Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hồ Chí Minh từng nói  : "Không, tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê". Vậy giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh ở đâu ra ?

 Trần Thị Lam

Mở đầu ngày khai trường đầu tiên (3 tháng 9 năm 1945) của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố : "Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập".

Tôi sinh trưởng ở miền Nam ("vùng địch tạm chiếm") nên không rõ chương trình giảng dậy của "nền giáo dục độc lập" ra sao cả. Chỉ biết đại khái rằng "triết lý giáo dục" được nhiệt liệt cổ súy, ở bên kia vỹ tuyến, là "học tập và làm theo tấm gương đạo đức của bác Hồ".

Tấm gương này, xem chừng, không được sáng sủa gì cho lắm (hay nói lịch sự hơn, theo lời của ban biên tập trang Bauxite Việt Nam, là "còn nhiều mảng tối") nên hơn bẩy mươi năm sau – vào hôm 13 tháng 8 năm 2017 – nhà phê bình văn học & xã hội Vương Trí Nhàn đã đặt câu hỏi ("Học sinh tiểu học trước 1945 đã được giáo dục đạo đức như thế nào ?") với không ít băn khoăn :

"Các lần trước đọc bộ sách Quốc văn giáo khoa thư của Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn do Nha học chính Đông Pháp xuất bản từ 1926, tôi chỉ chú ý phần kiến thức.

Lần này, tôi muốn để tâm kỹ hơn tới phần luân lý đạo đức. Ý định đó của tôi được thỏa mãn ngay qua bài sau :

Đi học để làm gì ?

Bác hỏi tôi đi học để làm gì ? Tôi xin nói bác nghe. Tôi đi học để biết đọc những thư từ người ta gửi cho tôi và viết những thư từ tôi gửi cho người ta. Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật báo, thấy điều gì hay thì bắt chước. Tôi đi học để tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh và giữ thân thể cho khỏe mạnh. Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành được người con hiếu thảo và người dân lương thiện.

Đã gọi là dạy đạo đức cho trẻ, thì điều dễ hiểu là người xưa nêu những tấm gương tốt. Nhưng nhìn vào mục lục các bài trong sách tôi thấy có một tỷ lệ khá lớn nói về những thói xấu mà trẻ có thể mắc phải. Ví dụ trong cuốn Luân lý giáo khoa thư thấy có các bài : Bài 36 : Đứa học trò xấu, 37 : Lười biếng, nhác nhớn, 38 : Không thứ tự, 39 : Không ý tứ, 40 : Tính ương ngạnh, 41 : Tính khoe khoang và hợm mình, 42 : Tính nhát sợ, 44 : Tính nói xấu, 45 : Tính mách lẻo, 46 : Tính hay chế nhạo, 47 : Tính ghen, 48 : Tính tức giận, 49 : Tính tàn bạo, 50 : Tính độc ác…

Không chỉ có bài 43 nói về sự dối trá mà các bài số 7 và số 22 cũng có nội dung tương tự. Bài 7 nói các em phải thật thà với cha mẹ, bài 22 nói các em phải thật thà với thầy.

Tôi thấy đó là một sự dịnh hướng cần thiết phù hợp với tình hình Việt Nam. Còn nịnh bợ học sinh chỉ làm hỏng các em thêm.

Cứ nhìn tình hình đạo đức lớp trẻ hiện nay thì rõ...".

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Nam/Bắc hòa lời ca, tôi ca hơi trật nhịp nên bị đưa đi học tập cải tạo vài năm. Ra khỏi nhà tù là tôi vù ngay ra khỏi nước (và chưa bao giờ dám bước chân trở lại) nên không có cơ hội "nhìn tình hình đạo đức lớp trẻ hiện nay", theo lời khuyến cáo thượng dẫn.

Tôi chỉ được nghe quí vị nhân sĩ, trong cũng như ngoài nước, nói về chuyện đạo đức (của mọi tầng lớp, chứ chả riêng gì "lớp trẻ hiện nay") với rất ít lạc quan.

Nguyễn Huệ Chi : "Sự khủng hoảng đạo đức trong xã hội chúng ta đã vượt khỏi cái ngưỡng mà như một quy ước vô ngôn, mọi xã hội văn minh không bao giờ cho phép vượt. Hãy cứ nhìn vào nhiều ngõ ngách của đời sống, bất cứ vùng miền nào cũng diễn ra như cơm bữa những chuyện nhức nhối mà lý trí thông thường không thể giải thích, đôi khi có cả những chuyện tưởng chừng đã chạm đến bản năng sinh tồn nó phân biệt con vật với con người (mẹ ném con xuống sông, bố giết con, ông giết cháu, con giết bố giết mẹ…). Phải coi đây là một sự băng hoại không thể xem thường, một cảnh báo về nguy cơ tồn vong của cộng đồng dân tộc".

Nam Dao : "Tóm gọn, căn cơ của khủng hoảng đạo đức hiện nay là sự áp đặt cái ‘Đạo Đức Cách Mạng’ biện minh và hỗ trợ cho cuộc đấu ‘một mất một còn’ của giai cấp vô sản với gia cấp tư sản. Hiểu Marx một cách hời hợt, nhưng biết phương pháp tổ chức Lênin, nhất là thấm nhuần cái sắt máu Stalin-Mao, những người nắm quyền lực ở Việt Nam từ thế hệ cụ Hồ đến nay đã đưa xã hội chúng ta vào tình trạng đạo lý rễu rã".

Tống Văn Công : "Những cuộc học tập đạo đức Bác Hồ đối chiếu với thực tế cuộc sống đang diễn ra hoàn toàn trái ngược : Trên báo chí ngày nào cũng đọc thấy những chuyện thối tha : ông bộ trưởng tham nhũng bị đi tù ; ông phó Tổng cục trưởng mua dâm trẻ em ; ông trung tướng công an, ông giám đốc Đài phát thanh móc ngoặc với bọn xã hội đen ; ông phó ban Tổ chức tỉnh ủy đi bia ôm trong giờ hành chính ; ông Bí thư Tỉnh ủy được đưa tiền mua chức. Rất, rất nhiều ông đồng chí khác, kể cả những ông cán bộ tuyên huấn cấp huyện, những người chuyên lên lớp về đạo đức Bác Hồ cũng đã ăn chặn tiền quyên góp cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tiền Tết của đồng bào nghèo… Người dân buộc phải nghĩ : đạo đức cách mạng hóa ra chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi của mấy ông cán bộ, đảng viên".

Ngoài những "mảng tối", tấm gương đạo đức của Bác Hồ còn " không ít chuyện rắc rối" – theo như cách nói của tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ – nên luân lý xã hội mới đen thui và "rệu rã" như hiện cảnh.

daoduc1

Bà Đàm Bích Thủy, hiệu trưởng Đại học Fulbright, là một nhân vật có tên trong hồ sơ Panama nên chắc chắn không "thiếu hụt" gì

Bi kịch, tuy nhiên, không chỉ giới hạn trong phạm vi đạo đức. Ngày 4 tháng 8 năm 2017, Vietnamnet loan tin :

"Hiệu trưởng Trường Đại học Fulbright Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy, cho biết sẽ dạy các môn Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh khác biệt so với các trường đang dạy hiện nay... Đối với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, theo bà Thủy, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một phần trong lịch sử Việt Nam, nếu là người Việt Nam, chúng ta nên tự hào về giai đoạn lịch sử đó".

Dù tuyệt đối tôn trọng qui chế đại học tự trị, và giáo dục tự do, tôi vẫn hơi băn khoăn là làm sao qúi vị trong ban giảng huấn của Đại học Fulbright có thể mở lớp giảng dậy về "môn tư tưởng Hồ Chí Minh" khi chính đương sự đã tự xác nhận rằng : "Tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác–Lê" hay : "Bác tự nhận mình chỉ nêu ra được tác phong, còn tư tưởng lý luận thì để cho Mao Chủ tịch".

Cả một dân tộc mất hơn hai phần ba thế kỷ để học tập đạo đức cùng tư tưởng của một người hoàn toàn vô đạo đức, và cũng chả có tư tưởng gì ráo trọi, bộ chưa "đã" sao ?

Bà Đàm Bích Thủy là một nhân vật có tên trong hồ sơ Panama nên chắc chắn không "thiếu hụt" gì, lương bổng cho chức vụ hiệu trưởng Đại học Fulbright cũng được lấy từ một phần tiền thuế của chính tôi nữa, thế sao bà ấy phải đến nỗi bán miệng để nuôi thân như thế – hả Giời ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/09/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn