Những vấn đề tồn đọng của Formosa cũng như những trăn trở của người dân về vấn nạn ô nhiễm biển có được trình bày một cách thoả đáng trong phiên chất vấn kéo dài ba ngày của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 hay không ?
Người dân biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP Photo
Không phải là một chủ đề
Trước khi bắt đầu đi vào ba ngày của phiên chất vấn, từ ngày 13 đến 15 tháng 6, báo chí trong nước loan tin cho biết Formosa và môi trường biển là những nội dung sẽ được các đại biểu chú trọng quan tâm.
Đặc biệt, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP HCM trả lời phóng viên trong nước cho biết ông sẽ tập trung vào việc công ty này đã sửa chữa, khắc phục các lỗi vi phạm xong chưa. Bên cạnh đó, vấn đề căn bản nhất và quan trọng hơn, theo ông là môi trường biển đã khôi phục được chưa hay khôi phục được bao nhiêu, sau đó là vấn đề bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, qua những bài tường thuật khá chi tiết của báo chí trong nước về các câu hỏi của đại biểu quốc hội và phần trả lời của các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng ba ngày qua, có thể thấy rằng vấn đề Formosa và ô nhiễm biển miền Trung chưa được quan tâm đến như dự báo của các đại biểu quốc hội.
Chúng tôi đặt vấn đề này với Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông đồng tình với sự việc rất ít đại biểu quốc hội đề cập một cách trực tiếp vấn nạn Formosa. Và theo ông, nguyên nhân là do Formosa không phải là một chủ đề chính và duy nhất trong rất nhiều vấn đề đã được đặt ra.
"Nhưng vấn đề Formosa cũng có một số đại biểu quốc hội được đưa ra, đặt vấn đề. Trong đó có một câu hỏi chất vấn đơn giản thôi, đó là sự an toàn đối với các loài sinh vật biển ở đáy biển chưa được an toàn. Sau đó câu trả lời cũng không có vấn đề gì.
Còn chuyện bồi thường cũng đang được tiến hành. Người ta có qui định là đến ngày 30 tháng 6 là kết thúc bồi thường của đợt này".
Trong suốt ba ngày làm việc của phiên chất vấn, theo quan sát từ những chương trình trực tuyến của Quốc hội, chúng tôi ghi nhận chỉ có một đại biểu là ông Đào Thanh Hải, đại biểu Tp Hà Nội đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, vào chiều ngày 15 tháng 6.
"Vụ việc công ty Formosa gây ô nhiễm cho biển khu vực miền Trung đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước và gây bất ổng trong khu vực miền Trung trong thời gian vừa qua. Hiện nay nhiều cử tri vẫn đang rất băn khoăn về mức độ ô nhiễm của môi trường biển miền Trung. Xin đồng chí Phó thủ tướng thường trực cho biết môi trường biển các tỉnh miền Trung đã được phục hồi hoàn toàn chưa ?
Và nếu như biển miền Trung đã sạch thì tại sao chính phủ lại khuyến cáo người dân không đánh bắt cá tầng đáy ?
Và hiện nay cử tri đang rất lo ngại nhà máy Formosa sắp tới sẽ đưa vào vận hành, liệu khi đó có đảm bảo an toàn tuyệt đối cho môi trường biển miền Trung hay không ?
Đề nghị đồng chí cho biết chính phủ sẽ có giải pháp biện pháp gì trong việc kiểm soát không để tái diễn".
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã không trả lời trực tiếp câu hỏi liên quan đến Formosa. Do đó, một lần nữa, ông khẳng định Formosa không phải là một "chủ đề’.
"Họ được xem như vấn đề đó được tạm gác sang một bên, giờ đã chuyển sang vận hành của nhà máy và người ta đang tiến hành bồi thường".
Lý do cụ thể
Ông Chen Yuan Cheng, chủ tịch Formosa Hà Tĩnh xin lỗi người dân trong một cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết tại Hà Nội ngày 30 tháng 6 năm 2016. AFP Photo
Luật sư Trần Quốc Thuận có chia sẻ thêm một ý kiến mà ông cho rằng là lý do Formosa đã không được đưa ra giải trình một cách thẳng thắn trong kỳ họp quốc hội kỳ này.
"Một cách khách quan để nói thì Formosa trong các kỳ họp trước đã được đặt ra. Sau này, sau khi kiểm tra thì thấy các chất độc đó cơ bản đã giảm hẳn đi, cá biển, sinh hoạt tắm biển vẫn bình thường. Vấn đề còn lại chỉ là hai vấn đề lớn, theo dõi coi Formosa có tái gây ô nhiễm hay không ? Nếu như tái gây ô nhiễm thì như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, là sẽ đóng cửa.
Rồi vừa qua thì có vụ nổ thì do kỹ thuật, không ảnh hưởng đến môi trường. Vấn đề đang diễn ra là bồi thường. Họ cũng đã bồi thường một số tiền tương đối kha khá".
Ngày 14 tháng 6, phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ra chỉ thị yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định và chi trả bồi thường thiệt hại, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 tới đây. Cũng theo chính phủ, 7000 tỷ đồng là số tiền đã tạm cấp để bồi thường cho nạn nhân Formosa ở 4 tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua, bao gồm Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Tuy vậy, Giáo sư Tương Lai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam không đồng ý và cho rằng tiến trình đền bù, bồi thường thiệt hại cho người dân vẫn còn nhiều đều bất cập, không minh bạch và không đúng qui trình.
"Cái việc nhận số tiền 500 triệu USD bồi thường trong khi chưa thống kê đầy đủ các thiệt hại của người dân về vật chất, tinh thần, về sức khoẻ cũng như chưa điều tra thống kê các tổn thất về du lịch biển cũng như các chi phí cho việc tẩy dịch môi trường, khôi phục sinh thái vùng đáy biển…Thì phải nói đây là một việc làm tuỳ tiện và bây giờ báo chí vẫn ra rả nói về phân phối số tiền này".
Thời gian vừa qua, những ghi nhận từ người dân mà đài chúng tôi thu thập được cho thấy sự bồi thường thiệt hại cho người dân chưa thoả đáng. Một phụ nữ tên Hiếu, sống ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, chia sẻ với phóng viên đài chúng tôi cho biết từ khi xảy ra thảm hoạ ô nhiễm từ tháng 4 năm 2016 đến nay, gia đình của bà thua lỗ vì nuôi cá không được, bán không ai dám mua.
"Còn đền bù thì có đền bù gì đâu ngoài chuyện hỗ trợ sáu tháng ăn. Biển chết mấy chục năm mà đền bù cho ngư dân, người nuôi cá sáu tháng ăn thì sống như thế nào đây ?"
Một cán bộ thương nghiệp không muốn nêu tên bày tỏ sự bất bình :
"Cuối cùng mấy chục năm sau họ sống bằng gì ? Làm gì để sống thì các ông không nói đến. Lẽ ra các ông phải bàn về biển, phải yêu cầu Formosa làm sạch môi trường biển trước, sau đó yêu cầu đền bù cho các hộ dân…".
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang từng khẳng định việc ngừng xả thải để nâng cao thiết bị xử lý cũng không thể hoàn trả lại biển sạch cho môi trường.
"Tác động môi trường của ô nhiễm công nghiệp là mang tính tích luỹ, cũng như con người đã ăn những chất độc hại trong người thì dù không ăn nữa, chất độc hại đó vẫn tác động. Dù Formosa có thải tiếp tục hay không thải tiếp tục thì tác động vẫn rất lâu dài".
Ông khẳng định để ngư dân trở lại ngư trường như trước đây là không thể, phải có thời gian
Giáo sư Tương Lai đồng ý với điều này khi cho rằng sư nguy hại đó không thể giải quyết trong một thời gian ngắn.
"Cái hậu quả và cái di chứng kéo dài ít nhất là hàng chục năm cho đến nửa thế kỷ nữa sẽ rất khó hồi phục".
Chính vì thế, vài ngày trước khi diễn ra phiên chất vấn, Giáo sư Tương Lai có đặt ra câu hỏi rằng liệu có dám chất vấn điều này không ? Vì theo ông, chất vấn điều này chính là "tử huyệt của Nguyễn Phú Trọng và Đảng cầm quyền".
Sau ba ngày diễn ra phiên chất vấn của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14, câu hỏi của Giáo sư Tương Lai đã có câu trả lời.
Cát Linh, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 16/06/2017
Hội thảo Quốc tế tại Hoa Kỳ về tác hại môi trường Formosa (VOA, 02/05/2017)
Một tổ chức phi chính phủ mang tên "Vietnam for Progress"- tạm dịch "Việt Nam vì Tiến bộ" sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế tại trụ sở Thượng viện Hoa kỳ ở thủ đô Washington DC vào ngày 10/5 sắp tới, về những tác động môi trường của việc xả chất độc của Công ty Formosa – Hà Tĩnh, và những biện pháp pháp lý chống lại hành vi này.
Người dân biểu tỉnh phản đối việc nhà máy Formosa - Hà Tĩnh xả thải ra biển
Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, đại diện cho Việt Nam for Progress, cho VOA-Việt ngữ biết đây là hội thảo quốc tế về Formosa đầu tiên được tổ chức ở Hoa Kỳ.
Bất chấp những đe dọa và cản trở, người dẫn đầu vụ kiện tập thể chống lại Formosa.
Hội thảo có mục đích chính là giáo dục và kêu gọi quốc tế hành động vì môi trường cho Việt Nam. Bác sĩ Bình cho biết :
"Buổi hội thảo này có mục đích chính là để giáo dục, quảng bá những tin tức rất là thực dụng cho các thành phần có liên hệ đến Formosa ; trang bị cho người dân, những nạn nhân của Formosa, những thông tin cần thiết để bảo vệ cho chính họ, trong trường hợp họ không có được sự bảo vệ của chính quyền".
Từ Toronto, Canada, luật sư Trịnh Quốc Toản, một thành viên trong ban tổ chức, cho VOA biết thêm về đối tượng của hội thảo này :
"Cho bất cứ ai có nhu cầu tìm hiểu hoặc có trăn trở về các vấn đề của quê hương và dân tộc, riêng cộng đồng người Việt chúng ta thì thiếu những dữ kiện liên hệ đến các khía cạnh chuyên môn về thảm họa môi trường ở Việt Nam – chúng ta có thể cùng nhau giải quyết những khó khăn còn tồn đọng".
Cũng theo luật sư Toản, việc chính quyền Việt Nam đàn áp các cuộc biểu tình của ngư dân miền trung Việt Nam yêu cầu Formosa khắc phục thảm họa và đền bù thiệt hại thỏa đáng trong năm qua, là điều không thể chấp nhận. Luật sư Toản nói :
"Không thể nào chấp nhận việc một chính phủ vừa để cho một chính phủ vừa để cho môi trường biến thành một thảm họa, vừa bóp cổ người dân, bóp miệng người dân để không được quyền lên tiếng nói, thậm chí cả quyền căn bản nhất để làm người".
Theo bác sĩ Nguyễn Thể Bình buổi hội thảo ngày 10/5 sẽ điểm qua một số vấn đề về môi sinh và thảm họa do độc tố thải ra môi trường ở Việt Nam. Hội thảo cũng sẽ bàn các khía cạnh pháp lý như cách kiện tụng theo dân sự, kiện tụng theo hành pháp.
Cũng theo bác sĩ Bình, ngoài ra hội thảo sẽ nêu ra các tác hại lâu dài khi độc tố lưu lại trong các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài và người tiêu thụ nên sử dụng công cụ pháp lý nào để bảo vệ cho chính mình.
Ngoài ra, hội thảo cũng sẽ kêu gọi chính phủ Việt Nam thực hiện những cam kết quốc tế khi xuất khẩu thực phẩm, hải sản ra nước ngoài :
"Thực phẩm, hải sản tung ra trên thị trường trên thế giới được đảm bảo là có đủ sự an toàn đúng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đó là điều mà chúng ta mong mỏi khi Việt Nam muốn phát triển kinh tế trên thị trường thế giới".
Phát động ‘Vì môi trường biển miền Trung Việt Nam’ tại Đài Loan. (Ảnh: EJA)
Bác sĩ Nguyễn Thể Bình cho biết sẽ có rất nhiều khách mời từ nhiều Châu lục khác nhau đến dự hội thảo :
"Chúng tôi cũng mong là sẽ có rất đông các quý vị từ Mỹ, Canada, Âu Châu, Úc Châu. Ngoài ra cũng có rất đông giới trẻ đang học ở các trường đại học, các trường luật ở quanh vùng. Họ tới tham khảo và từ đó giúp chúng ta đi những bước xa hơn".
"Vietnam for Progress" là một tổ chức bất vụ lợi, có sứ mạng bảo vệ tự do, nhân quyền, môi trường, phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Theo thông báo của Việt Nam for Progress, các diễn giả là những giới chức, học giả và chuyên gia quốc tế về pháp lý. Khách mời danh dự tại hội thảo gồm có thành viên của quốc hội Úc, Canada, Liên Minh Âu Châu và Hoa Kỳ.
******************
'Nghi ngờ kết luận về dioxin của Formosa' (VOA, 02/05/2017)
Ống khói của nhà mày thép Formosa ở Hà Tĩnh, 3/2017
Cách đây ít ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ tin đồn rằng khí thải từ nhà máy thép của Formosa ở Hà Tĩnh chứa các hóa chất độc hại là dioxin và furan.
Tin đồn xuất hiện ngày 24/4 trên Facebook và lan truyền nhanh chóng. Sau gần một tuần, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra thông cáo báo chí nói rằng họ bác bỏ thông tin nhà máy thép của Formosa phát ra khí thải từ lò luyện cốc có chứa dioxin/furan.
Bộ nói trong quá trình luyện thép của nhà máy Formosa "có thể phát sinh ngoài chủ ý một lượng không đáng kể dioxin/furan" từ công đoạn thiêu kết quặng sắt, tuy nhiên "hoàn toàn có thể kiểm soát được" quá trình phát thải này.
Thông cáo hôm 30/4 của bộ cho biết Viện Công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã tiến hành 3 lần lấy mẫu khí thải ống khói xưởng thiêu kết của nhà máy trong hai ngày vào nửa cuối tháng 2.
Kết quả phân tích, theo lời bộ, cho thấy tổng độ độc tương đương (TEQ) của dioxin/furan là chưa đến 0,4 phần tỉ gam (ng) trên một mét khối khí thải chuẩn (Nm3). Bộ nói nồng độ như vậy "nhỏ hơn nhiều" so với quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam về khí thải công nghiệp sản xuất thép. Quy chuẩn này cho phép tổng lượng Dioxin/Furan tính theo TEQ nhỏ hơn 0,6 ng/Nm3.
Bộ cho biết Formosa sử dụng công nghệ mới của Nhật Bản trong lò chuyển thổi oxy. Theo bộ, khả năng phát thải dioxin/furan của lò này là "rất thấp" và "thấp hơn nhiều" so với quy chuẩn cho phép.
Sau khi dẫn ra các thông tin này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói "hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học" để khẳng định tin đồn trên mạng xã hội là "không chính xác".
Nhưng một chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm về dioxin nói vị này chưa thấy thuyết phục về thông cáo của bộ.
Đề nghị VOA không nêu danh tính, chuyên gia này giải thích rằng nơi nào "có lửa và có các hợp chất chứa clo cũng như carbon", nơi đó "đều có dioxin". Như vậy, theo lời vị này, vấn đề không phải là "có phát thải hay không", mà là "nồng độ cao hay thấp".
Điều đáng chất vấn về kết quả Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố, theo chuyên gia, là việc lấy mẫu ra sao và phân tích ở phòng thí nghiệm nào. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả.
Chuyên gia nói việc lấy mẫu "không đơn giản" và ông "nghi ngờ" Viện Công nghệ Môi trường có khả năng làm việc đó. Chuyên gia đặc biệt lưu ý đến vị trí và thời điểm lấy mẫu : "Lấy mẫu ở đầu ống khói hay cách đó mấy chục mét, lấy mẫu khi máy chạy công suất cao, khi công suất thấp hay khi không chạy đều cho kết quả khác nhau".
Yếu tố quan trọng nhất, theo chuyên gia, là phòng lab nào phân tích các mẫu. Vị này đặt câu hỏi rằng phòng lab đó có được công nhận không, nó có thiết bị phân tích mẫu sắc ký khối phổ phân giải cao (GC/MS) hay không, và có nhân viên chuyên môn giàu kinh nghiệm hay không.
Vị chuyên gia nói đó là những thông tin mà thông cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường không đề cập đến nên có thể xem là chưa đáng tin cậy :
"Thông tin này nó chưa rõ là ‘ông’ lấy mẫu ở vị trí nào, thời điểm nào, lúc đó máy chạy theo công suất gì, bao nhiêu mẫu, được phân tích bằng phương pháp gì, quy theo phương pháp nào của USEPA [Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ], phân tích ở đâu, phải có những yếu tố như thế mới tin được. Viện Công nghệ Môi trường chưa bao giờ được coi là chỗ phân tích dioxin cả".
Biểu tình lớn phản đối Formosa gây ô nhiễm nổ ra ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành, 1/5/2016
Dự án của Formosa trở thành tiêu điểm chú ý của công chúng Việt Nam, nhất là các nhà hoạt động vì môi trường, sau khi nó xả chất thải độc trái phép hồi tháng 4 năm ngoái, gây ra thảm họa cá chết ven biển 4 tỉnh miền trung. Vụ này đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế nhiều người sống nhờ vào du lịch biển và đánh bắt, buôn bán hải sản.
Giữa năm ngoái, Formosa đã nhận trách nhiệm và chấp nhận bồi thường cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla.
Ít ngày trước khi ra thông cáo bác bỏ lời đồn về khí thải của Formosa chứa dioxin/furan, hôm 27/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã họp với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và công ty gang thép Formosa về việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.
Báo chí Việt Nam dẫn lại thông tin của bộ nói đến nay Formosa Hà Tĩnh đã cơ bản khắc phục 52/53 lỗi vi phạm về bảo vệ môi trường. Lỗi cuối cùng là chuyển đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô dự kiến hoàn thành vào 2019.
Trong một năm qua, nhiều người dân, nhất là ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, đã biểu tình hàng chục lần chống Formosa. Họ cho rằng dự án này không an toàn về mặt môi trường, vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh kế của họ.