Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đa nguyên, đa đảng theo một trật tự tuân thủ của pháp luật sẽ giúp gia tăng tính cạnh tranh trong phụng sự quốc dân.

danguyen1

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại tin rằng việc bất ổn chính trị là ‘đặc sản’ của chuyện đa nguyên, đa đảng.

Thế nhưng Nhà nước Việt Nam hiện tại lại nghĩ khác, cụ thể là theo chiều hướng bi quan. Họ nghĩ, khi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập đất nước sẽ rơi vào cảnh chia năm xẻ bảy, các phe phái sẽ dùng mọi cách chèn ép nhau để tranh giành ảnh hưởng, địa bàn, lòng dân và sẽ dẫn đến cần ngoại viện, liên minh với các thế lực bên ngoài… các thế lực ngoại bang sẽ có cớ để can thiệp vào nội bộ.

"Đảng cộng sản đã mất vai trò lãnh đạo, chế độ xã hội chủ nghĩa – thành trì của cách mạng thế giới đã cứ như vậy mà sụp đổ không thể cứu vãn được. Bài học xương máu của Liên Xô, Đông Âu còn đó, Việt Nam chúng ta nhất quyết phải tránh đi vào vết xe đổ này", phía Tuyên giáo Đảng đưa ra so sánh như vậy về chuyện Liên Xô bị xóa sổ.

Như vậy xem ra theo góc nhìn của Nhà nước Việt Nam hiện tại thì việc bất ổn chính trị là ‘đặc sản’ của chuyện đa nguyên, đa đảng.

Cứ tạm đồng ý với đánh giá trên, khi ấy liệu người ta sẽ nghĩ gì về chuyện âm ỉ của khủng hoảng nhân sự thượng tầng với hàng loạt bắt bớ nhân danh ‘củi – lò’ ; và đủ mọi đồn đoán ‘tiêu cực’ về ông Vương Đình Huệ, chủ tịch quốc hội, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng ; bà Trương Thị Mai, thường trực ban bí thư. Lần lượt từng người một đều bị tung tin đồn bê bối các loại, hoặc là hủ hóa với phụ nữ như ông Vương Đình Huệ, ông Phạm Minh Chính, hoặc hối mại quyền thế để được cấp dưới xây dựng nhà bằng Ngân sách Nhà nước như bà Trương Thị Mai…

Có ý kiến rằng thiếu sự cạnh tranh giữa các đảng phải thì những góc khuất dễ dàng nằm trong lỗ hổng, và đến lượt mình, lỗ hổng ẩn mình trong góc khuất của những thể chế, cơ chế và cả quy định được phe nhóm quyền lực trong chính độc đảng ấy ban hành để thống trị, chi phối.

Vấn nạn "chạy" công chức, viên chức vẫn đang là một "cơn sóng ngầm" âm ỉ mà dữ dội, gây bao bức xúc trong xã hội. Câu cửa miệng giới trẻ vẫn truyền nhau là "Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ…".

Tệ hại hơn, vì không vấp phải sự cạnh tranh quyền lực trong bộ máy quản trị quốc gia nên người ta thấy đảng viên chóp bu công khai vi phạm Điều lệ Đảng của việc trong suốt 3 khóa liền yên vị ở ghế quyền lực tối cao ; bất chấp quy định ghi rõ là "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp" ở Điều 17.1 của Điều lệ Đảng.

Trong lúc đó thì việc ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước, tiếp nối vụ việc tương tự của ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ sau khoảng một năm, càng phản ánh rất nhiều điều trong hệ thống chính trị Việt Nam. Theo đó, giới quan sát cho rằng việc ông Thưởng bị một nhóm quyền lực của đảng "trừng phạt" là dấu hiệu cho thấy nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam đang có những đấu đá khốc liệt để chuẩn bị cho giai đoạn "hậu Nguyễn Phú Trọng".

Trở lại với vấn đề đa nguyên, đa đảng.

Cá nhân người viết cho rằng nếu có sức ép từ dư luận xã hội thể hiện trên truyền thông đại chúng về đảng phái ; và lá phiếu của cử tri có thể giúp loại bỏ những cá nhân có biểu hiện lạm quyền vì các mục tiêu vị kỷ, xâm phạm lợi ích công, hay trái với mong đợi của số đông người dân ; thay vì ở đây lâu nay các lá phiếu này được định hướng của chuyện "Đảng cử – dân bầu".

Một khi có quyền lựa chọn đảng phái cho nhiệm kỳ hành chính của Quốc hội, tin rằng bước đầu chuyện hình thành đa nguyên, đa đảng có thể tạo sự lúng túng trong cộng đồng ; thế nhưng với tính nổi trội của chính trị giàu tính cạnh tranh trong phụng sự, mọi chuyện cũng chỉ là "vạn sự khởi đầu nan"…

Sợ hãi hay ám thị kiểu Tuyên giáo Đảng sẽ tiếp tục làm nghèo nàn nền quản trị quốc gia.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 07/04/2024

Published in Diễn đàn

Lập luận công tố mâu thuẫn rất rõ, trong khi cáo buộc nhóm có tên Hội Anh em dân chủ là "đấu tranh nhằm thay đổi quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng", thì làm sao lại quy kết "lật đổ chính quyền nhân dân" ?

danguyen1

Thẩm phán Ngô Thị Ánh – Chủ tọa phiên tòa xử ông Nguyễn Văn Đài cùng những người đồng chí hướng. Ảnh: ANTĐ

Vì nếu chính quyền thực sự là của nhân dân, đó đã là đa nguyên – đa đảng, vì nhân dân có quyền lựa chọn những đảng phái đại diện cho mình trong điều hành đất nước.

Người viết không được tiếp cận các bút lục của vụ án 6 công dân Hội Anh em dân chủ vừa kết thúc phiên hình sự sơ thẩm. Các trao đổi tiếp theo đây là căn cứ vào lời tuyên án của thẩm phán Ngô Thị Ánh, tối ngày 5-4-2018.

Thứ nhất. Chủ tọa phiên xét xử đã hiểu về thành lập hội như sau (trích) : "Việc các bị cáo thành lập nhóm kín trao đổi, sinh hoạt thông qua mạng Internet, có nhiều người tham gia, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có cương lĩnh, điều lệ hoạt động, về bản chất đó là thành lập hội, là một tổ chức. Việc sinh hoạt thông qua mạng Internet chỉ là phương thức sinh hoạt của "Hội anh em dân chủ".

danguyen2

Báo chí trong nước đưa tin về sự kiện ông Nguyễn Văn Đài và những người cùng chí hướng bị cáo buộc Điều 79 BLHS (1999). Ảnh : chụp màn hình

Nhận định này của thẩm phán Ngô Thị Ánh là thiếu căn cứ pháp lý. Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có luật về quyền lập hội. Thủ tục về thành lập hội hiện nay chịu sự điều chỉnh của các văn bản sau : Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội ; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội ; Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ; Thông tư số 03/2014/TT-BNV ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

Như vậy, nếu có một tổ chức mang tên Hội Anh em dân chủ, thì hội đoàn ấy được sự bảo hộ về nguyên tắc của Hiến pháp 2013, Điều 16.2 "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội" ; Điều 25 "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định". Ở đây, chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính nếu 6 công dân trong vụ án nói trên đã thành lập hội không đúng trình tự về thủ tục.

Việc 6 công dân cùng tham gia nhóm sinh hoạt trên mạng Internet không thuộc trường hợp pháp luật cấm. Nhóm sinh hoạt trên mạng không phải là việc thành lập hội như theo quy định của hàng loạt Nghị định và Thông tư đã kể ở trên.

Thứ hai. Trong phần tuyên án, thẩm phán Ngô Thị Ánh cho rằng, "Mục đích của Hội này là đấu tranh nhằm thay đổi quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng" ; "Đồng thời, đã bước đầu xây dựng lực lượng và đào tạo để có thể lãnh đạo đất nước khi các bị cáo đạt được mục đích. Hành vi của các bị cáo không phải là đấu tranh cho dân chủ mà là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố các bị cáo về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, theo quy định tại Điều 79, Khoản 1 – Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật".

Cá nhân người viết cho rằng nhận định này của thẩm phán chủ tọa tiếp tục vi phạm Hiến pháp 2013 và Luật Trưng cầu ý dân 2015. Hiến pháp 2013, Điều 28.1. "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước". Nếu thẩm phán Ngô Thị Ánh đã xác nhận "Mục đích của Hội này là đấu tranh nhằm thay đổi quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng", thì những thành viên của Hội được quyền bảo hộ Hiến định, trong yêu cầu cơ quan nhà nước thực hiện việc trưng cầu ý dân là có cần thay đổi quyền lãnh đạo của một đảng nhằm để có sự cạnh tranh chính sách giúp đời sống tốt hơn ?

Quy định 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về cấm tuyệt đối "đa nguyên, đa đảng" chỉ áp dụng đối với đảng viên Đảng cộng sản. Cả 6 công dân nói trên đều không phải là đảng viên, nên việc kêu gọi "đa nguyên – đa đảng" là quyền được bảo hộ của Hiến pháp. Việc kêu gọi "đa nguyên – đa đảng" còn là hình thức bất bạo động, không vũ trang, không tổ chức lực lượng quân sự đối kháng thì không thể đưa đến hành động "lật đổ chính quyền" đang có quân đội chính quy với bề dày lịch sử chiến tranh.

Thứ ba. "Hội đồng xét xử kết luận, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chính quyền nhân dân, do vậy cần xử lý nghiêm khắc để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm". Thẩm phán Ngô Thị Ánh đã lập luận như vậy. Điều này cho thấy vị chủ tọa phiên xét xử đã xem nhẹ các lực lượng công an và quân đội chính quy của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tại khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 trang trọng khẳng định : "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức". Như vậy, nguyên tắc "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" gắn liền với quy định "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ" khẳng định nguồn gốc thế tục của quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa rằng, quyền lực nhà nước ở Việt Nam không có nguồn gốc từ thần quyền, mà có nguồn gốc từ Nhân dân. 

Với nền tảng vững chắc đó từ nhân dân, một nhóm người chủ trương bất bạo động như Hội Anh em dân chủ, chắc chắn không thể gây "ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chính quyền nhân dân", mà ngược lại, bằng việc kêu gọi đa nguyên – đa đảng để người dân có nhiều sự lựa chọn hơn cho lá phiếu của mình, sẽ củng cố thêm sức mạnh cho một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 07/04/2018

Published in Diễn đàn