Chuyện ông bán thuốc diệt muỗi
Có một chuyện cổ Trung Hoa về người bán thuốc diệt muỗi như sau :
Có một người ngồi dưới gốc cây bán thuốc diệt muỗi. Người ấy không ngừng rao : Mua đi, mua đi. Thuốc của ta chỉ dùng một lần, muỗi mẹ, muỗi cha, muỗi bà, muỗi ông, muỗi con, muỗi cháu, muỗi chắt, muỗi chít đều chết hết.
Ông Đoàn Ngọc Hải - Photo : VTC News
Dân làng đổ xô vào mua.
Mang về, chả con muỗi nhi đồng nào thèm lăn ra chết cả, nói gì đến muỗi mẹ, muỗi cha, muỗi ông, muỗi bà, muỗi cố, muỗi cụ.
Bèn tức giận xông ra người bán thuốc muỗi ấy. Chỉ nghe lão ta nói :
- Ây da các vị bình tâm bình tâm. Thuốc của ta công hiệu như thần, bảo đảm không lừa các ngươi. Cũng là do ta chưa chỉ vẽ cách dùng thuốc cho các vị. Các vị chỉ cần nhét một ít thuốc vào miệng con muỗi ấy, chúng nó sẽ chết lăn ra, đảm bảo không con nào sống sót.
Dân làng cả giận nói :
- Thế thì ta một tay bóp chết luôn con muỗi cho rồi, cần gì phải bắt rồi nhét thuốc vào miệng nó ?
Lão bán thuốc bèn nói…
Lão nói gì thì ta sẽ quay trở lại ở cuối bài này vậy.
Câu chuyện của ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên phó chủ tịch quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh, nói không ngoa, có lẽ là câu chuyện lạ lùng và điển hình nhất về quan trường mấy năm gần đây.
Nói lạ lùng vì không mấy ai dám viết một cái đơn từ chức thẳng thừng huỵch toẹt như ông Hải. Chốn quan trường Việt Nam chỉ thấy người người lăn lộn xông vào, có phải bò lết ôm chân cấp trên cũng quyết không buông tay, người dân đã quá quen. Đây một ông quan đang tuổi tráng niên, ngồi cái ghế phó chủ tịch cái quận trung tâm béo bở nhất nhì Sài Gòn, quan lộ đang thênh thang mà khăng khăng rũ áo về vườn, làm sao không lạ ?
Dân đen thấy nó lạ. Các lớp quan nhỏ quan to chắc cũng kinh ngạc, nhưng có lẽ mừng thầm nhiều hơn. Cái thang quan trường dài dằng dặc đen kịt đầu người đun nhau leo lên, một người buông tay lập tức cả đàn nhao nhao thế chỗ. Vui mừng thỏa thuê, họ quay sang cười ông Hải ngu. Được "tổ chức" điều sang cái ghế có danh có thực, tốt hơn hẳn cái chức phó chủ tịch quận tuy cũng thơm đấy nhưng quyền rơm vạ đá, chẳng biết ngậm miệng vào mà ăn lại còn bày đặt bất mãn ! Chắc cha này thần kinh mới thế !
Còn điển hình ? Nó điển hình ở chỗ phanh phui hết những hành động hèn hạ của đám cấp trên của ông Hải, mà lâu nay những việc tương tự người ta chỉ xì xào truyền miệng chứ ít thấy ai công nhiên vạch giữa thanh thiên bạch nhật như vậy.
Ông Hải trước sau đã từ chức hai lần. Lần đầu tiên vào tháng 1/2018. Ông nói lý do từ chức "do không thực hiện được lời hứa trước nhân dân, trước kỳ vọng của các đồng chí lão thành cách mạng" là sẽ giải quyết dứt điểm chuyện lấn chiếm lòng lề đường ở quận 1. Vì nó đã động chạm đến quyền lợi rất lớn, đến hàng ngàn tỷ của các chủ bãi xe ô tô, gắn máy, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các hộ kinh doanh mặt tiền… và MỘT BỘ PHẬN KHÔNG NHỎ CÁN BỘ CỘNG SINH TRONG ĐÓ.
Vỉa hè đường Đông Du, quận 1 bị xe gắn máy lấn chiếm trở lại. Photo : RFA
Đặc biệt, ông Hải nhắn nhủ : "Để lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này cần có sự vào cuộc đồng lòng của tất cả các cấp, của hệ thống chính trị. Đó là điều kiện tiên quyết mà người thực hiện công việc này sau tôi cần phải có".
Ông Hải quả thành thuộc cách hành văn bóng bẩy của người Việt và nhất là của chốn quan trường. Câu này không trực tiếp vạch ra nguyên nhân, nhưng người đọc ai cũng hiểu ông thất bại là do tất cả các cấp và hệ thống chính trị KHÔNG VÀO CUỘC, KHÔNG ĐỒNG LÒNG.
Vì sao họ không đồng lòng ? Vì có một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó.
Tại sao cán bộ cộng sinh ? Vì lợi ích của nhóm cộng sinh lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Chỉ trong vài câu ngắn ngủi, ông Hải đã vạch mặt bản chất của cuộc hô hào lập lại trật tự kỷ cương đằng đẵng hàng chục năm nay ở khắp các thành phố mà người dân ai cũng biết.
Nhưng quan chức thì không được làm thế. Quan chức thì phải nắm vững hai yếu quyết : một là không nói, hai là nói dối. Ông Hải dám tát thẳng vào mặt hệ thống chính quyền mà đòi từ chức dễ dàng à ?
Đồng ý cho ông từ chức ngay lập tức nghĩa là ngầm thừa nhận sự thật trong những lời tố cáo. Là thừa nhận cái chiến dịch rầm rĩ với vô số bộ luật và nghị định thực ra chỉ là cú hô hào suông, kêu gọi mép, cốt cho đám dân đen ngu muội ngửi một tí hơi mật ngọt rồi tiếp tục ngoan ngoãn, nhưng mục đích cốt yếu là nâng giá bảo kê với những nhóm lợi ích đang chia nhau hàng ngàn tỷ kia hay sao ?
Cấp trên của ông Hải đâu có khờ khạo thế.
Ông Hải được cấp trên mời nói chuyện đi nhiều lần, theo báo chí cho biết là để làm rõ những tâm tư, khúc mắc. Những cuộc nói chuyện chắc hẳn phải sâu sắc lắm, đồng cảm lắm, thấm đẫm nghĩa tình đồng đội và trên hết là quyết tâm cao độ để lập lại trật tự kỷ cương lắm, cho nên mới bốn tháng sau, vào tháng 5/2018, người ta thấy ông Hải tự tay viết cái đơn mới, rút lại đơn từ chức cũ.
Trong đơn mới này, quyết tâm của ông càng cương quyết hơn gấp mấy lần.
Sau một thời gian đình trệ, dân quận 1 lại thấy ông Hải đi chỉ đạo đập hết những chướng ngại lấn chiếm lòng lề đường.
Dư luận từ lâu vốn chia làm ba phe. Một phe căm ghét, chế giễu ông Hải vì bảo ông làm màu, giả vờ chơi trò nhiệt tình cống hiến để lên quan lên tước. Một phe bênh vực và cổ vũ ông Hải vì những kết quả thực tế ông mang lại cho đường phố Sài Gòn. Phe còn lại tọa sơn quan hổ đấu, rung đùi cười ruồi, chê ông ăn no vác nặng, tự nguyện làm đầu sai cho một bọn ăn trên ngồi trước, ngu mà không tự biết.
Ông Phó chủ tịch quận nhất, Đoàn Ngọc Hải, chỉ huy dọn dẹp vỉa hè trung tâm Sài Gòn hôm 27/2/2017 Photo courtesy of baogiaothong.vn
Những người ủng hộ đang vừa tiếc nuối vừa khâm phục vị quan nói rũ áo về vườn là rũ, thì đùng một cái bị lá đơn thứ hai làm cho sửng sốt rồi thất vọng. Hai phe còn lại thì sung sướng cười ngất. Thiên hạ một phen bấn loạn.
Nhưng thôi, chuyện từ chức rồi lại không từ chức nữa tuy khó thấy ở chính quyền Việt Nam, nhưng cũng không phải là không thể xảy ra. Ông Hải lại làm phó chủ tịch, lại tổ chức đi dẹp lòng lề đường. Ai cười, ai hận, ai chế giễu thì vài tháng cũng qua. Chuyện của ông nguôi dần.
Thế rồi, không hổ danh là những tay chơi bài cào tột đỉnh, công phu và kiên nhẫn có thừa, đến lúc này cấp trên của ông Hải mới thình lình đánh ra con tẩy.
Chính là việc bất ngờ đưa ông Hải về làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn, doanh nghiệp trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 4/6/2019, tức gần một năm sau.
Vị trí này đâu cần làm gì nhiều. Công trình có sẵn, có công trình thì có hoa hồng. Trách nhiệm thì Tổng giám đốc chịu. Nói cho ngay, cái ghế này ngon ăn, nhẹ gánh hơn làm phó chủ tịch quận nhiều.
Chỉ có một điểm đặc thù nho nhỏ là với chức vụ mới này thì ông Hải không thể dẫn quân đi đập phá chướng ngại vật, dẹp thoáng lòng lề đường được nữa.
Không còn cái kẻ ngu xuẩn ngang bướng ấy nữa,thì các NHÓM LỢI ÍCH NGÀN TỶ, trong đó có CÁN BỘ CỘNG SINH, cứ tiếp tục cộng sinh và hưởng lấy đống vàng trên trời rơi xuống. Mai sau nhỡ nảy nòi ra thằng cán bộ nào không biết trời đất, lại hăng hái đi dẹp lòng lề đường, thì còn cái gương anh Hải to tầy liếp đấy, cứ từ từ mà nhìn.
Thật là hay, cấp trên ! Thật là giỏi, cấp trên ! Thật là chu đáo, cấp trên ! Kín kẽ tuyệt vời đâu ra đấy như áo trời không nhìn thấy đường may !
Đến nước này, ông Hải dù nhiệt tình như lửa cũng không thể không nhận thấy bộ mặt thật của các "đồng chí" nữa.
Trong tấm ảnh chụp buổi sáng trao quyết định bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng, ông Hải không che giấu vẻ mặt miễn cưỡng khó chịu, trái ngược hẳn với vẻ tươi cười của người bên cạnh.
Ngay chiều hôm đó, lá đơn từ chức lần thứ hai của ông Hải được loan tin rộng rãi trên báo chí. Lần này, ông Hải không chừa chỗ để "các cấp lãnh đạo" lại tiếp tục làm việc, tìm hiểu tâm tư và động viên nữa. Ông tuyên bố từ chức thẳng trước 10 năm, và trong khi chờ giải quyết thì nghỉ hẳn hai tháng không lương.
Trong đơn, ông Hải cho biết các lần làm việc với lãnh đạo thành phố trước đây, ông từng xung phong về làm Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, hoặc cán bộ Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện huyện. Tuy nhiên, thành phố dự kiến điều động ông giữ chức Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý, sau đó là Phó ban An toàn thực phẩm, rồi chính thức bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng Sài Gòn.
"Những lần dự định như thế này có thể nói là tùy tiện trong công tác điều động cán bộ, đã làm tổn thương đến cá nhân tôi. Đây là điều trăn trở lớn nhất đối với tôi từ trước tới nay. Phải chăng việc tôi chỉ huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có máu mặt và kết quả với tôi ngày hôm nay là như vậy"-lần này không bóng gió nữa, ông Hải chơi luôn bài ngửa.
Đoạn giới thiệu các bài viết liên quan của VnExpress dưới đây có thể là tình cờ nhưng rất hay ho. Nó bộc lộ những gì "các cấp lãnh đạo" của ông Hải thực nghĩ, trái ngược với những động viên, an ủi, kỳ vọng… mà ông từng lầm tưởng.
Trích :
- Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh : 'Anh Đoàn Ngọc Hải được phân công đúng chuyên môn'
- Bí thư Quận 1 : 'Anh Đoàn Ngọc Hải từng nói sẽ nhận bất kỳ công việc gì'
- Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm : 'Ứng xử của anh Đoàn Ngọc Hải rất khó hiểu'
- Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh : Chức mới của ông Đoàn Ngọc Hải lương ngang phó giám đốc sở
Câu của chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh ngụ ý đang từ một phó quận được cất lên, hưởng lương cao ở cấp thành phố, ưu ái quá rồi, sao còn bất mãn ! Nhận xét này sặc mùi xôi thịt và thiếu đói tận trong bản chất, gợi nhớ nhân vật của Jack London suýt chết đói một lần nên về sau lúc nào cũng nhét đầy bánh mì vào vỏ đệm.
Lãnh đạo cao nhất của một thành phố phát triển nhất cả nước mà dùng đồng lương để nhận xét về tâm tư của đồng sự cấp dưới, người tiên phong và là người duy nhất thực hiện được việc lấy lại lòng lề đường quận 1 trong hàng chục năm qua như thế, quả là một sự sỉ nhục cho cái chức vụ ông ta đang (có lẽ nhờ cú ăn may nào đó) tình cờ vớ được.
Bà cựu Hội đồng Quyết Tâm cũng khoe sự gian manh không kém. Trong bài báo được dẫn, bà ta nói : "Ai cũng muốn thành phố gọn gàng, lịch sự, sạch sẽ nhưng phải có lộ trình". Thưa bà, lộ trình là chờ các ông bà chia xong cái gói hàng ngàn tỷ từ lề đường kia, có phỏng ?
Còn đánh giá việc từ chức của ông Hải là khó hiểu thì vẫn thưa bà Tâm, làm gì có ai khó hiểu, hay nói toẹt ra là tráo trở (chứ khó hiểu cái *beep* gì, dân ai mà chả hiểu) bằng các ông bà. Khi mới vài mấy tháng trước vừa an ủi, động viên, kỳ vọng… sâu sắc, chân tình phát khóc lên được, cứ như bằng hữu cắt máu ăn thề với nhau, giờ lời chưa qua miệng đã nuốt òng ọc. Nhưng muốn giả trá não cũng phải nhăn nheo một tí, chứ phẳng lì như bà, tôi thương hại lắm.
Bí thư quận 1 thì tỏ rõ tinh thần dậu đổ bìm leo, thừa nước đục thả câu, khoái trá ti tiện : "Anh từng nói sẽ nhận bất cứ công việc gì cơ mà, thế thì đẩy anh đi làm lao công cũng đừng hòng phản đối, hóa ra anh lại sân si thế này…".
Giám đốc Sở Nội vụ thì cun cút nem nép đúng vai trò một kẻ trông nhà ngoan ngoãn trung thành. Bất kể ông Hải không hề có bằng cấp kỹ sư xây dựng hay chuyên môn về quản lý xây dựng, cứ chỗ nào cấp trên phân công ông đi thì đều là đúng chuyên môn cả. Ngu thế cũng nói ra được, thật là kỳ tài !
Hay, ý ngầm của ông Giám đốc là với cái thể chế này mà làm lãnh đạo thì cần *beep* gì có chuyên môn với kiến thức ? Thằng *beep* nào cũng thế, mà vẫn làm lãnh đạo bao nhiêu năm nay đấy thôi, có chết thằng tây nào ?
Hôm qua 16/8, báo chí Việt Nam lại đưa tin về ông Hải. Đoạn tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết lãnh đạo Ban Tổ chức Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nói : "Chúng tôi cũng muốn giải quyết vấn đề làm sao để ông Đoàn Ngọc Hải không cảm thấy bức xúc. ĐÁNH NGƯỜI CHẠY ĐI, KHÔNG AI ĐÁNH NGƯỜI CHẠY LẠI, làm việc phải đâu đó, đàng hoàng".
Ông Đoàn Ngọc Hải ơi, đến giờ ông sáng mắt chưa ? Đồng chí, đồng đội của ông vu hãm ông tham lam, bất tín, náo loạn tổ chức. Đến bây giờ thì ông chính thức thành kẻ thù địch.
"Đánh kẻ chạy đi không đánh người đánh lại", câu tục ngữ này chỉ dùng với những kẻ phạm tội lỗi, cớ sao ông tổ chức thành ủy dùng với đồng chí của mình ? Có phải việc điểm trúng huyệt, nói toẹt cái gói lợi ích ngàn tỷ cùng những kẻ cộng sinh kia đã khiến ông trở thành con cừu đen trong mắt các "đồng chí" ?
Rồi bây giờ đạt mục đích rồi, không phải run rẩy giữ cái mặt nạ đồng chí anh em nữa, các "đồng chí" vui sướng hả hê bôi nhọ một kẻ đã buông súng ?
……
Thôi tôi kể tiếp chuyện ông bán thuốc muỗi.
Lúc dân tình vây quanh tức giận bảo nếu phải bắt muỗi nhét thuốc vào miệng mới chết thì cần gì bỏ tiền ra mua, cứ đập chết quách là được, thì vị bán thuốc thủng thẳng nói :
- Thì ta cũng đâu có cấm các ngươi làm thế.
***
Ông Hải nhé, lần này là lần thứ hai tự tay viết đơn từ chức nhé…Cái bẫy giương ra từ lâu rồi.
"Ta cũng đâu có cấm ngươi làm thế"
Tâm Phong
Nguồn : RFA, 17/08/2019
Tham khảo :
https://vnexpress.net/thoi-su/ong-doan-ngoc-hai-tu-chuc-pho-tong-giam-doc-cong-ty-xay-dung-sai-gon-3933550.html
https://enternews.vn/ong-doan-ngoc-hai-tu-chuc-lan-2-e159.html
https://enternews.vn/ong-doan-ngoc-hai-bat-ngo-lam-pho-tong-giam-doc-tong-cong-ty-xay-dung-sai-gon-151431.html
https://enternews.vn/ong-doan-ngoc-hai-co-biet-dan-tiec-cho-ong-123184.html
https://enternews.vn/vua-nhan-quyet-dinh-bo-nhiem-ong-doan-ngoc-hai-lien-nop-don-xin-tu-chuc-151442.html
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tp-hcm-xem-xet-cho-ong-doan-ngoc-hai-thoi-viec-559398.html
https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/don-xin-tu-chuc-cua-ong-doan-ngoc-hai-pho-chu-tich-quan-1-post182904.gd
Nếu Hà Nội khuấy động dân tình với chủ trương không bán không ăn thịt chó, thì Hồ Chí Minh lại đang nóng lên với những chiến dịch tìm diệt chó.
Những chuyện chó ấy, không chỉ là Hà Nội.
"Công an tịch thu chó, dân tình, hàng quán nháo nhào ôm chó chạy trốn" - Những bản tin hết sức khôi hài về các cuộc tấn công bắt giữ chó, tràn mặt báo.
"Sáng 18.9, lực lượng chức năng P. Trung Mỹ Tây tiếp tục ra quân kiểm tra các quầy bán thịt chó tại đường Trung Mỹ Tây 13.
Khi đoàn di chuyển đến khu vực chợ Trung Mỹ Tây, nhiều người buôn bán thịt chó nháo nhào. Một số người lập tức mang thịt chó vào bên trong nhà rồi đóng cửa khoá kín. Có người đang sửa soạn sơ chế nội tạng chó bỏ ngang đi nơi khác tránh mặt. Thậm chí, có người đang giao hàng cũng ôm thịt chó chạy thục mạng vào bên trong lòng chợ" (trích bài tườ ng thuật trên báo Thanh Niên ).
Đấy là cuộc tổng tấn công hàng quán thịt chó tại quận 12.
Quận 1, cuộc ra quân rầm rộ đuổi bắt chó đã diễn ra từ mấy tháng qua. Vị tổng chỉ huy chiến dịch chó này, không ai khác, chính nhân vật Hải Cẩu huyền thoại.
Sau thất bại ở đợt ra quân dẹp loạn vỉa hè, Đoàn Ngọc Hải nộp đơn từ chức. Chưa từ chức được, đang đợi cấp trên duyệt thì ông lại đổi ý, viết "đơn rút đơn từ chức".
Không từ chức. Cũng không cẩu xe dẹp loạn vỉa hè nữa. Đoàn Ngọc Hải chuyển hướng, mở các cuộc tấn công chó, truy đuổi và triệt bắt chó thả rông.
Tuy không còn vẻ hung hăng như trong chiến cuộc vỉa hè, nhưng sự quyết liệt đến dữ dằn từ trong ánh mắt ông Hải không hề khác. Đôi mắt nhìn kinh sợ. Cho dù, đối tượng của ông hiện là chó, chứ không còn là dân thúng bán bưng như trước.
Thật tình hoảng.
Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra ?
Nếu tỉnh thành nào cũng như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Cả nước đồng loạt những chính sách chó, và những cuộc tổng tấn công chó như thế, thì sao nhỉ ?
Cứ liên tưởng vậy mà kinh !
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 18/09/2018 (truongduynhat's blog)
Cơn mưa bất ngờ chiều tháng Ba, khiến không ít người ngạc nhiên. Thành phố tối sầm như một ngày tháng 7. Mưa lớn đến mức như trút nước, như muốn tự mình làm sạch đời sống Sài Gòn. Mưa xối xả như muốn đẩy hết bụi bặm và những ngổn ngang chồng chất vừa được tạo ra từ chiến dịch đầy sóng gió trong đời sống và dư luận dân chúng, vốn được gọi là "dọn dẹp vỉa hè".
Đoàn quân ô hợp của ông Hải, phó chủ tịch quận 1, đã chuốt nhọn và nham nhở bậc tam cấp của quán café Starbuck nằm ở ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương
Trong những bức ảnh được giới thiệu trên mạng xã hội, người ta nhìn thấy đoàn quân ô hợp của ông Hải, phó chủ tịch quận 1, đã chuốt nhọn và nham nhở bậc tam cấp của quán café Starbuck nằm ở ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương. Bức ảnh nói thật nhiều điều về một chiến dịch thị uy và duy ý chí, phia trước là sự hài lòng vô minh của một nhóm người, và phía sau là tiếng thở dài của đám đông.
Cuối tháng ba, những dòng tin vội vã và ít ỏi cho biết ông Hải tạm dừng các chuyến hành quân "dọn dẹp" của mình, lừng lẫy không khác gì các cuộc tuần tiễu trên biển Đông. Có bình luận là do công việc đã thành công bước đầu và ông Hải giao lại cho các quận. Nhưng cũng có lời bàn rằng ông Hải phải thu mình lại, trước những chỉ trích không vừa và các dấu hiệu sai phạm ngày càng lộ rõ.
Cơn mưa chiều tháng Ba quá lớn, tạt ướt cả khoảng nhà trước của một người dân trên đường Hồng Thập Tự cũ. Vừa che, vừa lau, người đàn ông này liên tục quát lên một mình "mẹ cha tụi nó, cái mái hiên xếp thì có ngăn cản gì vỉa hè mà tụi nó ập vô tháo rồi lấy ?".
Một cụ già ngồi im lặng nhìn bậc tam cấp của nhà hát Nguyễn Văn Hảo có gần trăm năm bị đập đi
Trong những bức ảnh ghi lại về chiến dịch này, có hình ảnh một cụ già ngồi im lặng nhìn bậc tam cấp của nhà hát Nguyễn Văn Hảo có gần trăm năm bị đập đi. Bức ảnh gợi nhớ một truyện ngắn của Pearl Buck (1892-1973) về một chiến dịch dọn dẹp nhân danh phát triển ở Trung Quốc, mà một cụ già ngồi nhìn những ngổn ngang gạch đá bị đập phá trong hiện thực của mình và ngơ ngác lắng nghe giấc mơ của những nhà làm chính trị. Cụ già không hiểu. Cụ khóc. Với cụ, chính trị cùng mọi thứ đó cũng chỉ là rác.
Mọi người dân Sài Gòn đều yêu thành phố của mình. Và chắc chắn ai cũng vỗ tay cho một đổi thay thiết thực và hợp lý cho thành phố mà mình đang sống. Nhưng khi vỗ tay, có không ít người chậm nhịp dần, buông xuôi vì nhận ra rằng đằng sau của tiếng hô đầy âm điệu chính nghĩa ấy, là những điều gì đó rất chính trị. Loại chính trị xa vời đời sống của người dân. Loại chính trị cũng như rác.
Chiến dịch dọn dẹp ấy làm dậy lên những lời bàn từ vỉa hè, có thể không hoàn hảo như một chứng cứ, nhưng đó là những lời bàn từ lòng dân bật ra, cũng không kém thú vị để lắng nghe.
Trong chiến dịch đập phá của một người miền ngoài trực tiếp chỉ huy, người ta nhìn thấy có bóng của vị bí thư - cũng ở miền ngoài - đang nắm quyền lực ở Sài Gòn. Chiến dịch như một phương án tái cấu trúc lại quyền lực giữa một tình thế mà người có quyền ấy cảm thấy không vui vì sự bất phục ở chung quanh.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị : "Các anh phải xuống đường, đồng hành cùng ông Hải, đừng để dư luận bức xúc".
Ông Hải là một giải pháp phá băng, và thị uy, và phần nào giúp giải tỏa được những sự tức giận của vị bí thư cảm giác mình lạc lõng. Thậm chí, chính ông Hải cũng là người lạc lõng đáng thương khi tự mình đương đầu với tất cả trong chiến dịch, trong cơn bão phản ứng từ mọi phía. Trong cuộc họp giao ban ngày 11/3, khó chịu vì các quan chức địa phương ở Sài Gòn thiếu hợp tác với ông Hải, bí thư Thăng phải lớn tiếng : "Các anh phải xuống đường, đồng hành cùng ông Hải, đừng để dư luận bức xúc". Có vẻ như nhiều quan chức Sài Gòn không muốn dính vào các hoạt động bị nhiều bình luận là "bất nhân" ấy.
Trong bối cảnh Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn đều bị đồn đoán là có hệ thống cát cứ - và nếu có - thì ắt hẳn Sài Gòn như đang sở hữu một tính "cát cứ" rất riêng và thâm trầm của mình. Đến lúc này, người ta phải tự hỏi là không biết là báo chí ở TP đã cỗ vũ nhiệt tình cho chiến dịch chỉ tay của ông Hải, hay là vô hình trung lẳng lặng thu thập các chứng cứ bất lợi cho ông Hải, bao gồm cả những phát ngôn có thể bị khởi kiện về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, nói "Thế kỷ 21 mà vẫn còn nghe tiếng búa đập vào văn hóa của Hồng vệ binh, nhưng ghê rợn hơn bởi tiếng hò reo ủng hộ từ những tờ báo mạng"
Và có vẻ như đòn quyết định được tung ra vào ngày 26/3, khi có nhận định rằng những việc làm của ông Hải, thông qua sự yểm trợ của ông Thăng là "không có luật pháp", được phát đi từ trang cá nhân của ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, con trai trưởng của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh. 3 ngày sau lời nhận định mạnh mẽ và trực tiếp bất ngờ này, ông phó chủ tịch quận 1 tuyên bố tạm dừng.
Lời nhắn của ông Lê Mạnh Hà ghi rằng "Thế kỷ 21 mà vẫn còn nghe tiếng búa đập vào văn hóa của Hồng vệ binh, nhưng ghê rợn hơn bởi tiếng hò reo ủng hộ từ những tờ báo mạng" có một sức mạnh khó lường. Lý do không phải chỉ bởi từ một người có chức vụ cao trong hệ thống, mà quan trọng vì ông Hà được coi là một người hết sức liêm khiết trong bộ máy. Sự lên tiếng này, không khác gì đòn điểm huyệt vào chiếc đồng hồ Patek Philippe và chiếc điện thoại Vertu mà ông Hải đã im lặng tháo đi ngay trong những ngày đầu.
Ông Hà viết "người ta coi dân như kẻ thù, vỉa hè như chiến trường, Thành phố Hồ Chí Minh như trong thời chiến và không có luật pháp".
Vang lên từ vỉa hè, sau những tiếng búa tiếng chày nện đinh, người ta nói rằng có thể đó là lương tâm của những người có trách nhiệm trước viễn cảnh Sài Gòn hoang tan bật lên tiếng. Nhưng cũng có người nói rằng đó là những phần phông màn phía trước của các câu chuyện thâm sâu khó lường đang diễn ra trước Hội nghị Trung ương 5, khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 5 sắp tới. Dĩ nhiên đó chỉ là những lời bàn từ vỉa hè, như một loại rác của thời, rác của cuộc đời, rác của chính trị.
Dĩ nhiên, trong chiến dịch của ông Hải, không phải là không có người thật sự ủng hộ. Sau 42 năm, chứng kiến sự bất toàn và bất nhất trong việc lãnh đạo, người dân Việt Nam nói chung đã quá mệt mỏi và luôn bừng dậy trước một hình ảnh nào đó mang lại cho họ hy vọng rằng sự tốt đẹp nhất đã đến. Thậm chí, để được tốt đẹp, họ chấp nhận những sai lầm ban đầu của những người dám làm. Thật không có gì tàn nhẫn hơn khi lợi dụng sự khổ đau của con người Việt Nam đang vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, rồi mị dân, dẫn dắt họ đi về những lý lẽ biện luận lạc lối với nền văn minh và luật pháp.
Và trong các chiến dịch pha màu sắc dân túy cực hữu như vậy, luôn có một đám đông được sinh ra, loạn lạc và tự diệt trong những sự điên cuồng ủng hộ và điên cuồng đập phá. Thời của Hitler, để có một đám đông "ghê rợn" như ông Lê Mạnh Hà mô tả, nước Đức đã tạo ra các đoàn thanh niên Quốc xã như Deutsches Jungvolk và Bund Deutscher Mädel. Thời của Mao Trạch Đông, cũng có những đám đông "ghê rợn" như vậy từ Hồng Vệ Binh.
Trong lịch sử, từ những câu chuyện và con người đã đi qua hỗn loạn ấy, chiến dịch ấy… - nếu chúng ta lùi lại để ngắm nhìn – thì thấy mọi thứ đều chỉ là rác của một thời.
Cám ơn cơn mưa tháng Ba. Làn gió mát và những dòng nước như đang cố rửa sạch rác rưởi còn lại từ những ngày qua. Sài Gòn, thành phố của chúng ta vẫn còn đó, dù như thế nào đi nữa, thì hôm nay đã lại dầy thêm trong lịch sử hơn 300 năm thăng trầm, về những chuyện kể từ vỉa hè. Chuyện kể về rác của một thời.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 30/03/2017 (tuankhanh's blog)