Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có tổn thất dân sự trong vụ án liên quan điều luật hình sự 331 hay không ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 08/04/2023

Nói rõ hơn, liệu có thể quy đổi thành tiền trong đền bù phần dân sự cho thiệt hại được gây ra theo điều luật 331 của Bộ luật hình sự hiện hành ?

331-1

Các nghệ sĩ yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bổi thường thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng - Ảnh minh họa ông Đàm Vĩnh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên, ông Lê Công Vinh

Cơ quan Cảnh sát diều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do bà Nguyễn Phương Hằng cùng các đồng phạm thực hiện. Cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị truy tố bà Hằng cùng bốn đồng phạm.

Nguồn tin cho biết Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra lệnh tạm giam đối với bà Hằng thêm 19 ngày.

Tính nhạy cảm của nghề "nghệ sĩ" (!?)

Theo kết luận điều tra, bà Hằng đã thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu (Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây), ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh).

Tổn thất dân sự đối với các bị hại trong vụ án liên quan điều luật 331 này, khá bất ngờ khi một số đương sự đưa ra các con số cụ thể như sau :

Bà Trần Thị Thủy Tiên và chồng là ông Lê Công Vinh yêu cầu bà Hằng và đồng phạm bồi thường tổn thất về vật chất là 30,4 tỷ đồng ; bồi thường tổn thất về tinh thần là 14,9 tỷ đồng do các phát ngôn xúc phạm bà Tiên và ông Vinh.

Ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) yêu cầu bà Hằng và đồng phạm xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại về vật chất 43 tỷ đồng do các phát ngôn của bà đã xúc phạm ông.

Bà Đặng Thị Hàn Ni yêu cầu bà Hằng và đồng phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) chưa có yêu cầu bồi thường về vật chất mà yêu cầu bà Phương Hằng và đồng phạm phải xin lỗi do các phát ngôn xúc phạm mình. Bà Lê Thị Giàu và bà Trương Thị Việt Hà không yêu cầu bồi thường về vật chất mà yêu cầu bà Hằng và đồng phạm xin lỗi do bài viết xúc phạm hai bà.

Ông Nguyễn Đức Hiển không có yêu cầu bồi thường về vật chất mà yêu cầu bà Hằng và đồng phạm xin lỗi do các phát ngôn xúc phạm ông.

Khả thi của yêu cầu đền bù bạc chục tỷ ?

Nghị quyết 02/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ.

phuonghang0

Ông Lê Công Vinh, bà Trần Thị Thủy Tiên, ông Đàm Vĩnh Hưng yêu cầu bồi thường thiệt hại

Trường hợp người yêu cầu bồi thường thiệt hại không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nguyên tắc chung thì đúng là trường hợp cá nhân đăng tải, chia sẻ các thông sai sự thật, trái pháp luật gây thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người khác thì cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, đều có quyền khởi kiện yêu cầu cá nhân đó bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm : Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại ; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút ; Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài chịu trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại trên, người có trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận ; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở hiện nay, theo Nghị quyết 69/2022/QH15 là 1.490.000 đồng.

Từ quy định cụ thể trên cho thấy yêu cầu "bồi thường tổn thất về tinh thần là 14,9 tỷ đồng do các phát ngôn xúc phạm bà Tiên và ông Vinh" là không phù hợp.

‘Drama’ đòi đền bù thiệt hại ?

Giả dụ như ở phiên xét xử hình sự sơ thẩm sắp tới, phía luật sư biện hộ cho bà Nguyễn Phương Hằng cho rằng số tiền bồi thường dân sự cần phải chứng minh làm rõ, nên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà Nguyễn Phương Hằng, yêu cầu tách riêng vấn đề giải quyết dân sự, liệu có ảnh hưởng gì đến chuyện xét xử ?

Đề xuất trên nếu có từ các luật sư trong trường hợp trên, sẽ được căn cứ theo điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, quy định "Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự".

Theo quy định này, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, trường hợp vấn đề dân sự chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Như vậy, trong trường hợp vấn đề dân sự được tách ra giải quyết bằng vụ án dân sự, thì nếu các bên tự thỏa thuận hoặc tòa án hòa giải và các bên thống nhất thỏa thuận được với nhau về vụ án thì tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, và có nghĩa họ không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 08/04/2023

******************************

‘Tách dân sự’ trong án hình sự Nguyễn Phương Hằng

Hà Nguyên, VNTB, 08/04/2023

Nếu để pha loãng về tin tức chính trị nào đó, rất có thể là kịch bản ‘tách dân sự’ trong vụ án hình sự về điều luật 331 đối với bà Nguyễn Phương Hằng.

331-2

Bà Trần Thị Thủy Tiên, nếu thật sự muốn đòi bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường, thì nên tiến hành khởi kiện dân sự

Khi ‘tự do dân chủ’ gây thiệt hại ( ? !)

Ngày 6/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam ở Bình Dương) cùng 4 đồng phạm về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Kết luận điều tra còn ghi nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của 10 bị hại do bà Nguyễn Phương Hằng cùng đồng phạm gây ra.

Trong lịch sử tố tụng của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho đến nay chưa ghi nhận vụ án cáo buộc về tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ" có phần yêu cầu đền bù dân sự về những thiệt hại gây ra. Lý do rất dễ hiểu : định tính và định lượng của cáo buộc "quyền tự do dân chủ" vốn đã thiếu rõ ràng, nói gì đến thiệt hại cụ thể có thể cân đo, đong đếm về mặt vật lý.

Điều 584. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau : Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Theo nội dung kết luận điều tra, các bị can trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng đã có hành vi vượt quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân.

Như vậy, về nguyên tắc thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải chứng minh hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân này được thực hiện như thế nào, và gây ra hậu quả ra sao. Trên cơ sở đó các cá nhân, tổ chức bị xâm phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Một điểm đáng lưu ý, trường hợp yêu cầu dân sự không được tòa án chấp nhận, đương sự có thể phải nộp tiền án phí với mức khoảng 4% giá trị phần yêu cầu tính theo lũy tiến. Bởi vậy, khi vụ án này được đưa ra xét xử, tòa án sẽ làm rõ yêu cầu bồi thường thiệt hại là yêu cầu về danh dự nhân phẩm uy tín hay yêu cầu về tài sản, với yêu cầu về danh dự nhân phẩm uy tín mà không được chấp nhận hoặc chỉ được chấp nhận một phần, phần còn lại sẽ không phải nộp tiền án phí.

Nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản mà không được chấp nhận, người đưa ra yêu cầu phải nộp án phí theo quy định của pháp luật.

Tiền lệ về ‘đền bù’ của ‘tự do dân chủ’ (!?)

Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đòi bà Phương Hằng bồi thường 88 tỷ đồng.

Người viết cho rằng chuyện đòi hỏi bồi thường dân sự như nêu trên, nhiều khả năng là một kịch bản mang tính ‘truyền thông định hướng’, bởi vì chắc chắc phía luật sư của ông Đàm Vĩnh Hưng, và vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên hiểu rõ rằng đối với bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm bị xâm hại mà các bên không thỏa thuận được với nhau, tòa án sẽ quyết định mức bồi thường thiệt hại không quá 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định đối với mỗi người bị hại, tức tương đương không quá 14 triệu đồng, được quy định cụ thể tại điều 592, Bộ luật dân sự về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Các thiệt hại gọi là "tổn thất về vật chất" đối với ông Đàm Vĩnh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên, ông Lê Công Vinh cũng cần được chứng minh bằng các giấy tờ hợp lệ, phù hợp với luật pháp về kế toán. Để làm được điều này, rất có thể phải xem xét luôn cả chuyện thuế thu nhập cá nhân của các bên liên quan ra sao trong trường hợp "tổn thất về vật chất"…

Ở đây xin được lưu ý về trường hợp của bà Lê Thị Giàu.

Từ trước đó, lúc bà Nguyễn Phương Hằng chưa vướng vòng lao lý, bà Lê Thị Giàu đã khởi kiện dân sự bà Nguyễn Phương Hằng đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng. Theo đó, hồi tháng 6/2021, Tòa án nhân dân quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) thụ lý vụ án dân sự "Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Giàu (62 tuổi, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây) và bị đơn là Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam).

331-3

Bà Lê Thị Giàu (Ảnh : Bình Tây Food).

Bà Lê Thị Giàu khởi kiện yêu cầu Nguyễn Phương Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần, với số tiền 1.000 tỷ đồng ; buộc Nguyễn Phương Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm nguyên đơn và thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp của nguyên đơn ; buộc Nguyễn Phương Hằng công khai xin lỗi và cải chính thông tin.

"Cho dù Nguyễn Phương Hằng đã bị bắt, thì vụ kiện dân sự về việc tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng vẫn tiếp diễn bình thường và tôi sẽ theo đến cùng vụ kiện này", bà Lê Thị Giàu nói.

Như vậy xem ra các đương sự như ông Đàm Vĩnh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên, ông Lê Công Vinh, nếu thật sự muốn đòi bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường, thì nên rạch ròi tiến hành khởi kiện dân sự tương tự như bà Lê Thị Giàu, thay vì ‘ăn theo’ điều luật hình sự 331 về "lợi dụng quyền tự do dân chủ"…

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 08/04/2023

*****************************

Bà Lê Thị Giàu đã sử dụng về quyền tự do dân chủ như thế nào ?

Cát Tường, VNTB, 0804/2023

Chia sẻ với giới truyền thông, bà Lê Thị Giàu trình bày, năm 2017 bà quen biết với bà Nguyễn Phương Hằng khi đến viếng Phước Sơn thiền viện (tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Sau đó, cả hai không có quan hệ làm ăn ; không phải bạn bè.

331-4

Bà Lê Thị Giàu đệ đơn kiện bà Phương Hằng đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng vì hành vi xúc phạm danh dự

Về sau, bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên nhắn tin cho bà với lời lẽ xúc phạm, mang tính đe dọa. Bà Giàu nhiều lần nhắc nhở và đề nghị bà Hằng dừng ngay những hành động này lại nhưng bà Hằng cố tình không nghe nên bà Giàu đã lập vi bằng các tin nhắn này.

Cũng theo bà Lê Thị Giàu, ngày 14/5/2021, trong buổi livestream, bà Nguyễn Phương Hằng trực tiếp nói chuyện với chủ đề : "Bà Nguyễn Phương Hằng công bố động trời về Lê Thị Giàu và sư thầy Bửu Chánh (chùa Phước Sơn) khiến người nghe bất ngờ".

Theo bà Giàu, buổi livestream đó, bà Nguyễn Phương Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín của bà khi bịa đặt, vu khống bà những chi tiết, như : "ép bức sư Bửu Chánh – trụ trì chùa Phước Sơn trả lại tiền và xe cho bà Hằng" ; "thùng tiền công đức của chùa do bà Giàu quản lý" ; "bà Giàu là doanh nhân siêu lừa đảo, hung dữ" ; "mua tượng phật và hoa không trả tiền" ; "bà Giàu giật tiền của nhiều người 5 – 10 năm không trả"…

"Đặc biệt, điều tôi quan tâm là bà Nguyễn Phương Hằng xúc phạm uy tín thương hiệu Mì lá bồ đề, Dầu nhị thiên đường, "là thương hiệu đểu, chứng nhận giả". Các nhãn hiệu này do tôi làm chủ đang hoạt động, sản xuất bình thường", bà Giàu nói.

Về lý do khởi kiện đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng, bà Giàu nói : "Giá trị một con người và thương hiệu sản phẩm do con người tạo ra không thể tính bằng tiền. Và càng không thể bị tổn hại bởi một con người làm mưa làm gió, thích nói gì thì nói trên mạng xã hội trong thời gian vừa qua. Không ai dám kiện thì tôi phải kiện để bảo vệ chính mình".

Cát Tường

Additional Info

  • Author Hoài Nguyễn, Hà Nguyên, Cát Tường
Published in Diễn đàn