đang "có phần lung lay" trong phản ứng với cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

ando1

Giữa Mỹ và Nga, Ấn Độ kiên trì theo đuổi chiến lược ngoại giao không liên kết / EPA

Ba thành viên còn lại của Quad - liên minh được thành lập với mục đích ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc - là Mỹ, Nhật Bản và Australia đều "cực kì mạnh mẽ trong việc đối phó với hành động gây hấn của Putin" - ông Biden nói.

Tuy nhiên, Ấn Độ kiên quyết theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết kể từ khi độc lập, theo lời của thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru, "chúng tôi sẽ tránh xa các khối lớn để thân thiện với tất cả các nước không tham gia bất kỳ liên minh nào".

Nhưng liệu cuộc chiến ở Ukraine có khiến sự trung lập huyền thoại của Ấn Độ lung lay ?

"Ấn Độ đang cảm nhận sức nóng, không còn nghi ngờ gì nữa" - theo Michael Kugelman, Phó Giám đốc chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức có trụ sở tại Washington, Mỹ.

"Giữ thái độ trung lập hiên nay là một canh bạc ngoại giao lớn hơn so với trước đây, vì cuộc xâm lược Ukraine của Nga là một trong những hành động xâm lược tồi tệ nhất trong nhiều thập niên và quan hệ của Ấn Độ với phương Tây gần gũi hơn bao giờ hết".

Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng ba lần trong một tuần khi có các nghị quyết lên án Nga của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Đã có báo cáo về việc Ấn Độ nhập khẩu dầu Nga với giá chiết khấu do giá năng lượng tăng vọt sau khi xảy ra chiến tranh. Ấn Độ đã không chỉ trích Nga - "người bạn lâu năm và được thử thách qua thời gian".

Hai nước chia sẻ mối quan hệ kéo dài hàng thập niên từ thời Chiến tranh Lạnh. Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ.

Hiện Mỹ đang cố gắng thuyết phục Ấn Độ rằng mọi thứ đã thay đổi. Thứ nhất, mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên sâu sắc hơn - thương mại song phương giữa Ấn Độ và Mỹ là 150 tỷ USD, so với 8 tỷ USD giữa Ấn Độ và Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã đến thăm Delhi trong tuần này, và có "cuộc trò chuyện sâu rộng" - theo cách nói của bà, với với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và các quan chức cấp cao. Bà thừa nhận mối quan hệ lịch sử giữa Ấn Độ và Nga, nhưng nói rằng "thời thế đã thay đổi" và đã có "một sự tiến triển về tư duy ở Ấn Độ".

ando0

Thủ tướng Modi và tổng thống Putin năm 2021 / Getty Images

Bà Nuland nói với các nhà báo rằng Mỹ và Châu Âu sẵn sàng là "đối tác quốc phòng và an ninh" mạnh mẽ của Ấn Độ. Bà cho biết Mỹ có thể giúp Ấn Độ thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp quốc phòng của Nga. Cuộc chiến Ukraine là một "biến tố chính trong cuộc đấu tranh dân chủ-chuyên chế", trong đó cần sự hỗ trợ của Ấn Độ - bà Nuland cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia Ấn Độ không muốn tin rằng nước này đang chịu áp lực ngoại giao.

Họ chỉ ra thực tế là các thành viên khác của Quad thông cảm với Ấn Độ và chính Mỹ cũng đã thừa nhận sự hỗ trợ nhân đạo của Ấn Độ đối với Ukraine. Nhà cựu ngoại giao Ấn Độ Jitendra Nath Misra nói : "Nếu có một quốc gia bị cô lập trong Quad, thì đó không phải là Ấn Độ, mà là Mỹ".

ando3

Nga cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S/400 cho Ấn Độ

Và việc làm suy yếu một đối tác chiến lược thông qua các lệnh trừng phạt - vì mua vũ khí hoặc dầu của Nga - không có lợi cho Mỹ, nước vốn muốn Ấn Độ đóng vai trò đối trọng với sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

'Trung lập có chiến lược'

Trong khi đó, mối quan hệ chặt chẽ của Ấn Độ với Nga không có nghĩa là nước này xa cách với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các chuyên gia nhận định.

Tuyên bố chung do thủ tướng Ấn Độ Modi và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đưa ra trong chuyến thăm Delhi tuần trước bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc về cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine". Hai nhà lãnh đạo "cũng nhấn mạnh rằng trật tự thế giới hiện nay được xây dựng dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia".

Ông Modi đã nói chuyện với cả Tổng thống Putin lẫn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, kêu gọi họ chấm dứt bạo lực. Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng đưa hơn 22.000 người Ấn rời khỏi Ukraine trong 90 chuyến bay sơ tán.

Nhà cựu ngoại giao Anil Triguniyat, người từng làm việc ở Moscow, nói rằng nhận xét của Tổng thống Biden rằng phản ứng của Ấn Độ "lung lay" có thể là một lời nói đùa.

"Lập trường của Ấn Độ luôn nhất quán và có nguyên tắc. Ấn Độ luôn ủng hộ ngoại giao, đối thoại, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. Chúng tôi phải trung lập có chiến lược. Không còn cách nào khác", ông Triguniyat cho hay.

Happymon Jacob, giáo sư chính sách đối ngoại tại Đại học Jawaharlal Nehru của Delhi, tin rằng "sức nóng không thực sự tăng lên với Ấn Độ và nước này đang cân bằng các mâu thuẫn khá tốt".

"Câu hỏi đặt ra là liệu Ấn Độ có thể làm được nhiều hơn nữa hay không ?", ông nói.

Ấn Độ có thể làm được nhiều hơn nữa không ?

Mặc dù Ấn Độ đã đối phó khủng hoảng khá tốt, nhưng lẽ ra nước này phải "có sao nói vậy… Đây là một cuộc xâm lược. Đây là chiến tranh. Nó ảnh hưởng đến uy tín của bạn nếu bạn không gọi như vậy", cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shiv Shankar Menon nói với The Wire.

Nhưng mối quan hệ đặc biệt của Delhi với Moscow "đầy hoài niệm và tin tưởng sâu sắc", như ông Kugelman mô tả - có nghĩa là Ấn Độ sẽ không dễ dàng quay lưng lại với đồng minh của mình.

"Những tình cảm này sẽ bền chặt, ngay cả sau khi Nga tiến hành một cuộc xâm lược quy mô lớn và rất lạnh lùng. Mặt khác Ấn Độ cũng không muốn xa lánh phương Tây".

Theo các chuyên gia, một cách để tránh bị xa lánh là Ấn Độ tự đề xuất mình làm trung gian hòa giải - điều mà Đại sứ Ukraine tại Ấn Độ, Igor Polikha, đã thúc giục ngay từ đầu cuộc chiến.

Ông Kugelman nhận xét : "Ấn Độ có thể tận dụng mối quan hệ sâu sắc với Moscow và quan hệ thân tình với Kyiv và cố gắng thúc đẩy cả hai bên giảm căng thẳng leo thang".

"Chắc chắn, Putin sẽ không hề nao núng. Nhưng ít nhất Delhi nỗ lực để giảm căng thẳng leo thang, điều đó sẽ ngăn chặn những căng thẳng tiềm tàng với phương Tây về việc Ấn Độ từ chối đứng về phía phương Tây".

Ông Jacob lặp lại quan điểm này, nói rằng khi Ukraine yêu cầu hòa giải, Ấn Độ lẽ ra có thể chấp nhận lời đề nghị. "Ấn Độ vẫn còn cơ hội. Nước này vẫn nên tiếp tục và đề xuất làm trung gian hòa giải".

Sau tất cả, Ấn Độ cần cả Mỹ và Nga đứng về phía mình để giúp cho mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Năm ngoái, hai nước láng giềng Ấn - Trung đã đối đầu nhau dọc biên giới tranh chấp ở khu vực Himalaya.

Về lâu dài, ông Triguniyat nói, Ấn Độ nên theo đuổi chính sách tự chủ chiến lược - vẫn gần với sự không liên kết - và bắt đầu một nhóm "các quốc gia thống nhất chiến lược" để phục vụ lợi ích phát triển của họ khi "Chiến tranh Lạnh 2.0 khốc liệt hơn" có khả năng diễn ra sau cuộc chiến ở Ukraine.

Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shyam Saran cho biết "kịch bản ác mộng" đối với Ấn Độ sẽ là nếu "Mỹ đi đến kết luận rằng họ phải đối mặt với mối đe dọa lớn hơn từ Nga và điều này khiến Mỹ cần có sự nhẹ nhàng chiến lược với Trung Quốc", nói một cách thẳng thừng là, "thừa nhận sự thống trị của Trung Quốc ở Châu Á, đồng thời bảo vệ phần sườn Châu Âu của họ".

Đó sẽ là "cơn ác mộng" mà Ấn Độ sẽ không bao giờ quen được.

Soutik Biswas

Nguồn : BBC, 25/03/2022

Additional Info

  • Author Soutik Biswas
Published in Diễn đàn