Báo của Đảng cộng sản Việt Nam, người của đảng xưa nay cứ mãi tự tán tụng "ý Đảng, lòng Dân", để ra điều người dân một lòng tin vào đảng, còn đảng thì luôn làm theo tâm nguyện của dân.
Nhưng, trên thực tế, có được như thế ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm tại Việt Nam hôm 27/12/2019
Tình trạng khiếu kiện, án oan sai ngày càng nhiều mà báo chí, cơ quan nhà nước cũng không thể không thừa nhận. Nạn tham nhũng từ trên cấp rất cao xuống tới thôn xã đã trở thành quốc nạn - đảng phải gọi là "giặc nội xâm". Chuyện chủ quyền biển đảo, người dân không khỏi nghi ngờ khi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn cứ bị trấn áp bằng đủ cách thức khác nhau.
Đảng không chịu cho ra Luật biểu tình, Luật về Hội, để những hội đoàn quốc doanh tiếp tục sống bằng đồng thuế của dân, báo chí quốc doanh lại còn phải tròng thêm mấy "vòng kim cô" nữa, làm sao đảng nghe cho thấu, cho thật "lòng Dân" ?
Ấy thế mà dường như có một thứ Đảng và Dân có thể đến gần với nhau hơn : hiện tượng Trump.
Chủ quyền
Trong khoảng 15 năm nay, với Việt Nam, vấn đề Biển Đông luôn sôi sục bởi hành động xâm lấn, gây hấn từ Trung Quốc. Điệp khúc "phát ngôn" nhàm chán của Việt Nam, phản ứng quốc tế, những đe nẹt từ Hoa Kỳ với Trung Quốc, xem ra không hiệu quả chút nào.
Cũng phần vì thế mà ở Việt Nam, lòng dân mãi không yên ; nghi ngại đảng, nhà nước thỏa hiệp với Trung Quốc. Biểu tình, mạng xã hội, kiến nghị, các công trình nghiên cứu… năm này qua năm khác, bùng lên rồi bị dập tắt hoặc lặng dần. Bế tắc từ hai phía !
Chính quyền Trump đã chọn một cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác nhiều đời tổng thống trước. Cùng lúc liên tục nhiều biện pháp liên quan đối ngoại, góp phần bổ trợ là chưa từng có ; gây sốc tới độ khắp hoàn cầu, từ đồng minh cho tới kẻ thù, đối thủ trong ngoài cùng nhảy dựng. Từ lớp lớp tinh hoa xã hội (thiên tả, cực tả) bao gồm trí thức "cao cấp", giới truyền thông lão luyện, bao chính trị gia "thượng thặng" và hàng ngũ tài phiệt (gắn bó không ít lợi ích với Trung Quốc) như bị bỉ mặt giống những chàng ngốc mà đạo đức giả ; để từ chuyện chỉ như đối thủ, bất đồng thôi lại hóa như kẻ thù với chính quyền Trump.
Chỉ trong chưa đầy bốn năm mà khối lượng, chất lượng những động thái, quyết định của Hoa Kỳ, không chỉ đơn giản trên Biển Đông, mà còn trên nhiều lĩnh vực, "trận địa" khác liên quan, trong đó có thêm vấn đề Mekong, là đặc biệt lớn. Với Đài Loan gần và rõ nhất.
Chính quyền Việt Nam rõ ràng đã và đang đón nhận cách tiếp cận này một cách hồ hởi nhưng kín đáo, thận trọng. Từ hai chuyến công du của Tổng thống Trump, trong đó có cuộc thương thuyết lịch sử với Chủ tịch Bắc Hàn, cho tới hàng loạt cuộc ghé thăm của nhiều tàu chiến, hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ… và gần nhất là chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mike Pompeo là vài trong nhiều minh chứng.
Không khó để cảm nhận một xu hướng quá mới trong việc đối phó với Trung Quốc.
Đảng cộng sản Việt Nam, với sự ràng buộc ý thứ hệ cùng Trung Quốc không thể sớm cởi bỏ bớt, bắt buộc phải lặng lẽ "pha loãng" cái chất "đỏ" nhanh hơn qua việc tìm kiếm giải pháp quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Đại dịch Covid-19 hóa ra lại thêm một cơ may trong cái rủi. Không còn có những cuộc giao du dập dìu giữa hai đảng, các đoàn thể hai nước. Cũng chưa thấy có những chuyến thăm viếng qua lại trước Đại hội Đảng 13.
Vạch cái xấu 'của đảng láng giềng'
Về phía người dân, dường như đang có được những gợi mở. Không được biểu tình, hội thảo thì cũng đã có thứ khác bù đắp. Báo chí nhà nước được thoải mái hơn trong các tin bài vạch cái xấu của (Đảng cộng sản) Trung Quốc, từ Biển Đông cho tới Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương …
Hiện tượng VTV mấy tháng trước công chiếu một bộ phim tài liệu, có sự tham gia chủ xướng của nhiều vị lãnh đạo đảng, lên án nghiêm khắc những hành động ngang ngược, dã man của quân Trung Quốc trong cuộc xâm lăng Biên giới phía Bắc nước ta 1979 là một ví dụ. Còn mạng xã hội, một môi trường mới mẻ cho cư dân mạng "biểu tình", giúp nhau kiến thức, phát hiện và vạch mặt những dấu hiệu sai trái liên quan chủ quyền lãnh thổ và nuôi dưỡng tinh thần dân tộc thì ngày càng nở rộ, phong phú.
Từ hai phía, họ đang tìm đến ý hướng chung, có thể cùng tạm chấp nhận, bớt dần xung đột, nghi vấn triền miên.
Nhân quyền ở đâu ?
Suốt cả phần tư thế kỷ nay, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam luôn được Hoa Kỳ, qua tất cả các đời tổng thống khác nhau, quan tâm và tác động bằng nhiều cách.
Thế nhưng, những vụ bắt bớ, xét xử, án tù rồi bị phản đối, hay can thiệp để bảo lãnh xuất cảnh cho các nhà tranh đấu, nhất là khi sắp có chuyến thăm viếng cấp cao đôi bên, hay những cuộc đối thoại nhân quyền xuân thu nhị kỳ của hai nước… cứ lặp đi lặp lại nhàm chán. Những vụ án mang màu sắc chính trị vẫn càng nhiều hơn, án tù nặng hơn.
Có thể dần cảm nhận được những biện pháp của Mỹ và phương Tây, trong suốt hàng chục năm, hy vọng làm chuyển biến theo hướng dân chủ hóa đối với các chính quyền cộng sản ở Trung Quốc, Việt Nam sau khi hai quốc gia này cải cách, mở cửa có vẻ nặng về hình thức, kém hiệu quả, thậm chí là mỵ dân. Đằng sau nó còn là ảnh hưởng lớn của những lợi ích kinh tế.
Với Hoa Kỳ, bài toán khó giải còn ở khía cạnh địa chính trị Việt Nam quá quan trọng trên bàn cờ quốc tế với Trung Quốc là vấn đề số một.
Ba phía : chính quyền, người dân Việt Nam và Hoa Kỳ cần tìm một hướng khác để thay đổi thực trạng này.
Muốn vậy, tôi thấy chúng ta phải xét tới những nguyên nhân gốc rễ.
Vấn đề chủ quyền biển đảo là một trong những nguyên nhân. Nếu phía Hoa Kỳ, các đồng minh, quốc gia đồng quan điểm tiếp tục cách tiếp cận mới (như nêu trên), ắt sẽ giảm bớt dần những xung đột nội tại ở Việt Nam.
Nội bộ đảng, nhà nước Việt Nam - quan điểm cứng rắn hay ôn hòa - nếu được tác động khéo léo từ phía Mỹ, phương Tây sẽ điều chỉnh được cán cân quyền lực bên trong.
Cụ thể, với thế lực muốn gần gũi Trung Quốc, thường sẵn sàng mạnh tay với những biểu hiện tranh đấu cho biển đảo, cho nhân quyền. Cách tiếp cận mạnh mẽ về Biển Đông gần đây của Hoa Kỳ khiến họ bị yếu thế.
Mặt khác, cần tỉnh táo trước những màn đấu đá nội bộ, tâng công, hoặc "diễu võ dương oai" từ bên trong bằng việc tăng cường bắt bớ giới tranh đấu (nhất là khi sắp có sự kiện chính trị quan trọng) ; nó thách thức Hoa Kỳ, phương Tây, nếu đánh giá sai, "nóng mắt" công khai phản ứng mạnh ngay có thể bị phản ứng, làm khó chiến lược dài lâu hợp tác chống Trung cộng.
Oái oăm nữa là còn có thế lực, dù không ưa gì Trung Quốc cộng sản, nhưng lại mang đầy tì vết tham nhũng ; cũng muốn cải cách thể chế đấy, nhưng lại quyết siết chặt quyền tự do dân chủ của dân để bảo vệ cho khối tài sản khổng lồ của mình.
Ngược lại, với giới chức thuần túy muốn "thoát Trung" đương nhiên không ham gì làm vừa lòng Bắc Kinh bằng những hành động đàn áp tiếng nói dân chủ. Họ tìm được hậu thuẫn ở hiệu quả của giải pháp mới mấy năm nay từ chính quyền Trump với Trung Quốc.
Phân biệt được giữa hiện tượng đơn lẻ với bản chất sâu xa, tìm ra giải pháp khôn ngoan để ứng xử với tất cả những thế lực nói trên là không dễ.
Như vậy, bằng việc mạnh mẽ và kiên trì điều chỉnh trong chính sách với Trung Quốc trên Biển Đông và liên quan, sẽ góp phần sâu xa thay đổi được tình trạng nhân quyền ở Việt Nam theo hướng tích cực ; không chỉ trông cậy vào, tiếp tục "kịch bản" những biện pháp gây sức ép trực diện về nhân quyền như nhiều năm trước.
Kinh tế và ý thức hệ
Ngoài ra, không thể không kể đến yếu tố kinh tế, giúp thay đổi từ gốc rễ vấn đề nhân quyền...
Cảnh báo "thao túng tiền tệ", làm "sân sau" cho hàng hóa Trung Quốc đội lốt để vào Mỹ, lên án "kẻ lợi dụng tệ hại nhất"… chẳng hạn, là ví dụ cho chiến lược tách dần chế độ này khỏi "bạn vàng" ý thức hệ, lệ thuộc kinh tế.
Từ đó sẽ ảnh hưởng tới vấn đề nhân quyền và Biển Đông.
Về đối nội, một khi sức ép kinh tế của Hoa Kỳ lan tới Việt Nam mạnh hơn, buộc chính thể này phải sớm rứt bỏ cái đuôi tai hại "định hướng XHCN" của "nền kinh tế thị trường" (học mót Trung Quốc), sẽ giúp định hình lại nhiều lĩnh vực - pháp quyền, văn hóa, khoa học, môi trường, …, không phải chỉ kinh tế ; lực lượng dân chủ tiến bộ sẽ có tiếng nói trọng lượng hơn, được dân tin yêu hơn ; bớt dần tham nhũng, bất công xã hội.
Viễn cảnh
Sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, nếu như ông Trump tái đắc cử, những quyết sách với Trung Quốc về kinh tế, Biển Đông, Đài Loan … mấy năm qua, có thêm thời gian ứng nghiệm, sẽ rõ thêm hiệu quả. Từ đó, có chút hy vọng với Việt Nam, sau Đại hội đảng, câu chuyện "Ý Đảng, lòng Dân" sẽ bớt chất hài vốn chỉ để đàm tiếu vỉa hè, mà le lói hiện thực hơn theo hướng cải thiện dân chủ, pháp quyền, đặng giúp chung sức đồng lòng kháng cự Trung Quốc.
Còn nếu như ông Joe Biden đắc cử, dù gắng gượng tới đâu, thì đường lối xuyên suốt của đảng Dân chủ (biểu tượng con Lừa) vẫn vậy, dù có điều chỉnh "làm dáng" chút ít, có cố lần tìm con đường mà tiền nhiệm Donald Trump (đảng Cộng hòa - Con Voi) đã khai phá trong quan hệ với Trung Quốc.
Chợt nhớ câu ngạn ngữ Việt, mà chẳng tiện nói, đành nhái : không có … Voi thì bắt Lừa … vác nặng. Và chúng ta chỉ dám mừng là thế giới này đã nhận ra con đường Voi đã khai mở. Thế thôi !
Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm)
Nguồn : BBC, 02/11/2020
Bài thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một cựu thiếu tá an ninh từng làm việc trong ngành công an Việt Nam, hiện là nhà báo tự do sinh sống tại Hà Nội.
************************
VOA, 02/11/2020
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết rằng Việt Nam đóng vai trò "trung tâm" trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và tái khẳng định rằng Mỹ sẽ không vì lợi ích quốc gia mà ‘bỏ rơi’ Việt Nam.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn dài gần 2 tiếng đồng hồ với báo Công an Nhân dân hôm 31/10, người đứng đầu phái đoàn ngoại giao của Hoa Kỳ đưa ra khẳng định trên, chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ tới thăm Việt Nam để tái khẳng định sự lớn mạnh của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Đại sứ Kritenbrink nói với phóng viên của Công an Nhân dân rằng Việt Nam hiện là "một trong những đối tác quan trọng nhất" của Mỹ trên thế giới và rằng Việt Nam "có vai trò trung tâm trong tầm nhìn" của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á khi được hỏi "Việt Nam thực sự nằm ở đâu trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ ?".
Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tới dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng và công bố tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chiến lược này được cho là nhằm tăng ảnh hưởng của Mỹ và kiềm chế sự bành trướng quyền lực của Trung Quốc trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó có Biển Đông. Với chiến lược này, Việt Nam dường như trở thành một đối tác quan trọng hơn đối với Mỹ khi Tổng thống Trump đã hai lần tới thăm Việt Nam và bộ trưởng quốc phòng Mỹ có ba chuyến công du tới Hà Nội trong 3 năm trở lại đây.
"Quan niệm của chúng tôi là : An ninh và sự thịnh vượng của mình chỉ được đảm bảo khi có được những người bạn cũng vững mạnh và thịnh vượng trên khắp thế giới", Đại sứ Mỹ nói. "Ở khu vực Thái Bình Dương, khi chúng tôi có một đối tác là Việt Nam độc lập, thịnh vượng thì chúng tôi cũng sẽ duy trì được sự thịnh vượng của mình".
Đại sứ Kritenbrink hồi tháng 8 nói rằng quan hệ đối tác giữa Washington và Hà Nội sẽ giúp Việt Nam vượt lên các nước khác trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang quyết liệt đẩy mạnh việc đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc, trong đó có việc di chuyển các nhà máy sản xuất của các công ty Mỹ ra khỏi nước này sang Việt Nam.
Khi được hỏi về nhận định của các nhà bình luận chính trị rằng nước Mỹ "sẵn sàng chìa tay ra" khi "cần bạn bè đồng minh để đảm bảo lợi ích và duy trì vai trò số 1 của mình trên thế giới" nhưng lại "sẵn sàng thỏa thuận trên lưng bạn bè, đồng minh, khiến những nước nhỏ phải trả giá đắt" khi "không cần nữa", Đại sứ Kritenbrink cho biết rằng "cũng dễ hiểu khi các nhà lãnh đạo Mỹ phải ưu tiên lợi ích quốc gia Mỹ".
"Tổng thống Donald Trump từng có khẩu hiệu ‘Nước Mỹ trên hết’ nhưng ‘Nước Mỹ trên hết’ không có nghĩa là nước Mỹ đứng một mình", Đại sứ Kritenbrink nói. "Tôi nghĩ là đất nước và người dân chúng tôi cũng đã hội được rất nhiều bài học lịch sử của chính mình, trong đó có bài học là không thể đứng một mình".
Vào năm 1972, nhiều người Việt Nam tin rằng chính phủ Mỹ đã "bỏ rơi" đồng minh của mình lúc đó là Việt Nam Cộng hoà sau khi rút quân về nước và "bắt tay" với Trung Quốc nhằm chống lại Liên Xô.
"Điều cốt lõi trong chính sách ngoại giao của chúng tôi… đó là chúng tôi có lợi ích trong việc có được những đồng minh, đối tác và bạn bè tự chủ, thịnh vượng", Đại sứ Kritenbrink giải thích và cho biết rằng Mỹ có sự hỗ trợ về các đối tác hiện có của Mỹ trên khắp thế giới. "Tôi muốn nói rằng : Các bạn hoàn toàn có thể tin tưởng nước Mỹ".
Mỹ gần đây đã ủng hộ và cam kết với Hà Nội nhiều hơn trong nhiều vấn đề từ an ninh, kinh tế cho tới hợp tác chống đại dịch.
Trong năm nay, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cùng nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ Hà Nội khi lên án Bắc Kinh về các hành vi "bắt nạt" Việt Nam và các nước trong khu vực, đặc biệt sau khi Bắc Kinh đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
Trong chuyến thăm tới Hà Nội hôm 29-30/10, Ngoại trưởng Pompeo công bố khoản hỗ trợ thêm 2 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung, trong khi bày tỏ mong muốn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Hoa Kỳ tiếp tục cùng với Việt Nam xây dựng mối quan hệ và làm cho khu vực Đông Nam Á, châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên an toàn, hoà bình và thịnh vượng".
Nguồn : VOA, 02/11/2020
Nếu đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển chỉ dừng ở mức va chạm, Ba Đình có xu hướng bóp nghẹt truyền thông và ngăn chặn biểu tình vì rủi ro trên bờ khi đó sẽ lớn hơn trên biển.
Biển Đông : Phép thử ý Đảng lòng Dân
Khi đụng độ leo thang tới mức có nguy cơ xung đột vũ trang, sẽ bắt đầu xuất hiện những lời kêu gọi yêu nước, như đang râm ran hiện nay. Truyền thông bắt đầu được mở van nhỏ giọt, biểu tình được chiếu cố, miễn sao vẫn trong tầm kiểm soát về quy mô và chủ đề. Như cánh cửa mở hé, sẽ đóng sập lại ngay nếu chuyện ngoài biển không còn căng thẳng nữa.
Khi nguy cơ mất đảo hiển hiện, những lời kêu gọi sẽ bùng phát dưới giọng hiệu triệu, vực dậy cả hồn thiêng sông núi lẫn anh linh tử sĩ. Báo chí được lệnh lên bài thả ga, mọi cuộc biểu tình từ quốc doanh đến dân doanh đều được cổ vũ nhằm, như một tờ báo gần đây giật tít, ‘huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền’.
Ngày 14/07/2019, 12 tàu kiểm ngư Việt Nam đang đối đầu với 20 tàu tuần duyên Trung Quốc ngoài khơi Việt Nam - Ảnh Hà Nội News
Nhưng vì sao lại phải nhọc công hiệu triệu toàn dân ?
Toàn dân sẽ giữ được đảo nếu Trung Quốc nhất quyết đánh chiếm hay sao ?
Chiến lược chiến tranh nhân dân (toàn dân đánh giặc) từng rất hiệu quả trước đây khi chiến cuộc chủ yếu diễn ra trên đất liền, nhưng với môi trường tác chiến trên biển dựa vào hải quân và không quân, thì chiến tranh nhân dân thế nào ?
Ngư dân được phát súng và huấn luyện sơ sài (dân quân biển), nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên biển, sẽ làm được gì trước tàu chiến, máy bay và tên lửa hiện đại của Trung Quốc ?
Cũng có người cho rằng toàn dân hưởng ứng thì sẽ giúp lên tinh thần. Không sai, nhưng tinh thần lên cao liệu có bù đắp được chênh lệch về khí tài, năng lực, nhân sự đôi bên trong bối cảnh tác chiến hiện đại ?
Vậy tóm lại kêu gọi toàn dân để làm gì ?
Để chạy trách nhiệm.
Một khi có sự tham gia của toàn dân nhưng đảo vẫn bị mất thì Ba Đình có thể mạnh dạn nói rằng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã cố gắng hết sức nhưng mà Trung Quốc mạnh quá nên rất tiếc là đảo đã bị mất. Trách nhiệm của chung thì không ai có trách nhiệm.
Thế nhưng có vẻ người dân đang làm phá sản tính toán này của Ba Đình bằng cách tỏ ra thờ ơ với mọi lời kêu gọi có đóng dấu đỏ.
Bằng cách đó họ gửi một thông điệp không thể rõ ràng hơn : Các ông bà lâu nay đòi độc quyền yêu nước - ‘để Đảng và Nhà nước lo’, vậy nên nếu mất biển mất đảo thì các ông bà phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước quốc dân và lịch sử, chứ không có cái gọi là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân nữa. Chúng tôi để cho Đảng và Nhà nước lo hết, nhưng nếu để mất biển mất đảo, các ông bà trước thì mất hết với chúng tôi, sau thì mãi mãi ô danh với lịch sử.
Nhưng cớ sao người dân lại giữ một thái độ như vậy ?
Có ý kiến nói rằng vì lòng yêu nước của người dân đã nhiều lần bị xúc phạm : từng viết bài, xuống đường phản đối Trung Quốc nhưng nhẹ thì bị đánh đập, sách nhiễu, nặng thì bị bắt bớ, giam cầm nên giờ họ không còn tha thiết nữa.
Có thể là vậy, nhưng nếu lẽ thường thực tâm yêu nước thì đoạn đầu đài cũng chẳng ngán, huống chi chỉ là đòn roi và ngục tù.
Mấu chốt ở đây là, càng ngày người dân càng nhận rõ rằng đổ xương máu dưới lời hiệu triệu ấy để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nếu có thành công đi chăng nữa, quốc gia vẫn chỉ là tài sản riêng của một nhóm nhỏ người mà chẳng có phần nào của mình trong đó. Vậy hà cớ gì phải hao tâm tổn trí cho cái không phải của mình ? Người dân đang và sẽ quay lưng trước lời hiệu triệu của đảng không khác gì từng nhếch mép trước lời kêu gọi kháng Pháp của triều đình nhà Nguyễn vậy.
Nghĩa là, yêu nước thì vẫn yêu đó, nhưng yêu chứ đâu có ngu. Lòng yêu nước trở thành thứ quý giá mà dân nhất quyết không đưa ra dù đảng luôn miệng : ‘hãy trao cho anh’.
Thế giải pháp ở đây là gì ? Làm sao còn có thể hiệu triệu được lòng dân ?
Chỉ bằng cách thực tâm cải cách chính trị, mở rộng các quyền tự do dân chủ, khiến người dân thực sự cảm thấy đất nước này là của họ, chứ không phải là của riêng một vài cá nhân, gia đình hay bè đảng nào. Mà động thái cần thiết đầu tiên là trả tự do cho tất cả những người đang bị giam cầm chỉ vì yêu nước khác cách của đảng.
Bởi lẽ, đến cuối cùng người ta chỉ dám sống dám chết để bảo vệ những gì người ta coi và tin là của mình. Đất nước cũng vậy, chỉ khi người ta thấy mình thực sự có quyền làm chủ thì chẳng cần ai kêu gọi cũng tự nhiên dốc lòng dốc sức, đổ xương đổ máu ra bảo vệ.
Trái lại, không thể khác, là thờ ơ, cho tới khi mất cả.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 05/08/2019 (nguyenanhtuan's blog)