Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước Châu Âu, đặc biệt là với bốn nước Đức, Áo, Hà Lan và Thụy Sĩ. Đó là những quốc gia hoặc không cho phép cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức mít-tinh cổ vũ trưng cầu dân ý hoặc từ chối để bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các cuộc mít-tinh chính trị này. Trong suốt mấy ngày qua, tổng thống Erdogan không ngừng thóa mạ giới lãnh đạo Châu Âu. Ankara muốn gì và sẽ đi đến đâu ?

tho1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, lao vào cuộc đọ sức với Châu Âu. Ảnh ngày 12/03/2017. Palace/Handout via REUTERS

Mỗi ngày trôi qua, Ankara càng xa dần bến Châu Âu. "Thủ tướng Merkel, bà là người ủng hộ khủng bố". Lời tuyên bố thiếu ngoại giao này của tổng thống Erdogan trên đài truyền hình chiều ngày 13/03/2017, tiếp sau những lời lên án Đức và Hà Lan là "tàn dư" của phát-xít, là đỉnh điểm của một tuần lễ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu đặc biệt là với bốn nước Đức, Áo, Hà Lan và Thụy Sĩ.

Trong tuần qua, tổng thống Erdogan đã điều bộ trưởng Ngoại giao và bộ trưởng bộ Gia đình, sang những nước Châu Âu có đông đảo kiều dân Thổ để vận động cho cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến Pháp vào ngày 16/04/2017. Cải cách chính thể, từ đại nghị sang tổng thống chế, sẽ củng cố quyền lực tổng thống và cho phép ông Erdogan tiếp tục cầm quyền cho đến 2029.

Để thực hiện ước mơ quyền lực, tổng thống Erdogan có vẻ không từ một giới hạn nào. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đối lập e ngại nền dân chủ thế tục rộng lớn nối liền hai Châu lục Âu-Á, kiến tạo từ thập niên 2000, bị một chế độ độc tài thay thế. Từ sau cuộc đảo chính hụt tháng 7/2016, tổng thống Erdogan đã thẳng tay thanh trừng hàng trăm ngàn quân nhân, cảnh sát, công chức, giáo chức. Hàng chục tờ báo, đài truyền hình bị xem là "ủng hộ" đảo chính bị đóng cửa, nhiều đảng đối lập bị cấm hoạt động với lý do có liên hệ với tổ chức Kurdistan PKK.

Lá bài và lá phiếu kiều dân

Thế nhưng, cho dù đảng AKP của tổng thống áp đảo tại Quốc Hội, cho dù đối lập bị trấn áp, các kết quả thăm dò ý kiến cho thấy phe chống cải cách Hiến Pháp có khả năng chiếm đa số. Đó là lý do chính quyền Thổ đánh lá bài "kiều dân hải ngoại" mà đông đảo nhất là ở Đức, Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ và Pháp, có xu hướng thân chính quyền Ankara.

Thoạt đầu, tại Đức, vì không muốn "nhập khẩu" xung khắc chính trị nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ liên bang không mặn mà với những cuộc biểu tình ủng hộ Erdogan trên lãnh thổ Đức. Nhưng cuối cùng, chính các chính quyền địa phương, viện lý do an ninh để từ chối. Ngay lập tức, tổng thống Erdogan lên án Đức "theo bước chân Hitler". Thái độ của Ankara đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Áo kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu lấy quyết định chung cấm biểu tình. Hà Lan cũng hủy bỏ một số cuộc mít-tinh, cấm máy bay ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đáp xuống Rotterdam và trục xuất bộ trưởng Bộ Gia đình Fatma Betül Sayan Kaya cho dù bà có hộ chiếu ngoại giao.

Tự cho là nạn nhân

Chính vì lo sợ thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, vỏ bọc hóa trang cho kế hoạch tập trung quyền lực và lãnh đạo trọn đời, cho nên tổng thống Erdogan đánh lá bài thứ hai là "tự biến thành nạn nhân" bị áp bức. Do đó mới có những lời tuyên bố như là Thổ Nhĩ Kỳ là nạn nhân "của bọn Tây Âu ngạo mạn và khinh miệt đạo Hồi" hay là "chủ nghĩa phát-xít vẫn tồn tại mà thủ đô là La Haye".

Theo tính tóan của tổng thống Erdogan, đọ sức với Châu Âu là chiến thuật hiệu quả nhất để đánh động tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan nhất. Một số nhà phân tích còn cho rằng đây cũng là một đòn chiến tranh tâm lý phục vụ chính trị nội bộ và đối ngoại. Một là để kích động tinh thần bài Châu Âu của một bộ phận dân chúng bất bình Bruxelles vẫn chưa rộng cửa đón Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên sau hơn 50 năm chờ đợi và hai là để gây áp lực với Châu Âu. Vị trí "chốt chận" di dân nhập cư và vai trò then chốt giải quyết chiến tranh Syria là hai lá chủ bài khác của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan nghĩ rằng ông có thể huy động dân chúng qua hình ảnh người hùng không sợ bất cứ ai, có khả năng "lấy lại những vùng lãnh thổ bị mất" để phục hồi một Thổ Nhĩ Kỳ "độc lập và kiêu hãnh" của thời quá khứ.

Thế nhưng, thái độ leo thang của Ankara, bất chấp những lời kêu gọi "hạ nhiệt" của Châu Âu và phản ứng nhún nhường của Pháp, cho phép tổ chức mít-tinh có ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tham dự, chắc chắn sẽ không giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần với Châu Âu.

Ngược lại, nếu tổng thống Erdogan chiến thắng trưng cầu dân ý và nhân xu thế này tái lập án tử hình, thì tiến trình đàm phán sẽ đứt đoạn và giấc mơ làm công dân Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vỡ tan.

Đáp trả thông minh

Câu hỏi đặt ra ở đây là Châu Âu, có nên để cho tổng thống Erdogan tự do thóa mạ ? Theo nhật báo Le Monde, Châu Âu phải đáp trả một cách cứng cỏi và thông minh. Bởi vì cấm đảng cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức mít-tinh tại Châu Âu sẽ tạo cớ cho tổng thống Erdogan trấn áp các quyền tự do ngôn luận và hội họp tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tú Anh

Nguồn : RFI, 13/03/2017

Additional Info

  • Author Tú Anh
Published in Diễn đàn