Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các nhà khoa học một lần nữa lên tiếng cảnh báo về tình trạng báo động hàng ngàn con sông ở Việt Nam đang chết dần bởi nước thải công nghiệp, qua thông tin mới nhất liên quan sông Cái lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long bị đổi màu nước đen ngòm hơn 1 tuần qua.

song1

Sông Cái Lớn, tỉnh Hậu Giang bị đổi màu nước đen ngòm và bốc mùi hôi khi thời tiết năng nóng. Courtesy : Ảnh chụp màn hình danviet.vn

Người dân khốn đốn vì sông ô nhiễm

Truyền thông quốc nội, trong những ngày đầu tháng 5, đồng loạt đăng tải thông tin về đời sống người dân địa phương gặp nhiều khó khăn do sông Cái Lớn, chảy qua khu vực huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bị đổi màu nước đen ngòm và bốc mùi hôi khi thời tiết nắng nóng.

Dân chúng sinh sống dọc theo sông Cái Lớn phản ánh với truyền thông rằng toàn thị xã Long Mỹ bị cúp nước bắt đầu từ sáng ngày 03/05, trong khi nhiều hộ nuôi cá và nuôi ếch bị chết hàng loạt do nước sông ô nhiễm.

Báo Dân Trí Online dẫn lời của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Long Mỹ cho biết tình trạng sông Cái Lớn bị ô nhiễm xảy ra hơn nửa tháng qua và Nhà máy nước phải cúp nước sinh hoạt vì không thể lấy nước từ nguồn nước ô nhiễm trên sông Cái Lớn.

Vào ngày 06/05, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh hậu Giang, ông Lê Tiến Châu cho báo giới biết qua kết quả kiểm tra ban đầu đã phát hiện việc xả thải của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mía đường cồn Long Mỹ là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm nước ở sông Cái Lớn và các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm này.

Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Hậu Giang cũng cho biết nước sông Cái Lớn bị ô nhiễm nghiêm trọng và kết quả quan trắc nước mặt trên đoạn sông Cái Lớn cho thấy có nhiều chỉ số vượt quy định cho phép so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mặt nước.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ nói với RFA về nguyên nhân sông Cái Lớn bị ô nhiễm :

"Tôi nghĩ rằng vùng Long Mỹ là vùng nước không chảy được nên khi nước thải ô nhiễm từ một nhà máy đổ ra mà nước trên sông không chảy được thì có khả năng làm cho nước bị đen hay gây ô nhiễm như vậy. Đây chỉ là một giả thuyết thôi vì tôi cũng chưa chắc chắn là từ một nhà máy sản xuất đường hay còn nguyên nhân nào khác, do tôi chưa có đầy đủ số liệu về vụ việc này".

Trong khi đó, Tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý môi trường nước thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định rằng với quy mô nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mía đường cồn Long Mỹ thì việc xả thải gây ô nhiễm đến mức nước sông Cái Lớn bị đen ngòm thì có thể bị tích lũy từ vài tuần đến vài tháng, với mức độ ngày càng tăng dần.

Đài RFA ghi nhận trong lúc cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang đang điều tra để tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Cái Lớn chỉ bởi từ mỗi việc xả thải của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mía đường cồn Long Mỹ hay không thì trước đó Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cùng người dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang lên tiếng cáo buộc rằng nước thải của nhà máy giấy, thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lee & Man sẽ hủy hoại môi trường của sông Hậu Giang.

Hồi tháng 1 năm 2017, tờ Diplomat, cũng dẫn lời cảnh báo của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng nhà máy sản xuất giấy này có thể gây ô nhiễm trên diện tích rộng hai dòng chính của sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn giải thích thêm với RFA :

"Thật ra nhiều nhà khoa học đã cảnh báo đây là vùng rất nhạy cảm trong lãnh vực môi trường. Ở vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long thì theo tôi là không nên đặt các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm như nhà máy sản xuất giấy hay nhà máy sản xuất đường như vậy. Mặc dù có đặt thì phải có việc giám sát môi trường rất chặt chẽ, tức là tất cả nước xả thải phải được xử lý hoặc là phải đạt được tiêu chuẩn theo quy định về môi trường trước khi được phép xả thải ra ngoài các nguồn nước".

Thế nhưng, theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn và của giới chuyên gia tại Việt Nam thì các con sông ở Việt Nam bị ô nhiễm một phần do quản lý không tốt trong việc kiểm soát nước thải của các nhà máy công nghiệp.

song2

Ghe neo đậu dọc bờ sông Thị Vải. Ảnh chụp tháng 9/2018. RFA

Báo động 2000 con sông đang chết

Thảm họa Công ty Vedan xả thải ra sông Thị Vải hồi năm 2008, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho cả lưu vực sông kéo dài đến 40 km được cho là một bài học quý giá trong việc bảo vệ sông ngòi trước xu thế Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa. Mặc dù vậy, một thập niên sau đó, dân cư địa phương dọc sông Thị Vải, từ Đồng Nai cho đến Bà Rịa-Vũng Tàu cho RFA biết rằng Công ty Vedan không còn xả thải nghiêm trọng như trước, nhưng các doanh nghiệp khác cũng đang xả thải và nguồn nước bị ô nhiễm khiến cho thủy sản nuôi bị chết trong vài năm trở lại đây.

Truyền thông trong nước, vào đầu tháng 5 năm 2018 dẫn lời của ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, thuộc Bộ Tài nguyên-Môi-trường cho hay Việt Nam có 3 lưu vực sông bị ô nhiễm trọng điểm và ngày càng nghiêm trọng, bao gồm lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy và lưu vực sông Đồng Nai. Còn Tiến sĩ Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, cho rằng nếu Việt Nam không có các giải pháp kịp thời thì hơn 2000 dòng sông có nguy cơ trở thành dòng sông chết.

Cùng trong thời gian đầu tháng 5 năm 2018, Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết vừa có văn bản trả lời về tình trạng ô nhiễm nguồn nước và số lượng các dòng sông "chết" ngày càng tăng. Bộ Tài nguyên-Môi trường ghi nhận chất lượng môi trường nước tại các lưu vực sông bị suy thoái ở nhiều nơi, đặc biệt các đoạn sông chảy qua khu công nghiệp, làng nghề và khu vực đô thị và hậu quả của nguồn nước bị ô nhiễm gây ra nhiều bệnh tật cũng như tác động trực tiếp đến đời sống và phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng cho biết một trong những giải pháp đưa ra là bắt buộc tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng mới phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động ; đồng thời tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tiến sĩ Hồ Long Phi đưa ra nhận xét của ông về các biện pháp xử lý, chế tài đối với những doanh nghiệp vi phạm trong việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, kể cả gây ô nhiễm nguồn nước sông ngòi :

"Theo tôi thì luật môi trường có đủ, nhưng có điều là các địa phương nhiều khi quá đặt nặng vấn đề kinh tế, họ muốn thu hút công ăn việc làm và muốn thu hút đầu tư thì họ mới giảm nhẹ chứ căn cứ đúng theo luật định thì có đủ (biện pháp chế tài), tuy nhiên địa phương có muốn áp dụng hay không. Tại vì nhiều khi áp dụng thì doanh nghiệp chạy sang chỗ địa phương khác mà nơi đó dễ dãi hơn, do doanh nghiệp luôn đặt lợi nhuận lên trên hết thành ra chỗ nào ‘nới tay’ thì họ làm thôi. Tóm lại cái gì cũng có hai mặt, lãnh đạo địa phương đôi khi coi trọng mặt này thì bỏ quên mặt kia. Thế còn về luật thì tôi nghĩ không thiếu".

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), trong một cuộc phỏng vấn với Báo mạng Thiennhien.net, hồi năm 2015 từng kêu gọi tình trạng các dòng sông đang suy kiệt về mặt sức khỏe, suy thoái về nguồn nước cần phải đươc nhìn nhận lại vì vấn đề sông ngòi, với hơn 3000 con sông chính là sự bảo đảm tồn vong và phát triển của con người Việt Nam trong tương lai.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 06/05/2019

Published in Diễn đàn

Người nghiện ma túy lộng hành ở Sài Gòn (Người Việt, 06/09/2018)

Nhiều "điểm nóng" tiêm chích ma túy ở Sài Gòn vẫn tái diễn cảnh người nghiện tiêm chích ma túy tràn lan tại một số điểm nóng như công viên, bờ kênh, gầm cầu…

nan1

Trên cầu Chà Và, ngày 4 tháng Chín, 2018, một người đàn ông chích ma túy trước sự chứng kiến của nhiều người đi đường. (Hình : Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên, hiện nay Sài Gòn có hai "điểm nóng" tiêm chích ma túy là đường Hoàng Sa (quận 1) và Cầu Chà Và (nối quận 5 với quận 8) hiện vẫn còn nhiều người nghiện tiêm chích ma túy khiến người dân không khỏi bất an.

Tại "điểm nóng tiêm chích ma túy" trên đường Hoàng Sa (đoạn gần cầu Hoàng Hoa Thám, phường Tân Định, quận 1), là quận trung tâm của Sài Gòn, nhưng ban ngày cũng như ban đêm, người nghiện vẫn công khai tiêm chích ma túy.

Một thanh niên khoảng 30 tuổi, mặc áo sơ mi xanh, tấp xe vào lề không kịp tháo nón bảo hiểm, chạy ra ghế gần bờ kênh rồi tỉnh bơ chích ma túy, mặc cho có người tập thể dục đi qua. Thỏa cơn "phê", người này quăng luôn ống kim tiêm xuống lòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè rồi chạy xe đi.

Cũng tại khu vực này, hai người nghiện đang chích ma túy trên đường Hoàng Sa (đoạn gần cầu Điện Biên Phủ, quận 1). Người đàn ông mặc áo trắng đội nón lưỡi trai, tay cầm ống kim tiêm xóc lắc một lúc rồi dùng bật lửa hơ nóng ống tiêm cho thuốc nhanh tan. Thấy gió mạnh, "bạn chơi ma túy" ngồi cạnh dùng nón che gió. Một lúc sau, cả hai cùng kéo tay áo giúp nhau phê.

Tương tự, khu vực cầu Chà Và (giáp ranh quận 5 và quận 8), người nghiện cũng tấp vào tiêm chích ma túy giữa thanh thiên bạch nhật.

nan2

Thanh niên này cho biết đã "chơi" ma túy hơn chục năm và không bỏ được. (Hình : Thanh Niên)

Mặc dù tại nơi này, chính quyền địa phương đã treo băng rôn trên, dưới cầu Chà Và với nội dung "Khu vực cấm tụ tập hút chích", kèm theo số điện thoại công an phường, cảnh sát khu vực.

Tuy nhiên, khi phóng viên báo Thanh Niên có mặt tại gầm cầu Chà Và (đường Bến Bình Đông, phường 11, quận 8) thì chỉ trong một giờ đồng hồ đã ghi nhận có gần chục người nghiện đến đây tiêm chích.

Ngày 9 tháng Tám, 2018, khoảng 12 giờ trưa, ba thanh niên dừng xe máy sát lề rồi đi nhanh đến gần cầu thang bộ cầu Chà Và (quận 8) thản nhiên rút ống tiêm pha thuốc. Khi thấy người dân đến gần, một thanh niên nhanh chóng xoay người che chắn rồi tiếp tục thay nhau tiêm chích. Khoảng 15 phút sau, ba thanh niên mới chịu rời đi.

Sau đó 10 phút, một thanh niên tấp lại tìm góc khuất tại cầu thang bộ cầu Chà Và, lấy trong cặp táp ống kim tiêm, ngồi xuống pha chế, rồi tiêm vào lưng bàn tay.

Ở phía đối diện dưới chân cầu Chà Và (quận 5), một thanh niên khác cũng phóng xe lên lề, rút trong túi ống kim tiêm rồi tỉnh bơ "phê" trước sự chứng kiến của nhiều người đi đường.

Sau đó không lâu, một người đàn ông khoảng 40 tuổi, mặc áo nâu, dáng vẻ gấp gáp, chạy xe vào một góc kín đáo gần một trường tiểu học (đường Bến Bình Đông, phường 11, quận 8) rồi lấy "đồ nghề" ra "chơi".

nan3

Một con nghiện thản nhiên tiêm chích ma túy dưới chân cầu Chà Và (quận 5) trưa ngày 4 tháng Chín, 2018. (Hình : Thanh Niên)

Ngày 10 tháng Tám, cũng khoảng 12 giờ 30 phút trưa, một thanh niên đi xe tay ga khi đến cầu Chà Và (quận 8) liên tục ngó nghiêng rồi tấp vào lề, chọn một góc gần cầu thang bộ, lấy ống kim tiêm ra pha thuốc, tiêm chích.

Quay lại khu vực này vào trưa 12 tháng Tám, một người đang tiêm chích ma túy cho biết đã có "kinh nghiệm" mười mấy năm trong "nghề".

"Nói chung chơi thì phải chịu thôi ông ơi, tốn kém lắm nhưng có bỏ được đâu. Tui một ngày mà không có nó thì vật vờ lắm". "Thế một ngày ông chơi mấy cữ ?" "Như hôm nay là cữ đầu nè, một ngày chơi nửa đĩa phân ra làm năm cữ. Đâu có tiền mà chơi nhiều, đang động nên mắc lắm".

Trưa 4 tháng Chín, vẫn tại cầu Chà Và, tình trạng người nghiện xuất hiện tại đây rất đông. Lúc 12 giờ 30 phút trưa, một thanh niên mặc áo sơ mi dừng xe máy tại chân cầu Chà Và (quận 5) sau đó rút trong túi ra ống kim tiêm. Thanh niên này nhanh chóng pha thuốc, liên tục xóc lắc ống tiêm rồi chích vào bắp tay phải.

Ở phía đối diện dưới chân cầu Chà Và (quận 8) lúc này cũng xuất hiện nhiều người nghiện đến rồi đi. Một thanh niên với vẻ gấp gáp cho xe dựng sát cầu thang bộ dưới chân cầu Chà Và, vừa bước xuống xe, thanh niên này rút trong túi ra ống tiêm rồi thản nhiên tiêm chích trước sự chứng kiến của nhiều người dân đi qua.

Trên cầu thang bộ lúc này cũng xuất hiện một thanh niên khác đang thản nhiên tiêm chích ma túy. Khi hai người này rời đi, ở lối cầu thang bộ đi lên cầu Chà Và cũng có một người đàn ông mặc áo đỏ khác đang thản nhiên ngồi tiêm chích ngay lối dành cho người đi bộ. (Tr.N)

*******************

Cả trăm học viên cai nghiện ở Đồng Tháp nổi loạn, nhiều người bỏ trốn (Người Việt, 06/09/2018)

Hàng trăm học viên tại trung tâm cai nghiện ở Đồng Tháp gây rối, đập phá và hàng chục học viên đã bỏ trốn.

nan4

Số học viên quậy phá, bỏ trốn đã được đưa trở lại trung tâm. (Hình : Người Lao Động)

Ngày 6 tháng Chín, 2018, Công an tỉnh Đồng Tháp vẫn đang tiếp tục truy tìm nhiều học viên tại Trung Tâm Cai Nghiện đóng tại xã Mỹ Long (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã bỏ trốn.

Theo báo Người Lao Động, khoảng 5 giờ chiều 5 tháng Chín, cả trăm học viên đang cai nghiện ma túy tại trung tâm cai nghiện này bất ngờ "gây rối trật tự, đập phá cửa phòng, chống đối cán bộ của trung tâm, tràn ra khu vực sân gây náo loạn". Sau đó, hàng chục người đã bỏ trốn ra ngoài.

Công an tỉnh Đồng Tháp đã huy động lực lượng đến hiện trường giữ trật tự, truy bắt và vận động những học viên bỏ trốn quay lại trung tâm.

Đến trưa cùng ngày, có 22 trong số 38 người bỏ trốn đã bị bắt hoặc vận động, đưa quay trở lại trung tâm. Hiện công an đang truy bắt những người còn lại ở bên ngoài, nhằm "ổn định tình hình và làm rõ nguyên nhân".

Trước đó, cũng theo báo Người Lao Động, trưa 11 tháng Tám, hơn 100 người thuộc Công an tỉnh Tiền Giang và Công an huyện Châu Thành phải "phong tỏa tạm thời quốc lộ 1 qua địa bàn huyện này, nổ súng khống chế bắt hàng chục học viên trốn trại tại Trung Tâm Cai Nghiện Ma Túy bắt buộc".

nan5

Nhóm học viên cai nghiện quậy phá, gây náo loạn, trở lại trung tâm. (Hình : Zing)

Trung tâm này nằm ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, thuộc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Tiền Giang.

"Sáng sớm cùng ngày, do cán bộ của trung tâm cai nghiện phát cơm sớm hơn 10 phút cho học viên thì xảy ra mâu thuẫn giữa cán bộ trung tâm và một vài học viên. Sau đó, hàng chục học viên khác manh động đánh luôn cán bộ. Dù được giải thích rõ ràng nhưng số học viên quá khích ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng hơn 100 học viên trốn trại," báo Người Lao Động dẫn nguyên nhân vụ trốn trại.

Việc hàng trăm người nghiện ma túy bỏ trốn khỏi các trại đã có tiền lệ tại các địa phương ở Việt Nam và xảy ra đều đặn mỗi năm. Nguyên do được cho là các trại này hoạt động không khác trại tù dù người nghiện "không có án," thêm vào đó là nạn quản giáo "làm tiền," bạo hành, cưỡng bức lao động diễn ra tại hầu hết các trại.

Chẳng hạn như Trung Tâm Cai Nghiện Đồng Nai, có sức chứa chỉ 800 người, nhưng phải chứa hơn 1,400 học viên, trong đó trên 30% là những người có tiền án, tiền sự. Việc quá sức chứa cùng với cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp là nguyên nhân chính khiến học viên đập phá, đòi trở về.

Hồi tháng Bảy, báo Hà Nội Mới cho biết: "Thực tế chứng minh, bản thân người nghiện ma túy và gia đình họ tự nguyện đi cai nghiện thường đạt hiệu quả tích cực hơn so với hình thức cai nghiện bắt buộc. Vì vậy, trong những năm gần đây, các mô hình cai nghiện tự nguyện được Hà Nội khuyến khích phát triển, nhân rộng".

Ở Việt Nam hiện có khoảng 130 trung tâm cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, truyền thông trong nước cho biết tỷ lệ tái nghiện được ghi nhận đến 90%. (Tr.N)

*****************

Chính quyền cho thuê sông, dân Bến Tre khốn khổ với ô nhiễm (Người Việt, 06/09/2018)

Hơn bảy năm qua, khoảng 60 nhà dân ở cồn Cái Gà, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm và chịu đựng mùi tanh hôi từ các bè cá trên sông Hàm Luông.

nan6

Những bè cá nằm sát mép bờ, nơi người dân đặt miệng ống dẫn nước vào nhà sử dụng. (Hình : Thanh Niên)

Kể với báo Thanh Niên, ông Trần Anh Duy, sống ở cồn Cái Gà, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết trước đây gia đình ông cùng hàng trăm người dân sống bình lặng với cây lành trái ngọt ở cồn Cái Gà. Nhưng hơn bảy năm nay, các bè cá quanh cồn đã gây nhiễm môi trường nước, khiến tất cả người dân trên cồn phải hứng chịu.

"Các chủ bè cá vớt những con cá chết trong bè cùng hàng trăm ký cá chết từ nơi khác chở đến để xay nhuyễn ra trộn với thức ăn rồi rải xuống cho cá ăn. Cá ăn không hết, thức ăn thừa trôi dạt vào bờ khiến nước sông ở đây luôn nổi màng, mùi tanh bốc lên suốt ngày đêm…", ông Duy bất bình nói.

Người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến xã, huyện vì phải dùng nguồn nước này vào việc ăn uống, sinh hoạt trong gia đình mà chưa được chính quyền địa phương giải quyết.

Nói về nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Hoài Nguyên, cán bộ nông nghiệp và môi trường xã Long Thới, cho biết diện tích của cồn Cái Gà khoảng 90 hécta. Trong đó, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre đã cho công ty Hùng Vương Miền Tây và công ty Vạn Đức thuê nuôi cá tổng cộng 30.5 hécta, phần còn lại người dân sinh sống. Bên cạnh đó, Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thông tỉnh Bến Tre cũng cấp giấy phép nuôi cá lồng bè cho bốn nhà với 21 lồng bè, mỗi lồng có diện tích từ 144 đến 288 mét vuông, thả dọc ngay mặt tiền cồn.

Theo bà Nguyên, ủy ban xã đã nhận được thông tin phản ảnh của người dân, có đến kiểm tra và phát hiện nhiều lồng có xay xác cá chết và lập biên bản "nhắc nhở", buộc các nhà lồng cam kết không tái phạm.

"Mùi hôi thối là có thật. Nhưng việc xác định nguồn nước có ô nhiễm hay không và do đâu thì phải do các cơ quan chức năng chuyên môn thực hiện…", bà Nguyên nói thêm.

Thế nhưng, hôm 4 tháng Chín, 2018, nói với báo Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Cung, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Sản tỉnh Bến Tre, khẳng định ông chưa từng nghe thông tin nào về việc người dân địa phương phản ảnh tình trạng như trên. "Tôi sẽ cử đoàn công tác xuống địa phương kiểm tra ngay", ông Cung nói.

Trong lúc chờ đợi, người dân nơi đây lại phải tiếp tục chịu đựng không biết cho đến khi nào mới thoát khỏi cảnh chịu đựng mùi tanh hôi từ các bè cá và dòng nước sông luôn nặng mùi. (Tr.N)

Published in Việt Nam