Tự do học thuật tại Việt Nam bị siết chặt
Alexandre Sisophon, RFA, 14/02/2019
Trong bài viết với tiêu đề tạm dịch ‘Việt Nam siết chặt tự do học thuật’ trên trang web New Internationalist vào ngày 13/2, tác giả Alexandre Sisophon có bài báo về tình hình trí thức tại Việt Nam dưới sự cai trị của nhà nước độc đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước. 23/10/2018. AFP
New Internationalist, một tổ chức truyền thông độc lập hàng đầu dành riêng cho báo chí và xuất bản về xã hội, trích dẫn lời tác giả Sisophon rằng một làn sóng mới chống lại chủ nghĩa trí thức đang diễn ra tại Việt Nam, một quốc gia nơi các nhà trí thức phải chịu kiểm duyệt và đàn áp từ chính quyền.
Nhận xét về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng :
"Việc họ siết chặt về mặt tư tưởng có từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ. Nó liên tục từ trước đến nay, có lúc nó lơi ra được một tí rồi họ siết vào".
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Mạc Văn Trang cũng cho rằng việc hạn chế tự do học thuật này từ hồi Nhân Văn Giai Phẩm đến nay vẫn thế, tuy nhiên :
"Từ khi ông Trọng làm Tổng bí thư, Chủ tịch thì ông ấy có phát động chống diễn biến, tự chuyển hóa, cấm đảng viên 19 điều không được làm. Ông ấy còn nói sự chuyển biến, suy thoái về chính trị còn nguy hiểm hơn suy thoái, diễn biến về kinh tế. Mà trong chủ nghĩa Mác nói rằng trong các mối quan hệ thì kinh tế là quyết định nhất. Ông Nguyễn Phú Trọng chuyên về xây dựng đảng thì ông đưa ra những quy định cấm đảng viên không được làm, quy định chống diễn biến, tự chuyển hóa, tự suy thoái cụ thể hơn, chặt chẽ hơn".
Trong thực tế, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước được 2 ngày, vào hôm 25/10/2018, Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức đã bị Ủy Ban Kiểm Tra trung ương đề nghị kỷ luật với lý do cáo buộc ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Các tác phẩm của ông đã bị tịch thu hoặc tiêu hủy.
Trong bản tin mà hãng tin Pháp AFP loan đi vào ngày 14/11/2018 có nói rõ Giáo sư Chu Hảo từ lâu đã là một ‘cái gai’ trong mắt đảng cộng sản và đã bị ngăn chặn các quyền tự do về học thuật.
Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc - Tổng biên tập nhà xuất bản Tri Thức - với cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục" của John Dewey, được dịch và xuất bản bởi nhà xuất bản của ông ở Hà Nội vào ngày 31 tháng 8 năm 2010.AFP
Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Mạc Văn Trang, ông cho rằng việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo và thu hồi sách của Nhà xuất bản Tri Thức vô tình làm cho những tác phẩm này được biết đến rộng rãi hơn, trái ngược với mục đích ban đầu của đảng :
"Những quyển sách mà anh Chu Hảo cho xuất bản từ trước đến nay thì vẫn xuất bản, vẫn lưu hành rồi, nhưng vừa rồi vụ kỷ luật Giáo sư Chu Hảo thì người ta lại nêu lại những quyển sách đó trái với chủ trương của đảng, tuyên truyền về dân chủ, đa nguyên, tam quyền phân lập…
Nhưng từ khi đặt ra vấn đề kỷ luật Chu Hảo thì người ta tìm đọc nhiều hơn, nên nhiều khi cấm lại kích thích người ta tò mò tìm đọc".
Tuy nhiên, giải thích sâu xa hơn về lý do kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, cả Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Tiến sĩ Mạc Văn Trang đều cho rằng thực ra việc kỷ luật lần này là để cảnh báo, răn đe giới trí thức đừng tự do đi quá chủ trương của đảng, đừng kiến nghị, đòi hỏi.
Theo nhà báo Alexandre Sisophon, ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu chính phủ Hà Nội, dường như lo sợ rằng tự do học thuật sẽ đe dọa đến việc nắm giữ quyền lực của đảng cộng sản. Do đó, ông đang cố gắng ngăn chặn mọi nghi vấn về tính hợp pháp của Đảng và sẽ không dung thứ cho các quan điểm thay thế về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Đồng quan điểm này, thầy Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội cho biết việc truyền đạt kiến thức của giáo viên đều được thực hiện dưới sự chi phối của Đảng :
"Ngay trong chương trình giáo viên chúng tôi phải dạy đúng theo sách hướng dẫn, không được nói thêm. Lịch sử trong sách giáo khoa viết sao nói vậy, không được nói đúng sự thật. Một số vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị như đa đảng, hay nói về cải cách ruộng đất là cấm tiệt, không ai được phép bàn đến. Học sinh không biết gì đâu, các em chỉ được rèn luyện một thứ duy nhất đó là niềm tự hào với quá khứ đánh Mỹ".
Vẫn theo thầy Khoa, không chỉ học sinh ở các cấp nhỏ, mà ngay cả sinh viên ở bậc đại học cũng bị hạn chế trong việc thu thập kiến thức :
"Có thể nói Đảng họ can thiệp vào lĩnh vực giáo dục cả chương trình, cả nội dung, thì tự do học thuật là không có, vẫn phải bị gò bó trong một khuôn phép, máy móc mà chính quyền đưa ra. Ngay cả các trường đại học ở Việt Nam vẫn dạy những môn kinh điển như Triết học Mác, Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam, Kinh tế chính trị Mác – Lenin… những thứ rất lỗi thời nhưng không trường đại học nào dám bỏ, không được phép bỏ. Các trường đại học, phổ thông công lập đều bị gò bó trong khuôn khổ đó mà không thoát ra được. Họ không có sự cởi mở để thay đổi. Việc này cản trở sự phát triển của Việt Nam, những tiến bộ của xã hội nói chung bị cản trở rất nhiều".
Trong bài viết Việt Nam siết chặt tự do học thuật, tác giả Sisophon cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng hiện được cho là người quyền lực nhất kể từ nhà lãnh đạo thời chiến Lê Duẩn hay thậm chí là chính ông Hồ Chí Minh.
Vì thế kể từ khi Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhậm chức, việc kiểm soát đời sống trí tuệ đã thắt chặt. Là một người theo chủ nghĩa Mác chính thống và là người đọc nhiều tác phẩm của Lenin, chắc chắn việc này đã tác động đến phong cách quản lý đất nước hiện tại của ông Trọng. Các khái niệm như 'đa đảng', 'tiến hóa hòa bình' hay 'bầu cử dân chủ" đã bị xóa bỏ.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng những khái niệm vừa nêu chưa bao giờ được đăng tải trên hệ thống của đảng cộng sản Việt Nam, nhưng không vì vậy mà giới trí thức lùi bước, vì mọi người có thể viết và lên tiếng trên những kênh khác nhau khi ngày càng có nhiều hình thức để truyền tải hơn.
********************
Hòa Ái, RFA, 13/02/2019
Lâu nay, nhiều người tham gia cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cho biết tình trạng bị áp lực nặng nề ; không chỉ từ phía cơ quan chức năng mà ngay cả người thân để cô lập cũng như triệt tiêu con đường sống của những người dám lên tiếng.
Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thiện Nhân (người cầm biểu ngữ) bị anh trai gây áp lực.v Courtesy : Facebook Nguyen Thien Nhan
Vào ngày 12/02/19, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện lời kêu gọi giúp đỡ cho nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thiện Nhân, ở Bình Dương bị bạn của người anh trai ruột hành hung ngay tại sân nhà trước sự hiện diện của người anh trai, tên Nguyễn Thanh An.
Qua cuộc trao đổi vào tối ngày 13 tháng 2 với RFA, anh Nguyễn Thiện Nhân cho biết giữa anh với người anh ruột Nguyễn Thanh An đã xảy ra mâu thuẫn từ 7 năm về trước. Tuy nhiên kể từ tháng 3 năm 2016, người anh trai này có nhiều hành động mà nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có mục đích nhằm hãm hại em trai mình. Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thiện Nhân lên tiếng :
"Trong năm 2016, sau 10 ngày anh An đánh tôi, khi viết thương của tôi kéo da non thì anh An lại viết một lá thư tố cáo tôi là phản động, chống phá Chính phủ Việt Nam và trong thư có ghi một câu gây ảnh hưởng lâu dài đến sau này, nói rằng tôi đòi bán tài sản thừa kế để lấy tiền làm phản động và ghi trong thư tố cáo vu khống tôi đánh anh ta. Sau khi nhận được lá đơn tố cáo đó thì công an mời tôi làm việc 3 lần. Vài ngày sau đó, anh An đã đe dọa đòi giết nhiều người, trong đó có chị hàng xóm, người giúp việc và em gái tôi nữa. Anh An hành hung và đòi giết người. Tôi đã tường trình vụ việc với công an, nhưng công an không xử lý. Chính vì công an không xử lý nên anh tôi cứ hung hăng, bạo lực, cứ canh cơ hội hãm hại tôi riết tới hôm nay".
Anh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vụ việc bị bạn của anh trai ruột hành hung vào chiều ngày 12/02 là do anh trai Nguyễn Thanh An sai khiến vì bản thân không quen biết hay có thù oán gì với người bạn của anh trai mình.
Bên cạnh nguyên nhân do tranh chấp tài sản thừa kế trong gia đình, anh Nguyễn Thiện Nhân còn đưa ra lập luận vì anh trai hoạt động trong giới giang hồ nên có thể bị công an điều khiển trong việc gây khó dễ trên đời sống sinh hoạt của người em trai là anh Nguyễn Thiện Nhân.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không ít người trong giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam gặp phải tình cảnh bị chính quyền cô lập, triệt tiêu con đường sống của họ như phá hoại vườn tược của gia đình tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật, ở Lâm Đồng hay gây áp lực đối với các công ty nơi họ làm việc để yêu cầu cho họ thôi việc như chính trường hợp anh Nguyễn Thiện Nhân trước đây. Vì do mẹ già bị bệnh tật cần người chăm sóc, anh Nguyễn Thiện Nhân phải thuê người giúp việc và công an địa phương lẫn người anh trai đều gây áp lực, buộc họ không được tiếp tục làm việc ở nhà anh Nguyễn Thiện Nhân.
Một trường hợp điển hình khác như trường hợp của Facebooker Thái Văn Đường, ở Đông Anh-Hà Nội. Là một viên chức làm việc trong cơ quan nhà nước, anh Thái Văn Đường mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống tham nhũng và bảo vệ môi trường. Sau khi tham gia tích cực phản đối Formosa gây ra thảm họa môi trường biển hồi năm 2016, anh Thái Văn Đường bị phía cơ quan và chính quyền địa phương tuyên truyền là thành phần phản động. Vào cuối năm 2016, anh Thái Văn Đường sang Hàn Quốc học cao học và người dì ruột của anh đến nhà nói với bà mẹ già của anh rằng anh đang bị truy nã :
"Dì ruột còn nói là ‘Nó đi Hàn Quốc đâu mà đi. Nó nói dối chị đấy (ý nói là mình lừa dối mẹ già của mình). Nó phản động. Công an đang truy nã, bắt nhốt rồi…’ Dì nói như thế làm mẹ mình rất lo lắng".
Facebooker Thái Văn Đường nhấn mạnh với RFA rằng an ninh Việt Nam còn gây tác động lên thân nhân của giới đấu tranh dân chủ bằng nhiều hình thức khác nhau để đe dọa thân nhân của những người đấu tranh ôn hòa tại Việt Nam :
"Những trường hợp như mình hay anh Nhân và các anh chị em khác bị rất nhiều. Tại vì những người thân trong gia đình không hiểu, thậm chí có những người còn từ mặt con cái nữa vì sợ bị liên lụy. Bạn bè thân cũng quay mặt xa lánh. Họ sợ bị vạ lây. Theo như mình được biết thì an ninh đến cả nơi làm việc của người thân giới đấu tranh thì làm sao người ta không sợ được ?"
Trong khoảng 5 năm về trước, qua một lần trao đổi với Đài RFA, Blogger Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội chia sẻ rằng ông cảm thấy rất buồn lòng vì rất nhiều người thân trong gia đình và bạn bè xa lánh khi ông chọn con đường đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Mặc dù vậy, giới đấu tranh dân chủ ở trong nước ghi nhận song hành với phong trào dân chủ ngày càng được lan tỏa thì chính quyền lại càng mạnh tay hơn không chỉ đối với họ mà còn cả với thân nhân trong gia đình của họ. Facebooker Thái Văn Đường khẳng định :
"Chính quyền đe dọa thì an ninh đe dọa là chủ yếu. Họ hù dọa các kiểu…Bây giờ chính quyền đưa ra chủ trương là đưa an ninh chính quy về tận các xã, phường bởi vì càng ngày họ càng sợ nên dùng ‘an ninh trị’. Do đó, rất là khó khăn cho các anh chị em đấu tranh hay những người thân của họ cũng vậy thôi".
Nhà hoạt động Thái Văn Đường, một thành viên quản trị Nhóm "Lều Của Đầy Tớ", một trang thông tin chống tham nhũng trên mạng xã hội, bị an ninh Việt Nam câu lưu, làm việc nhiều lần trong năm 2018 cùng với những lời đe dọa cũng như kiểm soát chặt chẽ qua điện thoại trong các sinh hoạt thường ngày. Còn nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân thì lo ngại đến cả sự an nguy tính mạng :
"Chiếc xe máy của tôi đã hai lần bị đổ hóa chất vô. Rất là nguy hiểm. Một lần bị đổ đường thì chỉ phá hư máy thôi. Lần sau thì đổ hóa chất gì mà xe máy của tôi nóng kinh khủng. Đang chạy ngoài đường mà xe bị nóng và không thể chạy nỗi nữa. Tôi lo sợ lỡ sau này họ đổ loại hóa chất gì gây cháy nổ chẳng hạn nên tôi cứ sống trong sự lo lắng, thấp thỏm, bất an như vậy".
Một số những nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam bị sách nhiễu, cô lập tương tự như hai nhà hoạt động Thái Văn Đường và Nguyễn Thiện Nhân đều bày tỏ rằng cuộc sống của họ đầy lo lắng và bất an khi Chính quyền Việt Nam sử dụng chính sách "An ninh trị" và đó là minh chứng rõ ràng hơn theo như báo cáo của Tổ chức Freedom House vừa công bố trong đầu tháng 2 năm 2019 cho thấy Việt Nam là đất nước không có tự do.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 13/02/2019