Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Người dân Đức Phổ (Quảng Ngãi) nghĩ gì khi chính quyền đàn áp thảm khốc đồng bào quê hương họ ?

Tàn cuộc chiến với "giặc thù", thằng Năm, anh Bảy, cũng vội nhảy tót lên xe công vụ, rồ ga mất hút. Chỉ có chất thải từ động cơ xe còn ở lại.

ducpho1

Người dân Đức Phổ biểu tình, ngăn cản Nhà máy xử lý rác thải (xã Phổ Thạnh) hoạt động.

Sa Huỳnh Cửa, biển mặn màu huyết lệ

Đồng bào tôi, gục ngã trước tà quyền

Hai câu thơ này, tôi viết cho người dân ở Đức Phổ, xứ Quảng, quê hương của tôi, khi họ bị tà quyền chém giết không nương tay. Thời điểm nào, tôi đã không còn nhớ, bởi làm gì có, cái gọi là tà quyền, ở thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ này, mà là chính quyền vì dân.

Tháng 3 Dương lịch năm nay, thay vì ra khơi kiếm con chuồn, con hố (2 loài cá, có nhiều nhất ở biển miền Trung, từ tháng 3 đến tháng 6 Dương lịch), như mọi khi, thì người dân Đức Phổ lại phải tập trung biểu tình, ngăn cản Nhà máy xử lý rác thải (xã Phổ Thạnh) hoạt động. Làm ơn xin đừng hủy hoại môi sinh, gây ô nhiễm thêm vùng quê này nữa. 

"Người nách thước kẻ tay đao. Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi". Đây là hai câu thơ, trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du tả về loài sai nha, chuyện xưa lắm rồi. Còn ở Đức Phổ, vừa qua, khi người dân phản đối, thì chính quyền vì dân, chứ đâu phải bọn "đầu trâu mặt ngựa", nên chăng sẽ có hành xử, không rừng rú nữa. Tôi tin như thế, nên liên hệ với một Cụ ông (lão làng xã Phổ Thạnh), để xin lắng nghe, đồng thời lược chép lại cảm xúc của Cụ, khi Công an tràn về làng. Nếu một ai đó, có xem những dòng lược ghép này, là đại diện cho hầu hết tâm tình của đồng bào Đức Phổ, tôi không có phản đối. 

ducpho00

Lo ngại ô nhiễm, bệnh tật,… người dân xã Phổ Thạnh yêu cầu huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) di dời nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh.

Bây giờ thì, cùng lắng nghe ! Đầu tiên, Cụ hỏi tôi rằng : "Tôi nói anh có nghe rõ không ?". Có một chi tiết, thật Cụ không biết diễn tả thế nào, bởi nó rất chi là Người. Trong khi, lực lượng công an sắc, thường phục chính quy của toàn thể tỉnh Quảng Ngãi, có xuất thân ở huyện Đức Phổ - quê hương của cô Trâm Y tá - là rất nhiều. Mà đó cũng chính là lực lượng tràn về làng, mới đây.

Có lẽ, cuộc đàn áp này, nên giao cho K20 của Bộ Công an thì hay hơn. Bởi được thế, sẽ không làm tổn thương, hỏng luôn phần tâm hồn Người còn lại, của các anh công an có quê Đúc Phổ. Cụ ông bao đời sinh sống ở đây, hỏi mà như lời than oán : Như thế này, sao mà không tổn thương được chứ, với bất kì ai còn là Người, khi mà…

Khi mà, Cụ ông tin rằng, trong đám đông "nhằm thẳng nhân dân mà đánh" kia, ắt có người sinh ra và lớn lên từ Đức Phổ, là thằng Năm, hay anh Bảy, ở quê vẫn hay gọi thế, tùy cụ thể. Bấy lâu nay, các anh trở lại quê hương, đồng bào vẫn nở nụ cười mặn mà như muối cửa Sa Huỳnh, đón thằng Năm, hay anh Bảy,. Cái điều vốn dĩ người quê, tình quê vẫn thường dành cho đứa con xa xứ. 

Ấy vậy mà, nụ cười chất phác thật thà đượm nghĩa tình kia, vội tắt ngấm, trời đất tối sầm cả lại, như những ngày bão biển. Bởi thằng Năm, hay anh Bảy, lần này nó đến Sa Huỳnh, để "diệt thù", chứ không phải nó về quê, thăm mộ phần gia tiên nó, như mọi khi trước đó. Quả thật, nó đang "diệt thù" làng nước, đồng bào ơi ! 

Hãy nhìn kìa, nó và những đồng chí của nó, được vũ trang tận răng. Còn có cả chó, cơ man nào là chó với chó. (Có lần nó kể cho dân làng nghe rồi truyền tai nhau : "Nhìn chó thế đấy, chứ được tập luyện có bài bản hẳn hoi, nghe lời người "chủ" dữ lắm, nên luôn xung phong cân xé giặc thù". Tất nhiên, chi phí cho đám chó này, cũng lấy từ tiền thuế của nhân dân, có cả đồng bào miệt biển này. Người dân biển nơi đây, cứ mỏi mòn mong nó về, để hỏi, bởi lần đó chưa kịp hỏi (chưa nghĩ ra để hỏi cũng nên), hỏi rằng : Chó của nó, có cắn chủ của nó không ?).

Tiếc quá, giờ thì làm sao mà hỏi, khi nó đang tả xung hữu đột "diệt quân thù". Trông nó mới anh hùng, mới đáng tự hào làm sao. Thật phước đức biết bao cho những ai đã sinh thành, nuôi nó lớn, để có được ngày hôm nay. Ngày hôm nay, thành quả ấy là, buộc phải giẫm đạp lên mặt, lên đầu, đánh cùi chỏ lật, hay thúc gối hết lực, những động tác, chỉ dành cho kẻ thù (như giặc Trung Quốc chẳng hạn). 

Kẻ thù mà nó đang đánh đập không chút nương tay, cho dù là bà già, hay ông lão, tuổi tác đẻ ra được song thân nó đấy chứ. Kẻ thù của nó, chỉ là bọn tạp nham, không quy cũ, lại đói ăn, nên trông cứ như vất va vất vưởng ấy chứ. Quả thật, đường vinh quang là con đường ra làm sao, người dân quê nó không một ai tỏ tường. Nhưng những con đường miền quê hương đẻ ra ông Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tròn 44 năm, vẫn "xây xác quân thù", thì đồng bào bán mặt cho biển, bán xác cho nhà máy xử lý rác thải trái quy định, đã thấy rõ. Rất rõ là đằng khác ! Thế có lạ lùng, dị hợm không ?

Tàn cuộc chiến với "giặc thù", thằng Năm, anh Bảy, cũng vội nhảy tót lên xe công vụ, rồ ga mất hút. Chỉ có chất thải từ động cơ xe còn ở lại. Chới với trong làm mờ đục ấy, người Đức Phổ còn kịp nhìn thấy, những bàn chân, những cánh tay của giặc thù, chưa lọt hẳn vào trong những thùng xe công vụ kia, khi thân thể gắn kết bị vứt chỏng chơ, như số phận thằng trộm chó. Cũng nhờ sự kịp nhìn thấy ấy, mà đồng bào nơi đây, òa tức tưởi, uất nghẹn, vì "giặc thù" ngỡ là bọn giặc Trung Quốc vẫn ngày đêm cướp đảo, chiếm biển, thâu tóm đất liền Việt Nam ta. 

Có ngờ đâu, đời không như ước mơ, chưa hẳn. Nhưng, đảng không như ước mơ, thì tuyệt đối cấm có sai. Hóa ra, "giặc thù" vừa bị thằng Năm, anh Bảy hạ gục kia, chính là người dân quê vùng diêm muối này. Thì ra, nó hận thù cả quê hương chôn nhau cắt rốn của nó, nên lần đến này, nó đánh đồng bào của nó, đá đồng hương của nó, hăng say và cật lực nhất.

Dẫu sao thì, cũng cảm ơn những điều mà nó và đồng chí nó ban tặng cho người nhà quê Đức Phổ. Ít ra, nó cũng gián tiếp giúp trả lời được câu hỏi còn chưa kịp hỏi nó : Chó có cắn chủ của nó hay không mà thôi. Câu trả lời thật chó đến vô cùng, vô cực, cho loài chó hôm nay.

Đàm Ngọc Tuyên lược ghi

Nguồn : VNTB, 15/03/2020

Additional Info

  • Author Đàm Ngọc Tuyên
Published in Diễn đàn

Hàng ngàn tiếng súng Đặng Ngọc Viết, Đặng Văn Hiến sẽ nổ khi bi kịch cướp đất còn tiếp diễn

Ngày 28/6/2019, có ít nhất 2 clip lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, 2 clip ghi lại hình ảnh người dân nghèo ở Long Hưng - Đồng Nai đã chọn quyết tử với chính quyền sở tại để bảo vệ tài sản là đất đai hợp pháp của họ.

longhung1

Cướp đất là nỗi kinh hoàng, là bi kịch lớn nhất hiện nay của người dân Việt Nam - Ảnh : Cưỡng chế đất ở Long Hưng Đồng Nai cho tập đoàn Dona Corp.


Được biết, đất đai của người dân nơi đây, nhiều năm về trước, chính quyền bắt đầu tiến hành thu hồi, đền bù rẻ mạt, để giao cho tập đoàn Dona Corp. Chính quyền thu hồi đất và đền bù 60.000 VNĐ/m2 (sáu mươi ngàn đồng/m2) cho dân, nhưng cũng vị trí đất được đền bù đó, lại có giá bán ra là 29.000.000 đ/m2 (hai mươi chín triệu đồng/m2). Chênh lệnh giữa hai mức giá này là 483 lần, tính tròn số. Kinh hoàng.

Vì lẽ đó, cho nên người dân Long Hưng quyết tâm sẵn sàng chống trả lại lực lượng cưỡng chế đất, bằng tất cả những gì người dân có trong tay, theo phương thức "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Trong clip có độ dài 2 phút 55 giây ghi lại vụ việc này, được nhà báo Trương Châu Hữu Danh chia sẻ trên trang cá nhân, cho thấy : người dân sẽ cho nổ một vật mang tính sát thương nào đó, để chọn chết cùng với những con người nhân danh pháp luật đi thực thi pháp luật, cụ thể ở đây là "cưỡng chế đất của dân".

Cũng từ những hình ảnh trong clip, nếu tắt âm thanh đi, sẽ khiến cho bất kì ai trong chúng ta là người xem, đều có nhận định đang xem clip mô tả lại một trận chiến sống còn, xảy ra ở Việt Nam, hơn là việc cưỡng chế đất. Cho dù, chiến tranh đã lùi xa 44 năm, và Việt Nam bây giờ đã là một đất nước "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". Trong cuộc chiến ấy, bọn giặc không phải là "đế quốc Mỹ, hay bọn Ngụy", mà bọn giặc chính là những người Việt đang khoác lên mình những bộ sắc phục khác nhau kia và được trang bị vũ khí tận răng. Những bộ sắc phục, vũ khí trang bị cho họ, được mua sắm bằng chính những đồng tiền thấm đẫm mồ môi, nước mắt, kể cả máu của phe đối nghịch mà giờ đây họ bị xem như kẻ thù, cần tiêu diệt : NHÂN DÂN.

Cướp đất là nỗi kinh hoàng, là bi kịch lớn nhất hiện nay của người dân Việt Nam. Mà điều này, đã đẩy hàng triệu người vào cảnh màn trời chiếu đất, không nhà cửa trở về, không nơi nương tựa. Đau đớn hơn, không ít trường hợp người dân trong số đó, đã phải bị cảnh tù tội, đã phải oan ức, ngã xuống tức tưởi ngay trên mảnh đất của chính họ, trong những cuộc chiến giống như cuộc chiến nêu trên. Một cuộc chiến không cân sức giữa người dân bị cướp đất, với những con người khoác bộ sắc phục, lăm lăm súng đạn trên tay, sẵn sàng khạc lửa vào những người dân nghèo vô tội này. 

Cần phải minh định cội nguồn tội lỗi khi xảy ra những bi kịch trải khắp cả nước, mà vụ việc ở Lộc Hưng là điển hình, mới nhất. Người dân không chấp hành chủ trương chung của nhà cầm quyền, hay là nhà cầm quyền với AK trong tay nên nhà cầm quyền "đúng ? !

Để phân tích cụ tỉ thì cần nhiều thời gian, và tốn nhiều giấy mực. Nhưng, mọi con đường đi đến bi kịch người dân bị cướp đất, đều xuất phát từ điều này, mà CSVN quy định khi cai trị người dân : "Đất đai là sở hữu của toàn dân, nhưng do Nhà nước quản lý". "Sở hữu của toàn dân" là về mặt chữ nghĩa, cốt yếu lươn lẹo, mị dân, che đậy bản chất cướp bóc đã hình thành tự thuở sơ khai "cướp chính quyền" của "chính quyền cướp". Với 97 triệu dân Việt Nam hiện nay, có ai được cấp "quyền sở hữu đất" không, hay chỉ là "quyền sử dụng đất". Trong khi đó, không ít người dân, diện tích đất đai cụ thể là một tài sản mà nhiều đời trong gia tộc truyền thừa, sở hữu. Thế nhưng, sau ngày 30/4/1975, bỗng dưng quyền sở hữu đất đai của người dân miền Nam mất sạch (đối với người dân miền Bắc thì tai họa này đã ập đến từ nhiều năm trước).

Với danh xưng tự xưng "Nhà nước của dân, do dân và vì dân", họ - những người cộng sản - đã quy định đất đai do họ quản lý, họ sở hữu, còn nhân dân chỉ được họ bố thí cho chút quyền sử dụng, nên họ muốn lấy lại đất đai, hay xóa bỏ quyền sử dụng ấy bất kì lúc nào. Nói cách khác, toàn bộ đất đai lãnh thổ của quốc gia Việt Nam (bao gồm khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên,..) trải qua mấy ngàn năm lịch sử là của dân tộc Việt Nam, bỗng chốc sau ngày 30/4/1975, trở thành tài sản riêng của Đảng cộng sản - tài sản riêng của một nhóm người.

Để quý vị dễ hiểu hơn, tôi xin đưa ra ví dụ minh họa sau. Bạn mua một chiếc xe hơi của anh Vin Vượng với giá 483 đồng, thế nhưng anh Vin Vượng chỉ chấp nhận trao cho bạn quyền sử dụng chiếc xe thôi, chứ quyền sở hữu chiếc xe là của Vin Vượng. Một buổi sáng đẹp trời, có người trả giá cao hơn, thế là Vin Vượng gọi cho bạn bảo sẽ thu hồi xe của bạn đang sử dụng, và trả lại bạn số tiền tượng trưng là 1 đồng, còn xe để bán cho người khác. Bạn không đồng ý, thì anh Vin Vượng cho xã hội đen cưỡng chế lấy xe bạn. Vậy đấy ! Ví dụ thôi, chứ chẳng mấy ai đi mua xe hơi Vin Vượng, nên minh họa hơi khập khiễng.

Trở lại câu chuyện bi kịch của người dân Việt Nam hiện nay khi bị chính quyền cướp đất. Vì điều gì chính quyền của dân, do dân và vì dân nhưng lại tàn ác với chính đồng bào của mình như vậy ? Đồng thời, tôi sẽ liệt kê một vài bi kịch là "cuộc chiến giữ đất của người dân" đối với bọn cướp đất.

Tạp chí Forbes (Mỹ) đã công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018, trong đó Việt Nam có 4 tỷ phú. Tờ Người Lao Động Online đã đăng tải tin tức này, và kết luận : Cả 4 tỷ phú Việt Nam đều giàu lên từ bất động sản, hoặc có liên quan đến bất động sản.

Theo đó, năm 2018, Việt Nam có 4 đại diện sở hữu tài sản tỷ USD. Ngoài Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng và CEO VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo đã có mặt trong danh sách từ trước, thì Việt Nam được bổ sung thêm hai nhân vật mới là Chủ tịch Hòa Phát - Trần Đình Long và Chủ tịch Thaco - Trần Bá Dương.

Năm 2018, là năm thứ 6 liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này, với tài sản 4,3 tỷ USD, đứng thứ 499 thế giới, tăng 1,9 tỷ USD so với năm 2017. Với bà Thảo, đây là lần thứ 2 bà góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới, với tài sản 3,1 tỷ USD, đứng thứ 766. Trong khi ông Dương và ông Long là hai tỷ phú mới của Việt Nam năm nay với tài sản lần lượt 1,8 tỷ USD và 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.339 và 1.756 thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam có hơn 220 người siêu giàu, thì hầu hết cũng đều liên quan đến bất động sản. Ngay cả, mới đây, tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát - một tập đoàn nổi tiếng với con ruồi trong sản phẩm - cũng nhảy vào sân chơi bất động sản, với hàng loạt công ty, tổng vốn điều lệ hơn 19.000 tỷ đồng. Một chuyên gia kinh tế ở Việt Nam đã nhận định về sự giàu có của những tỷ phú này, đại khái như sau : Ở Việt Nam, cứ có thêm một tỷ phú, một người siêu giàu, thì đất nước này, dân tộc này nghèo thêm một chút. Nói cách khác, trong khối tài sản khổng lồ đó của họ, có máu, có nước mắt, có những tháng năm tù tội oan ức của người dân nghèo Việt Nam. Tất nhiên, thực tế cho thấy, đằng sau sự giàu có của nhóm người này, là sự giàu có của nhóm quan chức : Cả hai cùng giàu lên nhờ cướp đất hợp pháp của người dân. 

Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Lộc Hưng,... là những địa danh mà người dân nơi đây bị cướp đất kinh hoàng. Nhưng, sau đây, tôi sẽ liệt kê tóm tắt 4 cuộc chiến giữ đất của người dân, và kết quả của nó - chi tiết quý vị có thể tìm hiểu thêm trên google. Đặc biệt là, một trong 4 cuộc chiến ấy, bằng quyền lực và súng đạn trong tay, Đảng cộng sản đã đẩy một cháu trai ở tuổi trẻ con mới 15 tuổi vào tù - một tiền lệ chưa hề có ở thế giới văn minh.

Vụ thứ nhất : Sáng 5/1/2012, lãnh đạo huyện Tiên Lãng, Hải Phòng sử dụng cả quân đội để tiến hành cướp đất của ông Đoàn Văn Vươn, với lực lượng đông đảo hơn 100 người bao gồm cả lực lượng công an và quân đội do phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh làm trưởng ban cướp đất. Vào thời điểm đó ông Đoàn Văn Vươn không trực tiếp có mặt nhưng đã chỉ đạo gia đình dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn trả nhằm vào lực lượng cướp đất : 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương. Kết quả : Đất đai ông Vươn giữ được, ông và người thân của ông đi tù vài năm rồi về, tất nhiên phía cướp đất cũng đi tù và mang thương tật cả đời, có người mất mắt.

Vụ thứ hai : Hồi 13g55 ngày 11/9/2013, anh Đặng Ngọc Viết (42 tuổi, ở phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đến Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố ở phường Trần Hưng Đạo. Anh Viết dùng súng côn quay của Trung Quốc bắn đạn chì, nã đạn làm bị thương 4 người gồm : Vũ Ngọc Dũng (Phó Giám đốc Trung tâm), Nguyễn Thành Dương, Vũ Công Cương và Bùi Đức Xuân (cả 3 đều là cán bộ của Trung tâm). Vũ Ngọc Dũng đã chết sau đó, còn anh Viết đã tự sát. Nguyên nhân : Đất đai của anh Viết bị cướp trắng trợn với giá đền bù rẻ mạt.

Vụ thứ ba : Xảy ra ngày 14/04/2015 khi 3 hộ dân ở Thạnh Hóa, Long An đã nổi lửa, tạt acid, và cho nổ bình hàn gió đá để phản đối hành vi mà họ cho là chính quyền tỉnh Long An "cướp đất" của họ, khi chính quyền với lực lượng hơn 300 người tiến hành cưỡng chế tịch thu căn nhà tạm của gia đình ông Can và bà Hương trên mảnh đất mà họ đã sinh sống mấy chục năm trước đó. Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, là con của ông bà Can, Hương, vì bảo vệ cha mẹ mình mà chính quyền đã bắt em đi tù 2 năm (xử phúc thẩm 30 tháng, sơ thẩm 4 năm 6 tháng). Tổng số năm tù mà 11 người dân bị cướp đất trong vụ án này là 27 năm. Nhiều cán bộ, bao gồm cả trưởng công an huyện Thạnh Hóa phải chịu thương tật cả đời. Đặc biệt, đây là vụ án mà có đến 11 luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho người dân bị cướp đất.

Vụ thứ tư : Ngày 23/10/2016, được sự hẫu thuẫn của chính quyền tỉnh Đắc Nông, cho nên, hơn 30 cán bộ, bảo vệ Công ty Long Sơn chia thành 2 nhóm mang theo các công cụ hỗ trợ vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của các hộ dân ở tiểu khu 1535, Đắc Nông để cướp đất. Thấy tài sản của gia đình bị san ủi, ông Đặng Văn Hiến lấy súng bắn đạn hoa cải đi ra thì bị nhóm người của công ty chặn lại sát bên hông nhà. Ông Hiến đã bắn chỉ thiên thì nhóm người của Công ty Long Sơn dùng đá ném. Ông Hiến vừa rút lui vào nhà, vừa bắn nhiều phát vào nhóm người của Công ty Long Sơn. Lúc này, ông Hà Văn Trường đã tiếp đạn cho ông Hiến. Sau đó, ông Hiến tiếp tục mang súng ra khu vực san ủi bắn nhiều phát về phía người của Công ty Long Sơn. Ông Ninh Viết Bình cũng cầm súng chạy lên hỗ trợ cho ông Hiến. Kết quả : 3 người chết, 13 người khác bị thương là những người nhận lệnh đi cướp đất. Đất đai ông Hiến, và những người dân khác ở đây đã giữ lại được. Ông Hiến bị tuyên án tử hình nhưng đang chờ điều tra xét xử lại…

Dư luận người dân nhìn nhận thế nào về bốn vụ án trên ? Hàng trăm ngàn người kêu gọi giảm án cho anh Đặng Văn Hiến, chỉ bấy nhiêu thôi đã nói lên tất cả. Còn cá nhân người viết thì giật mình khi nghĩ rằng : 

Rồi đến lúc sẽ có hàng ngàn tiếng súng Đặng Ngọc Viết, hay Đặng Văn Hiến, khi mà bi kịch người dân bị cướp đất vẫn còn tiếp diễn. Đất nước này, dân tộc này rồi sẽ về đâu, khi ngoài kia cướp bóc vẫn cứ lộng hành như vậy ?!

Đàm Ngọc Tuyên

Nguồn : VNTB, 05/07/2019

Published in Diễn đàn