Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trước các đe dọa của Tập Cận Bình, Washington quay lại bảo vệ Đài Loan. Các chuyên gia Mỹ thúc Washington công khai cam kết bảo vệ hòn đảo nhằm răn đe khả năng Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực. RFI giới thiệu bài phân tích của nhật báo le Figaro số ra ngày 08/09/2020.

dailoan1

Máy bay F-16 của không quân Đài Loan do Mỹ cung cấp, biểu diễn trong một sự kiện tại Đài Trung, Đài Loan, ngày 28/08/2020.  Reuters - Ann Wang

Bóng dáng chiếc khu trục hạm USS Halsey màu xám trong eo biển Đài Loan hôm 30/08 vừa qua, giống như chòi gác của Mỹ, thách thức bờ biển Phúc Kiến, Trung Quốc ngay sát cạnh. Lần thứ 2 trong vòng 15 ngày, một chiến hạm của hải quân Mỹ lướt sóng trong vùng biển chiến lược này để khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với hòn đảo "nổi loạn" Đài Loan, giữa lúc viễn ảnh một cuộc xâm lăng từ nước Trung Quốc của chủ tịch Tập Cận Bình đang lớn dần.

Chính quyền Trump đã cho công bố các bức điện mật ngoại giao từ thời tổng thống Reagan, theo đó chính quyền Mỹ khi đó có hứa bảo đảm an ninh, tiếp tục bán vũ khí và hỗ trợ kinh tế cho Đài Loan. Vào thời đó, tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa đã kín đáo trấn an đồng minh Đài Loan, đang hoang mang vì Mỹ xích lại gần với một nước Trung Quốc đang manh nha mở cửa, cất cánh kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình.

Bốn mươi năm sau, người kế thừa Tập Cận Bình ngạo nghễ lên nắm quyền ở cường quốc thứ 2 thế giới, khẳng định quyết tâm hoàn thành sự nghiệp "thống nhất" Trung Quốc, bằng sức mạnh quân sự, nếu cần. Hòn đảo 23 triệu dân trở thành đường đứt gãy nguy hiểm trong quan hệ Mỹ Trung, có thể làm bùng nổ xung đột trực tiếp giữa Washington và Bắc Kinh.

"Có nguy cơ Tập Cận Bình muốn thúc đẩy thống nhất nhân kỷ niệm Đảng cộng sản 100 tuổi vào năm 2021. Phương Tây phải chuẩn bị với một cuộc xâm lăng quân sự có thể xảy ra", theo nhận định của John Pomfret, một cựu thông tín viên của Washington Post tại Bắc Kinh, tác giả của cuốn sách The Beautiful country and the Middle Kingdom (Đất nước tươi đẹp và vương triều Trung Hoa).

Việc "giải mật 6 cam đoan" nằm trong chiến dịch hỗ trợ Đài Bắc của Mỹ được tái khẳng định từ nhiều tuần qua, vào lúc Đài Loan được cho là mục tiêu tiếp theo của Đảng cộng sản Trung Quốc sau khi đã áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông hồi tháng 6.

Liên tiếp các động thái hậu thuẫn Đài Loan

Bộ trưởng Y tế Mỹ, Alex Azar, đã đến thăm tổng thống Thái Anh Văn hôm 10/08 để chúc mừng nền dân chủ non trẻ này đã thành công đối phó với đại dịch Covid, trong khi mà Bắc Kinh chặn mọi cửa không cho hòn đảo mà họ luôn coi là một tỉnh của Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Y tế Thế giới. Chuyến đi của một quan chức chính phủ Mỹ tới thủ đô Đài Loan mang tính biểu tượng nhằm khẳng định hậu thuẫn nền dân chủ trẻ đã khiến Hoa lục nổi đóa.

Bắc Kinh ngay lập tức lên án các động thái bảo trợ Đài Loan của Mỹ, chỉ trích Washington "vi phạm nghiêm trọng" nguyên tắc "một nước Trung Quốc duy nhất", hòn đá tảng trong quan hệ giữa hai nước lớn có từ thời Richard Nixon 1972. "Vấn đề Đài Loan liên quan đến toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Không một ai có quyền xem thường quyết tâm cứng rắn của chúng tôi trong việc bảo vệ điều đó", phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố như trên.

Washington biện hộ cho việc đã phá vỡ nguyên tắc này qua lời vụ trưởng bộ Ngoại Giao phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, David Stillwell, rằng Mỹ "không tỏ lập trường về vấn đề chủ quyền lãnh thổ Đài Loan". Nhưng Washington vẫn liên tục có các động thái ủng hộ Đài Loan, như thông báo "đối thoại kinh tế" với vùng đất được gọi là pháo đài chế xuất công nghệ. Việc làm này mở ra cánh cửa cho khả năng ký một thỏa thuận tự do mậu dịch. Đây cũng lại là điều làm Bắc Kinh nóng mắt. Trong tháng 8, Washington chính thức quyết định bán 66 chiến đấu cơ F-16 cho không quân Đài Loan. Đây là hợp đồng vũ khí đầu tiên kể từ 1992 thời tổng thống George H. Bush.

Trên mặt trận quân sự, các căng thẳng trên biển, trên không giữa quân đội Trung Quốc-Đài Loan và Mỹ nổi lên mạnh.

Ở Bắc Kinh, báo chí diều hâu tố cáo các máy bay Mỹ đã cất cánh từ hòn đảo nổi loạn để tiến hành các chuyến bay trinh sát về hướng đại lục. Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo thiên hướng dân tộc chủ nghĩa còn kêu gọi Trung Quốc phải cho chiến đấu cơ kiểm soát bầu trời Đài Loan. Một kịch bản đặt hai cường quốc hàng đầu thế giới bên bờ vực xung đột đang hình thành.

Sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ trong Giải phóng quân Trung Quốc (APL) và đầu óc dân tộc chủ nghĩa quyết đoán của Tập Cận Bình, thêm vào đó là những khó khăn vì đại dịch, đó là những yếu tố càng làm cho chiến lược của hòn đảo Đài Loan trở nên mong manh. Hiện đại hóa quân đội Trung Quốc đã làm "xói mòn hoặc xóa đi nhiều lợi thế quân sự mà Đài Loan đã có trong quá khứ", như nhận định trong báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc. Đài Bắc đã cho hiện đại hóa cỗ máy quân sự. Điều này được ghi nhận trong cuộc tập trận quy mô lớn hồi tháng Bảy năm nay với giả định đẩy lùi một cuộc xâm lược lên đảo. Nhưng hòn đảo nhỏ Đài Loan chỉ có thể đẩy lùi các cuộc tấn công của Bắc Kinh "trong 24 giờ", như lời tổng thống Thái Anh Văn. "An ninh của Đài Loan bấp bênh, sự sống còn của hòn đảo phụ thuộc vào Hoa Kỳ", Mathieu Duchatel, giám đốc khu vực Châu Á Viện Mongtaigne của Pháp khẳng định.

Can thiệp quân sự ?

Nhưng một cuộc can thiệp quân sự của Hoa Kỳ rất khó có thể xảy ra được khi hai bên không có hiệp định quốc phòng.

Hơn thế nữa, các nhà quan sát khẳng định, cứ nhìn vào tổng thống Trump hiện nay và sự thoái lui của Barack Obama tại Syria thì thấy "giờ đây, không ai có thể phó thác cho sự bảo lãnh của Mỹ". Đây là điểm yếu mà mà Bắc Kinh nhằm vào. Họ dùng chiến thuật chiến tranh hao mòn cùng tính toán rằng dư luận Mỹ sẽ không chấp nhận rủi ro xảy ra xung đột quy mô thế giới chỉ để bảo vệ Đài Bắc.

Tại Washington, những tiếng nói có ảnh hưởng kêu gọi chính quyền Mỹ chấm dứt " chiến lược mập mờ" này, công khai cam kết bảo vệ đảo Đài Loan để răn đe Tập Cận Bình. " Cách tốt nhất để bảo đảm Hoa Kỳ sẽ không cần phải đến cứu Đài Loan là đánh tín hiệu cho Trung Quốc thấy là Mỹ sẵn sàng làm việc đó", Richard Haas và David Sacks, chuyên gia của cơ quan tư vấn chính sách đối ngoại Mỹ Council on Foreign Relations khẳng định trên tạp chí chuyên về quan hệ quốc tế Foreign Affairs.

Vậy cũng đáng làm bùng lên một cuộc khủng hoảng lớn ở eo biển này, bất chấp cam kết về nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất. "Những gì đang diễn ra trong eo biển Đài Loan có thể quyết định tương lai Châu Á", hai chuyên gia trên cảnh báo. Cả hai cũng nhấn mạnh lùi bước ở Đài Bắc sẽ là dấu hiệu Mỹ suy yếu trong khu vực, đồng thời làm tổn hại sự tin cậy của các đồng minh vào Mỹ, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc và như thế sẽ mở ra cho nước Trung Quốc chuyên chế con đường thênh thanh.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Diễn đàn