Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 18 octobre 2023 21:45

Năm 2023, Việt Nam có án oan hay không ?

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình hôm giữa tháng 10 khẳng định ‘Năm 2023, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội’.

anoan0

Ông Nguyễn Trường Chinh và gia đình ra Hà Nội kêu oan cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Hình do ông Nguyễn Trường Chinh cung cấp.

"Làm láo, báo cáo hay" !

Ông Hòa Bình còn cho biết tính đến thời điểm báo cáo, các vụ án hình sự đã được xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Một luật sư từ Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hôm 16/10 nhận định với RFA về báo cáo trên :

"Có ba vấn đề, thứ nhất là ‘làm láo báo cáo hay’ đó là một thành ngữ mô tả các quan chức của xã hội này. Còn vấn đề thứ hai là người ta nói không phát hiện án oan, nhưng không nói án oan cũ. Ví dụ ông Võ Tê ở Bình Thuận mới được bồi thường hơn 1 tỷ đồng, là người bị hàm oan nhưng đã chết. Con ông Tê không lập gia đình để đi kêu oan cho cha mình, đồng thời đòi bắt hung thủ thật sự. Nhưng hung thủ thật sự bây giờ không bị khởi tố, ông Võ Tê đã được minh oan… nhưng có lẽ ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là án oan của thời xưa".

Vấn đề thứ ba theo luật sư này, ông Bình nói "không phát hiện án oan" bởi vì có những người kêu oan không thành công ở giai đoạn phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm. Ông nêu ví dụ :

"Ví dụ như Hồ Duy Hải, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vạch ra những vấn đề bị oan cần phải giám đốc thẩm lại, thì Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao dưới thời ông Nguyễn Hòa Bình đã giữ nguyên bản án. 17 thành viên của Hội đồng thẩm phán đã biểu quyết là không oan. Như vậy, mặc dù Hồ Duy Hải không phải thời ông Hòa Bình, nhưng cách phân xử thì hầu như không có chấp nhận kêu oan, dù có oan hay không oan. Do đó theo ba vấn đề vừa nêu, ông Nguyễn Hòa Bình nói không phát hiện án oan bởi vì có sự chỉ đạo từ trên xuống dưới".

Đây không phải lần đầu tiên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo không có án oan sai trong nhiệm kỳ của ông. Vào ngày 12/1/2021, khi báo cáo về công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng từng khẳng định "Trong nhiệm kỳ không xảy ra án oan hình sự" (!?)

Trước đó vào ngày 6/11/2020, khi báo cáo trước Quốc hội, ông cũng khẳng định các vụ án hình sự được xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.

Làm sao mà không có án oan ?

Với báo cáo mới nhất của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, hôm 16/10 cho RFA biết câu chuyện đi kêu oan của gia đình ông :

"Ông Nguyễn Hòa Bình nói như vậy, nhưng họ nói một đường làm một nẻo, nói năm vừa qua hay năm năm vừa qua không có án oan là không đúng, họ nói xạo. Ba gia đình tử tù vẫn kêu oan là tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh và Hồ Duy Hải chúng tôi vẫn kêu oan liên tục. Bản thân gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng còn gửi bốn cái đơn mỗi tháng đến Chủ tịch nước, Ủy ban tư pháp Quốc hội, Chánh án tòa án tối cao, Vụ bảy Viện kiểm sát tối cao… chúng tôi gởi liên tục không ngừng nghỉ, thế thì tại sao không có án oan… Án oan ở Việt Nam rất nhiều, đến khu tiếp dân của Trung ương đảng nhà nước ở Hà Đông mà xem, hàng ngàn người đi khiếu kiện, nhưng họ dập đi thôi, làm sao mà không có án oan".

Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã nhiều năm ròng làm đơn kêu oan, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại bản án của con em họ.

Ông Nguyễn Văn Chưởng, 40 tuổi, bị kết án tử hình năm 2008 vì bị cho là thủ phạm trong vụ giết một sỹ quan công an ở Hải Phòng vào giữa tháng 7 năm 2007 trong khi tử tù này liên tục kêu oan, nói bị tra tấn ép cung và các cơ quan tố tụng tảng lờ nhiều bằng chứng ngoại phạm của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

Mới đây (hôm 11/10), ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về tử tù này :

"Hoạt động điều tra của công an Việt Nam trong các vụ án hình sự thường dựa vào tra tấn và ép cung, và điều này dẫn đến nhiều oan sai trong xét xử. Trong trường hợp này, thảm kịch càng trở nên trầm trọng hơn khi Việt Nam sử dụng hình phạt tử hình, một hình phạt tàn nhẫn, bất thường và hoàn toàn không thể đảo ngược, vi phạm trắng trợn luật nhân quyền quốc tế".

Ngoài vụ Nguyễn Văn Chưởng, dư luận trong nước và quốc tế cũng thường xuyên lên tiếng về vụ án oan đối với Hồ Duy Hải, đặc biệt khi mẹ của Hồ Duy Hải đã ra tận Hà Nội kêu oan cho con mình ròng rã hàng chục năm qua, nhưng vẫn chưa có hồi đáp.

Nói về những án oan ở Việt Nam cũng như nhận định về hệ thống tư pháp của Việt Nam, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 16/10, nói với RFA :

"Ở Việt Nam, hệ thống từ cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, cho đến cơ quan xét xử… thì hoàn toàn không có độc lập trong quá trình tiến hành tố tụng. Cho nên án oan ở Việt Nam xảy ra thường xuyên ở hầu hết các địa phương của Việt Nam. Chúng ta đã biết một số các vụ án oan người bị án tử hình, hay những vụ khiếu nại giám đốc thẩm, thì ở Việt Nam hằng năm có đến hàng chục ngàn trường hợp. Bởi vì khi họ khiếu nại giám đốc thẩm, tức là họ cho rằng họ bị oan thì họ mới khiếu nại lên đó sau khi kết thúc sơ thẩm và phúc thẩm".

Theo luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, trên thực tế, hầu như các vụ án như khiếu nại lên giám đốc thẩm, thì ngành tư pháp Việt Nam giải quyết không chu đáo. Ông cho rằng, thường cơ quan tòa án cấp trên bảo vệ cho thẩm phán, cũng như cơ quan tòa án cấp dưới, do đó thường thì phiên Giám đốc thẩm sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Nguồn : RFA, 16/10/2023

Published in Việt Nam

Liệu có đúng tòa án Việt chưa phát hiện trường hợp kết án oan các vụ án hình sự ?

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khi báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 6/11 về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, đã cho biết các vụ án hình sự được xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.

anoan1

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 6/11/2020. Nguồn : congly.vn

Trao đổi với RFA tối cùng ngày, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam đưa ra nhận xét đối với phát biểu của người đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối cao như sau :

"Tôi thấy rằng việc Chánh án báo cáo trước Quốc hội là tổng kết công tác tòa án. Còn bây giờ nói trong suốt thời gian, xét xử không có tội (oan) thì nó chưa nói hết những vụ án, có những vụ án trở thành án phạt. Nên tôi thấy việc báo cáo trước Quốc hội thời gian vừa qua chưa có án oan hoặc không có tội thì tôi cho rằng chưa chính xác. Tôi thấy rằng nói như vậy thì chưa mang tính thuyết phục đối với người dân".

Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn lại bày tỏ sự ngạc nhiên về lời phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình :

"Dường như ông không nắm được về tình hình xét xử vụ án hình sự. Trong nhiều năm gần đây xảy ra khá nhiều vụ án oan sai, hơn nữa những vụ án oan sai đã từng được thừa nhận, báo chí đưa tin rộng rãi. Không hiểu tại sao ông lại nói tòa án chưa bao giờ có vụ oan sai như vậy. Đơn cử như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn hay Hàn Đức Long, khá nhiều, trước mắt tôi chưa kể được nhưng thống kê thì xấp xỉ 10 vụ".

Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội cố sát với bản án chung thân đã được thả tự do sau 10 năm ngồi tù vào ngày 5/11/2013.

Sau đó, vào ngày 20/12/2016, ông Hàn Đức Long từng 4 lần bị các tòa ở Việt Nam tuyên án tử hình với các cáo buộc giết người, hiếp dâm trẻ em đã được tha sau 11 năm tù oan.

Mới đây nhất, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh vào sáng 12/10 vừa qua đã trao tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án "Cướp tài sản riêng của công dân" với số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng. Vụ án oan vừa nêu đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979. Có hai người đã qua đời không nhận được tiền bồi thường.

Nhận xét về tình trạng án oan tại Việt Nam hiện nay, LS. Đặng Đình Mạnh cho hay án oan không đến nỗi xảy ra quá thường xuyên, nhưng không phải là ít. Ông tiếp lời :

"Trong những vụ án mà tôi tham gia bào chữa, đa phần trong đó liên quan đến tội danh xâm phạm an ninh quốc gia thì tôi thấy hầu hết đều có dấu hiệu oan sai kiểu này, kiểu khác. Mới đây nhất thì vụ án Đồng Tâm, mặc dù không phải vụ án chính trị nhưng cũng có thể coi đó là vụ án oan sai, thậm chí ở mức độ khá nặng nề khi khá nhiều quy định tố tụng đã không được bảo đảm về việc thực hiện điều tra chẳng hạn…"

Trong phiên xử vụ Đồng Tâm diễn ra vào ngày 14/9, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra phán quyết đối với 29 người trong vụ án "Giết người" và "chống người thi hành công vụ" diễn ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội.

Cụ thể, có 6 người đã bị cáo buộc tội "Giết người". Trong đó, có 2 người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con trai cụ Lê Đình Kình. Ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, nhận án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù.

anoan2

Quang cảnh phiên tòa giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải ngày 6/5/2020. Courtesy : congly.vn

23 bị cáo còn lại nhận án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam về tội "Chống người thi hành công vụ".

Do đó, khi nhận xét về phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình vào ngày 6/11 trước Quốc hội, chị Oanh, một người dân Đồng Tâm nhận định :

"Vụ việc Đồng Tâm là oan sai 100%. Kể cả phiên tòa ấy nói một đường làm một nẻo, bây giờ kể cả ông Chánh án nói rất hay nhưng những việc làm hoàn toàn trái ngược và không có tính sự thật gì. Nên bây giờ các ông nói thì các ông nghe với nhau còn người dân chả nghe, nghe là người ta bức xúc".

Một vụ án khác được dư luận quan tâm là vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Thanh niên Hồ Duy Hải, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh "giết người, cướp tài sản" tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm.

Đáng chú ý, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm đến nên không làm thay đổi được kết quả phiên tòa.

Nói thêm thông tin về vụ việc này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay :

"Vụ án Hồ Duy Hải thì đúng phương diện pháp lý thì chưa được kết luận là án oan sai nhưng qua quá trình xét xử nhiều cấp tòa, thậm chí ở cấp sau cùng đi Hội đồng Thẩm phán gồm 17 người xem xét vụ án thì chính công chúng cũng chỉ ra một loạt sai phạm mà lẽ ra chỉ cần 1 trong những sai phạm ấy thì vụ án phải được xem xét như án oan sai".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng vụ án Hồ Duy Hải sẽ còn kéo dài trong thời gian tới :

"Tôi cho rằng việc để kết luận một người có tội hay không thì khi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trả lời trước Quốc hội, đặc biệt là vụ án Hồ Duy Hải trong thời gian vừa qua thì tại phiên họp Quốc hội vào tháng 6 thì ông Nguyễn Hòa Bình cũng nói rồi, tôi không nhắc lại việc này nhưng mà tôi thấy rằng trong những quy định pháp luật của Việt Nam thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải rút kinh nghiệm là phải thực hành đúng quy định của Luật hình sự Tố tụng".

Luật sư Hậu cho hay trong quy định pháp luật có quy định rồi nhưng thời gian vừa qua các cơ quan Tiến hành tố tụng đã thực hiện không tốt. Ông cho rằng điều ông vừa nói là hạn chế trong các cơ quan tư pháp và cần phải khắc phục.

Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, để giảm tình trạng oan sai thì điều kiện tiên quyết phải bảo đảm để hệ thống xét xử của tòa án được độc lập.

"Cả Hiến pháp và luật Tố tụng đều quy định Tòa án chỉ tuân thủ luật pháp mà thôi, ngoài ra không phải tuân thủ theo nghị quyết hay những cái gì khác. Thực chất ai cũng biết hệ thống tòa án không hề độc lập và họ gần như chịu sự chỉ đạo của những tổ chức ví dụ như Ban điều chính chẳng hạn, là gồm những cơ quan tiến hành tố tụng. Trước khi xem xét một vụ án thì cơ quan điều chính này sẽ xem án trước. Hầu như những cuộc họp như vậy đã chỉ đạo, đưa ra đường hướng xét xử rồi nên toàn án mất đi tính độc lập".

Vì vậy, Luật sư Mạnh cho rằng để bảo đảm sự độc lập thì có lẽ phải có sự tác động ở những cấp lãnh đạo cao nhất.

Trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp Việt Nam đưa ra vào tháng 11/2019 thẩm tra báo cáo của Viện kiểm sát Nhân dân tối cáo có nêu rõ số trường hợp xử oan được nói tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, một số đại biểu quốc hội Việt Nam trong phiên thảo luận Quốc hội vào giữa tháng 6 vừa qua cũng cảnh báo rằng niềm tin vào tư pháp Việt Nam đang bị suy giảm.

Nguồn : RFA, 06/11/2020

Published in Diễn đàn

Hôm 25/4, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành việc xin lỗi công khai đối với 'tử tù' Hàn Đức Long, người đi tù oan 11 năm và chịu 4 bản án tử hình.

lamsao1

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Buổi xin lỗi thực hiện tại Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Phúc Sơn thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Nhưng buổi này đã diễn ra không thành công do phía gia đình cháu bé nạn nhân phản ứng gây hỗn loạn tại hội trường. Họ phản đối xin lỗi và đòi phải tìm ra thủ phạm.

Trong không khí hỗn loạn xô đẩy chửi bới, không có ai ngồi mà tất cả đều đứng, vị cán bộ tòa án 'cố đấm ăn xôi' đọc cho xong nội dung trang văn bản đã soạn sẵn, trong cái cảnh mà tôi đứng cách 3 mét không nghe được một chữ nào.

Ông Hàn Đức Long đã không thể tham dự để lắng nghe những lời xin lỗi mình, cũng không thấy đại diện nào của các ban ngành tư pháp ở Bắc Giang tham gia.

Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thì :

"Khi tổ chức xin lỗi công khai phải có sự tham gia đầy đủ của người đại diện các cơ quan tư pháp đã tham gia giải quyết vụ việc, mà trong vụ án của ông Hàn Đức Long thì phải có đại diện các ban ngành tư pháp tỉnh Bắc Giang và tư pháp trung ương tham gia."

Thông tư cũng yêu cầu việc trực tiếp xin lỗi công khai phải thực hiện nghiêm túc, trang trọng ; sau khi người đại diện trình bày lời xin lỗi, người bị thiệt hại hoặc người đại diện của họ phát biểu tiếp nhận lời xin lỗi. Phải đảm bảo thời gian cho người bị thiệt hại hoặc người đại diện của họ phát biểu.

Quy định là thế nhưng thực tế thì có thể tóm gọn là buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long đã hoàn toàn thất bại và thực hiện không đúng theo các quy định.

Đó là những gì mà người ta đã làm để thực thi công lý.

Đó là những gì mà một người bị đi tù oan 11 năm, chịu 4 bản án tử hình, với 6 năm chịu cảnh sống giam cầm cùm chân trong phòng dành cho tử tù, được nhận.

Cán bộ tòa án sau khi đọc xong văn bản đã ngay lập tức lên xe ra về trong sự dẹp lối đưa đường của nhân viên công an.

Việc thực thi công lý theo đó có tính chất bỏ chạy.

lamsao2

Người nhà và gia đình cháu bé bị hại phản ứng tại buổi xin lỗi ông Long hôm 25/4.

Tòa án 'không có sức mạnh'

Những gì đã diễn ra cho thấy tòa án không hề có sức mạnh, trong khi đại diện tòa án hoàn toàn có thể làm khác.

Lẽ ra họ đã có thể đình hoãn việc xin lỗi, yêu cầu các ban ngành chính quyền làm nhiệm vụ giữ trật tự hoặc quyết định tổ chức lại vào một ngày khác.

Tại sao cán bộ tòa án lại không làm thế ? Họ sợ mất công mất việc của họ và của các ban ngành khác chăng ? Hay họ sợ việc tổ chức lại sẽ làm phiền người khác, gây tốn kém, các cấp không chịu ?

Vậy đó có phải là vì quyền hạn chính trị và pháp lý của tòa án yếu kém ? Người đại diện của Tòa án đã không thể ra một quyết định kịp thời đúng đắn vì họ kém thẩm quyền, việc họ tổ chức xin lỗi công khai phải có sự tham gia của nhiều ban ngành liên quan, mà vai trò của vị cán bộ tòa án không chi phối chỉ đạo được.

Những gì đã diễn ra tại buổi xin lỗi phản ánh sự thật về năng lực của tòa án, năng lực thực thi công lý của tòa án, cũng như phơi bày bộ mặt quan hệ xã hội giữa người dân và nền tư pháp.

Đó là những gì mà hẳn mọi người không mong muốn.

Điều mọi người mong muốn là nền tư pháp mà trong đó tòa án là thiết chế trung tâm phải đủ mạnh để có thể kiến tạo được công lý, thực thi được công lý.

Những việc làm và quyết định của tòa án phải đủ hiệu năng thẩm quyền buộc các ban ngành khác phải tuân theo, thay vì tòa án chỉ là một cơ quan đồng cấp, ngang cấp, hoặc kém cấp.

lamsao3

Ông Hàn Đức Long (trái) và luật sư Ngô Ngọc Trai tại nhà riêng hôm 21/12/2016

Một ví dụ khác

Vào tháng 10/2015 xảy ra vụ án thiếu niên Đỗ Đăng Dư 17 tuổi bị đánh chết khi đang bị giam giữ trong trại tạm giam số 3 của Công an Thành phố Hà Nội.

Vụ án đã nhận được sự quan tâm rất lớn của báo chí và cộng đồng xã hội ở thời điểm đó. Nhiều lãnh đạo cấp cao khi đó đã lên tiếng chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ như Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Sau đó cũng khá nhanh chóng, cơ quan điều tra đã hoàn tất việc điều tra, xác định thủ phạm và đề nghị Viện Kiểm sát tiến hành truy tố.

Nhưng sau đó là một quãng thời gian kéo dài và việc giải quyết chậm chạp.

Từ đó đến nay đã một năm rưỡi mà vụ án vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Gần một năm sau ngày xảy ra vụ án, vào tháng 9/2016 Tòa án Hà Nội mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, và tới nay là gần một năm rưỡi Tòa án Cấp cao tại Hà Nội vẫn còn đang chuẩn bị xét xử phúc thẩm.

Đối với một vụ án xảy ra cũng tương đối rõ ràng, hiện trường được xác định, có nhân chứng, thủ phạm đã nhận tội, vậy tại sao tòa án lại dây dưa kéo dài mà không thể sớm xử lý dứt điểm ?

Tôi cho là có cùng một nguyên nhân. Đó là vị thế quyền hạn của tòa án yếu kém, cho nên đã yếu kém trong việc thực thi công lý.

Trong vụ án Đỗ Đăng Dư, nổi lên vấn đề trách nhiệm của các cơ quan và nhân viên tư pháp liên quan, và có lẽ vì sự nể nang bênh vực giúp đỡ cho nhau nên tòa án đã không thể thẳng thừng giải quyết theo đúng pháp luật.

Nếu tòa án có thẩm quyền lớn mạnh, không phải e dè nể nang các cơ quan tư pháp liên quan, thì tòa án phải hành xử kiểu khác.

Thực tế là tòa án đã lảng tráng, không muốn hoặc không dám đối diện với thực tại, dây dưa kéo dài chậm giải quyết dứt điểm.

Sự dây dưa kéo dài không có những lý do chính đáng, không do lỗi ở tòa.

Đối với một vụ án ban đầu đã thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng, nếu tòa án đã tự gây ra rủi ro cho mình thì đó chỉ có thể là do tòa án yếu kém, bị áp lực để hoãn binh cứu chữa cho người khác.

Tòa án đã không đủ mạnh để có thể làm tốt hơn vài trò thực thi công lý.

Giải pháp nào cho ngành tư pháp ?

Cái tình trạng thực tại của tòa án Việt Nam là một điều đáng buồn.

Và giải pháp cho ngành tòa án là cái đáng mong muốn không chỉ cho giới tòa, mà cho cả giới luật sư, cho người dân, và cho tất cả những ai mong muốn có công lý.

Cần phải nâng cao vị thế quyền hạn của tòa án, để những ý kiến, những quyết định, những văn bản của tòa án là cái có hiệu lực hiệu quả buộc phải tuân thủ đối với các cơ quan ban ngành.

Để tòa án có thể quyết định hoãn buổi xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long, yêu cầu chính quyền xã, huyện và tỉnh Bắc Giang phải hành động đảm bảo trật tự, để buổi lễ diễn ra trang trọng theo đúng quy định pháp luật đã ban được ban hành.

Để việc làm của tòa án - việc xin lỗi công khai, xứng đáng với một sự đầu tư thích đáng về thời gian, tiền của vật chất, và tinh thần trách nhiệm của các ban ngành chính quyền liên quan.

Để những quy định trong văn bản thông tư liên tịch không phải là những điều nhảm nhí.

Để pháp luật được thượng tôn và quyền lợi chính đáng của người dân có thể được bảo vệ.

Điều đó mới thể hiện cái tầm và vị thế của tòa án trong thực thi công lý.

Điều cuối cùng thì người dân thì nên nhớ rằng tòa án về bản chất là thiết chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, cho nên chăm lo cho tòa án là chăm lo bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Một người công dân khôn ngoan là một người đòi hỏi quyền cho tòa án.

Tác giả là một luật sư hiện đang hoạt động tại Hà Nội.

Published in Diễn đàn

Phải chăng, vì đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên những cán bộ tiến hành tố tụng cố xử cho bằng được. Thực tế, nhiều vụ án oan sai đã minh chứng cho nghi vấn này, mà vụ án quán cà phê Xin Chào và vụ án Chòi Vịt là minh chứng cụ thể nhất.

xuly1

Minh họa : Ngọc Diệp

Các thông tin trong các bài " Người bị đại tá Quý khởi tố được tuyên vô tội " ; "Thêm một vụ án ‘kinh doanh trái phép’ bị đình chỉ"… khiến dư luận không khỏi giật mình. Bởi lẽ, tại sao vụ án vi phạm nghiêm trọng tố tụng như thế lại có thể diễn ra cả ở cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh ? Vấn đề đặt ra là, nên xử lý những người cố tình gây án oan sai này như thế nào để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật ?

Khởi tố không có căn cứ

Là hộ có giấy phép kinh doanh, nhưng ông Nguyễn Văn Thành (66 tuổi, ngụ Q.5, Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện hộ kinh doanh Trường Thành tại huyện Bình Chánh) lại bị công an huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố về tội "kinh doanh trái phép" đối với 12 tổ máy phát điện ( không thuộc mặt hàng cấm kinh doanh) đã qua sử dụng. Người ký quyết định khởi tố, đề nghị truy tố ông Thành là ông Nguyễn Văn Quý- nguyên Trưởng công an huyện Bình Chánh ; còn người ký cáo trạng truy tố là ông Lê Thanh Tòng, nguyên Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh. Cả hai người này đã ký các quyết định gây oan sai trong vụ án cà phê Xin Chào, vụ án Chòi Vịt (ở huyện Bình Chánh) gây bức xúc dư luận trong năm 2016.

Nhưng khác với hai vụ án trên, vụ án hình sự "kinh doanh trái phép" này đã được tòa án huyện Bình Chánh thụ lý. Khi được tòa án trả lại yêu cầu điều tra bổ sung, không làm rõ được hơn, cơ quan điều tra lại đi điều tra 17 lần mua bán máy phát điện trước đó nhiều năm của ông Thành.

Từ kết quả điều tra bổ sung này, bắt đầu lộ rõ những việc làm sai trái của các cơ quan tiến hành tố tụng vụ án này ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Cụ thể, Viện kiểm sát của huyện Bình Chánh chấp nhận việc điều tra bổ sung, còn tòa án huyện nhận định bị cáo Thành phạm tội kinh doanh trái phép đối với 17 tổ máy phát điện, tuyên phạt 1 năm tù treo. Đối với 12 tổ máy phát điện bị niêm phong trước đó, Hội đồng xét xử nêu, các cơ quan tố tụng không đưa ra được bằng chứng để chứng minh bị cáo đã bán và sẽ bán 12 tổ máy này nên không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo ; đồng thời, tòa tuyên trả lại 12 tổ máy phát điện do không liên quan tới vụ án.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát huyện Bình Chánh lại đề nghị cấp phúc thẩm xử theo hướng tịch thu sung công quỹ 12 tổ máy phát điện cũ. Bản án phúc thẩm tuyên y án, trả lại 12 tổ máy đang bị tạm giữ cho ông Thành.

Sai phạm nghiêm trọng

Thấy vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào được minh oan, lúc này ông Thành mới mạnh dạn làm đơn gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì ông cho rằng mình không phạm tội.

Thụ lý hồ sơ, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ rõ : Cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vi phạm cả về mặt thủ tục tố tụng lẫn nội dung.

Cụ thể, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đề nghị Viện kiểm sát truy tố ông Thành về tội "kinh doanh trái phép" đối với 12 tổ máy phát điện nhưng hành vi này sau đó không bị xét xử vì không đủ căn cứ.

Nhưng, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh và tòa lại truy tố, xét xử ông Thành về hành vi mua bán 17 tổ máy phát điện, dù chưa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh khởi tố vụ án hình sự. Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.

Mặt khác, trong 17 tổ máy phát điện mà ông Thành bán, có tổ máy từ lúc bán đến thời điểm bị phát hiện đã quá 5 năm, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng Viện kiểm sát và tòa án vẫn đem ra truy tố, xét xử ! ?

Ngày 10/2/2017, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát, hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và đình chỉ vụ án theo hướng ông Thành không phạm tội.

Như vậy, một hộ kinh doanh nữa đã được minh oan. Nhưng những câu hỏi không thể không đặt ra : Không khởi tố vụ án mà vẫn truy tố, xét xử lẽ nào các vị tham gia tiến hành tố tụng trong vụ án này không biết yêu cầu tối thiểu của Bộ Luật Tố tụng hình sự ? Lẽ nào, tại thời điểm điều tra, truy tố, xét xử thì hành vi mua bán 17 tổ máy phát điện của ông Thành không bị coi là vi phạm pháp luật hình sự họ cũng không biết ?...

Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi tiếp : Phải chăng, vì đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên những cán bộ tiến hành tố tụng cố xử cho bằng được. Thực tế, nhiều vụ án oan sai đã minh chứng cho nghi vấn này, mà vụ án quán cà phê Xin Chào và vụ án Chòi Vịt là minh chứng cụ thể nhất.

Vì vậy, dư luận rất mong các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm minh với những đối tượng đã gây ra án oan sai này, kể cả xử lý hình sự. Bởi lẽ, hậu quả của các vụ án này gây ra cho xã hội là rất lớn.

Vương Hà

Nguồn : Dân Trí, 12/02/2017

Published in Diễn đàn