Người Việt đã trở nên man rợ từ khi nào ? Người Việt giết nhau như ngóe từ khi nào ? Người Việt giết nhau xong rồi ăn mừng, hả hê từ khi nào ? Đó là nan đề mà dân tộc này cần phải giải quyết rốt ráo, nếu không muốn trở về thời đồ đá. Nhưng thực tâm mà nói, nói sự giải quyết nghe ra có màu tuyệt vọng. Bởi vì đâu ?!
Vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng làm 11 người chết là vụ giết người bằng hình thức phòng hỏa, không phải là vụ cháy mang tính thông thường. Ảnh minh họa Cảnh sát và lực lượng cứu nạn tại hiện trường vụ cháy quán cà phê - Ảnh : Gia Bảo
Một nhà văn đàn anh, cũng là một người lính tham chiến trước 1975 nói rằng thời của ông, chiến đấu là có bắn, có giết, nhưng khi thả súng xuống, lui khỏi chiến trường, người ta chỉ biết yêu thương và tranh thủ mà sống. Khác với thời bây giờ, không có chiến trường, nhưng người ta không biết trân quí sự sống, người ta lại muốn biến mọi thứ thành chiến trường.
Là một cựu binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông cũng thừa nhận rằng các chiến binh cộng sản không đến nỗi máu lạnh như những quan chức, trí thức cộng sản. Ông từng gặp, từng chộ mặt đối phương, và những gì họ đối xử với ông, kể cả ngay trong trại cải tạo, vẫn chưa máu lạnh như các quan chức bây giờ và chưa tàn nhẫn như những trí thức cộng sản bây giờ.
Bằng chứng của việc này là không có bất kì cán bộ giám thị, cán bộ quản giáo nào nghĩ hay mảy may hành động với ý đồ giết cả trại, đốt trại để tiêu diệt bọn "ngụy quân, ngụy quyền" mặc dù họ rất hà khắc và cũng tàn nhẫn lắm, nhưng không đến nỗi lạnh lùng ban hành cái lệnh để mang hàng triệu con người ra chọt mũi để kiếm tiền lãi trong từng cái lỗ mũi nhân dân, rồi dẫn đến chuyện chết người hàng loạt.
Cũng như trong lúc chống dịch, nếu không có lệnh từ bên trên thì không có chính quyền địa phương nào dám đập cửa, xông vào bẻ quặt tay người dân mang ra chọt mũi để đạt chỉ tiêu "phòng chống dịch".
Mà kẻ thủ ác là ai ? Một mình y/thị thì không bao giờ hành động được, y chỉ nắm quyền lực tối cao, y/thị là trùm cuối trong chiến dịch sát hại nhân dân để kiếm lãi. Chung quanh y/thị phải có những đám trí thức, những kẻ có thể nói một lời có sức nặng ngàn cân trong khoa học, đủ để mị cả hàng trăm triệu người. Những trí thức biết sai, biết chết người hàng loạt vẫn cố đấm ăn xôi ấy đích thị là những kẻ máu lạnh, trên cả mức máu lạnh.
Rồi thêm những trí thức, văn nghệ sĩ không cần biết đúng - sai, không cần biết nhân dân sống chết ra sao, rên xiết như thế nào, chỉ cần thấy mối tư lợi, thấy tiền là có thể xun xoe, ton hót mà kiếm ăn, cổ vũ, vỗ tay làm nền cho cái sai để vinh thân phì gia. Bọn họ, chính bọn họ đã đẩy hàng triệu người vào chỗ chết.
Họ là những cái loa phóng thanh của chế độ, họ đã tung tin, họ đã cổ xúy, họ đã tung hỏa mù, họ đã làm mọi thủ đoạn truyền thông có được để ton hót và ủng hộ cho một công cuộc giết người vĩ đại, lợi tức vĩ đại từ những xác chết đồng loại, đồng tộc.
Ngay lúc trong tâm dịch, nhiều người nuôi niềm tin rằng sau mọi khó khăn, con người sẽ trở nên lương thiện, tử tế với nhau hơn và đối xử với nhau đẹp hơn, giàu tình người hơn. Thế rồi mọi chuyện lại khác, do đâu ?
Do chính các hành xử của những lãnh đạo miệng lúc nào cũng nói lời Phật, cũng đạo đức, phẩm hạnh... nhưng tâm địa mang toàn nọc độc và cái ác. Chính họ, những kẻ hưởng lợi trong lòng dịch, hưởng lợi trên tính mạng nhân dân đã chạm tay ngắt chút tử tế cuối cùng sót lại trong nhân dân. Họ đã chứng minh cho nhân dân thấy rằng càng tử tế, càng tin vào nhà nước, càng tin vào Đảng thì càng dễ đi đến nghĩa địa, thậm chí không có mảnh đất chôn thân, và cùng kiệt hơn là không còn nhận dạng được tro cốt. Một khi đã đến mức độ như vậy thì mọi thứ thuộc về lòng tốt được dun rủi, hun đúc trong tâm dịch sẽ mau chóng bị ngọn lửa căm phẫn, thất vọng cùng cực và khinh bỉ đốt cháy mau chóng, bầu khí quyển còn lại sẽ không bao giờ có bóng dáng sự tử tế.
Điều đó được chứng minh một cách hùng hồn trong những rối rắm, bất tuân và tao loạn sau dịch. Rõ ràng sau dịch, sau khủng hoảng kinh tế, bầu khí quyển chung của nhân dân là bất an, bất tuân nhân đạo và bất mãn tột cùng.
Đương nhiên, câu chuyện tội ác của người dân không chỉ vì nguyên nhân bất mãn hay thất vọng trước hành xử của giới quan chức cấp cao trong đại dịch. Mà sâu xa hơn, bản thân mỗi người dân sau quá nhiều ngày tháng sống dưới sự hà khắc kiểu đạn bọc đường của chính quyền từ địa phương cho đến các cấp cao hơn, sau những mất mát vì đám cướp trắng và sau mọi cuộc mục kích sở thị tội ác của chính cơ quan công quyền như vụ trấn áp gia đình Đoàn Văn Vươn rồi sau đó tuyên bố chiến công này có thể viết thành sách hoặc vụ gần đây là gia đình cụ Lê Đình Kình. Tất cả hành xử đều đậm chất rừng rú, man rợ và bất chấp nhân đạo.
Mọi hiện tượng ngày hôm nay là kết quả của một quá trình tích tập trong quá khứ. Khi con người đủ lòng thù hận, đủ độ man rợ, người ta sẽ giết người theo cách của một đồ tể hãnh tiến. Như trường hợp người đàn ông máu lạnh mang xăng đến đốt quán cafe ở Hà Nội mới hôm qua, làm chết 11 người và nhiều người thương tích nhưng y đã đến trình báo công an với tâm thế đầy hả hê, như một chiến thắng.
Lạ ở chỗ công an cũng mời y hút thuốc, cho y ngồi tréo mảy để nói chuyện, cười cợt và sau đó phát tán video clip trên mạng xã hội. Hành động từ phía công an nói lên điều gì ? Côn an đồng cảm với kẻ phạm tội (ở trường hợp này, y đã đến đầu thú, nhận tội thì không thể gọi là nghi phạm được nữa rồi !) ? Công an tạo hiệu ứng xã hội sau cú giết người hàng loạt để làm xã hội náo loạn, có thêm việc để làm, để kiếm ăn ? Cộng an muốn xã hội mặc định chuyện giết người hàng loạt là chuyện thường tình ? Nếu không vì các mục đích trên thì vì mục đích nào khác ? Bởi vì với bất kì kẻ nào đang ủ mưu phạm tội, đang có máu lạnh, đang có âm mưu giết người hàng loạt... hắn sẽ thấy thoải mái và hăng hái, hưng phấn khi biết được rằng giết người xong, đi đầu thú sẽ được ngồi tréo mảy mà hút thuốc, cười nói và vui vẻ, ung dung hưởng cái "thành quả" man rợ của y/thị. Để rồi sau đó có bị án tử hay gì đi nữa cũng không sao.
Tôi tin rằng công an thừa thông minh để không bao giờ chọn việc đưa hình ảnh kẻ giết người hàng loạt nói cười ra trước công chúng nhằm đạt mục đích chứng minh với xã hội rằng cấu thành tội phạm của kẻ phạm tội có đủ để kết án tử hình, án nặng nhất và việc xử là thích đáng. Không, chắc chắn công an sẽ không bao giờ thò tay vào việc của tòa án và họ thừa biết rằng trách nhiệm của họ là phải xóa bỏ hình ảnh rùng rợn, che đi các hình ảnh man rợ để tránh tình trạng mất an ninh tâm lý trong nhân dân. Thế nhưng họ đã phát tán clip đó !
Điều đó cho thấy rằng hoặc là các nhân viên công lực hoàn toàn không có hiểu biết gì về xã hội học hay tâm lý hình sự học, hoặc là họ cố tình đẩy việc giết tróc trở thành ngòi nổ của việc giết tróc trong xã hội, đẩy xã hội đến một ngưỡng bất an cần thiết cho mục đích, âm mưu của họ. Chỉ có như vậy họ mới làm chuyện tưởng chừng mớ ngủ ấy.
Và, suy cho cùng, mọi tội lỗi, mọi tội ác phì đại gần đây đều có gì đó rất gần với tội ác giết người hàng loạt của những kẻ máu lạnh từng cầm cân nảy mực trên đất nước này !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 19/12/2024
Ngữ luận : Ngôn ngữ học tri thức & dân tộc học nhận thức (truy ngôn để tầm ngữ)
Ngữ luận 1 : Ác
Tại sao cái ác lại được dùng làm tên để nhân dân gọi chính quyền : ác với dân ?
Ác
Ngày nhận giải Nobel văn chương, theo truyền thống thì người nhận giải phải đọc một bài tham luận, Soljenitsyne đã đọc một bài tham luận, và bài tham luận của ông có tầm vóc của con người ông. Trong đó, có một câu đã nắm tay tôi tới bàn viết để viết bài này : "Con người khi có mặt trên hành tinh này, thì lúc nào cũng muốn là chủ, là trung tâm của trái đất này, con người bây giờ đã là trung tâm của vũ trụ mà họ sống, nhưng họ không đủ thông minh để tìm ra một hệ thống tư tưởng với các giá trị tâm linh để giúp họ sống yên, sống lành nơi trung tâm của họ".
Soljenitsyne trong ngày nhận giải Nobel văn chương năm 1970
Từ luận điểm này, tôi muốn đi xa hơn để đặt một câu hỏi sâu hơn ngay trong số phận của Việt tộc : "Từ bao giờ cái ác đã ở vị trí trung tâm để cai trị, từ quản lý tới quản thúc nhân kiếp Việt tộc ? Tại sao cái ác lại được dùng làm tên để nhân dân gọi chính quyền : ác với dân ? Nếu chính quyền hiện nay "hèn với giặc" đã là khó hiểu rồi, lại còn "ác với dân" thì là chuyện khó hiểu, ác với chính đồng bào của mình, chuyện này tới từ đâu ?
Cái ác : hằng số, hàm số, ẩn số
Hành trình đi tìm các hằng số, các hàm số, các ẩn số về cái ác có quỹ đạo mà loài khẩu Phật tâm xà oang oang rồi sa sả bằng tuyên truyền ngu dân ; có tà lộ mà âm binh lòng lang dạ thú thường lẩn khuất để hại người trong bóng tối ; có cõi ma của đám từ lãnh đạo độc tài nhưng bất tài trong quản lý đất nước, rành rõi chuyện gắp lửa bỏ tay người, biết điều khiển, xúi giục bọn bút nô, ký nô, văn nô làm chuyện ngậm máu phun người. Khi chúng ta muốn thấy để thấu : quỷ đạo, tà lộ, cõi ma của cái ác, thì chúng ta phải chấp nhận trực diện với quỷ dữ, với âm binh, với ma trơi, ma xó, ma bùn… mà phải luôn biết giữ thân thể, trí thể, tâm thể không để bị lấm bùn nhơ. Vì nghiên cứu về quỷ, về ma, về âm binh là binh đoàn của cái ác, thì chúng ta luôn đứng trước những thử thách về đạo lý nơi mà nhân cách hay, đẹp, tốt, lành ngày ngày bị cái ác thiêu hủy. Cụ thể là chúng ta phải đứng trước những thăng trầm về luân lý nơi mà nhân tính làm nên nhân lý, nhân tâm làm ra nhân từ thường xuyên bị hù dọa, đe nẹt, truy bức, hãm hại, truy diệt…
Ác biến dạng từ động từ tới trạng từ, để thành cái ác như một danh từ, trong khoa học xã hội nhân văn thì cái ác được chia năm sẻ bảy, như công thức mà cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã đề ra "phải lần cho tới tận nguồn lạch sông". Trên thượng nguồn cái ác là một khái niệm (notion), theo dòng chảy của tri thức nơi trung nguồn nó thành một phạm trù (concept) vừa chứa một không gian lý thuyết, vừa cõng luôn cả các phương pháp muốn nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền dã về nó. Khi tới hạ nguồn trong bình nguyên thênh thang của các kiến thức khách quan trong khoa học xã hội nhân văn, thì cái ác là đối tượng của một hệ thống nhận thức chủ đạo làm nên chủ thuyết (théorie de connaissance). Một hệ thống nhận thức biết tự tái tạo các chủ đề mới vì học thuật luôn muốn tìm hiểu thêm về chân dung diện mạo của cái ác trong nhân sinh hiện nay, trong nhân thế bây giờ và ở đây. Nên trong học thuật cái ác không những có chỗ đứng để chính trị học và xã hội học phân tích nó, có ghế ngồi để triết học và sử học phân định nó, mà nó còn có luôn giường nằm (nhưng là giường mổ) để phân tâm học và tri thức học mổ xẻ nó, mổ bụng nó để khi mổ nó xong, thì con người hy vọng là nó không còn tác oai tác quái bằng nọc độc của nó nữa. Khi nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền dã về cái ác qua hơn ba mươi công trình trong bộ luận (1), giờ đây tôi đề nghị lộ trình học thuật sau đây về cái ác :
Dù tu mấy kiếp, Tâm Phật khẩu xà thì vinh hoa phú quý rồi cũng mất
Cái ác : cực đoan, cực quyền
Nơi đây, cái ác được hiểu rồi đươc vận dụng trên quy trình cứu cánh ác biện minh cho phương tiện ác vì quyền lực ác, để biến quyền lực thành độc quyền, mà không quên biến quyền lực thành quyền lợi, tiếp theo là biến quyền lợi thành tư lợi trong đặc lợi, đặc ân, đặc sủng… Đây là định đề làm nên định nghĩa về bạo quyền, dùng cái ác để trị, sâu xa hơn là dùng cái ác giết cái thiện, để diệt cái nhân có trong nhân tính và nhân lý được giáo dưỡng bằng nhân từ và nhân tâm. Cái ác cực đoan không biết nhân nhượng nhân đạo và nhân nghĩa, nó không biết khoan dung trước nhân tri và nhân trí, nên nó sẵn sàng xiết cổ cho tới tắt thở nhân bản và nhân văn. Khi cái ác không tôn trọng nhân quyền của các nạn nhân bị nó diệt, thì bản thân nó khi hề có ý niệm gì về nhân phẩm của chính nó. Giáo lý sống lâu mới biết lòng người có nhân làm trò cười cho nó ; giáo dục đường mòn nhân nghĩa chẳng mòn là trò hề đối với nó, nên sự giáo dưỡng một duyên, hai nợ, ba tình là chuyện trừu tượng đối với nó.
Chúng ta sẽ không nhận diện ra cái ác, nếu chúng ta không lấy cái thiện để trực diện với nó ; nếu chúng ta không có cái nhân để trực luận với nó, để biến cái thiện và cái nhân là tấm gương đôi mà soi để xét cái ác. Tại đây cái ác sẽ lộ ra chân dung quỷ dữ, ra hình tướng âm binh mặt người dạ (dã) thú của nó. Sử học nhận ra trong lịch sử con người cái ác có trong hành vi của bạo chúa, loài dã thú giết người như ngóe thời phong kiến. Cái ác tồn tại trong các chế độ độc tài gia đình trị, quân đội trị với những công cụ, phương tiện sở trường của nó là : ám sát, tù đày, tra tấn, nhục hình, thủ tiêu… Trong thời đại này, thì cái ác nhập nội vào quá trình độc, hiểm, thâm, xảo… của hành vi bất nhân thất đức bằng sự sinh đôi ra hai cái ác khác :
Trong độc đảng giữ độc quyền là với quan niệm là quyền thì không chia sẻ được… nên phải thanh trừng nội bộ bằng cách phải thanh toán chính các đồng chí của mình...
Cái ác : cường độ, mức độ, mật độ
Hằng số bạo quyền trong hằng sử cuồng quyền chính là đường đi nẻo về của cái ác cực đoan để có cực quyền, khi nó muốn cai trị nhân sinh, thống trị nhân thế, quản thúc nhân loại, chỉ bằng cái ác vận dụng để giết cái tâm, diệt cái lý, chôn luôn cái luật. Nó tự cho nó cái quyền sinh sát : muốn giết thì giết, muốn diệt ai thì diệt. Cái ác cực đoan vì cực quyền có vóc dáng vĩ mô của nó trong điều tra định lượng nơi mà cái ác đã giết hại, truy diệt, thảm sát hàng trăm triệu người trong các chế độc do độc đảng cộng sản toàn trị, hơn hàng chục lần con số tử vong của mỗi cuộc thế chiến trong thế kỷ XX vừa qua, nó hiện diện trong Cải cách ruộng đất 1954-1960, với hàng trăm ngàn nạn nhân (2).
Cái ác có chân tướng vi mô của nó với đồng chí diệt đồng chí, nơi mà anh có thể giết em trong độc quyền của độc hại, trong độc tôn trị của độc đoán, như giả thuyết được lưu thông rồi lưu hành để trở thành thịnh hành trong Đảng cộng sản Việt Nam là ông anh Lê Đức Thọ đã giết chính em của ông là tướng Đinh Đức Thiện trước đại hội Đảng cộng sản Việt Nam. Và đây không còn là giả thuyết mà luôn là hằng số trong quá trình chuẩn bị đại hội đảng của Đảng cộng sản Việt Nam, nơi mà chuẩn bị đại hội chính là thời điểm của hệ thanh (thanh lọc, thanh trừng, thanh toán) với các toan tính bằng cái ác. Cái ác có luật rừng của lập nhóm, xây phái, tạo phe, dựng đám ngay trong đảng cầm quyền, qua lộ trình thẳng tắp từ đấu tố tới ngục tù, trong bạo lực của cá lớn nuốt cá bé. Thậm tệ hơn là ăn tươi nuốt sống lẫn nhau giữa các đồng chí, từ vu oan giá họa bằng vu khống, vu cáo để chạy thẳng tới giết nhau ngoài đường bằng tai nạn giao thông, cho tới diệt nhau trong lao tù bằng độc dược…
Khi cái ác cầm quyền thì nó đã cầm dao bằng tay phải, cầm súng tay trái, bụng đeo lựu đạn, vai đội đại bác, lưng cõng bom, mà miệng của nó đã nuốt chửng công bằng lẫn công lý từ lâu. Tự thân của cái ác không có luân lý của cái thiện làm nên bổn phận đồng bào phải đùm bọc nhau, với trách nhiệm đồng loại phải che chở nhau. Trong bản chất của cái ác không có đạo lý bầu ơi thương lấy bí cùng, làm nên đạo đức một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ ; để bảo vệ giáo lý của dân tộc, của giống nòi là : máu chảy tới đâu ruột đau tới đó. Nên nội chất của cái ác chính là độc tố của nó, sẵn sàng xóa trắng lương tâm, nên cái ác trống lương tri vì vắng lương thiện, hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri) không có chỗ đứng ghế ngồi trong thâm tâm nó, vì cái ác nạo luân lý, nhổ đạo lý, bứng đạo đức.
Khi chúng ta phân tích định lượng để giải thích định chất, giải đề vi mô để giải luận vĩ mô về nội chất cái ác, thì chúng ta thấy sự leo thang của những kẻ ác, khi chúng đấu giá để trả giá, như đám đầu nậu muốn làm chủ thầu để xây dựng tà lộ cho cái ác. Cụ thể, sau khi chế ra bom để giết người, thì kẻ ác dùng bom nguyên tử để giết được nhiều người, và hiện nay những kẻ ác còn tìm cách nghiên cứu rồi sử dụng bom hóa học để sẽ giết tràn lan thật nhiều người. Mà một trong những giả thuyết về nguyên nhân xuất hiện đại dịch cúm Tàu năm 2020 này, là có thể tới từ sự sơ sẩy của một trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm vũ khí sinh học ngay tại Vũ Hán. Trong khi chờ đợi sự xác chứng về âm mưu giết người, diệt nhân loại bằng vũ khí sinh học của Tàu họa, thì chính chúng ta phải xác định rõ thái độ, hành vi của chúng ta trước các hiểm họa quái ác này, cụ thể là phải bảo vệ cho bằng được hòa bình khi những kẻ ác luôn dùng chiến tranh để thí nghiệm các vũ khí giết người cùng vĩ mô của chúng.
Hãy tận dụng liên minh chặt chẽ của luân lý-đạo lý-đạo đức đã làm nên giá trị nhân từ trong hằng số nhân bản là : sự sống mang một giá trị của vô giá ! Chính vì thế mà tất cả chính giáo, chính đạo đều cấm giết người, cấm diệt nhân.
Tất cả chính giáo, chính đạo đều cấm giết người, cấm diệt nhân. Ảnh minh họa Lực lượng Cảnh sát cơ động được đưa đến xã Đồng Tâm để trấn áp và xử tử cụ Lê Đình Kình sáng ngày 09/01/2020 ngay tại nhà.
Cái ác : tà lộ trong điếm kiếp
Cái ác lén lút để lẩn khuất trong tà lộ với ma lực và quỷ quyền, ma lực hành tác trong bóng tối, quỷ quyền hành động sau lưng người ngay, kẻ thẳng, lúc thì như chó cắn trộm, lúc thì đâm người sau lưng, kể cả khi nó xử tử hình các nạn nhân liêm chính của nó, ngay lúc hành quyết nó cúi đầu, nó chột mắt, khom lưng để nhắm bắn, chớ không dám thản nhiên nhìn thẳng để tranh luận với nạn nhân liêm chính bị nó (lén) giết. Nên cái bạo của cái ác chính là cái hèn của cái độc, nó cúi đầu, khom lưng để luồn lách như âm binh chuyên nghề đâm lén, chém sau lưng, nên đừng mong nó quang minh chính đại mà trực diện với :
Khi quan sát được chân dung, diện mạo của cái ác, thì đừng quên đường ma nẻo tà của cái ác là nó thường mất ăn mất ngủ trước hai hệ luôn đe dọa tuổi thọ của nó, đó là hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái) luôn chung lưng đấu cật với hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo) để đứng về phía ánh sáng của lẽ sống. Hãy tìm hiểu đường đi nẻo về của cái ác qua tà lộ của quỷ quyền độc đảng toàn trị, nơi mà cái ác ngự trị trong độc tôn bất chấp luân lý lẫn luật pháp.
Cái bạo của cái ác chính là cái hèn của cái độc, nó cúi đầu, khom lưng để luồn lách như âm binh chuyên nghề đâm lén, chém sau lưng...
Cái ác : từ hiện loạn tới hậu nạn
Kẻ ác hành tác trong toan tính một chiều, nó là đứa trống vắng ý thức về các hậu quả làm ra bao hậu nạn mà kẻ ác là thủ phạm trực tiếp, gián tiếp ; nên khi chúng ta nghiên cứu về cái ác, thì không nên ngừng ở động thái ác mà phải đi sâu, đi xa hơn nữa để cân, đo, đong, đếm các hậu quả bây giờ sẽ thành chướng nghiệp với các hậu nạn mà các nạn nhân của cái ác phải nhận lãnh, đừng trông chờ kẻ ác lường hết mọi hiện loạn sẽ làm nên bao hậu nạn từ những hành động ác của nó :
h Diệt cái khôn của tri thức, thường được đại diện bởi trí thức, mà trong cả quá trình cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam chưa lần nào Đảng cộng sản Việt Nam dám trực diện để trực luận với trí thức, không dám đối thoại vì tránh đối luận bằng luận thức. Ngược lại cái ác lận cái độc trong cái hèn để làm chuyện ngậm máu phun người, rồi trở tay mà dở trò thủ tiêu những trí thức bị chụp mũ là Nhóm xét lại ; thanh trừng văn nghệ sĩ trong Nhân văn giai phẩm.
h Tạo cái ngu, qua ngu dân bằng tuyên truyền của tuyên huấn, cái ác luồn cái thâm trong cái tồi để tạo tà lộ của điếm nghiệp : học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả được khai thác, được tận dụng để mua gian bán lận trong việc thật-chỗ thật-chức thật-quyền thật.
h Dựng cái đểu, tại đây cái ác vận dụng cái giả để truy sát cái thật, nên những kẻ được nó bổ nhiệm vào quy trình việc thật-chỗ thật-chức thật-quyền thật là nhân viên thật với chứng chỉ giả, là cán bộ thật với bằng cấp giả, là lãnh đạo thật với chuyên môn giả, để đánh lận con đen trong toàn xã hội với luật rừng không những của cha chung không ai khóc, mà còn với luật đểu của bây chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi.
h Tráo cái kiếp, ý đồ ác song lứa cùng mưu độc sau khi nó diệt hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái), giết hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo) để thế vào đó là tham tính làm nên thâm tính của chính sách xuất khẩu lao động, biến trai thành lao nô, gái thành nô tỳ cho các quốc gia láng giềng để chúng yên tâm mà tiếp tục vơ vét qua ngoại tệ của kiều bào
h Thông cái độc là lấy cái ác này để đồng lõa với cái ác kia, cái ác nọ để thông đồng với cái ác khác. Sau khi đã vơ vét tiền bạc của đồng bào, đã nạo vét tài nguyên của đất nước, thì mở cửa cho Tàu tặc cướp đất, biển, đảo ; cho Tàu họa gây nhiễm ô từ bô-xít Tây Nguyên tới luyện thép kiểu diệt môi trường của Formosa tại Hà Tĩnh.
h Tạo cái họa, bằng Tàu hoạ với thực phẩm bẩn, hóa chất độc, trên không khí thì khói của nhiệt điện than, dưới đất lòng nước thì nhiễm ô đã lần mò tới nội tạng của từng người dân, ở giữa là những làng ung thư cùng các thành phố được xếp loại ô nhiễm nhất thế giới.
h Chế cái nạn, của Tàu tà của buôn ma túy, buôn nội tạng, buôn người tới Tàu phỉ của trộm, cắp, cướp, giật ngay trên quê hương Việt mà luật pháp Việt không được quyền xét xử mà phải dẫn độ, tức là phải trả về lại đất Tàu nạn ; quê hương của đại dịch Vũ Hán, nơi mà cúm Tàu man thảnh thơi vào đất Việt mà chính quyền ác nhưng lại hèn với giặc không dám đóng các cửa khẩu biên giới để ác với dân trong vô cảm trước bao sinh mạng con dân Việt.
Diệt cái khôn của tri thức, chưa lần nào Đảng cộng sản Việt Nam dám trực diện để trực luận với trí thức... Ảnh minh họa Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh bị tuyên y án 11 năm tù trong phiên phúc thẩm 20/04/2020
Cái ác : gần cái chết, xa sự sống
Khi cái ác xuất hiện, nó thường là hiện thân cho cái chết, nó hăm dọa là sẽ giết hại các nạn nhân của nó nếu các nạn nhân này không tuân phục ý đồ của nó ; nó răn đe là sẽ tiêu diệt những cá nhân, những tập thể, những cộng đồng nào không tuân thủ các toan tính của nó ; nó quát nạt là sẽ truy sát những chủ thể, những phong trào, những nhân tố nào không phục tùng các âm mưu của nó. Từ hăm dọa, răn đe, quát nạt tới bắt bớ, tù đày, tra tấn chỉ là một bước ngắn đối với cái ác ; từ nhục hình, khổ hình, cực hình tới giết chóc, ám sát, tử hình, thủ tiêu chỉ là một bước gọn đối với nó. Cái ác sử dụng, vận dụng, tận dụng cái chết để gây sợ hãi, gieo kinh hoàng, tạo khiếp đảm giữa sự sống, bằng cách cái ác tự vỗ ngực xưng danh, tự đại diện cho cái chết để đe nẹt sự sống. Gần cái chết, xa sự sống, cái ác ăn ngủ không yên trong thời hiện đại của truyền thông trực tiếp, nơi mà toàn cầu hóa thông tin là hùng lực của sự thật, sung lực của chân lý, mãnh lực của lẽ phải, khi :
h Tin tức về cái ác chính là dữ kiện về sự xuất hiện của cái ác.
h Dữ kiện về cái ác chính là chứng từ về sự hiện diện cái ác.
h Chứng từ về cái ác sẽ cho xuất hiện chứng tích, chứng nhân của cái ác.
Khi cái ác sử dụng, vận dụng, tận dụng cái chết để khống chế nhân tính, để khuất phục nhân lý, để thuần hóa nhân bản, thì chính nó rất luôn mang mặc cảm về bản chất xấu, tồi, tục, dở luôn song cặp cùng nội chất thâm, độc, ác, hiểm của nó, vì cái ác hoàn toàn không có :
h Nhân tri làm nên cộng hòa trong tự do, công bằng, bác ái.
h Nhân trí làm ra nhân quyền trong dân chủ, đa nguyên, đa đảng.
Cụ thể là không một lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam nào đã suy nghĩ để viết lách, thảo luận để định luận về tam quyền phân lập đã có từ ba thế kỷ nay, họ mù tịt về nhân tri và nhân trí trong các tác phẩm của các tác giả đại diện cho văn minh cộng hòa, văn hiến dân chủ : Diderot, Montesquieu, Rousseau, Voltaire, là thượng nguồn của mọi thực thể tiến bộ của tất cả các quốc gia phát triển hiện nay. Không lý trí cộng hòa, trống trí tuệ dân chủ, vắng tuệ giác nhân quyền, nên những nơi nào cái ác xuất thì cái chết lần mò đến, nơi mà thể lực, tâm lực, trí lực của con người bị đục khoét, nạo vét, tới tàn hơi để cái chết chỉ cần bước tới vác đi thân thể giờ đây đã thành thi thể. Đó là các đồn công an, nơi mà thú tính công an trị giết người diệt nhân với bảng thống kê loại cao nhất của thế giới mà tư pháp đã thành tà quyền không dám rờ tới, vì nó đã bị xiết cổ tắt hơi bởi bạo quyền độc đảng từ lâu. Chính bạo quyền lãnh đạo toàn trị trong độc đảng đã giết người trong các trại học tập sau 1975 với chính sách cải tạo bằng hận thù của bên thắng cuộc, thắng nhờ ác. Nhưng hoàn toàn thất bại trên tất cả các lĩnh vực khác, từ văn hóa tới giáo dục, từ nghệ thuật tới văn học, tự kinh tế tới khoa học, từ nhân bản tới nhân văn…
Khi đã đại diện cho cái chết, cái giết, cái diệt, với mặc cảm tự ti không lý trí cộng hòa, trống trí tuệ dân chủ, vắng tuệ giác nhân quyền ; lại song hành cùng mặc cảm tội lỗi từ đồn công an tới trại học tập, nên cái ác cũng mất ăn mất ngủ mà bế môn tỏa cảng không mở cửa cho Liên Hiệp Quốc khảo sát, điều tra về điều kiện lao tù hiện nay của các tù nhân lương tâm. Chính cái ác không dám mở bất cứ trại tù nào đang giam cầm trong nhục hình những đứa con tin yêu của Việt tộc đấu tranh vì dân chủ, đa nguyên, nhân quyền bằng bất bạo động. Tình khoan dung, tính rộng lượng, lòng vị tha của bất bạo động -phản diện của cái ác- đã tạo nên một mặc cảm khác ngay trong tâm địa của kẻ ác : mặc cảm bất nhân, đây là loại mặc cảm đã được giáo lý Việt tộc đặt tên, nêu tánh trong mặc định của : trời không dung, đất không tha, mà tội lỗi làm nên tội đồ lập chân dung của tội phạm, vẻ diện mạo của tội nhân để xếp loại là loài : trời tru đất diệt !
Cái ác : mượn người để giết người
Phải tập hợp cả ba loại mặc cảm : mặc cảm tự ti, mặc cảm tội lỗi, mặc cảm bất nhân để đi sâu vào tâm bệnh của cái ác, nơi mà tâm thần học giải thích được phản xạ giết người diệt nhân luôn bị mất thăng bằng trên dàn phóng của cái chết. Giết người diệt nhân chính là giết người diệt thức, trong Việt sử kẻ ác giết không những chỉ Nguyễn Trải, mà kẻ ác còn thi hành tru di tam tộc, giết từ gốc rễ lên tới tận ngọn cành. Truy diệt hệ nhân (nhân từ, nhân tâm, nhân nghĩa, nhân đạo, nhân lý, nhân tính, nhân bản, nhân văn, nhân vị, nhân quyền) để ám sát hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri), rồi tận diệt hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức, tỉnh thức), phải truy cùng diệt tận cả ba hệ này, cái ác mới tồn tài, kẻ ác mới tiếp tục ác thêm.
Vì cái ác có tâm địa của sự ganh tị, có gốc rễ cội nguồn tới từ ba loại mặc cảm : mặc cảm tự ti, mặc cảm tội lỗi, mặc cảm bất nhân. Trong sinh hoạt văn nghệ độc đảng để độc ác, Tố Hữu mang đầy đủ ba loại mặc cảm này, để truy cùng diệt tận không những Nhân văn - Giai phẩm, mà luôn cả sự nghiệp sáng tác của Trần Dần, Hoàng Cầm, khi mang cùng lúc ba loại mặc cảm này như mang cùng lúc ba loại ung thư, thì sự ganh ghét đã lậm sâu trong nội tạng của ông ta. Về mặt phân tâm học, thì ba mặc cảm này sẽ làm tăng các động cơ làm nên thù, hận, oán, hờn của kẻ ác, rồi đưa đẩy kẻ ác vào chuyện nhúng chàm để sát nhân, vì vậy người tốt, kẻ lành phải vô cùng thận trọng trước lòng ganh ghét, trước tâm địa tị hiềm.
Khi chung quanh ta, có những có kẻ ác với hận thù của ganh tị trong điếm lý, nhưng luôn tìm cách giấu biệt ba loại mặc cảm này, để rồi sau đó nó muốn mượn tay người để giết người. Sau 1975 cho tới khi qua thế kỷ XXI này, vẫn có kẻ chung quanh ta xúi dục ta, giật dây ta, đưa đẩy ta vào chuyện sát nhân, lúc thì mang Phạm Duy ra xử rồi bắn, khi thì mang Trịnh Công Sơn ra tòa án rồi hành sát. Chúng ta phải nhận ra để tránh xa loại người này, loại mượn tay người để giết người. Chúng còn tồi tệ hơn đám ngậm máu phun người, chúng còn thô bỉ hơn đám gắp lửa bỏ tay người, chúng là bọn bắt người lương thiện cầm dao, cầm súng rồi chúng ép họ đâm người thế chúng, bắn người thay chúng, chúng là đám sát nhân bằng điếm não.
Khi Kant phân tích về cái ác dám giết người, thì triết gia này này giải thích rằng : kẻ ác khi thành kẻ sát nhân thì trước đó là nó xem tha nhân như đối phương, rồi đối thủ và sau cùng là kẻ thù không đội trời chung với nó : tử thù ! mà nó phải tận diệt, mặc dù nạn nhân của nó không hề xem kẻ ác sát nhân là đối phương, đối thủ, tử thù. Kẻ ác giết người luôn bằng lý luận đơn phương của nó. Có loại ác thứ hai là kẻ ác giết người đơn phương trong đơn luận để đơn quyết khi nó xem tha nhân là : vô dụng, vô ích cho ý đồ của cái ác, giết đi để khỏi phải kham, khỏi phải gánh, khỏi phải lo, đây là quyết định sát nhân tùy tiện, bất chấp sinh mạng của tha nhân.
Goldelier, nhà nhân học khi nghiên cứu vẻ cái ác trong các sắc dân sống bạo động như "cơm bữa", thì yêu cầu ta chú ý mà không quên loại ác thứ ba có thượng nguồn là hận thù, có hành sát để sát nhân, rồi có luôn hành động ăn gan uống mật của nạn nhân họ bị giết vì bị xem là tử thù. Ông giải thích là ăn tươi nuốt sống kẻ thù để kẻ thù không đầu thai được vào con cái của họ, để thế hệ sau không biết đường mà trả thù ! Nếu đây là lý lẽ (rất dị đoan của mê tín) có trong các bộ lạc xa xưa ăn thịt người để sống, nhưng nếu nó còn tồn tại trong thời đại hiện nay thì hành động man rợ này phải được xét xử để xếp loại nó vào loài lòng lang dạ thú để pháp luật phải xử nó tới nơi tới chốn.
Sau 1975 cho tới khi qua thế kỷ XXI này, vẫn có kẻ chung quanh ta xúi dục ta, giật dây ta, đưa đẩy ta vào chuyện sát nhân. Ảnh minh họa Nguyễn Tư Sang bị xử tử sau ngày 30/4/1975 về tội chống đối tại Phường Yên Đổ Sài Gòn.
Cái ác : mượn đấu tố để giết người
Arendt đặt cái ác biết giết người vào tội ác tuyệt đối, nó không đứng cạnh sự sống, nó đứng đối diện để nghịch hướng với sự sống, nó chọn chỗ đứng tuyệt đối kề cận cái chết để diệt sự sống, không chỉ một người, một nhóm. Mà bằng một chính sách với chương trình mạch lạc, với nhận thứ rõ ràng, đó là cuộc thảm sát có tính toán của Đức quốc xã khi nó đưa vào lò thiêu hằng trăm ngàn người Do Thái bằng một quyết sách diệt chủng. Bà dùng triết học để làm sáng lên vai trò của luật học, bà giải thích nếu con người dùng cái ác để diệt người, thì không thể trao toàn quyền cho con người để thoát ra khỏi cái ác. Từ đây, bà đề nghị hành vi hay, đẹp, tốt, lành của đạo lý làm nên luân lý của bổn phận bảo vệ tha nhân, làm ra trách nhiệm bảo vệ đồng loại, phải được bảo trì và bảo hành bằng luật pháp. Chính công lý trong công bằng sẽ giúp đạo lý và luân lý bảo vệ được sự sống, được mạng sống của tha nhân, của chúng ta.
Nên quá trình mà kẻ ác thực hiện cái ác qua đấu tố trong Cải cách ruộng đất 1954-1960, không phải là quá trình của tòa án có công tâm để làm nên công lý, là chỗ dựa cho công pháp để pháp luật thực thi công bằng từ phán quyết tới phán xử. Mà đấu tố là sự thay trắng đổi đen của kẻ ác, bất chấp đạo lý tổ tiên trong tình làng nghĩa xóm, bất chấp luôn luật pháp là nói có sách mách có chứng, cái ác thủ tiêu từ chứng từ tới chứng nhân, để diệt sự thật lẫn lẽ phải, để cả hai không thể phản biện trước hành tác tìm cớ để giết người của quá trình đấu tố. Nếu đặt tên đấu tố là tòa án nhân dân, thì kẻ ác đang mặc áo cà sa cho quỷ dữ.
Nơi nào có đấu tố trong cùng một làng, một tộc, một họ, một gia đình mà con tố cha, em tố anh, cháu tố ông… thì chỗ đó cái ác đã xuất hiện, nơi đây kẻ ác vừa là đao phủ thủ, vừa là quan tòa, vì nó tự phong cho mình chức năng đôi là vừa là thẩm phán, vừa là luật sư, trên tay phải của nó đang cầm cán cân công lý đã bị nó bẻ cong, rồi tay trái của nó đã cầm dao với lời lẽ lăm le là nó sẽ giết người không gớm tay để đào tận gốc, trốc tận rễ.
Nơi nào có những đứa con tin yêu của Việt tộc đấu tranh vì văn minh dân chủ, văn hiến nhân quyền vì một xã hội tiến bộ lại bị chính quyền vu khống là chống đối chính quyền với các bản án nặng nhiều năm tù, nơi đó cái ác đã xuất hiện. Nơi nào có những phòng trào xã hội đấu tranh để bảo vệ công bằng cho dân lành, dân đen, dân oan, lại bị chính quyền vu cáo là phá rối trật tự công cộng, nơi đó cái ác đã xuất hiện.
Nơi nào có những chủ thể Việt kiều thiết tha với vận nước hiện nay như chỉ mành treo chuông trước họa Tàu tặc, lại bị chính quyền chụp mũ là các lực lượng thù địch, nơi đó cái ác đã xuất hiện. Chưa hết : cái ác hiện nay biết dùng côn đồ, lưu manh, du đảng của xã hội đen để phá nhà cướp đất dân oan ; để hành hung các nhà đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, nơi đó cái ác đã xuất hiện. Chưa hết cái ác biết chận đường, ngăn xe, bắt người kẻ thiện nguyện chỉ đi làm từ thiện là cứu đói trên miền cao, miền xa để đòi tiền mãi lộ, để cướp thực phẩm của các con dân đang đói gục trong khốn cùng, nơi đó cái ác đã có mặt.
Cái ác hiện nay biết dùng côn đồ, lưu manh, du đảng của xã hội đen để phá nhà cướp đất dân oan
Cái ác : có phản diện là niềm tin vào sự sống
Freud khi vận dụng phân tâm học để tìm lối thoát, lối ra mỗi khi chúng ta phải đối mặt chạm trán với cái ác trực tiếp hay gian tiếp đe dọa sự sống, hãm hại mạng sống của chúng ta ; thì câu trả lời có trong chân trời của niềm tin. Ông tin rằng niềm tin có trong mỗi chúng ta, đó chính là giá trị tinh thần và tâm linh cao quý nhất, tên của nó là : niềm tin vào sự sống. Bảo vệ bằng được sự sống, bằng cách đứng về phía sự sống, mà vạch mặt chỉ tên cái phản diện của nó là cái chết, đứa con chính tông của cái ác.
Niềm tin vào sự sống không hề là loại niềm tin đơn lẻ của cá nhân, đơn độc của một thành phần trong xã hội, đơn côi của người trí thức có kiến thức lý thuyết về cái ác. Mà niềm tin này vượt cá nhân, mạnh hơn cá thể vì nó hướng sự sống về phía quan hệ giữa và người, niềm tin này cô độc trong não bộ của người, nó ra ngoài bằng khả năng đấu tranh để sống còn, tìm mọi cách gạt bỏ sự đe dọa của cái chết. Cụ thể là đấu tranh để được sống chung và sống cùng với tha nhân, với đồng loại, nó có từ phản xạ cảm nhận của đứa trẻ thơ luôn tìm mẹ để được nuôi nấng, rồi để được bảo vệ trước mọi cái ác có thể ập tới khi nó chưa đủ lông, đủ cánh để tự bảo vệ.
Khi niềm tin này lớn khôn lên thì cha mẹ, gia đình, thân tộc, làng nước luôn là chỗ dựa, để mỗi cá thể tự nhận ra nơi chôn nhau cắt rốn ngày mình ra đời cũng là nơi mình muốn yên thân lá rụng về cội khi phải rời cuộc sống. Niềm tin về sự sống chính là Niềm tin về sự an sinh, nên những chính quyền liêm chính của các quốc gia tiên tiến có văn minh dân chủ, có văn hiến nhân quyền thì cái chết bị đẩy lùi, cái ác bị án khổ sai trong biệt tăm, biệt tích. Niềm tin vào sự sống còn biết đi xa, đi rộng, đi cao hơn nữa khi nó luôn cần sự có mặt của các hệ sau đây để bảo vệ, che chở nó, giúp nó vượt thoát cái chết, vượt thắng cái ác :
h Hệ công (công bằng, công tâm, công lý, công pháp).
h Hệ đa (đa tài, đa trí, đa hiệu, đa năng).
h Hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri).
h Hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo).
h Hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái).
h Hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức).
Khi con người được trang bị đầy đủ các hệ này, thì con người luôn tỉnh thức trước cái ác lúc nào cũng đe dọa con người bằng cái giết, cái diệt, cái chết. Khi được trang bị các hệ này con người có tâm lực, trí lực và thể lực để tái tạo sự sống, để tiếp tục bảo vệ sự sống. Khi chúng ta được trang bị bởi các hệ này để tỉnh táo trong quyết định và sáng suốt trong hành động với quyết tâm chống lại cái ác biết giết người, diệt nhân. Vì cái ác mang trong nó hai ý đồ xảo trá dưới dạng hai chính sách :
h Chính sách đạo đức giả, của xảo ngôn về sự hy sinh : hy sinh vì đất nước, hy sinh vì dân tộc, hy sinh vì giống nòi… nơi mà kẻ thiện phải chết thay cho kẻ ác trong chiến tranh, nơi trận mạc.
h Chính sách ngu dân, khi kẻ ác dùng với giọng lưỡi của điêu ngữ bằng tráo ngôn về bảo vệ quốc phòng : bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc, bảo vệ giống nòi… nơi mà kẻ thiện thay kẻ ác để giết những người thiện khác tới từ xa.
Vận dụng đạo đức giả, tận dụng ngu dân là ý đồ của mọi ý đồ có trong bản chất của cái ác, đây là chiến thuật mà cùng là sách lược của kẻ ác muốn phổ biến cái ác bằng cách phổ quát cái chết để phổ thông hóa rồi bình thường hóa mọi hành tác ác của kẻ ác.
Cái ác giết người để diệt quan hệ
Pascal nhận ra là cái thiện không những đứng về phía sự sống để bảo vệ sự sống còn của nó, mà nó chọn sự sống để chống lại cái chết do cái ác làm ra ; vì chỉ có sự sống mới bảo vệ được các quan hệ mà con người thừa hưởng khi được sống cùng và sống chung với tha nhân, với đồng loại. Đó là quan hệ gia đình, quan hệ thân tộc, quan hệ xóm giềng, quan hệ bạn bè, quan hệ nghề nghiệp, quan hệ xã hội… Từ đây, tư tưởng gia này giải thích chính sự sống và tất cả quan hệ có trong cuộc sống là nền tảng của mọi định nghĩa về hạnh phúc, mà cái thiện có thể mang tới cho con người. Nên cái thiện luôn đối nghịch với cái ác chính là cha sinh mẹ đẻ ra cái chết giết người để diệt không những mọi quan hệ, mà còn hủy diệt luôn cơ may mưu cầu hạnh phúc của con người muốn sống cùng và sống chung với tha nhân, với đồng loại.
Kẻ ác khi muốn hành tác ác để đưa cái ác vào cuộc sống thì nó thường có thói lấy hệ độc (độc quyền, độc tài, độc trị, độc tôn) bằng độc đoán để diệt cả hai hệ đa : hệ thứ nhất : đa diện, đa dạng, đa cách, đa pháp ; hệ thứ nhì : đa tài, đa trí, đa hiệu, đa năng. Nên khi chúng ta đấu tranh chống kẻ ác luôn độc hại trong độc đạo do nó chế ra, thì chúng ta đừng quên vận dụng hai hệ đa này, đây là sự phong phú của số nhiều làm nên nhiều thông minh, nhiều sáng tạo. Số nhiều của đa nguyên trong muôn hình vạn trạng của hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái) biết mở ra nhiều chân trời, không những bảo đảm được đa sinh, đa sản của sức sống, cùng lúc lật măt nạ cái ác, để vạch mặt chỉ tên kẻ ác, để minh chứng rằng nhân sinh có nhiều đường đi nẻo về, chớ không phải chỉ có độc đạo trong độc trị, độc tài trong độc quyền, độc tôn trong độc đảng.
Vạch trần liên minh nội kết của cái ác : tổ chức ác-cơ chế ác-chế độ ác-hiến pháp ác-điều lệ ác-chính sách ác
Triết học đạo đức từ Levinas tới Ricoeur, lý giải cái ác bằng triết luận để phân tích cái thiện phải luôn trực diện với cái ác bằng nhân tính làm nên thành lũy của nhân lý bằng chất liệu của cái thiện ; nên cái thiện luôn có ý thức cao cùng nhận thức rộng để nhìn ra ý đồ của kẻ ác là luôn toan tính đánh đổ để thiêu hủy thành lũy của cái thiện. Từ đây tâm địa của kẻ ác mang động cơ tận dụng cái ác để diệt ý chí của cái tốt, giết ý lực của cái đẹp, hủy ý muốn của cái lành, nên trong thâm ý của kẻ ác là khi nó thủ tiêu được cái thiện, thì kẻ này tự thỏa mãn là nó không những đã truy diệt được cái thiện, mà nó còn truy sát luôn cái tốt, cái đẹp, cái lành làm nên nhân sinh quan của nhân tâm, tạo ra thế giới quan của nhân từ, sinh ra vũ trụ quan cho nhân tri.
Câu cuối lời kết của bài này có nên giành cho chính kẻ ác đang ngày ngày tạo ra cái ác ? Câu cuối lời kết phải là câu trả lời cho câu hỏi cái ác từ đâu tới ? Cái ác nội chất tật nguyền từ tâm linh tới não trạng khi cái ác đơn phương lo cho hạnh phúc ích kỷ tuyệt đối của riêng nó. Cái ác khẳng định là nó không sống bằng sự ân cần với tha nhân, mà thậm chí nó còn tìm lối tắt đường mòn bằng cái ác để loại, để hủy, để diệt tha nhân, đồng loại.
Từ đây, chúng ta không ngừng ở các phạm trù đạo đức xã hội để đánh giá đạo lý của cá nhân ác, mà chúng ta phải đi sâu vào nghiên cứu các định chế từ ý thức hệ tới chính trị, từ kinh tế tới xã hội, từ văn hóa tới giáo dục để nhận diện cái ác không chỉ được tạo ra, lập nên từ một hay vài kẻ ác. Mà cái ác được sinh sôi nảy nở trong một tổ chức ác biết giết người cướp của, tới cơ chế ác biết dính máu ăn phần, nơi mà chế độ ác được biển lận trong hiến pháp ác với điều lệ ác. Tại đây, đất là sở hữu của toàn dân (chớ không phải là sở hữu của người dân) do nhà nước quản lý (để chính quyền độc đảng tha hồ quy hoạch mà trộm, cắp, cướp, giật) bằng chính sách ác.
Chính liên minh nội kết tổ chức ác-cơ chế ác-chế độ ác-hiến pháp ác-điều lệ ác- chính sách ác được nuôi dưỡng không những bằng bạo quyền công an trị, mà còn bằng tà quyền tham nhũng trị, sinh đôi với ma quyền tham tiền trị, cả ba đang trùm phủ lên cả nhân kiếp của Việt tộc bằng mùng mền của cái ác, nơi mà con dân Việt đang sống trong một xã hội dễ dàng sa vào cái ác, rồi rơi sâu vào tội ác !
Lê Hữu Khóa
(27/06/2020)
(1) Vùng Khả luận (trang thầy Khóa) Facebook, nhà xuất bản Les Indes Savantes, nhà ấn bản Anthropol-Asie.
(2) Lê Hữu Khóa, Anthropologie du Vietnam, Tome I, II,III, IV, V, Editions Les Indes Savantes. Paris.
---------------------
- Giáo sư Đại học Lille
- Giám đốc Anthropol-Asie
- Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á
- Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc
- Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris
- Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á
- Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.