Những ngày vừa qua người dân Việt Nam rất hồ hởi về chuyến thăm lần 2 của tàu sân bay Hoa Kỳ, cũng như nước này đã có những động thái quyết liệt lên án sự ngang ngược, tàn bạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Một vài đảo trong chuỗi Hoàng Sa chụp từ trên cao. Ảnh chụp ngày 10 tháng 8 năm 2018 - AFP
Những sự kiện này như thắp lên tia hy vọng về một liên minh quân sự Việt-Mỹ trước dã tâm muốn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, mà giờ đây nhà cầm quyền Việt Nam cần phải có những chiến lược thích ứng, trong đó yếu tố then chốt là liên minh với Hoa Kỳ, nước duy nhất có đủ lực và quyết tâm để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Mộng bá quyền Đại Hán
Ngày nay, đại đa số người dân Việt Nam đều quá rõ về mưu đồ bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc, khi họ dùng vũ lực để cướp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đồng thời với yêu sách "đường lưỡi bò" nhằm độc chiếm Biển Đông, họ cấm đánh cá, bắn giết, đâm chìm tàu ngư dân một cách tàn nhẫn, như sự kiện vừa qua, hòng gieo rắc sự sợ hãi kinh hoàng trên toàn Biển Đông.
Bên cạnh đó nhà cầm quyền Trung Quốc luôn tìm cách thao túng chính trị, phá hoại mọi mặt kinh tế-xã hội của Việt Nam, mà hiện nay toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long đang bị khô hạn, nhiễm mặn là một minh chứng.
Những điều đó cho thấy họ đang thực hiện chủ nghĩa bá quyền Đại Hán và chưa bao giờ từ bỏ việc dùng bạo quyền để mở rộng biên giới, vùng ảnh hưởng lên toàn Việt Nam.
Việt Nam trong chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ
Việc chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ chuyển trục về Biển Đông không chỉ đơn thuần là hòa bình và ổn định ở khu vực này, mà còn xuất phát từ địa chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương, mà Trung Quốc đang âm thầm muốn thống lĩnh.
Giới chính trị xem Trung Quốc là nguy cơ lớn nhất đối với các lợi ích của Hoa Kỳ về lâu dài, vì vậy việc kiểm soát, kiềm chế sức mạnh và sự ảnh hưởng của Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.
Mặt khác, đồng minh Philippines đang quay lưng lại với Hoa Kỳ, đó là một bất lợi trong cục diện Biển Đông. Do đó, họ cần một liên minh chiến lược hơn để lấp lỗ hỏng trước khi Philippines trở thành đồng minh của Trung Quốc.
Một liên minh mới với Việt Nam, quốc gia có địa chiến lược quân sự trọng yếu trong khu vực sẽ đảo ngược chiến thắng ngoại giao mới của Bắc Kinh và làm cho Trung Quốc mất đi nguồn dầu khí béo bở tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, là mong muốn khó tránh của Hoa Kỳ.
Liên minh đó sẽ là một điển hình cho các quốc gia khác trong khu vực về cách bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của họ, chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và như vậy sẽ ngày càng bị khóa chặt Trung Quốc ngay trong sân sau của chính mình.
Đớn hèn hay thay đổi ?
Trước những hành động ngày một tham tàn của ông bạn "4 tốt, 16 chữ vàng", nhà cầm quyền Việt Nam dần bị đưa vào thế bí. Vì một khi nhu nhược trước hành động xâm lấn của Trung Quốc thì nhà cầm quyền Việt Nam sẽ vấp phải sự chỉ trích nặng nề hoặc thậm chí những cuộc xuống đường của người dân đe dọa đến sự tồn vong.
Ngược lại, nếu Việt Nam muốn mạnh mẽ để chống lại Trung Quốc thì một liên minh hoặc thậm chí một mối quan hệ sâu sắc hơn với Hoa Kỳ để tạo được thế đối trọng quân sự và giúp Việt Nam củng cố tiềm năng, cải thiện sức mạnh, là điều bắt buộc.
Bởi nếu Trung Quốc thành công trong việc chiếm trọn Biển Đông thì Việt Nam sẽ bị mất quyền khai thác dầu khí hay đánh bắt cá ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Và hơn hết là nguy cơ bị cô lập trong đất liền khi Trung Quốc tiếp tục các hoạt động nhằm kiểm soát hoàn toàn đường biển đi vào Việt Nam.
Nhà cầm quyền Việt Nam vướng vào thế khó khi điều kiện tiên quyết để có được đồng minh ấy là cải cách chính trị, bởi Hoa Kỳ chỉ chấp nhận làm đồng minh với những quốc gia có giá trị tương tự về dân chủ và nhân quyền.
Khát vọng của dân và quyền lực của đảng
Sự phấn khởi của người dân khi tàu sân bay viếng thăm, hay những tiếng reo hò hai bên đường mỗi khi tổng thống Hoa Kỳ sang Việt Nam đủ để thấy cái khát vọng của họ về nền tảng dân chủ và một liên minh quân sự bền chặt với Hoa Kỳ.
Thế nhưng giới lãnh đạo Việt Nam luôn ý thức được việc người dân đã quá chán ngán với chế độ, đảng cộng sản sẽ mất quyền lãnh đạo nếu để người dân lựa chọn lại bằng một cuộc bầu cử tự do. Như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng nhận định : "Đa đảng là tự sát".
Vì vậy mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn thực hiện chính sách "đu dây", vừa muốn trấn an dân chúng bằng cách giao lưu quân sự với Hoa Kỳ, nhưng lại phải vuốt ve không muốn đối đầu với Trung Quốc và càng không bao giờ muốn "tự sát" bằng việc cải cách chính trị.
Cho dù Trung Quốc có xâm lấn ngoài Biển Đông thì sự ổn định để đảng còn lãnh đạo vẫn luôn trên hết, như lời ông Nguyễn Phú Trọng : "Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không ?"
Bởi theo họ, còn quá lâu để Bắc Kinh đưa quân vào Hà Nội hay biến Việt Nam thành Tây Tạng thứ hai, đó là chuyện sau này. Còn bây giờ nếu vì cần đồng minh mà cải cách dân chủ, thì có thể ngay lập tức đảng cộng sản sẽ bị đào thải và những người nắm quyền trong đảng có thể sẽ bị tịch thu tài sản hoặc thậm chí đi tù.
Do vậy, dù những diễn biến ngoài Biển Đông kia có như thế nào đi chăng nữa, thì chẳng bao giờ Hoa Kỳ có được đồng minh là Việt Nam, khi chế độ độc đảng kia vẫn còn hiện diện và những kẻ cầm quyền còn đặt lợi ích đảng lên trên mọi quyền lợi của quốc gia, dân tộc.
Như nhạc sĩ Tuấn Khanh từng nhận định : "Đừng nghĩ Việt Nam chỉ có kẻ thù là Bắc Kinh với nụ cười nham hiểm trên môi họ, mà kẻ thù của chúng ta, đôi khi nằm ngay trên đất nước mình với những thỏa hiệp, hám danh lợi, phản bội và sẵn sàng bán rẻ tổ quốc với những lời ngụy biện ngu xuẩn…"
Mặc cái khát vọng của dân chúng và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia từ máu xương cha ông để lại, những kẻ cầm quyền hiện tại một khi đã xem quyền lợi của cá nhân, phe đảng trên mọi quyền lợi của dân tộc thì tự khắc biến mình thành Lê Chiêu Thống - kẻ thù bức hại nhân dân, kẻ không bao giờ muốn có dân chủ hay để Việt Nam trở thành đồng minh của một cường quốc như Hoa Kỳ và kẻ ấy nhất định sẽ phải bị người dân nguyền rủa đến muôn đời sau.
Đông Phong
Nguồn : RFA, 23/04/2020
Tác giả Đông Phong (Luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh)