Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhà nước cộng sản Việt Nam đã mặc thị nhìn nhận đảo Tri Tôn không thuộc chủ quyền của Việt Nam.

triton1

Vị trí đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa

Vụ tàu khu trục của Mỹ, chiếc US Stethem, áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm chủ nhựt, 2 tháng bảy, đã tạo phản ứng hết sức gay gắt nơi Trung Quốc. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung quốc ông Lục Kháng cho rằng hành vi của tàu chiến Mỹ là "khiêu khích chính trị và quân sự, đe dọa an ninh Trung Quốc". Ông này cũng cho biết Trung Quốc sẽ đưa tàu chiến và phi cơ chiến đấu đến khu vực.

Báo chí cho biết chuyện này xảy ra sau cú điện thoại của ông Trump cho Tập Cận Bình về vụ Bắc Hàn.

Điều này cho thấy Mỹ đã đặt Biển Đông lên bàn cân để mặc cả với Trung Quốc về vấn đề Bắc Hàn. Hệ quả là Mỹ có thể "giao" Biển Đông cho Trung Quốc nếu vấn đề Bắc Hàn được Trung Quốc giải quyết theo ý muốn của Mỹ.

Nhưng ý muốn của ông Trump là gì vẫn chưa rõ rệt.

Bắc Hàn là "hòn đá tảng" cho hòa bình khu vực Bắc Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật, Nam, Bắc Hàn, Nga (và Mỹ). Hòn đá "chông chênh", thí dụ Bắc Hàn sụp đổ, Hàn quốc thống nhứt. Nga và Trung Quốc (thậm chí Nhật và Mỹ) sẽ không bao giờ chấp nhận một tình huống địa chiến lược đảo ngược, bất lợi cho nhiều phía.
Hàn Quốc thống nhứt, đông dân và giàu mạnh, xứng danh với tên "Đại Hàn", chắc chắn sẽ không cần đến Mỹ. Quân Mỹ đóng ở đây, không còn lý do ở lại, phải rút về. Đồng thời một Hàn quốc giàu mạnh thách thức cả Nhật lẫn Trung Quốc. Di sản lịch sử giữa Đại Hàn và Nhật để lại từ thế kỷ 19 đến sau Thế chiến thứ II có nhiều gúc mắc chưa giải tỏa hết. Trật tự khu vực sẽ thay đổi.

Có lẽ ông Trump muốn thay Kim Jong-un bằng một lãnh tụ khác, hiếu hòa và biết điều hơn. Điều này nằm trong khả năng của Trung Quốc. Nhưng vấn đề là người có thể thay thế Jong-un là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với Jong-un, đã bị giết ở phi trường Mã Lai (sát thủ là hai phụ nữ, trong đó có một người Việt Nam).

Thế lưỡng nan, "statu quo ante" chấp nhận hiện trạng, không bao lâu thì hỏa tiễn Bắc Hàn có thể đe dọa cả Hoa Kỳ. Lật đổ Kim Jong-un, cái hộp "pandore" (la boite de pandore) sẽ mở ra, chiến tranh đau khổ sẽ lan tràn. Nếu ai có đọc lịch sử thần thoại Hy Lạp sẽ biết điều này.

Nhưng vấn đề chiếc tàu khu trục của Mỹ đi qua vùng lãnh hải của đảo Tri Tôn, bất kể sự phản đối của Trung Quốc, lại cho ta thấy thái độ của lãnh đạo cộng sản Hà nội về chủ quyền lãnh thổ.

Luật Biển của Việt Nam điều 12 nói về "chế độ pháp lý của lãnh hải". Khoản 2 ghi như sau :

"Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam".

Luật biển của Việt Nam không khác với luật biển của Trung Quốc về việc tàu chiến đi qua lãnh hải quốc gia.

Ta thấy phía Trung Quốc cực lực phản đối, đe dọa đưa tàu chiến và máy bay tới để ngăn cản, khi biết tàu khu trục của Mỹ đi qua hải phận đảo Tri Tôn. Trong khi phía Việt Nam hoàn toàn im lặng, xem như việc này không liên quan đến quốc gia mình.

Sự im lặng của Việt Nam, trước một sự việc đòi hỏi nhà nước phải có thái độ, được tập quán quốc tế xem như là sự "động thuận ám thị".

Nhà nước Việt Nam đã mặc thị nhìn nhận đảo Tri Tôn không thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb. nhantuan.truong, 04/07/2017

************************

Nhưng sai lầm trong bài viết về đảo Tri Tôn của BBC

Để ý thấy lúc này BBC viết bài sai khá nhiều, nhứt là các bài về chuyên môn. Lý do bị VOV định hướng hay thiếu người vậy ?

Bài viết về đảo Tri Tôn, tôi đọc còn nóng hổi vì mới ra lò, là điển hình tiêu biểu.

Vụ tàu khu trục Mỹ đi qua hải phận 12 hải lý của đảo Tri Tôn, các chuyên gia, nhà báo người Mỹ xem đó là thông điệp Mỹ "không công nhận tuyên bố chủ quyền" của tất cả các nước có yêu sách (Việt Nam, Trung Quốc và Đài loan), hay là "thách thức đường cơ sở" của Trung Quốc. Tôi không có ý kiến. Ai muốn hiểu sao hiểu.

Theo tôi, chiếu theo điều 17 luật Quốc tế về Biển, "quyền qua lại không gây hại", thì tàu khu trục của Mỹ, hay của bất kỳ nước nào, đều có quyền qua lại lãnh hải của đảo Tri Tôn, (hay lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào đó).

Chiến dịch "freedom-of-navigation operation" gọi tắt là FONOP của Mỹ là phản ảnh trên thực tế điều 17 của Luật Biển quốc tế.

Vấn đề là luật Biển của Trung Quốc buộc các tàu qua lại trong lãnh hải nước họ (tức trong vòng 12 hải lý) thì phải xin phép trước.

Theo tôi, hợp lý thì việc tàu chiến Mỹ đi qua vùng hải phận đảo Tri Tôn là thách thức bộ luật biển của Trung Quốc. Đơn giản vì bộ luật này không phù hợp với luật quốc tế.

Điểm sai thứ nhứt của bài viết, trong đoạn dẫn sau đây :

"Năm 1932, Pháp tuyên bố đưa quần đảo Hoàng Sa vào thuộc Liên bang Đông Dương và lập một trạm khí tượng tại đây".

Sai là vì Pháp sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào Việt Nam chớ không phải vào Liên bang Đông dương.

Thoạt tiên vào tháng 8 năm 1925 Toàn quyền Đông dương tuyên bố quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratleys) là những lãnh thổ thuộc Pháp.

Năm 1931, nhân lúc nhà cầm quyền Trung Hoa cho đấu thầu khai thác phân chim (guano) trên các đảo Hoàng Sa, chính phủ Pháp gởi công hàm phản đối đồng thời tuyên bố chủ quyền tại quần đảo này (ngày 4 tháng mười hai năm 1931).

Ngày 13 tháng tư năm 1932 Pháp gởi công hàm minh thị Việt Nam có chủ quyền lịch sử tại Hoàng Sa. Pháp tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa với tư cách là nhà nước bảo hộ. Cùng thời kỳ Pháp yêu cầu nhà cầm quyền Trung Hoa giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế nhưng TH từ khước.

Điểm sai thứ hai, trong đoạn dẫn sau đây :

"Sau năm 1954, khi Hiệp định Geneva chia đôi Việt Nam (tạm thời), con số quốc gia tuyên bố chủ quyền tăng lên gấp đôi.

Sai vì không hề có việc "số quốc gia tăng gấp đôi".

Theo hiệp định Genève 1954, hai bên nam và bắc Việt Nam là "hai miền" thuộc về một quốc gia duy nhứt, thống nhứt ba miền bắc trung nam, độc lập và có chủ quyền.

Hai bên Trung hoa, lục địa và Đài Loan, từ khi Tưởng Giới Thạch thua trận Mao Trạch Đông và chạy ra cát cứ Đài loan, năm 1949 đến nay, luôn giữ nguyên tắc "một quốc gia duy nhứt".

Đài loan và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa. Nhưng hai bên có chung nền tảng là Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Hoa.

Điểm sai khác, không thành vấn đề như cũng ghi vô. Là phe Mao không hề "tiếp quản" Hoàng Sa từ tay phe Tưởng, như bài báo đã ghi. Quân Quốc dân đảng (thấy giữ không được) nên rút bỏ.

Điểm sai thứ ba, trầm trọng nhứt, đó là đoạn dẫn sau đây :

"Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa cũng nói họ mới là bên có chủ quyền chính đáng từ tất cả những gì người Pháp trao trả lại".

Hoàn toàn sai.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chưa hề có một tuyên bố bất kỳ nào về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, ngoại trừ công hàm 1958 do Phạm Văn Đồng ký tên. Nhưng nội dung công hàm này Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lại nhìn nhận chủ quyền các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc.

Còn về ý kiến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có "quyền chính đáng", ở "tất cả những gì người Pháp trao lại", theo tôi, có lẽ tác giả đã nằm mơ, hay tự "sáng tác" ra thêm.

"Kế thừa" di sản chính đáng, được sự nhìn nhận của quốc tế, từ các thời vua chúa xa xưa, cho đến các chúa nhà Nguyễn, sau đó triều đình nhà Nguyễn, rồi đến nhà nước thuộc địa… là "Quốc gia Việt Nam" của ông Bảo Đại (thành lập theo Hiệp ước Elysée 1948). Sau đó là hai nền đệ nhứt và đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa.

Nhà nước Pháp đã tuyên bố "caduc - vô hiệu lực" tất cả các kết ước giữa Pháp và Việt Nam, sau 1975, vì sự im lặng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (sau khi chiếm được miền Nam).

"Xù" hết, phủi sạch trơn, kế thừa cái gì ?

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 04/07/2017

Published in Diễn đàn